Thảo Nguyên Trên Sông

 

Những ngày nắng cuối cùng của mùa khô đã qua đi . Đầu tháng tám trời đất đã giao mùa . Mưa đầu mùa chập chửng như đứa trẻ mới biết đi  , có khi lưa thưa đầu trời một hạt , cuối bãi một vùng . Có khi ào ạt hung hãn rồi dứt hẳn . Gần đến trung thu thì mùa mưa đã hiện hiện rõ rệt , dai dẳng và ào ạt suốt ngày đêm . Đúng là mưa mùa , tuy có về sớm hơn so với mọi năm .

Trẻ con ngóng trung thu , chạy ra chạy vào mong trời tạnh . Tiếng trống ếch cứ bập bùng trong màn mưa trắng xóa , nghe thật lạc lỏng và tội nghiệp .

Hiền nghe mùa mưa đến với tất cả nỗi nôn nao của lòng mình . Năm học mới  đã bắt đầu mà cô thì vẫn ngồi đây , trong căn nhà nhỏ của mình . Bạn bè trong xóm học đại học ở Sài gòn lại lục tục kéo nhau về trường sau mấy tháng hè . Có mấy đứa học sau Hiền một lớp , mới đậu đại học năm nay cũng đã đi từ lâu . Vào sớm để còn tìm chỗ trọ . Hiền nhìn họ ra đi như người sắp chết đuối nhìn những người khác lần lượt được cứu lên bờ , còn mình thì bị bỏ mặc chìm nghĩm dưới dòng nước chảy xiết .Cô không còn hy vọng gì tiếp tục việc học đã bỏ dở một năm . Giữa học kỳ một năm ngoái , Hiền đã phải khăn gói về quê vì hết tiền . Người ta thi đỗ đại học , làm tiệc mời bạn bè đến chung vui , Hiền đỗ đại học , hai mẹ con ngồi khóc . Làm sao để có thể vào Sài gòn học ? Câu hỏi thật khó trả lời . Với gia cảnh như Hiền , cha mất sớm chỉ còn mẹ và một đứa em nhỏ . Nhà chỉ có mảnh vườn nhỏ và đồng lương giáo viên tiểu học của mẹ . Tất cả cơ nghiệp chỉ có thế . Mẹ Hiền khóc chán rồi toan tính . Cuối cùng Hiền cũng vào Sài gòn  với những món tiền còm cõi mà mẹ đã dành dụm bao năm , với hy vọng rồi Hiền sẽ tìm được việc làm thêm để trang trải việc học . Nhưng sự thật không phải dễ dàng như họ nghĩ . Thành phố rộng mênh mông  nhiều cạm bẫy , một cô gái chân ướt chân ráo từ tỉnh lẽ như Hiền không dễ dàng  gì kiếm được việc làm . Ba tháng sau hết tiền , Hiền đành xin nhà trường bảo lưu kết quả một năm rồi trở về quê hương . Một năm nữa trôi qua , kinh tế gia đình vẫn không có gì sáng sủa hơn , Hiền ngày ngày đối diện với những bế tắt của gia đình , nhìn tháng ngày lần lượt trôi qua . Rồi một năm nữa lại đến , lòng Hiền nôn nao như lửa đốt .

 

Hôm qua Lưu đến ,anh vất chiếc áo mưa ướt sũng nước ngoài hiên rồi bảo Hiền :

– Ngày kia anh đi , tàu SE7.

Hiền ngồi ủ rủ khôg nói gì . Ơi những con tàu sang trọng và xa vời . Có

bao giờ Hiền được bước lên đó để đi về phương nam đầy nắng ấm ? Hiền thấy mình giống như cô bé Liên trong truyện ngắn của Thạch Lam , suốt đời nhìn những con tàu đi qua , suốt đời làm người ở lại . May mà Lưu không hỏi gì . Nếu Lưu hỏi : “ Bao giờ Hiền đi ?” chắc Hiền khóc mất . Thằng Hân – em Hiền – đang loay hoay với chiếc lồng đèn , thấy Lưu đến mừng rỡ :

-Anh Lưu dán lồng đèn hộ em đi , chị Hiền chỉ ngồi im suốt ngày chẳng chịu giúp em gì cả .

