Alexis Zorba

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Hôm ấy, một ngày đẹp trời, buổi chiều cuối tuần im ắng. Tôi ngồi ở chiếc bàn vuông dưới chân cầu thang nhà, nơi thoáng mát yên tĩnh, mà gặm nhắm từng trang sách. Một người bạn, thuộc lớp đàn anh, đến hỏi thăm tin tức dạy kèm trẻ em, thấy tôi đang cầm quyển sách dày cộm, anh nói, không ra ngoài bát phố sao, và liền hỏi sách gì đó? Tôi đưa bìa sách lên, anh nói, ồ nó hay lắm, rất tuyệt vời. Đọc xong chưa? Tôi nói chưa, nhưng gần xong. Ừ, Hermann Hesse, không dễ nuốt đâu, từ từ mà gặm. Và anh giới thiệu tôi một quyển sách khác, đề cập chủ đề tương tự  nhưng diễn tả cuồng nhiệt hơn, dữ dội hơn… Nói xong, anh rời nhanh. Tôi đang còn lơ lửng phiêu lưu với chàng Goldmund trong trang sách nên không lưu tâm lắm. Thứ bảy tuần sau, tôi lang thang trên phố Lê Lợi ghé qua mấy Kiosk sách báo, rồi băng qua đường Nguyễn Huệ nơi nhiều kiosk về nhạc, và thu cassette tape. Một vòng như thế là đủ biết cái gì mới mẻ xuất hiện trong xã hội đương thời, đủ mọi lãnh vực. Phần không thể thiếu trước khi về nhà là ghé các hàng sách “xôn” góc đường Lê Lợi và Công Lý kéo dài đến Huỳnh Thúc Kháng. Lui tới qua lại không biết bao nhiêu lần cởi ngựa xem hoa, chợt nhớ tới lời giới thiệu anh bạn về một quyển sách nhưng không nhớ tên. Cố nhớ thì mơ màng hình như sách có tên nửa tiếng Tây, nửa tiếng Ta. A, nó đây rồi, trước mặt tôi tấm bìa sách phất phơ trong nắng gió: Alexis Zorba, con người chịu chơi, của Nikos Kazantzaki.

Ogre, nhân vật xưng tôi trong truyện, ngồi trong quán cà phê ở bến tàu chờ thuyền đi ra đảo Crete. Trong lúc chờ anh nhớ đến bạn Stavridaki, cũng rời đi từ bến tàu này để đến vùng Caucasus, miền nam nước Nga cứu giúp người Hi Lạp sống ở đó đang bị cuộc chiến giữa các phe phái đe dọa. Anh thu mình trong góc, hồi tưởng cuộc trò chuyện với bạn nói về “giác quan linh cảm”.

 

          Chúng tôi, những kẻ từ bao năm nay, thường nhạo báng những cuộc “chạy trốn” siêu hình và bỏ tất cả những kẻ ăn chay, những nhà thông linh học, thông thần học và ngoại chất học vào cùng một rọ…
– Sao nữa? Tôi gặng hỏi, cố gắng phỏng đoán ý hắn.
– Chúng ta hãy coi đó như một trò chơi,
bạn chịu không?
Hắn nói nhanh, để thoát ra khỏi câu nói nguy hiểm hắn vừa mắc vào. Nếu kẻ nào trong hai chúng ta gặp cơn hiểm nghèo
(lâm tử nạn), chúng ta hãy nghĩ đến nhau thật mãnh liệt để báo tin cho người kia…  dầu ở nơi nào… Ðồng ý?
Hắn gượng cười, nhưng môi hắn, như bị đông giá, vẫn bất động.
– Ðồng ý, tôi nói.
Ðó là những lời cuối cùng chúng tôi nói với nhau

 

Xem đến đây, tôi tự dưng nhớ đến câu chuyện đối thoại sao giống mình quá. Cũng chỉ một năm trước thôi, anh bạn tôi, cùng lớp nhưng lớn tuổi, bị luật tổng động viên tác động nên phải nhập ngũ. Trước khi lên đường, anh dành cả một buổi chiều tâm sự tôi về đủ mọi thứ. Tâm trạng anh lo âu, bối rối, bởi cuộc chiến đang hồi khốc liệt, kẻ ra đi không hẹn ngày về. Khi đề cập vấn đề siêu hình, tôi bật nói, nếu cậu có mệnh hệ gì nơi chiến trường, nhớ về báo mộng cho tớ, để tớ biết có linh hồn không? Hay mọi thứ chỉ là cát bụi. Những năm sau nếu thi rớt thì tớ cũng phải ra chiến trường như cậu, nếu tớ tiêu tùng, thì tớ cũng về báo mộng cho cậu. Cả hai chúng cũng nói lời cuối cùng với nhau như thế.

