sách
Sài Gòn những năm tháng ấy lên đến cực điểm danh tiếng Hòn Ngọc Viễn
Đông của nó, rất phồn hoa nhộn nhịp. Từ nhịp điệu sống chậm rải ở tỉnh
lẻ, tôi cũng như các bạn thanh niên khác cùng cảnh ngộ, như bị choáng
ngợp với cuộc sống náo nhiệt, năng động ở đây. Tôi tò mò ham hố tìm
hiểu trong mọi lãnh vực. Tôi vào xem đủ các rạp Xinê nào ở chung quanh
khu trung tâm chợ Bến Thành. Tôi thăm thú tất cả các quán càfe nào ở
quanh vùng nhà trọ. Tôi lội tới các cửa hàng sách trên đường Lê Lợi,
Tự Do. Tôi lùng sục các Kiosk ở trên đường Nguyễn Huệ, kể cả trên
đường Hồng Thập Tự dài ngoằng, tìm thu từng bản nhạc ngoại quốc mà
mình thích. Và hầu như tôi thường trực trên đường Công Lý, Đặng Thị
Nhu, nơi tập trung các hàng sách cũ, tôi thích thú với những tựa sách
xưa mà năm xuất bản tôi chưa có mặt trên cõi đời. Tôi khoái chí mua
được cuốn sách mới xuất bản mà giá chỉ bằng một nửa nếu mua ở nhà sách
Khai Trí, nhà sách lớn số một bấy giờ. Tôi thức cả đêm trắng để đọc
sách… ngấu nghiến bộ Thiền Luận của Suzuki, Góp Nhặt Cát Đá của
Muju, Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti…Hitler, Madamme
Bovary, Chiến Tranh Và Hòa Bình, Tình sầu chàng Werther …và tôi mê
tất cả sách của Hermann Hesse, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê. Nói
chung là thượng vàng hạ cám, đủ dạng, đủ kiểu, đủ thể loại. Ngoài giờ
học ra tôi bận rộn với tất cả những thứ trên, thời gian để ngủ rất ít,
và hầu như không muốn ngủ. Lúc đó, có người hỏi tôi khuya rồi, thức
hoài tại sao không chịu đi ngủ, và tôi đã trả lời rằng, tôi còn có
giấc ngủ ngàn thu nữa mà, vội gì?!
chung chỗ
Anh em tôi và chị em Hà học cùng chung lớp chính thức và cả lớp nhiệm
ý, nên không hẹn mà gặp nhau thường xuyên trong lớp. Hình như cả hai
vừa vô tình vừa hữu ý. Tôi nói đến điều này có lý do. Bởi vì, có lần
đi vội vàng rẽ trái chữ u hành lang để tìm phòng, mắt tôi dớn dát vừa
bước nhanh vừa nhìn vào giảng đường. Vừa qua khỏi góc cua thì va vào
một cô gái, cô ta cũng chạy đi tìm phòng giống như tôi, mắt cô cũng
nhìn vào giảng đường theo hướng ngược lại. Cô ta bật ngã ngửa, còn tôi
nằm đè lên mình cô ta. Ối giời ơi, tôi mắc cỡ quá, chính là cô gái múp
míp tôi mà tôi gặp cô vài lần từ xa, và nhìn cô với ánh mắt hình viên
kẹo, còn cô cũng phớt nhìn qua tôi với ánh mắt ‘mơ huyền’ của người
mù. Nghĩa là có nhìn mà không thấy, hình như tôi là sương là khói. Tôi
nghiêng người chống tay đứng dậy và đưa tay đỡ vai cô ta lên (không
dám cầm tay cô ta níu kéo), xin lỗi rối rít, rồi cuối xuống cóp nhặt
đống giấy tập rơi lả tả trên nền hành lang. Cú ngã làm cho cô gái chắc
là đau lắm, vì trên thì xương và dưới thì xi măng mà. Nên nét mặt cô
hơi nhăn nhó, vừa lí nhí xin lỗi trả lại, vừa thu thập giấy tờ. Chuyện
này thì rõ ràng không phải tại anh cũng không phải tại em, mà tại trời
xui khiến nên hai đứa mình ‘tông nhau’. Cô gái ôm tâp giấy và clip
board vào lòng, cà nhắc lại chạy đi.
