Cánh cửa sổ bị gió thổi bật mở tung , đập hai lần vào vách tường . Một cơn gió lạnh buốt thổi thốc vào phòng . Uyển vừa đóng cửa sổ vừa nghĩ chốt cửa đã hỏng , hôm nào rảnh phải sửa lại . Mùa nầy hay có gió chướng . Những ngày cuối đông năm nào cũng vậy , gió ào ạt và mưa phùn rất nhẹ , có khi kéo dài suốt tuần lễ . Ra đường cứ nghĩ là không mưa nhưng đi đầu trần một lát đã thấy ẩm tóc .Những buổi chiều gió lạnh ào ạt như chiều nay , Uyển thường nhớ tiếng chổi quét lá khô xao xác của ngoại trong mảnh vườn thời thơ ấu . Tiếng chổi xao xác và tiếng ho hung hắng của ngoại vẫn là những âm thanh khó phai nhòa trong một miền ký ức xa xăm . Rồi ngoại gom lá khô lại thành từng đống nhỏ , đốt lên trong buổi chiều muộn màng .Ý nghĩ trở về lại làm Uyển nao lòng .
Cả mấy tuần nay, Uyển cứ trăn trở với ý nghĩ nên về hay nên ở lại . Có mấy người bạn nhiệt tình nhận dạy thay để Uyển có thể về quê ăn tết sớm hơn một chút . Nhưng rồi chính Uyển cũng không quyết định được nên về hay nên ở . Ba mẹ lần lượt qua đời , anh chị em ly tán mỗi người mỗi nơi . Mảnh vườn xưa hoang vắng tiêu điều . Mỗi lần về lại mảnh vườn xưa lại thấy nhớ thời con gái xa xăm với bao nhiêu ước mơ đã vụn vỡ , nhớ quay quắt những bữa cơm gia đình thời còn đông đủ , với những tiếng cười đùa và mùi thơm của hương vị cá kho khô , tô canh khế chua hái ở sau nhà . Về để thắp hương cho ba mẹ ư ? Uyển cũng có bàn thờ ba mẹ trong phòng . Uyển thắp hương ở đây cũng được . Con cái ở đâu , ba mẹ ở đó . Dù là đông con nhưng chắc ba mẹ cũng “tạt qua” nhà Uyển . Gọi là nhà nhưng chỉ là một căn phòng mười mấy mét vuông và một cô giáo muộn chồng . Thế giới của Uyển quá chật nhưng đôi khi lại trở thành quá rộng . Nhất là khi hàng xóm khóa cửa tắt đèn đi ngủ , chị lại thấy mình thật lẻ loi đơn chiếc trong thế giới của riêng mình . Quả thật không còn ai để sẻ chia . Thế giới của người ta đầm ấm tiếng cười . Còn Uyển thật lạnh lẽo và trống trải .
Không khí tết đã tràn ngập phố phường những ngày cuối năm . Đi dạy về đã thấy hàng xóm phơi những nong dưa món đủ màu : màu xanh nhạt của đu đủ , màu trắng muốt của củ kiệu , màu đỏ cam của cà rốt … trông như một bức tranh lập thể phơi trong nắng hanh vàng . Những núi hưa hấu xanh vỏ tròn căng chất đống bên đường . Hàng xóm í ới rủ nhau làm bánh , bận rộn tíu tít như muốn chạy đua với thời gian đang nhích dần từng giây từng phút đến với cái tết .
Suốt ngày hôm nay Uyển bỏ thời gian ra đề sắp xếp lại cái tủ sách vốn đã qúa ngăn nắp – như để có việc mà làm , vì chị không sắm sửa gì cho tết . Với chị thế nào cũng xong , chị đâu có khách khứa gì nhiều , chỉ có mấy đứa học trò cũ – có những đứa rất chân tình còn nhớ đến Uyển . Chúng đến , căn phòng trở thành qúa chật , ồn ào một lát lại đi . Trả lại cho chị khoảng không gian lại trở thành quá rộng , như nỗi trống vắng trong lòng .
