Chữ Tình trong Trường Thi Hòn Vọng Phu của Vũ Thanh

 

Gởi HX,
Sau khi nhận tập Trường Thi Hòn Vọng Phu, mình đã đọc đi đọc lại tác
phẩm này rất nhiều lần, trước khi viết bài cảm nhận. Biết là công lao
của Vũ Thanh không nhỏ để hoàn thành tác phẩm đầy tay này, mình đã đọc

thật kỹ trong suốt 6 tháng để tìm cái đích mà tác gỉa muốn vói tới.
Phải thành thật mà nói, khi nghe tin nhạc sĩ Vũ Thanh, tác gỉa bài hát
nổi tiếng Qui Nhơn Đôi Mắt Người Xưa, viết Trường Thi về một đề tài
khó viết, mình rất hồi họp đợi chờ tập thơ đến tay vì tò mò. Cái tính
tò mò đó về sau bị nội dung tập Trường Thi lôi cuốn với những tình
tiếc hấp dẫn, những câu thơ bóng bẩy và cái tính nhân văn, đã buộc
mình phải thật nghiêm túc khi đọc và nhận xét về tác phẩm lớn này.
Mình có hứa với Vũ Thanh là sau khi đọc xong sẽ viết bài cảm nhận. Lần
lữa hơn 3 tháng mà vẫn chưa viết đuợc chữ nào, mình gởi thư cho VT là
hẹn đến cuối năm sẽ xong. Vũ Thanh thích thú trả lời: “Thanh đã dành
10 năm mới hoàn thành tác phẩm, anh có 1 măm để đọc nó”. Đúng thế!
phải cần thời gian thật lâu, đọc và nghiền ngẫm thật kỹ từng câu thơ
lục bát trong tập thơ này mới thấy hết cái hay của nó. Và sau hơn 6
tháng, mình đã viết được những gì cần viết về tác phẩm này để gọi là
đóng góp, giúp phổ biến rộng ra, nhất là trong giới văn nghệ có nợ nần
với xứ Nẫu.
Với Vũ Thanh, đây là món qùa đầu năm mình dành cho bạn và gia đình.
Những nhận xét này có thể không đúng với ý của tác gỉa nhưng mình muốn
bạn biết được ở đâu đó có người rất tâm đắc với công việc bạn đang
làm. Bạn có khả năng thiên phú khi viết về những trường thiên tiểu
thuyết, trường thi như truyện Huyền Trân Công Chúa, truyện Chàng Lía
Truông Mây…Nhưng cái qúi nhất mình tìm thấy ở bạn là tấm lòng, tình
yêu bạn dành cho quê hương, đất nước và đồng bào nơi quê nhà .
Chào
Nguyên Lương

Chữ Tình
trong Trường Thi Hòn Vọng Phu
của Vũ Thanh
Nguyên Lương

Tháng 7, năm 2011, Vũ Thanh viết xong tập trường thi Hòn Vọng Phu tại Hoa Kỳ. Trường Thi Hòn Vọng Phu có tổng cộng 2466 câu thơ lục bác. Đây coi như tập thứ 2, vì 30 năm trước đó tác giả đã viết tác phẩm này được 1800 câu ở quê nhà nhưng bị thất lạc. Ra hải ngoại Vũ Thanh viết lại từ đầu. Thế mới biết tác gỉa đã dày công, làm một công việc sáng tác văn chương mà ít ai làm được, nhất là ở hải ngoại, nơi mà tài liệu thiếu thốn, thời gian eo hẹp, xa quê hương. Nhưng với tấm lòng luôn hướng về đất tổ cội nguồn, Vũ Thanh đã đem hết tâm huyết, khả năng thi phú của mình viết về một câu chuyện dã sử mà người dân Bình Định ai cũng biết, nhưng biết rất mơ hồ. Câu chuyện truyền thuyết về một hòn đá trên đỉnh núi Bà, phiá Bắc xã Phước Hưng, có dáng mẹ đứng bồng con, mắt nhìn ra biển Đông. Nhưng nếu chỉ vì một tảng đá lớn trên đỉnh núi nơi quê nhà mà tác giả phải bỏ công sức, miệt mài viết trong bao năm liền, thành một truờng thi tầm cỡ, thì khó cho người đọc tiếp nhận. Nói về tích Hòn Vọng Phu ở Việt Nam thì nhiều nơi có, không riêng gì ở Bình Định. Nhạc sĩ Lê Thương đã làm nên tên tuổi với ba bài hát Hòn Vọng Phu. Nếu chỉ muốn ca tụng đức tính nhẫn nại, lo cho chồng con của người phụ nữ Việt Nam thì cũng đã có nhiều tác phẩm thơ văn từ nhiều thời ca tụng. Ở đây, Núi Bà với tác gỉa không đơn gỉan chỉ là một địa danh nơi quê nhà. Tảng đá trên núi cao đó không chỉ là hình ảnh chờ chinh phu của người chinh phụ. Và câu chuyện loạn luân, anh em lấy nhau không là một đề tài dễ để khai thác, hư cấu thành một trường thi. Theo tôi, chuyện Hòn Vọng Phu chỉ là cái cớ để Vũ Thanh gởi gắm cái tình của mình đối với đất nước, non sông, nơi quê quán tác gỉa sinh ra. Có đi xa khỏi quê hương, mới thấy cái tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn đó nó lớn biết chừng nào. Cũng như nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã dấu tâm tình mình trong trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ của đất Tây Sơn, bắt đầu viết ở quê nhà, ra hải ngoại mới hoàn tất và cho xuất bản. Nhà thơ Đinh Hùng (Hoài Điệp Thứ Lang) khi di cư vào Nam, nhớ về đất Bắc ông đã viết về Thăng Long cổ trong truyện dã sử Người Đao Phủ Thành Đại La. Nhưng cả hai là truyện dài, không là trường thi. Vũ Thanh khéo léo lồng câu chuyện hoá đá của người đàn bà ôm con mòn mõi đợi chồng đi chinh chiến trở về trong bối cảnh của thời đại nhiễu nhương phân tranh Trong-Ngoài, mà kết cuộc phe Đàng Trong đã thắng và thống nhất đất nước, sau khởi nghĩa Tây Sơn. Nói tới đất võ Bình Định, không ai quên nhắc đến người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, người đã đánh Nam, dẹp Bắc đem giang sơn về một mối. Câu chuyện chàng Lía, một dũng sĩ đã chiêu tập anh em dựng nghĩa ở Truông Mây, lấy của người giàu chia cho người nghèo, trước thời Tây Sơn khởi nghĩa, cũng được dùng để tạo nên nhân vật chính Trần Lâm, một người anh, người chồng, người cha, một dũng sĩ cho câu chuyện thêm bi tráng, gần gũi với lịch sử hơn. Có thể nói nếu được phổ biến và tiếp nhận rộng rãi, trường thi Hòn Vọng Phu của Vũ Thanh sẽ là một bộ sử thì hùng tráng cho người Việt, giống như những bộ sử thi truyền khẩu của dân tộc miền núi Bana, Ê Đê đã truyền từ đời này sang đời khác. Câu chuyện nửa hư, nửa thực, nửa dã sử, nửa chính sử. Trong huyền thoại cổ tích mơ hồ có gói ghém những mảnh đời thường. Chiến thắng hiển hách của khởi nghĩa Tây Sơn cũng được khơi nguồn từ những hy sinh của đám dân nghèo vùng lên đòi quyền làm chủ đồng ruộng của mình.

Trong kho tàng văn chương Việt Nam, đã có những đại tác phẩm văn vần, dùng khổ thơ lục bác để chuyển tải câu chuyện cho dễ đến tai người nghe và dễ truyền tụng trong dân gìan. Nếu Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong thời suy vong của nhà hậu Lê và qua câu chuyện của nàng Kiều, ông muốn nhấn mạnh đến chữ TÂM, tấm lòng:

“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Đến thời Pháp thuộc, nhà nho Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên, mục đích của ông không ngoài việc nhắc nhở thanh niên thời đó một chữ TRUNG trinh, tiết nghĩa:

“Trai thời Trung-Hiếu làm đầu”

Hai tác phẩm tiêu biểu trên thấm nhuần triết lý Khổng Mạnh, Nho gia, đã được hư cấu, và dùng điển tích xưa để nói chuyện ở nước ngoài. Hòn Vọng Phu, với tôi, Vũ Thanh đã viết về một sử tích Việt, trên dất nước Việt, trong tinh thần Việt. Ở đây tác gỉa muốn gởi gắm một chữ TÌNH: Tình đồng bào đùm bọc nhau giữa những người dân thời tao loạn. Tình thương của gia đình, cha con, anh em gắn bó. Tình yêu của trai gái, chồng vợ keo sơn . Và nhất là cái Tình với non sông đất nước trong thời đại nhiễu nhương.

Bài viết này tôi muốn cùng bạn đọc lần dở lại từng trang, phân tích chữ TÌNH trong trường thi Hòn Vọng Phu của Vũ Thanh.

Tình Đùm Bọc Đồng Bào

Hơn 300 năm Trịnh-Nguyễn phân tranh, cung Vua, phủ Chúa, Trong-Ngoài “bôi mặt đá nhau” người dân Việt hai miền sống trong cảnh lầm than cực khổ của chiến tranh tương tàn, bị bóc lột dã man của bọn quan lại cầm quyền:

Bao năm cốt nhục đoạn tình

Đồng bào trăm họ điêu linh thảm sầu (tr.18)

Đoàn Phong, một võ tướng đời nhà Lê, góa vợ, từ quan, bỏ quê hương Đàng Ngoài, đem hai con vào Đàng Trong, ngụ tại cữa biển Thuận An, chờ thời. Vì uất hận trước cảnh:

Nước nhà đang cảnh thanh bình

Mà đây đó tiếng dân lành oán than (tr. 62)

Ông đã dốc tâm rèn dạy con trai Đoàn Phi kiếm cung để mai kia hữu sự. Thời loạn lạc người dân không chịu nổi cảnh trâu ngựa nên khắp nơi nhiều dũng sĩ đã đứng lên dựng nghĩa, chống lại triều đình, trong đó tại đất Qui Nhơn có Chàng Lía, cát cứ ở Truông Mây. Hình ảnh một Chàng Lía con nhà nghèo mà biết phận làm trai, oai dũng đứng lên:

Cả đời ghét đắng ghét cay

Những phường độc ác những tay lắm điều (tr. 68)

Nên tâm nguyện:

Ta cùng khổ từ sơ sanh

Nên thương xót đám dân lành lầm than

Mới đi cướp của tham quan

Cường hào ác bá phát sang người nghèo (tr. 71)

