Căn nhà và kí ức
Tôi và Ngọc Thịnh ở trong một căn nhà trống lớn trên con đường Bùi Thị
Xuân, bà chủ ở Quy Nhơn mua căn nhà này làm chỗ nghỉ ngơi cho những
chuyến đi thăm thú ở Sài Gòn. Căn nhà rộng rãi có lầu ở phía sau, có
trang bị đầy đủ, máy lạnh (thời đó như thế rất hiếm), tủ lạnh, phone
bàn. Những hàng xóm người bắc di cư tỏ ra rất lịch sự với chúng tôi, ở
lâu tôi mới biết họ là những người có tên tuổi như nhà văn Nghiêm Xuân
Hồng ( kịch: Người Viễn Khách Thứ Mười ), gia đình bác Kiều Hạnh
(trưởng ban ca nhạc Tuổi Xanh trên truyền hình, mẹ ca sĩ Mai Hương),
Thẩm Phán…Luật sư toà Thượng Thẩm…chúng tôi đóng tiền ăn cơm tháng
ở ngã ba bên kia cây xăng đối diện đường Bùi Thị Xuân.
Ra vô hằng ngày, bọn tôi cũng thường thỉnh thoảng gặp cô Khánh, con
gái bác Nghiêm Xuân Hồng có lẽ lớn hơn bọn tôi một vài tuổi, học
trường Luật. Cô gái bắc kỳ này ăn diện khá đáo để, nghe nói áo đầm hay
áo dài của cô phải tính đơn vị chục trở lên, điều này tôi không chắc,
nhưng nhìn vẻ bên ngoài thì đúng là cô Khánh chịu khó ăn diện, và cô
cũng thuộc loại ưa nhìn. Tôi đâm ra làm một phép tính so sánh với hai
bạn tôi. Cả hai giống nhau ở điểm, cùng sinh trưởng ở nơi phồn hoa đô
thị bậc nhất, cùng gần lứa tuổi với nhau, cùng sống trong gia đình khá
giả, cùng sống ở quận một, quận trung tâm. Và cả hai khác nhau ở tính
cách, một nhu mì, một kiêu kì, một thân thiện, một hơi xa lạ, nếu có
thể nói thêm là một Việt, một Hoa, một luật khoa, một văn khoa. Với
bọn tôi thì nhu mì cũng tốt, kiêu kì cũng hay, nhu mì ẩn chứa đạo đức,
kiêu kì ẩn chứa kiêu hãnh tài năng. Một cô gái kiêu hãnh thường là cô
gái có sắc đẹp hay có một tài năng nào đó, muốn tỏ ra ta cao giá, muốn
đến được phải có một con lợn béo, một vò rượu tăm hay một điều gì đó
đại loại như thế. Nhưng nếu cô ta biết hay hiểu ra, bạn là chủ trại
chăn nuôi và chủ hãng bia rượu thì cái vỏ kiêu kì kia vỡ tan
ngay,….và có lẽ, cô Khánh chưa có cơ hội tiếp xúc với bọn tôi nhiều
nên chưa thấy những ông chủ tương lai của trại chăn nuôi và hãng rượu
bia, nên nhìn bọn tôi với ánh mắt mờ sương khói, chỉ cuối chào lấy lệ
khi bọn tôi đi ngang qua đến quán cơm tháng bên kia đường.
Mỗi buổi chiều, tôi hay đứng bên này đường Bùi Thị Xuân nhìn qua quán
cơm, thấy vắng khách thì băng qua đường, thấy đông khách thì đứng chờ.
Con đường Bùi Thị Xuân vào buổi chiều thật đẹp, hàng cây sao cao vút,
đứng xếp hàng thẳng tít, tạo một vòm không gian sâu kín che khuất bầu
trời, bóng mát rợp cả đoạn đường dài, chỉ còn vài chùm tia nắng vàng
xuyên qua những cành tán lá mỏng, tạo nên những vệt lằn sọc trên con
đường nhựa.