Buổi tối Uyển đang ngồi xem ti vi thì điện thoại reo , từ một nơi cách xa hàng nghìn cây số tiếng Thảo Nguyên vọng về :
– Dì Uyển còn thức hả ? Con định tết nầy về ăn tết với dì được không ?
Uyển hơi ngạc nhiên :
-Thế hả ? Được chứ . Nhưng ba mẹ con có cho phép không ?
– Đây là quyết định của con . Con sẽ báo cho ba mẹ con biết . Hiện nay
con đã mua vé rồi , chiều mai hai giờ tàu chạy . Bảy giờ sáng mốt đến nơi .Con đi tàu SE2 . Thôi thế dì nhé .
Uyển chưa kịp nói gì Thảo Nguyên đã cúp máy , Chị lắc đầu nói một mình , như thói quen của những người sống cô đơn : “ Cái con bé nấy ! Chắc lại giận mẹ nó đây .”
Cú điện thoại bất ngờ của Thảo Nguyên đã quyết định dứt khoát cái ý tưởng nên về hay nên ở vẫn lảng vảng trong đầu Uyển . Chị vạch chương trình trong đầu : sáng mốt đi đón Thảo Nguyên . Sau đó đi siêu thị mua sắm chút đỉnh . Hôm nay đã hai bốn tháng chạp , cái tết đã lừng lửng đến gần sát nách .
Tàu đến trễ một giờ , nhà ga thông báo trong nỗi bực dọc của người đi đón và cả những người ra đi . Một số bỏ về , một số ngồi nán lại . Uyển cũng ở lại . Nỗi nôn nao chờ gặp người thân khiến họ kiên tâm chờ thêm một giờ nữa . Phỏng đợi đầy người . Một bà ngồi gần Uyển bắt chuyện với chị như để giết thì giờ :
– Chắc chị đi đón con học xa về ?
Uyển định nói rõ mối quan hệ , nhưng không hiểu sao chị lại gật đầu .
Bà nọ vui miệng hỏi tiếp :
_ Chị được mấy cháu ?
Uyển ngần ngừ và tiếp tục nói dối :
_ Hai cháu .
Người đàn bà gật đầu cười :
_ Đúng qui định của nhà nước .
Uyển nghĩ thầm : May mà bà ấy không hỏi tiếp : “ Một trai một gái chứ ?” , và mình lại tiếp tục nói dối . Chị lảng ra ngoài hành lang đứng nhìn cây mai vàng nở rộ trước tiền sảnh nhà ga . Hoa đã nở nhiều nhưng vẫn còn bao nhiêu là búp xanh , chắc chắn nở kịp vào ngày tết . Lại thêm một trường hợp “ đúng quy định ” với đời .Chỉ có Uyển là ở ngoài những quy định của cuộc sống .
Một giờ sau tàu đến . Con tàu bám đầy bụi bặm đường xa mỏi mệt trườn vào sân ga , nằm thở phì phò như người chạy đua đến đích . Trong đám đông nhốn nháo ,Uyển thấy Thảo Nguyên nhảy xuống tàu , vai mang ba lô , túi xách , quần jean , áo pull , tóc ngắn . Mới có vaì năm không gặp mà trông Thảo Nguyên lớn quá . Dáng cao gầy và khuôn mặt của nó chính là khuôn mặt của Uyển thời con gái . Thảo Nguyên giống mẹ như tạc mà mẹ nó là em sinh đôi với Uyển . Hai dì cháu đi bên nhau người ta sẽ nghĩ là hai mẹ con . Cũng như ngày xưa Uyển và Oanh giống nhau như hai giọt nước , người nhà cũng khó phân biệt , nói gì đến người ngoài . Họ giống nhau từ khuôn mặt , đến giọng nói , đến dáng dấp … Có thể nói người nầy là phiên bản của người kia . Chỉ có tính tình là khác hẳn ,Uyển dịu dảng ân cần với mọi người , Oanh đốp chát gắt gỏng , ít quan tâm đến người khác . Mẹ bệnh, Uyển có thể thức trắng đêm , trong khi Oanh vẫn ngủ ngon lành . Hai tính cách hoàn toàn trái ngược đặt trong hai hình hài giống nhau như hai giọt nước , như một trò đùa của tạo hóa . Để phân biệt , mẹ bắt một trong hai đứa phải cắt tóc ngắn , Oanh không chịu cắt , Uyển phải hy sinh mái tóc dài óng ả . Cứ nhìn mái tóc mà gọi tên . Cả hai học cùng lớp suốt thời kỳ phổ thông , thầy cô giáo nào lần đầu tiên bắt gặp hai khuôn mặt ấy đều ngỡ ngàng . Giáo viên chủ nhiệm nào cũng tách Uyển một nơi , Oanh một nơi . Oanh vốn ghét những môn học thuộc lòng , và thường nhờ Uyển đọc hộ bài nếu bị kiểm tra . Thương em , Uyển nhân nhượng . Được vài lần trot lọt , có lần giáo viên nhìn vào sơ đồ lớp , phát hiện sự gian dối , Uyển bị giáo viên chủ nhiệm khiển trách . Thủơ nhỏ Uyển hay gặp những rắc rối vì Oanh như vậy .