Trần Lâm (tên mới của Đoàn Phí) cảm kích tính hào hiệp của Chàng Liá và thuận theo đám nghĩa quân để trừ gian diệt bạo:

Nguyện thề đồng tử đồng sinh

Dưới trăng chén nghĩa chén tình lâng lâng (tr. 67)

Cả hai cùng hợp lực, chiêu binh mãi mã:

Khắp nơi loạn lạc nhiễu nhương

Lòng người than oán còn đương đợi chờ (tr. 71)

thế nên:

Bọn ta hành đạo thay trời

Lấy tiền ác bá giúp đời cùng đinh (tr. 57)

Trong thời loạn, vua quan không lo cho dân thì người dân đùm bọc, lo cho nhau. Vũ Thanh đã khéo dùng những hình ảnh tương phản của hai chàng trai: một là thất học dân dã, một là gốc con nhà quan, thời loạn lạc cả hai cùng có chung chí hướng, cùng nhau dấn thân trừ bọn ác. Hai người thanh niên, vì tình thương đồng bào mà quên thân mình dựng cờ đại nghĩa. Câu chuyện Chàng Lía, như một khởi đầu để gìới thiệu một phong trào kháng chiến nông dân, áo vải cờ đào, của anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa thống nhất đất nước về sau. Những câu thơ nói về giai đoạn lịch sử này, tác gỉa đã phát hoạ một hình ảnh điêu tàn, thảm khốc, khổ sở mà người dân lành nhận chịu. Họ không còn gì để mất ngoài sự vùng lên đấu tranh để tiêu diệt một triều đình mục rữa, quan liêu. Những câu thơ đau từng khúc ruột này có thể dùng để diễn tả hoàn cảnh người dân nghèo ở bất kỳ thời đại nào, không chỉ thời Trịnh-Nguyễn. Những biến cố xảy ra trên đất nước thời Vũ Thanh lớn lên có lẽ đã ảnh hưởng không ít cảm nhận xác thật nên tác gỉa đã gởi gắm những trừng trải của mình qua hai nhân vật nam chính trong câu chuyện. Can qua những biến loạn, sinh ra khi đất nước đã chia đôi, lớn lên trong bom đạn, những người thanh niên thời của Vũ Thanh đau đớn nhìn đời, đè nén hoài bão trong tâm thức, uất hận trước những bất công có khác gì thời của Trần Lâm, Chàng Lía. Nhờ biết, sống và cảm thông nỗi đau của người dân quê cùng khổ, nhờ có một thời lội ruộng, chăn trâu, Vũ Thanh đã gởi hết nỗi lòng mình trong những câu thơ nói lên hoàn cảnh và thân phận người dân nghèo, luôn là nạn nhân của mọi thời đại. Qua Trần Lâm, hoài bão của Vũ Thanh là:

Thay cha diệt lũ ác gian

Giúp dân giữ nước bình an cõi bờ (tr. 43)

Tình Yêu Thương Gia Đình

Ông quan nhà Lê, Đoàn Phong vì thương hai con mà bỏ quê vào Nam lánh nạn. Ông không đi tìm sự bình yên, mà tìm tương lai cho người con trai Đoàn Phi nối nghiệp mình, làm rạng danh giòng họ:

Ước mong con nối chí hùng

Nếp nhà nghiêm dạy truyền dòng binh thư (tr. 22)

Ông cũng thương lo cho con gái Quỳnh Như:

Ẩn tàng ngọc cốt, tâm hoa

Được ông trân qúi hơn là ngọc châu (tr. 22)

Đoàn Phi cũng thương lo cho em Quỳnh Như hết mực, nhất là khi lỡ tay làm cho em gái bị thương, tưởng em đã chết rồi, vì sợ phản ứng của Cha khi biết sự thật nên bỏ nhà trốn đi biệt. Người Cha buồn rầu vì mất đứa con trai. Ông phẫn uất qua đời:

Hờn tuyệt tự, hờn giang sơn

Vô phương phát tiết, khí hờn công tâm (tr.24)

Quỳnh Như từ đó sống đời côi cút:

Thương thân bé bỏng Quỳnh Như

Từ nay côi cút sống như không nhà (tr. 26)

Để nói lên sự tương phản giữa cảnh gia đình êm ấm và lúc tan nát chia ly, Vũ Thanh đã đưa vào câu chuyện Quỳnh Như bị gia đình người Mẹ nuôi nhẫn tâm hành hạ:

Một ngày mấy bận rầy la

Khi thì đay nghiến khi là đòn roi (tr. 26)

rồi thêm :

Mùa đông gió bấc gió tây

Rét căm căm rét không may áo hàn (tr. 27)

Những câu thơ thật ai oán, đau lòng trong đoạn tả cảnh Quỳnh Như ở đợ nhờ nhà hàng xóm, bị bóc lột, bị đem bán cho quan gia làm ta liên tưởng đến cảnh Thúy Kiều bị Hoạn Thư hành hạ làm nhục trong Truyện Kiều. Ai đã thương cảm cho nàng Kiều bao nhiêu thì khi đọc đến những câu thơ này mới thấy cái tài của Vũ Thanh cũng đã làm cho ta rơi lệ bấy nhiêu. Nhưng nỗi đau càng làm ta đau hơn vì Quỳnh Như còn bé dại mà phải cam chịu đọa đày:

Nhớ cha nhớ mẹ nhớ anh

Co ro em khóc phận mình trong chăn

Bé thơ lòng đã gía băng

Biết thân tầm gửi hé răng bằng thừa (tr. 27)

Khi nghĩ tới người anh bỏ nhà đi biệt, Quỳnh Như đau đớn nhớ người:

Tủi lòng bất tuyệt nhớ nhung

Thương anh biết có tao phùng được chăng (tr.27)

May mắn cho Quỳnh Như, cô được đem bán vào một gia đình nhà quan. Ông Quan giòng Tôn Thất không có con, nhận Như làm nghĩa nữ. Ông quan ở ẩn, dạy cho Như ngón đàn độc huyền, loại đàn được chính ông, một người Việt, sáng tạo ra, không phải vay mượn của Tàu. Khi xưa, Nguyễn Du tả cảnh Thúy Kiều bị buộc đánh đàn mua vui cho Thúc Sinh nên mới có câu: “Sáu dây nhỏ máu trên đầu ngón tay”. Ở đây, Vũ Thanh đã tả cảnh và tâm trạng của Quỳnh Như khi chơi đàn Nam Cầm cho chính mình, thật tuyệt vời. Lời thơ trọng đoạn này đau đớn, ngậm ngùi, ai oán. Dùng tiếng đàn để nói lên nỗi lòng mình, Vũ Thanh đã cho Quỳnh Như tâm sự nỗi cô đơn với chính mình. Người con gái 14 tuổi đơn độc bên cây đàn một dây, trong đêm thanh vắng:

Một dây rơi tiếng ngậm ngùi

Cõi lòng trút xuống sụt sùi một dây

Một dây ai oán sầu vây

Bao nhiêu tủi hận bấy nay chảy tràn

Lệ tuôn ướt đẫm cung đàn

Lời ca vô khúc, ngút ngàn thê lương (tr. 32)

Trần Lâm, sau thời gian bỏ nhà đi biệt, một hôm thấy nhớ gia đình quay về chốn cũ:

Bùi ngùi tấc dạ qui hương

Mảnh trăng cố quận, hồi chuông đêm sầu (tr. 74)

mới nghe người hàng xóm báo tin buồn là cha đã qua đời và người em gái có thể cũng đã quyên sinh:

Hận đời, tủi kiếp má hồng

Nghe đâu cô đã đáy sông tự trầm (tr. 74)

Trần Lâm ra thăm mộ Cha:

Lỗi lầm vò xé lương tâm

Lắng nghe sóng bể trầm luân dậy lòng

Rồi ra bờ sông khóc em:

Em tôi đã chết ngậm ngùi

Thuyền hoa xin chở hồn người tuyết trinh (tr. 75)

Oái ăm thay, sau này hai anh em ruột gặp nhau mà không biết, phải lòng, lấy nhau vì thương cảm cho cùng hoàn cảnh:

Hai cuộc đời, một phong ba

Cũng là mất mẹ, mất cha lâu rồi (tr. 98)

Rồi một lần chải tóc cho vợ, tình cờ Trần Lâm biết được sư thật:

Vợ hiền còn ấm vòng tay

Đã thành em gái thơ ngây thuở nào (tr. 118)

Và anh đã đập đầu tạ lỗi với mẹ cha:

Cha mẹ ơi! nếu hiển linh

Xin tha con tội tày đình đã mang

Hai lần hại đứa em ngoan

Lại thêm trọng tội loạn luân với đời (tr. 118)

Đau khổ vì ngang trái, phần thương em gái chịu nghịch cảnh, phần thương thân mình đã lầm lỡ oan khiên, Trần Lâm đau khổ chịu hy sinh, tìm con đường ra đi để thoát khỏi cảnh loạn luân, oái oăm:

Xuân hồng em hãy còn son

Làm sao cho khỏi héo hon đời nàng

Làm sao cho khỏi bẽ bàng

Làm sao quên hết muôn vàng đắng cay (tr. 120)

Trước khi vĩnh biệt ra đi, Trần Lâm đã không quên nhờ người bạn Phan Sinh trông nom giùm vợ con mình:

Lỡ ra gặp chuyện không may

Đành nhờ huynh ở lại đây chu toàn

Thay đệ chăm sóc vợ con

Thì ân tình ấy suối vàng khắc ghi (tr. 125)

Ra đi tìm cái chết để đền tội với gia đình, Trần Lâm đức từng khúc ruột từ giã vợ con:

Đếm từng những bước bước xa

Để nghe vạn kiếp rời xa gia đình

….

