Tác giả: Phan Mạnh Thu
Quê hương nằm trong ký ức
Theo cùng trên những chặng xa
Nỗi nhớ trở mình tỉnh thức
Một miền quê chẳng phai nhòa.
Ngày về bên dòng sông lở
Nhớ màu hoa gạo xa xưa
Mảnh đất trung du cằn cỗi
Ngàn dâu vắng bóng lưng đồi.
Bờ tre nắng chiều rớt vội
Cánh cò xao xác bay qua
Lúa chẳng mùa nào giáp hạt
Ngùi thương đất mẹ nhọc nhằn.
Ngày đi về phương xa lắc
Hành trang có bóng quê nhà
Đi qua bao mùa mưa nắng
Khói chiều lại nhớ trời xa…
Cố hương nao lòng lữ thứ
Nhớ quê… trở gót tìm về
Hàng cau đón người viễn xứ
Đong đưa cánh lá vẫy chào.
Quê hương ngọt ngào quá đỗi
Ven đường hoa tím rưng rưng
Ngày trở về thăm vườn cũ
Giữa quê mà nhớ vô cùng…{jcomments on}
Quê hương ngọt ngào quá đỗi
Ven đường hoa tím rưng rưng
Ngày trở về thăm vườn cũ
giữa quê nhà nhớ vô cùng…Tác giả đã vẽ bức tranh quê hương mình đẹp & ngọt nào vô cùng! hay lắm PMT à!
Anh đồng ý với chị Kim Loan, Thu vẽ một bức tranh quê trong trí nhớ người của đi xa, thật đẹp. Anh thích chữ “lúa giáp hạt”, cũng như hôm trước Vũ Thanh có chữ “lúa trổ đòng đòng”. Một thời chăn bò, lội ruộng, chân anh còn dính phèn và lòng anh thì đầy rơm rạ. Đọc Thơ của Thu anh thấy như chính mình viết những câu này. Nhưng cô em ái viết hay hơn, nhẹ nhàng hơn, tình cảm hơn. Cũng là câu:
“Ngày trở về thăm vườn cũ
Giữa quê mà nhớ vô cùng…”
của Thu, thì có lần anh đã viết về kỷ niệm thời chạy loạn từ quê Phước Thành xuống Qui Nhơn:
“Con buồn xa lạ giữa quê hương….
…
Con lớn lên giữa phố đông người thiếu bạn
Sống trong hẻm nghèo thương nhớ xóm làng xưa
Đồng lúa xanh, giếng nước ngọt, cau, dừa
Nhớ chiều trời mưa bong bóng nở đầy sân nhỏ
….
Ngày trở lại làng vườn cỏ mọc đây
Lưới nhện giăng đầy trên trần nhà đã lâu vắng chủ..”
Thu thấy không, cũng là nỗi hoài niệm về nơi chôn nhau cắt rốn mà thơ của Thu nó nhẹ nhàng thánh thoát đẹp đẽ bao nhiêu, còn thơ anh ủ dột, buồn rầu và đau đớn bấy nhiêu. Hình ảnh quê nhà Thu mang theo hành trang lên đường là một hình ảnh thanh bình. Anh bỏ quê đi khi vừa hết chiến tranh. Đêm đêm nằm ngủ ở trời Tây trong tai anh vẫn còn nghe:
“Pháo quận lỵ rót về như cơm bữa”
Quê hương trong anh không có mây trắng, không có hoa gạo, cánh cò, như thơ Thu:
Chỉ có:
“và lửa đạn của những ngày di tản
Mẹ bồng con cha gánh chạy theo sau”
Cảm ơn em cho anh thấy lại đất trời quê mình thanh bình và đẹp đẽ của những năm anh còn bé xíu. Ôi nó đẹp làm sao.
Chúc em sức khỏe tốt, viết nhiều thơ cho anh và mọi người đọc.
NL
Hay quá ! NL viết lời bình thật hết ý ! Khen thì NL bào sao TKL ưa khen NL , nhưng không khen không được …..
Anh Nguyên Lương viết hay quá , em phải theo học lóm mới được, hì hì…
Tín định viết cho PMT thật nhiều mà anh viết hay quá làm sao dám viết!Thôi xin ké anh nghen!
MT cám ơn HN Tin đã đọc và chia sẻ.
Cám ơn chị Kim Loan đã chia sẻ cùng em nỗi nhớ quê.
