Tác giả: Huỳnh Thị Thùy Hạnh
Ngày anh Trường vào Sài Gòn học đại học, mẹ dọn dẹp căn
phòng của anh rồi giao cho chị Mầm, mẹ nói:
-Từ nay Mầm một phòng Nụ một phòng còn bé Búp cứ ở y chỗ cũ.
Chỗ cũ của Búp là một khoảng trống nằm nép sau tủ rượu
của bố. Khoảng trống này vừa đủ kê một cái giường gỗ nhỏ
và một cái tủ “mẹ bồng con”. Người ta gọi mẹ bồng con vì
tủ được đóng theo kiểu chia đôi, một bên cao một bên thấp.
Thoạt nhìn bên phần thấp như đứa con đang nép mình bên mẹ,
nói một cách thắm thiết thì giống như…mẹ đang bồng con!!! Tủ
không lớn, mẹ thì nhỏ thó con thì ốm nhom nên “hai mẹ con”
trông thấp chủn, có vẻ tội tội sao sao ấy. Phía bên “mẹ” Búp
treo những bộ áo quần dành mặc đi học và đi chơi. Phía bên
“con” có hai ngăn, ngăn thứ nhất đựng áo quần mặc nhà, ngăn
thứ hai đựng các thứ linh tinh như khăn quàng cổ, khăn tay,
băng-đô, kẹp cài đủ màu … dưới hai ngăn là một cái hộc có
khóa. Không ai biết trong hộc có gì vì chiếc chìa khóa lúc
nào cũng nằm trong túi áo lá của Búp, trên miệng túi có cây
kim băng ghim lại hẳn hoi. Mẹ treo một tấm màn hoa nên khi thay
đồ hay đi ngủ Búp chỉ cần kéo nhẹ, thế là Búp thấy mình
đã được ở trong một thế giới khác và trong cái thế giới
nhỏ bé đó nhiều giấc mộng được dệt tuy vụng về nhưng là
của riêng, là sở hữu của cô gái nhỏ 12 tuổi.
Con đường nơi gia đình Búp đang sinh sống rất ngắn. Đã ngắn
còn bị một con đường “oai” nhất thị xã chạy ngang qua nên nó
bị chia thành hai khúc, khúc trên thì bằng phẳng và đông vui
vì giáp với công viên và rạp hát còn khúc dưới dài hơn một
chút thì chổng ngược nên người ta gọi là con dốc, cuối dốc
là một cái đầm rộng mênh mông, quanh năm lộng gió. Mỗi khi có
dịp nói về con dốc mọi người thường than vãn vì độ cao của
nó. Xe hơi xe máy thì còn đỡ chứ xe đạp xe xích lô thì…xuống
dốc không những không cần đạp mà còn phải thắng bớt lại nếu
không xe lao vù vù có ngày té gãy cổ. Xuống dốc là vậy còn
lên dốc thì không ai yêu cầu mà vẫn phải xuống xe… dắt bộ…
mặt không ngẩn lên để dồn sức mà đẩy nên thoạt nhìn giống
như đang đi sau xe tang: lặng im, cúi đầu…đầy kính cẩn. Đẩy xe
lên được tới đầu dốc, tức chỗ bị cắt ngang thành ngã tư thì
mới ngẩn lên, mặt mày đỏ gay, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đứng
lại thở phì phò một lúc, bớt mệt… lên xe, đi tiếp.
Mọi người nghĩ gì về con dốc Búp không quan tâm, với Búp nó
là con dốc đặc biệt với đầy đủ màu sắc, âm thanh và hương
vị. Màu sắc âm thanh hương vị gì? Những thứ đó ra sao? Khi
bạn anh Trường cắc cớ hỏi như vậy thì Búp đã trả lời: anh
muốn biết thì cứ tới đây sống rồi từ từ sẽ biết. Em không
nói được.
Mỗi bên dốc có khoảng hơn chục căn nhà, nhà Búp bên số lẻ,
gần sát ngã tư nên được coi là phía đầu dốc. Đối diện, tức
bên số chẵn là nhà thím Tửu, chồng thím làm công cho một gia
đình người Hoa chuyên sản xuất xì dầu. Người ta nói nhà chú
thím “cất đầu” không nổi vì đông con vậy mà năm ngoái thím
Tửu lại sinh thêm một đứa con gái. Bé này được đặt tên là
Ét vì trước nó đã có Cu Lớn Cu Nhỏ và Út Chị Út Em. Đó
là “trước nó” chứ còn “trên nó” là chị Ngọc chị Ngà anh
Châu chị Báu và hai anh em sinh đôi là Công và Danh. Chị Ngọc
chị Ngà xong lớp Đệ Tứ là lao ra đời đi làm phụ cha mẹ nuôi
các em, anh Châu thấy gia đình khó khăn, em út nheo nhóc đành
bỏ học giữa chừng theo người bà con vô Sài Gòn kiếm việc.
Nghe thím Tửu nói ảnh lãnh việc ghi chép sổ sách cho mấy
hiệu buôn trong Chợ Lớn chắc cũng ổn nên vài ba tháng có gửi
về cho thím chút đỉnh. Chị Báu vừa xong tiểu học cũng nghỉ
để lo cơm nước giặt giũ cho cả nhà vì một mình thím Tửu
làm không xuể vả lại người ta thường thấy thím nếu không đang
mang cái bụng thè lè thì cũng đang ẵm ngửa một đứa nhỏ trên
tay thì còn làm gì được nữa.
Hôm đầy năm bé Ét, Búp theo mẹ qua nhà chú thím ăn cúng thôi
nôi. Hai cái bàn tròn một dành cho đàn ông một cho đàn bà
còn lũ nhỏ con chú thím cùng mấy đứa đi theo mẹ như Búp thì
ngồi quanh một chiếc chiếu trải ngoài hiên. Thím Tửu hầm một
nồi măng khô giò heo, cô em chồng đem tới một mớ lòng luộc
với mấy ký bánh hỏi. Hàng xóm có bà Bạch Lạp (bà này tên
Phụng nhưng nhà làm đèn cầy nên ai cũng kêu bà Bạch Lạp) đem
tới một đòn chả lụa cùng mấy chục nem chua còn mẹ Búp thì
gửi qua một nồi cà ri gà từ sáng sớm. Mấy món ăn kèm như
bún, bánh mì do chị Ngọc mua về. Bác Thoàng anh trai chú Tửu
làm cho hãng bia BGI chở lên hai kết xá xị và một kết bia Con
Cọp. Xá xị dành cho đàn bà con nít, bia Con Cọp dành cho đàn
ông, con trai.
Khi mọi người đã vô bàn đầy đủ, bác Thoàng gái nhìn ra mâm
“chiếc chiếu” ngoài hiên thấy đám “bù chao” đang cầm chai xá
xị tu lia lịa, liền nói:
-Thôi nghe. Đẻ nhiều khổ lắm bay ơi! Khổ mình rồi khổ con…tội nghiệp.
Mẹ Búp cười:
-Ét là chót. Lần này là lần chót rồi, 11 đứa chớ ít gì.
Thôi, xin mời bà con…xin mời.
Mọi người vui vẻ cầm đũa nhưng chưa kịp gắp thức ăn thì thấy
thím Tửu lấy tay bụm miệng, khọt khẹt mấy tiếng rồi ọe ọe,
mặt mày tái nhợt như bị trúng độc. Cô em chồng ngồi gần la
lên:
-Trúng gió…trúng gió. Lấy chai dầu Nhị-Thiên-Đường…
Thím Tửu xua tay, giọng đứt quảng:
-Đừng…đừng…
-Cạo liền, để lâu coi chừng gió nhập.
-Không phải trúng gió. Tui..tui…ốm…ốm nghén… 2 tháng rồi.
Thím thiểu não đưa hai ngón tay lên, bà con cô bác ngao ngán
hạ hai chiếc đũa xuống. Hết nói.
Tháng 12 ngoài trời rét căm căm, thím Tửu nằm trong buồng đẻ.
Lại sinh đôi. Lại hai trai. Bé ra trước được đặt tên là Lép,
bé ra sau là Xẹp. Đó là tên ở nhà chớ trong khai sinh là Vinh
và Hiển, nghe có vẻ oai phong và tràn đầy hy vọng.
Nhà làm đèn cầy nằm ở giữa con dốc. Chồng bà Bạch Lạp từ
khi bị tai biến mạch máu não chỉ ngồi một chỗ, sản xuất
thì có hai anh con trai cùng một người làm công, mua vô bán ra
thì do vợ tính toán. Đèn cầy làm ra được bán cho bạn hàng
dưới Chợ Lớn, thỉnh thoảng có mối từ huyện đến lấy về bỏ
lại cho các chợ quê.
Sáng 14 âm lịch mẹ sai Búp qua mua đèn cầy, lúc đứng chờ bà
Bạch Lạp đi lấy tiền thối thì anh Triều, người làm công tới
to nhỏ:
– Em qua nhà thím Tửu gặp chị Báu, chỉ có chuyện muốn nói
với em đó.
-Chỉ nói chuyện gì?
-Anh không biết.
Búp thắc mắc định hỏi nhưng vừa thấy bóng bà Bạch Lạp anh
Triều vội đi xuống nhà dưới. Trưa đó vừa ăn cơm xong Búp chạy
qua nhà thím Tửu, nhà có vẻ ít người hơn mọi ngày. Vừa
thấy Búp chị Báu đưa tay ngoắc:
-Em lại đây. Bữa nay má chị dẫn mấy đứa nhỏ về bên ngoại ăn
giỗ chỉ còn cu Lép cu Xẹp ở nhà. Tối nay em đi với chị ra
bờ sông chơi nghe.
