Hè Muộn, Nhớ Thanh Trà Huế.

Tác giả: Tống Văn Thuỵ

Hàng năm, khi trời ngả sang thu, gió bớt khô khốc, tôi lại muốn quay về. Huế đang mùa thanh trà. Bên vệ đường không xa cầu Truồi, nơi mặt tiền những ngôi chợ, trên con đường đồi dốc lên lăng Minh Mạng, màu xanh dịu nhẹ những quả thanh trà xếp thành hình nón hay bày la liệt đó đây khiến nắng hè như bớt chói chang.

Mùa thanh trà trải dài từ tháng 7 đến tháng 9. Thanh trà là giao mùa Huế. Hình như, hai tiếng thanh trà chỉ loanh quanh từ phía nam sông Mỹ Chánh đến bắc đèo Hải Vân. Vượt qua dải đất này, thanh trà là bưởi. Đi khoảng 300km ra phía Bắc, dân gian quen với bưởi Phúc Trạch ở Quảng Bình, vương quốc của những hang động đá vôi. Vào miệt vườn theo chân cô Ba Nam Bộ, bạn thưởng thức bưởi hồng, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi…

Thanh trà họ bưởi. Ở Huế, ngoài thanh trà còn có thanh nhu, trái hơi nhọn, vị the hơn người chị thanh trà. Như Thúy Kiều và Thúy Vân. Quả thanh trà ngon, vỏ thường mỏng như vỏ cam. Bóc quả thanh trà, bạn bâng khuâng vì mùi hương rất nhẹ, thoáng chút hạnh phúc tản mạn đâu đó trong không khí. Thưởng thức từng múi thanh trà như từ tốn nhấp từng ngụm trà xanh, tìm về khoảng lặng giữa hai giấc mơ, ngoài kia sông cứ lững lờ trôi.

Ở Thừa Thiên-Huế, những làng trồng thanh trà thường nằm ven sông. An Lỗ có con sông Ô Lâu chảy ngang qua trước khi đổ ra phá Tam Giang. Thủy Biều, tên cũ Nguyệt Biều, khép mình bên trong những bãi bồi dọc sông Hương. Đình Môn- Đá Hàn- La Khê trông như một cù lao xanh trong vòng tay hai nhánh Tả Trạch- Hữu Trạch hợp thành sông Hương. Phía nam Huế, nơi “xứ Truồi mây trắng lắm”, có con sông cùng tên, nước trong xanh, cả trong mùa mưa bão. Dòng nước vỗ về cây trái. Đất-nước-cây trái-con người hài hòa nương vào nhau, để cuộc sống thăng hoa. Cũng phải kể thêm thời tiết nắng mưa để hoa trái thêm chút hương mùi.

Mùa thanh trà. Để lựa được chục trái vừa ý thì đành hên-xui, ngoài tầm tay, lại phải nhờ quý cô hay mẹ chị nhà vườn, bởi quả nào cũng giống quả nào. Kinh nghiệm dân gian mách bảo: hãy chọn quả nằng nặng, có dấu chim hay dơi thử trước, vì chim chóc đánh hơi nhanh nhạy hơn con người, kích cỡ cũng không bảo đảm hương vị, bởi nhiều khi quả to chỉ là… phồn hoa giả tạo. Mua thanh trà dọc đường, nhiều khi còn được người bán góp ý: “Chú chọn quả nhỏ ni nè. Nhỏ mà… có võ.”

Vườn nhà có ba cây thanh trà, trồng đâu được năm năm thì cho quả. Hai cây góc vườn, vỏ mỏng, những múi thanh trà ngọt và thanh. Riêng cô em út, đứng một mình nhìn ra dòng sông có những tảng đá chận ngang dòng. Vỏ mỏng nhưng múi thanh trà khô như gió Lào tháng hạ. Tôi bình thản thưởng thức hoa trái vườn nhà thì bà o già, lưng đã còng, với tay lấy lại quả thanh trà đã bóc vỏ, miệng lẩm bẩm: “Cây ni, trái để dành bóc vỏ cho… gà ăn”. Thế gian đổi trắng thay đen, riêng Mệ Huế vẫn như ngày xưa, thuở tôi còn được đội một chiếc mũ từ vỏ thanh trà vừa bóc.

Hè muộn năm nay, tôi được người thân tặng một giỏ thanh trà cuối mùa. Quà quê. Nhờ lớp vỏ xanh, cây trái có thể để lâu. Tôi sẽ bày dĩa hoa quả trên bàn thờ, giã từ mùa hạ, nhẹ bước sang thu, mùa đi học. Trong ký ức, hương mùi hoa trái thân quen.

TỐNG VĂN THỤY. 9/2022

Leave a Reply

Your email address will not be published.