Thật ra tôi cố tình đứng đó, không vội vã băng qua đường. Tôi đứng đó,
tôi đang đợi chờ. Bạn nghĩ tôi chờ ai? Không chờ ai cả. Chờ bụng đói ?
không phải thế, dù có đói tôi cũng đứng chờ, chờ bằng được. Chắc hẳn
bạn cũng còn nhớ, cứ đúng sáu giờ chiều là đài phát thanh Sài Gòn FM
bắt đầu phát ra chương trình âm nhạc, và bản nhạc hiệu mở đầu là bài
Hạ Trắng của TCS với tiếng saxo độc tấu của Trần Vĩnh.
Đúng giờ ấy người hàng xóm lại mở radio, ngày này qua ngày nọ, tháng
này qua tháng nọ. Tôi đứng đó, cũng có lúc tôi ngồi đó, trên lề con
đường vắng, chờ đợi tiếng kèn saxo vang lên. Gọi nă ..ă..ắng……cho
vai em gầ ầ..y……Tiếng saxophone vang xa xa nghe sao quay quắt quá,
gợi trong tôi nỗi nhớ nhung khôn nguôi. Gợi thời thơ ấu rong chơi
đường làng, một mình một bóng, đi giữa hàng tre xanh cao vút như hàng
cây sao ở hai bên đường này. Gợi nhớ thời trung học chỉ vừa qua thôi,
nhưng sao nghe cảm thấy xa xôi như từ trăm năm gợi lại, gợi nhớ ngôi
trường xưa, lớp học cũ, và bạn hiền thân… Một cơn trốt nhẹ thổi bùng
lên. Cây sao lay động, lá sao rơi rụng, hạt sao rớt xuống với đôi cánh
nhỏ hai bên xoay xoay, xoay xoay như chiếc chong chóng quay trên bầu
trời, rồi từ từ đáp xuống như những cánh dù. Trông xa xa giống như một
đoàn quân nhảy dù đang đổ bộ.
Hàng cây sao, cơn gió nhẹ, tiếng saxo, con đường vắng…đã đi vào kí
ức khôn nguôi của tôi. Một kí ức đẹp, đây là của quí hiếm, một liều
thuốc làm dịu bớt những căng thẳng cho tôi khi mệt mỏi trên con đường
thiên lý.
viếng thăm
Một buổi chiều chủ nhật trong căn phòng vắng rộng mênh mông, tôi đang
ôm đàn nghêu ngao với những bản tình ca thời thượng lúc bấy giờ trong
giới sinh viên ưa chuộng …ngày nào cho tôi biết, biết ..em rồi, tôi
biết tương tư …Ngày nào biết mong chờ, biết rộn rã buồn vui đợi em
… Rồi đột ngột chuyển ‘tông’…
Je suis parti sans un adieu. Il valait mieux pour tous les deux
Laisse-moi te dire, laisse-moi te dire. Je t’aimais bien
Je suis parti. La mélodie elle est trop triste
Oh ! c’est ma vie. Ecoute-là, écoute-là.
Elle est pour toi.
Tôi đã bỏ đi mà không nói với em lời từ biệt. Như thế có lẽ tốt hơn cho cả hai.
Hãy để tôi nói với em, để tôi nói với em. Tôi yêu em biết bao
Tôi đã bỏ đi. Giai điệu này buồn quá.
Đó là cuộc sống của tôi. Em hãy lắng nghe, em hãy lắng nghe.