Lớn lên , vào đại học , xa nhà , hai chị em thuê chung một căn phòng trọ tự nấu ăn . Oanh hay đùn đẩy việc nhà cho Uyển , Uyển lại nhường em . Cái con người ra đời trước em mừoi lăm phút ngắn ngủi ấy lại mang trong mình trách nhiệm của một người chị lớn . Người ta thường nói những cặp sinh đôi thường rất yêu thương nhau , điều nầy chỉ đúng với Uyển .
Trong những năm tháng sinh viên ấy , Quân đã dến với căn phòng trọ bé nhỏ cùa hai chị em . Quân là bạn trai của Uyển . Ban đầu Quân cũng bối rối khi gặp Oanh mặc dù Uyển đã nói trước với Quân rằng Uyển có một đứa em sinh đôi . Quân thú nhận “ Anh đã gặp nhiều trường hợp sinh đôi , nhưng chưa thấy ai giống nhau như Uyển và Oanh . Anh thực sự không thể phân biệt được nếu không có mái tóc .” Nhưng đó là sự khác nhau có sắp đặt , nếu không hai người cũng như hai bức danh họa được vẽ lại , mà nếu không có con mắt nghệ thuật thì cũng khó lòng phân biệt . Quân chỉ còn biết “ bám” vào mái tóc để nhận ra người yêu , mà cái điều ấy thì thật mong manh , nếu một ngày kia Oanh cũng cắt tóc ngắn . Có điều Uyển không hề biết là Oanh cũng yêu Quân . Khoa học đã chứng minh những cặp sinh đôi thường yêu chung một người . Điều nầy thì lại đúng với Oanh mà không hề đúng với Uyển .
Một lần nhận được tin mẹ đau nặng từ nơi quê nhà xa xôi , Uyển xin nghỉ học về quê đột ngột nhờ Oanh báo lại cho Quân biết . Đúng với bản chất thờ ơ của mình , Oanh thản nhiên ở lại . Rồi Oanh đột ngột cắt tóc ngắn , kiều tóc y hệt như chị và nhập vai Uyển vẹn toàn . Không hề có chút nghi ngờ , Quân vẫn tưởng rằng Uyển ở lại , Oanh về quê thăm mẹ . Họ sống với nhau như những đôi tình nhân khác . Thật trớ trêu , lần đó bà mẹ đau nặng , Uyển phải ở lại quê nhà gần nửa tháng . Mẹ vừa bớt ,Uyển trở lại , nhận ra Oanh đã cắt tóc ngắn giống hệt mình . Oanh than trời nóng quá không chịu nổi mái tóc dài nữa . Thoáng một giây linh cảm giúp Uyển nhận ra mọi chuyện . Dĩ nhiên Quân không có lỗi gì trong chuyện nầy , nhưng Uyển vẫn thấy có một cái gì đổ vỡ không thể nào hàn gắn . Nhưng Uyển không phải là người duy nhất đau khổ , Quân cũng điên đầu vì ngang trái . Mấy lần Quân tìm gặp Uyển đều tránh mặt . Quân gởi cho Uyển một bức thư phân trần mọi lẽ , xin Uyển tha thứ – mặc dù anh không có lỗi gì – Uyển vẫn lặng thinh . Tình cờ Quân đã gặp Uyển lần cuối trong một quán cà phê sinh viên, Uyển vẫn còn nhớ câu nói cuối cùng của Quân : “ Em đúng là người có trái tim bằng đá ” . Họ xa nhau từ đó . Cho mãi đến bây giờ Uyển cũng không thể nào phân biệt được rằng hồi đó mình đã hành động vì một chút tự ái , hay vì muốn hy sinh cho Oanh .