 

“- Au revoir nhé, mọt sách!” Ogre bị bạn anh chế nhạo trước khi họ siết chặt tay nhau và rời đi. Anh suy nghĩ về bản thân và cảm thấy xấu hổ, chợt nhớ lại cuộc đời anh đã sống, đã thể nhập trong danh từ đó. Sao một kẻ yêu đời tha thiết như anh, lại để mình vướng mắc trong đống sách ngồn ngộn, một đống giấy với mực đen ngòm lâu đến như vậy. Trong buổi chia tay, bạn đã giúp anh thấy rõ mình.  Đó là lý do anh muốn bỏ lối sống cũ, đến đảo Crete khai thác một mỏ than bùn, để sống hòa đồng với những con người đơn giản, những nông dân, những thợ thuyền.

Nơi bến tàu, anh gặp một gã lang bạt kỳ hồ xin đi theo phụ giúp việc khai thác hầm mỏ. Câu chuyện kể theo tình thế triển khai dần giữa ông chủ và người đốc công (bác du đảng già, anh thanh niên trí thức gọi thế) tự xưng tên là Alexis Zorba.

Cả hai đến đảo Crete, tạm trú nơi ‘lữ quán” tuềnh toàng của Madame Hortense, một nàng ca kỹ già người Pháp sau những tháng ngày phóng đãng lui về neo đậu nơi làng chài nghèo này. Vừa nhìn thấy mụ thì mắt gã lão Zorba nheo nheo sáng rỡ, khều ông chủ lưu ý cái cách mụ đánh hông nhóp nhép, như con cừu lắc lư cái đuôi núng nính đầy mỡ. Anh thanh niên trí thức bao năm qua khinh miệt những lạc thú xác thịt, bị lôi cuốn với cái lối diễn tả hóm hỉnh của lão. Zorba kể chuyện về cuộc đời của mình, đã từng đến nhiều nơi như vùng Macedonia, vùng nam nước Nga, vùng Constantinople (Istanbul, Thổ), làm mọi thứ, bán dạo, hầm mỏ, lão nói về mọi thứ, bình phẩm về cuộc đời, về đàn bà. Rồi lão triết lý sau khi nốc cạn ly rượu:

 

            – Cuộc đời thực đĩ thõa! Hắn càu nhàu, con đĩ! Nó giống y như con mụ Bouboulina (Zorba đặt biệt danh cho bà chủ trọ). Tôi bật cười.

            – Xin ông lắng nghe tôi, ông chủ, đừng cười. Cuộc đời giống y như con mụ Bouboulina. Nó già rồi, phải không? Ðược lắm nhưng nó không kém cay đâu. Nó biết những mánh lới làm ông điên đầu. Khi nhắm mắt lại, ông sẽ tưởng mình đang ôm trong tay một cô gái đôi mươi. Chắc chắn thế (mụ đúng là gái hai mươi), ông bạn ơi khi ông bạn đang hành sự và đã tắt hết đèn đóm đi.

 

Rõ là Zorba cùng hội cùng thuyền với Quan cụ, kẻ mò vào với chị Dậu trong căn phòng tối om: “Khẽ chứ. Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh”. Zorba hỏi anh và cũng tự hỏi mình, đàn bà là gì ? Tại sao lại khiến đầu óc chúng ta điên đảo?  Rồi lão kể, ông nội lão biết nhiều về đàn bà “Cháu Alexis. Người đàn bà ăn trộm táo vườn Ðịa Ðàng và giấu vào ngực áo và bây giờ ưỡn ngực ra nhởn nhơ đi qua đi lại. Ðồ mắc dịch! Nếu con ăn những trái táo đó con sẽ hư mất. Nếu con không ăn, con còn hư mất hơn nữa. Vậy ông có thể khuyên con điều gì, hả con? Làm cái gì con thích!” Lão nói ông nội lão đã nói với lão như thế đó. Và lão cũng đi con đường giống vậy. Zorba kể khi đến miền Novo Rossisk nước Nga thấy cô thôn nữ  dong dỏng săn chắc.