Giai điệu đó dành cho em…
Thật tình mà nói, tôi cũng có nhớ nhung, mà nhớ nhung lại có nhiều vô
thiên lủng nữa chứ. Từ khi biết phân biệt giới tính, thì thằng con
trai nào cũng vậy chứ không riêng gì tôi. Hãy cứ thấy nó …không
giống với mình, thấy nó …mềm mại dịu dàng không thô lỗ như mấy thằng
bạn sún răng của mình, thấy nó… xinh xinh một chút là mơ mơ màng
màng ngay. Và cái mơ mơ màng màng này chồng lên, làm xẹp cái mơ mơ
màng màng trước, cứ thế như cơn sóng đến rồi tan đi. Nhưng tương tư
như bài hát tôi đang nghêu ngao thì tôi chẳng biết. Tôi chẳng có ai để
mà tương tư, và cũng chẳng có ai tương tư tôi. Chẳng ai xa lìa tôi, và
tôi cũng chẳng xa lìa ai, hay rời bỏ ai mà ra đi, để nói lời từ biệt,
để nghe giai điệu buồn chia ly…như bản nhạc Pháp mà Christophe kể lể
…Ồ! nhưng mà có ..có đó, tôi nhớ ra rồi, giai điệu chia ly ấy rất
buồn, buồn thê lương, buồn thảm thiết, và có người khóc. Đó là lời từ
biệt: Thôi, con đi nghe má…đó là lời chia tay não ruột khi tôi xách
vali lên chuyến xe đò vào Sài Gòn, một nơi mà cả tôi và mẹ tôi cảm
thấy mịt mờ xa xôi nơi phương trời nam. Tiếng chuông đột ngột reng
lên, tôi nghiêng người nhìn ra cửa, hoảng hồn dẹp cây đàn, vơ chiếc áo
cài nút vội, thọt chân vào cái quần jean vội ra mở cửa.
Hà nhoẻn miệng cười tươi như hoa, cả Đệ cũng vậy, chị em hôm nay không
mặc mini jupe mà vận áo pull quần jean bó sát người, làm cả hai như
cao hẳn lên, nhất là Đệ có cặp giò dài hơn chị. Hà lúc này rất giống
Miêu Khả Tú nhất là ở đôi mắt trong phim Mãnh Long Quá Giang có đều
trẻ hơn và đẹp hơn. Không một lời báo trước, cuộc viếng thăm bất ngờ
làm tôi bối rối. Lúc đó tôi lại có ý tưởng ngu đần là tại sao thằng em
bỏ đi chơi không có mặt ở nhà, để cho tôi đỡ bớt lúng túng. Thôi thì
ráng gồng mình vậy, tôi lăng xăng lít xít, kéo ghế này ghế nọ, mang
nước lọc đến, cuối cùng cũng phải ngồi xuống, đối diện với hai nàng.
Lúc ấy trông mặt tôi chắc là ngây ngô lắm, nhưng mà nhìn kĩ Hà sao
cũng …giống tôi quá. Khi nghiêng người nhìn ra ngoài, thoáng thấy bộ
mặt cô nàng đứng chờ trước cửa, khá là kiêu kỳ, cao ngạo. Bây giờ thì
ấm a, ấm ớ có khác gì tôi đâu. Một lúc sau thì cả hai chúng tôi, trở
lại tình cảnh giống như ngồi trong giảng đường, chỉ có điều thoải mái
hơn, thân mật hơn. Tôi đem quyển sách ‘Thơ Đường’ của Trần Trọng San
mà tôi đọc thấy mấy từ còn lơ mơ lắm hỏi Hà, xem Hà có hiểu không? Hà
có đọc được chữ Hán không? Hà phì cười, nhắc nhở, bộ anh quên Hà là
người Hoa sao? Trời ơi, sao tôi ngu quá vậy trời, ai lại đi hỏi cô gái
Hoa, hỏi rằng cô biết nói tiếng Tàu không? Không biết tôi ngu tới tập
mấy mới hết đây! …chúng tôi nói chuyên khá lâu, chuyện gì thì tôi
không còn nhớ nữa, nhưng tôi còn nhớ Đệ lúc đó chỉ im lặng ngồi nghe,
hết nhìn tôi nói, rồi nhìn Hà nói, nàng biểu lộ trạng thái bằng gương
mặt, cười theo chúng tôi, xoe mắt chờ câu giải đáp, nhíu mày tỏ ra bức
xúc khi chúng tôi trầm ngâm, im lặng.
Kể từ đó, mỗi tuần vài lần, vào những buổi sáng có ít tiết học, có lẽ
với tâm trạng thoải mái hơn, hai chị em Hà và Đệ thường ghé qua nhà
tôi rủ anh em tôi cùng đến trường. Hà chở Đệ đến rủ đi học thường
xuyên và đều đặn như thế, nhưng không vào nhà, chỉ đứng ngoài cửa nhìn
trời vơ vẩn và chờ đợi. Tôi bây giờ vẫn còn nhớ mãi hình ảnh này, Hà
đứng ngoài cửa kiên nhẫn chờ đợi, đeo kính râm thơ thẩn nhìn trời. Bọn
tôi, có khi chỉ mình tôi, thay đồ rất nhanh, loáng cái là xong, cài
tập vào xe, đẩy xe ra cửa. Thế là chúng tôi song hành ngoài đường phố,
đến trường.
