* Bạn Thanh Phong CHSCĐ 1968-1975 có nhã ý gởi cho
Hương Xưa bài viết về Campuchia khi bạn công tác ở đây
, loạt bài nầy sẽ đăng làm hai kì.HX
Bài 1: Thành phố bên hồ Tonlé Sap
Đó là Siem Reap-thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Siem Reap nằm ở phía
tây bắc vương quốc Campuchia, bên bờ hồ Tonlé Sap. Lâu nay mỗi
khi nhắc đến Siem Reap người ta thường nghĩ đến quần thể kiến trúc
Ăng co, di sản văn hoá thế giới mà vô tình quên đi dáng vẻ xinh đẹp
của thành phố nổi tiếng này.
Từ nhiều thế kỷ trước kia, Siem Reap bị quân Thái Lan (Xiêm)
chiếm đóng, mãi đến thế kỷ thứ 17 đế quốc Khmer dưới sự lãnh
đạo của vua Ayutthaya đã đánh thắng quân Thái giành lại lãnh thổ
nên tên Siem Reap có nghĩa là “người Xiêm bị đánh bại”. Rồi đến thời
Khmer đỏ, lại một lần nữa thành phố điêu tàn trong thảm họa diệt
chủng cho đến những năm gần đây mới được đầu tư xây dựng và
nay Siem Reap là một đô thị năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ
được những đường nét kiến trúc đặc thù của người Khmer.
Nếu đi từ cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh (Việt Nam) theo đường bộ,
mất hơn 6 giờ xe chạy chúng ta sẽ đến Siem Reap. Bước vào thành
phố du khách như lạc vào một công viên cây xanh khổng lồ với
hàng ngàn cổ thụ tỏa rợp bóng mát trên khắp các con phố lớn nhỏ.
Có lẽ khi xây dựng thành phố, người ta đã phóng các con đường
chạy giữa rừng già nên vẫn còn những cây cổ thụ trên 300 năm tuổi
vững chãi đứng làm chứng nhân cho thời gian. Những cây bằng lăng,
knia, dầu, sao xanh, hương v.v… đường kính vài người ôm như muốn
chạy lướt theo xe níu ta dừng lại để tận hưởng cảm giác mát rượi dưới
bóng cây, tận hưởng không khí trong lành của đất trời. Những đường
phố rộng ba bốn làn xe, trải nhựa phẳng lì chạy dưới nhiều tầng lá,
sâu hun hút. Siem Reap là thành phố xanh và màu xanh cứ mải theo
chân du khách đến tận quần thể kiến trúc Ăng co. Cả một chặng
đường dài hơn 10 km từ trung tâm thành phố đến Ăng co Thom
rồi sang Ăng co Vat, sang cả đền Ta Prom hay đồi Ba kheng cũng
một màu xanh ấy.
* Cây cầu cổ 1000 tuổi
Cùng với sự phát triển chung của đất nước Chùa Tháp, gần đây
thành phố Siem Reap cũng phát triển với tốc độ chóng mặt với hơn
200.000 dân, sân bay quốc tế Ăng co nối Siem Reap với nhiều thành
phố lớn trong khu vực cùng những công trình kiến trúc mọc lên như
nấm, trong đó có gần 300 khách sạn quốc tế qui mô 4-5 sao, mỗi
năm đón xấp xỉ 2 triệu lượt du khách đến từ nhiều quốc gia trên
thế giới.
Giá đất tăng vọt, từ vài trăm USD/m vuông lên 2000-3000 USD/m 2.
Nhiều người dân nghèo ở Siem Reap bỗng chốc trở thành triệu phú
sau khi bán đi vài ba trăm mét vuông đất, thu về bạc triệu, xây một
ngôi nhà chừng bảy tám chục ngàn USD, số tiền còn lại sắm xe ô tô
chở khách hoặc mở nhà hàng. Anh hướng dẫn viên du lịch người
Campuchia tên Sam Yin làm việc cho công ty du lịch Việt Cam chi
nhánh Siem Reap kể với chúng tôi rằng anh phải thuê căn hộ nhỏ mặt
tiền ở một con đường không phải phố chính cho vợ bán hàng điểm
tâm mà đã mất đến 1200 USD /tháng.