Lưu nói :

– Mưa thế nầy còn dán lồng đèn làm gì ?

Thấy vẻ mặt ỉu xìu của Hân , Lưu bật cười . Hai anh em hí hoáy dán  chiếc lồng đèn ngôi sao . Hiền bảo em :

– Phần trang trí Hân tự làm được rồi . Anh Lưu còn phải về chuẩn bị đồ đạc để ngày kia vào Sài gòn .

Lưu nói :

– Anh chuẩn bị xong rồi . Đến từ giã em thôi .

Lưu học trên Hiền một lớp , cùng trường , nhưng không đợi đến khi học cùng trường hai người mới quen nhau . Họ quen nhau từ bé . Nhà Hiền ở ven sông , nhà Lưu ở thị xã , nhưng thuở nhỏ vẫn thường đến sông tập bơi . Dòng sông nào chẳng quyến rũ tuổi thơ  . Lưu và Hiền cũng vậy . Dòng sông quê hương đã trỏ thành chiếc nôi bồng bềnh ru họ lớn lên . Họ đã từng chứng kiến con sông Trà hung hãn vào mùa đông , trong xanh vào mùa thu và khô cạn vào mùa hè . Lưu chỉ hơn Hiền một tuổi  nhưng Hiền vẫn thấy Lưu lớn hơn mình nhiều . Thứ nhất là vóc dáng , thứ hai là sự tháo vát , khéo tay . Hiền vẫn còn nhớ mùa nước lũ năm xưa , khi Hiền mới mười hai tuổi , Hân thì còn nhỏ xíu . Lần ấy mẹ về ngoại , cơn lũ ập đến thình lình , đường tắt , mẹ không về được . Nhà Hiền lại trơ vơ giữa cánh đồng , cách dòng sông không xa . Nước ngập trắng xóa bốn bề . Hân khóc , Hiền cũng muốn khóc nhưng phải cố kìm nén để em đõ sợ . Nước lên cao dần , buổi sáng chỉ nửa chân giường , nhưng buổi chiều đã gần ngập chiếu . Giữa lúc nguy kịch thì Lưu chèo bè chuối đi đến . Lưu giúp Hiền kê chiếc giường lên trên bộ ván gỗ . Ba đứa trẻ ngồi trên chiếc giướng ấy qua đêm . Chỉ riêng Hân được ngủ , khi Lưu dùng một sợi dây buộc chân Lưu vào giường sợ Hân ngủ mê té xuống nước . Lưu và Hiền thay phiên nhau người nầy trông chừng người kia ngủ ngồi . Nhưng đêm đó Hiền đã không ngủ , lòng cô bé êm ả một tình cảm nhẹ nhàng . Hiền không biết đích xác đó là tình cảm gì . Chỉ biết lúc đó với Hiền , Lưu đã là chỗ dựa vững chải và cô thấy tin cậy , yên tâm .

Qua ngày hôm sau nước vẫn chưa rút hết . Số bánh mì dự trữ do Lưu mang đến đã ăn hết . Ba đứa trẻ nghĩ đến chuyện nấu cơm . Nhưng số củi trong bếp phần còn lại đã ướt , phần lớn đã lần lượt trôi đi từ hôm qua . Cuối cùng Lưu nghĩ ra cách lót một miếng tôn nhỏ trên giường , đặt bếp lò lên , rồi  tìm mấy cuốn tập cũ xé ra đốt thay củi . Cuối cùng cơm cũng chín nhưng có mùi khét . Bữa cơm không có thức ăn , chỉ toàn mắm muối , lại ăn giữa trời nước mênh mông  có một dư vị rất riêng , khiến ba đứa trẻ cảm thấy ngon miệng . Nhất là với Hiền , Cô bé thấy Lưu quả thật tháo vát hơn mình nhiều . Và cô thầm nghĩ nếu không có Lưu không biết chị em cô sẽ xoay xở ra sao .

