Những lời xin lỗi muộn màng [5]

năm …

Một lớp học mà có trên sáu mươi học sinh thì được kể là quá đông và quá nhiều, sáu mươi mạng ngồi chen chúc nhau, sáu mươi đứa mỗi đứa một cá tính, sáu mươi bạn mỗi bạn một nét riêng. Có bạn hiền khô, có bạn hay gây gỗ, có bạn nhút nhát …phổi bò hay cãi như Xuân Nông, mơ màng như Đức Thu, hay lý lẽ như Xuân Dư, gàn như Văn Huấn mặt lúc nào cũng đầy mụn trứng cá,Công tử như Mai Văn Định áo quần luôn tươm tất, điệu nghệ như Văn Phú Tuỳ mái tóc lúc nào cũng ép xoắn tít, điển trai như Văn Sĩ chỉ có cái tội cặp giò không được dài, có lẽ bà con với Xuân Dư?, ranh mãnh như Ngọc Phương, ngầu như Hùng, còn tôi thì sao? Tôi không thể tự đánh giá mình được, thôi thì lấy cái đánh giá của người khác xài tạm vậy. Không phải từ lớp học mà từ nhà, chị tôi thường bảo, nó như ở trên mây, thuộc loại si ‘khơ huyền’ mà. Chỉ hay phán tôi một câu như thế, tôi cũng lấy đó làm thú vị, bởi chỉ đâu có biết đến câu Nho: Đại trí nhược ngu, cái ngu ngơ si ‘khơ huyền’ này không phải dễ gì mà có đâu nhé, bạn hiểu ý tôi? Hiểu, thế là tư tưởng lớn gặp nhau, tôi và bạn cùng đẳng cấp rồi đó. Đó là tôi nói về tôi hồi nhỏ kìa, ngày xa xưa ấy. Hồi nhỏ tôi trông khờ khạo, lớn một chút, tôi khôn hơn một chút, lớn thêm chút nữa, tôi mọc nanh mọc sừng. Còn bây giờ nhìn mặt tôi thấy gian ác lắm !..Tóm lại lúc ấy tôi ngây ngô, chẳng hiểu biết nhiều. Trong lớp, tôi thường lặng lẻ quan sát các bạn nhiều hơn là đùa bỡn. Mỗi khi đổi tiết học, cả lớp nhốn nháo, và vào giờ giải lao thì cả lớp bung ra như vỡ chợ. Tôi thường dùng đủ mọi phương tiện sẵn có, để làm cái việc gọi là sự tự thư giãn: Hoặc ngồi tại chỗ, quay sang phải, quay sang trái, buông ra vài câu với bạn bên cạnh, hay xóm con gái bên kia. Hoặc ra ngoài hành lang cuối nhìn xuống sân trường để coi xem … người lớn bé, hay ngước mặt nhìn trời xem mây trôi …lơ lửng biết là về đâu. Cũng có thể tôi rảo bước khắp hành lang, hành lang trên, hành lang dưới, hành lang giữa, chỗ nào có hành lang là đi, đi tìm ai? chẳng ai cả …tìm ai, ai biết tìm ai bây giờ? Chỉ là cho hết giờ, rồi quy cố hương, trở về ngồi chỗ cũ, tiếp tục con đường đau khổ tập kế …tiếp.

Một bữa nọ, trong giờ giải lao, tôi không chạy ù ra ngoài mà rảo bước xuống la cà với những bạn ‘ngồi bàn cuối’. Trong lớp hiếm khi ‘bàn đầu ‘ và ‘bàn cuối ‘ chơi thân nhau, cũng giống như tình đầu và tình cuối thường chẳng thích gì nhau bao giờ. Tôi ngồi kề bên các nhóm đang tụm năm tụm ba hóng chuyện, bởi không thân, nên chỉ ngồi hóng thôi. Ở góc cuối bên trái, lưng dựa vào tường, Hùng ngồi im lặng, vóc đô con, mặt lấm tấm sẹo rỗ hoa, trông vẻ giống tay anh chị. Các bạn đang tán nhau những chuyện đặc sản của bọn con trai: Chuyện ‘giang hồ hảo hán’. Chuyện vãn thời sự hằng ngày lúc bấy giờ của bọn thanh niên tuổi mới lớn, muốn tỏ ra thành thạo, hiểu sâu biết rộng chốn giang hồ, khu vực nào do đại ca nào trấn giữ. Khi câu chuyện đề cập đến mánh làm ăn của các anh hùng hảo hớn, tôi chen vào nói rằng, mấy hôm trước tôi có vào sân chùa Long Khánh dạo chơi, bị trấn lột mất sợi dây chuyền, tôi không ngờ dân anh chị lảng vảng quanh vùng sao nhiều đến thế. Bạn Hùng hỏi tôi, sợi dây ra sao, có đắt tiền không, tôi nói không biết, là quà của bà chị tặng cho, bạn ấy nói để bạn ấy hỏi thăm thử có thể tìm lại được không. Chuông reng lên, cả nhóm giải tán và quay trở lại tiết học kế tiếp, chuyện rơi vào quên lảng….

