Gặp Lại Thầy

Tác giả: Thầy Nguyễn Văn Thái & Nguyễn Lệnh

 2} Thư của Thầy Nguyễn Văn Thái

March 21, 2021
Lệnh thân mến,
Anh hết sức cảm động khi đọc bài hồi ức của em. Hình ảnh của
các thầy, cô hiện ra rõ nét trước mắt anh. Hai dịp thầy trò đoàn
tụ thật là quý hiếm. Qua con chữ của em, tất cả hiện ra như
trong hiện tại mặc dù em viết bài này đã 17 năm.
Anh có được tin thầy Trương Ân và thầy Nguyễn Mộng Giác
mất, nhưng không biết về thầy Chính. Anh có liên lạc một đôi
lần với thầy Trác. Rất vui khi biết em có gặp thầy Tân. Hồi anh
còn ở Trường Cường Để, thầy Lễ cũng thường hay liên lạc với
anh. Thầy Thiết hiện đang ở Texas sau một thời gian ở
California, vẫn liên lạc với anh thường xuyên.
Chuyện anh nhớ học sinh Cường Để nhất là có tập Nhu Đạo với
Lệnh và việc bênh vực hai anh Năng và Quả khỏi bị đuổi học vì
đã phát biểu có tính xúc phạm ông bộ trưởng giáo dục khi ông
đến viếng thăm trường Cường Để. Trong một buổi họp hội đồng
giáo sư sau đó kéo dải từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối, anh đã nhất
quyết bênh vực quyền phát biểu chính đáng của Năng và Quả.
Một số vài chục học sinh ngồi trước nhà anh (sát trường) đợi kết
quả và hết sức vui mừng khi biết được là Năng và Quả không bị
đuổi học. Anh nghe được là Năng và Quả sau này qua Nhật học
và thành đạt, trở về nước và rất thành công.
Chúc em an lành.
Anh Thái

 1) Hồi Ức của Nguyễn Lệnh

 *.- Ngày 5/1/1997 đối với tôi là một ngày hết sức đặc biệt – đó là ngày họp
mặt lần đầu tiên giữa các Thầy Cô và cựu học sinh trường trung học
Cường Ðể Qui Nhơn tại Sài Gòn (1). Sau hơn 20 năm, Thầy và trò
trường trung học cũ của tôi mới chính thức gặp gỡ nhau trong một ngày
hội như vậy. Tôi cố hình dung trước những tình huống xảy ra với tâm
trạng hết sức nôn nao của mình, nhưng cảm xúc tràn đến trong ngày
hôm đó đã vượt quá những gì mà tôi có thể tưởng được.
Buổi chiều ngày họp mặt tôi đến sớm hơn giờ ghi trong thư mời gần 2
tiếng đồng hồ. Tôi muốn có đủ thời gian để ghi nhận và nhớ lại những
khuôn mặt của Thầy Cô và đồng môn cũ mà năm tháng đã thách thức trí
nhớ của mình. Nơi họp mặt là một quán cà phê sân vườn rộng rãi của
một cựu học sinh Cường Ðể, nằm ở một góc vắng bên dòng sông Sài
Gòn của khu cư xá Thanh Ða. Sau những cái bắt tay tiếp đón và chúc
mừng của ban liên lạc, tôi cảm thấy người tôi như nóng dần lên và ý
niệm thời gian giữa hiện tại và quá khứ cứ lẫn lộn, mơ hồ trước những
khuôn mặt quen mà lạ đang tra khảo trí nhớ của mình. Nỗi mừng vui và
lời thăm hỏi rối rít cứ tăng dần theo nhịp độ càng lúc càng nhiều người
đến dự. Thỉnh thoảng bật to những tiếng ồ, à ngạc nhiên vì sự gợi nhớ của ký ức một ai đó. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn tôi đã được
gặp lại nhiều người quen biết cũ, từng chung dưới mái trường Cường Ðể
nên tôi đã tham lam không muốn bỏ sót một ai trong lần gặp gỡ này; tôi
tận dụng thời gian để có thể gặp đầy đủ từng người. Những người bạn
đồng môn – dù là các anh chị học lớp trên, các bạn học lớp dưới hay học
ngang lớp với tôi, đều luôn gợi nhớ nơi tôi về “những ngày xưa thân ái”.