Tội cha dứt núm ruột mình

Để cho trẻ dại trở thành mồ côi (tr. 131)

Trong khi đó Quỳnh Như hoàn toàn không biết chuyện loạn luân đã xảy ra giữa mình và người anh máu mủ, cô cứ nghĩ chồng mình ra đi vì nghĩa vụ nên cố nén đau thương để chàng ra đi không bịn rịn:

Tiễn chồng gánh nợ non sông

Nửa lòng kỳ vọng, nửa lòng tái tê

Ra đi làm cuộc trở về

Tử sinh chàng chịu lời thề thiếp mang (tr. 129)

Bị dằn xé giữa một bên là tình yêu vợ chồng, một bên là tình thương máu mủ, Vũ Thanh đã khéo léo diễn tả từng cử chỉ, cảm nhận nội tâm của hai người trong cuộc, làm người đọc cảm thấy thương cảm, không trách móc, không lên án. Tác gỉa đã cho nhân vật Trần Lâm sống với những nội tâm dày xéo, đau đớn khi biết sự thật. Cùng lúc cũng cho ta thấy Quỳnh Như thơ ngây bé bỏng, sống hạnh phúc với người chồng mà cô ngưỡng mộ, hết mực yêu thương và đứa con thơ trong mái gia đình êm ấm. Trần Lâm mạnh mẽ, dứt khoác bấy nhiêu thì Quỳnh Như yếu đuối, lưu luyến bấy nhiêu. Như bao người con gái khác, đời sống tuổi thơ với gia đình tan tác, lớn lên gầy dựng được mái ấm gia đình của riêng mình, Quỳnh Như trân qúi nâng niu coi đó như một chỗ dựa cuối cùng đời mình. Cô tin tưởng tuyệt đối là chồng cô ra đi nhưng không lâu sẽ ca khúc khải hoàn trở về trong niềm vui chiến thắng:

Người đi cố bước đi mau

Người về trắng những canh thâu nhớ người (tr. 62)

Tình yêu trai gái, vợ chồng

Ngòi bút của Vũ Thanh bay bướm, thăng hoa hẳn lên khi viết về những cảnh tình yêu lãng mạn lứa đôi. Và đây là sở trường của tác gỉa thi nhạc sĩ. Đọc toàn bộ tập thơ gần 2500 câu, tôi thích nhất là những câu tác gỉa diễn tả về tình yêu. Bên cạnh những câu thơ buồn bã nói về chiến tranh, đói khổ. Những câu thơ đau đớn nói về tủi nhục thân phận. Những câu thơ oai phong tả về những cuộc đối đầu, tranh hùng giữa các cao thủ võ lâm. Tác gỉa đã dành rất nhiều đoạn, nhiều thi từ đẹp nhất để nói về cái tình, hạnh phúc và yêu đương lứa đôi của con người mà thời nào cũng có, cũng cần. Khởi đầu là câu chuyện lúc Trần Lâm về làm việc bảo vệ cho Cao Đường, một tên cự phú nhờ tập ấm, gian thương và thế lực mà giàu có. Con gái Cao Đường là Tiểu Hồng:

Tiểu Hồng ngôn hạnh công dung

Thanh cao như đóa sen hồng xinh tươi

Câu thơ nét họa toát vời.. (tr. 48)

mới gặp dũng sĩ đã đem lòng yêu mến:

Bây lâu kép kín phòng đơn

Đắp xây một giấc mộng son đợi chờ

….

Gặp đây là sự tình cờ

Hay trăm năm mối duyên tơ sẵn bày (tr. 53)

Dù biết Tiểu Hồng đem lòng yêu mình nhưng Trần Lâm vẫn dửng dưng vì lòng chàng đang trĩu nặng mối tình đồng loại :

Đàn ai than oán mái tây

Người đào bể ái ta xây thành sầu

Biết rằng duyên chẳng tròn câu

Càng đầy mê lụy càng sâu tủi hờn (tr. 56)

Sau khi nghĩa quân Truông Mây bị quan quân đánh bại, Trần Lâm được Quỳnh Như và Đức Ông săn sóc, đôi trai tài gái sắc trong gần gũi cận kề, đã phải lòng nhau:

Một người tưởng nhớ một người

Một người đang cố tìm lời trao duyên

Nhan sắc ấy, ân tình này

Thì dù ngàn kiếp đọa đày cũng xin (tr. 87)

Khi đã thành đôi, trai gái giờ là vợ chồng, lời thơ Vũ Thanh trở nên thăm thiết, du dương, đưa nấc thang tình yêu lên cao tột đỉnh:

Trăng từ độ ây ngát hương

Ngàn hoa ủ nhụy yêu đương thêm nồng

Trùng dương sóng vỗ mênh mông

Âm ba hòa nhịp sóng lòng lứa đôi

Khối tình khắn khít không rời

Bể ân ái chứa vạn lời yêu thương (tr. 98)

“Bể ân ái”, chưa ai dùng từ “bể” để chứa khối tình như ở đây. Chỉ cần đọc 6 câu thơ trên ta có thể hình dung cái độ lớn của tình yêu mà tác gỉa muốn cho ta thấy. Những chữ tượng hình như trùng dương, tượng thanh như âm ba, tượng mùi như ngát hương là những chữ với ấn tượng mênh mông, bao la, chứa trong bể ái ân. Trong khi Quỳnh Như có người đầu ấp tay gối thì chàng công tử họ Phan si tình thầm yêu trộm nhớ cô nương trong tương tư, sầu muộn:

Ngàn câu khen chỉ một lời

Một lời thôi đủ thấy đời chênh vênh (tr. 82)

Và ngàn đời ôm mối hận tình:

Người đi biết có bâng khuâng

Có hay ta chết theo từng bước đi

Người về khoát áo vu quy

Có thương đến kẻ tình si không người

…..

Đò tình ta đắm giữa khơi

Bể tình ta gặp một trời phong ba

Chén tình say giọt lệ pha

Hận tình ngâm khúc cuồng ca bạc tình (tr. 101)

Vũ Thanh đã khéo dựng chuyện cho Trần Lâm từ chối tình yêu của Tiểu Hồng, Đoan Trang (tên mới của Quỳnh Như) hờ hững với Phan Sinh để hai kẻ cô đơn, lạc lõng tìm đến nhau, yêu nhau mãnh liệt. Khi viết câu chuyện này không biết tác gỉa có biết đến những khám phá của khoa học đã minh chứng tại sao anh em ruột thịt bị chia lìa, không biết nhau, nếu được gặp nhau họ rất dễ đến với nhau. Một thí nghiệm ở Anh Quốc gần đây đã cho những người con gái đang tuổi biết yêu ngửi mùi mồ hôi trên áo của những người đàn ông dấu mặt. Khi hỏi mùi mồ hôi nào mấy cô thấy dễ chịu, và thích nhất. Lạ lùng thay, kết qủa gần như tuyệt đối, mùì mồ hôi mà mấy cô thấy dễ gần và quyến rũ nhất là mùi đến từ anh trai hay cha ruột của mình. Thí nghiệm này cho ta thấy một điều là có một sự hấp dẫn và quen thuộc giữa những người khác phái nếu người đó có gì giống và gần gũi với mình. Nên ta không ngạc nhiên, ở đây Trần Lâm và Đoan Trang, sau một thời gian thất lạc, gặp lại nhau họ cuốn hút vào nhau không rời. Yếu tố di truyền và sinh lý là mấu chốt của những mối tình chung huyết thống. Ở đây, hai người trong cuộc không hề biết nhau là có chung máu mủ nên họ đến với nhau thật tự nhiên, họ không biết nên vô tội.

Trần Lâm khi biết sự thật anh tự cấu xé nội tâm mình, không cho em gái biết, anh chỉ lặng lẽ bỏ đi. Hai lần ra đi, một lần đi tìm sự sống, một lần đi vào cái chết. Một lần đi tìm tương lai, một lần đi để quên qúa khứ:

Vợ hiền còn ấm vòng tay

Đã thành em gái thơ ngây thuở nào

Con thơ giờ bế trên tay

Tay rày là cậu tay rày là cha

Bây giờ gọi vợ hay em

Bóng hình nào ở trong tim bây giờ (tr. 120)

Khi Trần Lâm bỏ ra đi để tự đày đọa mình, Phan Sinh được ủy thác lo cho vợ bạn, anh vẫn âm thầm yêu người vợ bạn mình:

Trời bắt ta phải yêu nàng

Phải yêu dù có bẽ bàng đến đâu

Đôi khi muốn dứt khối sầu

Càng cố quên, lại càng sâu bóng hình.

Phận gái một con cô đơn, chồng đi chinh chiến phương xa, không biết ngày trở lại. Bên cạnh lại có một văn nhân yêu mình hết mực, Đoan Trang với một niềm tin mãnh liệt nên vẫn một lòng trung trinh với chồng đợi ngày chàng về:

Cho dù bão tố muôn trùng

Thì chàng cũng vượt cuồng phong sống còn

Để về với vợ với con

Cho nên thiếp nguyện sắc son đợi chồng

Tạ lòng quân tử đoái hoài

Trăm năm đành để thiệt thòi cho ai

Đã không thể vẹn trúc mai

Nặng lời chỉ để cả hai thẹn lời (tr. 156)

Và kết qủa của sự chờ đợi mõi mòn trong đau khổ và tuyệt vọng đó, người thiếu phụ bồng con đã hóa đá:

Mặc ai lỗi ước bội thề

Riêng nàng trọn đạo phu thê đời đời (tr. 160)

Tình Yêu Quê Hương Đất Nước

Kiếp sau trở lại làm người

Thì anh xin được làm người Quang Trung (tr.148)

Lúc còn nhỏ tôi rất mê đọc truyện của nhà văn Duyên Anh, một người quê ở Hải Dương, di cư vào Nam năm 54. Truyện tuổi thơ mà tôi thích nhất là “Mơ Thành Người Quang Trung”. Thời đó không biết nhiều về nhân vật lịch sử này nhưng yêu thích vì biết người anh hùng có cùng quê với mình. Nay đọc hai câu thơ trên thấy gói ghém hết tất cả tấm lòng, ước mơ và kỳ vọng của tác gỉa dành cho quê hương nơi mình sinh ra. Ai cũng có một nơi để gới gắm lòng mình khi đi xa. Với Vũ Thanh, nơi đó là Bình Định, đất dựng nghiệp của anh hùng áo vải Quang Trung. Anh rất hãnh diện được làm con dân vùng đất có truyền thống bất khuất này. Nói tới miền đất Võ là nói tới phong trào Tây Sơn hiển hách trong lịch sử dân tộc. Vì hận thù nên sử gia thời Nguyễn đã chỉ nhắc rất ít tới triều Tây Sơn, coi bọn họ như là một phường thảo khấu, nhân thời đất nước nhiễu nhương mà làm loạn, nắm quyền. Họ không nói nhiều đến thời Trương Phúc Loan làm loạn, lấn ép Chúa Nguyễn đến suy vong. Chúa Trịnh đã nhân cơ hội, nhiều lần tấn công vào Phú Xuân phá nát kinh thành. Nếu phong trào Tây Sơn không nổi lên kip thời thì Chúa Trịnh Đàng Ngoài đã làm chủ được đàng Trong. Nếu Quang Trung không đánh tan quân Xiêm La cầu viện ở miền Nam, diệt quân Thanh xâm lược ở miền Bắc và thống nhất đất nước trước khi ông bị bạo bệnh qua đời khi tuổi cón rất trẻ, thì chắc chắn Nguyễn Ánh đã chết gìa ở ngoại quốc chứ làm gì có việc khai sáng triều đình nhà Nguyễn. Mọi người dân Việt, ai cũng coi hình ảnh của Tây Sơn là mơ ước, kỳ vọng hào hùng trong buổi đất nước nhiễu nhương. Việc đó, Chàng Lía và anh em nghĩa binh của Trần Lâm đã làm trong phạm vi nhỏ của đất Truông Mây, Anh Em Tây Sơn sau đó đã dấy lên một phong trào khởi nghĩa lớn mạnh, quyét sạch bọn tham ô, chấm dức cảnh phân tranh, và thống nhất đất nước. Qua trường thi Hòn Vọng Phu, tác gỉa cũng mơ làm người Quang Trung, được nói lên nỗi phẫn uất của mình trước tình thế và dâng trọn trái tim mình cho đất nước quê hương. Những câu thơ tác gỉa viết về hình ảnh đẹp của sơn hà gấm vóc, của công lao mở nước từ tiền nhân, sẽ được truyền tụng mãi về sau:

Ngậm ngùi tiếc thuở vàng son

Kiếm loang bóng nguyệt mối hờn khôn phai (tr. 21)

Qua tậm sự của những nhân vật thời đại, Vũ Thanh chuyên chở tình yêu của mình đối với non sông đất nước bằng những câu thơ đẹp đến nao lòng:

Chiều chiều vượn hú trên ngàn

Hồng chung Ông Núi sáo làng Phương Phi (tr.86)

Trong xanh thăm thẳm trời cao

Bao la biển lớn sóng trào mênh mông

Mờ mờ rặng núi xa trông

Cánh buồm lộng gió giữa lòng đại dương (tr. 40)

Qua những hình ảnh như một bức tranh thật nên thơ :

Đêm tàn trăng rụng đầu tây

Vầng đông hé mở rạng ngày tinh sương (tr. 42)

và toàn hảo:

Đẹp sao cẩm tú sơn hà

Trùng dương bát ngát bao la núi rừng (tr. 133)

Không chỉ viết về quê hương Bình Định nơi tác gỉa sinh ra, mà còn theo bước chân của Bạch Long tướng quân trên đường Nam chinh, mọi nẻo đường quê hương miền Trung, miền Nam quân Tây Sơn đi qua cũng được nhà thơ nhắc đến với tất cả tình yêu non sông gấm vóc, như khi đến Phú Yên, ông viết:

Phú Yên xanh ngọt bóng dừa

Anh xin uống cạn cho vừa tình em (tr. 135)

tới Khánh Hòa:

Khánh Hòa biển đẹp nên thơ

Nước xanh cát trắng bên bờ thùy dương (tr. 135)

Phan Rang:

Phan Rang có lắm tháp chàm

Mênh mông đồi cát gió ngàn thổi lên (tr. 136)

Mũi Né:

Thuyền về Mũi Né sóng êm

Gặp cơn bão tố thì tìm đến đây (tr. 136)

vào đến Đồng Nai:

Sông bồi lớp lớp phù sa

Đồng Nai cuồn cuộn đổ ra Cần Giờ

và Gò Công:

Biển xanh đã hóa đục lờ

Triều cường xa tắp bờ Gò Công Đông

Anh về nhớ gái Gò Công

Nhớ đàn nhạn trắng nhớ đồng lúa thơm

Nhớ câu hò những chiều hôm

Tóc thề cô lái gió nồm nhẹ bay (tr. 137)

Nhờ có sở học và kiến thức vững vàng về địa lý đất nước nên tác gỉa thuộc nhằm lòng từng địa danh, từng vùng miền trên giải đất hình cong chữ S. Với những người chưa bao giờ rời khỏi đất nước, những gì tác gỉa viết về quê hương có thể không làm cho họ xúc động bằng những người đi xa. Mỗi một chữ viết về non sông là gói ghém tất cả tấm lòng yêu quê hương đất nước nên người có cùng tâm trạng đọc lên sẽ thấy xúc động mãnh liệt. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở đất chỉ là đất. Khi ta đi đất bỗng hóa linh hồn”. Với người còn sống trên quê hương, chỉ rời xa nơi chôn nhau cắt rốn đã cảm được như thế thì với những người đi xa khỏi quê hương nửa vòng trái đất thì nỗi nhớ đó nhân lên gấp vạn lần.

Đọc qua gần 2500 câu thơ trong trường thi Hòn Vọng Phu, ta thấy rất rõ nỗi lòng và tâm huyết của Vũ Thanh đối với quê hương. Qua hình ảnh cô Kiều, Nguyễn Du đã cho ta thấy tấm lòng sắc son, chung thủy của ông với Nhà Lê, dù cho cuộc đời làm quan có ba chìm bảy nổi, nay phò vua này, mai thờ vua khác. Qua câu chuyện Lục Vân Tiên, nhà nho Nguyễn Đình Chiểu cũng muốn chứng tỏ tinh thần ái quốc, trừ gian diệt bạo, và nỗi uất hận làm người dân mất nước. Với Hòn Vọng Phu, Vũ Thanh gửi trọn một lời thề với quê hương, tuy xa nhưng không biệt. Quê hương mãi còn đó với hình ảnh người thiếu phụ hóa đá chờ chồng về, cũng như quê mẹ mãi trông mong ngày những đứa con tha hương quay về chốn cũ:

Tòng phu quyết một đợi chồng

Dù cho hóa đá thì lòng cũng cam (tr. 121)

Sắc son với quê hương như người đàn bà chung thủy hóa đá chờ chồng. Tình yêu đất nước, tình yêu đồng bào, tình yêu gia đình, trong trường thi Hòn Vọng Phu và có lẽ dấu kín trong lòng của Vũ Thanh, tất cả là một. Đem hết tâm sức ra hoàn thành một tác phẩm lớn, Vũ Thanh đã chứng tỏ với người đọc những tâm tình của anh, dù có đi xa. vẫn còn nguyên vẹn đó với quê hương. Đọc nhiều lần tác phẩm này, tôi mới thấy hết cái Tình của anh dành cho quê hương nó thiêng liêng làm sao. Cảm ơn tác gỉa đã tặng cho kho tàng văn chương Việt một tác phẩm tầm cỡ. Và đã tặng cho tôi những giây phút lắng đọng, khi đọc tập thơ, gấp sách lại để hồi tưởng, nhắm mắt, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Những ngày Tết năm Qúi Tị

Mời thưởng thức Đá Vọng Phu

Trình bày : Lệ Tuyền

 

Chuyện Tình Người Chiến Binh

Trình bày: Mỹ Phụng

{jcomments on}

0 thoughts on “Chữ Tình trong Trường Thi Hòn Vọng Phu của Vũ Thanh

  1. Thu Thủy

    Tình yêu đất nước, tình yêu đồng bào, tình yêu gia đình, trong trường thi Hòn Vọng Phu và có lẽ dấu kín trong lòng của Vũ Thanh, tất cả là một. Đem hết tâm sức ra hoàn thành một tác phẩm lớn, Vũ Thanh đã chứng tỏ với người đọc những tâm tình của anh, dù có đi xa. vẫn còn nguyên vẹn đó với quê hương. Đọc nhiều lần tác phẩm này, tôi mới thấy hết cái Tình của anh dành cho quê hương nó thiêng liêng làm sao. Cảm ơn tác gỉa đã tặng cho kho tàng văn chương Việt một tác phẩm tầm cỡ. Và đã tặng cho tôi những giây phút lắng đọng, khi đọc tập thơ, gấp sách lại để hồi tưởng, nhắm mắt, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

    Với lời nhận xét sâu sắc chất lượng như thế này mới ngang tầm với một trường thi biên soạn rất công phu.
    Cám ơn Vũ Thanh và anh Nguyên Lương đã cho bạn đọc có thêm về chân giá trị của tác phẩm.

    Reply
  2. Nguyên Lương

    Thu Thủy,
    VT đã bỏ bao nhiêu năm trời ra viết TT bất hủ này, mình chỉ cần dành chút thì giờ đọc và cảm nhận nó. Mình hiểu được tấm lòng của Vũ Thanh với quê nhà qua từng câu thơ trong tập TT này. Mình thì chưa viết được gì cho đất BĐ-QN nên nhân cơ hội này đóng góp một chút cho vui. Phản hồi của bạn hữu xa gần là động cơ thúc đẩy con tằm Vũ Thanh miệt mài nhả thơ.
    Cảm ơn Thu Thủy đã mở hàng.
    NL

    Reply
      1. Nguyên Lương

        Vũ Thanh,
        Nay nghe lại bài nhạc Đá Vọng Phu thấy thấm qúa. Hình như cô ca sĩ Lệ Tuyển này là người QN, hát bài này nhân dịp Vũ Thanh ra mắt tập thơ tại quên nhà hồi năm ngoái phải không? Cô có giọng hát trong veo, cao vút, chuyên chở được cái Tình trong đó.
        Tối nay VC sẽ gởi cho VT tấm hình để cho lên Blog.
        Chúc mừng.

        Reply
        1. Quang Võ

          Lê Tuyền là ca sĩ rất có tài ở Quy Nhơn mình. VT chỉ trao cho cô CD và bản nhạc có hai ngày mà cô hát thật chuẩn từ cách phát âm đến gia điệu, âm điệu… cùng cách diễn tả. Hơn hẳn các ca sĩ ở bên này nhiều. Đáng tiếc Quy Nhơn là thành phố nhỏ nên Lê Tuyền không có cơ hội phát triển lớn được. VT vẫn còn đang chờ kiếm cho được giọng hát thích hợp ở bên này để thu âm chính thức bài hát này. Khó qúa.

          Chắc lại phải cảm ơn anh lần nữa vì đã khơi dậy Hòn Vọng Phu trong lòng nhiều người. Nhưng mà hai tiếng cảm ơn thật ra chẳng nói lên được điều gì. Cài mình giữ trong lòng mới thật đáng qúy.

          Reply
          1. Khảo Mai

            Nhưng mà hai tiếng cảm ơn thật ra chẳng nói lên được điều gì. Cài mình giữ trong lòng mới thật đáng qúy.

            Thật chí lý,
            KM đang học hỏi cái hay nơi các anh, người một chút
            Cảm ơn mấy ông anh đáng quý

    1. Quang Võ

      hai câu này khiến cho anh em chúng tôi sướng đến rên mé đìu hiu bạn Người Dưng ơi. thanks. Chúc một năm mới thật an bình.