Tôi nhìn theo ngẩn ngơ rồi cũng chạy, lại phải chạy nữa, đến phòng
khác cho kịp giờ. Một sự xui xẻo nhưng lại là một cơ hội tốt để làm
quen, liên tiếp cả tuần tôi không gặp lại để có cơ hội tỏ lời xin lỗi
lần nữa. Đã mỏi mắt chờ trông đến khi thấy cô ta ngồi trong lớp, tôi
lại không đến được. Như bạn đã biết đấy, cả bảy tám trăm (hay cả ngàn
không chừng) con người chen chúc nhau trong giảng đường chỉ ba trăm
ghế ngồi, nếu muốn bước đi một đoạn, thì phải qua bao nhiêu xác
người?! Sau đó một thời gian dài, tôi có gặp lại, nhưng chuyện lâu đã
đông thành …đá. Nếu nhắc lại cô ta tưởng mình… điên. Rất có thể
còn phán thêm câu: Thằng khùng. Kể ra thế để bạn hiểu rằng, gặp nhau
trong chốn ồn ào này, thì phải có cả tình cờ ngẫu nhiên cùng hữu ý cố
tình, có cả hai vế, thiếu một thì coi như bù.
Tôi thường đến giảng đường sớm để tìm những vị trí thuận lợi cho việc
học tập, và giữ thêm chỗ cho chị em Hà. Nhưng một hôm, khi tôi đến lớp
thì thấy Phụng Hà đã ngồi sẵn trong giảng đường rồi, bên trái Hà là
Lai Đệ, còn có một chỗ trống dành sẵn ở bên phải. Tôi cứ tự nhiên đến
ngồi xuống coi như là chỗ của mình, và không quên gật đầu nói nhỏ: Cảm
ơn. Lúc này thì Hà nhoẻn miệng cười tươi thật đẹp. Tôi bây giờ không
còn độc quyền đến sớm và giữ chỗ trong giảng đường nữa. Chúng tôi thay
phiên nhau để có chỗ ngồi tốt trong những buổi học đông nghẹt người.
Nhưng không phải lúc nào cũng thành công, giảng đường nhiều hôm đông
đến mức, chỗ đứng ngoài hành nhìn vào qua cửa sổ cũng chật ních, không
còn chỗ chen chân, bọn tôi đành tan tác, như hoa rơi. Tôi nhìn quanh
không thấy Hà ở đâu, Đệ ở đâu, còn thằng em tôi thì khỏi lo, nó lanh
như khỉ, có lẽ nó đang ở dưới gầm bàn của giáo sư. Đây là một chỗ bí
mật đặc biệt chỉ có một số sinh viên thuộc loại cá biệt như bọn tôi
mới lưu ý đến, trong những giai đoạn khó khăn, bên địch đã chiếm hết
chỗ, nhưng bên ta không thể bỏ rơi trận địa, nếu mất tiết học quan
trọng này thì sẽ gặp nhiều trở ngại trong kì thi, do đó phải ráng cố
thủ và cách duy nhất còn lại là chui nấp vào gầm bàn của giáo sư.
Kể ra làm nghề Giáo Sư Đại Học lúc đó cũng thật nhiêu khê vất vả,
nhiều khi microphone bị hư, mà chuyện này thì thường xuyên vì sinh
viên lấn tới xô lui hay làm đứt dây, là phải gào to lên cho mọi sinh
viên, dù đứng gần hay ngồi xa, đều có cơ hội nghe đồng đều. Đôi chân
Giáo Sư bị đóng đinh tại chỗ, chỉ chồm tới bàn lấy phấn rồi xoay người
lại tấm bảng, viết vài tên tác giả tiếng Anh vừa trích giảng. Không
được đi hay di chuyển qua lại, nếu không muốn bị kêu là… đạp lên đầu
người khác mà đi.