Với các Thầy Cô – dù tôi đã từng học hay chưa, ngày hôm ấy gặp lại cứ
làm cho tôi xúc động, mừng rỡ. Khi bài hát “Hiệu đoàn Cường Ðể” –
tức là bài “Hướng về chân trời sáng” của Thầy Dương Minh Ninh, được
nhiều người hát lên để khai mạc buổi họp mặt khiến cho ai cũng thấy bồi
hồi xúc động. Bài hát đã mở đầu bằng câu: “Ðường đi vui thênh thang
chân trời xanh lên tương lai…” nhưng với tôi và có lẽ với mọi người có
mặt hôm đó, giai điệu quen thuộc của bài hát đã đưa những “người
Cường Ðể” hôm đó về với quá khứ và kỷ niệm. Chỉ tiếc là đã không có
mặt tác giả bài hát – Thầy Dương Minh Ninh để cùng “về” với nhau.
Trong những năm qua, có đôi lần tôi đã về ghé thăm trường cũ. một
mình thơ thẩn bên sân trường để hồi tưởng những kỷ niệm thời hoa niên,
tôi đã cất tiếng hát nho nhỏ bài hát hiệu đoàn này khi dừng chân dưới cột
cờ để mong tìm chút âm vang ngày cũ! Lời ca bài hát nhiều người đã
quên nhưng giai điệu của nó vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Giây
phút cảm động nhất là khi các Thầy Cô được mời lên từng người một để
cho các “em” cựu học sinh – đại diện cho các thế hệ học sinh Cường Ðể
lên trao tặng hoa, bày tỏ lòng tri ân đối với người Thầy của mình. Các
“em” học sinh hôm nay trông đều đã già khi đứng trước các Thầy Cô, có
người được giới thiệu từ Pleiku, Qui Nhơn, Nha Trang vào, có người từ
Vũng Tàu, Ðồng Nai lên hay Ðà Lạt xuống. Ai cũng xúc động khi được
trực tiếp trao tặng những đoá hoa tình nghĩa cho người Thầy đáng kính
yêu của mình sau bao nhiêu năm xa vắng. Có một anh học trên tôi mấy
lớp đã đòi được trực tiếp trao tặng hoa cho chính người Thầy kính yêu
của anh ấy là Cô Lê Khắc Ngọc Cầu. Anh đã kể cho mọi người nghe những tình cảm và dấu ấn mà Cô Cầu đã để lại trong anh kể từ ngày còn
học với Cô và về lần gặp gỡ tình cờ với Cô mấy năm trước đó. Cô Cầu
cũng nhắc lại kỷ niệm sâu sắc lần gặp gỡ đó với người học trò cũ trường
Cường Ðể năm xưa trên đất Sài Gòn này. Lại một anh khác tự giới thiệu
về mình nay đã có đủ cả cháu nội và cháu ngoại, nhưng hôm nay được
đứng trước các Thầy Cô, được xưng “con” với các Thầy Cô khiến cho
anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Anh cảm thấy hôm nay mình như thể
còn nhỏ dại ngày nào dưới mái trường xưa. Anh đã tri ân các Thầy Cô
về kiến thức và đạo đức mà anh đã học được dưới mái trường Cường Ðể
để anh lấy đó dạy dỗ các con, các cháu của mình nên người hôm nay.
Suốt buổi hôm đó tôi luôn nhìn thấy nét tươi vui, xúc động trên những
khuôn mặt các trò cũ và Thầy Cô xưa – đây là các Cô Nguyễn Thị Xuân
Bích, Lê Khắc Ngọc Cầu, Lê Thị Cúc, Trần Thị Ngọc Anh, Võ Thị
Hồng Vân, Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tùng…; và đây là các Thầy Tôn
Thất Kiên, Phùng Văn Viễn, Hoàng Thạch Thiết, Võ Hồng Phong, Phan
Văn Minh, Vương Quốc Tấn, Trần Công Lễ, Nguyễn Ðình Xuân, Hà
Văn Thạnh… và 2 Thầy nữa mà tôi không nhớ tên. Có lúc các Thầy Cô
đã hòa cùng với từng nhóm học sinh trò chuyện sôi nổi, vui vẻ như bạn
cùng trang lứa.
