gặp gỡ
Sân trường Văn Khoa vào những buổi sáng đầu tuần rất nhộn nhịp, sinh
viên thường đến học rất đông, lý do rất đơn giản là những thay đổi về
giờ học, phòng học hay chương trình bộ môn học thường thông báo vào
thứ hai, và sau những vui chơi cuối tuần tâm lý con người thường muốn
quay lại với công việc.
mươi ghế, nhưng có chừng tám chín mươi sinh viên đến dự, giảng viên
nếu tôi nhớ không lầm là thầy Tuấn, nhìn vào danh sách sinh viên ghi
tên tham dự bộ môn của mình rồi đọc tên. Thầy muốn nắm con số hiện
diện thực tế chứ không phải con số ghi danh, để tiện cho việc in ấn
cour phát hành sau này. Từng tên sinh viên được xướng lên với lối kêu
hơi lạ, chỉ đọc tên và chữ lót, không đọc họ, như anh Văn A, chị Thị
B…khi kêu đến tên chị Bạch Tuyết, một cô gái hô to: Có mặt! Các bạn
quay nhìn thấy một cô bé ốm khẳng khiu, đen nhẻm, có lẽ đến từ miệt
vườn nào đó ở Sa Đéc hay từ núi bà Đen Châu Đốc. Một số sinh viên bật
cười. Thầy kêu tiếp: anh Thành Phần. Một thanh niên da ngăm đứng ngoài
cửa chõ vào hô lên: Có. Thầy kêu tiếp: anh Du kích. Cả lớp ngơ ngác.
Như sợ hiểu nhầm, thầy đọc luôn cả họ: anh Nguyễn Du Kích. Có tiếng hô
từ cuối lớp: Có mặt. Tiếng trả lời vừa dứt, cả lớp cười rộ lên. Bởi
vì, hai tiếng Thành Phần Du Kích đi đôi với nhau, gây ra ấn tượng là
có một lực lượng vũ trang trong cuộc chiến, đang diễn bên ngoài, lại
đột ngột hiện diện ngay trong lớp học của chúng tôi. Tiếng cười vừa
tạm dịu xuống, thầy kêu lên: chị Ngọc Phương. Không có tiếng đáp lại,
cả lớp im lặng, thầy đọc lại lần nữa, cả lớp vẫn im lặng. Thầy kêu cả
tên họ: chị Trần Ngọc Phương. Tôi sực nhớ, hoảng hồn hô to: Có em,
thầy. Cả lớp quay lại nhìn tôi, rồi bùng lên cười như vỡ chợ, làm cho
một tên ốm, cao lêu nghêu đứng giữa lớp sượng sùng…Buổi điểm danh
cuối cùng cũng kết thúc, nhưng lớp không còn căng thẳng như trước mà
trở nên hơi nhộn. Đây là giờ học đầu tiên, nên giáo sư chỉ giới thiệu
qua loa chương trình rồi kết thúc buổi học nhanh chóng.
Tôi ra ngoài hành lang đứng nhìn vơ vẩn, chờ Thịnh, em con bà Dì để
cùng ra về. Chợt bắt gặp anh thanh niên da ngăm ngăm còn đứng đó, tôi
chủ động bắt chuyện: Ông tên là Phần hả? Hồi nãy thầy đã kêu tên?
Vâng, tôi là Thành Phần. Tôi hỏi tiếp: Chứ ông họ gì vậy? Phần trả
lời: Thành. Tôi ngạc nhiên: Cái gì? Phần lập lại: Tôi họ Thành tên
Phần. Cái lối trả lời ngắn gọn cụt ngủn của anh chứng tỏ anh ta không
muốn tôi biết nhiều về mình.
Và tôi quen biết Thành Phần như thế đó. Thành Phần vóc dáng tầm thước,
cân đối, da ngăm, tóc xoắn bồng bềnh, mũi thẳng hơi hơi khoằm, nét đặc
biệt này làm cho khuôn mặt anh ta dễ ưa nhìn, có thể nói là dễ quyến
rủ với các cô gái. Mấy hôm sau tôi lại gặp anh ngoài khuôn viên sân
trường, tôi đến chào và hỏi thăm anh sẽ học môn gì kế tiếp, anh nêu
tên, lại trùng với môn nhiệm ý của tôi, thế là chúng tôi cùng đến lớp.
Có lẽ phong cách cởi mở thoải mái của tôi làm anh dần dần thay đổi
cách ứng xử, tỏ ra vui vẻ hoạt bát hơn. Lúc này anh mới thổ lộ, anh
không phải là người Việt, anh là người Chàm, bây giờ người ta quen gọi
là người Chăm. Chúng tôi ngày trở nên thân nhau hơn, qua những đối đáp
và những chuyện phiếm với nhau trong khuôn viên trường.
