Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (2)
Lời đề nghị
Từ sáng đến tối, rồi từ tối đến sáng, anh em tôi chuyền tay nhau cây
guitar, tôi buông ra thì thằng em chớp lấy, và ngược lại. Chỉ khi
Thành Phần tới thì cả hai đều buông, không phải vì Phần chơi guitar
hay hơn mà vì giọng hát của bạn ấy, một giọng hát rất du dương quyến
rũ nhưng không thảm thiết kiểu nhạc mùi mà các ca sĩ khác thường rên.
Mà tôi nghĩ tại sao anh không đi làm ca sĩ để mọi ngươi có thể thưởng
thức giọng ca trời phú này. Dĩ nhiên anh ăn đứt Trường Hải với bài Hận
Đồ Bàn rồi, hay bài Đưa em về Quê Hương mà tôi đã nghe qua trong thời
gian đó với giọng ca Duy Khánh (rời rạc), Khánh ly (lê thê) kể cả Miên
Đức Thắng (có hồn nhưng thiếu nội lực), giọng Phần hát trầm ấm sung
mãn hơn. Anh gào thét bài Hey Tonight không khác John Forgety của
Creedence Clearwater Revival.
Hey, Tonight,
Gonna be tonight,
Don’t you know I’m flyin’
Tonight, tonight.
Hey, c’mon,
Gonna chase tomorrow
Tonight, tonight.
Với bài này nhiều khi anh không cần cây đàn, anh ngồi đập hai tay lên
bàn, hay đứng dậy vỗ tay vào đùi đập nhịp nhún nhảy mà gào lên. Phần
cũng như Thịnh và tôi, thích tất cả những bản nhạc của CCR và Santana.
The House of the rising sun (The Animals), California Dreaming (The
Mamas) là những bản nhạc mà bọn tôi thường nghe và chơi lại hằng ngày
nhất. Đúng ra là nhạc Pháp chủ đạo dòng nhạc trẻ ở Sài Gòn lúc ấy,
Aline (Christophe), La Plus Bell Pour Aller Danser (Sylvie Vartan),
Poupee De Cire, Poupee de Son (France Gall), Le Temps De L’Amour
(Francoise Hardy), làm mưa gió ở các quán cafe lúc bấy giờ, những nhạc
phẩm này Elvis Phương và Thanh Lan hát lại lời Việt rất trẻ trung và
thành công. Và đặc biệt là Dalida hát Paroles với giọng phụ hoạ thì
thầm của Alain Delon một top hit Pháp năm bảy ba, rất được giới trẻ ưa
chuộng. Nhưng với This Masquerade, Yesterday Once More (Carpenters)
của Mĩ cùng năm thì ít được người biết, cho đến năm bảy tư thì bản top
hit Seasons In The Sun (Terry Jacks) mới được phổ biến nhiều. Hoặc trừ
những buổi đến lớp, hay đi chơi bên ngoài, căn nhà trọ của anh em tôi
giống như một trung tâm văn hoá, âm thanh ca hát vang lên suốt ngày.