      Reply
  3. Lê Công Dzũng

    Cách đây mấy hôm, khi đi dự ngày Hội Tết ở nhà thờ Alphonsus, gặp tôi Nguyên Lương có khoe là từ ngày nghỉ hưu đến nay anh đã dành hết thời gian để hoàn thành bài nhận xét về tác phẩm Trường Thi Hòn Vọng Phu của Vũ Thanh. Anh đã bắt đần đọc tác phẩm này từ gần một năm nay, đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm để cuối cùng hôm nay bài viết đã hoàn thành và gởi cho tác giả cũng như bạn bè để thưởng lãm.
    Trong cuộc sống vô cùng bận rộn ở Mỹ cùng với một tác phẩm lớn như tác phẩm Trường Thi Hòn Vọng Phu của Vũ Thanh với 2466 câu, thật ra ít có người chịu khó ngồi đọc và nghiền ngẫm. Cũng may mà anh Nguyên Lương đã được nghỉ hưu sớm nên anh đã dành hết thời gian mấy tháng vừa qua để đọc đi đọc lại và hoàn tất bài viết của mình. Anh làm việc rất nghiêm túc, từ công việc làm ở công ty đến việc làm vườn, viết lách, mọi chuyện đều đâu ra đó, bằng tất cả sự đam mê và nhiệt tình. Cái nhiệt tình của một một nhà khoa học cùng với sự đam mê của một người nghệ sĩ. Ngay cả khi rảnh rỗi ngồi lại uống rượu với bạn bè anh cũng rất “nhiệt tình” uống với bạn bè, ai tới đâu thì anh tới đó, không bao giờ đầu hàng, không bao giờ bỏ cuộc!
    Trở lại bài viết của anh, bằng với sự phân tích cặn kẻ của một nhà khoa học, cùng với sự cảm nhận bén nhậy của một nhà thơ, anh đã viết bài nhận xét này vô cùng sâu sắc và đầy đủ để nói lên cái TÌNH của anh đối với tác phẩm này, và cũng là cái tình của anh đối với tác giả, một người đồng song và cũng là đồng hương. Cái hay ở đây là anh đã nghiền ngẩm để tìm được cái lỏi của tác phẩm:
    Trăm năm vẹn chữ tâm đồng,
    Ngàn năm hoá đá tạc lòng trung trinh
    Thế gian muốn hiểu chữ tình
    Thì xin soi tấm gương trinh của nàng…
    Chữ tình đây là tình yêu son sắt thủy chung, tình yêu của đôi lứa, nhưng tác giả cũng muốn gởi gắm một tình yêu lớn hơn, bao la hơn , đó là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu dân tộc để “khối tình sống với nước non đến giờ..!” Ôi chữ TÌNH cao cả thay, bao la thay mà cũng huyền diệu thay!
    Lê Công Dzũng

    Reply
    1. Quang Võ

      Viết hay qúa anh Dzũng ơi. Anh Lương đọc chắc sẽ an ủi lắm về công sức mình đã bỏ ra. Chúng ta, mỗi người một chút sức, góp lại cùng nhau để xây dựng lại đất nước và con ngưòi Việt Nam. Các anh đồng ý không ?
      Chúc các anh mọi sự an lành

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Vũ Thanh ơi!
        Dzũng với Lương bây giờ tuy hai mà một nên dễ hiểu và thông cảm , đồng tình. Hôm trước nói chuyện với Ngô Tín, hắn bảo đời người đàn ông hạnh phúc nhất là có bên cạnh 3 người : Người Tình (để yêu), Người Vợ (để sống cùng) và người Hồng Nhan Tri Kỷ (bạn gái chỉ để tâm sự dủ mọi điếu). Mình nói với Tín là tôi mong cái 1 của tôi có cả 3 chứ phải có cả 3 người một lúc thì đúng là thân này tan nát. Nếu bọn mình, nhất là những người có máu văn nghệ, thì gặp người đồng điệu rất dễ gần, dể cảm mến. Nếu cần tâm sự mọi thứ trên đới, một người bạn hiểu mình là đủ rồi, đâu cần cái “hồng nhan” đó cho thêm nhiều chuyện phải không?
        Mình đồng ý với Vũ Thanh, nếu vòng tay mình ngày càng rộng ra, anh em mình hiều và qúi mến nhau hơn thì cho dù ở đâu làm gì cũng không thấy cô đơn. Mỗi người ảnh hưởng nhau một tính tốt, rồi thời gian lan tỏa nhanh đến mọi người. Và “Ngày đó thanh bình chắc nở hoa” đấy
        NL

        Reply
    2. Nguyên Lương

      Cảm ơn Anh Dzũng nghen. Đúng là tiếng đàn Bá Nha phải được tai Tử Kỳ nghe mới thích. Cuối cùng, mọi việc, mọi thứ đều xoay quanh một chữ Tình. Vũ Thanh đã làm việc đó rất tốt. Với anh em bọn mình, cái tình với bạn bè, tình với quê hương là cao cả và qúi hiếm nhất. Muốn có nó không dễ, nhưng có rồi đánh mất không khó. Mấy hôm nay lây bệnh của Tuấn Thành, te tua. Đã qúa lâu chưa bị cúm, nay bị quá nặng. Nay thì đang từ từ qua khỏi, bắt đầu khỏe hơn.
      NL

      Reply
  4. Khảo Mai

    Trường Thi Hòn Vọng Phu
    đã được tác giả Vũ Thanh dành 10 năm biên soạn
    và được Mr Nguyên Lương
    một độc giả có tầm đọc và nghiền ngẩm trong nhiều tháng trời
    nhầm để hiểu thấu đáo tác phẩm cốt cho ra một lời bình cặn kẽ, xứng đáng dành cho tác phẩm…một lời bình thật tương xứng mà Nguyên Lương đã dành đáp lại cho một công trình văn học mà tác giả Vũ Thanh đã để lại cho đời.
    Lời bình này thật sắc bén và chi tiết đã làm nổi bật được chữ TÌNH bao la, to tát trong trường thi HÒN VỌNG PHU. Chính vì vậy mà lời bình này sẽ giúp cho độc giả gần xa đến với tác phẩm này một cách dễ dàng hơn, gần gũi hơn…
    Giá mà lời bình này được in kèm theo sách thì hay biết mấy.
    Cảm ơn tác giả Vũ Thanh, cảm ơn anh Nguyên Lương những con người âm thầm góp hương cho đời không vụ lợi…
    Em KM

    Reply
    1. Quang Võ

      Khảo Mai ơi, KM cứ đặt mua cho nhiều cuốn HVP đi để VT tái bản thì nhất định sẽ đưa bài viết này kèm theo trong lần tái bản đó. Một năm mới đẹp như Hoa Mai nhé.

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Khảo Mai biết không, nếu buộc phải viết về một tác phẩm mình không thích thì hơi khó, chứ viết những cảm nghĩ của mình về cái mình thích thì dễ lắm. Chỉ cần thời gian rảnh rổi, ngồi trước bàn phím, là mọi chuyện sẽ tuôn ra ngay. Viết về cuốn sách hay một tập thơ hay, giống như ngày trước thấy ai đó, yêu qúa, về nhà mơ mộng. Khi mơ mộng thì nhớ đến ánh mắt, nụ cười, má lúm đồng tiền, dáng đứng, cách làm duyên, làm nũng….tất những cái đẹp không quên đấy là tuôn ra thành thơ. Chỉ khác một điều là cái đẹp có đó mà mất đó, và tùy người đối diện… còn thơ văn còn đó trên giấy trắng mực đen. Dưới con mắt người đọc, có những góc cạnh người này nhìn thấu, người khác thì thấy ở góc độ khác. Bỡi thế, nếu nhiều người viết ra thì mới thấy hết cái hay của tác phẩm. Mình mạo muội ra tay trước để mọi người chuẩn bị rút kiếm. Khi nào rảnh KM đọc lại tác phẩm này thật chậm trong lúc tâm hồn thật bình thản rồi xem NL nói có được không.
        Chúc vui
        NL

        Reply
        1. Khảo Mai

          Anh Nguyên Lương!
          Anh thật là khiêm nhường đó nha!
          Đành rằng anh rút gươm trước nhưng đường gươm anh sắt bén, múa đường nào ngọt đường đó nên đối phương buông kiếm đầu hàng…và nếu đường gươm cùn mòn thì dẫu anh có ra tay trước thì cũng đành về sau thôi…
          Vui anh
          KM

          Reply
  5. Quang Võ

    Cảm ơn Anh Lương một lần nữa về bài viết này. Những điều VT gởi gấm, những điều tâm đắc của VT trong trường thi đã được anh cảm nhận và nêu ra ở đây. Thú thật VT rất ngạc nhiên và rất vui mừng khi đọc được những ý kiến thật sâu sắc của anh về trường thi. Anh cũng biết là mình làm bất cứ việc gì, nếu có ai đó hiểu và thông cảm với tâm ý của mình về việc làm đó thì niềm vui nó lớn đến cỡ nào. Đấu năm nay VT coi như mình đã có một niềm vui lớn trong đời do anh mang lại. Thật cảm ơn anh. Mong rằng qua bài viết này của anh sẽ có thêm nhiều độc giả hiểu sâu hơn về trường thi Hòn Vọng Phu. Mong cái tình văn nghệ lan tỏa và lớn mạnh trong lòng những người nghệ sĩ để cõi đời này đẹp hơn bên cạnh những đau khổ nhọc nhằn. Chúc anh và các bạn một năm mới an bình và hạnh phúc.
    Gởi các bạn Video bài hát Đá Vọng Phu do nữ ca sĩ Lê Tuyền trình bày trong đêm ra mắt trường thi HVP ở Quy Nhơn dạo nọ:

    http://www.youtube.com/watch?v=HjQUHnxiljg

    (Admin có thể đem giúp VT cái Video này về đây không? )Cảm ơn.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Nếu mình là Tử Kỳ thì không chỉ có một Bá Nha, mà có nhiều hơn. Ngày xưa người tài hiếm hoi, một mình Bá Nha làm vua một cõi nên ông ta kén chọn người biết nghe là phải. Bây giờ nhiều nhân tài lắm mà mỗi người mỗi vẻ nên không nên chọn. Thấy hợp là chơi. Ngay từ đầu khi ĐT của HX giới thiệu Vũ Thanh ở Florida, mình đã xin e mail để liên lạc. Lúc đó chưa biết Vũ Thanh làm thơ, viết van, viết nhạc và là bố của Quốc Khanh, người ca sĩ nổi tiếng ở Cali mà vợ mình bảo “QK có đôi mắt cứ như xoáy vào tìm người”. Rồi sau đó nghe bài hát QNĐMNX, nhận được tập Hòn Vọng Phu, và thỉnh thoảng đọc những bài thơ của chàng viết về người yêu nhỏ Trinh Vương ngày nào… thấy rất gần gũi với mình. Thêm nữa là vùng đất Gò Bồi, gần Núi Bà, là nơi lập nghiệp của ông Tổ giòng họ mình khi từ Dàng Ngoài theo Chúa Nguyễn vào đàng Trong lập nghiệp. Đọc tập thơ của Vũ Thanh mình hình dung thấy con đường Nam tiến từ thời đó của tổ tiên mình.
      NL

      Reply
  6. Tuệ Minh

    Một trái tim một con người một tấm lòng .
    Sâu sắc , cẩn trọng và yêu bạn chân thành mới có một bài viết hay như thế .