“ Nhưng sau khi thanh toán mọi thứ, cửa hàng cũng thu về mỗi
tháng chừng ấy tiền”, Yin cười, tâm sự. Vợ anh người Việt Nam
quê ở Cà Mau, gia đình lên đây đã hai đời, chị nói tiếng Khmer
như người Cam. Vợ chồng anh cũng đã hai lần về thăm quê,
“thăm vậy thôi chứ hầu như bà con không còn ai ở đó cả”
Các nhà lãnh đạo địa phương cũng rất thức thời trong vấn đề
sử dụng quĩ đất của mình. Để lấy mặt bằng tại khu trung tâm thành
phố cho các đơn vị thuê dài hạn chính quyền nơi đây đã quyết định
dời trụ sở của nhiều cơ quan như Trụ sở Đảng Nhân dân Campuchia
tại Siem Reap, cơ quan quân đội v.v… ra khu vực ngoại thành cùng
với việc triển khai qui hoạch mới các khu dân cư, khu nhà làm việc.
Bên cạnh đó nhằm bảo vệ sự hài hòa giữa kiến trúc thành phố với
kiến trúc Ăng co, chính quyền Siem Reap không cho phép công trình
nào xây dựng cao quá 4 tầng.
Mỗi công trình tuy mang một dáng vẻ, kể cả các khách sạn trong khu
phố Tây cũng đều có một điểm nhấn chung, đó là những những mái
ngói nhiều tầng, nhiều gian, những bức phù điêu vũ nữ Apsara hay
những pho tượng mang đậm truyền thuyết dân gian Khmer cổ…Và
không chỉ xuất hiện ở Ăng co, trên khắp đất nước Campuchia cũng
như dạo phố Siem Reap, du khách luôn gặp hình tượng rắn Naga 7
đầu trên các thành cầu, cống, các bức tường chắn công viên, hoa
viên tạo thành nét kiến trúc văn hoá đặc sắc rất riêng của xứ sở
Chùa Tháp.
Đi trong lòng thành phố dưới chút nắng mùa thu xuyên qua nhiều
tầng lá cây, đón những làn gió mát từ hồ Tonlé Sap thổi về chúng ta
mới cảm nhận hết được sự ưu ái mà thiên nhiên dành tặng cho thành
phố trẻ trung tươi đẹp này. Qua rồi những năm tháng đau thương,
bây giờ ngày cũng như đêm, Siem Reap luôn dang rộng vòng tay đón
du khách từ mọi miền đất nước đến đây để khám phá, chiêm nghiệm
một lẽ sống nào đó trong cõi nhân gian…
T.P
* Ang Co Vat
* Ang Co Thom
Bài 2: Người Cam làm du lịch
Sang Campuchia mà chưa thăm Ăng co thì xem như chưa đến.
Tuy quần thể kiến trúc này được tổ chức UNESCO công nhận
là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1992 song từ cuối thế kỷ
thứ XVI, Ăng co Vat đã được các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha
phát hiện. Và chính xác hơn nữa, năm 1860 một người Pháp là
nhà sưu tầm thực vật Hen-ri Mou-hut đã tìm thấy và ghi chép
cẩn thận. Rồi đến những năm cuối thế kỷ 19, các nhà thám hiểm
người Pháp mới đến Ăng co Vat và năm 1907 người Thái lần
đầu tiên tổ chức du lịch đến đây.
Với những giá trị vĩ đại về kiến trúc, điêu khắc, sự hoàn hảo
về cấu trúc, sự cân đối và hài hoà về tỷ lệ của các ngôi đền,
tháp, các ngọn tháp trở thành biểu tượng của đất nước
Campuchia. Quần thể kiến trúc Ăng co bao gồm Ăng co Vat,
Ăng co Thom, đền Ta Prom, đền Ba kheng v.v…không chỉ là
niềm tự hào của dân tộc Khmer mà còn mang lại nhiều nguồn
thu quan trọng trong khai thác du lịch cho đất nước Campuchia.
Ngành du lịch Campuchia tuy non trẻ hơn, phát triển muộn hơn
so với nhiều nước trong khu vực ASEAN nhưng nhờ vậy mà đất
nước Chùa Tháp đã học tập, vận dụng kinh nghiệm làm du lịch
của các nước tiên tiến để xây dựng ngành công nghiệp không
khói của đất nước mình mang một sắc thái riêng. Cùng với tiềm
năng, thế mạnh trên các lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, lịch sử v.v…
Campuchia còn quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng cung
cách quản lý và đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên du lịch khá chuẩn.
Hiện nay ngay một vài công ty du lịch ở Việt Nam cũng có điểm cần
phải học tập cách làm của du lịch Campuchia, chẳng hạn từ chiếc vé
vào cổng tham quan quần thể Ăng co. Có nhiều mức giá cho vé
một, hai hoặc ba ngày tương ứng với 20 USD trở lên, vé dành cho
tất cả các điểm tham quan trong di tích và cả … phí vệ sinh, chỉ sau
một vài giây đứng trước camera, bạn đã có một tấm vé hoàn hảo in
cả ảnh chân dung của mình, ngày tham quan và ngày hết hạn.