Một buổi trưa, sau khi thu xếp một số công việc, tôi mỏi mệt nằm chợp
mắt trên chiếc ghế bố ở nhà sau một lát và thiếp đi…. bỗng nghe
tiếng guitar rải theo hợp âm thứ và lời hát nhè nhẹ dìu dặt: Ai có về
trên bến sông Tương, nhắn người duyên dáng tôi thương …, bài hát tôi
thường nghe chán phèo trên đài phát thanh, tôi ngán tận cổ, nhưng bây
giờ với cách chơi chỉ với một chiếc guitar thùng, âm thanh bập bềnh
nghe mới lạ. Tôi tỉnh giấc xoay qua thấy anh Cường, sinh viên ĐHSP ban
Việt Hán đã ra trường chờ bổ nhiệm thường đến nhà chơi, tôi hỏi ai hát
hay quá vậy anh. Anh đang loay hoay làm việc gì đó quay lại nói: Vũ
Đức Sao Biển đó mầy không biết sao? Tôi ra ngoài ngồi chăm chú nhìn
anh ta hát, một thanh niên có gương mặt hiền, khoảng hai lăm hai bảy,
da sạm nắng phong trần, chắc có lẽ như đang ở trong quân đội, vận quần
tây sơ mi đóng thùng, ngồi vừa đàn vừa hát say sưa. Anh Cường làm xong
công việc kéo anh ta đi ngay. Anh Cường là người thổi sáo rất hay, tôi
biết chơi sáo khi còn ở quê, và chơi tầm thường đủ để thoả mãn sự khát
khao của sở thích tự biên tự diễn của mình mà thôi. Anh là người cho
tôi biết thế nào là bản sáo Thần Triều, Phụng Vũ của Nguyễn Đình
Nghĩa, ngoài giai điệu sáo ngâm thơ quen thuộc của Tô Kiều Ngân tôi
tập tành. Nghe lời anh, tôi ra phố Lê Lợi tậu về cây sáo gỗ, cây sáo
bằng gỗ cẩm lai rất bóng chắc, loại gỗ này mà mọt gặm vào chỉ có gãy
răng thôi, tôi đã giữ nó cho đến bây giờ vẫn bóng loáng không hề suy
suyển, đây là cây sáo gỗ với cách khoét lỗ đặt biệt để phát ra đúng
các thanh âm phương tây nên anh rất khen nó. Hàng tháng trời tôi tập
bài Phụng Vũ có kết qủa khiêm tốn, còn bài Thần Triều thì kĩ thuật
thổi khó quá, nhiều lần tập xây xẩm mặt mày, tôi đầu hàng, tôi nghĩ,
chỉ là giải trí cho vui đâu cần cực nhọc luyện tập như thế, như thế là
hành xác chứ không còn giải trí nữa. Thôi bye bye Thần Triều.
Một hôm tôi có ‘tối’ kiến. Tại sao bọn mình không lập ban nhạc chơi
nhể? Ca sĩ chính đương nhiên là Thành Phần, ca sĩ hát bè dĩ nhiên là
tôi và Ngọc Thịnh, thiếu một em gái, sẽ tính sau. Và bạn khỏi lo lắng
hay e ngại cho bọn tôi, lập ban nhạc để có thể tự chơi cho thoả chí
thôi, chứ không phải để trở thành Eagles, Bee Gees, hay ABBA gì ráo.
Cả ba tên đều chơi guitar. Sáo và harmonica, mandolin đều chơi được
nhưng ban nhạc không cần loại nầy. Tôi xung phong đi học trống, Phần
lãnh trách nhiệm guitar bass, Thịnh guitar accord. Thế là bọn tôi ghi
danh lớp nhạc Quốc Tuấn ở góc đường Bùi Chu, Sương Nguyệt Anh, tôi
thạo chơi trống và Thành Phần thạo chơi guitar bass từ dạo đó. Trong
giờ học chơi nhạc, tôi thấy có cô bé rất xinh đang tập organ keyboard,
tôi nói với Phần hay là mình rủ em này vào nhóm, Phần cười nói, nếu
ông có khả năng rủ được. Mấy hôm sau tôi đến bắt chuyện, biết rằng cô
bé đang học lớp mười một trường Nguyễn Bá Tòng ngay sát bên cạnh, thấy
cô bé còn nhỏ tuổi, lại thêm chơi đàn organ còn non tay qúa, bọn tôi
không dám cù rủ. Mấy tháng sau gần tết, tôi thấy hình cô ta chụp đủ
kiểu trên lịch tết treo bán ngoài đường, tôi khá ngạc nhiên, khi đến
giờ nhạc tôi hỏi, có phải cô gái tên Thuỷ Tiên trên tờ lịch bên ngoài
chính là em không, Thuỷ Tiên gật đầu lí nhí, thưa dạ phải. Những năm
tháng vui nhộn ấy chúng tôi chỉ mới ở những năm đầu đại học mà thôi.
