Những lời cám ơn: Cô bạn người Hoa (1)

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Những lời cám ơn: Cô bạn người Hoa (1)

buổi đầu

Buổi đầu bao giờ cũng thế, cái lóng ngóng vụng về, cái ngây ngô khờ
khạo luôn đi kèm ở giây phút hay ngày tháng đầu tiên. Những ngày đầu
vào Sài Gòn, sau khi thu xếp xong chỗ ăn ở là bọn học sinh tỉnh lẻ
chúng tôi đi đến các trường tìm hiểu tin tức, rồi tự ôn luyện hoặc đi
ghi danh học cour ngay.

Tôi đi tìm quanh ở khu nhà trọ và thấy có cour luyện thi, trên băng
rôn quảng cáo ghi đúng ban ngành mà mình muốn chọn. Tôi và Thịnh,
người em con bà Dì bước vào bàn tiếp tân. Hai cô gái trẻ đẹp, mắt
xanh, môi đỏ, má hồng đứng ở bàn làm nhiệm vụ ghi tên và nhận tiền. Và
rồi họ tiếp tục mời chào số học sinh còn đang đứng bu quanh bảng quảng
cáo môn học và giáo sư bộ môn. Các cô gái phân phát tờ rơi quảng cáo
cour và kêu gọi họ đăng kí sớm kẻo hết chỗ ngồi, vì lớp học có sĩ số
giới hạn. Bọn tôi ghi tên học không phải vì mấy cô thoa son đánh phấn
mà vì tên tuổi của các vị giáo sư đáng kính nổi tiếng mình biết trên
các bìa sách giáo khoa thời trung học vừa qua.

Khi lớp cour khai giảng được hai tuần, chúng tôi mới biết chẳng có vị
giáo sư đáng kính nào đến giảng dạy cả, chỉ có một vài thầy được thuê
đến dạy, họ không biết đến việc quảng cáo của lớp cour, họ rủ bỏ trách
nhiệm, đẩy sang người tổ chức,…cả lớp nhao nhao đi xuống văn phòng
tìm hai cô gái đẹp đòi tiền lại, vì đã hứa hẹn không đúng sự thật.
Chúng tôi mới biết, hai cô gái được thuê trong hai trong hai tuần đã
nghỉ việc, những người làm văn phòng nói ban giám hiệu đi vắng họ
không biết viêc này. Học viên hầu hết là học sinh từ vùng quê nông
thôn mới đến, lại không quen biết nhau, nên không thể liên kết nhau
đấu tranh đòi tiền lại được. Đòi tới đòi lui kéo dài sáu tuần thì đúng
ngày kết thúc khoá học, chúng tôi đã bị lừa. Thật đúng là khờ khạo.

Đi học cour bằng Taxi quá tốn kém, tôi được chị tôi gởi vào cho chiếc
xe Yamaha Dame để chạy, hàng ngày tôi chở Thịnh đi học. Một hôm đi lạc
đường, lái xe chạy lòng vòng không biết lối về, gặp cảnh sát công lộ
đứng trên lề đường tuýt còi, tôi tấp vào bờ lề, xuống dựng xe và cùng
người em bước tới.

Tôi không nhớ tôi đã vi phạm điều gì, chỉ còn nhớ rằng cảnh sát công
lộ thấy con mồi ngu ngơ khờ khạo, họ biết ngay là dân công tử tỉnh lẻ
giá lâm, nên họ được dịp tìm cách xẻ thịt: Ghi cho một giấy phạt không
nhẹ và bắt đóng tiền tại chỗ. Thằng em tôi rên rỉ nói sao nhiều thế.
Tôi tiếc đứt ruột nhưng không nói, vội lên xe đi lẹ cho xong, hai anh
em chạy lòng vòng thêm một hồi, thằng em nói hình như mình chạy về lại
con đường cũ rồi anh ơi, chưa dứt lời, cảnh sát công lộ thổi tuýt
tuýt, lại phải xuống xe.

Viên cảnh sát đứng nghiêm chào trước khi yêu cầu trình giấy tờ, cảnh
sát thời ấy họ mặt đồng phục rất đẹp và trông lịch sự, dân nhà quê bọn
tôi đươc chào đón như thế cũng tự cảm thấy mình có giá trị. Khi tôi
rút ví ra và ngước nhìn lên, cả hai cùng nhận ra nhau, thì ra là viên
cảnh sát thổi còi phạt tôi mấy phút trước. Viên cảnh sát đưa mắt nhìn
đồng đội đứng đợi trên bờ lề, đang cầm xấp giấy biên lai phạt như hỏi
ý kiến. Một cái gật đầu, thế là tôi lại tới đóng phạt tiếp về cái tội
như cũ, tội như cũ là tội gì tôi cũng chẳng biết nữa. Lần này thì
thằng em tiu nghỉu hết than thở, tôi rầu rĩ, chậm rãi đạp xe nổ máy đi
tiếp.