Cám ơn anh NL đã chia sẻ câu chuyện một thời đã qua cùng MT. Anh viết quá hay. MT rời quê nội ngoại lúc mới sáu tuổi, khi ấy chiến tranh bắt đầu lan tới, chính vì thế không thể quay về quê được nữa.
Về sống ở vùng đất mới từ lúc sáu tuổi cho đến năm lên mười, trong bốn năm đó, chỉ có hai năm đầu là bình yên thôi. Nhà MT sống trong vùng xôi đậu ở thánh địa Mỹ Sơn, ngày ngày nhìn thấy bom rơi xuống miệt Lộc Sơn, Lộc Qúy. Trong ký ức tuổi thơ đó là những năm tháng kinh khủng nhất. Nhà MT hai lần bị đốt cháy, bà ngoại bị thương rất nặng, má MT phải đưa bà về Đà Nẵng chửa trị, tối đến ba MT dẫn theo em trai của MT lên chỗ làm ngủ chứ không dám ngủ nhà. Ở nhà chỉ còn MT và hai đứa em, chiều xuống là mấy chị em dẫn nhau qua chùa ngủ, cả xóm đều bỏ nhà qua ngủ hết ở chùa. Có một tối MT dẫn em qua tới nơi, chỗ của mình mọi ngày đã bị người ta chiếm mất, chẳng còn chỗ nào trải được chiếc chiếu để qua đêm. Không thể nằm ngoài sân vì trời mùa đông lạnh buốt da, lại không thể về ngủ trong căn nhà trống trước trống sau, hàng xóm vắng ngắt. Cuối cùng mấy chị em đành lên khu biệt thự bỏ hoang của Tây Đức, ( lúc đó họ đã dời hết về Đà Nẵng) và đêm đó là đêm kinh hoàng nhất trong cuộc đời, mà chẳng bao giờ MT có thể quên …
Đêm đó chỉ có hai đứa nhỏ ngủ ngon lành, còn MT chẳng thể nào chợp mắt, Chung quanh căn nhà toàn là cửa kính, ánh trăng sáng vằng vặc, chỉ một tán lá đong đưa cũng làm sợ hãi. Nửa đêm MT nghe từ hướng chùa có tiếng la khóc nổi trời, lửa cháy bốc lên cao ngùn ngụt, mấy chị em ôm nhau run bần bật. Sáng ra về nhà, chùa An Hòa đã bị trúng ca nông người chết và bị thương vô số, bác Niên hàng xóm với nhà MT bị nạn gần hết, còn chị em MT thoát nạn thật lạ lùng.
Sau sự việc đó nhà MT dời luôn về Đà Nẵng.
Ngày học cùng nhau ở trường S đâu biết MT vì cách nhau đến 2 khóa. Lớp S cũng có rất nhiều bạn trong quê tản cư ra nhưng đâu có ai nói điều nầy. Còn S thì sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nên có hiểu gì đâu…Bây giờ nghe MT kể lại S thấy cảm động thật sự.
Chiến tranh đã lùi xa lâu rồi nhưng dư âm vẫn còn đọng lại, và cái ký ức về một miền quê của MT trong bài thơ đã làm xao xuyến lòng S và nhiều người.
Mong dĩ vãng sẽ phai nhòa và bạn sẽ tìm được bình an cho tâm hồn trong những tháng ngày còn lại…
Trong số những bạn cùng sống ở Mỹ Sơn với MT ngày đó có Trương Văn Dũng K/8.
Hôm đi dự họp mặt của trường Sao Mai, bọn mình cùng ôn lại rất nhiều chuyện cũ. Dầu chiến tranh qua lâu cũng chẳng dễ gì quên được Sinh, vì ngay ngày giải phóng Đà Nẵng
mình trở thành nạn nhân chiến tranh, rồi mình mất luôn cô bạn học thân nhất cũng vì chiến tranh, bạn mình về quê rồi dẫm phải mìn sót lại.
NS thật sung sướng khi không biết mùi vị của chiến tranh, 29/3 /1975 ngay giữa Đà Nẵng, một quả pháo rơi cạnh rào nhà mình, nhà cậu bạn hàng xóm của mình mất một lúc 5 người, bạn ấy mất cùng với ông ngoại, cậu, mẹ và em gái, còn có mấy người đi đường nữa, mình là người duy nhất còn sống sót trong số hàng chục người chết đó, nhà mình bị mảnh đạn xuyên thủng từ tường nọ qua tường kia.