Hằng ngày đi học, anh em tôi chạy xe ngang qua club của ban nhạc Bích
Loan & CBC, ban nhạc gia đình, nằm trên đường Nguyễn Du đối diện cửa
vườn Tao Đàn, và dự tính cuối tuần nào đó sẽ chui vào xem. Nhưng đột
nhiên một thời gian sau thì thấy đóng cửa, không hoạt động, tôi có
chút hơi thắc mắc không hiểu tại sao. Mãi đến nhiều năm sau này mới
biết ban nhạc đã bỏ trốn ra nước ngoài vào đầu năm bảy mươi tư. Năm
ngoái, tôi có gặp họ, Bích Loan và CBC, trình diễn và đệm đàn cho
Khánh Hà, Thanh Tuyền, Thanh Thuý hát, điều hơi bất ngờ, một ban nhạc
nổi tiếng trình diễn khắp nơi trước bảy tư, lại là những đứa trẻ, tuổi
còn nhỏ hơn bọn tôi khi ấy. Bây giờ, CBC về mặt âm nhạc có lẽ chỉ còn
dư âm thời còn bé mà thôi, không còn chút gì còn sót lại vẻ tài năng
xưa kia. Thật là đáng tiếc.
Trong lúc đàn ca hát xướng, có lẽ chúng tôi làm phiền đến hàng xóm mà
tuổi trẻ bọn tôi không để ý đến. Nhà bác Kiều Hạnh bên cạnh có nhiều
khách thường đến thăm viếng, nhiều lần tôi bắt gặp một gã trung niên
đầu húi cua lấm tấm bạc, nét mặt sạm ngăm đen, vóc người tầm thước,
không đẹp trai nhưng rất đàn ông, thường đứng trước của nhà tôi, chờ
bác Kiều Hạnh ra mở của, hay chờ chở người vợ đẹp quí phái ra về, đôi
khi thấy một gã vẻ mặt điển trai kiểu bụi bặm đứng đó, và rất nhiều
người nữa trong thời gian tôi còn ở trọ nơi ấy mà tôi không nhớ hết.
Sau này tôi mới biết đó là nhạc sĩ Phạm Duy, Thái Hằng, Thái Thanh,
tài tử Trần Quang… giữa họ có quan hệ nghề nghiệp hoặc là bà con với
nhau. Trong căn nhà trọ, bọn anh em tôi và Thành Phần đàn ca inh ỏi,
bất kể người đứng lảng vảng trước nhà là anh hùng ở lộ nào.
Một buổi trưa, bác Kiều Hạnh hỏi bọn tôi rảnh không? Ông bà có ý mời
bọn tôi qua nhà nói chuyện. Anh em tôi lo lắng, chuyện này không xong
rồi, ông bà báo cho bà chủ nhà, người bà con uy quyền của bọn tôi đang
ở Quy Nhơn là cả anh em tôi sẽ gặp rắc rối to. Đúng giờ, hai anh em
tôi ăn mặc nghiêm chỉnh bước sang nhà bên cạnh, bác Kiều Hạnh trai
(Phạm Đình Sỹ*) mời ngồi, rồi vui vẻ hỏi bọn tôi có biết ban Tuổi Xanh
trên truyền hình không. Chương trình của ban thiếu nhi Tuổi Xanh ai mà
không biết sao lại hỏi bọn tôi, nhưng bọn tôi đâu có phải thiếu nhi mà
coi chương trình này. Còn chương trình nhạc Phạm Mạnh Cương hát hò
kiểu – Gọi gió lên thung lũng hồng, mây trôi bềnh bồng, còn đó em yêu
dỗi hờn, long lanh lệ buồn – nghe sầu thảm não nề qúa, đối với bọn tôi
thì chán phèo, chỉ thích hợp cho người già. Chương trình Tiếng Tơ Đồng
của nhạc sĩ Hoàng Trọng với một dàn violon kéo ò e, nghe một chút là
ngủ gục ngay. Chương trình Hoàng Thi Thơ mà bọn tôi gọi là ông nhạc sĩ
cà lăm, vì hầu hết bản nhạc nào của nhạc sĩ cũng viết những điệp khúc
lập đi lập lại, kiểu cà lăm như – Thi ơi Thi, Thi biết, biết không Thi
– hay cà lăm nặng như – Em thấy không em, em thấy không em, em thấy