 

            “Tôi len lỏi vào chợ khi tôi thấy một thôn nữ cao độ mét tám với đôi mắt mầu xanh nước biển, và đùi với mông đó… một con ngựa cái, thực thế!… Tôi chết đứng.
“Này, Zorba đáng thương ơi! Tôi tự nhủ, đời mày tàn rồi!”
“Tôi bắt đầu đi theo nàng. Và tôi nhìn nàng không chán… không thể nào dời mắt đi chỗ khác được! Anh phải thấy hai cái mông nàng đong đưa như chuông nhà thờ ngày lễ Phục Sinh!

 

Hai cái mông nàng đong đưa như chuông nhà thờ ngày lễ Phục Sinh? Cái lối diễn tả hau háu trần tục đánh mạnh vào trí tưởng của tôi. Không giống với chàng Goldmund trong “Đôi Bạn Chân Tình” tôi vừa đọc xong. Goldmund nằm giữa cô chị Lydia vẻ thánh thiện, và cô em là Julie gợi nhục cảm, mà cảm thấy khó xử, không điều gì xảy ra, nhưng để rồi nhà quí tộc chủ nhân dinh thự biết được, tống cổ chàng ra ngoài bìa rừng. Cái tình cảm lãng mạn ấy còn lãng đãng trong đầu tôi tuần trước, giờ biến đi, nhường cho cái thật trần tục nhưng cũng thật đầy ắp sinh động và lý thú qua lời kể của Zorba .

 

Ogre cùng Zorba vào làng thuê người, lập khu khai thác hầm mỏ và dựng túp lều sống gần biển. Anh thán phục thái độ gan dạ và đơn giản của lão, lão nhanh chóng thích nghi với thế giới xung quanh, thân thể và tâm hồn lão hợp thành một hòa điệu, với tất cả mọi sự, nhân công, mụ Bouboulina, nàng ngư nữ của gã, bánh mì, nước sốt thịt, giấc ngủ, chúng kết hợp một cách hân hoan với xác thịt lão và trở thành Zorba. Lúc đầu anh đi với lão. Anh quan sát nhân công. Anh cố gắng tìm một con đường mới, chú ý tới những công việc thực tiễn. Và anh có những dự định lãng mạn – nếu việc khai thác mỏ than thành công, anh sẽ tổ chức một thứ đoàn thể trong ấy tất cả mọi người đều lao động, tất cả đều là của chung, ăn cùng một thực phẩm và mặc cùng một thứ quần áo như anh em một nhà. Anh muốn tạo ra một trật tự tôn giáo mới, chất men của một cuộc sống mới. Nhưng Zorba rất tháo vát, đã làm thay anh hết mọi thứ ở mỏ than. Việc còn lại là anh chỉ xem xét tổng thể công việc mà thôi. Zorba thấy anh đến hầm mỏ lân la thăm hỏi thợ thuyền, gia cảnh của họ, cuộc sống họ. Lão bực mình gắt gỏng bắt anh tránh xa.

 

            “Ðừng đi sâu vào chuyện của họ, ông chủ, Zorba cau có gắt.  Ông sẽ bị xiêu lòng, ông sẽ thương yêu họ quá mức và như thế không có lợi cho công việc của chúng ta. Ông sẽ tha thứ cho họ tất cả… Thế là có hại cho họ nữa, ông nên biết điều đó. Khi chủ nhân cứng rắn, thợ thuyền sẽ sợ hãi, kính nể ông chủ và họ làm việc. Khi chủ nhân dễ dãi, họ sẽ xỏ mũi chủ, bỏ bê công việc, ông hiểu chưa?” …  “Ông là một nhà truyền giáo hay một nhà tư bản? Ông phải chọn lựa đi!”.

 

Trong hầm mỏ, Zorba làm cật lực, dồn tâm trí vào công việc, chỉ nghĩ đến mẻ than bùn. Khi cùng với Madame Hortense lão chỉ nghĩ đến nàng ngư nữ Bouboulina đỏng đảnh này thật trọn vẹn. Khi  một mình, lão nghĩ đến Ogre, bởi biết anh có cái đầu thông thái, lão từng châm chọc nói nó chứa toàn đậu hũ, một con người không thực tế, nhưng thật lòng lão rất khâm phục và kính nể anh. Zorba tin tưởng vào anh, lão trải lòng mọi thứ, mọi trải nghiệm mà lão kinh lịch.