Kì này đi cẩn thận hơn, tôi nhìn bên phải, mắt thằng em tốt hơn, nó
nhìn xa bên trái. Đường Sài Gòn rộng và dài thăm thẳm chứ không ngắn
và hẹp giống như ở Qui Nhơn, xe cộ lại đông đúc, người qua lại như mắt
cửi. Anh em tôi nhìn qua nhìn lại một hồi thì hoa mắt, không còn biết
ai nhìn phải, ai nhìn trái nữa, cả hai chỉ trỏ lộn tùng phèo. Tuýt
tuýt, tiếng còi xé bên tai, tôi giật mình thắng gấp, lại cảnh sát công
lộ nữa rồi, lại phải mất tiền nữa rồi. Nhưng hi vọng không phải là tội
cũ, cái tội không biết tên. Hi vọng cho cảnh sát công lộ xét đèn
signal đứt bóng, hay đèn pha đứt râu, hay bản số xe chưa sang tên
vùng, có lẽ nhẹ tiền hơn tội cũ.

Theo phản xạ, tôi đưa tay rờ túi sau, trước khi nhìn cảnh sát đứng
chào, nhưng không, viên cảnh sát nhanh chóng chận tay tôi lại, và nói
thôi khỏi, miễn phạt. Tôi nhìn kĩ mặt viên cảnh sát lịch sự dễ thương
này…Trời đất ơi! lại là anh ta, người ‘bạn dân’ cũ. Có lẽ anh ta
thấy tình cảnh anh em tôi thê thảm quá, mặt mày phờ rạc, ánh mắt nai
tơ ngơ ngác. Anh ta thấy động lòng từ bi nên không xẻ thịt, mà còn có
ý tốt phóng sanh giúp con nai quay trở về núi. Anh ta hướng dẫn tôi
con đường về nhà, đi theo đường này, bám theo lối nọ, quẹo lối kia,
thì tới khu “rừng” của tôi, tới đó thì tôi tự biết mò vào hang rồi.
Hú vía một buổi chiều đẹp trời, nhưng trời đã …không chơi đẹp với
anh em tôi.

giảng đường

Đại Học Văn Khoa năm đó số sinh viên ghi danh rất đông, khoảng hai
ngàn rưởi, có người nói tới vài chục ngàn nếu tính số học hàm thụ, tôi
không nắm chắc con số, nhưng tôi biết là rất đông, bởi vì lớp học chỉ
có khoảng ba trăm, hay ba trăm rưởi ghế ngồi, mà số sinh viên hiện
diện trên cả ngàn người. Thành ra mỗi giờ học là cả một quá trình phấn
đấu…dành chỗ ngồi.

Bạn thử nghĩ, khi bạn khui một hộp cá mòi, bạn thấy người ta xếp lớp
những con cá ép chặt, chật chội ra sao thì chúng tôi cũng giống như
thế. Những người có được ghế ngồi thì coi như trúng số, còn số còn lại
thì, nếu ở giữa phòng phải ngồi bó gối co cụm lại, nếu ở ngoài rìa thì
đứng ép sát nhau dựa các vách tường. Còn ở ngoài hành lang thì chung
quanh các cửa sổ cũng đứng xếp lớp, và cố ráng chồm nhìn vào trong để
nghe giáo sư giảng bài. Giáo sư thì thường đứng ở vị trí giữa bàn và
bảng đen, cho tiện lấy phấn và viết lên bảng, bởi vì nếu di chuyển sẽ
dậm vào các sinh viên đang ngồi bó gối xung quanh.

Những ngày đầu tôi tiên đến lớp, tôi ngơ ngác nhìn các sinh viên chen
chúc nhau đứng ngoài cửa sổ rướng cổ nhìn vào, tay phải cầm viết, tay
trái đặt clip board tựa vào lưng người đứng trước mà ghi chép, bất kể
người đứng phía trước là nam hay nữ. Học hành như thế nầy sao? Nghe
không rõ, thấy thì mơ hồ, biết gì đâu mà thi cử. Chưa hết, khi xong
tiết học này, sinh viên túa ra kẻ leo lên lầu ba, người chạy xuống lầu
một cho kịp giờ môn học kế tiếp, và biết đâu may ra tìm được một chỗ
ngồi tốt. Đôi khi hai bộ môn xảy ra cùng giờ, sinh viên phải quyết
định chọn một, bỏ lại một. Khác với lối học mà chúng tôi thường học ở
thời phổ thông, biết trước mình sẽ học môn gì, vào giờ nào, chỉ ngồi
một chỗ và chờ đợi.

Mấy hôm sau dần dần chúng tôi khôn ra, học lối ma lanh của lớp đàn anh
đi trước, bạn tôi đi thật sớm rồi đặt thêm một clip board lên ghế bên
cạnh, coi như đã xí chỗ ngồi cho tôi, và ngược lại đến phiên tôi cũng
thế. Nhưng không phải lúc nào cũng có chỗ ngồi ngon lành, bởi vì, có
những tiết học quan trọng, ta đến sớm thì cũng có kẻ đến sớm hơn ta.
Lúc ấy đành phải kề vai, tựa…lưng đứng mà viết!