Ba đứa trẻ ngồi trên chiếc “ cù lao” nhỏ ấy , thỉnh thoảng lại dùng cây bỏ xuống nước để đo mực nước . Buổi chiều thì nước rút dần . Nước lũ lên thật  nhanh và rút xuống cũng thật nhanh . Đến nửa buổi chiều thì nước rút hẳn . Hiền thấy lòng vừa vui vừa buồn . Cô bé muốn kéo dài giờ khắc trên  “hòn đảo” thần tiên ấy . Nhưng nước đã rút hết , nền nhà hiện ra đầy bùn lầy , rác rưởi . Một ngọn lau nằm kẹt trong xó cửa . Ngọn lau từ miền rừng núi hoang vu nào trôi dạt đến đây . Lưu lại giúp chị em Hiền dọn nhà . Nhưng mẹ Lưu đã đến , bà vừa mắng Lưu vừa nhìn chị em Hiền đầy ác cảm . Tuy còn bé nhưng Hiền vẫn hiểu . Nhà bà ấy giàu có , còn gia đình Hiền thì nghèo quá . Bà ấy không muốn con trai chơi với những đứa trẻ nghèo như Hiền . Nhất là Hiền lại là  con gái . Bà mẹ giàu nào chả lo xa như vậy !

Những năm tháng học cùng trường với Lưu , Hiền thường phải đi ngang qua con phố nhà Lưu để đến trường . Những lần ấy Hiền đi thật nhanh không dám nhìn vào , sợ gặp ánh mắt lạnh lẽo của người mẹ ấy , sợ  ngôi nhà giàu sang ấy . Cô xa lánh dần những người bạn giàu có , trong ấy có Lưu . Thỉnh thoảng Lưu hay đến tìm , Hiền lánh mặt bằng cách chèo thuyền ra cù lao nhỏ giữa sông , ngồi học bài trên ấy . Mùa khô nước cạn , Hiền chỉ cần lội bộ cũng ra được cù lao ấy .

Dòng sông từ thượng nguồn chảy về xuôi , êm đềm qua những bình nguyên bao la rồì xuôi về thị xã nhỏ bé . Đến thị xã con sông Trà như một ranh giới phân chia phố phường và ngoại ô . Dòng sông khiêm nhường nằm nép mình bên rìa thị xã , bờ bên kia sông là um tùm tre trúc . Dòng sông thay đổi theo hai mùa mưa nắng . Mùa lũ , dòng sông rộng gấp hai , ba lần vì bãi cát mênh mông đã phủ nước tràn trề . Lúc ấy trông dòng sông hung hãn đầy vẻ đe dọa . Mùa khô nước cạn rất nhanh , chỉ còn một dòng nước bé nhỏ , lơ thơ nằm giữa hai bờ cát trắng mênh mông . Giữa dòng nổi lên một cồn cát , mùa xuân cỏ bắt đầu lên xanh um , đất nhiều phù sa màu mỡ nên hoa cúc dại cũng mọc tràn . Một vùng hoa cỏ xinh tươi hoàn toàn cách biệt giữa bốn bề sông nước , như mọc lên từ một thế giới khác . Đã từ lâu ,Hiền coi đó là thảo  nguyên trên sông của riêng mình . Hiền nằm dài trên cỏ như nằm trên một tấm nệm êm .Bầu trời xanh thẳm trên kia như một đại dương trầm lặng không có sóng, gió từ sông thổi lên lồng lộng mát rượi . Hiền nghĩ mình đang nằm trên một thảm cỏ trôi giữa dòng sông .

Mùa thi năm ấy Lưu phát hiện ra nơi trú ẩn của Hiền . Trực giác con gái giúp  Hiền nhận ra tình yêu của Lưu , mặc dù Lưu vẫn không nói gì . Rồi Lưu thi đậu vào đại học . Ngày Lưu vào Sài gòn nhập học , Hiền tiễn Lưu ra

ga . Cô chỉ đứng ở một góc khuất , âm thầm nhìn Lưu đứng giữa bạn bè và người nhà đưa tiễn . Cô vẫn còn nhớ ánh mắt của mẹ Lưu . Bà mẹ đang đứng bên con trai , tươi cười hãnh diện . Nhưng Lưu đã kịp nhìn thấy Hiền , anh bỏ đám người thân vây  quanh để đến bên Hiền . Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn theo . Trong ấy có cả ánh mắt lạnh lẽo của mẹ Lưu . Hiền vội nói :

– Anh Lưu đi mạnh khỏe . Hiền về nhé .