Còn anh trí thức trẻ này ngưỡng mộ qua suy nghĩ chân thực và hành động làm việc của Zorba. Những buổi chiều đi làm về anh ngồi trong lều trầm tư suy gẫm mớ tri thức mà anh thụ hưởng, nó đã bao bọc anh nhốt anh nhiều năm qua, bây giờ anh muốn thoát ly khỏi sự vây hãm nó, đấy là lý do anh đến nơi vắng vẻ này và lao mình vào công việc, bỏ hết mớ sách vở sau lưng, muốn thoát khỏi ‘con mọt sách’. Tuy nhiên, anh cũng không dám can đảm đoạn tuyệt hẳn với nó, anh vẫn nhón lấy tập thơ kì bí của thi sĩ Dante và tập bản thảo viết dở về triết lý Đức Phật. Anh vẫn còn luôn phân vân với những ý tưởng siêu hình, dù cố từ bỏ nó, đi tìm một thứ gì mới mẻ hơn, nơi vùng biển đảo hoang dã này.

 

            “Khi còn là một đứa trẻ, suýt nữa tôi ngã xuống giếng. Tới tuổi trưởng thành, tôi suýt ngã xuống danh từ “vĩnh cửu,” và một số những danh từ khác nữa như “tình yêu,” “hy vọng,” “tổ quốc,” “Thượng Ðế.” Mỗi một chữ vượt qua, tôi có cảm tưởng thoát khỏi một nỗi nguy hiểm và tiến bộ thêm một bước. Nhưng không. Tôi chỉ thay đổi danh từ và gọi là giải thoát. Và đã hai năm nay, tôi bị treo trên mép bờ danh từ “Ðức Phật.”
Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy chắc chắn rằng, nhờ Zorba, Ðức Phật sẽ là cái giếng cuối cùng, và sau đó tôi sẽ được giải thoát mãi mãi. Mãi mãi? … Ðức Phật là tâm hồn “thuần túy” đã trống rỗng hóa mình; trong ngài là hư không, ngài là hư không”.

 

Tâm trạng anh lúc nào cũng giống như đi bên lề cuộc đời. Zorba là kẻ kêu gợi anh, chỉ bảo anh cách lăn xả vào mà tận hưởng cuộc sống. Anh và Zorba có nhiều cuộc trò chuyện dài về nhiều thứ, từ cuộc sống đến tôn giáo, quá khứ của nhau và cách họ đến được vị trí hiện tại. Trong lúc Zorba nói, anh thấy thế giới khôi phục lại được vẻ tinh tuyền ban sơ. Tất cả mọi sự vật tẻ nhạt thường nhật lấy lại vẻ sáng choang rực rỡ chúng có thuở hồng hoang khi chúng vừa thoát ra khỏi bàn tay Thượng Ðế. Zorba nhắc đến những phụ nữ ngày trước của gã, kí ức về nàng Noussa ở Nga mà gã không muốn bị thời gian xóa mờ. Anh hỏi Zorba chắc là yêu nàng sâu đậm. Zorba như muốn lắc đầu, nói, anh còn trẻ không hiểu nổi đâu. Người trẻ giống như con gà trống choai hấp tấp phủ mấy con mái phổng diều, rồi leo lên đống phân bò mà cất tiếng gáy, chúng đâu thấy con gà mái mà chỉ nhìn cái mào chúng. Vậy thì làm sao chúng hiểu nổi thế nào là tình yêu? Không hiểu một chút nào hết. Zorba chế diễu anh. Thế còn về niềm tin?  Zorba cho rằng, có niềm tin thì mảnh gỗ mục cũng thành thánh tích, không có niềm tin thì dù là thánh tích cũng trở thành miếng gỗ mục mà thôi, lão kể về ông nội xảo trá của lão đã lợi dụng việc này để kiếm lợi với bạn ông du côn ở quê nhà. Anh lại hỏi “ bác không tin tưởng vào bất cứ điều gì sao?”. Zorba quả quyết.

 

            “Không, tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì hết. Tôi còn phải nói với ông điều ấy bao nhiêu lần nữa? Tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì cũng không tin tưởng vào bất cứ ai, tôi chỉ tin vào Zorba. Không phải vì Zorba tốt hơn những kẻ khác, không phải vì thế. Không phải vì thế chút nào! Nó cũng là một con thú như tất cả mọi người. Nhưng tôi tin tưởng vào Zorba bởi vì hắn là kẻ duy nhất mà tôi biết: Tất cả những người khác đều là bóng ma. Chính với mắt nó mà tôi thấy, với tai nó mà tôi nghe, với ruột nó tôi tiêu hóa. Tất cả những người khác, đều chỉ là những bóng ma, tôi xin nhắc lại. Tôi, khi chết, mọi thứ sẽ chết theo. Toàn bộ thế giới Zorba sẽ chìm nghỉm xuống đáy!”