Năm sau , Uyển lặng lẽ xin chuyển trường về học ở một thành phố khác . Oanh và Quân vẫn ở lại Sài gòn . Một người bạn thân vẫn thường viết thư cho Uyển kể chuyện : “ Uyển biết không , Oanh đã lao vào Quân như con thiêu thân lao vào ánh lửa , bọn mình cược với nhau rằng trước sau gì Quân cũng “ đổ ” thôi ” . Và đúng là Quân đổ thật . Hai năm sau Quân lấy Oanh . Uyển ra trường đi dạy xa nhà , hai chị em it khi gặp nhau . Có những cái tết ,vợ chồng Oanh về nhà thì Uyển ở lại . Rồi Thảo Nguyên ra đời , con bé có khuôn mặt , dáng dấp giống mẹ , nhưng cặp mắt lại giống bố . Cứ nhìn vào mắt Thảo Nguyên , Uyển như thấy lại những năm tháng sinh viên của đời mình , những năm tháng có Quân và những con đường rợp lá me bay . Sài gòn của một thời chợt nắng , chợt mưa . Mưa ào ạt nhưng thật ngắn ngủi , rồi nắng lại bừng lên bất ngờ như chưa có cơn mưa bao giờ . Sài gòn bây giờ đã khác , mùa mưa kéo dài lê thê còn dài hơn cả mùa mưa ở miền trung . Vào những ngày cuối năm tiềt trời cũng se se lạnh gợi nhớ giờ phút giao mùa . Khí hậu đã đổi thay , lòng người cũng thay đổi . Quân cũng đã sống yên ấm bên Oanh – ít ra là cái nhìn từ bên ngoài . Còn bên trong nào ai biết được .Uyển vẫn nhớ mình đã nói với Quân , khi hay tin Quân cưới Oanh : “ Chỉ mong anh đối xử tốt với Oanh , từ nhỏ nó đã quen được người khác chăm sóc ”. Quân chua chát : “ Vì tấm lòng của một người chị như Uyển , anh đã trở thành nạn nhân của một cuộc đánh đổi ngu xuẩn”. Uyển không dám nhìn vào mắt Quân , chị biết nếu nhìn vào mắt Quân chị sẽ khóc mất . Uyển như người sắp chết đuối cố gì lấy mảnh ván để trôi nổi bập bềnh trong khi bến bờ còn xa lắc . Cuối cùng Uyển đã nói với tất cả tấm lòng của một người chị : “ Nhưng dù sao đi nữa anh vẫn phải có trách nhiệm với cuộc đời Oanh”.
Đúng như vậy , với một người như Quân , trách nhiệm đã gắn anh với cuộc đời Oanh . Quân trở thành con rễ của gia đình Uyển , hai người đều chủ động tránh mặt nhau . Vì thế Uyển cũng ít gặp Oanh ,từ khi Oanh lấy chồng . Như hầu hết các cặp sinh đôi khác , Uyển vẫn còn thương Oanh . Phần Oanh có một chút mặc cảm tội lỗi , một chút day dứt ân hận khi thấy Uyển vẫn còn sống cô đơn đến mãi tận bây giờ . Khi còn sống mẹ Uyển thường ân hận vì đã trót sinh ra một cặp con gái quá giống nhau . Cuộc sống cô đơn của Uyển cứ day dứt trái tim người mẹ cho đến khi bà nhắm mắt lìa đời . Uyển không trách ai cả , cũng không cố tình sống độc thân để “ trả thù” ai . Chẳng qua Quân đã mang đi một nửa đời của Uyển . Cũng có vài cơ hội đến với Uyển nhưng rồi không đi đến đâu . Cánh cửa số phận hình như chỉ hé mở một lần rồi lạnh lung đóng sập ngay trước mặt Uyển .