Trong các Thầy Cô đến dự lần họp mặt đầu tiên này, sự có mặt của Thầy
hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc là điều bất ngờ và ngạc nhiên lớn cho mọi
người – cả cho các cựu học sinh và Thầy Cô trường Cường Ðể. Khi
Thầy Tôn Thất Ngạc, Cô Trần Thị Ðào, Thầy Kiên và Cô Cầu bước
xuống xe và đi vào sân, nhiều người cùng ùa đến để chào hỏi với sự
phấn khích bất ngờ. Cô Ðào với khuôn mặt hồng hào đầy đặn, luôn có
nụ cười tươi đẹp trên môi khiến cho tôi cảm thấy không có gì thay đổi
nơi Cô theo thời gian ngoại trừ mái tóc bạc trắng như cước được bới cao.
Thầy Ngạc trông mập khoẻ, tuy có già hơn xưa nhưng vẫn giữ nét nhẹ
nhàng, điềm đạm và trang nghiêm như ký ức tôi vẫn còn giữ về Thầy.
Thầy Tôn Thất Ngạc đã thay mặt cho các Thầy Cô của trường Cường Ðể cũ để bày tỏ những tình cảm của mình đối với ngôi trường xưa, với các
Thầy Cô và với những thế hệ học sinh của trường Cường Ðể cũ. Ai cũng
xúc động khi nghe Thầy nói, nhất là những ai đã từng biết về Thầy khi
còn dưới mái trường cũ. Hình ảnh Thầy hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc nói
chuyện với toàn thể học sinh dưới cột cờ trước sân trường Cường Ðể
như trở lại trong tôi và nhiều người khác vào buổi tối hôm đó. Riêng với
tôi, Thầy Tôn Thất Ngạc đã để lại trong ký ức một kỷ niệm sâu sắc về Thầy
mà tôi không bao giờ quên kể từ ngày tôi bước chân vào học ở trường
Cường Ðể. Chuyện xảy ra cho tôi vào năm tôi mới vào học lớp đệ thất –
1962 tại trường Cường Ðể cũ nằm trên đường Võ Tánh. Vào dịp tết
Trung Thu năm ấy, học sinh trường Cường Ðể đi dự lễ với mỗi người
một cái lồng đèn tự làm – có hình khối như mặt trăng, bề mặt tròn phất
giấy màu trắng đục, bên hông phất giấy màu xanh dương theo qui cách
riêng của trường mình. Tất cả học sinh đều được phổ biến trước việc
cấm đùa giỡn, ném đá vào lồng đèn của nhau trong suốt thời gian đi dự
lễ. Tối hôm ấy, sau khi tan lễ, tôi đi thẳng về nhà với cái lồng đèn còn
thắp sáng trên tay và trong bộ đồ đồng phục toàn màu trắng của học sinh
trường Cường Ðể. Khi đi ngang qua giữa công viên, tôi giật mình nghe
tiếng “bụp” của một hòn đá ném vào cái lồng đèn tôi cầm trên tay. Chiếc
lồng đèn của tôi lủng một lỗ to và suýt bị cháy. Tôi quay người lại và
phát hiện ngay một thằng bạn học ngang lớp ở ban Pháp văn, đang nhe
răng cười chọc tôi với cú ném bể lồng đèn vừa rồi. Tôi cúi tìm một hòn
đá gần đấy và rượt theo thằng bạn đang quay người bỏ chạy, để cố ném
cho bể cái lồng đèn của nó. Mới rượt được một đoạn ngắn, tôi kịp nhận
ra một ông ngồi trên chiếc xích lô đạp đang chạy ngang qua đấy, ông ra
hiệu cho xích lô dừng lại bên đường rồi bước vội đến chận thằng bạn tôi
lại. Lúc ấy tôi cũng vừa kịp nhận ra người đàn ông đó là Thầy hiệu
trưởng Tôn Thất Ngạc nên quay đầu bỏ chạy về nhà và tôi cũng kịp
nhận ra thằng bạn kia đang bị Thầy hiệu trưởng “thộp cổ”. Tuy chạy
thoát nhưng tôi vừa mừng vừa lo! Qua sáng thứ hai đi học trở lại, sau lễ chào cờ trở về lớp học, tôi cảm thấy an tâm hơn vì không có gì xảy ra