 

Anh vào làng muốn hòa mình cùng họ, mắt thấy sự mông muội của dân làng, muốn chỉ ra sự bất bình đẳng giữa họ, nhưng Zorba cho rằng làm thế vô dụng, chỉ tổ làm họ lục đục đấu đá nhau tơi bời, mọi thứ sẽ rối tinh lên. Cứ để mắt họ nhắm, tiếp tục mơ màng và cầu nguyện Thượng Đế. Trừ phi họ tự mở mắt ra, rồi chỉ họ cái thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng anh có tin chắc vào cái thế giới tốt đẹp mà anh vẽ ra không? Anh nghĩ có lẽ Zorba đúng khi lão nói:

 

Hãy nói cho tôi biết anh làm gì với cái anh ăn, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai. Có kẻ biến đồ ăn thành mỡ và phân. Có kẻ biến nó thành công việc với khí sắc vui vẻ. Và kẻ khác, thành Thượng Ðế. Vậy có ba loại người. Tôi không thuộc loại tệ nhất cũng chẳng thuộc loại tốt nhất. Tôi ở giữa hai loại đó. Cái tôi ăn, tôi biến nó thành công việc và tính khí vui vẻ. Không đến nỗi tồi!” Lão còn nhìn một cách tinh quái và cất tiếng cười. – Còn về phần ông, ông chủ, tôi nghĩ có lẽ ông cố gắng biến cái ông ăn thành Thượng Ðế. Nhưng ông không hoàn toàn thành công và điều đó dày vò ông”.

 

Thượng Đế? Trong những phút phấn khích, Zorba loạn ngôn về chuyện Thượng Đế đã tạo ra con người như thế nào.

 

            “- Ông có biết Thượng Ðế tạo ra con người bằng cách nào không? Ông có biết những tiếng đầu tiên mà con ‘vật người’ nói với Thượng Ðế là những tiếng gì không?
– Không, làm sao tôi biết được? Tôi không có mặt ở đấy.
– Tôi có mặt ở đấy! Zorba la lên, mắt long lanh.
– Sao nữa, nói đi!
Nửa xuất thần, nửa nhạo báng, hắn bắt đầu bịa thần thoại về sự sáng tạo con người:
– Rồi, nghe đây, ông chủ! Một buổi sáng, Thượng Ðế phiền muộn thức giấc. “Ta là Thượng Ðế cóc khô! Ta chẳng có được một thằng người nào để tán dương ta, hay nhân danh ta thề thốt, để ta tiêu khiển! Ta đã chán ở mãi một mình như một con cú già rồi!” Ngài nhổ vào tay, xắn tay áo, đeo kính, lấy một nắm đất nhổ lên làm thành bùn, nhồi nặn thành một thằng người nhỏ xíu và đặt ra ngoài nắng.
“Bẩy ngày sau, Ngài mang nó vào. Nó đã khô cứng. Thượng Ðế nhìn nó cười: ‘Ma quỉ bắt ta, đây là một con lợn đứng trên hai chân sau! Ðây không phải là cái ta định làm chút nào! Ta làm hỏng mẹ nó mất rồi!’”
“Ngài nắm lấy da cổ nó xách lên và đá vào mạng mỡ nó: ‘Ði đi, cút xéo nó! Tất cả công việc của mi bây giờ là tạo ra những con lợn con, trái đất thuộc về mi đó. Chuồn đi! Một hai! Một hai, đằng trước bước!’”
“Nhưng, ông thấy không, đó không phải là một con lợn. Nó đội một cái mũ mềm; một cái áo khoác cẩu thả trên hai vai, một cái quần dài có một nếp gấp, một đôi giầy hàm ếch với những búp len đỏ. Và trong thắt lưng nó – đúng là ma quỉ đã cho nó cái này – một con dao găm sắc với hàng chữ: ‘Tao sẽ giết mày!’”
“Ðó là ‘con người’. Thượng Ðế chìa tay ra cho kẻ kia hôn, nhưng con người vuốt ria và nói: ‘Ði đi, lão già, tránh đường cho ta đi qua!’” Zorba ngừng lại khi thấy tôi phá lên cười . Ông chủ phải tin tôi, đừng tin vào mấy cuốn sách nhảm nhí của ông!