Thảo Nguyên lớn lên hiểu được những uẩn khúc của gia đình , nó dành tình cảm thật nhiều cho người dì bất hạnh . Thời còn nhỏ , những dịp hè Thảo Nguyên hay về chơi với Uyển . Đây là lần đầu tiên Thảo Nguyên về ăn tết với dì .
Có thêm một người , căn phòng nhỏ bớt đi vẻ quạnh hiu . Mọi năm không có Thảo Nguyên , Uyển sắm tết qua loa , chiếu lệ . Có đứa cháu gái mà Uyển yêu như con , Uyển mua sắm đầy đủ hơn , như với một đứa con quanh năm xa nhà về ăn tết với mẹ . Thảo Nguyên lớn lên với tính tình mạnh mẽ và bướng bỉnh . Có lần Thảo Nguyên nói với Uyển : “ Dí Uyển ạ , lẽ ra con là con của dì chứ không phải con của mẹ Oanh đâu”. Uyển cốc nhẹ vào đầu cháu : “ Đừng nói thế mẹ con nghe sẽ buồn đấy”. Con bé vẫn thẳng thừng : “ Mẹ con buồn cũng không làm sao bằng dì . Cả cuộc đời dì chỉ nhận lấy toàn thua thiệt . Nhưng dì đã hy sinh vô ích . Mẹ con đâu có yêu thương gì ba con . Dì có biết những năm sau nầy mẹ con ngoại tình , ba con vì thương tụi con nên không muốn làm to chuyện . Gia đình con cứ như địa ngục , con chán lắm”. Uyển thật sự bàng hoàng trước những lời thổ lộ của Thảo Ngưyên . Năm nay việc Thảo Nguyên đột ngột bỏ về quê ăn tết với dì , Uyển đoán có lẽ cũng có nguyên nhân từ những xung đột của gia đình .
Bữa cơm trưa hội ngộ Uyển nấu toàn những món Thảo Nguyên vẫn thích : canh cua , hoa lý xào thịt bò , chả giò . một bũa ăn hoàn chỉnh . Đã lâu lắm Uyển mới có dịp chăm chút cho bữa cơm gia đình . Đối với một người bàn bà độc thân khư Uyền , chuyện ăn uống đã không thành vấn đề từ lâu . Không có gì buồn hơn là cặm cụi nấu những bữa ăn thịnh soạn để rồi phải ngồi ăn một mình . Nhìn Thảo Nguyên ăn uống ngon lành lòng Uyển chợt ấm lại . Chị nghĩ giá như chị có một đứa con , chị sẽ dễ dàng sống nốt quảng đời còn lại một cách có ý nghĩa . Nhưng chị chỉ có một mình , một nửa cuộc đời đầy bất trắc , đầy chông chênh còn ở phía trước , chị sẽ đi qua con đường đó cho đến khi nhìn thấy “ ánh sáng cuối đường hầm” mà trở về với cát bụi .
Buổi trưa Thảo Nguyên không ngủ , ngồi lục lọi tủ sách của dì . Uyển cũng không ngủ mặc dù trời rét đậm và bên ngoài đang mưa nhẹ – đầy đủ tiêu chuẩn cho một giấc ngủ trưa thật đầy . Uyển gợi chuyện – những chuyện chị định hỏi từ bữa cơm trưa nhưng vẫn còn chẩn chừ , linh cảm cho chị biết có lẽ Thảo Nguyên cũng không vui gì :
– Ba mẹ con vẫn khỏe chứ hả ?
Thảo Nguyên đang vui bỗng xịu mặt :
– Họ vẫn khỏe , quá khỏe nữa là khác . Và họ cãi nhau lại càng khỏe hơn trước .
Uyển hỏi tiếp :
– Và đó là lý do để con ra đây ?