Một thời gian nữa, chúng tôi học được cách ga lăng với phái nữ, ngoài
chỗ mình chỗ bạn, tôi giữ thêm một chỗ nữa gọi là sơ cua, nhìn quanh
bên cạnh thấy em nào ngồ ngộ thì mời vào ngồi. Chuyện hợp tan tuỳ
người đối diện, mà thường là tan hơn là hợp, có nhiều nguyên do, cả
ngàn sinh viên với giờ giấc bộ môn khác nhau, khó có cơ hội gặp lại,
đôi khi tháng sau gặp lại thì thấy cô nàng ngồi bên cạnh một anh chàng
khác

gặp gỡ

Tôi ngồi trong lớp nóng ruột chờ người em vào, nếu hắn đến trễ và giáo
sư đã tới thì chỗ ngồi không thể giữ lâu được, phải nhường cho người
đứng gần kề. Tôi nhìn với ra ngoài thấy ngoài sân thưa thớt, giờ này
không tới có nghĩa là hắn bỏ lớp, tôi nhìn quanh thấy một cô gái khá
xinh cũng quay nhìn tôi, tôi gật đầu chào, cô ta mỉm cười đáp lại, tôi
thuận miệng nói: Có ghế này, đến ngồi đi. Cô ta lắc đầu.Tôi nhướng mắt
hỏi: Sao vậy? Cô chỉ vào người bạn đứng kế mình, rồi lắc đầu. Thôi thì
đã trót cho trét, tôi đứng lên nhường luôn chiếc ghế tôi đang ngồi cho
cô bạn của cô gái đó. Chứng tỏ ra mình là một gentleman chính hiệu. Và
tôi ra ngoài đứng dựa vào tường cùng với các sinh viên khác trong suốt
giờ học. Chúng tôi quen nhau như thế đó.

Hà, tên đầy đủ của bạn ấy là Trương Phụng Hà, còn người đi chung với
nàng không phải là bạn mà là em ruột nàng, Trương Lai Đệ. Phụng Hà và
Lai Đệ cả hai khá đẹp. Phụng Hà theo tôi thì đẹp hơn tài tử đang nổi
tiếng cùng với họ Lý lúc bấy giờ là Miêu Khả Tú trong phim Mãnh Long
Quá giang, còn Lai Đệ thì giống nét của Chân Trân trong Mùa Thu Lá
Bay. Hai chị em hằng ngày đến trường với chiếc Honda dame, còn tôi đôi
khi đi một mình, nhưng thường thì chở thằng em con bà Dì trên chiếc
Yamaha dame. Khi ấy hình tượng của những tài tử Hồng Kông ăn sâu vào
đầu óc của chúng tôi, nên khi trò chuyện tôi nói ra những suy nghĩ của
mình. Tôi được Hà cho biết rằng, thật ra chị em nàng không phải là
người Việt, mà là người Hoa chính tông, không hề lai Việt Nam. Tôi hỏi
tại sao tôi không nhận ra chút gì trong giọng nói, cử chỉ, hay trang
phục như nhũng cô gái người Hoa khác. Tôi không tìm thấy chút ‘mùi xì
dầu’ ở Hà hết. Hà đáp, gia đình nàng không ở khu Chợ Lớn, mà ở quận
Một. Trong khi tôi và Hà trò chuyện thì Lai Đệ hết nhìn tôi, rồi lại
nhìn chị mình, nhìn tôi khi tôi hỏi, nhìn Hà, khi Hà đáp, rồi nhìn
bâng quơ ra xa khi chúng tôi không đối thoại. (còn tiếp){jcomments on}

0 thoughts on “Những lời cám ơn: Cô bạn người Hoa (1)

  1. Kiều Thanh

    Hết xin lỗi , bắt đầu cám ơn , anh Phương ” nhiều chuyện ” thiệt đó .

    Reply
  2. Tôn Nữ Yên Khê

    Tội chưa , nhà quê lên tỉnh bị cảnh sát phạt tới hai lần.May mà sự bất quá tam .

    Reply
  3. Thu Thủy

    Anh Phương thuộc tên phim và ái mộ tài tử HK ghê.
    Có lẽ hồi đi học hay cúp cua xem phim???

    Reply
  4. Trầm Tưởng-NCM

    Anh Phương kể chuyện dzui quá, bà con quơi! 😛 .Viết tiếp nhanh lên nghen anh!

    Reply
  5. Dạ Lan

    Anh Phương nầy thiệt là dễ ghét viết bỏ lững nửa chừng làm suy nghĩ lung tung .

    Reply
  6. Qua Đường

    Cho tôi cám ơn Trần Ngọc Phương , từ khi bạn viết những hồi ức, tôi đọc thấy vui vui…

    Reply
  7. Tuệ Minh

    Cậu ấm bị phạt những hai lần may mà đến lần thứ ba được bạn dân thương tình .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.