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn Tuệ Minh nhận xét tốt về mình và Vũ Thanh. Mình làm chút việc để giúp phổ biến tập trường thi ra đại chúng. Công lao của Vũ Thanh không nhỏ để hoàn thành tác phẩm đầu tay này. Ngày VT đi làm, tối về đọc hàng trăm cuốn sách chính sử, dã sử, tư liệu nhiều thời đại. Tự bản thân cũng đi đến tận nơi tìm hiểu từng nhân vật lịch sử, từng địa danh, kể cả những huyền thoại trong dân gian để làm dữ liệu sáng tác. Nếu như Vũ Thanh còn ở trong nước thì chắc tập thơ này sau khi xuất bản đã được quảng bá mạnh mẽ đến người đọc. Ở hải ngoại thì đa số họ thờ ơ, chữ nghĩa rơi rớt dần dần trên đường ra đi, sống như kiểu mì ăn liền, đọc một bài thơ không hết lấy hơi đâu mà đọc nguyên cả tập. Chỉ còn lại người như chúng ta còn chút lòng vơí quê hương , đồng bào, tiếp tục dùng ngôn ngữ mẹ để nối kết nhau, chia xẻ với nhau những điều ý nghĩa. Còn làm được những điều này là qúi lắm rồi.
      NL

      Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn cô giáo và gia đình HX. Cũng nhờ từ đây mà mình quen biết thêm bao nhiêu là người bạn đồng hương, đồng môn và đồng tâm nữa. 38 năm ở hải ngoại, quen biết không ít người việt ở hải ngoại, nhưng với những người có lòng, có tâm hồn như Vũ Thanh, H N Tín, B X Lộc, N V Tín, … rất hiếm. Này thì tròng vòng tay mình đang ôm gọn rất nhiều người bạn. Hy vọng mai kia, rủ nhau về QN một lược, hợp với các bạn trong nước, chúng ta làm một đêm lửa trại Nối Vòng Tay Lớn. Chắc chắn lúc đó ĐT, QT, TT, NT, TKKL, DL, KM, QN, R Xưa, Rêu….sẽ được cho dứng giữa những vòng tay ấm áp.
      NL

      Reply
      1. Khảo Mai

        Anh NL!
        Lời anh viết sao nghe cảm động quá..
        Cái chí tình của những người anh em không ruột thịt mà lại gần gũi quá….thật cảm động..KM cũng ko biết nói gì hơn

        Reply
  7. Tôn Nữ Yên Khê

    Một thí nghiệm ở Anh Quốc
    gần đây đã cho những người con gái đang tuổi biết yêu ngửi mùi mồ hôi
    trên áo của những người đàn ông dấu mặt. Khi hỏi mùi mồ hôi nào mấy cô
    thấy dễ chịu, và thích nhất. Lạ lùng thay, kết qủa gần như tuyệt đối,
    mùì mồ hôi mà mấy cô thấy dễ gần và quyến rũ nhất là mùi đến từ anh
    trai hay cha ruột của mình. Thí nghiệm này cho ta thấy một điều là có
    một sự hấp dẫn và quen thuộc giữa những người khác phái nếu người đó
    có gì giống và gần gũi với mình.

    Yên Khê cũng rất muốn thử nghiệm để đo lường mức nhạy cảm của

    mình đó anh Nguyên Lương. Đọc bài bình của anh muốn xỉu luôn

    nhưng công nhận anh rất có tình với bạn.Chúc mừng tình bạn hai

    anh .

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Nếu Yên Khê còn độc thân, mùa hè ra những chỗ đông người, thử mũi mình xem, nếu mũi mình thấy gần mà mắt mình không bắt thì không đúng rồi. Đàn ông thuộc họ “Hôi” vì lười tắm, chứ nếu tắm xong sạch sẽ cũng thơm như múi mít đấy. Yên Khê không tin, thử xem.
      Không những với Vũ Thanh, mà với những văn nghệ sĩ khác gốc QN là mình rất ngưỡng mộ và thích gần. Những người con tỉnh lẻ QN ít bao giờ được tỏa sáng nếu còn ở mãi quê nhà, nơi xa ánh sáng mặt trời. Có khả năng, đi xa, cố gắng thì họ thành danh. Khao khát với một hoài bão lớn trong lòng nung nấu cho họ một ý chí mãnh liệt ở xứ người , và thế là họ làm được việc, ngay cả chính họ cũng không ngờ. Và yếu tố cần thiết nhất để làm những việc này là bên cạnh có những người đồng cảm nâng đỡ và khuyến khích nhau. Rời quê huơng mình sẽ gặp thù nhiều, bạn ít. Cái tính ganh tị, nhỏ nhoi của những người chung quanh sẽ làm thui chột nhiều người có chí.
      NL

      Reply
  8. Nguyễn Văm Thái

    Lương ơi,

    Chính tác giả của Hòn Vọng Phu đã quá tán thưởng bài phê bình của Lương về lối phân tách công phu, sâu sắc, chặt chẽ và về sự đồng cảm trong tư tưởng cũng như trong thi hứng với tác giả thì anh còn nói gì thêm nữa. Chỉ tiếc là anh không có được bản trường thi của Vũ Thanh để thưởng thức. Nếu Lương biết cách đặt mua được thì chỉ cho anh.

    Thái

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Kính Thầy Cô,
      Em đã nói với Vũ Thanh ký tặng thầy Nguyễn Văn Thái và cô Mỹ Nhật tập thơ. Dù là hai Thầy Cô từ Huế vào nhưng bao năm sống và dạy học ở QN, cũng coi như đó là quê hương thứ hai. Cô đã dạy em môn sử địa năm lớp 7,8 tại CĐ. Em chưa kịp học Anh Văn với thầy thì Thầy đã được đưa về SG làm ở sở giáo dục rồi sau đó đi Mỹ lấy TS. May mắn là năm 75 em về định cư ở gấn Philadelphia, gặp lại Thầy Cô, mừng không tả. Cách nay mấy tuần gặp lại Thầy Cô, trông không khác mấy chục năm trước. Vẫn khuôn mặt đẹp và nụ cười bao dung, Thầy Cô đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng những đứa học trò cũ.
      Nhớ lại năm đó (68), Cô đang mang thai em bé đầu tiên, chiều mùa hè nóng như đổ lửa, trong lớp Cô đang dạy môn sử, em mãi say mê nói dóc với thằng bạn ngồi cạnh, Cô bảo không nghe, nên bị ăn một cái tát nổ đom đóm. Sau này gặp lại, em cảm động qúa nói nhỏ vào tai cô: “nhớ cái tát trời giáng đó mà em đã nên người”. Cô cười rơi nước mắt. Cô bảo hồi đó mày chẳng chịu học hành, chọc phá nhất lớp, không đánh làm gương thì mấy dứa kia làm loạn. Hôm trước gặp lại tại Cosco, ôm và nắm tay Cô, bàn tay vẫn còn đó hơi ấm, mềm mại, mịn màng. Bàn tay bao năm nắn nót từng con chữ trên bảng đen để mong học trò mình nên người. Mới đớ mà đã 45 năm rồi, mau thật. Kính Chúc Thầy Cô một năm mới an lành may mắn.
      Em của Thầy Cô.
      NL

      Reply
  9. Dạ Lan

    Có may mắn đọc được Trường thi HVP của Vũ Thanh nay lại được may mắn đọc thêm bài viết của Nguyên Lương cảm thấy mình là người hạnh phúc quá đỗi nhất là những chữ tình mà anh NL vừa phân tích như múa may trước mắt Dạ Lan nếu đêm nay mà không ngủ được bắt đền anh đấy .

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Dạ Lan này mơ màng ai đây mà mới nói tới chữ T là khó ngủ rồi. Chắc trong lòng mấy hôm nay vui Xuân, vui Tết, và sắp trở lại chuyện ngày thường nên trăn trở chứ gì. Nào, bây giờ nhắm mắt lại tưởng tưởng đến mấy cảnh Vũ Thanh diễn tả tình cảm trai gái quân qúit, âm yếm, vờn nhau là tâm hồn bay bỗng ngay liền. Lên mây rồi thì dễ ngủ lắm, thử đi nghen.
      NL

      Reply
  10. Huỳnh ngọc Tín

    Quả là mình nghĩ không sai, một cảm tác thật là tuyệt vời, sâu sắc.Anh Lương đã nói lên được hết cái cốt lõi của Trường thi Hòn vọng phu mà Vũ Thanh đã gửi gấm .
    Một nhà Khoa học như anh mà chịu khó nghiền ngẫm để viết lên được cảm tác của mình về Trường thi Hòn vọng phu dài như thế thật là cảm động và đáng kính phục.Vũ Thanh chắc sẽ xúc động vô cùng khi đọc những dòng cô đọng của anh.