Thảo Nguyên gật đầu :
– Con chán lắm dì ạ . chỉ thương ba con và em con . Nếu không có hai người đó con đã đi khỏi gia đình từ lâu .
Uyển nói đỡ cho Oanh :
– Con đừng nói thế . Mẹ con bao giờ cũng thương con .
Thảo Nguyên lắc đầu bướng bỉnh :
– Không , mẹ con không thương con , mẹ con chỉ thương bản thân mình . Giá như con là con của dì … Dì Uyển ơi , sao mẹ con lại khác dì lắm vậy ?
Uyển thấy hai mắt cay xè , nỗi thương con trẻ khiến chị thấy lòng se thắt . Oanh vẫn sống như vậy sao ? Oanh đã từng tách chị ra khỏi đời Quân , để rồi dẫm lên đời Quân như đã từng bóp chết đời Uyển . Và còn Thảo Nguyên – cô bé xinh xắn hồn nhiên đáng lẽ phải được hưởng một cuộc sống tran đầy hạnh phúc , thì lại vật vờ như một chiếc bóng trong cái ngôi nhà sang trọng nhưng lạnh lẽo như nấm mồ ấy . Thảo Nguyên đã chọn nhầm chỗ để ra đời . Tuy có gia đình nhưng nó cũng cô đơn như Uyển . Bất giác Uyển vòng tay ôm lấy đôi vai gầy của nó như ôm đứa con của mình và Quân , dịu dàng bảo :
-Thôi ngủ đi con !
* * *
Mùng 6 tết , Thảo Nguyên từ giả dì Uyển để trở về Sài gòn . Sợ Thảo Nguyên bỏ nhà đi bụi như bao nhiêu đứa trẻ khác nạn nhân của những gia đình không êm ấm , Uyển cũng đã khuyên nhủ cô bé rất nhiểu . Cuối cùng Uyển nói :
_ Cùng lắm cứ ra đây sống với dì , dì bao giờ cũng coi Thảo Nguyên như con . Đừng làm liều con nhé .
Uyển cũng viết cho Oanh một bức thư , khuyên Oanh hãy vì con mà chấm dứt những cuộc phiêu lưu tình ái . Nhưng chị biết lời nói của chị chắc không đi đến đâu , chị vốn biết tính Oanh từ nhỏ .
Thảo Nguyên lên tàu ra đi , Uyển lại trở về với căn phòng quạnh hiu , với những công việc hàng ngày : lên lớp , soạn bài , chấm bài …và những bữa cơm một mình , một bóng .
Năm học qua đi , mùa hạ lại về . Những ngày cuối niên khóa , cuộc sống tĩnh lặng của Uyển lại bận bịu hơn một chút với những cuốn lưu bút của học sinh lớp mười hai . Vốn rất thương yêu học sinh , Uyển lại thức khuya hơn , miệt mài trên những trang lưu bút . Nhìn những bông phượng đầu mùa đỏ rực được học sinh nâng niu ép trong những trang giấy trắng – dù cái thời đi học đã mờ xa tít tắp – lòng Uyển cũng chợt nao nao buồn . Một đêm đã khuya , Uyển vẫn còn thức soạn đề cương ôn thi cho học sinh cuối cấp , bỗng nghe điện thoại đổ dồn . Uyển nhìn đồng hồ lo lắng ,hồi hộp : “ Đã mười hai giờ khuya , ai còn gọi giờ nầy ?” . Từ đầu giây bên kia , tiếng Thảo Nguyên vừa nói vừa khóc :
– Mẹ con mất rồi dì Uyển ơi . Mẹ mất trong một chuyến đi Sa pa .Xe đỗ trên đèo …
Tai Uyển ù đi , thảng thốt Uyển ôm ngực thả rơi chiếc điện thoại xuống bàn : “ Trời ơi , Oanh …”
* * *
Uyền gặp lại Quân trong đám tang của Oanh . Dễ cũng gần mười năm rồi hai người mới gặp lại nhau . Cặp mắt kính của Quân dày hơn , mái tóc xanh dày ngày xưa đã có nhiều sợi bạc . Trong khói hương nghi ngút đôi mắt Oanh dường như xa xăm hơn , cái nhìn dường như mỏi mệt hơn . Cũng lâu lắm rồi Uyển chưa gặp lại Oanh , rồi bây giờ Oanh bất chợt ra đi , không kịp trối trăng điều gì . Uyển chợt xót xa nhận ra phận người thật mong manh biết bao . Khi trở về với đất con người đều giống nhau : nhỏ nhoi và tội nghiệp , dù sinh thời giàu sang danh vọng hay cơ cực nghèo hèn… Dù người nhà không ai nói ra , nhưng Uyển tình cờ biết được một sự thật đau lòng qua những lời xì xầm của những người cùng công ty với Oanh : thì ra Oanh chết trong một chuyến du hành cùng người tình trên một đoạn đèo Sa pa . Thì ra là thế ! Oanh bao giờ cũng thế ! Không dễ gì thay đổi được bản chất một con người !