cho tôi. Một lúc sau, trong khi lớp đang học, bỗng Thầy tổng giám thị
Lương Thanh Danh vào lớp và gọi đích danh tôi lên đi theo Thầy. Cả
lớp thắc mắc không hiểu chuyện gì, riêng tôi đã tự đoán biết tội lỗi của
mình nên riu ríu theo sau chân Thầy tổng giám thị. Sau khi Thầy tổng
giám thị đi một vòng các lớp để điểm mặt và lôi những trò vi phạm kỷ
luật trong đêm Trung Thu gom về một chỗ, Thầy tổng giám thị đã mắng
cho cả đám một trận ra trò! Quả thật lúc bấy giờ, lũ học trò mới vào
trường Cường Ðể như chúng tôi rất sợ oai của Thầy tổng giám thị, cho
nên tuy đã tự trấn an rằng mình “chưa ném đá” và không bị “bắt tận tay”
tôi cũng thấy “hơi run” khi bị Thầy tổng giám thị quở mắng. Có lẽ vì cái
“ấn tượng ban đầu” về tính kỷ luật của nhà trường như vậy mà suốt
những năm còn lại của tôi ở trường trung học Cường Ðể tôi chưa hề vi
phạm kỷ luật thêm một lần nào khác nữa. Hình ảnh trang nghiêm của
Thầy hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc vẫn như một biểu tượng ở trong lòng
tôi về tính kỷ luật của ngôi trường Cường Ðể thân yêu. Duy chỉ một điều
làm tôi thắc mắc mà chẳng dám hỏi ai lúc bấy giờ kể cả thằng bạn đã
ném đá – đó là tại sao thằng bạn tôi vốn là thủ phạm gây chuyện và bị
bắt tận tay lại không bị gọi lên bữa đó? Tôi đã từng nghĩ rằng mình bị nó
khai ra với Thầy hiệu trưởng thì không oan rồi, nhưng tại sao nó lại “vô
can” còn tôi là nạn nhân lại bị phạt. Mãi đến cách đây mấy năm khi có
dịp gặp lại người bạn cũ ấy – hiện đang định cư ở Hoa Kỳ, nhắc lại
chuyện xưa tôi mới được người bạn ấy giải thích rằng sở dĩ anh ta không
bị gọi lên vào hôm ấy là vì thời khóa biểu lớp anh ta không có học vào 2
giờ đầu sáng thứ hai hằng tuần nên anh ta may mắn thoát nạn !
Ðược gặp lại các Thầy Cô của trường Cường Ðể cũ là niềm hạnh phúc
không gì so sánh được của tôi, nhưng được gặp lại Thầy hiệu trưởng
Tôn Thất Ngạc trong ngày họp mặt ấy là niềm vui bất ngờ làm tôi xúc
động nhất. Tuy không được nói chuyện với Thầy nhiều và Thầy cũng chẳng nhận biết được tôi là ai trong hàng ngàn học sinh cũ của Thầy
nhưng trong tôi hình ảnh của Thầy luôn đi cùng với “trường Cường Ðể”.

@
*_Ngày 5/1/1998 đối với tôi lại cũng là một ngày hết sức đặc biệt – ngày
họp mặt lần thứ hai giữa các Thầy Cô và cựu học sinh trường trung học
Cường Ðể Qui Nhơn tại Sài Gòn (2). Thật lý thú khi ngày gặp gỡ lần
này lại trùng với lần trước, chỉ khác địa điểm là lần này họp mặt tại một
hội trường lớn trên lầu 2 Nhà hữu nghị đường Thống Nhất cũ. Tôi đến
rất sớm, tại bàn tiếp đón tôi được ký tên lưu niệm trên một lá cờ lớn có
vẽ hình ngôi trường Cường Ðể cũ với 3 gian làm lớp học cho các lớp đệ
thất, lục vây quanh sân trường và cột cờ ở giữa. Gần sát gian nhà lá của
lớp đệ thất 3 và 4 có vẽ một cây me tây lớn, trên cành thấp nhất treo một
cái kiểng sắt tròn. Trên lá cờ ấy cũng vẽ một cái huy hiệu của trường
Cường Ðể với hình một đóa hoa nở ra trên một trang sách rộng mở làm
nền cho một cánh tay khoẻ cầm bó đuốc giơ cao. Ai đến dự buổi họp
mặt cũng đều ký tên trên lá cờ này để làm kỷ niệm.