Búp nhìn chị tỏ ý ngạc nhiên:
-Sao em nghe anh Triều nói chị có chuyện muốn nói với em.
-Thì là chuyện ra bờ sông chơi…
-Ra bờ sông chơi đâu phải là chuyện. Ban đêm ngoài đó tối thui,
em sợ ma lắm. Thôi chị có chuyện gì thì cứ nói ở đây đi.
Chị Báu thì thầm:
-Em đi với chị rồi chị sẽ nói sau. Bí mật.
Vì tò mò muốn biết “bí mật” nên Búp nhận lời:
-Được. Học bài xong em sẽ qua.
-Ừ, vậy cỡ gần 8 giờ nghe. Chị đợi.
Ăn cơm chiều xong Búp ngồi ngay vào bàn học chứ không “chàng
ràng” như mọi bữa. Khi liếc thấy kim dài kim ngắn của chiếc
đồng hồ treo tường gặp nhau ở con số 8 Búp đứng lên, vươn vai
nói lớn, cốt ý cho cả nhà nghe: “Học xong rồi, thuộc bài
rồi”. Sau đó tới gần chị Mầm, nói nhỏ: “Chị ơi, em qua nhà
thím Tửu chơi một chút nghe chị”.
Không đợi trả lời Búp chạy nhanh ra cửa. Tiếng chị vọng theo:
-Chơi một chút rồi về nghe chưa.
Chị Báu cầm tay Búp kéo đi thật nhanh. Xuống tới cuối dốc
Búp dừng lại:
-Đi chơi gì mà chạy như bị ma đuổi vậy chị?
Chị Báu làm thinh quẹo tay mặt bước tiếp. Bực quá Búp dằn tay ra:
– Em không đi nữa đâu.
Chị Báu chưa kịp nói gì thì một người đàn ông từ trong bóng
tối bước ra. Búp la lên:
-Ăn cướp chị ơi. Chạy!
-Anh đây mà Búp. Đừng la lớn. Anh Triều nè.
-Anh Triều hả? Anh làm em hết hồn. Anh đi đâu đây?
-Anh đi chơi… ra bờ sông chơi…
Búp hơi ngạc nhiên vì thường người ta thích chơi ở nơi đông vui
chớ khùng gì tới mấy chỗ buồn thiu vắng lặng như vầy. Anh
Triều nói:
– Ba đứa mình tới chỗ kia ngồi hóng mát đi.
Nãy giờ chị Báu vẫn im lặng. Anh Triều bảo ra kia ngồi hóng
mát là chị ngoan ngoãn đi theo, chị nắm tay Búp lần này xiết
chặt hơn vậy mà Búp vẫn cảm nhận được tay chị run run. Tháng
hè nóng muốn chết vậy mà run run là sao. Búp không hiểu.
Tiếng sóng vỗ bờ miên man nghe như khúc dạo đầu của một bản
trường ca. Âm thanh này là “duy nhất” vì chỉ nghe được tại
đây, nơi cuối con dốc cao có cái đầm rộng. Người ta xây bờ kè
dọc theo đầm để chống sạt lở, để chắn những đợt sóng lớn
vào những ngày mưa bão. Có một đường rầy xe lửa chạy song
song theo bờ kè, đường rầy này coi như bị bỏ hoang vì đã lâu
không có chuyến tàu nào chạy qua và nó trở thành chỗ cho
đám con nít chơi trò đi “cheo leo” mỗi chiều hè. Hai đứa đi hai
bên đường ray, đứa nào không bị ngã khỏi đường ray thì coi như
thắng cuộc. Bước đi phải thật thận trọng vì đường ray nhỏ
chỉ vừa đủ để đặt một bàn chân, rút chân này lên thì đặt
liền chân kia xuống để tiếp tục bước tới. Hai tay phải dang
rộng ra để giữ thăng bằng nên nhìn đứa nhỏ nào đi trên đường
ray cũng như con bướm, hai cánh chao chao…
Anh Triều ngồi ray bên này, chân duổi thẳng chạm ray bên kia,
chị Báu ngồi gần anh ấy nhưng hai chân co lên, bàn chân đặt
trên thanh tà vẹt, cằm tựa lên đầu gối. Búp ngồi xuống đường
ray phía có hai bàn chân của anh Triều, coi như đối diện với
hai người, có ý chờ đợi. Năm phút rồi mười phút trôi qua,
không ai nói với ai câu nào. Hay đã là “bí mật” thì không
được tùy tiện mà phải đợi đúng thời điểm mới tiết lộ?
Tiếp tục chờ…nhưng bí mật vẫn là bí mật. Búp thở dài:
-Ra bờ sông chơi gì mà buồn thiu vậy trời! Có gì đâu mà chơi,
thôi em về trước nghe chị.
Chị Báu chồm tới chụp tay Búp, anh Triều vội vã móc túi:
-Nè, anh cho tiền tới kia mua bánh xèo ăn cho vui…
-Chỗ nào? Em có thấy ai bán gì đâu.
Anh Triều kéo Búp đứng dậy, chỉ tay về hướng Chùa Bà:
-Tới ngã ba kia có một bà ngồi trong góc, bả đổ bánh ngon
lắm, tối nào cũng có người bu ăn.
Búp gãi đầu phụng phịu: nhưng trời tối thui đi một mình em
sợ lắm, hay là chị Báu đi ăn bánh xèo với em. Lời đề nghị
bất tử của Búp khiến anh Triều bức tóc bức tai: thôi để anh
dẫn đi một khúc, trăng sáng chang vầy mà kêu tối, đi…đi…
Búp níu cánh tay anh Triều, anh đi thật nhanh Búp lúp xúp
chạy theo. Gần tới ngã ba anh Triều chỉ tay:
-Đó, thấy chưa, đối diện với cây bàng già, chỗ sáng sáng
đó…Rồi anh vội quay đi. Búp nhìn theo thấy hình như anh đang
chạy. Trời đất! Có ai rượt đâu mà chạy dữ vậy.
Tới chỗ có ánh sáng Búp thấy một người đàn bà đang cầm
cái ống thổi lửa thổi phù phù. Bà ngẩn lên khi thấy có
bóng người:
-Ăn đây hay đem về?
-Dạ…dạ… ăn đây.
-Nửa chục hay một chục?
Búp không hiểu, sao con nít mà lại có thể ăn hết một chục
bánh xèo. Quan sát thì thấy chỉ có hai cái khuôn, một cái
vung và một tô dầu cùng hai thẩu nước chấm, trên chiếc bàn
thấp và cũ kỹ có một lon đũa tre cùng một chồng dĩa đất
cái sức cái mẻ. Búp hỏi:
-Sao không thấy tôm thịt, rau sống hả thím?
-Ở đây chỉ bán bánh xèo “dỏ” thì làm gì có tôm thịt. Mày
có ăn không tao đổ?
-Bánh xèo “dỏ” là sao hả thím?
Không nhìn Búp người đàn bà vừa quậy thau bột vừa đáp:
-Coi thì biết.
Bà lấy chiếc đũa có cái nùi vải quấn quanh nhúng vô tô dầu
thoa mặt khuôn đang nóng trên bếp than rồi múc một vá bột
trắng đỗ vô, tay kia cầm cán khuôn chao một vòng cho bột tráng
đều, lấy vung đậy lại. Bà làm những động tác y hệt với cái
khuôn thứ hai rồi lấy vung của cái khuôn trước đậy cho cái
khuôn sau. Bột trong khuôn thứ nhất se se mặt, bà lật một bên
úp lại, chiếc bánh dẹp lép vì không có gì bên trong nên
giống như trăng tròn 16 bỗng chốc chỉ còn là “nửa vầng trăng”
rồi trút ra cái dĩa đất, thế là xong.
-Mắm nêm hay nước mắm, mày muốn chấm thứ gì thì tự múc đi.
Đũa trong cái lon ghi-gô đó.
Búp chọn mắm nêm. Chỉ trong vòng vài phút bà bán bánh đã
đổ xong năm cái. Búp hiểu rồi, không có gì bên trong tức là
bánh không có nhưn, chỉ có cái vỏ thôi, hèn chi kêu là bánh
xèo “dỏ”…
Búp đưa tờ tiền ra cho bà bán bánh:
-Mua được mấy bánh hả thím?
-Một chục.
-Con mới ăn cơm còn no, thím đổ cho con năm cái thôi.
Người đàn bà vẫn tiếp tục đổ bánh, Búp vội nói:
-Con chỉ ăn 5 cái thôi…
-Tao đúc sẵn chớ đợi khi có khách tới mới đúc thì không
kịp, 5 cái của mày đó, ăn đi.
– Thím không sợ bánh bị nguội sao? Nhà con ăn tới đâu đổ tới
đó chớ không đổ trước, sợ hết nóng hết giòn.
Bà bán bánh nhếch môi:
-Ối, bánh thịt bánh tôm mới cần ăn nóng chớ bánh xèo “dỏ”
thì càng nguội càng ngon.
Búp hít hà, cay mà ngon…Mùi mắm nêm thơm nức, Búp thấy sao
mà “đã” quá! Không tôm không thịt không giá không hành không
trứng không nấm không rau sống…không màu nâu nâu bắt mắt cũng
không dòn tan vàng rụm mà sao ngon thấu trời. Mùa đông mẹ
cũng có đổ bánh xèo nhưng chưa bao giờ Búp được ăn thứ bánh
xèo “dỏ” như vầy. Búp nhìn quanh:
-Thím bán ở đây lâu chưa? Sao con không thấy ai tới ăn?