Thế mới biết trong chiến tranh đời người sống chết chỉ trong gang tất.Năm 1968 Tín ngồi ngắm chiếc máy bay bổ xuống mình với cái mũ sắt bay theo rơi đúng sát bên mình(cái mà Tín cứ đứng nhìn nghĩ là mũ sắt là trái bom).Nhưng trái bom đó không nổ.Trường hợp của chị em Thu cũng vậy, con người chưa tới lúc chết thì tự bom đạn cũng tránh mình.
Đúng là bom đạn đã tránh MT hồi năm 1968. Nhưng năm 1975 , trong ngày cuối cùng của cuộc chiến MT lại không thoát được đó Tin.
Thu ơi,
Những người dễ xúc động như bọn mình, những đau đớn, mất mác của tuổi thơ như vết thương trên da, đã lành, nhưng để lại sẹo vĩnh viễn. Chính những vết sẹo này là chất liệu cho ta cảm xúc để nhớ lại, viết ra. Có đôi lúc tự nghĩ sao mà mình còn sống, sống để làm chứng nhân cho những đổi dời hay sống để chờ hy vọng: “sáng mai trời sáng” . Cũng như Thu và Tín, anh cũng chết hụt mấy lần, chết đi rồi sống lại. Qua rồi những lần sinh tử đó, mình thấy yêu qúi cõi trần này hơn. Và luôn tự nhủ: Còn sót một ngày trước đêm dài.
Cuộc sống này thật là ngắn ngủi, cho nên”Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy,ta có thêm ngày nữa để yêu thương”Câu này thật là chí lý!
Còn sót một ngày trước đêm dài.(NL)
“Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy,ta có thêm ngày nữa để yêu thương”(HN Tin)
MT sẽ ghi nhớ những lời này.
Bờ tre nắng chiều rớt vội
Cánh cò xao xác bay qua
Lúa chẳng mùa nào giáp hạt
Ngùi thương đất mẹ nhọc nhằn.
Quê hương khắc sâu trong lòng tác giả
nên lời thơ luôn đậm nét hình ảnh quê nhà…..
Bài thơ hay lắm chị PMT
Em KM
Chào cô em Khảo Mai tài hoa.
PMT luôn đau đáu một nỗi nhớ quê,nỗi nhớ ấy luôn thể hiện trong những bài thơ với những lời thơ thật da diết làm nao lòng người. Bài thơ hay lắm PMT ơi!
Quê hương nằm trong ký ức
Theo cùng trên những chặng xa
Nỗi nhớ trở mình tỉnh thức
Một miền quê chẳng phai nhòa.
Quê hương ngọt ngào quá đỗi
Ven đường hoa tím rưng rưng
Ngày trở về thăm vườn cũ
Giữa quê mà nhớ vô cùng…
Cám ơn cô giáo NguyênTiêt lúc nào cũng rộng lòng với MT.
Cố hương nao lòng lữ thứ
Nhớ quê…trở gót tim về
Hàng cau đón người viễn xứ
Đong đưa cánh lá vẫy chào( PMT)
Người lữ thứ nao lòng khi quay về cố hương…nỗi nhớ quê làm xôn xao reo vui từng cánh lá hàng cau, đâu đâu cũng là tiếng lòng , đâu đâu cũng là kỉ niệm từ dòng sông đến mùa hoa gạo, từ triền đê đến cánh cò, mùi hương ngọt ngào ruộng lúa đến sợi khói lam chiều trên mái tranh được tác giả thể hiện như một bức tranh Quê Hương yên ả thanh bình.Người viễn xứ làm sao không chạnh lòng .
Quê hương vẫn là nơi chốn
Một mai ta muốn quay về…
Chị Cẫm Ái nói đúng “ trở về đâu đâu cũng là kỷ niệm”, nhất là ngày về vườn cũ hoang tàn quá, em càng thấy chạnh lòng hơn.
Quê hương ngọt ngào quá đỗi
Ven đường hoa tím rưng rưng
Ngày trở về thăm vườn cũ
Giữa quê mà nhớ vô cùng…
Hay qua PMT ơi!
Cám ơn chị Tôn Nữ Yên Khê đã đồng cảm.
Bài thơ Quê Hương của Phan Mạnh Thu khiến anh chạnh lòng quá…
“…Giữa quê mà nhớ vô cùng..”