Lần họp mặt này tôi lại được gặp và biết thêm được nhiều anh chị cựu
học sinh do mới tham dự lần đần đầu. Về phía các Thầy Cô có Cô Lê
Khắc Ngọc Cầu, Lê Thị Cúc, Trần Thị Ngọc Anh, Công Huyền Tôn Nữ
Thanh Tùng …; và Thầy Tôn Thất Kiên, Hoàng Thạch Thiết, Phùng
Văn Viễn, Võ Hồng Phong, Phan Văn Minh, Vương Quốc Tấn, Trần
Công Lễ, Nguyễn Ðình Xuân, Trần Công Ly Tao và hai Thầy khác mà
tôi không nhớ tên. Trong các Thầy Cô tôi được gặp lại lần này có hai
người mà khi gặp lại đã làm cho tôi vô cùng xúc động – người thứ nhất
là Thầy Dương Minh Ninh, Thầy dạy nhạc của tôi và của tất cả học sinh
đã học qua bậc trung học đệ nhất cấp trường Cường Ðể. Gặp lại Thầy
Dương Minh Ninh là một bất ngờ đối với tôi và nhiều người khác nữa, trong nhiều năm qua không ai có được tin tức gì về Thầy, hoặc chỉ là
những tin tức rất mơ hồ rằng Thầy đã trôi giạt về một vùng kinh tế mới
nào đó. Nhờ vào lời nhắn chuyển trên giấy mời họp mặt của ban liên lạc,
Thầy Dương Minh Ninh đã xuất hiện đột ngột làm mọi người ngạc nhiên
không ít. Tôi là người may mắn chứng kiến lúc Thầy Dương Minh Ninh bước lên khỏi cầu thang cùng với Cô – vợ của Thầy. Tôi đã reo to lên tên của Thầy cùng với cái bắt tay mừng rỡ. Lúc đó Thầy Phùng Văn Viễn đang
cầm máy ảnh chụp hình, kịp nghe gọi tên Thầy Dương Minh Ninh, đã quay người lại, tiến đến bắt tay và cả hai Thầy cùng ôm chặt lấy nhau. Ðây là niềm vui hiếm có đối với tôi khi được tận mắt nhìn thấy hính ảnh hai người Thầy mừng vui gặp nhau sau bao năm xa cách. Hai Thầy dạy nhạc và dạy vẽ là hình ảnh sánh đôi mà bất kỳ một học sinh nào khi bước chân
vào trường Cường Ðể đều phải học qua trong 4 năm đầu. Mọi người
hôm đó chào đón sự xuất hiện của Thầy Dương Minh Ninh hết sức nồng nhiệt như đón chào một người thân bặt tin lâu ngày trở về.
Người Thầy thứ hai mà trong lần gặp này đã để lại trong tôi ấn tượng
sâu đậm là lần gặp Cô Ngô Thị Hoa – vợ của Thầy cố hiệu trưởng
Trương Ân. Cô Hoa từ Pháp về VN nhằm vào dịp họp mặt lần thứ 2 này
là một bất ngờ lớn cho mọi người có mặt hôm ấy. Một điều thú vị khác
cho mọi người và là một kỷ niệm đẹp cho Cô Hoa khi gần cuối buổi họp
mặt, ban liên lạc đã đưa ra bán đấu giá lá cờ có vẽ ngôi trường Cường
Ðể cũ, có hình huy hiệu của trường cùng với chữ ký của các Thầy Cô và
cựu học sinh trên đó, nhằm gây quỹ học bỗng cho học sinh nghèo hiếu
học hiện nay của ngôi trường Cường Ðể cũ. Cuộc đấu giá chỉ còn lại 2
người cạnh tranh là Thầy Phùng Văn Viễn và Cô Ngô Thị Hoa. Các cựu
học sinh Cường Ðể đều lần lượt rút lui để nhường lại cuộc đua cho 2
người Thầy mà họ đều kính yêu – và cùng đều thể hiện quyết tâm muốn
giữ lá cờ làm kỷ niệm. Sau cùng Thầy Phùng Văn  Viễn đã phải tuyên bố rút lui khỏi cuộc đấu giá, không phải vì không đủ quyết tâm theo đuổi mà chỉ vì người cũng quyết tâm không kém Thầy lại là Cô Hoa – một người mà Thầy rất quý trọng nên Thầy xin rút lui và nhường lại niềm vui này cho