-Hơn 13 năm rồi. Một chặp nữa là không có chỗ ngồi, tối tối
người ta đi chơi hay đi coi hát bóng về đói bụng có người làm
tới hai chục…
Ngọn đèn tù mù soi gương mặt cằn cỗi của người đàn bà
khiến Búp thấy buồn buồn. Bà ấy đã ngồi ở đây hàng đêm kể
từ lúc Búp chưa có mặt trên cõi trần gian này.
-Thím có mấy người con?
-Sáu. Đứa đầu cỡ bằng mày. Đông con cực lắm, suốt đời nghèo.
-Gần nhà con có thím kia đẻ tới 13 đứa, chu cha khổ hết biết luôn.
-Nhà mày ở đâu? Mấy đứa nhỏ quanh đây thường ra ăn bánh của
tao nên tao biết mặt biết tên từng đứa. Mày ở xóm nào?
Búp đưa tiền rồi chỉ tay về hướng bến xe: Dạ, trên dốc…nhưng
Búp kịp ngưng lại. Nói ở con dốc trên kia làm chi, không khéo
người ta nói con gái mà một mình ban đêm ban hôm đi xuống tuốt
dưới đây ăn hàng thì không hay chút nào nên vội nói: thối
tiền cho con, anh chị con đang đợi.
Búp lật vạt áo ngoài cất tiền thối vô túi áo lá, cài kim
băng lại rồi vội vã chạy ngược về.
Về tới chỗ hai người Búp thấy hình như họ ngồi sát nhau,
hồi nãy ngồi gần bây giờ ngồi sát, chắc là sương đêm bắt
đầu rơi nên họ bị lạnh. Còn Búp thì mới ăn bánh xèo nóng
hổi lại còn chạy một đoạn nữa nên thấy nóng nực quá chừng.
Anh Triều lấy làm lạ:
-Sao nhanh vậy? Bộ em không ăn bánh xèo hả?
Búp thở hổn hển:
-Em ăn 5 cái luôn, ngon lắm. Ăn xong là em chạy về liền, em sợ
anh chị chờ.
-Chờ gì mà chờ. Anh chị ngồi đây chơi thì chờ có sao đâu.
Búp ngồi xuống cạnh chị Báu, năm phút rồi mười phút mà
không nghe hai người nói gì. Chẳng lẽ con nít ra bờ sông chơi
thì chạy nhảy cười đùa la hét om sòm còn người lớn ra bờ
sông chơi là phải ngồi im? Hay là con nít ra chơi buổi chiều
còn người lớn ra chơi ban đêm nên có khác nhau? Ngồi một chặp
nhưng âm thanh duy nhất vẫn chỉ là tiếng sóng vỗ bờ. Búp
thúc nhẹ cùi chỏ vô hông chị Báu, thì thầm:
-Đi về.
Chị Báu nói với anh Triều:
-Bé Búp đòi đi về…
-Còn sớm mà em. Anh Triều chồm người qua cười với Búp.
-Em đi lâu về bị đòn thì lần tới chị Báu muốn ra bờ sông
chơi thì đi một mình chớ đừng có kêu em nghe.
Chị Báu lật đật kéo Búp: đứng dậy!đứng dậy! rồi quay qua
anh Triều: anh đừng đi chung, lỡ ai thấy…
Anh Triều ngập ngừng:
-Ừ, em về trước đi. Búp ơi, lần sau nhớ qua đi với chị Báu
nghe. Anh sẽ cho em tiền ăn bánh xèo.
Chị Báu bước chầm chậm, Búp quay lại thấy anh Triều đang
nhìn theo, dưới ánh trăng mờ mờ Búp thấy anh như một nhà thơ,
dáng gầy tóc bồng thật đẹp. Chị Báu đi rất chậm, bỗng chốc
cô gái nhỏ có một cảm giác là lạ, cô lờ mờ hiểu ra chị
hàng xóm của cô khi chia tay anh Triều đã mang theo một thứ gì
đó. Cái “thứ gì đó” đang tràn ngập trong tim, đang cầm giữ
đôi chân khiến chị không bước nhanh được. Bí mật đã hé ra. Cô
chợt thấy thương hai người và cũng chợt nhận ra vai trò của
mình, không có cô thì hai con người kia không thể gặp nhau ở
bờ sông và nếu cô tiết lộ “bí mật” thì… Lòng lâng lâng vui
vui xen lẫn một chút hãnh diện, cô thấy mình giờ đã là một
nhân vật quan trọng.
Hôm sau “nhân vật quan trọng” nêu thắc mắc tại sao người ta
không gọi là “bờ đầm” mà lại gọi là “bờ sông” khi rõ ràng
đó là một cái đầm chứ không phải là con sông thì cả nhà
không ai biết, mẹ bảo khi bố mẹ chuyển tới sống ở con dốc
này thì đã nghe gọi là bờ sông rồi.
Đoạn giữa bên số chẳn có gia đình bác Mười, bác trai là
công chức làm việc cho chính phủ, bác gái ở nhà làm nội
trợ. Gia đình bác có hai người con, chị Tâm năm ngoái theo
chồng ra ngoài Phù Mỹ, anh Tính thì đang học ở trường Lasan.
Chị Tâm đi rồi nhà trở nên vắng vẻ, bác Mười cho con gái của
một người em kết nghĩa đến trọ học. Chị này tên Quân, chị
xinh và hiền nên Búp rất thích. Nhà bác Mười ở giữa dốc nên
đi hay về gì thì chị Quân cũng phải đi ngang qua nhà Búp. Lần
nào thấy chị Búp cũng chào, chị cười với Búp và có lúc
còn dừng lại thăm hỏi vài câu. Khi đã khá thân nhau thỉnh
thoảng chị qua chơi, hai chị em thường ngồi dưới bóng cây
trứng cá nói chuyện.
Sáng 24 tháng Chạp anh Nam con chú Toàn đến. Anh khệ nệ xách
hai giỏ trái cây vô nhà, mẹ hỏi:
-Đi đâu đây? Chú thím dưới nhà khỏe không?
-Dạ bố mẹ con đều khỏe. Mẹ con gửi trái cây biếu hai bác để
cúng tất niên.
-Ối dào…thôi thì bác nhận nhưng ở đâu mà nhiều vậy, mẹ con mua à?
Anh Nam đặt trái cây lên bàn:
-Dạ không, bố con về vườn của ông bà ngoại hái. Năm nay cây
sai trái lắm.
Khi mẹ và anh Nam đang nói chuyện thì thoáng có bóng chị Quân
lấp ló ngoài hiên, Búp chạy ra, miệng nói tay kéo:
-Chị Quân…chị Quân…chị vô đây.
Chị Quân lúng túng:
-Nhà có khách thôi để chị về…
Mẹ cười:
-Khách khứa gì đâu, người trong nhà cả mà. Mấy đứa ngồi chơi
nghe. Bác xuống bếp coi nồi chè… Quân này, nếu ngày mai chưa
về quê thì buổi chiều qua nhà bác ăn cúng tất niên nghe.
Chị Quân lí nhí:
-Dạ.
Đứng giữa anh Nam và chị Quân, Búp nói một tràng dài:
– Anh ơi, đây là chị Quân bạn em. Chị ơi, anh Nam là anh họ của
em. Đúng ra là vai em vì anh ấy là con nhà chú còn em là con
nhà bác nhưng vì anh ấy lớn nên được làm anh.
Hai người chào nhau. Búp liếc…thôi, chết rồi! Hai người nhìn
nhau nhưng trong giây phút ngắn ngủi đó đã có một tia sáng
xẹt qua mặt họ. Có tiếng mẹ kêu nên Búp nói: “anh chị nói
chuyện với nhau đi, em xuống nhà với mẹ” nhưng hình như cái
tia sáng kỳ lạ kia chưa tắt trong đầu Búp. Không thể hiểu
được, không hiểu nên hôm sau ăn cúng tất niên nêu thắc mắc thì
nghe anh Nam giải thích đó là ánh sáng của tiếng sét. Búp
hỏi sấm sét sao không nghe tiếng ầm ầm thì anh Nam cười cười:
ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh nên ta thường thấy nó trước với
lại tiếng sét này không phải là tiếng sét trong mùa mưa gió
nên không thể nghe được gì ngoài tiếng vang vọng của… con tim.
Và đây là lần đầu tiên trong đời cô gái nhỏ nghe nói tới
“tiếng sét” ái tình.
Mồng 1 Tết năm nào chú thím Toàn cũng dẫn con cái lên chúc
Tết bố mẹ Búp, trong khi người lớn nói chuyện, đám con nít
xúm lại chơi bài Cào thì anh Nam anh Trường “lặn” mất tiêu.
Nhưng năm nay thì khác, anh Trường tranh thủ đi chúc Tết thầy
cô của thời trung học còn anh Nam thì sà vào lắc Bầu Cua với
đám con nít. Anh ngồi gần Búp và trong khi Búp đặt tiền vào
ô Cá thì chỉ có Cọp, Nai với Cua, ván sau đặt Nai thì ra Bầu
và hai con Cá. Nếu vẫn đặt Cá thì được chung gấp đôi rồi!
Đang “đau khổ” vì thua liên tiếp mấy ván thì anh Nam khều
khều, Búp nhăn nhó:
-Đã thua mà còn khều khều, anh qua phía bên kia đi, ngồi gần
anh xui lắm.