Mãi những năm sau nầy , Uyển vẫn không khỏi kinh ngạc trước sự sắp đặt kỳ lạ của số phận . Hai năm sau đám tang của Oanh , có một mùa hè Uyển đăng ký đi du lịch tour Singapore – Malaysia cùng với một người bạn . Hai người vào Sài gòn đăng ký rồi chờ chuyến đi . Lúc làm thủ tục xuất cảnh Uyển bàng hoàng khi thấy Quân cũng có mặt trong đoàn . Quân cũng không dấu được vẻ ngạc nhiên . Phản ứng dầu tiên của Uyển là nói nhỏ vào tai Thục :
– Hay mình đừng đi nữa .
Thục nhăn mặt :
– Cậu đang làm cho mọi việc trở thành tệ hại hơn đấy . Cứ bình thường
hóa đi .
Hiểu rõ tâm tư bạn , Thục mỉm cười nghĩ thầm : “ Biết đâu không phải
là cơ hội ngàn năm có một ”. Những ngày ở Singapore , trên đỉnh núi Faber nhìn xuống mênh mông biển cả , xa xa là hai nước Malasia và Indonexia , có lần Uyển và Quân đứng cạnh nhau , Quân hỏi Uyển :
– Uyển có thấy chỗ nầy giống như đứng trên đỉnh núi non nước nhìn xuống vùng biển Hòa hải không ?
Uyển hiểu Quân muốn nhắc đến một kỷ niệm đã có giữa hai người , một mùa hè nào đó đã mờ xa tít tắp …Uyển lái câu chuyện sang một hướng khác :
– Thảo Nguyên và Khôi Anh sao rồi ?
Quân gật đầu :
– Tốt rồi , con bé đã hết u uất , biết lo cho em và học rất tốt , nó hay nhắc đến dì Uyển .
Ngừng một chút , Quân nói :
– Uyển có tin rằng có số phận không ? Anh còn nhớ câu nói của Lev.
Tolstoi : “ Đời người như một dòng sông . Sông có lúc ấm , lúc lạnh , lúc trong , lúc đục , lúc êm đềm , lúc qua nhiều ghềnh thác” . Cứ nghĩ đến đoạn đời đã qua , anh tưởng như mình vừa trải qua một cơn ác mộng .
Uyển gật đầu :
– Em cũng tin như vậy . Thay mặt Oanh , xin lỗi anh về tất cả . Ghềnh thác của đời anh đã qua rồi , Chúc anh tìm thấy hạnh phúc .
Quân hiểu câu nói bóng gió của Uyển , anh chưa kịp trả lời thì một ánh flas lóe lên , Thục đã kịp chụp ảnh hai người . Và cả đoàn lại kéo nhau sang vùng đảo Sentosa . Ngày hôm sau trên đoạn đường dài từ Sing sang Malasia cả đoàn di chuyển trên xe buýt du lịch . Đêm đầu tiên trên Cao nguyên Genting , đoàn đi tham quan một casino lớn nhất Đông nam á , Uyển bị mệt vì hành trình trên xe buýt quá dài , nên từ chối không đi , ở lại khách sạn một mình . Thành phố cao nguyên đẹp quá , mặc dù mệt Uỷên cũng tranh thủ mang máy ảnh xuống tiền sảnh khách sạn chụp hình . Đêm cao nguyên mờ sương , từng luồng lớn sương trắng từ trên cao phả xuống , bay vào phòng tiêp tân . Khung cảnh mờ ảo cùng ánh đèn xanh đỏ như chốn bồng lai . Bất ngờ , Uyển chợt nghe tiếng nói của Quân sau lưng mình :
-Uyển vẫn mê chụp ảnh như ngày nào nhỉ ?