Vài tuần trôi qua. Một hôm vào buổi sáng, khoảng tiết học thứ hai. Thầy dạy môn giáo lý đi vào lớp, đứng trên bực giảng nghiêm khắc nhìn xuống. Thầy kêu anh bạn Hùng lên bảng, ra đứng trước giữa lớp. Thầy từ trên bực giảng đi xuống, mạt sát anh, rồi dùng thước kẻ lớn to bản, đánh túi bụi vào anh. Thầy luôn miệng chưởi rủa anh là đồ cá biệt, là đồ vô loại, vô lễ, vô phép tắc, vô giáo dục… Lấy hai tay che đầu, anh cuối mình đưa lưng ra chịu trận đòn, nước mắt anh tuôn đầm đìa, nhưng không khóc, hay van xin. Tôi không rõ nguyên do tại sao thầy đánh như vậy, cả lớp im phăng phắc kinh hoàng. Tôi thấy thầy đánh anh với cơn giận điên cuồng, đánh hết sức lực, như trút cả hận thù, tôi thấy tàn nhẫn qúa, muốn đứng lên xin thầy dừng tay tha cho anh, nhưng tôi không đủ can đảm.  Mai Văn Định, Văn Sĩ ơi! còn nhớ buổi sáng hôm ấy không? Xuân Dư ơi! bạn ăn nói rành mạch và dạn dĩ lắm, sao bạn không đứng lên? Văn Phú Tuỳ ơi! Bạn là lớp trưởng tại sao bạn không lên tiếng phản đối hay xin thầy dừng tay, ngừng lại hành động thái quá của thầy! Nhìn bạn hai tay ôm đầu, oằn mình đưa lưng ra hứng trận đòn roi mà lòng tôi kinh sợ và đau xót. Xin lỗi Hùng, khi ấy tôi quá nhút nhát, tôi đã không đủ can đảm đứng lên phản đối trận đòn hay ít ra yêu cầu thầy dừng tay lại. Xin lỗi, xin lỗi, tôi thành thật xin lỗi bạn.

phương

Lời nói thêm:

Bạn Hùng, tôi không chắc tên thật sự của bạn là Hùng không, thời gian đã qua lâu rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt của bạn, mặt sẹo, trán cao, nét nghiêm nghị và tôi nghĩ bạn có số tuổi thật lớn hơn đa số bọn chúng tôi, tôi khâm phục sự chịu đựng của bạn, bị một trận đòn, không khác trận đòn thù, tôi tưởng sau đó vì tủi nhục bạn sẽ không còn đến lớp nữa, nhưng không, bạn vẫn cắp vở đến, chỉ một ngày sau đó, tôi khâm phục sự can đảm của bạn, và cho đến bây giờ tôi vẫn không biết tại sao bạn- bị gán cho là học sinh cá biệt– lại chịu trận đòn đó.

Vài năm sau, khi bước vào ngành sư phạm, tôi hiểu rằng một người thầy được đào tạo chính quy không bao giờ có lối hành xử như vậy, như thế là không có tính giáo dục, là phạm pháp. Trong chương trình đào tạo có bộ môn tâm lý học đường- Giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân, người có nhiều ấn phẩm về tâm lý thanh thiếu niên, hướng dẫn lớp chúng tôi- chuyên trị những học sinh cá biệt bằng phương pháp tâm lý học, chứ không phải bằng sự trừng phạt đòn roi như thế… Vào thời ấy, học sinh cá biệt là một hiện tượng xã hội, và là vấn nạn cho các trường trung học, do môi trường xã hội lúc đó nảy sinh ra. Hàng loạt tiểu thuyết viết về đề tài học sinh này trở nên ăn khách. Ngựa Chứng Trong Sân Trường là một điển hình ( là một dạng học sinh cá biệt ) bán rất chạy trên thị trường sách, gây xôn xao trong giới trẻ học đường. Nhiều người, nhiều tờ báo, lên tiếng phản đối tác phẩm, dẫn đến cuộc tranh luận công khai giữa tác giả, nhà văn Duyên Anh và nhà văn, nhà giáo Huỳnh Phan Anh tại hội trường ĐHSP Sài Gòn năm bảy mươi tư. Hôm ấy Duyên Anh gầy nhỏ, mặc sơ mi ngắn tay, hình con cò con cuốc, tóc dài chấm vai, trên sân khấu hội trường ngồi bàn bên phải, bên trái là nhà giáo Huỳnh Phan Anh, áo trắng dài tay với cà vạt nghiêm chỉnh. Sau hơn một giờ tranh luận, Duyên Anh đuối lý, đại khái Huỳnh Phan Anh quy kết Duyên Anh viết sách vô trách nhiệm, tạo ra mẫu anh hùng rơm đã gây ảnh hương xấu cho giới trẻ học sinh, dồn Duyên Anh vào thế bí. Duyên Anh nổi cáu nói: Sách tôi xuất bản có giấy phép, không phạm pháp, tôi không trách nhiệm khi nó đã ra ngoài thị trường sách, giống như một con tinh trùng ( Chú Thích: chữ dùng của Duyên Anh) đã ra ngoài cơ thể, nó có đời sống riêng của nó, sống hay chết do bên ngoài quyết định, không phải tôi. Tôi là nhà văn chứ không phải nhà giáo dục hay nhà từ thiện. Thấy Duyên Anh cãi chày cãi cối, tôi bỏ ra ngoài, đi tìm quán cafe ……….. . Về sau nghe nói, một sinh viên lên tiếng chưởi cả hai, một bên đạo đức giả, một bên vô trách nhiệm. Cuối cùng cả hai, nhà văn và nhà giáo cùng lên tiếng phản bác lại tên sinh viên đó. Cuộc tranh luận kết thúc và họ bắt tay hoà nhau trong hậm hực.{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.