– Nghỉ chơi vài ván xuống bếp uống nước coi như xả xui…
-Không, để em gỡ lại…. Em thua gần hết tiền lì xì của bố mẹ
anh cho rồi.
Anh Nam thì thầm:
-Ra kia anh lì xì cho. Anh không đưa ở đây vì sợ mấy đứa khác phân bì.
Búp đứng lên nói thật to cốt ý cho cả “sòng” đều nghe:
-Đi uống nước cái đã…
Xuống nhà bếp anh Nam móc túi lấy ra một bao đỏ:
-Nè, anh lì xì cho em. Chúc em ngày càng xinh đẹp và học giỏi.
Búp ngạc nhiên vì từ hồi nào đến giờ chỉ có bố mẹ hai bên
lì xì cho con cái của nhau chứ mấy anh chị thì không, ai cũng
đang đi học thì làm gì có tiền. Vậy mà năm nay anh Nam vẫn
đang còn đi học mà lại có tiền lì xì cho Búp nhưng tội cho
anh ấy vì không có nhiều nên chỉ kêu một mình Búp ra ngoài
để cho riêng thôi. Búp cảm động chúc anh những câu mà thiên hạ
ai cũng thuộc nằm lòng…anh cười thật tươi:
-Cám ơn em. Nè, em thân với chị Quân lắm phải không?
Câu hỏi này không “ăn nhập” gì tới chuyện lì xì và chúc
tụng, chưa kịp trả lời thì anh Nam nói tiếp:
-Mồng 4 chị Quân xuống em rủ chị ấy qua nhà chơi nghe.
-Quê chị Quân ở đâu ? Anh nói “xuống” là sao?
-Ở Đập Đá . Nhà cha mẹ chị ấy ở trên Đập Đá…nhà có năm anh
em, chị Quân là con giữa.
Ối… trời đất ơi! Mình quen chị Quân lâu hơn mà không biết
nhiều bằng anh Nam chỉ mới gặp … Búp chợt nhớ tới “vận
tốc ánh sáng” và sau đó là “tiếng sét ái tình” mà anh Nam
đã nói hôm ăn cúng tất niên thì mỉm cười, đằng hắng trước
khi lấy giọng “làm giá” với ông anh họ:
-Em không biết đâu. Khó lắm, muốn rủ phải canh chừng bác Mười gái…
-Anh biết, anh biết. Chị Quân có nói với anh tuy chị ấy trang
lứa với Nụ nhưng lại thân với em hơn nên anh mới nhờ em. Vậy
mùng 4 anh ghé nhà em nghe. Thôi em cất bao lì xì đi kẻo tụi
nó thấy thì khổ cho anh.
Hai anh em lên nhà trên thì sòng Bầu Cua đã giải tán, chú
thím ra về để còn đi chúc Tết bên ngoại. Anh Nam nháy mắt
rồi đưa 4 ngón tay tên, ý nói mùng 4. Búp gật đầu.
Chiều mùng 1 Búp theo mẹ qua thăm chú thím Tửu. Đúng lý ra
thì chú thím nhỏ hơn phải qua chúc Tết bố mẹ trước nhưng
chú thím nói cảnh nhà túng thiếu, khó khăn nên đầu năm không
dám “xông đất” ai, sợ người ta nghĩ mình sẽ mang cái nghèo
cái mạt tới cho họ. Mấy anh chị lớn đi chơi với bạn chỉ còn
chị Báu và mấy em ở nhà. Đám nhóc sắp hàng nhận tiền lì
xì của mẹ, ngày Tết có khác, đứa nào cũng mặc áo mới nên
trông sáng sủa hẵn ra. Nhưng áo mới chứ quần thì vẫn là
quần cũ, thật tội nghiệp cho chú thím, con đông làm sao lo cho
xuể. Lãnh tiền xong tụi nhỏ tản ra, chị Báu rót nước mang
bánh mức ra mời mẹ rồi dắt tay Búp xuống bếp, chị thì
thào:
-Anh Triều về Gò Bồi hôm 30 nhưng mùng 3 qua lại bên này để
mồng 4 lên khuôn làm “lấy ngày” vì thím Bạch Lạp xin quẻ ở
Chùa Bà, Bà phán mồng 4 hạp tuổi hạp mạng.
Gò Bồi ở bên kia đầm nên người ở bên này đầm thường nói: đi
qua Gò Bồi. Trong đầm lúc nào cũng có vài chiếc ghe neo đậu
chở khách từ bên này sang bên kia và ngược lại. Búp rất
thích nhìn những ghe thuyền chập chùng trong đầm mỗi khi thủy
triều lên. Trong chiều chạng vạng thỉnh thoảng Búp nghe có
tiếng sáo, hỏi thì được biết đó là tiếng sáo của chú Nồm,
chú bà con của anh Triều. Ngày xưa chú Nồm làm công cho một
người quen có ghe đánh cá, chú và cô gái trong xóm yêu nhau
nhưng cha mẹ cô chê chú nghèo nên ra sức cấm cản. Có người mai
mối cô cho con trai của một gia đình có tới mấy chiếc thuyền
lớn ở xóm chài trên Khu 2. Bà mai đã cung cấp những thông tin
như tuy cha mẹ không thuộc hàng khá giả nhưng cô gái có tướng
“vượng phu ích tử” và tốt nhứt là gia đình cô cũng là dân
biển như họ. Bà mai còn khéo léo “hù” nhà trai bằng cách kể
câu chuyện người bà con của mình từ đời ông đời cha đã sống
cùng biển, có nghề làm mắm gia truyền vậy mà giờ đây coi như
bị mất luôn thằng con trai độc nhất khi thằng này cưới một cô
con nhà có tiền, là dân phố thị về làm vợ. Khi cô vợ mang
thai thì vợ chồng bắt đầu gây gỗ, gấu ó. Nghĩ phụ nữ bầu
bì thường thấy mệt mỏi bẳn hẳn trong người, bà mẹ khuyên con
trai nên nhịn nhục cho qua. Nhưng không phải vậy, cô vợ nói
hoạch toẹt ra rằng anh chồng hứa cưới xong sẽ thu xếp đưa vợ
về phố sinh sống nhưng nay đã gần nửa năm mà vẫn im ru bà
rù. Cha mẹ khuyên giải thế nào cũng không xong và họ thật sự
choáng váng khi giữa đêm khuya nghe con dâu khóc kể với chồng
là cô không muốn chôn vùi cuộc đời ở một nơi quanh năm chỉ
thấy có ba thứ là gió, cát và mắm. Cô còn hăm nếu chồng
vẫn muốn bám cái làng biển, vẫn muốn thừa kế cái nghề
muối cá thì cô sẽ bỏ đi, lúc đó mất vợ mất con thì đừng
có trách.
Một người bên đàng trai sốt ruột:
-Rốt cuộc là…
-Là nhà đó mất thằng con trai chớ sao. Nó đâu có muốn mất
vợ mất con. Ai biểu khi mê con nhỏ đó nó hứa là cưới xong sẽ
ra riêng chi để rồi mắc quai.
Bà mai bưng tách trà hớp một ngụm, đưa mắt lướt qua hai nhân
vật “chủ chốt” của gia đình là bà nội và mẹ của chàng trai
rồi nhẹ nhàng đặt tách trà xuống bàn :
-Cưới con nhà khá giả mình cũng đâu có xài tiền của người
ta, đó là chưa tính tới chuyện con dâu dựa hơi cha mẹ lấn
lướt con trai mình mà lúc đó “gạo đã nấu thành cơm” thì
chỉ còn có nước “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho yên nhà yên cửa
cho thiên hạ khỏi chê khỏi cười. Thôi thì mình cứ “cây nhà lá
vườn” cho chắc cú, cùng là dân biển cá mắm hợp rơ, suôi gia
dâu rể thuận thảo, ai nhìn vô cũng phải trầm trồ.
Bà bác già ngồi trên võng ngưng têm trầu nhìn bà mai, vẻ ái ngại:
-Vậy là người bà con bên nhà cô cầm bằng như mất luôn thằng
con trai, tệ thiệt.
Bà mai cất giọng thong thả, hù tiếp:
-Chưa mất luôn. Lâu lâu vợ chồng con cái nó dắt nhau về thăm
…chu cha, mỗi lần có con cháu về là ổng bả mừng húm, dọn
toàn đồ ngon cho lũ nó. Con ghẹ chắc nhứt, con mực tươi nhứt,
con cá béo nhứt, buồng dừa xiêm mới hái ngọt lịm…vậy mà ăn
uống xong nói mấy câu ba xí ba tú rồi dông tuốt. Thôi thì
đành tự an ủi rằng thằng con mình còn đi đi về về, còn được
nghe tiếng trẻ nhỏ kêu ông nội bà nội là phước lắm rồi.
Nhưng một ngày nọ hai ông bà thấy lòng đau nhói khi nghe con
trai dặn thằng cháu đích tôn: “ngồi yên ở đây nghe con, đừng
bước xuống dơ lắm” và con dâu bồi thêm: “tay má tanh rình mà
bả cứ nựng thằng con mình, bực ghê…” Bây giờ mới thiệt đúng
là mất luôn.
Bà mai ngưng nói, đưa mắt nhìn ra biển rồi thở dài.
Có vẻ như bên đàng trai không còn quan tâm tới chuyện “môn đăng
hộ đối” nữa, vả lại hôm trước bà mai có nhắn con trai họ qua
nhà chơi vào đúng cái bữa có cô gái tới phụ bà gói bánh
ít lá gai. Lúc trở về cha mẹ hỏi thấy cô gái ra sao thì anh
này chỉ buông một tiếng “được” rồi cười cười bỏ ra ngoài
hiên hút thuốc. Trên dưới đều thuận, coi như xong.
