Lòng Yêu Sống

Tác giả: Phạm Xuân Nguyên

*Lời bạt cho tác phẩm : Bàn tay nhỏ dưới mưa

Sinh thời, nhà thơ Hoàng Trung Thông khi đang còn là Viện trưởng Viện
Văn học, nhân một lần trò chuyện văn chương chữ nghĩa ông bảo tôi là
ông không thích cái tên dịch một truyện ngắn của nhà văn Mỹ Jack
London là “Tình yêu cuộc sống” (Love of Life). Nhà thơ bảo nên thay
chữ “tình yêu” bằng chữ “lòng yêu”. Ông nói chữ “tình yêu” trong tiếng
Việt như đã đặc dụng cho đôi lứa nam nữ, còn chữ “lòng yêu” là dùng
cho mọi đối tượng. Dịch cái tên truyện của Jack London thành “Lòng yêu
cuộc sống” đúng và hay hơn. Tự nhiên tôi nhớ câu chuyện này khi ngồi
gõ phím bàn tính viết đôi lời mở đầu cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của
tác giả Trương Văn Dân mang tên Bàn tay nhỏ dưới mưa. Nội dung cuốn
truyện là kể về tình yêu của một người con gái tên Gấm. Gấm đã trải
qua hai cuộc hôn nhân không tìm thấy hạnh phúc. Trong lúc đau khổ và
tuyệt vọng nhất Gấm đã gặp được người đàn ông của đời mình, người đã
mang lại cho Gấm không chỉ một tình cảm lứa đôi (tuy không làm vợ
chồng) trọn vẹn, đằm thắm, mà còn cả một cuộc sống làm người đầy đủ,
phong phú. Có lẽ vì số phận nhân vật như thế, nội dung truyện như thế,
nên tự nhiên mà đọc xong xui tôi nhớ đến cách dùng chữ của nhà thơ
Hoàng Trung Thông. Và tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết của Trương Văn Dân là
một khúc ca trầm về lòng yêu sống. Không chỉ yêu tình yêu mà còn yêu
sự sống, một sự sống đang có nguy cơ bị hủy diệt bởi chính con người.
Tình yêu của Gấm và người đàn ông lý tưởng của cô được tác giả đặt vào
trong một môi trường xã hội và tự nhiên đang bị con người vấy bẩn, làm
ô nhiễm, tàn phá, hủy hoại. Khác với những khung cảnh lãng mạn nên thơ
của tình yêu truyền thống. Phần này của truyện lồng ghép một cách trực
tiếp, trực diện, có thể chưa phải đã tự nhiên, khéo léo về nghệ thuật,
nhưng thông điệp tác giả muốn truyền đi thì đã rõ. Nó giúp tác giả nói
lên lòng yêu sống toát ra từ tình yêu của Gấm

Tôi gọi Bàn tay nhỏ dưới mưa là khúc ca trầm vì tác giả dùng hình thức
kể chuyện ở ngôi thứ nhất thông qua cuốn nhật ký của Gấm ghi chép về
cuộc đời mình. Những ghi chép này làm thành phần đầu cuốn truyện.
Chúng được nhân vật người đàn ông của cuộc đời cô tìm thấy và công bố
khi cô không còn hiện hữu về thể xác trên cõi đời. Và đó là phần sau
cuốn truyện. Trong những ghi chép của mình, Gấm soi chiếu toàn bộ cuộc
đời cô dưới ánh sáng  của cuộc tình cuối cùng. Chủ yếu ở đây là chiêm
nghiêm tâm trạng. Những sự kiện, tình tiết được kể lại hay nhắc đến
chỉ để khơi gợi nỗi yêu và nỗi đau của Gấm, cho cô những trường hợp để
trăn trở nghĩ suy về cuộc đời, tình yêu, và lòng người. Nhân vật người
đàn ông nhà báo đã cứu vớt cuộc đời cô, đã yêu cô làm cô hồi sinh và
hạnh phúc, được Gấm ngợi ca như một con người toàn bích, lý tưởng.
Nhưng lắng sâu vẫn là nỗi buồn lo, phấp phỏng cho sự mong manh của
kiếp người, của cái đẹp, cái thiện trong đời. Tác giả dùng lời cho Gấm
nhiều những câu dài miên man cảm xúc, nhiều những nhịp điệu thăng trầm
tâm trạng. Đồng vọng tương cảm với những ghi chép của Gấm là những cảm
nhận, suy tư của người đàn ông nhà báo khi đọc chúng. Người đọc tiểu
thuyết vì thế được dòng tình cảm của hai nhân vật cuốn đi mê mải buồn.
Dừng ngắt ở chỗ nào cũng là chưa đủ. Mà bắt đầu từ ở chỗ nào cũng vẫn
kịp. Có thể đấy là một dụng công viết của tác giả, phải chăng. Câu
truyện trong tiểu thuyết có thể là một phần đời đã sống của tác giả,
cũng có thể chỉ là hư cấu, điều này tùy thuộc cảm nhận của mỗi người
đọc sách. Nhưng khát vọng sống, khát vọng yêu cho con người hạnh phúc
giản dị thường ngày, vượt qua và vượt lên những oan trái, khổ đau, cả
những bất trắc rình rập từ những hiểm họa thiên tai và nhân tai, đó là
điều tác giả tìm mọi cách trình bày và truyền tải đến người đọc qua
nhiều lớp ngôn từ được huy động và sử dụng. Cảm tưởng như tác giả muốn
rung lắc độc giả lay động theo từng con chữ anh viết để chia sẻ cùng
anh những điều tin lo.