không em, quê hương ta, ôi, quê hương tuyệt vời, quê hương tuyệt vời,
gió mát trăng thanh, ôi, gió mát trăng thanh – nghe thì vui tai nhưng
bọn trẻ tôi không thích lắm, chỉ khoái mỗi khi thấy mấy chị lộ đùi hở
hang của vũ đoàn ra nhảy tưng tưng là hấp dẫn thôi. Nói chung, những
chương trình ca nhạc trên truyền hình lúc bấy giờ, hoặc là rất kinh
điển, hoặc là rất …dân dã, không hợp với tính cách hiếu động của lứa
tuổi thanh niên. Bọn tôi bấy giờ ngưỡng mộ The Rolling Stones, C.C.R,
Santana, Lobo,…hoặc kiểu Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà mà thôi. Thấy
hai bác không la rầy, nét mặt bọn tôi dãn ra, và lắng nghe hai bác tự
giới thiệu về công việc của mình với nhóm nhạc Tuổi Xanh. Hai bác mời
bọn tôi tham gia với tư cách là người đứng đệm đàn trong các show
diễn. Đây là lời đề nghị trong mơ cho bất kì thanh niên nào muốn thăng
tiến trong điện ảnh, trong âm nhạc. Bạn có cơ hội gặp chị em ca sĩ
Thái Thanh, Thái Hằng, ca sĩ Mai Hương, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhóm
trẻ cùng thời Duy Quang, Thái Hiền…nói chung đa số nghệ sĩ miền bắc
nổi tiếng bấy giờ đều có dính dáng bà con với nhau thường ghé nhà hai
bác. Bọn tôi nói bọn tôi về suy nghĩ lại sẽ trả lời sau.
Bọn tôi thấy đề nghị qúa hấp dẫn hơi phân vân, về phần đệm đàn chúng
tôi già dặn về lối chơi kiểu du côn, nghĩa là ca sĩ đang hát tông la,
hát lạc giọng nhảy sang tông si, bon tôi sẵn sàng qua si, nếu ca sĩ
rớt giọng xuống fa thăng, bọn tôi hạ giáng xuống ngay. Nếu ca sĩ buồn
tình xổ vọng cổ tôi có thể chơi vài câu vọng cổ, dĩ nhiên vọng cổ kiểu
trật quẻ, nếu ca sĩ á khẩu thì…tôi gảy đàn rời rạc, bấm đô thứ bỏ
nốt rê thăng, bạn biết đó, vì đô thứ diễn tả ‘nỗi buồn’ có hiệu quả
hơn bất cứ cung thứ nào khác, ra vẻ chuẩn bị ngâm thơ, chờ cho ca sĩ
hoàn hồn …trở lại bài hát. Chơi như thế đó, bọn tôi gọi là kiểu chơi
nhạc du côn, nhưng cách chơi này thì anh bạn Chính bọn tôi rất ghét.
Còn phần nhạc lý thì đâu có ai dám tự hào về phần nầy đâu trừ bạn
Chính lúc đó đang là sinh viên trường Quốc Gia Âm Nhạc (cảm ơn sự chỉ
dẫn của bạn tôi đã đi qua xong bài Los Sitios De Zaragoza), lúc ấy bọn
tôi tự đánh giá thì dễ qua cầu với bọn trẻ nhóm Tuổi Xanh, đúng là tác
phong liều lĩnh của bọn tuổi trẻ. Bọn tôi vui chơi là như thế, nhưng
coi cái học là chính, là trọng yếu. Nếu kì thi tới bị đánh rớt thì
cuộc đời cả bọn sẽ đổi chiều, bọn tôi bắt buộc mãi mãi hằng năm không
được thi rớt, nếu không muốn cuộc đời bị đổi chiều.
* Bác Phạm Đình Sỹ, anh của ca nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, anh
ca sĩ Hoài Trung Phạm Đình Viêm, anh của ca sĩ Thái Hằng vợ Phạm Duy,
anh của ca sĩ Thái Thanh, cha của ca sĩ Mai Hương, cậu của Duy Quang,
Thái Hiền, Thái Thảo vợ Tuấn Ngọc, cậu của ca sĩ Ý Lan sau này.{jcomments on}