 

Khi nổi hứng Zorba lấy cây đàn santouri và vươn cổ ra:

 

          Khi bạn đã quyết chí rồi, hãy tiến lên đừng sợ hãi! Nhìn lại đằng sau, ích lợi chi đâu?
Thả lỏng dây cương cho tuổi trẻ bạn, đừng sắp đặt nó, hãy can trường, đừng hối tiếc chi!

 

Giọng khàn khàn man rợ gào lên. Lôi cuốn cả đám thợ thuyền nhảy múa theo.

 

Zorba nói, trong đời sống cần có chút máu điên, có chút điển rồ mới sống vui sướng được. Mỗi người đều có cái điên rồ riêng, và nói tiếp, mà cái điên rồ lớn nhất là không có cái điên rồ nào cả.

Câu nói này hình như tôi nghe quen quen ở đâu đó, quanh tôi. Ồ, tôi nhớ ra rồi. Một hôm “anh bạn dạy kèm trẻ chuyên nghiệp” đến nhà chơi, ăn mặc trông thật không bình thường. Anh khoác chiếc áo kaki vàng với túi nắp, cầu vai, rộng thình, kiểu lính cứu hỏa, loại bày bán ở khu chợ trời dân sinh, bỏ lè phè ngoài quần, vẫn cặp kính trắng trên gương mặt trí thức ấy, nhưng tóc thì rối bù như ổ quạ. Tôi nhìn vẻ ngạc nhiên, lạ lẫm. Anh biết ý, nói, ở đời cần có chút máu điên mới sống được. Thì ra anh bạn lậm Alexis Zorba quá rồi!

Nơi Thư viện Quốc gia Gia Long, một số dân ăn mặt giống anh, kèm theo nét mặt phớt lờ bất cần đời, tự cho mình dân đầu óc có “tư duy” họ nghĩ thế, nhưng khi ấy, tôi cho là họ có “thần kinh cô đơn” thì đúng hơn. Họ thường nằm trên hành lang, hoặc ngồi góc xó xỉnh dưới cầu thang mà làm bài hay đọc sách. Cho đến khi một hôm, tôi đi với một người bạn khác xuống trường Khoa Học ở đường Cộng Hòa cùng khu trường Petrus Ký, mới biết đó là dân Khoa Học. Một số dân Khoa Học thường ăn mặc như thế đi ngông nghênh trong khuôn viên trường với đầu tóc rối bù, có anh còn mang dày vải ba ta, có anh mang dép lẹp xẹp. Khác với mẫu đương thời là tóc dài, áo bó, quần loe, giầy đầu gồ, như tôi chẳng hạn, thằng em tôi còn để tóc mượt phủ vai, đi giầy gồ cao cổ. Cái học điên đầu làm họ không còn lưu tâm đến vẻ bề ngoài nữa, sau đó trở thành “mốt lập dị” luôn, nhất là ban MGP (Mathématiques Générales et Physiques, ban toán-lý). Anh bạn tôi chính là dân Khoa Học ban MGP.

 

Zorba khuyên chàng tiến tới làm quen với cô nàng Sourmelina, góa phụ xinh đẹp trong làng, vì biết nàng có cảm tình với anh. Nhưng anh nhút nhát sợ hãi. Anh được giáo dục trong tinh thần thanh khiết của đức tin, coi rẻ nhục cảm hèn kém. Nhưng nàng thiếu phụ vẫn lởn vởn trong đầu anh. Anh đè nén bằng cách viết về những khám phá triết học của mình từ Đức Phật. Viết tiếp bản thảo về Đức Phật, về nàng Mara, ma vương hiện hình trong thân xác đàn bà tỳ bộ ngực ngồn ngộn lên đầu gối để quyến rủ ngài, ngài phải huy động tất cả sức mạnh để xua đuổi ma vương. Và anh, anh cũng cố làm cho được điều như thế đó. Cả đêm anh mệt lữ với cuộc đấu tranh kìm nén tránh né khác vọng xác thịt bằng ngòi bút với tập bản thảo. Trong khi đó, quan điểm của Zorba rất đơn giản, Zorba nói, nếu một người đàn bà ngủ trơ trọi một mình, đó là lỗi của tất cả bọn đàn ông chúng ta. Vào ngày phán xét cuối cùng, Thượng Ðế có thể tha thứ mọi tội lỗi. Nhưng tội này, ngài không thể tha thứ được.