Trong kinh doanh người Cam tách bạch giữa giá trị lợi nhuận và giá
trị tinh thần. Ngay cả khi vào viếng thăm Trại giam S. 21 hay Cánh
đồng chết, nơi tố cáo tội ác diệt chủng của Khmer đỏ cũng phải mua
vé. Du khách có thể mua vé vào tham quan Hoàng cung, tận thấy nơi
sinh hoạt của nhà vua cùng hoàng gia nhưng không thể chụp ảnh
trong ngôi Chùa Vàng. Trèo lên những bậc thang đền thiêng Ăng co
Vat (Kinh đô Chùa), như những người Khmer xưa, du khách cũng
không được đội mũ nón và không được mặc y phục hở hang để tỏ
lòng tôn kính. Tận mắt chứng kiến cảnh nhiều phụ nữ châu Âu phải
“sáng tạo” quàng thêm tấm khăn dưới chân để che hẳn phần đùi do
mặc quần ngắn khi lên đây, bất chợt tôi không khỏi liên tưởng đến
một vài điểm du lịch trên quê hương mình, lòng bâng khuâng khi nhớ
lại những anh chị Tây ba lô quần đùi, áo lót mà cứ thản nhiên lui tới
như đi vào chỗ không người, không tượng thờ, không nghi ngút
khói hương.
Dẫu biết rằng hiện tượng đó cũng một phần do du khách không
quen thời tiết, do thói quen nhưng nếu ngành du lịch quan tâm
khuyến cáo chẳng lẽ lại làm hạ giá trị của công trình, hạ thấp doanh
thu du lịch?
Du lịch không chỉ nuôi sống các nhà hàng, khách sạn, phố ẩm thực,
hướng dẫn viên…ở xứ sở Chùa Tháp. Sáng sớm tại Ăng co Thom
(Kinh đô Lớn), dàn diễn viên mặc y phục Khmer cổ đã túc trực sẵn.
Ai từ ngàn dặm đến đây đứng trước di sản văn hoá thế giới kỳ vỹ
này mà lại không muốn chụp ảnh với những vũ nữ Apsara cùng những
vị thần Ấn độ giáo chỉ với 3 đô la? Hàng vạn lượt du khách trong một
ngày, ít ra cũng vài ngàn người có nhu cầu chụp ảnh chung, vậy là có
ít nhất năm- bảy ngàn USD. Rồi những người lái xe tuk tuk chạy một
giờ 5-6 đô la (xe tuk tuk Campuchia như xe lôi ở Nam bộ, khác với
tuk tuk Lào hoặc Thái Lan ), nài voi, nhà thuyền trên hồ Tonlé Sap,
những người bán hàng lưu niệm v.v… đều có thu nhập ổn định từ
“ăn theo” du lịch. Chưa hết, Campuchia khuyến khích việc giữ gìn và
phát triển các làng nghề thủ công truyền thống quanh các di sản như
làm đường thốt nốt, cốm giã, dệt thổ cẩm…
Trên đường vào Siem Reap, ngay cửa ngỏ thành phố, du khách có
thể dừng chân bất cứ một hàng quán nào bên đường, tự mình giã lúa
nếp bằng những chiếc cối đạp chân rồi bung cốm thưởng thức tại chỗ.
Và còn phải kể đến những đặc sản ….không giống ai như chợ côn
trùng trên đường từ Siem Reap về Phnom Penh bán nhện đen, dế
cơm, cánh cam… với biểu tượng là hai con nhện to đúc bằng bê tông
trước cổng.
Chỉ tính riêng Việt Nam đã có hàng chục công ty tổ chức các tour du
lịch sang Campuchia với hành trình 4-5 ngày đêm. Có lẽ một phần
cũng nhờ cách làm du lịch rất riêng như vậy mà du khách đến
Campuchia ngày càng đông, nhất là đến với kỳ quan thế giới Ăng co.
Tôi nhớ mãi ấn tượng khi ngắm cảnh hoàng hôn trên đồi Ba kheng,
quanh tôi như có một thế giới thu nhỏ với nhiều tiếng nói khác nhau
của du khách Anh, Pháp, Trung, Hàn, Việt, Nga, Thái …
Ai đã đến Campuchia mà không mong ngày trở lại?
T.P{jcomments on}
Lâu quá nhìn mặt mầy tao muốn đấm quá Phong ơi!
Cứ nhìn mầy là tao nhớ Hoàng Ngọc Sơn. Vừa rồi
Nó có mail cho tao gởi lời thăm bạn bè ở Qui Nhơn.