Trương Văn Dân nhiều năm sống xa xứ, làm một ngành nghề không dính tới
văn chương. Nhưng anh cầm bút trước hết để được sống cho mình, sống
với mình, từ những hồi ức kỷ niệm về quê hương, người thân, mà đã là
người Việt nặng tâm tình thì dù ở đâu đi đâu làm gì cũng đều canh cánh
bên lòng và vấn vương trong hồn. Lòng yêu sống ở anh thấm vào trong
câu chữ mộc mạc, chân tình, ngay ở tác phẩm đầu tiên – tập truyện ngắn
Hành trang ngày trở lại. Viết tiểu thuyết với Trương Văn Dân còn hơn
một sự thử bút ở thể loại dài, đó là sự trang trải, giãi bày một tình
yêu, một lòng yêu, của mình cho mình, và cho người. Đọc Bàn tay nhỏ
dưới mưa, tôi không để mình bận tâm lắm về kỹ thuật viết, tôi để lòng
mình cho rung động theo lòng tác giả và nhân vật, và tôi thương cô Gấm
như tác giả thương.

Có một lòng thương người như thế mới có một lòng thương đời đến thế.
Và khi đã chạm vào chữ thương thì “người đọc người thương nhau” (Chế
Lan Viên). Cuốn tiểu thuyết này vì vậy là một bàn tay vẫy trong mưa
với ai cho ai từng có/gặp một người như Gấm. Đấy là sự sẻ chia của/với
tác giả.

Phạm Xuân Nguyên{jcomments on}

0 thoughts on “Lòng Yêu Sống

  1. lochong

    Trương Văn Dân nhiều năm sống xa xứ, làm một ngành nghề không dính tới văn chương. Nhưng anh cầm bút trước hết để được sống cho mình, sống với mình, từ những hồi ức kỷ niệm về quê hương, người thân, mà đã là người Việt nặng tâm tình thì dù ở đâu đi đâu làm gì cũng đều canh cánh bên lòng và vấn vương trong hồn.

    Anh Phạm Xuân Nguyên viết lời bạt hay quá.

    Reply
  2. Thu Thủy

    Viết tiểu thuyết với Trương Văn Dân còn hơn một sự thử bút ở thể loại dài, đó là sự trang trải, giãi bày một tình yêu, một lòng yêu, của mình cho mình, và cho người. Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa, tôi không để mình bận tâm lắm về kỹ thuật viết, tôi để lòng mình cho rung động theo lòng tác giả và nhân vật, và tôi thương cô Gấm
    như tác giả thương.

    Lời giới thiệu rất ấn tượng.

    Reply
    1. nguyentiet

      Thu Thủy nói đúng quá . Lời giới thiệu của anh Nguyên Lương thật ấn tượng và nguyentiet cũng đọc truyện anh TVD theo cảm xúc của tác giả và nhân vật.

      Reply
      1. Khoa Trường

        Lại nữa !!! Hôm nay “long thể bất an” à ? Phạm Xuân Nguyên là dịch giả viết lời bạt cho BTNDM mà ??? 😕 😛

        Reply
        1. nguyentiet

          Ờ há! Sao kỳ dzậy ta? Xin sửa lại Nguyên Lương thành Phạm Xuân Nguyên.Bữa nay KT được NT cám ơn hơi bị nhiều đó, có dzui không?

          Reply
          1. nguyentiet

            Được cám ơn nhiều mà hổng dzui , chớ có chi là có chi mới dzui dzậy? 😛

  3. Bích Vân

    Có một lòng thương người như thế mới có một lòng thương đời đến thế.Và khi đã chạm vào chữ thương thì “người đọc người thương nhau” (Chế Lan Viên). Cuốn tiểu thuyết này vì vậy là một bàn tay vẫy trong mưa với ai cho ai từng có/gặp một người như Gấm. Đấy là sự sẻ chia của/với tác giả.
    Câu kết thật là hay .

    Reply
  4. Dạ Lan

    “Tình yêu cuộc sống” đã làm người thứ hai không bỏ cuộc để được sống. Lòng yêu sống cũng làm nên một tác phẩm để đời của tác giả TVD

    Reply
  5. Quốc Tuyên

    Nhưng khát vọng sống, khát vọng yêu cho con người hạnh phúc
    giản dị thường ngày, vượt qua và vượt lên những oan trái, khổ đau, cả những bất trắc rình rập từ những hiểm họa thiên tai và nhân tai, đó là điều tác giả tìm mọi cách trình bày và truyền tải đến người đọc qua nhiều lớp ngôn từ được huy động và sử dụng. Cảm tưởng như tác giả muốn rung lắc độc giả lay động theo từng con chữ anh viết để chia sẻ cùng anh những điều tin lo.
    Qua lời bạt anh Phạm Xuân Nguyên, em muốn tìm đọc tác phẩm “Bàn tay nhỏ dưới mưa” quá anh Trương Văn Dân ơi! !

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.