Cô Hoa. Cô Hoa đã nói lời cám ơn Thầy Viễn nhường lại cho Cô niềm
vui giữ được lá cờ kỷ niệm đầy ý nghĩa này. Cô nói đối với Thầy
(Trương Ân) và Cô thì ngôi trường Cường Ðể cùng với các Thầy Cô và
các học trò của trường đã để lại rất nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong cuộc đời
và sự nghiệp của Thầy và Cô. Vì vậy đối với Cô trong chuyến về VN lần
này, khi có cơ hội để có được một vật kỷ niệm rất ý nghĩa về trường
Cường Ðể như thế này, cô không thể nào dừng lại ý muốn có được một
kỷ vật như vậy khi trở qua Pháp. Tôi biết trước kia Thầy Phùng Văn Viễn đã
từng vẽ một bức tranh về ngôi trường Cường Ðể cũ, còn cái huy hiệu
trường Cường Ðể đã được vẽ lại trên lá cờ hôm nay chính là tác phẩm
của Thầy năm xưa – với Thầy Dương Minh Ninh dạy nhạc, đã để lại cho các thế hệ học sinh bài hát hiệu đoàn Cường Ðể; còn với Thầy  Phùng Văn Viễn dạy vẽ, đã để lại hình ảnh huy hiệu Cường Ðể. Hãnh diện thay cho những ai là cựu học sinh Cường Ðể như tôi! Nhưng sau đó ban liên lạc đã đề nghị được tặng cho Cô Hoa lá cờ kỷ niệm đó, còn cuộc bán đấu giá theo dự tính ban đầu được hủy bỏ và dời lại vào dịp khác. Ðáp lại, Cô Hoa xin được đóng góp một số tiền tượng trưng vào quỹ học bỗng của trường.
Ðối với riêng tôi, ấn tượng sâu sắc trong lần gặp lại Cô Hoa không chỉ là
những gì xảy ra trong lần họp mặt thứ hai này mà chính là việc gặp Cô
một tuần lễ trước đó. Hôm đó, được tin Cô Hoa về VN và đang ở tại nhà
Cô Trương Thị Mỹ Linh – em ruột Thầy Trương Ân và là vợ của Thầy
Nguyễn Phụ Chính, tôi và một người bạn đã đến thăm Cô Hoa tại nhà
Cô Mỹ Linh, nằm trong một con hẻm lớn, bên cạnh trường đại học Vạn
Hạnh cũ. Gặp lại được Cô Hoa – và cả Cô Mỹ Linh nữa, chúng tôi vui
mừng thăm hỏi Cô đủ chuyện nên được biết Cô về chuyến này là để đưa
di cốt của Thầy cố hiệu trưởng Trương Ân về an nghỉ tại quê nhà ở Nha
Trang. Sau đó, tôi và người bạn được Cô dẫn lên trên lầu để viếng Thầy.
Tôi đã thật sự rất xúc động và có phần bất ngờ vì khi thắp hương và
chiêm bái, trước mặt tôi không chỉ là di ảnh của Thầy cố hiệu trưởng Trương Ân mà bên trái còn có cả di ảnh của Thầy cố hiệu trưởng
Nguyễn Phụ Chính. Ðiều may mắn nào đã cho tôi cơ hội này, sau bao
năm xa cách, chỉ nghe tin về sự ra đi của hai Thầy hiệu trưởng, nay bỗng
nhiên được hội ngộ cùng lúc với hai Thầy qua di ảnh trong sự lắng đọng
và trang nghiêm. Nhìn di ảnh hai Thầy, tôi không chỉ hình dung lại
những giờ lên lớp của Thầy Chính hay những lần nói chuyện trước học
sinh của Thầy Ân mà còn cả những lúc tôi tập luyện judo với hai Thầy
trên thảm tập của Hội quán Hướng Ðạo Bình Ðịnh ở Qui Nhơn. Tôi tự
nhủ rằng duyên may đã cho tôi được gặp lại hai Thầy cố hiệu trưởng
ngôi trường thân yêu của tôi.