Hôm nào về Qui Nhơn gặp nhau một bữa chứ. Chúc vui
đều tay viết ông thợ “Dện” của tôi. Thân mến.
Cảm ơn cô Đào và các bạn còn nhớ Thanh Phong này!
Cái mặt ông ai mà quên.
Đọc bài nầy mới thương cho tầm nhìn bé bỏng của ngành du lịch của mình .
Biết bao giờ mình được đi Campuchia, anh Phong đẹp chai quá !
Đền Ang co vat,Ang co thom đẹp quá!
Bửa nào Qua dẫn Meocon đi thăm Đền Ang co vat,Ang co thom đẹp quá!
Bài viết hay quá giúp ta hiểu biết thêm về đất nước Campuchia và những cái hay của họ. Nguyentiet cũng có cảm nhận như anh Thanh Phong về trang phục lịch sự cần có của du khách .
“Trèo lên những bậc thang đền thiêng Ăng co Vat (Kinh đô Chùa), như những người Khmer xưa, du khách cũng không được đội mũ nón và không được mặc y phục hở hang để tỏ lòng tôn kính. Tận mắt chứng kiến cảnh nhiều phụ nữ châu Âu phải “sáng tạo” quàng thêm tấm khăn dưới chân để che hẳn phần đùi do mặc quần ngắn khi lên đây, bất chợt tôi không khỏi liên tưởng đến một vài điểm du lịch trên quê hương mình, lòng bâng khuâng khi nhớ lại những anh chị Tây ba lô quần đùi, áo lót mà cứ thản nhiên lui tới như đi vào chỗ không người, không tượng thờ, không nghi ngút khói hương.
Dẫu biết rằng hiện tượng đó cũng một phần do du khách không
quen thời tiết, do thói quen nhưng nếu ngành du lịch quan tâm
khuyến cáo chẳng lẽ lại làm hạ giá trị của công trình, hạ thấp doanh thu du lịch?”. Cám ơn anh Thanh Phong.
Phong sang Campuchia và tham quan Ăng Co nhiều lần nhưng lần nào cũng thấy chưa đủ bởi sự kỳ vĩ của công trình này! Đêm ở Ăng Co một mình cho ta cái cảm giác rờn rợn như có bao người xưa đang sinh hoạt với mình…
Cảm ơn bạn nguyentiet đã cùng cảm nhận với Phong.
Mời bạn đọc tiếp mấy bài còn lại khi Hương xưa đăng?
Ông cố Phong ơi!
Hên quá ông mà tham gia tôi mừng!!!!
Hồi xưa giờ ông viết vì cuộc sống còn
giờ ông viết vì bạn bè đi…
Chỉ có du lịch VN hình như không quan tâm đến trang phục của du khách, chứ ở Thái Lan khi tham quan khu di tích chùa Vàng và cung điện hoàng gia hướng dẫn viên cũng nhắc nhở mọi người trang phục phải kín đáo, lịch sự.
Bài viết rất hay! Đọc xong là muốn du lịch Campuchia một chuyến quá! Cám ơn Nguyễn Thanh Phong rất mong được đọc nhiều bài viết hay của bạn trên trang nhà HX.
Thanh Phong làm nghề gì mà sang Campuchia hoài dẫy.
Nghề Báo…
Thanh Phong sang Campuchia để vào Casino phải không ?
Ổng không biết bài chỉ biết G thôi.
Đúng là có đi mới thấy cái hay của người .
Bài viết rất tâm huyết.
Bài viết rất thâm thúy ước gì du lịch VN bắt chước cái hay của xứ bạn, cám ơn tác giả
Phong ơi !Thu Thủy đây.Phong viết rất hay và súc tích.Gia đình Phong ai cũng tài hoa và tốt bụng cả. Hồi còn anh Phúc cứ mỗi lần có việc vào Sở Giáo Dục Bình Định cứ níu áo anh Phúc là anh giúp đở tận tình. Khi anh mất rồi cứ mỗi lần có công chuyện vào là nhớ anh ấy vì biết mình đã mất đi một người anh rất đỗi chân tình…
Một bài viết hay và chính xác chứng tỏ người viết có một tầm nhìn rộng , sâu sắc.
Mong một lần đến Campuchia để cùng chiêm nghiệm với sông nước nầy.
Đẹp thật!Tiếc là mình chưa có dịp đến đó!Cảm ơn Cậu đã có bài viết hay và mấy tấm ảnh đẹp lắm.
Bài viết hay . Ảnh Đế Thiên Đế Thích đẹp quá.