Bà mai còn khuyên gia đình nên đi coi thầy cho vững tâm, bà
nói trên huyện kia có ông thầy bói mù rất hay nhưng muốn coi
phải ra khỏi nhà khi sương còn đọng trên cành thì mới linh.
Thế là mẹ chàng trai mới 4 giờ sáng đã theo bà mai ra bến xe
lam… Sau khi biết tuổi của “đôi trẻ” thầy trầm ngâm bấm đốt
ngón tay một hồi rồi phán tốt nhứt là cho cưới nội trong
tháng này. Mẹ chàng trai hoang mang:
-Sao phải gấp gáp vậy, thưa thầy.
– Tháng này là tháng Heo, gái Mèo trai Dê. Hợi Mẹo Mùi tam
hạp, nếu không cưới liền thì phải chờ hai năm sau mới có
ngày lành tháng tốt như bây giờ.
Hai năm! hai tháng cũng không an tâm nói chi tới hai năm…bắt
chim đậu chứ nhà gái dại gì bắt chim bay nên họ vui vẻ châm
chước cho việc cưới xin gấp gáp này còn phía đàng trai bữa
trước nghe bà mai nói “vượng phu ích tử” bữa nay nghe thầy
bói nói “tam hạp” nên nhất quyết cho tiến hành hôn lễ nội
trong “tháng Heo” theo lời thầy dạy. Ngày cưới vừa được tuyên
bố, cô gái lén cha mẹ chạy ra chòi tranh nơi dành cho đám ngư
dân làm thuê nghỉ ngơi trong những ngày thuyền neo bờ. Trong
ánh sáng mờ mờ, ngồi cạnh chú Nồm cô nói đã có lúc cô
nghĩ đến chuyện cùng chú trốn đi thật xa nhưng vì chữ
hiếu…Người đời ai cũng biết chữ hiếu luôn nặng hơn chữ tình
nên chú Nồm đành phải làm kẻ thua cuộc.
Buổi sáng đón dâu chú Nồm cuộn mình trong chiếc mền rách
nằm im trong chòi. Tiếng pháo vu quy nổ dòn như tràng súng
liên thanh bắn banh lồng ngực người thanh niên nghèo. Cuộc đời
sao mà bạc quá!
Trưa mấy đứa nhỏ trong xóm tụ họp dưới bóng cây dừa trước
chòi cười nói inh ỏi, một đứa xuýt xoa:
-Chu cha, bữa nay chị Rạm đẹp không thua gì mấy cô đào hát.
Còn anh rể của thằng Còng sang ghê, cổ đeo con mực khô đỏ
chét…
-Nè, biết thì nói không biết thì thôi nghen, cái gì mà con mực khô…
Tiếng thằng Còng ngắt ngang, rành rọt:
-Cái đó người ta kêu là cái cà-la-wách. Bộ đồ ảnh bận là
bộ côm-lê còn tóc thì xức bi-dăn-tin láng cóng, thơm phức. Ông
anh rể tao đúng là…bảnh tỏn.
-Còng, sao mày biết…
-Biết gì?
-Tiếng …tiếng gì mày mới nói đó…cà-la gì đó…
-À…hồi đám cưới anh Cua tao nghe ông thợ chụp hình nói. Ổng
biểu anh Cua đi mướn bộ com-lê còn mấy thứ kia thì ổng cho
mượn, bữa đó tao có ăn cắp một chút bi-dăn-tin xức lên tóc,
tao quẹt hơi nhiều nên khi chải đầu xong má tao nói mấy con
ruồi sớn sa sớn sát đậu lên thể nào cũng trợt chưn té què
giò.
Cả đám cười vang, thằng Còng đẩy cái thau nhôm về phía
trước, giọng hả hê:
-Chồng chị Rạm khỏi cần mướn cũng khỏi cần mượn, cái gì
cha mẹ ảnh cũng dư sức sắm. Nè, xôi gấc hồi sáng nhà trai
đem tới, ngon lắm… tụi bay ăn đi.
-Xóm mình ai cũng nói chị Rạm mày là chuột sa hủ nếp,
sướng thiệt. Thôi, ăn xôi đám cưới cho biết mùi bay ơi…À, cái
anh rể mày đeo trên cổ là cái gì, là cái gì chớ không phải
là con mực khô như thằng Mót nói.
-Tụi bay muốn học tiếng Tây phải không? Muốn học thì nói theo
tao nè: cà…la…wách.
Cả bọn đồng thanh: cà-la-wách, cà-la-wách…rồi cùng thò tay
vô thau xôi, loáng một cái hết sạch. Thằng Còng cầm cái thau
không ụp lên đầu rồi đứng lên vừa chạy vừa la: Chơi rượt bắt
đi…chạy mau lên… đứa nào nắm được tóc tao tới ngày hồi dâu
chị Rạm về tao cho ăn bánh…rượt đi…rượt đi…
Chiều hôm đó chú Nồm cùng chai ba-xi-đế theo thuyền ra khơi.
Khi ghe quay về, khoang đầy cá nhưng lòng chú thì đầy tủi
hận. Mờ sáng hôm sau chú lặng lẽ rời xóm chài xuống đò về
Gò Bồi ở với người chị không chồng. Chú nằm dẹp trên giường
như con cá hố bị ươn cho đến một hôm có người hàng xóm già
yếu muốn bán rẻ chiếc ghe bầu. Chú trở thành “ông lái đò”
trong thơ nhạc khi mà những ghe khác cố chạy hết chuyến này
đến chuyến khác mong kiếm nhiều tiền còn chú thì cứ thong
dong, có khách cũng được mà không có cũng chẳng sao, chú
chẳng màng tới sự đời. Khi buồn chú ngồi trước mũi ghe thổi
sáo, tiếng sáo bay lên không trung theo gió vào bờ rồi lan dần
về phía con dốc nghe thật não nùng. Những âm vang ai oán đó
đã có lần khiến Búp không cầm được nước mắt.
Trưa mồng 3 chị Báu nói anh Triều đã có mặt, anh hẹn gặp ở
bờ sông như những lần trước. Chiều có mấy người bạn của chị
Mầm chị Nụ tới chơi, nhà đông vui hẵn khi anh Trường về ôm
bụng than xót ruột vì từ sáng đến giờ anh chỉ ăn toàn bánh
in, bánh thuẩn, bánh tổ, bánh tét…Khi không ai để ý đến mình
Búp chạy qua nhà thím Tửu. Vừa nhìn thấy Búp chị Báu nói
lớn:
-Má ơi, con đi chơi với bé Búp nghe má.
Tiếng thím Tửu trong buồng vọng ra:
-Chơi đâu?
-Tụi con ra rạp hát, đi vòng vòng một chặp rồi về.
Búp hốt một nắm hột dưa bỏ vô túi áo:
-Thưa thím con đi.
-Ừ, hai chị em đi đi. Nhớ về sớm sớm nghe chưa.
Nói với thím Tửu ra rạp hát nhưng chị Báu dẫn Búp đi ngược
xuống dốc, tức là ra bờ sông. Chiều buông trên đầm vắng, vạn
vật chìm dần trong màn sương tĩnh mịch u hoài, Búp nghĩ có
lẽ không ở đâu có thể cho cái cảm giác ngây ngây lâng lâng
khiến người ta trong một phút giây nào đó bỗng thấy mình tựa
hồ như đang bị vướng vào cái ảo giác giữa mộng và thực như
ở cuối con dốc nơi có cái đầm rộng mênh mông quanh năm lộng
gió này.
Búp giật mình khi nghe anh Triều hỏi:
-Em muốn ăn bánh xèo không?
-Tết nhứt mà ai bán bánh xèo hả anh? Chị Báu cười.
-Ờ há…hay là em ăn hoành thánh mì đi….Không đợi Búp trả lời,
anh Triều móc túi lấy tiền nhét vào tay Búp rồi hối “em đi
đi, hoành thánh mì mắc hơn bánh xèo nên anh cho em nhiều hơn
lần trước, coi như anh lì xì…đi đi…”
Búp cầm tiền rồi nhìn chị Báu:
-Ăn xong em về nhà luôn nghen chị.
-Đâu được, ăn xong cứ đi vòng vòng chỗ rạp hát coi người ta đi
chơi Tết, chị ở đây đợi em rồi mình cùng về.
Búp “dạ” rồi chạy lên dốc. Mệt đừ! Cao chi mà cao dữ, hèn
gì mấy người lớn cứ kêu ca hoài. Nhưng có chổng ngược thì
mới được gọi là con dốc chớ bằng phẳng thì chỉ là con
đường bình thường như bao con đường khác, đâu có cái gì đặc
biệt để Búp yêu quý và thường nghĩ về nó như là con dốc
của riêng mình. Hụt hơi thì đứng lại thở cái đã… Vừa băng
qua ngã tư là thấy tiệm mì liền nhưng tất cả các bàn đều
đã có người ngồi mà khách phần lớn là lũ nhỏ “lóc chóc”
trạc tuổi Búp hoặc mấy cô cậu “choai choai” sắp tới tuổi đi
làm thẻ kiểm tra. Ngày thường loại khách này làm gì có
tiền mà đi “kéo ghế” tức là đi ăn tiệm, năm thì mười họa
mới được cha mẹ dẫn đi một lần nhưng bữa nay thì khác, có
tiền lì xì nên người ta đầy tự tin bước chân vô đây kêu “cho ba
tô hoành thánh mì đi” hoặc “một hoành thánh một xá xị” nghe
rất rôm rã. Một cặp vợ chồng vừa đứng lên, Búp định bước
vào thế chỗ nhưng khựng lại khi nghe người vợ vừa bước ra
nói: tô mì bán đã mắc hơn ngày thường lại còn lèo tèo có
mấy lát xá xíu, đúng là ba bữa Tết! Búp vội quay ngược trở
lại ngã tư, chạy thẳng về nhà mình.