“Giữa quê mà nhớ vô cùng”
Nhớ quê, nhớ cảnh, nhớ người
Nhớ trăng, nhớ gió, nhớ trời quê hương
Dù đi xa tắp ngàn phương
Càng nhung nhớ càng yêu thương quê nhà…
Nhớ quê thôi chẳng nhớ người
Nhớ hàng cau quyện khói trời cố hương
Mai sau thân gởi ngàn phương
Hồn bay theo gió về nương quê nhà…
Quay về rồi ta mới cảm nhận được hết ta nhớ quê đến dường nào,
Vì thế mới “ Giữa quê mà nhớ vô cùng”. Cám ơn anh lữ nhiều.
Bài thơ viết cho quê hương của PMt. đọc lên nghe ngọt ngào
và lòng như bùi ngùi và thật nhớ đền quê hương mình quá.
PMT. những lời thơ của em nhẹ nhàng như những giọt sương thu.từng lời ngấm vào lòng một nỗi nhớ nhẹ nhàng.
Thân mến
Em cám ơn những lời chia sẻ chân tình chị Nguyên Hạ Lê Nguyễn. Chúc chị mùa đông thật ấm áp bên những người thân yêu.
giữa quê mà lại nhớ quê! Sao chị nói đúng tâm trạng em lúc nầy vậy!
Chị em mình tâm trạng giống nhau nên dễ đồng cảm với nhau em nhỉ.
Chị nhớ mít khô ngào đường bó trong mo cau lắm, miền Nam thiếu gì mít nhưng tìm chẳng thấy hương vị ngày xưa.
Cố hương nao lòng lữ thứ
Nhớ quê… trở gót tìm về
Hàng cau đón người viễn xứ
Đong đưa cánh lá vẫy chào.
Quê hương ngọt ngào quá đỗi
Ven đường hoa tím rưng rưng
Ngày trở về thăm vườn cũ
Mỗi người luôn ấp ủ một miền quê trong tim, canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê hương xứ sở. Bài thơ của Phạm Manh Thu đã nói lên tình cảm của mình thật ngọt ngào, êm đềm của bước chân người con đi xa trở về , khung cảnh ngày xưa hoa, lá như reo vui chào đón.
…Giữa quê mà nhớ vô cùng…
Hay quá Mạnh Thu ơi.
Cám ơn Thu Thủy đã đồng cảm.
Giữa quê mà nhớ vô cùng
Cảnh thì bớt nhớ, nhớ người dưng
Viết lại cho đúng vần:
Giữa quê mà nhớ vô cùng
Cảnh thì bớt nhớ, người dưng nhớ nhiều
Khách ơi! MT rời quê nội ngoại khi mới lên sáu, tuổi đó làm gì đã biết thương nhớ người dưng.
Bài thơ của PMT viết về quê hương ngọt ngào dễ thương quá,một bức tranh quê gợi nhiều kỷ niêm.
Cám ơn Khánh Luận đã chia sẻ cùng MT.
“Quê hương nằm trong ký ức
Theo cùng trên những chặng xa
Nỗi nhớ trở mình tỉnh thức
Một miền quê chẳng phai nhòa.”.PMT.
*
Quả đúng như vậy đó mà…
“Quê hương ngàn đời vẫn đẹp,
Đâu cần mùi phấn màu hoa,
Quê hương trong tôi là Mẹ,
Cả đời mật ngọt tình cha…”BXL
Quê hương trong tôi là Mẹ,
Cả đời mật ngọt tình cha…”BXL
Đúng đó anh Lộc, nơi ta sinh ra bao giờ cũng đẹp nhất.
Bài thơ nhẹ nhàng nhưng sức truyền cảm rất lớn. Chỉ đáng tiếc một chút xíu thôi! lenhholangtu nghĩ rằng PMT đã nhận ra “chút đáng tiếc” -có thể không mấy quan trọng- đó…
Cám ơn nhà thơ lãng tử, Chỗ đáng tiếc anh muốn nói đến có phải là câu cuối của khổ thứ ba bị tách dòng không? ( Cái này chắc do HX sơ ý ). Hay anh muốn nói MT đã viết là cánh lá thay vì cành lá? ( Cái này thì MT cố ý ), hay còn chỗ nào khác mà MT chưa nhận ra, anh làm ơn chỉ dùm nha. MT
Tiện đây xin hỏi chàng lãng tử
Nửa đời qua đã mấy bận u đầu?
Ngày đi về phương xa lắc
Hành trang có bóng quê nhà
Đi qua bao mùa mưa nắng
Khói chiều lại nhớ trời xa…
quê hương , chị đã gửi gắm tình cảm của mình vào bài thơ thật hồn hậu.