Lưu nói :

– Khoan đã Hiền . Anh sẽ viết thư cho Hiền . Gắng học nhé . Sang năm đậu đại học lại cùng vào Sài gòn với anh .

Lời hẹn hò của Lưu mấy năm sau nầy Hiền vẫn nhớ . Vì sau đó Lưu còn nhắc lại nhiều lần trong những cánh thư bay về từ Sài gòn . Hiền cũng đã cố gắng rất nhiều trong học tập để biến lời hẹn hò thành sự thật . Để rồi có những điều cô không thể nào vượt qua . Chuyện sinh ra trong một gia đình nghèo , theo Hiền nghĩ , âu cũng là số phận .

Lưu đã dán xong chiếc lồng đèn cho Hân . Trời vẫn mưa dai dẵng . Anh ra ngoài hiên thở dài :

– Mưa thế nầy lâu tạnh lắm đây .

Hiền không nói gì đăm đăm nhìn dòng sông chìm đắm trong màn mưa trắng xóa mịt mù . Mới đầu mùa mưa nước sông đã tràn đầy . Thảo nguyên trên sông đã biến mất .Thảm cỏ xanh đã chìm sâu trong dòng nước . Ai biết được trong lòng con sông hung hãn kia còn có cả một thảo nguyên bé nhỏ hiền hòa . Lưu phá tan không khí yên lặng :

– Anh có một đề nghị nầy mong Hiền chấp nhận . Ngày kia Hiền cứ vào Sài gòn với anh . Anh đã mua vé cho Hiền rồi . Xuất tiền học anh sẽ chia cho Hiền một nửa . Chịu khó một tí cũng đủ . Rồi chúng mình sẽ tìm chỗ dạy kèm thêm . Hiền nghĩ sao ?

Hiền thật ngỡ ngàng trước lời đề nghị của Lưu .Viễn cảnh được vào Sài gòn để tiếp tục việc học làm lòng Hiền nôn nao . Như kẻ chết đuối được người đưa tay cứu vớt , suýt nữa Hiền đã nhận lời . Nhưng Hiền kịp trấn tỉnh : liệu như thế có được không ? Rồi Hiền sẽ trở thành gánh nặng cho Lưu ? Rồi gia đình Lưu sẽ nghĩ sao nếu họ biết việc nầy ? Hiền vẫn nhớ ánh mắt khinh bỉ của mẹ Lưu như một ám ảnh không thể nào quên . Hiền đăm đăm nhìn những tàu lá chuối đầu ngõ bị gió thổi dạt sang một bên , chấp chới không thể nào gượng lại được trước cơn gió đầu mùa . Cuộc đời Hiền rẽ sang hướng nào chính là trong phút giây nầy . Lòng tự trọng không cho phép Hiền nhận sự giúp đỡ của Lưu . Hiền thở dài :

– Không được đâu anh Lưu . Nhưng như  thế thì phiền phức cho anh lắm . Hiền cảm ơn anh nhiều , nhưng có lẽ Hiền phải bỏ học thôi .

Lưu giận dỗi :

– Đây là đề nghị rất chân thành của anh . Ngoài ra anh không có ẩn ý gì

khác . Anh là bạn của Hiền , đúng không ? Vậy Hiền hãy cứ nghĩ đây là sự giúp đỡ của một người bạn .

Mặc cho Lưu phân trần , với Hiền , thật khó lòng nhận một sự giúp đỡ như vậy . Rồi Lưu đi , Hiền vẫn âm thầm đứng trong một góc khuất của sân ga , nhìn theo con tàu mang theo tất cả ước mơ và khát vọng của đời mình , trên đó còn có cả một người con trai đã từng muốn san sẻ cuộc đời với mình . Bao giờ Hiền cũng vẫn là người ở lại .