Và sau khi tình một đêm với nàng, anh cảm thấy linh hồn cũng là xác thịt, có lẽ linh hoạt hơn, xác thịt là linh hồn có lẽ hơi khoa trương một chút, anh như thể đang bồng bềnh trên lớp sóng biển xanh mát. Anh cảm thấy bên cạnh Zorba thời gian có một hương vị khác. Nó không còn là một chuỗi biến cố có tính cách toán học, cũng không còn là một vấn đề triết lý nan giải nội tại. Zorba đã cho tất cả những ý niệm trừu tượng đang run rẩy trong anh một thân thể nóng ấm, sống động, thân yêu. Vạn vật xung quanh anh như dần dần thay đổi, một niềm hân hoan lặng lẽ dâng lên, một cánh đồng trải ra với những bông hoa và tâm hồn anh là con ong hút nhụy.


“Tôi nhắm mắt, tâm hồn lắng dịu. Một niềm hân hoan lặng lẽ, bí ẩn tràn ngập tôi – như thể tất cả cái phép lạ xanh xung quanh này là Thiên Ðàng, như thể tất cả vẻ tươi mát này, sự nhẹ nhàng này, nỗi say sưa ngây ngây này là Thượng Ðế. Thượng Ðế thay đổi hình dung trong từng giây phút. Sung sướng thay cho kẻ nào có thể nhận biết ngài dưới tất cả những mặt nạ ngài mang! Khi thì ngài là một ly nước lạnh, khi thì ngài là một đứa trẻ nhẩy nhót trong lòng ta, hoặc là một người đàn bà quyến rũ, hay có thể chỉ là một cuộc đi dạo buổi mai.
Dần dần, vạn vật xung quanh tôi, không thay đổi hình thể, trở thành mộng. Tôi hân hoan. Trần gian và thiên đàng chỉ là một. Một bông hoa trong cánh đồng với một giọt mật lớn trong lòng hoa, đó là hình ảnh cuộc đời hiện ra với tôi. Và tâm hồn tôi, một con ong man rợ hút nhụy hoa”.

 

Ogre nhận được hai bức thư. Một thư bạn từ Nga, anh nghĩ đến anh bạn với lòng yêu tổ quốc nhiệt thành, lao mình vào nơi hiểm địa để cứu những người Hy lạp của mình khỏi thảm họa ở miền nam nước Nga. Bức thứ hai là anh bạn học khác, là giáo sư môn thần-học bị phạm lỗi, nên bỏ sang châu Phi lập nghiệp, hắn chán ghét tổ quốc mình, mời anh qua thăm, và nói sẽ chết ở đây chứ thề không thèm về Hy Lạp.

Anh có lần hỏi Zorba có bao giờ ra trận vì tổ quốc chưa?  Zorba liền cởi áo cho anh thấy thân thể đầy vết sẹo sâu hoắm, những vết đạn, những nhát kiếm xéo qua. Người lão đầy vết thương, u, sần. Zorba kể, khi trẻ lão là một gã khổng lồ cao lớn, trang phục với súng ống, bao đạn đầy sắt, bạc và đinh, khi đi, nó phát ra tiếng kêu loảng xoảng như cả một đạo quân xuống phố. Lão vát súng lên đường vào chiến khu. Lão vào một làng Bungary nấp vào chuồng bò, nhà một tên tư tế, nhưng ban đêm hắn là tên biệt động lẻn vào làng lân cận cắt cổ một người Hi lạp. Lão chờ đợi tên Bungary vào chuồng cho con vật ăn, lão chọc tiết hắn và cắt tai bỏ túi làm vật sưu tầm rồi tẩu thoát. Mấy hôm sau lão giả dạng người bán hàng rong, mua đồ yếu phẩm cho chiến hữu. Lão thấy năm đứa con nít  đứa lớn không quá mười tuổi đứa nhỏ còn ẵm ngửa, đi chân đất dắt nhau ăn xin. Lão hỏi các cháu con cái nhà ai, bằng tiếng Bungary. Đứa lớn nhất nói, con thầy tư tế mà người ta cắt cổ hôm nọ ở chuồng bò. Nước mắt lão ràn rụa, đầu óc lão quay cuồng. Lần khác lão vào làng Bungary, một người nhận ra lão là tên Hy lạp. Họ rượt đuổi theo giết, lão băng qua mấy nóc nhà, nhảy xuống lọt vào sân có một phụ nữ Bungary đang ngủ. Lão van xin nàng đừng tố cáo, rồi tình một đêm với nàng. Sáng sớm nàng mở rương lấy quần áo cũ của người chồng đã mất cho lão mặc để rời đi, rồi nói mong lão trở lại. Đúng là lão trở lại nhưng với một thùng dầu hôi và phóng hỏa đốt làng. Zorba kể tiếp, có lẽ nàng cũng chết cháy cùng với những kẻ khác.