Đây là lúc phải nói lời cảm ơn mấy chàng sinh viên có đầu óc sáng tạo,
họ đặt microphone trên bàn rồi kéo dây chạy dài dọc theo dãy hành
lang, đến đoạn góc cuối của building, họ đặt loa nhỏ ở đó, và kẻ nằm
dài, người ngồi dựa cột, chăm chú lăng nghe lời giảng bài của vị Giáo
Sư từ bên trong giảng đường. Tôi đành rời khỏi của sổ hành lang lớp và
đến đó xin nhập bọn.
chung đường
Mỗi buổi học kết thúc như thường lệ chúng tôi nấn ná đợi nhau ra bãi
giữ xe cùng lấy và cùng về. Hà lái xe chở Đệ ngồi sau, còn tôi thì chở
Thịnh ngồi sau, nhưng tên này ba hồi có, ba hồi không, hắn lặn đi chơi
riêng. Như thế thường chỉ có mình tôi chạy xe song song với nàng. Khi
thì rẽ phải chạy theo hướng đường Hồng Thập Tự với đầy hàng cây xanh
cao vút, dọc hai bên đường. Khi thì rẽ trái theo đại lộ Thống Nhất
thẳng về hướng dinh Độc Lập, con đường thẳng tắp và rộng mênh mang.
Hai con đường song song, một nằm bên phải, một nằm bên trái của ngôi
trường, nhưng cùng dẫn về hướng Lê Văn Duyệt và ngã sáu Phù Đổng Thiên
Vương nơi chúng tôi tách ra về nhà.
Hà chạy xe khá nhanh, làm tôi theo hụt hơi. Khi chạy xe song hành tôi
khám phá ra một Phụng Hà và một Lai Đệ mới lạ. Hai cô gái dáng thon
thả, gương mặt tươi tắn có chút lạnh lùng kiêu hãnh của kẻ có ý thức
sắc đẹp trời ban tặng cho mình, đeo đôi kính râm, mặc mini jupe, để lộ
đôi chân dài nuột nà, chở nhau trên chiếc xe Honda dame xanh lá cây,
tóc bồng bềnh bay theo chiều gió.
Với tôi, Phụng Hà và Lai Đệ như đã biến thành hai con người khác, hai
cô gái Sài Gòn ‘môđen’ chính hiệu, đang chạy xe tung tăng trên phố.
Khác với một Hà, một Đệ ngây thơ trong giảng đường, ngồi chung trong
lớp. Trong lớp chúng tôi gần gũi thân mật với nhau, làm cho biết bao
sinh viên chung quanh có chút ghen tỵ, họ đi qua thường quay đầu liếc
nhìn lại, và cũng rất có thể ao ước sao được thay chỗ tôi ngồi. Khi
chuyện trò, Hà thường xoe tròn mắt nhìn tôi, chắc nàng biết mình có
đôi mắt đẹp to tròn?! hoặc là cuối đầu mím môi cười bẽn lẽn, luôn luôn
là thế, luôn luôn tỏ vẻ ngượng ngùng, làm thằng tôi có cảm giác là một
tên lõi đời, thạo việc. Mà đúng, tôi thạo hơn Hà về chuyện học hành
bài vở, kinh nghiêm vặt vãnh ngoài xã hội của những thằng đàn ông con
trai mà bọn đàn bà con gái làm sao biết. Có phải vì thế không mà Hà
luôn miệng kêu tôi bằng anh, mặc dù bọn tôi cùng tuổi, rồi xưng tên.
Nhưng với Đệ lại khác, lúc xưng tên, lúc lại xưng em rất ngọt ngào. Và
tôi cứ ngỡ mình là anh hai thiệt. Lúc ấy tôi như là chồn cáo và hai
nàng là hai con nai vàng ngơ ngác. Bây giờ chạy xe song hành bên nhau,
tình huống đã đổi thay. Cảm nghĩ của tôi như thế không còn nữa, mà
thay đổi ngược lại. Hai nàng là cáo, không phải cáo tơ, mà là hai con
cáo già, cáo hồ ly. Tôi tự hiện nguyên hình là con nai tơ, một gã nhà
quê chính hiệu con nai vàng. Cái mặc cảm giữa gã dân quê trước hai cô
tiểu thư sành điệu sang trọng đang dâng lên trong lòng.
Anh Phương nghĩ gì mà mặt trầm ngâm thế? Hà liếc nhìn hỏi. Tôi bất ngờ
có chút bối rối nói, hay là để Phương chạy xe theo Hà cho biết nhà? Cả
hai chị em cùng thốt lên, ôi ! không được đâu. Gần tới chỗ con đường
rẽ chia tay, Hà quay lại nói, nhà anh ở gần đây phải không, tôi nói
nhanh, đường Bùi Thị Xuân số…vừa lúc tôi và nàng rẽ hướng.{jcomments on}