Có sòng Xì lác giữa nhà. Búp sà vào ngồi gần anh Trường:
-Cho em đặt một cửa…
-Con nít mà chơi gì, em đi qua chỗ mấy chị ngồi coi cho vui
thôi. Anh đang thua đừng có ngồi gần anh…đi…
Búp cau mày nhìn mẹ, tức tối vì thấy anh Trường đuổi mình
như đuổi tà:
-Con nít gì, em có tiền thì phải cho em chơi chớ. Mẹ ơi, mẹ…
-Thôi thì con hùn với chị Nụ, đặt thêm một cửa làm chi. Mẹ
cười đưa ra giải pháp ôn hòa.
-Thôi..thôi… đang hên mà cho hùn xui lắm.
Chị Nụ nói mà mắt vẫn nhìn chăm chăm mấy con bài trên tay.
Chị Hân bạn chị Mầm ngoắc Búp:
-Em qua đây ngồi với chị. Hai chị em mình hùn.
Búp tới ngồi xuống cạnh chị Hân, móc túi lấy tờ bạc
“hoành thánh mì” ra đưa cho chị: phần hùn của em đây. Chị Hân
cười, kéo Búp ngồi sát chị coi thiệt là tình cảm.
Anh Trường đang cầm cái, càng đánh anh càng thua. Anh liên tục
rút bóp ra vì anh 19 thì họ 20, khi anh có hai bà đầm thì hai
chị mỗi người có hai ông tây, coi như huề nhưng anh phải chung
tiền cho cửa 21 điểm. Thấy anh “rạt gáo” mẹ cứu nguy:
– Thôi, giải tán…giải tán…hồi trưa cúng đưa ông bà còn một
con gà luộc một nồi canh măng, đứa nào ăn thì xuống bếp. Bố
đi chúc Tết bạn bè sẵn ghé nhà chú Thành chắc là chú ấy
giữ lại mời cơm rồi.
Mọi người đứng lên, Búp đếm tiền định chia đôi nhưng chị Hân
nói: em cất hết đi, coi như chị lì xì cho em. Búp hồ hởi cầm
tay chị Hân:
-Mấy ngày nay toàn bánh tét với đồ cúng…hay mình đi ăn hoành
thánh mì đi chị. Em bao.
Chị Hân nói ở nhà ăn với gia đình cho có “không khí xuân” và
chị đưa mắt về phía anh Trường. Cùng với mấy chị lăn xăn phụ
mẹ nhưng thỉnh thoảng chị Hân lại liếc anh Trường, Búp đoán
là chị ấy đã có “tình ý” nhưng chợt chạnh lòng khi thấy
ánh mắt của ông anh mình tối thui, nguội ngắt. Suốt bữa ăn
anh vui vẻ nói chuyện với mọi người, Búp ráng tìm nhưng không
thấy có chút “lửa” nào trong anh. Anh vui chung chứ không có
gì là “riêng” cả, dù chỉ một chút xíu. Khi chị Mầm bưng dĩa
dưa hấu ra, anh đứng lên:
-Mẹ và các em cứ ăn tiếp, con có hẹn đi uống cà phê với Nam.
Mẹ chưa kịp trả lời anh vội bước vào phòng tắm, một lúc
bước ra rồi dắt xe đi mất.
Mặc cho mấy chị nói gì chị Hân cũng chỉ ậm ừ hoặc cười
gượng. Tự nhiên Búp thấy giận anh trai mình, bước ra khỏi nhà
là coi như mang luôn cả cái “không khí xuân” của người ta, tự
nhiên Búp thấy thương chị Hân quá. Chị Hân ân cần, dễ thương
vậy mà sao anh trai Búp lại không nhận ra, không có một chút
xao xuyến gì trước chị ấy. Ngày mai anh Nam tới mình phải
hỏi mới được. Chết rồi, nhắc tới anh Nam mới nhớ là chị
Báu với anh Triều đang chờ ngoài bờ sông. Khi mọi người không
để ý Búp bước ra cửa rồi vội vàng chạy xuống cuối dốc,
quẹo mặt chạy thêm một đoạn nữa…may quá, hai người vẫn còn
ngồi yên ở đó. Búp lao tới, hổn hễn:
-Em xin lỗi nghe, anh chị chờ lâu có giận em không? Tại vì…
Búp nghĩ mình sẽ nhận được những lời trách móc nhưng cả hai
người đều cười, anh Triều vuốt mấy lọn tóc bị gió thổi
dựng ngược trước trán Búp:
-Lâu đâu mà lâu, em đi từ từ chớ chạy chi cho mệt, anh chị chờ
thêm cũng không sao mà.
Búp định kể mình đã về nhà chứ không ăn hoành thánh mì
nhưng có cảm giác hình như hai người không quan tâm đến việc
Búp đã đi đâu, đã làm gì nên Búp nín thinh và bỗng giật
thót mình khi nhìn thấy tay chị Báu đang nằm gọn trong tay anh
Triều.
Sau một thoáng ngỡ ngàng, cô gái nhỏ bắt đầu có một chút
khái niệm về một thứ mà người lớn gọi là tình yêu.
xxxxx
Thời gian êm đềm trôi. Cô gái nhỏ vẫn thường xuyên chạy lên
chạy xuống con dốc như con thoi góp phần vào quá trình dệt
tấm lưới tình của những người đang yêu nhau. Anh Triều chị
Báu vẫn hẹn hò ở bờ sông nên cô vẫn được ăn bánh xèo “dỏ”
còn với anh Nam chị Quân thì cô như một nhân viên mẫn cán của
ty bưu điện: nhận thư phát thư và đôi khi có cả điện tín nữa.
Thư từ được dán kín nhưng điện tín thì không, những bức điện
có nội dung ngắn gọn và bí hiểm như: cây dừa 7.30 – bãi
biển NTH hoặc 10-PM… và Búp đã giải mã: trước cái khách
sạn nhỏ ở cuối dốc có 2 cây dừa, bảy giờ rưỡi anh Nam sẽ
đứng đợi ở đó còn NTH là trường Nữ Trung Học ( phải rồi,
hẹn gặp ở bãi biển mà không nói rõ đoạn nào lỡ người ta vô
tuốt trong Eo Nín Thở đứng chờ thì tội chết) và 10-PM là
bác Mười gái đi Phù Mỹ. Hai người đó làm như mình ngu lắm…
Mỗi lần lãnh được tiền dạy kèm anh Nam đều mời chị Quân đi
uống nước, thường là ăn kem Phi Điệp hay sâm bổ lượng Thanh Ký
và khi đó cô “bưu tá” trở thành tấm “bình phong” của họ. Rạp
hát Tân Châu ở giữa hai tiệm này nên thỉnh thoảng ăn uống xong
anh chị đi coi xi-nê thì Búp cũng được vô theo mà không cần mua
vé vì có quy định mỗi người lớn được quyền dắt theo một
trẻ em. Những phim đầu tiên Búp được xem trong đời là Bàn Tay
Thần, Rắn Thần Báo Thù và Trở Về Tổ Ấm. Vai chính trong
phim Trở Về Tổ Ấm dáng vẻ oai hùng, phi ngựa như bay và rất
đẹp trai mặc dù đầu anh trọc lóc.
Chị Hân thì chủ nhật nào cũng đến nhà Búp. Tiếng là ghé
chơi với bạn nhưng chị thường xuống bếp nói chuyện với mẹ
mà mẹ thì có chuyện gì để nói ngoài chuyện anh Trường. Mẹ
thì muốn nói chị Hân thì muốn nghe nên một già một trẻ bỗng
trở thành tri kỷ. Rồi mẹ cũng đoán ra chị Hân đã yêu anh
Trường. Khi anh Trường vào Sài Gòn học mẹ lo lắm, mẹ sợ anh
vướng vào con gái tân thời, mẹ sợ anh theo bạn bè đua đòi ăn
chơi rồi sa ngã. Nhưng rồi nỗi lo của mẹ dần tan theo số lần
chị Hân ghé thăm và khi mẹ đứng trước gương ướm chiếc khăn len
do chính tay chị Hân đan với nụ cười mím chi thì Búp biết mẹ
đã “chấm” chị ấy cho anh Trường rồi.
Cuộc sống có những thứ như thương yêu, che chở, an ủi, chia
sẻ…thứ nào Búp cũng yêu quý. Đời đẹp như mơ! Hình như đây là
tựa đề bài thơ của bạn anh Trường viết tặng chị Mầm. Anh ấy
đúng nhưng Búp thấy đời còn đẹp hơn mơ bởi vì giấc mơ không
tồn tại khi ta tỉnh dậy còn cuộc sống thì vẫn tiếp diễn,
cuộc sống không tan vào đâu được bởi nếu nó biến mất thì đâu
còn gọi là “sống” nữa. Cô gái nhỏ thấy mình có nét gì đó
hao hao một…triết gia(!)
Mùa thu chị Ngọc con gái đầu của chú thím Tửu lấy chồng.