Rêu dạo này ít thấy chắc là bận lắm hả. Cám ơn Rêu nha.
chị PMT, rêu cũng lẫn quẩn đây ,, nhưng có lúc lười, có lúc thì rêu bị vô hồn , mất cảm xúc, không tập trung được khi muốn viết vài dòng cảm nhận thật hay, thật khách quan khi đọc qua,…. chúc chị có nhiều bài thơ hay nha.
Bức tranh quê thật đẹp vừa có cảnh vừa có tình .
Cám ơn Dạ Lan nhiều. Chúc vui.
Ngày về nao lòng phố cũ
Ngọn tóc pha màu khói sương
Đất khô dường như hé nụ
Một bông biên biếc vô thường
Ngày về chín mộng nhớ thương
Đi trên bờ lau ngọn cỏ
Nghe mùi hoa dại lừng hương
Tự nhiên chân bước ngập ngừng
Tự nhiên nước mắt lưng chừng
Tự nhiên thương quá vô cùng
Ngày về nao lòng phố cũ
Ngọn tóc pha màu khói sương
Đất khô dường như hé nụ
Một bông biêng biếc vô thường
Ngày về chín mộng nhớ thương
Đi trên bờ lau ngọn cỏ
Nghe mùi hoa dại lừng hương
Tự nhiên chân bước ngập ngừng
Tự nhiên nước mắt lưng chừng
Tự nhiên thương quá vô cùng
Hay lắm R Xưa ơi! Tự dưng lòng cũng rưng rưng.
“Tiện đây xin hỏi chàng lãng tử
Nửa đời qua đã mấy bận u đầu?” [PMT]
Trán mẻ đầu u không đếm xuễ
Đau mà vẫn sướng có sao đâu?![lhlt] 😛
PMT thử đọc kỹ khổ thơ thứ 5 vài lần là thấy ngay thôi mà. 😉
Cám ơn lenhholangtu thật nhiều, lần sau MT sẽ cẩn thận chăm chút kỹ lưỡng hơn. 😛
Cái Nick lenhholangtu vô hình chung [có thể] đã làm một số “giang hồ đồng đạo” mất cảm tình. Nhưng lhlt lại khá nghiêm cẩn khi thưởng thức thơ văn của bằng hữu và thầm mong sáng tác của mọi người mỗi ngày mỗi mới hơn mỗi hay hơn và càng đặc sắc hơn càng tốt.
Tất nhiên không thể cầu toàn. Đôi khi tác phẩm ngẫu nhiên có vài khuyết tật nho nhỏ sẽ thêm phần duyên dáng.
Giả dụ “lữ thứ” & “viễn xứ” ở khổ thơ thứ 5 MT thay bằng 2 từ thuần Việt như toàn bài thì QUÊ HƯƠNG sẽ nhẹ nhàng thanh thoát biết bao nhiêu!
Vẫn biết đây chỉ là cuộc chơi. Nhưng lại là cuộc chơi trí tuệ và cao nhã… OK?
[Lẽ ra lhlt chỉ nên mail riêng cho MT, nhưng đáng tiếc là k có địa chỉ. Có gì lhlt làm MT phật ý thì xin từ bi hỉ xả cho nhé] 😛 😛
Nhờ comment này mà NT được học lóm cái ý hay của anh NĐT đó. NT cũng rất thích được góp ý chân tình như vậy để mình tiến bộ hơn khi viết. ” Học thầy không tày học bạn” mà. Cám ơn anh NĐT nghen.
😛 🙂 😛
Không có phật ý đâu, trái lại còn cám ơn anh Đăng Trình rất nhiều, nếu anh đọc bài nào chưa được thì cứ góp ý dùm, MT nghiêm túc tiếp thu, MT nói chân thành đó nghe.
Quê hương ngọt ngào quá đỗi
Ven đường hoa tím rưng rưng
Ngày trở về thăm vườn cũ
Giữa quê mà nhớ vô cùng…
Chúc mừng Phan Mạnh Thu với một bài thơ cho quê hương yêu dấu của mình, tình nghĩa thấm đẩm với quê nhà từng con chữ đầy cảm xúc rất hay, chúc em vui & hạnh phúc tràn âầy nhé.
Cám ơn chị Kim chi. Em cũng chúc chị mỗi ngày lại thêm một niềm vui chị nhé.
Bài thơ dạt dào cảm xúc tình quê hương da diết khôn nguôi, hay lắm Mạnh Thu ơi!
Em cám ơn chị Quốc Tuyên đã đọc và đồng cảm.