Một hôm tôi rủ Phần về nhà trọ tôi chơi, Phần gật đầu đồng ý nhưng
trước khi đến, anh ta cần ghé tạc qua chỗ anh đang ở, để dặn dò trao
đổi công việc gì đó với bạn anh. Chúng tôi chạy xe đến nơi nhà trọ,
Phần ở trọ cùng với bốn hay năm thanh niên Chăm khác trong căn phòng
chật hẹp, che chắn tạm bợ với vách tôn và gỗ, điều kiện sống rất thiếu
thốn. Phần nói chuyện với họ bằng tiếng Chăm. Tôi điếc tiếng Chăm cũng
như đã điếc tiếng Hoa, bèn giả lơ ngó nhìn màng nhện trên vách. Tôi tự
hỏi, tại sao mình đã không đi học hai thứ sinh ngữ này trước khi xách
va li từ giã mẹ vào Sài Gòn. Để bây giờ nhìn bốn năm thanh niên Chăm
vừa trò chuyện vừa liếc xéo nhìn tôi như là một tên gián điệp đến đây
dò la do thám họ, trước khi cất một mẻ lưới. Họ nói, tôi nghe rất rõ
ràng, nhưng có điều phiền toái là tôi không hiểu mà thôi, qua cung
cách của họ, tôi đoán ra phần nào câu chuyện. Tôi đi ra ngoài cửa đứng
chờ Phần giải quyết việc riêng của mình. Khi xong chuyện, Phần ra
ngoài và tiếp tục đi với tôi. Tôi nói, bọn họ không ưa có một thằng
người Việt đến chỗ trọ của mình phải không? Phần thấy khó trả lời hay
đang suy nghĩ chuyện gì khác nên chỉ ậm ừ. Tôi cũng im lặng và không
nói gì thêm.
Đến nhà, tôi nhấn chuông, Thịnh có sẵn trong nhà ra mở của và vui vẻ
chào đón bạn, ba người chúng tôi nhanh chóng thân mật ngay, chúng tôi
trò chuyện rất hợp gu về đủ mọi vấn đề. Phần ngồi trên ghế trò chuyện
khá lâu, ngồi nhiều nên có vẻ hơi mỏi lưng. Anh ưỡn người duỗi chân,
và thuận tay với ra sau cầm lấy cây đàn guitar của tôi, từ tốn rải một
giai điệu dạo đầu và cất tiếng. Một giọng hát trầm ấm vang lên:
Hởi em! Chiêm nữ em ơi…nhìn chi chân trời …lòng buồn thương nhớ …xa vời.
Đâu còn …những cánh tháp xưa.
Đâu còn…di tích Chàm xưa …em hởi em, đừng mong, đừng chờ…
Mây giăng phủ cả lối về…
Giai điệu chậm rãi dìu dặt, tiếng hát mượt mà. Lời ca như than van,
như tiếc nuối, nhưng không chút rên rỉ sướt mướt, mà nghe rất êm dịu
du dương. Giọng hát của Thành Phần có điều gì đó nghe rất đặc biệt,
rất lôi cuốn người nghe, âm thanh không phải tuôn ra từ cửa miệng mà
hình như từ lồng ngực, từ bộ phổi chứa đầy ắp khí nội lực của anh.
Tiếng hát nghe quyến rủ và ngọt ngào. Bọn tôi yêu cầu bạn hát thêm một
số bản nhạc nữa, có lẽ cùng gu âm nhạc nên những bản nhạc Thành Phần
hát là những bản bọn tôi thích… Từ đó, tôi nhìn Phần bằng cặp mắt
khác hơn. Và cũng từ đó, mỗi khi Thành Phần đến nhà tôi chơi, tôi luôn
luôn yêu cầu anh hát, và anh cũng sẵn sàng hát cho tôi nghe bất cứ khi
nào được yêu cầu, dù rằng lúc đó anh khan cổ hay có chút mệt mỏi. Cho
tận đến bây giờ cũng vậy, hễ tôi yêu cầu là bạn luôn chiều ý. Đây là
điểm đặc biệt nhất giữa hai người bạn, giữa anh và tôi, mà tôi không
thể tìm thấy điều đó ở một người bạn nào khác như thế nữa. Sau đó,
Thành Phần đến nhà anh em chơi tôi thường xuyên hơn. Và cũng từ đó
chúng tôi trở thành bộ ba gắn bó nhau như những chàng ngự lâm pháo
thủ.
Bọn tôi, ba người bạn, thường đi có nhau, thường lui tới ở các rạp
xinê quanh chợ Bến Thành như Vĩnh Lợi, Rex, Eden, Quốc Tế. Khác với
các rạp xi nê ở Quy nhơn hàng ngày chiếu những bộ phim Hong Kong, các
rạp xi nê ở Sài Gòn thường chiếu phim Pháp và Ý và một số ít phim Mỹ,
nên bọn tôi được coi nhiều nhất về Brigitte Bardot hơn là Clint
Eastwood, và hình như phim Việt Nam duy nhất chúng tôi xem lúc ấy là
phim Đời Chưa Trang Điểm với Nguyễn Chánh Tín, một anh sinh viên đang
học luật nhảy ra đóng vai chính. Nếu ở Quy Nhơn rạp Kim Khánh nổi
tiếng có những màn li kì trong các suất chiếu phim, thì ở Sài Gòn rạp
xi nê Vĩnh Lợi cũng mang tai tiếng như thế, và không phải chỉ có nghe
mà còn xảy ra ngay đối với cả với tôi và Thành Phần, có điều Thành
Phần ‘bị’ nhiều hơn, vì anh có gương mặt đậm chất xi nê ma. Bạn đi xem
phim nhiều thì bạn biết ngay đó là chuyện gì.