Anh Phước chồng chị làm cho hãng BGI, tức cùng chỗ với bác
Thoàng trai. Mồ côi từ nhỏ nên anh xem bác Thoàng như cha mình
và chính hôm đầy năm bé Ét bác Thoàng đã dẫn anh tới nhà
chú Tửu ăn cúng thôi nôi. Thì ra hai kết xá xị dành cho đàn
bà con nít bữa đó là của anh Phước, bác Thoàng chỉ góp một
kết bia Con Cọp thôi. Bác Thoàng vô tình trở thành ông mai mát
tay khi anh Phước chị Ngọc thương nhau rồi lấy nhau. Hôm đưa dâu
mẹ về cứ tấm tắc:
-Nhà nhỏ nhưng ngăn nắp sạch sẽ lắm mà lớn nhỏ gì thì nay
con Ngọc cũng tiếng là bà chủ nhà như ai. Lấy thằng mồ côi
như thằng chồng con Ngọc vậy mà sướng, chẳng phải hầu hạ,
chẳng phải co ro cúm rúm nhìn trước ngó sau… Khoẻ! Mẹ mừng
cho thím Tửu đã giải quyết được một hủ mắm treo đầu giường.
Không hiểu tại sao mẹ lại nói chị Ngọc là hủ mắm của thím
Tửu, Búp nghĩ nếu vậy thì mình cũng là hủ mắm của mẹ
nhưng là một hủ mắm nhỏ, chỉ có điều không biết là mắm nêm
hay mắm ruốc mà thôi.
xxxxx
Cuối thu tiết trời se se lạnh, bầu trời thấp và có màu xám
nhạt. Búp không hiểu sao tự nhiên thấy lòng buồn bã, có lúc
nước mắt như chực trào…Buổi tối chị Quân ghé nhà, chưa kịp
nhờ chị giải thích về sự bí hiểm của “nỗi buồn không tên”
này thì chị Quân đã kéo ra ngoài hiên rồi đặt vào tay Búp
một hộp bánh bích-quy:
-Em ơi, cất giùm chị. Nhớ đừng cho ai biết nghe.
Búp nhìn chị ngạc nhiên, chị thì thầm:
-Trong hộp là những lá thư của anh Nam, chị gởi em giữ giùm
vì ngày mai ba chị xuống…
– Xuống thăm chớ có gì mà chị phải lo.
-Không phải… lớn chuyện rồi em ơi. Hình như có ai đó méc là
chị có “bồ” nên ba chị mới xuống thình lình chớ buôn bán
bận rộn mà hơi đâu đi thăm.
-Ủa, chị lớn thì chị phải có “bồ” chớ. Có bồ rồi mới có
chồng, chị có chồng thì coi như má chị đã giải quyết được
một hủ mắm treo đầu giường…
-Em không hiểu đâu. À, em đưa cái này cho anh Nam giùm chị như
mọi khi. Thôi chị đi về kẻo bác Mười gái nghi ngờ.
Chị vội vã quay đi. Búp trở vô, kéo tấm màn lại rồi mở tờ
giấy ra xem: Đừng llac.Sẽ gt sau. Hiểu rồi, chị ấy bảo đừng
liên lạc và sẽ giải thích sau. “Đánh giây thép” kiểu này tức
là tình hình đã nguy lắm rồi, tội nghiệp chị Quân quá. Búp
kéo hộc tủ bỏ hộp thư vô rồi khóa lại cẩn thận. Chiếc chìa
khóa cùng tờ “điện tín” được cất trong túi áo lá có cái
kim băng ghim lại hẳn hoi.
Ăn cơm chiều vừa xong thì anh Nam đến. Anh chào bố mẹ và nói
là anh ghé coi chương trình học của Búp để chuẩn bị nhận
dạy kèm cho một cậu bé gần nhà. Anh tới bàn học cầm mấy
cuốn sách của Búp lật tới lật lui. Búp biết anh đến nhà
gặp mình chỉ để hỏi chuyện chị Quân thôi vì mấy cuốn sách
anh đang dán mắt vào là Hai Mươi Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển, Dế
Mèn Phiêu Lưu Ký và Cô Bé Lọ Lem, ngày mai được nghỉ nên Búp
đọc truyện chứ đâu có làm bài học bài. Hiểu vậy nên Búp
đứng dậy chậm rãi bước ra hiên, anh Nam ra theo. Búp kể những
gì chị Quân đã nói hôm qua nhưng không kể chuyện chị ấy đã
nhờ mình giữ giùm hộp thư. Anh Nam biểu Búp chạy qua gặp chị
Quân để xem tình hình ra sao vì từ lúc nhận được “điện tín”
đến giờ anh thấy lòng không yên.
Băng qua bên kia đường, xuống dốc một đoạn ngắn là đã đứng
trước nhà bác Mười. Mới có bảy giờ mà cửa đóng im ỉm, Búp
nhìn qua khe cố mở to mắt nhưng chỉ thấy mỗi mình anh Tính
đang ngồi đọc sách. Đứng một hồi lâu vẫn không thấy bóng
dáng chị Quân, muỗi bay vù vù bên tai ghê quá. Búp định đi về
thì nghe tiếng anh Tính:
-Con đi nghe má.
Cửa mở anh Tính dắt xe đạp ra. Trong ánh sáng mờ mờ anh không
thấy Búp, anh khép cửa định đi thì cũng vừa nhận ra có
người đang đứng gần, Búp vội vàng nói:
-Anh Tính, em Búp đây. Cho em gặp chị Quân một chút.
– Lớn chuyện rồi em ơi!
Lên dốc nên cả hai đi rất chậm. Búp vịn ghi-đông xe:
-Ba chị Quân đang ở nhà anh phải không?
-Ừ. Khi chú Dánh ba chị Quân xuống, ba má anh đi thăm người bà
con chưa về nên hai cha con vô phòng nói chuyện. Anh không biết
họ nói gì nhưng nghe tiếng chị Quân khóc rồi tiếp đó ổng
đánh hay sao vì anh nghe tiếng chị Quân gào lên “tía cứ giết
con đi. Tía muốn như vậy thì coi như đời con đã xong. Con không
thiết gì hết…con chỉ muốn chết thôi. Giết con đi, giết đi”.
-Sao ghê vậy anh? Chắc phải uất ức lắm chị Quân mới như vậy,
em lo lắm.
– Hôm trước nghe ba anh nói chú Dánh đã hứa gả chị Quân cho
con một người Triều Châu trong Sài Gòn – Chợ Lớn. Chỉ là hai
người cha hứa với nhau thôi chứ hai người con chưa hề gặp mặt.
-Ông Triều Châu đó ở tuốt trong Chợ Lớn thì làm sao ba chị
Quân biết, hơn nữa Triều Châu là người Hoa…
-Ba chị Quân cũng là người Hoa nhưng tới chị Quân thì đã lai
hai đời rồi vì ông nội và ba chị ấy đều lấy vợ Việt. Má
anh kể nhà chị Quân buôn bán tạp hóa, xe ông Triều Châu thường
xuyên ra vô bỏ hàng rồi giúp vốn cho gia đình đổi tiệm nhỏ
thành tiệm lớn sau đó còn cho làm đại lý, nhờ vậy mà mấy
năm nay nhà khấm khá nên chú Dánh coi ông Triều Châu là chỗ ơn
nghĩa.
Búp tức tối:
-Vậy là chị Quân phải trả ơn sao? Hai ông cha hứa khơi khơi rồi
bắt hai đứa con chịu trận. Chị Quân với anh kia đâu có yêu
thương nhau thì làm sao…
-Yêu gì thương gì. Má anh nói chú Dánh cho rằng khi chú đã
hứa với người ta thì coi như chị Quân là gái đã có nơi có
chỗ nên cha mẹ cho đi học mà bày đặt bồ bịch làm nhục gia
phong chú ấy sẽ đánh cho tới chết. Ổng độc đoán lắm.
Búp giật cánh tay anh Tính:
-Bộ ba chị Quân nghi chỉ có “bồ” hả?
-Chắc là có nghi. Nghi thì mới xuống dẫn về chớ. Khi nghe
chị Quân khóc anh tới dòm qua khe cửa thì thấy chú Dánh đang
lôi hết sách vở đồ đạc của chị ấy ra, chú bắt gom lại bỏ
hết vô thùng chở về nhà chớ không cho đi học nữa. Lúc đó ba
má anh về tới, ba anh kêu cửa mấy lần chú mới chịu mở. Trời
ơi, đầu tóc chị Quân bị ổng xởn y như chó gặm.
Cả người run run, Búp lắp bắp :
-Tội quá…sao lại xởn tóc…
-Má anh sững sờ, bà la lên sao mà đến nông nổi này, chú Dánh
nói con cái mà dám thách thức cha mẹ, không chịu về nhà còn
hăm he đòi chết, nó muốn chết thì em cho nó chết. Từ nhỏ
đến giờ chưa khi nào nó dám cải lời em, vậy mà nay…Chưa
hết câu chú nổi điên cầm cây gậy quật liên tục lên người chị
Quân. Ba má anh can nhưng chú vẫn đánh mà lạ một điều là chị
Quân không tránh đòn, chị đứng trơ trơ như tượng đá, má anh
thấy vậy phải kéo chị ấy qua phòng chị Tâm. Đôi mắt chị Quân
vô hồn, đôi môi thì tái ngắt, mình mẩy lằn ngang lằn dọc,
thảm lắm.