    Reply
  11. Nguyên Lương

    Tín này,
    Chú đang đưa anh lên mây đấy. Nghĩ lại thời gian đọc đi đọc lại HVP, anh đã tự đặt mình vào tâm tư của Vũ Thanh và Anh có thề cảm nhận được lúc đó tác gỉa nghĩ gì. Nhất là đến những câu thơ tâm đắc, anh đọc đi rồi đọc lại và khen thầm tác gỉa. Âm nhỉ như thế một thời gian dài, sợ VT nóng lòng, nhưng anh không viết vội. Vì sợ viết xong rồi, một ý nghĩ khác lại lộ ra thì uổng qúa, nên cứ nhín, chờ. Cuối cùng qua năm mới cũng xong. Mình chỉ sợ một tác phẩm nghệ thuật với bao nhiêu công sức và tâm huyết của Vũ Thanh đã dành cho nó, nếu không khéo trang diểm cho nó đẹp hơn lên mà làm xấu đi là lỗi tại mình. Bỡi thế vơí ai thân thiết và qúi mến lắm anh mơí làm việc này. Nhưng trước hết là tác phẩm phải làm anh say mê mới được.
    Thư trước Tín nói có lên Phước Thành, chắc là thăm gia đình Dũng phải không? Anh Ba của Dũng là thầy dày vỡ lòng anh. Lúc đó anh nghịch lắm, cứ bỏ học lén chạy qua nhà Ba Trợ, Bác của Dũng, xem nấu rượu, rồi về nhà tự nấu. Trên đó anh còn gia đình Bà Chị cả và Cô Em gái út ở. Gia đình 10 người, 1/2 ở Mỹ. Anh làm cho hãng hóa chất DOW Chemical, trước đó là Rohm and Haas, chứ không phải Mỹ Phẩm mặc dù đa số hóa chất mình nghiu hóa nông nghiệp là thích nhất. Mình thường đưa các phát minh mới qua các nước trồng lúa như Nhật, Phi, Thái để thử nghiệm. Thời gian thử nghệm ở ĐBSCL đã nhờ nhiều sự giúp đỡ của vợ chồng BB Bỗng, lúc Bỗng còn làm TT Nông Nghiệp. Rồi qua làm bên bộ phận sử lý nước, loại nước ultra pure water để rửa mấy con chip máy tính, loại để lọc arsenic độc trong nước uống. Sau đó làm resin để lọc đường đen thành trắng. Tất cả những nhà máy lọc đường ở Á Châu, kể cả VN, đều dùng công nghệ này. Trước khi nghỉ hưu thì có 5 năm làm sơn cao cấp, dùng nano air particle thay thế cho TiO2, làm gỉam chi phí, tăng độ bền và bóng. Công ty sơn KOVA trong VN đang thí nghiệm sơn này cho thị trường VN. Bây giờ ở nhà chơi thời gian rồi tính.
    NL

    Reply
  12. nguyentiet

    Anh Nguyên Lương quý mến,
    Mấy hôm nay em bận, có đọc qua bài viết của anh nhưng chưa kỹ . Hôm nay em đọc lại bài cảm nhận này của anh em vô cùng ngưỡng mộ và thích thú.Em đã đọc xong Trường thi HVP của anh Vũ Thanh lâu rồi,rất phục tài về cách viết thơ lục bát,về nội dung tác phẩm của VT ,vẫn hiểu được cái TÌNH của tác giả gởi gắm trong tác phẩm,nhưng qua bài cảm nhận anh đã làm toát lên một cách sâu sắc cái HỒN của tác phẩm bằng những câu văn hay bằng những dẫn chứng rất thuyết phục đã giúp em hiểu sâu sắc hơn.Rồi đọc những phản hồi của anh mới thấy được cái TÂM , cái TÌNH của anh đối với quê hương , đối với bạn bè cũng sâu nặng lắm, em rất cảm động trước tấm chân tình này.Quê hương Bình Định mình tự hào biết bao khi có nhiều người con tài hoa , thành đạt trong đó có anh Vũ Thanh và anh Nguyên Lương và các anh chị em được quen biết qua trang HX.Đọc bài cảm nhận của anh xong em cũng muốn nói:Các anh đã tặng cho thế hệ mai sau “kho tàng văn chương Việt một tác phẩm tầm cỡ”. Cám ơn anh Vũ Thanh và anh Nguyên Lương đã tưới mát tâm hồn người đọc.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn cô giáo nghen. Nếu cô giáo phải sống xa quê, rồi tự thân phải kiếm sống, vất và lo thân, tự nhiên trong bản năng sinh tồn nẩy sinh ra nhiều khả năng thiên bẩm mà mình không bao giờ biết là mình có. Lúc đó đem hết sở tồn làm sở dụng rồi làm được nhiều việc hay. Cái điều thôi thúc mình nhất đó là mình đang có cơ hội tốt trong tay nên lợi dụng tối đa vì biết bao nhiêu người muốn được như thế mà không có được. Ngày xưa học ở trường cũng khá, nhưng làm sao chen được vào một vé đi du học vì không thế, không thần. Rồi một ngày, sáng mở mắt ra thấy mình đang ở nước ngoài. Thế là chụp lấy, đi tới. 38 năm sau nhìn lại thấy một đoạn đường dài, không đau, nhưng dau nhất là khoảng cách của mình vơí quê nhà ngày càng dài ra. Mong là một ngày lá rụng về cội không biết có được không? Bỡi thế, hai chữ quê hương rất thiêng liêng vơí những người có cùng hoàn cảnh xa quê. Mà cùng cảnh ngộ rồi thì dễ gần, dễ thông cảm lắm.
      Có chuyện này anh chia xẻ: sáng nay ngồi coi chương trình ca nhạc của đài VTV4 mừng xuân mới, qui tụ tất cả các ca sĩ hàng siêu sao. Họ ăn mặc đẹp, hát hay, nhưng coi nửa chừng anh tắt máy, ngồi buồn. Đón Tết mà hát 1/2 là nhạc Việt, còn lại là nhạc ngoại quốc. Đài VTV4 là đài riêng chiếu cho hải ngoại, nếu muốn nghe nhạc Mỹ anh đã mở nghe chư đâu cần mở đài VN. Hơn nữa ca sĩ Việt hát nhạc Mỹ, Pháp bị ngọng, quá dở, phát âm không chuẩn, và chưa chắc đã biết lời hát ý nghĩa gì mà vẫn hát như con vẹt, ngay cả đó là Mỹ Linh hay Hồng Nhung, Đức Tuấn. Trên mấy chương trình VN Idol, The Voice, VN got Talent… đa số đều khoe hát tiếng anh. Thật tội nghiệp. Cô giáo thấy chưa. Quê nhà đã không thấy, tiếng quê hương không nghe, người hàng xóm không phải là hàng xóm. Cuối cùng chỉ còn chồng với vợ, con. Những lúc anh viết ra điều này thấy lòng nhẹ nhõm lắm. Anh nghĩ đó là lý do mà Vũ Thanh đã miệt mài sáng tác những tác phẩm lớn như vậy. Vuikhi được chia xẻ với cô giáo nghen.
      NL

      Reply
  13. Huỳnh ngọc Tín

    Tín có đứa em gái lấy chồng ở Phước Thành.Chú Bỉnh là bạn thân của ông già, còn Dũng thì học chung một lớp ở CĐ.Tín biết anh qua Trần đình Thương(cũng học một lớp), là ông xã của Cô Canh ở Phước Thành, bây giở ở Củ chi Sài gòn.Cô Canh học Phú Thọ và sau ra trường dạy ở Củ chi.
    Trước đây Tín cũng có quen một anh làm bên hóa Nông nghiệp, đại diện cho một Công ty của Mỹ làm Giám đốc vung Đông dương(quên mất tên).Và sau đó Tín đi Nga nen không liên hệ lại.Không chừng anh ta là anh cũng nên.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Giòng họ Trần Đình, có dính dấp gì với Trần Đình Sơn, ông TS Nguyên tử lực ở Pháp vừa mới qua đời năm trước, bà con Chú Bác với Trần Bùi Tung, Trần Bùi Thao ở Phước Thành. Cô Canh con ai ở Phước Thành? Anh làm GĐ cho công ty ở Á Châu năm 90-94, lo cho 14 nước, nên có cơ hội về VN thường xuyên để chuẩn bị cho công ty “đổ bộ” vào thị trường sau cấm vận năm 94. Sau công việc công ty bốc về đưa xuống Nam Mỹ.
      Thời gian ở VN anh thường ghé chỗ Nghiên Cứu Lúa Gạo ở Cần Thơ, có làm mấy cái seminar tại ĐHCần Thơ và đi An Giang thăm anh Thòng, một người cung cấp hóa nông nghiệp cho cả miền Nam. Anh có giúp cho Vipesco, Kano…CT anh giúp đỡ và thành công nhất bây giờ là CT sản xuất nước rửa chén Hảo Hảo, và công ty sơn KOVA, Ông chủ Hảo Hảo là người Hoa, rất bén nhạy. Anh cho ông một số công thức chính, rồi ông tự mày mò, mua máy móc chế ra sản phẩm mà dân rất ưa chuộng. Ông trả ơn, anh không nhận một cái gì. Anh nói tôi giúp ông, nếu ông giàu ông giúp lại người khác. Lần nào về thăm, ông vẫn xuề xòa, dân dã như ngày nào còn nghèo. Trước khi chia tay ông thường mua tặng anh mấy cái bánh bao ngon nhất Saigon, như ông vẫn thường làm ngày trước. Với bà TS Hòe của KOVA thì khác. Bà có đầy đủ kiến thức khoa học nhưng thiếu cách làm ra sản phẩm, Mình quen Bà năm 90 lúc bà đang còn là GS ĐH Tổng Hợp Saigon. Mình khuyến khích bà mở công ty sơn, bà làm ngay. Và thế tuồn cho bà hết tất cả những công nghệ cần thiết. Bà cho sinh viên ở trường thử nghiệm và đưa ra sản phẩm tốt ngang với quốc tế. Bây giờ có dịp qua Mỹ Bà luôn thăm mình. Bà cũng muốn trả ơn, mình không nhận, khuyên bà cho học bỗng sinh viên nghèo. Mỗi năm Kova bỏ ra cả triệu đô la làm học bỗng cho SV nghèo. Năm 2002 anh về dự một lễ trao học bỗng, Bà có nhắc tên mình là ân nhân. Nếu không có mình thì không có KOVA ngày nay. Những người như thế suốt đời mình không bao giờ quên được.
      Người Tín quen làm cho DuPont, tên Khải?

      Reply
  14. Bích Vân

    Anh Nguyên Lương thật là xuất chúng vừa tài vừa có cái tâm bao la , anh phân tích chữ tình trong tác phẩm gần như trọn vẹn nhưng mà còn thiếu tình bạn nữa đó anh tình bạn , vẫn có tình bạn trong thơ và tình bạn ở ngoài đời…

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Bích Vân này,
      Nói về tình bạn thì nó bao la lắm. Tình bạn của ai, người ấy biết. Ngay trên diễn đàn này bọn mình đã có bao nhiêu là bạn rồi. Còn nói đi tìm cho được hồng nhan tri kỷ nhu Ngô Tín thì hơi khó đấy.
      Thời buổi bây giờ hai người khác phái cũng có thể coi nhau như hai người bạn, không ăn nhập gì đến cái kia, họ vẫn có thể tâm sự, chia xẻ và thân mật với nhau. Giữ được thế, tình bạn này bền lâu lắm. Quan niệm cổ xưa không cho phép “nam nữ thọ thọ” nên khi thấy hai người khác phái quen nhau là họ nghĩ sắp có chuyện. Ở đây mình có quen mấy bà chị, cô em, rất dễ thương, biết điều chơi rất thân với hai vợ chồng. Đi chơi thường hay uống rượu, nhảy đầm với nhau, không co vấn đề gì. Chỉ khổ một điều là khi vợ chồng có vấn đề, mấy cô lúc nào cũng bênh cho nhau, bọn đàn ông bị đổ hết bao nhiêu tội lên đầu. Cảm ơn BV đã đọc và chia xẻ.
      NL

      Reply
  15. Kim Tiến

    Hi anh Lương,

    Rất cảm ơn anh đã chia sẻ những dòng cảm nhận đầy cảm xúc và lòng nhiệt tình ngưỡng mộ của anh về tập Trường Thi Hòn Vọng Phu của tác giả Vũ Thanh.