Lúc đó tại sao tôi không nghĩ đến việc rủ Hà, mà lại để Hà đi rủ tôi
đi học? Tại sao lại để hai chị em Hà đến rủ tôi đi học hàng ngày. Nghĩ
lại ngu không thể tả, ngố toàn tập. Cái đầu óc ngu muội của tôi chắc
cũng thoáng nghĩ, Hà chạy xe đến mình thuận lợi hơn là con đường dài
ngược lại. Nếu là bây giờ thì,… con đường đến nhà Hà càng xa càng
tốt, càng gập ghềnh, càng lên đèo xuống núi càng hay. Mấy sông tôi
cũng lội, mấy đèo tôi cũng phăng phăng. Nhưng mà …lúc đó, nếu tôi
săn đón, dĩ nhiên với ý đồ tối thui như thế, liệu Hà có chịu khó đến
đứng ngoài cửa, nhìn trời mây vơ vẩn, chờ tôi đi học không? Tôi không
có câu trả lời.
Nếu là bây giờ thì,… con đường đến nhà Hà càng xa càng
tốt, càng gập ghềnh, càng lên đèo xuống núi càng hay. Mấy sông tôi
cũng lội, mấy đèo tôi cũng phăng phăng. Nhưng mà …lúc đó, nếu tôi
săn đón, dĩ nhiên với ý đồ tối thui như thế, liệu Hà có chịu khó đến đứng ngoài cửa, nhìn trời mây vơ vẩn, chờ tôi đi học không?
Tuyên nghĩ có lẽ ” Lịch sử sẽ sang trang” mới Phương ạ….
Một thiên tình sử đầy hấp dẫn.Cách viết lôi cuốn, dễ thương!
Tiếng saxophone vang xa xa nghe sao quay quắt quá, gợi trong tôi nỗi nhớ nhung khôn nguôi. Gợi thời thơ ấu rong chơi đường làng, một mình một bóng, đi giữa hàng tre xanh cao vút như hàng cây sao ở hai bên đường này. Gợi nhớ thời trung học chỉ vừa qua thôi,
nhưng sao nghe cảm thấy xa xôi như từ trăm năm gợi lại, gợi nhớ ngôi trường xưa, lớp học cũ, và bạn hiền thân…
Và bây giờ thì đúng là từ trăm năm rồi anh Phương hỉ ?
Trời ! sao hay quá vậy ta .
Hồi đó chắc anh Phương đẹp chai lắm nên thường được bạn gái rủ đi học hả?
Cái anh chàng đào hoa nầy lắm chuyện quá ha ha .
Phương ơi ! tui cũng mê bài ” Bao giờ biết tương tư ” nhờ vậy tui tương tư bagiakhoua suốt đời .
Được bạn gái rủ đi học , có thiệt hông đó hay là tự khoe thời hoàng kim có giá của mình hỡ người bà con.
Chuyện kể rất hấp dẫn và ly kỳ.
Anh chàng Phương này sướng ghê được bạn gái rủ đi học chẳng bù với mình cứ đứng đầu ngõ đợi nàng ra để đưa đi học.
GH có đọc kịch ” Người Viễn Khách Thứ Mười” thật là hay mãi dến bây giờ những cái tên : sa mạc Qua Bích , Dã Nhân, Hồng Hoa…
và câu chuyện oái ăm vẫn còn trong trí nhớ…thật buồn và thật hay
Hầu xưa tui cũng hay nghĩ dẫn dơ như nẫu dậy đóa .
Anh Phương kể chuyện xưa sao mà hấp dẫn, lôi cuốn, dzui quá. Haha!!! 😛
OK! Được quá đi chứ! Hehehe! 😛