*  *  *

Con sông Trà cứ mãi trôi xuôi theo dòng đời . Sông vẫn bên lỡ bên bồi không có gì thay đổi . Nhưng cuộc đời thì đã thay đổi quá nhiều . Lưu đã ra trường làm việc ở Sài gòn như phần lớn sinh viên sinh trưởng ở thị xã nầy .Không ai chịu về với những con phố bé nhỏ buồn hiu . Hiền vẫn ở đây , ban ngày làm cô văn thư của phường , ban đêm theo học một lớp đại học tại chức ở thị xã . Cuộc đời buồn tênh với bao ước mơ đã vụn vỡ . Tháng năm trôi qua cùng với tiếng gõ vào bàn phím lóc cóc . Những năm sau nầy Lưu cũng ít viết thư về . Hiền cũng rất nhạy bén với tình thế . Cô nghĩ đó chỉ là những hạt mưa cuối cùng còn rơi rớt trước khi mùa nắng tràn về . Những mùa hè Lưu cũng ít về quê . Có khi chỉ thoáng qua vài tuần . Những lần ấy Lưu có đến nhà Hiền . Trông anh lạ hẳn , dáng dấp và tính tình cũng khác .Hiền thấy xót xa trong lòng nhưng vẫn xem đó là những gì tất yếu sẽ đến .Sau nầy khi nghe tin Lưu lấy vợ ở Sài gòn , Hiền cũng vẫn thấy không có gì đáng ngạc nhiên . Chì có điều bây giờ mỗi ngày đi làm ngang qua nhà Lưu, Hiền đã không còn e sợ khi tình cờ nhìn vào nhà Lưu , hay khi tình cờ gặp ánh mắt mẹ Lưu . Cô đã không còn là đối tượng để mẹ Lưu phải đối phó . Lòng Hiền dửng dưng trước mọi việc , kể cả việc mẹ cô nhiều lần nhắc nhở cô phải lập gia đình . Nỗi đau đầu đời làm lòng cô băng giá . Tình yêu , sự nghiệp … tất cả đã không còn . Có nhiều lúc Hiền muốn bắt chước người nông dân nghèo trong một truyện cổ tích nước ngoài mà cô đã được đọc từ bé , anh ta đã đi tìm số phận của chính mình để hỏi cho ra lẽ vì sao anh ta lại nghèo khổ đến như vậy ! Nhưng Hiền làm sao có thể tìm ra số phận mình để hỏi tra . Cô đành ngữa tay chấp nhận tất cả những gì số phận đã an bài .

Buổi chiều hôm ấy Hiền lại tìm về với thảo nguyên trên sông . Sau một trận lũ dữ dội như một cơn thịnh nộ của đất trời , cỏ non đã mọc tràn trề xanh mướt . Đã lâu lắm rồi Hiền mới có dịp trở lại nơi chốn mang đầy dấu ấn của kỷ niệm nầy . Cô nằm trên cỏ và nghĩ có lẽ giờ nầy mẹ và Hân đang đi tìm mình khắp nơi . Chiều nay gia đình Khánh sẽ đến thăm nhà , bàn chuyện cưới xin . Hiền để mẹ hoàn toàn định đoạt . Bà mẹ cuống lên với việc tổ chức đón tiếp . Còn Hiền thì thờ ơ coi như việc cùa ai chứ không phải của mình .

Buổi chiều dòng sông thật yên ả , nghe rõ tiếng cá quẫy nhẹ nước sông . Âm thanh như gọi Hiền về một thuở  xa xăm nào đó . Một chiếc thuyền con neo giữa dòng , hai vợ chồng một ngư dân đang buông lưới . Đứa con lớn chừng ba tuổi đang ngồi nghịch trái banh nhựa trong lòng thuyền chật chội . Thằng bé vẫn thản nhiên như không hề biết mơ ước một khoảng không gian rộng rãi thênh thang  nào cho trái banh mặc sức tung hoành . Đứa bé hơn đang ngủ trong nôi . Lát sau đứa bé giật mình khóc thét lên , người mẹ trẻ vội vàng bỏ lưới , vưà đẩy nôi vừa hát ru :

À ơi…

Tóc mai sợi vắn sợi dài

Kết duyên chẳng đặng , thương hoài ngàn năm .(1)

Lời ru buồn bay đến chỗ Hiền nằm . Hiền úp mặt xuống cỏ , nghe mùi cỏ thơm ngai ngái trong nắng chiều , mím môi cố nén một tiếng thở dài .