@
Mùa hè năm 2002, trong lúc còn đang dưỡng bệnh ở ngoại ô Sài Gòn,
qua điện thoại từ nơi làm việc của ông anh họ, tôi được nói chuyện với
Thầy Phan Bá Trác vừa từ Hoa Kỳ về thăm nhà. Qua giọng nói không có
gì thay đổi của Thầy trên điện thoại sau 34 năm không gặp, tôi nôn nóng
mong được gặp lại Thầy nên đã vội về ngay Sài Gòn để gặp Thầy và Cô
– hôm đó có cả Thầy Vương Quốc Tấn và một số anh chị cựu học sinh
Cường Ðể. Tôi thật sự vui mừng vì không ngờ Thầy còn nhớ và nhận ra
tôi. Qua thăm hỏi, tôi nhận thấy Thầy không mấy thay đổi – từ cách nói
lẫn nét mặt và nụ cười hiền hậu như ngày nào tôi còn ngồi ở bàn học
nhìn Thầy giảng bài. Ðược biết sau khi qua định cư ở Hoa Kỳ, Thầy
không những tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục của mình mà còn đạt
được những thành tựu mới trong nghiên cứu và học vị, tôi vô cùng khâm
phục nghị lực nơi Thầy. Ðiều làm cho tôi cảm kích và thấy hạnh phúc vô
cùng chính là vào dịp cuối năm đó tôi đã nhận được thiệp Noel do Thầy
gởi về, và một điều bất ngờ hơn là Thầy đã gọi điện thoại từ Texas về
chúc Tết tôi trong dịp năm mới đó. Tôi không nghĩ mình có được hạnh
phúc lớn này nên đã không nhận ra được ngay người gọi là Thầy dù Thầy đã xưng tên ngay từ đầu. Tôi đã nói cám ơn Thầy mà ứa nước mắt
vì sung sướng!
Tháng 3/2003 tôi bất ngờ đến gần như sửng sốt khi ghé qua nhà một
người bạn và gặp lại người Thầy mà đối với tôi là khoảng thời gian lâu
nhất – 43 năm. Ðó là Cô Hoàng Thị Ngọc Ðiểu, cô giáo dạy lớp 3B
trường tiểu học Nguyễn Huệ mà tôi đã học vào niên khoá 1959-1960.
Lần đầu tiên sau nhiều năm sống ở nước ngoài, nay Cô mới về thăm quê
nhà cùng với Thầy Nguyễn Ðức Giang và tôi thật sư may mắn khi được
gặp cả Cô và Thầy. Cô đã không nhận ra và không nhớ gì về tôi bởi thời
gian thì quá lâu mà Cô thì có không biết bao nhiêu là học trò. Nhưng đối
với tôi Cô là người Thầy đã để lại dấu ấn lớn trong đời học sinh của
mình. Không biết có phải do đặc tính nghiêm khắc của Cô hay không mà
năm học lớp 3 là năm tôi học giỏi nhất, có thành tích cao nhất. Tôi
không những luôn được bảng danh dự mỗi tháng mà còn được phần
thưởng nhất lớp cuối năm. Tôi còn nhớ rất rõ là cuối năm ấy, khi lãnh
phần thưởng về nhà, tôi đã bị người nhà trêu chọc là sao không có ai đi
theo để khiêng giùm phần thưởng vì nó khá lớn so với người tôi. Tôi vui
mừng kể lại với Cô ấn tượng ngày xưa ấy như nhắc chuyện cổ tích –
chuyện cổ tích đẹp trong đời học sinh của tôi. Tôi được tiếp chuyện
nhiều hơn với Thầy Giang và qua Thầy tôi được nghe và hiểu thêm về
những chuyện đã qua, chuyện hôm nay của các Thầy Cô, các học sinh
và ngôi trường Cường Ðể thân yêu. Với tôi trường trường tiểu học
Nguyễn Huệ và trường trung học Cường Ðể là bước tiếp nối như anh em
trong một nhà bởi vì khi tôi học lớp nhất B trường tiểu học Nguyễn Huệ
năm 61-62 thì sang năm sau 62-63 tôi qua học lớp đệ thất 4 trường trung
học Cường Ðể chỉ cách nhau một cái hàng rào kẽm gai. Do vậy khi gặp
lại Cô Ðiểu và Thầy Giang cùng một lúc, tôi có cảm giác như được gặp
lại tất cả những người Thầy trong đời học sinh của tôi.

