Ai Về Phan Thiết

Tác giả: Minh Triết

Năm 1936 phát hiện mình bị bệnh, sau đó càng ngày trầm trọng hơn nên
Hàn Mặc Tử “ xuôi về quê cũ náu thân nơi nhà hoang “. Từ đó thi sĩ sống
khép kín, xa lánh tất cả bạn bè. Những ngày đau buồn cuối đời ông chỉ bầu bạn với trăng sao và những vần thơ. Ông luôn luôn nhớ đến Phan Thiết, nhớ đến một thời thơ mộng với nàng thơ Mộng Cầm. Nỗi nhơ thương da diết, hận lòng khi nàng thơ lấy chồng cộng thêm cơn đau vật vã mỗi mùa trăng đã làm ông thất vọng rồi trải lòng mình qua bài thơ Phan Thiết, Phan Thiết:

… Rồi ngây dại thất tình chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn lầu trăng
Lầu ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Chỉ trong một thời gian ngắn vào khu điều trị Qui Hoà, Hàn Mặc Tử đã ra
đi trong sự bàng hoàng, tiếc thương cho mọi người. Cảm kích một thi sĩ tài hoa yểu mệnh, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, người Phan Thiết sáng tác bài hát Hàn Mặc Tử. Bài hát nổi tiếng, phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi.
Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa / Lầu ông Hoàng đó dấu chân Hàn Mặc Tử đã qua …”
Đọc bài thơ và nghe bài hát trên đã thôi thúc tôi đến thăm và lần này có
dịp. Lầu ông Hoàng nằm trên đồi Bà Nài, phường Phú Hài. Đây là một quần thể đồi núi, sông biển, chùa tháp. Sau khi hòa vào dòng người viếng tháp Chăm Poshah Nư, ngó qua ngó lại chẳng thấy du khách nào, một mình tôi lặng lẽ lên đồi. Thật ngỡ ngàng trước một không gian quang đãng, không khí trong lành, kết hợp hài hòa giữa trời mây, non nước. Từ đây, ta có thể nhìn thấy biển bao la, xanh ngát, xa tít tắp đến tận mũi Né, hòn Rơm. Ngược lại là dòng sông Cái uốn lượn quanh thành phố Phan Thiết. Bên kia đồi là nghĩa trang thành phố, trong đó có mộ phần ông bà Mộng Cầm. Đây quả là một ngọn đồi đẹp, nên thơ mà công tước De Montpensier, sau mỗi lần săn bắn, ghé qua rồi quyết định mua để xây một lâu đài cho gia đình nghỉ dưỡng vào năm 1911.
Giờ đây, một công trình xa hoa, tráng lệ bậc nhất khi xưa ở Bình Thuận
nay đã bị phá hủy. Các nền móng, bức tường thành những đống gạch vụn, cỏ dại, cây cối mọc um tùm , rong rêu phủ kín trông hoang dã. Từ lâu, tôi cùng mọi người nhìn bức ảnh bốn tường gạch như hình hộp, cứ tưởng lâu đài còn sót lại. Nhưng không, đó là tháp canh với nhiều lỗ châu mai chi chít và loang lỗ vết đạn. Đây là một trong hệ thống lô cốt, đồn bót trong thời kỳ chiến tranh quân Pháp xây để canh giữ vùng Phan Thiết.


Chúng tôi say mê quan sát, ngắm cảnh mà quên cả mệt nhọc trong cái nắng nóng mùa hè miền trung. Trong lòng ngậm ngùi, tiếc nuối cho một địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ ca, không ai quan tâm, chăm sóc trở thành hoang phế.
Tiếp tục chuyến hành trình, chúng tôi đến một địa danh nữa có ít nhiều gắn bó chuyện tình xưa. Đó là quán kem plan Mộng Cầm. Xe chúng tôi đi trên đường Trần Hưng Đạo, qua cầu có dòng sông Cà Ty khoảng vài trăm mét là đến quán. Nghe đâu trước kia chỉ một, giờ thành 2 quán riêng biệt. Một mang tên Mộng Cầm xưa và Mộng Cầm.Cuối cùng chúng tôi và quán Mộng Cầm Xưa. May mắn gặp chủ quán là con gái bà Mộng Cầm. Biết tôi là du khách, cô cho biết vài thông tin. Đây là nơi ông bà chung sống, nơi có phòng kiểm định nước mắm Phan Thiết. Qua vài câu chuyện xã giao, tôi xin phép được chụp hình của bà Mộng Cầm treo trang trọng phòng khách.

Chúng tôi lưu luyến tạm biệt Phan Thiết. Thành phố biển rì rào sóng vỗ với những bãi cát trắng mịn. Đây có những bãi biển thoai thoải, nước trong xanh, sạch , an tòan nhất nhất so với những nơi tôi đã đến. Ngoài ra, còn nhiều thắng cảnh đẹp khác mà tôi không đủ thời gian. Tạm biệt Phan Thiết với miên man suy nghĩ. Một thành phố có nhiều văn nghệ sĩ, bạn bè thân thiết nhà thơ họ Hàn. Trong 5 nàng thơ, có 4 Nàng đã gắn bó với mảnh đất Phan Thiết, để lại nhiều cảm xúc cho Hàn Mặc Tử viết lên những bài thơ bất hũ mà ai cũng xúc động mỗi khi đọc Một Phan Thiết nơi ghi dấu một chuyện tình đẹp, thơ mộng giờ trở nên hoang vắng trong con mắt Thi nhân.
Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết !
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.