(1) Ca dao .{jcomments on}

0 thoughts on “Thảo Nguyên Trên Sông

  1. Thu Thủy

    Mỗi một câu chuyện của VHU là một tác phẩm rất hay , người đọc cứ bâng khuâng về những suy nghĩ , những cảm nhận của nhân vật , mà những người này ta thường gặp trong đời sống , và đâu đó có bóng dáng của mình trong câu chuyện .

    Reply
  2. bagiakhoua

    Bài viết của VHU thật nhẹ nhàng và cũng thật là sâu lắng . Sâu lắng cho thân phận trớ trêu của từng hoàn cảnh vì vậy nên có những mối tình cứ mãi là một bài thơ đẹp một câu chuyện hay một mùi hương quyến rũ làm ta cứ giữ mãi trong lòng cho đến ngàn sau .

    Reply
    1. onggiakhoua

      bagiakhoua bình hay quá, cho tui ăn ké với:
      Bài viết của VHU thật nhẹ nhàng và cũng thật là sâu lắng . Sâu lắng cho thân phận trớ trêu của từng hoàn cảnh vì vậy nên có những mối tình cứ mãi là một bài thơ đẹp một câu chuyện hay một mùi hương quyến rũ làm ta cứ giữ mãi trong lòng cho đến ngàn sau .

      Reply
  3. Vương Hoài Uyên

    Cảm ơn các bạn Trần Dư , Phương Hạnh ,Thu Thủy ,camtucau ,bagiakhoua , onggiakhoua ,Phượng , Trần Lê ,HoangKimChi ,Quốc Tuyên ,Tú Nhân … Truyện ” Thảo nguyên trên sông ” đăng trên Hương Xưa rồi mà VHU không biết nên hồi âm cho các bạn hơi muộn , Cho VHU xin lỗi nghe . Truyện nầy VHU viết để tham gia 1 cuộc thi viết truyện ngắn của NXB Giáo Dục Hà Nội tổ chức cách đây 12 năm .Cuộc thi có chủ đề : ” Giáo dục đạo đức cho học sinh , sinh viên ,thanh niên VN ” . Truyện nầy được vào chung khảo của cuộc thi và đã được NXB Giáo Dục HN xuất bản chung với những truyện khác . Nói chung , truyện của VHU thường bắt nguồn từ 1 cảnh ngộ có thật trong cuộc sống . Nhân vật Hiền được hư cấu thêm từ 1 người con gái con của 1 người bạn của VHU . Cô bé là con của 1 cô giáo tiểu học ở 1 vùng quê của Quảng Ngãi ( Bạn VHU ) , cô bé xin mẹ đi thi đại học là để cho biết ” bàn ghế của trường đại học như thế nào ” ( nguyên văn ) . Không ngờ lại đậu vào trường đại học Ngoại ngữ Đà nẵng . Sau khi đậu , hai mẹ con ngồi khóc . Khác với nhân vật Hiền , cô bé nầy được đi học với sự trợ cấp vô cùng ít ỏi của mẹ nhưng vẫn vượt khó để đi học . Điều đó làm VHU xúc động và sáng tác thành truyện ngắn TNTS . Còn chi tiết 3 đứa bé trong cơn lũ khi mẹ đi vắng cũng là 1 chi tiết có thật mà VHU đã gặp ngoài đời . Người ta thường nói nhà văn là người thư ký trung thành của cuộc sống , VHU không phải là nhà văn chuyên nghiệp , nhưng thường xúc động trước những cảnh ngộ của cuộc đời . Và từ những xúc động đó mà có tác phẩm . Một lần nữa xin cảm ơn những cảm nhận của các bạn . Thân mến .VHU

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.