    Tiến cũng nghĩ giống anh, tác giả phải có một niềm đam mê mãnh liệt vào những trang sử huyền thoại cũng như những trang sử của tiền nhân và với một tấm lòng yêu mến thơ văn cũng như tình yêu quê hương đất nước nhiều như thế mới có thể viết nên trường thi như vậy! Và anh đã làm cho người đọc hiểu thêm và nhìn thấy được một góc khác của tác phẩm. Cảm ơn anh NL nhiều.

    Anh Quang, Tiến thật sự ngưỡng mộ sự bền gan và ý chí cùng niềm đam mê anh đã dành cho tác phầm này. Vì sao anh biết không? Với 2466 câu lục bát…thật là một kỳ công. Đối với Tiến, thơ lục bát khó vô cùng! Tiến không biết làm. Đi tìm vần thì mất ý!

    Và cũng cho Tiến cảm ơn những cảm nhận của anh Dũng về bài viết của anh Lương để hiểu thêm làm sao mà anh NL có thể đọc nghiền ngẫm 2466 câu thơ và phân tích những ý tình trong tập thơ này. Lẩn nữa cũng là lòng đam mê, lòng nhiệt tình và tình yêu thương quê hương, đất nước cũng như tình đồng hương. Tiến thật sự phục tài nghiên cứu tác phẩm của anh NL.

    Nhân đây cho Tiến chúc các anh chị một năm mới nhiều ơn lành nhất là sức khoẻ nghen vì chúng ta đang ở vào độ tuổi có nhiều thách thức trong vần đề này! Mong lắm lắm!

    Thân mến,
    KT

    Reply
    1. Quang Võ

      Chào Thượng sĩ Kim Tiến. Khỏe chứ, lâu qúa không gọi tán ngẫu, nay đọc lời chia xẻ của Tiến mừng qúa. Đầu năm nay nhờ anh Lương mà VT được nhiều người nhắc đến. Cảm ơn gnhen. VT đang làm một công việc mà khi thành chắc còn làm Kiêm Tiến “phục” lăn ra. Nhưng còn lâu lắm. Dạo này vì công việc đó mà bỏ ăn bỏ ngủ ốm lồi cả mũi và tai ra. Hi..hi.. Nói cho vui. Chúc gia đình một năm mới vạn sự như ý nhé.

      Reply
      1. Quang Võ

        RB ơi. Đó là tên mà chúng tôi gọi với nhau lúc tán ngẫu. Vậy thì giờ chúng ta thêm Nữ sĩ-Thượng sĩ-Văn Thi sĩ Kim Tiến vậy.

        Reply
  16. Kiều Thanh

    Một bài viết công phu, tỉ mị, tác giả đem hết cả tâm hồn của mình để viết , bằng một trái tim yêu bạn, yêu tác phẩm của bạn để cùng với bạn thăng hoa cho tác phẩm .Thật may mắn cho những ai được nằm trong hồ sơ bạn bè của Nguyên Lương.

    Reply
  17. Lẫn Thẫn

    Lẫn Thẫn thấy nhiều người còm và phản còm hay quá nên giật mình kinh sợ , té ra trên đời nầy anh hùng hào kiệt nhiều ghê , thôi thì khen hai bản nhạc ca sĩ hát hay quá để thay lời muốn nói.

    Reply
    1. Quang Võ

      Cảm ơn Lẩn Thẩn nghen. Ca sĩ Quy Nhơn của chúng ta đó. Họ hát c2n phải nhìn bài và còn có chỗ sai lời nhưng trình diễn rất hay và điêu luyện chỉ trong hai ngày tự tập theo CD. Tuyệt vời phải không?

      Reply
  18. Phượng

    Mười năm để viết và sáu tháng trời nghiền ngẫm để bình, cả hai người đều đã thành siêu sao về trí lực và văn lực .Chúc mừng Vũ Thanh và Nguyên Lương

    Reply
  19. Vũ Thất

    Anh Nguyên Lương,

    “Hòn Vọng Phu, với tôi, Vũ Thanh đã viết về một sử tích Việt, trên dất nước Việt, trong tinh thần Việt. Ở đây tác gỉa muốn gởi gắm một chữ TÌNH: Tình đồng bào đùm bọc nhau giữa những người dân thời tao loạn. Tình thương của gia đình, cha con, anh em gắn bó. Tình yêu của trai gái, chồng vợ keo sơn . Và nhất là cái Tình với non sông đất nước trong thời đại nhiễu nhương”.

    Nguyên Lương phân tích 4 thứ tình trong tập Hòn Vọng Phu rất đầy đủ, tinh tế qua trích dẫn thơ cùng sự dẫn giải uyên bác. Không ngạc nhiên khi “người điểm” cần một thời gian dài… Tuy vậy, NL chỉ mới hoàn tất phần “nội dung”, còn phần “hình thức” NL chưa nhắc tới. Hai ngàn năm trăm câu tức là hơn 2/3 truyện Kiều, rất xứng đáng để NL “chơi” thêm một bài bàn về nghệ thuật lục bát của Vũ Thanh (có bà con Vũ Thất chăng?)
    Cho phép tôi đưa bài này lên trang nhà VT.
    Chúc anh chị nhiều hạnh phúc cuối tuần.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Anh Vũ Thất,
      Phần nói về hình thức thơ lục bác của Vũ Thanh thì em dành cho anh đấy. Anh là nhà văn, đã viết bao tác phẫm, trước, sau 75. Sau khi nhận HVP của Vũ Thanh em mong là anh sẽ viết một bài về đề tài này.
      Bạn thơ dang đợi đấy.
      NL

      Reply
  20. Xanh

    Ở cái xứ chạy đua với thời gian mà Nguyên Lương chịu khó viết như một lão nho quả thật hiếm có Xanh đóan rằng khi viết chắc Nguyên Lương mắt nhìn sách tay hí hoáy trước bàn phím nhưng vẫn có hủ rượu nồng và bình trà xanh hương thơm ngào ngạt và bên cạnh một hồng nhan tri kỷ để cùng gật gù thì nhứt xứ.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Xanh đoán không sai. Khi viết nay làm thơ mà có một ly rượu đỏ trên tay, vừa viết vừa nhâm nhi, chữ nghĩa bay lên tận trời mây, thích lắm. Còn hồng nhan tri kỷ thì lúc nào cũng bên cạnh “càm ràm” đợi viết xong thì làm người đọc đầu tiên rồi phán thế này, thế nọ, làm như hiểu hết tim gan mình vậy. Xanh có bị thế không?
      NL

      Reply
  21. Ngô Kỳ Phương

    Tình đồng bào đùm bọc nhau giữa những người dân thời tao loạn. Tình
    thương của gia đình, cha con, anh em gắn bó. Tình yêu của trai gái,
    chồng vợ keo sơn . Và nhất là cái Tình với non sông đất nước trong
    thời đại nhiễu nhương.
    Bốn chữ tình được nhà phê bình Nguyên Lương phân tích cặn kẻ bằng một ngòi bút sắc sảo chân tình , hình như anh mới vào Hương Xưa?

    Reply
  22. Đặng Danh

    Vũ Thanh thật may mắn có Nguyên Lương và Hương Xưa cũng may mắn có Nguyên Lương, ngoài cách phân tích bài thơ đúng mực chỉn chu cứ coi Nguyên Lương trả lời từng người , từng người một rất thân tình và rất trân trọng, tôi nghĩ sao anh không làm chính trị bởi vì tính cách nầy rất thích hợp cho một chính trị gia anh thử đổi nghề đi tôi nghĩ rất thành công đấy.

    Reply
    1. Quang Võ

      Đặng Danh nhận xét thật đúng. VT may mắn, đúng hơn là Hòn Vọng Phu có duyên may nên gặp được một độc giả như anh Nguyên Lương vừa chăm chút đọc vừa chăm chút viết bài phân tích. Như ở trên kia anh Lương có nói” giờ nghe lại bài nhạc Đá Vọng Phu mới thấy thấm” Điều này chứng tỏ rằng, cho dù âm nhạc là một môn nghệ thuật đi vào lòng người nhanh nhất, nó cũng đòi hỏi phải có một thời gian (nghe đi nghe lại) để thấm thấu. Cho nên một tác phẩm văn học, nhất là trường thi ở thời đại khoa học, điện tử chạy đua với vật chất này, ngoài việc cần có thời gian để người đọc (số ít) thấm thấu, còn đòi hỏi phải có một cơ duyên để có thể hấp dẫn, thu hút độc giả. Cơ duyên đó là tác phẩm gặp được một vài độc giả như Hòn Vọng Phu gặp Nguyên Lương vậy. Nếu may mắn hơn nữa, thì sau Nguyên Lương, Hòn Vọng Phu gặp thêm vài độc giả tâm đắc và có một góc nhìn khác thì chúng ta lại có một bài viết khác để đọc, và Hòn Vọng Phu lại được tưới thêm một ít chất bổ để đâm chồi nẩy lộc trong nền thi ca Việt. Tất nhiên điều đòi hỏi trước tiên là bản thân Hòn Vọng Phu phải có sức sống tiềm tàng cái đã, thì những chất bổ được tưới thêm kia mới có tác dụng. Ai sinh con ra cũng gởi gấm ở nó một niềm hy vọng, VT cũng không ngoại lệ. Nhưng mọi sự tùy duyên, Đặng Danh nói có đúng không ?.

      Reply
  23. TT Hiếu Thảo

    anh luơng Vũ Thanh người cùng quê em anh có thể cho em biết email anh ấy được không ?HKBửu có cho em mà để đâu lạc kiếm không ra chúc anh vui mai mốt em gởi tập thơ nhờ anh luận… nha

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.