Chúng tôi thường xuyên la cà ở các quán cafe, chỗ nào cũng tới, quán
nào cũng đi, rải rác từ quanh Văn Khoa, đường Nguyễn Du, đường Hai Bà
Trưng, kéo dài đến các quán ở đường Lý Thái Tổ chợ lớn. Thời ấy, số
lượng quán cafe cũng khá nhiều nhưng không có nhiều cafe cóc ở lề
đường hay vỉa hè như bây giờ, và rất hiếm có loại cafe vườn như cafe
Chiêu đường Cao Thắng, ba cô gái ở Công lý …và đa số là nằm trong
nhà mặt tiền. Các quán càfe đều mở nhạc ngoại, nhạc Pháp, sau đó là
nhạc Mĩ. Không giống như những quán cafe ở Qui Nhơn thường có tên rất
lãng mạn như là Biển Nhớ, Hạ Trắng, hay Mây Mùa Thu ở đường Hàn Thuyên
mà tôi thường lui tới, họ luôn luôn cho phát ra những tape nhạc của
Khánh Ly, Miên Đức Thắng, hay của Chế Linh.
Có lẽ từ năm bảy ba, thời thế thay đổi, loại phản chiến của Trịnh Công
Sơn (phổ biến sâu rộng từ sáu bảy đến bảy hai) bây giờ không còn hợp
thời, các quán cafe chỉ còn phát ra những băng cối hay tape nhạc tình
của TCS mà thôi, và hầu như hiếm thấy quán cafe nào ở đây, trong nội
thành Sài Gòn, mở nhạc mùi du dương kiểu Chế Linh, hay Thanh Thuý.
Cũng đúng thôi, ngay chính tôi bây giờ cũng thay đổi, khi còn ở Quy
Nhơn, tôi thường ôm đàn hát,…hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng,
cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn (TCS),…quê hương đau thương, quê
hương lửa cháy, hãy giết người đi con, giết người mà ngủ ngon, hỡi anh
hùng tuổi nhỏ (PT Mỹ). Còn bây giờ thì tôi lại thích đàn hát, ..cười
lên đi em ơi,… tôi muốn sống như loài hoa hiền (LH Hà), danh sách
hát hò lại tăng thêm ngày càng nhiều, ngoài những bản tôi say mê như
điếu đổ, nghe không biết chán khi còn ở Quy Nhơn như là You’re so vain
với Carly Simon và Carry on với Crosby, Stills & Nash, bây giờ lại
thêm vào More than I can say, I’d love you to want me, Have You Ever
Seen The Rain, Knock three times, Black is black …Nói chung không
khí âm nhạc của bọn tôi không còn u ám như xưa và nó trở nên phong phú
hơn.
Tôi, Thành Phần, Ngọc Thịnh và một người bạn nữa đang ngồi trong một
quán cafe ở đường Lý Thái Tổ. Trong bóng đen của ánh đèn blacklight
mọi thứ đều lờ mờ, chỉ có màu trắng là phản chiếu nổi bật lên. Căn
phòng cafe dầy đặt khói thuốc lá, những bức tranh trang trí vẽ các tay
rocker ôm đàn sáng ngời lên hình ảnh trông rất ma quái, cộng với
volume loa mở lớn nhạc kích động, làm cho đầu óc chúng tôi ngây ngất
như say. Âm thanh lớn điếc tai, khiến khi nói chuyện chúng tôi phải
hét lớn mới nghe được. Đang say sưa trong cảnh ồn ào của âm thanh nhạc
rock ‘n’ roll, trong tiếng gào trò chuyện nhau của bọn tôi, chúng tôi
được chủ quán khuyên nên rời quán ngay, vì có một nhóm băng đảng sắp
kéo đến thanh toán chúng tôi. Để an toàn chúng tôi nhanh chóng rời
quán. Ngày hôm sau Phần và tôi quay lại, hỏi chủ quán càfe ai đã đe
doạ bọn tôi, thì mới biết có nhóm thanh niên miền Trung gây sự với bọn
họ, và trong bóng đèn mờ họ nghe tiếng bọn tôi nói chuyện giọng miền
Trung đặc sệt, bọn họ tưởng nhầm đồng bọn nên kéo đến muốn dạy cho đối
phương một bài học. À chỉ là nhầm lẫn, nhưng nếu không tẩu trước, có
lẽ bọn tôi lãnh thẹo trước khi chứng minh sự trong sạch. Đây là một
giọt nước thêm vào chiếc ly sắp tràn đầy của tôi mà thời trung học tôi
hay bị trấn lột, tôi quyết định tầm sư học đạo, tôi lựa môn đang ‘hót’
nhất lúc bấy giờ xin nhập môn: Karatedo. Còn Phần đeo đuổi môn phái
Thiếu lâm quyền.
{jcomments on}