Búp thấy đầu óc quay cuồng, con người có thể hung dữ đến
mức đó sao. Đánh không nương tay, đánh như đánh kẻ thù. Cha con
ruột thịt còn không biết đau cho nhau thì ngoài kia, tức là
ngoài đời ấy, có gì vậy? Phải chăng còn có những thứ hoàn
toàn khác với những gì mà Búp đã biết? Bỗng nhiên Búp cảm
thấy sợ, rất sợ.
Anh Tính an ủi:
– Anh nghĩ là ba anh có thể thuyết phục để chú Dánh cho chị
Quân ở lại học tiếp.Tuy chỉ là anh em kết nghĩa nhưng ba chị
Quân nể trọng ba anh lắm. Mà lạ một điều là hồi giờ chị
Quân sợ cha như sợ cọp vậy mà bữa nay tỏ ra lì đòn đã vậy
có lúc còn gào lên đòi chết…Anh không hiểu điều gì đã khiến
cho một người con gái vốn hiền lành yếu đuối lại trở nên to
gan như vậy. Thôi, anh phải ra tiệm thuốc Bắc mua rượu võ về
để má anh thoa mấy chỗ bầm cho chỉ. Em về đi. Về nhanh lên
kẻo bị cảm lạnh.
Trăng non rải xuống đường những mảng sáng nhạt nhòa, gió đêm
hòa trong sương lạnh khiến Búp thấy lòng trống trải. Anh Nam
vẫn còn đứng đó lưng tựa vào tường, trông anh thật cô đơn.
Không thể kể gì cho anh trong lúc này khi mà trái tim non nớt
vừa bị thương tổn đang còn lùng bùng trong trạng thái hoang
mang, hoài nghi và sợ hãi. Thì ra cuộc đời không chỉ đẹp như
mơ mà cuộc đời còn có cả sự bất trắc, gai góc, khổ đau và
mất mác… những điều mà trước kia Búp chưa hề biết.
Nước mắt hoen mi, cô gái nhỏ 13 tuổi thổn thức trong vòng tay
người anh họ. Ngoài hiên mưa thu rơi từng hạt nhỏ…
Huỳnh Thị Thùy Hạnh
Tháng 9/2012{jcomments on}
Câu chuyện viết thật dễ thương!
Chị Hạnh viết văn tuyệt cú mèo , nhà GH cũng có một cái tủ ” Mẹ bồng Con ” đó chị.
Cuộc sống có những thứ như thương yêu, che chở, an ủi, chia
sẻ…thứ nào Búp cũng yêu quý. Đời đẹp như mơ! Hình như đây là
tựa đề bài thơ của bạn anh Trường viết tặng chị Mầm. Anh ấy
đúng nhưng Búp thấy đời còn đẹp hơn mơ bởi vì giấc mơ không
tồn tại khi ta tỉnh dậy còn cuộc sống thì vẫn tiếp diễn,
cuộc sống không tan vào đâu được bởi nếu nó biến mất thì đâu
còn gọi là “sống” nữa. Cô gái nhỏ thấy mình có nét gì đó
hao hao một…triết gia(!)
“Đời đẹp như mơ”, cô á khôi ngày xưa nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng .Chúc mừng cô .
Hi… Baloo,
Lại gặp Baloo tại con dốc cũ — con dốc rất rất quen thuộc lắm lắm này rồi — kể từ trước cái ngày Baloo là cô hàng xóm gần xịt của AD.
Không cần nhớ cái chuyện Búp “trúng mánh bánh xèo dỏ” của anh Triều chị Báu… chẳng cần nhớ… đến chẳng cần nhớ… đến cũng chẳng cần nhớ cái chuyện chị Quân của anh Nam bị “ông già” wuýnh… AD chỉ nhớ như vầy :
Tại ngả tư đầu con dốc đó, hồi xưa mỗi lần ở xa thiệt xa về, AD thường làm siêng xớ rớ ở đây để “tập làm anh hàng xóm”. Cuối con dốc này là cái Chợ Xổm Bạch Đằng. Có lần AD già đầu rồi mà cũng ghé xuống đó để… ăn vặt. Với lại, nhớ nhỏ em của AD sau bảy – lăm phải bỏ học dỡ chừng, xuống Chợ Xổm này trải tấm nylon bán kim chỉ, gương lược, bút bi, bút chì… để phụ với rổ bắp luộc của má. Thiệt tội nghiệp, nhỏ em của AD hiền khô, mới ra đời, còn ngơ ngơ ngác ngác thì bị “một bạn hàng ma cũ bên cạnh” ăn hiếp quá trời, nó ráng chịu đựng một thời gian rồi cũng phải… “xếp tấm nylon bỏ nghề”.
Baloo nói ở giữa dốc có gia đình Chú Mười làm công chức chánh phủ, có phải Chú là thân phụ của bạn M.Th. không ?
Lại còn mấy chuyện “đụng hàng” này nữa :
* AD cũng có nhân vật Nụ : (- Còn Nụ với mày thì sao ? – Nụ mầm, mầm nụ gì nữa đâu, mạy ! Nụ đã mang bụi đỏ đi từ khuya rồi !… // Lé Xẹ, Bạn Luy Đó).
* Cũng có nhân vật Út Ét : (Tui lại bùi ngùi nhớ tới mấy câu hát ru con của Má hồi bả ru thằng Cu Út, rồi thằng Út Thêm, lại con Út Nữa, cuối cùng là con Út Ét… // Giao Thừa Xa Xứ Nhớ Má).
Thiệt, đúng là chí… nhỏ gặp nhau !!!
Trong DỐC TÌNH con dốc của ngày xưa rất cao, cuối con dốc là một cái đầm lớn. Ở đó chỉ có đường rầy xe lửa chạy dọc theo bờ kè chứ không hề có nhà, không hề có chợ Xổm. Cảnh của ngày đó còn hoang sơ, vắng vẻ và rất thơ mộng. Những gì chúng ta nghe được khi xuống tới cuối dốc chỉ là tiếng sóng, những gì chúng ta thấy được chỉ là ghe thuyền…vì vậy những gì mà AD mô tả cũng là con dốc đó nhưng không phải là con “dốc tình” của 50 năm về trước.
Giờ đây ở đó là con đường bằng phẳng, nhà cửa đông vui, sầm uất.
Bác Mười không phải là ba của M.Th. Ba M.Th tên Khiêm nhưng họ không “dính dáng” gì tới “dốc tình” vì lúc họ tới thì cuối dốc đã được rải thêm một lớp đá, xe hủ-lô cán qua cán lại cho bớt…dốc một chút, chỉ một chút thôi.
Cho Baloo gửi lời chào Hải.
Bài viết thật hấp dẫn
Đoạn kết hay quá
Chị Thùy Hạnh viết chuyện hay và dễ thương quá, rất tự nhiên nhưng rất lôi cuốn.Đoạn kết này hay quá!
Thì ra cuộc đời không chỉ đẹp như mơ mà cuộc đời còn có cả sự bất trắc, gai góc, khổ đau và mất mác… những điều mà trước kia Búp chưa hề biết.
Nước mắt hoen mi, cô gái nhỏ 13 tuổi thổn thức trong vòng tay
người anh họ. Ngoài hiên mưa thu rơi từng hạt nhỏ…
Con dốc này phải là … dốc dữ lắm vì ai đẩy xe lên cũng trông giống như người “đi sau xe tang”.
Không ngờ “làm mai” ngoài chuyện phải quen biết cả hai bên, còn phải biết “hù” nữa, mới mong hoàn tất sứ mạng.
Cái cô bé Búp này thiệt dễ thương và diễm phúc, đến 12 tuổi mới biết bánh xèo dỏ nửa vầng trăng, ăn với mắm nêm.
Đến cuối bài, vẫn chưa biết trong cái ngăn kéo có khóa, của cái tủ mẹ bồng con, có chứa những bí mật gì? Chắc là cả 1 trời mộng tuy được dệt vụng về(?).
Gió, Cát và Mắm là những chơn chất của vùng biển. Thiệt ngậm ngùi khi đọc đến:
… Nhưng một ngày nọ hai ông bà thấy lòng đau nhói khi nghe con trai dặn thằng cháu đích tôn: “ngồi yên ở đây nghe con, đừng bước xuống dơ lắm” và con dâu bồi thêm: “tay má tanh rình mà bả cứ nựng thằng con mình, bực ghê…” Bây giờ mới thiệt đúng là mất luôn…
Bài viết có nhiều nhân vật (đến nỗi phải đọc ngược trở lại mới biết được liên quan, khi tên nhân vật được nhắc đến), nên có thật nhiều tình, cả tình quê, tình hàng xóm. Mạnh nhất là tình yêu của Quân:
“Quân không tránh đòn, chị đứng trơ trơ như tượng đá……
điều gì đã khiến cho một người con gái vốn hiền lành yếu đuối lại trở nên to gan như vậy.”
Con dốc thật nhiều tình!
Cảm ơn chị Hạnh! Bài viết vui và hay!
VTP
Bài viết thật lôi cuốn em rất thích, hay quá chị Hạnh ơi!
Dốc tình cũng là dốc đời phải không?
Sức mạnh của ái tình , đúng là dốc tình.
Cám ơn các bạn đã đọc và yêu mến Dốc Tình.
Thân chúc vui-khỏe.
Dốc tình nhiều nhân vật mỗi nhân vật cá tính riêng nhưng tựu chung là công lực của tiếng sét ái tình .
Văn thật bình dị chứa cả một bầu trời kỷ niệm , dốc cũ và những người xưa nay còn đâu?
Dốc Tình lên phinh ăn khách lắm đa .
Mời Lưu Đức Hoa đóng một vai (anh Nam hoặc anh Triều) vai còn lại xin mời Alain Delon.