*_Ngày 2/8/2003 lại là một ngày rất đáng nhớ trong đời tôi. Ngày ấy tôi
phải đáp chuyến bay từ Sài Gòn về Qui Nhơn để làm một việc quan
trọng cho gia đình. Trong lúc ngồi trong phòng đợi ở phi trường Tân
Sơn Nhất tôi đưa mắt lơ đãng nhìn quanh, tôi chợt bắt gặp một khuôn
mặt với nét quen thuộc của một người đàn ông đã đứng tuổi đang đứng
chờ trước quầy sách báo. Nhìn cách ăn mặc tôi đoán chừng là người từ
nước ngoài về – áo sơ mi dài tay màu xanh nhạt với quần tây sậm, giày
thề thao và một ba lô du lịch khoát trên vai. Tóc ông đã bạc nhiều, bồng
bềnh trên cặp kính trắng với cái nhìn nghiêm trang. Chính khuôn mặt có
phần khắc khổ với gò má trái hơi bị lệch dài xuống cái cằm vuông
cương nghị là nét quen thuộc nhất đập mạnh vào ký ức của tôi từ cái
nhìn đầu tiên. Tôi lục lọi trí nhớ để cố nhận biết nét quen thuộc kia thuộc
về ai mà chẳng tài nào nhớ ra được. Tôi xách cặp đứng lên và tiến về
hướng ông đang đứng. Tôi cố nhìn rõ hơn khuôn mặt của ông khi đi
ngang qua và tôi cũng kịp nhận thấy ông đưa mắt quan sát tôi. Qua khỏi
vài bước chân, trong đầu tôi bỗng choáng ngợp khi nhận ra hình ảnh
quen thuộc kia. Tôi kêu ồ lên và quay ngoắc lại, tiến đến trước mặt ông:
“Thưa… có phải là Thầy Nguyễn Mộng Giác không ạ ?” Ông trả lời như
thể cũng vừa nhận ra tôi: “Phải, còn anh có phải là…”. Tôi vô cùng
mừng rỡ mà có phần bối rối vì bất ngờ nhận ra Thầy. Những lời thăm
hỏi sau đó đã làm ký ức tôi lướt qua quãng thời gian 25 năm kể từ ngày
gặp Thầy lần trước khi Thầy đang đứng mua sách trước một quầy bán
sách cũ ở quận I, Sài Gòn. Sau lần gặp đó tôi nghe tin Thầy đã vượt biên
sang định cư ở Hoa Kỳ. Tôi đã không nhận ra Thầy sớm vì nay Thầy
mập hơn so với lần gặp trước. Từ lúc nhận ra nhau, tôi và Thầy đã trò
chuyện không ngừng nghỉ – lúc ngồi trên máy bay và trên xe taxi từ phi
trường Phù Cát về thành phố Qui Nhơn. Những câu chuyện về trường
cũ, lớp cũ; về Thầy Cô cũ, các trò cũ nay thế nào, sống ở đâu…và cả
việc tái bản cuốn sách của Thầy. Ðối với tôi Thầy Nguyễn Mộng Giác là người Thầy mẫu mực mà tôi luôn yêu quý. Tôi đã nghĩ Thầy là hình ảnh kế thừa của một người Thầy đáng kính mà tôi từng biết tên là Nguyễn
Ðồng, làm hiệu trưởng trường trung học Bình Khê trước kia. Thầy hiệu
trưởng Nguyễn Ðồng được các Thầy Cô, các học sinh và phụ huynh
kính yêu vì phẩm cách của Thầy. Có chuyện một phụ huynh đi xe đạp
cùng chiều với xe đạp của Thầy Nguyễn Ðồng trên con đường làng, khi
vị phụ huynh kia đạp xe nhanh hơn và vượt qua xe đạp của Thầy, đã đưa
tay giở nón xuống rồi cúi đầu chào Thầy mà mặt vẫn hướng về phía
trước. Thầy Nguyễn Mộng  Giác đã lên làm hiệu trưởng trường trung học Cường Ðể cũ của tôi sau khi tôi rời khỏi trường.
Thời gian bên nhau quá ngắn, không đủ cho hai Thầy trò tôi nói hết
những điều muốn nói. Tôi và Thầy chia tay nhau khi xe taxi về đến
thành phố Qui Nhơn và hẹn mong có ngày gặp lại mà không biết khi nào
! Thầy về thăm thân mẫu và thân nhân của Thầy 1 tuần lễ, còn tôi về nhà
ba má tôi. Hôm sau tôi phải trở vào Sài Gòn ngay mà không có dịp gặp
lại Thầy.

Nguyễn Lệnh
Xuân Giáp Thân – 2004
——————-
(1) Danh sách liên lạc được 13 Thầy Cô và 104 cựu học sinh nhưng tổng
số tham dự thực tế hôm đó là 137 người.
(2) Danh sách liên lạc được là 27 Thầy Cô và 174 cựu học sinh nhưng
được bổ sung thêm 39 người nữa, nâng tổng số cựu học sinh trong danh
sách lên 213 người.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.