Uyền quay lại , Quân đang đứng trước mặt . Không biết vô tình hay cố ý , Quân cũng không đi tham quan casino . Đêm ấy trong cái lạnh và trong sương mù mờ ảo tuyệt đẹp của cao nguyên Genting , Uyển đã không thể từ chối lời cầu hôn tha thiết của Quân .Vì Quân , vì Thảo Nguyên , hay vì những ân hận khi thấy mình có lỗi trong cuộc sống không hạnh phúc của Quân ? Uyển không thể nào biết đích xác được , chỉ có một điều Uyển biết chắc chắn : Trái tim mỏi mòn của chị vẫn luôn hướng về Quân . Sau nầy trong cuộc sống vợ chồng , có lần Uyển thắc mắc hỏi Quân :
– Đêm đó vô tình hay cố ý mà anh không đi tham quan casino ?
Quân mỉm cười có vẻ bí mật :
– Có những điều không nên biết vẫn hay hơn em ạ .
Chỉ có Thục là hay mỉm cười khi nhớ tới điều nầy . Những năm về sau chị vẫn không quên được đôi mắt lấp lánh niềm vui của Quân , và cái dáng hối hả vội quay về của anh khi Thục cho biêt Uyển ở lại khách sạn một mính .
V. H. U{jcomments on}
Cuối cùng Uyển cũng nắm bắt hạnh phúc dù rất muộn . Cám ơn tác giả.
Ngòi bút chững chạc va điêu luyện, kết cấu có hậu đọc xong tâm trạng thoải maí nhàng
Câu chuyện vẫn là trăn trở cho số phận con người giữa tốt và xấu , hy sinh và ích kỉ.
Một bài viết hay, rất thực có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống.
Đúng dzậy đó QT ! ý mình cũng giống bạn dzậy….cho ké nhen!Rất hay!
Làm sao lại có cô em quá đáng như cô Oanh .
Hai chị em , mỗi người mỗi cảnh kết cục khác nhau
Câu chuyện hay quá , những dẫn dắt lôi cuốn làm cho người làm biến đọc cũng phải theo dõi chi tiết để biết kết cục của câu chuyện . cám ơn VHU .
Phải chăng ở hiền gặp lành .dù là xuân muộn .
Một câu chuyện buồn và ngang trái!
Xuân muộn ” có còn hơn không “.
VHU xin cảm ơn các bạn Trần Dư ,Dạ Lan , Bích Vân ,Quốc Tuyên , TRANKIMLOAN , Mây Hoàng Hôn , Lệ Ni , bagiakhoua ,Tha Nhân ,Thu Thủy , Bích Ngâu …đã đọc truyện Xuân Muộn và có những cảm nhận sâu sắc . VHU vừa đi Đà nẵng gần nửa tháng về , vì không mang theo laptop nên không đọc được những phản hồi của các bạn . Ý kiến của bạn Mây Hoàng Hôn rất có lý . Nhưng trong cái chung vẫn có cái riêng – ngoài đời vẫn có những cô em như vậy – tuy không nhiều . Khi viết truyện nầy VHU cũng đã thu thập nhiều kiến thức về các cặp sinh đôi – trong sách vở và cả ngoài cuộc sống thực tế – ở ngoài đời cũng đã từng có những cặp sinh đôi giống nhau về hình thức , nhưng khác nhau về tính nết . Trong cuộc đời đi dạy VHU cũng đã gặp nhiều cặp sinh đôi học cùng lớp – có đến 6 cặp – và chuyện họ cùng yêu 1 người cũng là có thật . Một lần nữa xin cảm ơn các bạn và chúc các bạn 1 năm mới như ý .
V.H.U