 

            “Zorba thở dài. Hắn châm một điếu thuốc, hít hai ba hơi rồi quẳng đi.
– Ông nói tổ quốc à?… Ông tin những chuyện vớ vẩn mà những cuốn sách nhảm nhí của ông kể với ông! Ông phải tin vào tôi đây này. Khi nào còn có những tổ quốc, con người còn là một con thú, một con thú dữ… Nhưng đội ơn Thượng Ðế! Tôi đã giải thoát khỏi tất cả những thứ đó. Ðối với tôi thế là hết, không còn gì nữa! Còn ông? … Ngày nay tôi nói: Người nầy là một người chính trực, kẻ kia là một tên chó đẻ. Hắn có thể Bungary, Thổ Nhĩ Kỳ hay Hy Lạp, điều đó không quan trọng. Hắn tử tế hay xấu xa? Ðó là điều tôi thắc mắc. Còn bây giờ thì già rồi,  tôi cảm thấy dường như tôi sẽ không còn thắc mắc về điều đó nữa. Dẫu hắn tử tế hay xấu xa, tôi cũng thương hại hắn, thương hại tất cả mọi người.  Kìa, gã đáng thương kia, tôi nghĩ thầm, gã cũng ăn uống và làm ái tình, gã cũng sợ hãi, dù gã là ai: gã cũng có Thượng Ðế và ma quỉ của gã, và gã cũng sẽ ngoẻo củ tỏi và nằm cứng đơ dưới ba tấc đất và làm mồi cho dòi bọ. Thật khốn khổ! Anh em bốn bể một nhà; anh em bốn bể làm quà cho sâu!”

 

Việc khai thác hầm mỏ trở nên khó khăn. Zorba nảy ra sáng kiến đặt đường sắt treo dây cáp lớn, cột trụ và ròng rọc, và thương thuyết với tu viện trưởng bán khu rừng của tu viện để cho công ty lấy gỗ. Nếu đường sắt treo thành công mở một nhà máy, xẻ ván, đẽo cọc, làm ván lót hầm mỏ, lão bảo mình sẽ mang thúng ra mà hốt bạc và sau đó mình sẽ đặt một tàu buồm rồi thu xếp hành lý chuồn thẳng và dong buồm vòng quanh thế giới! Anh đồng ý, thế là Zorba ra đi đến thành phố lớn để mua sắm dụng cụ. Công việc chỉ vài ba ngày, lão biền biệt không tăm hơi, rồi viết thư về kể lão đú đỡn chinh phục cô gái trẻ thế nào.

Zorba nói, đàn bà thường có cái mũi rất thính như chó, và họ đánh hơi thấy ngay người đàn ông nào thèm muốn và không thèm muốn họ. Bởi thế trong bất cứ thành phố nào lão đặt chân tới, ngay cả bây giờ, già cú đế và xấu như một con khỉ đột, quần áo lôi thôi, lão cũng luôn luôn có hai ba con đàn bà chạy theo đuôi. Lão kể, lão vào quán rượu gọi một chai bia. Có con gà mái tơ, trét phấn lòe loẹt dễ thương đến ngồi bên cười hỏi “Ông nội cho phép chứ?”. Đồ con ranh trơ tráo chọc quê lão, thiếu điều lão muốn vặn cổ con bé. Máu nóng bốc lên, lão gọi bồi mang hai chai sâm banh. Rồi sau đó là bánh ngọt, lại thêm sâm banh nữa, lại thêm cả thúng hoa nhài đổ tất vào lòng con nhãi nhép. Nhưng lão thề, không hề đụng tới con nhép, cứ giả phớt lờ, mặc cho trong lòng nổi sóng.

 

            “Chúng tôi uống hết ly này đến ly khác, nhưng tôi xin thề, ông chủ, tôi không hề đụng tới con nhãi. Tôi biết thân tôi. Khi tôi còn trẻ, việc đầu tiên tôi làm là cấu véo và đùa giỡn với bọn họ. Bây giờ già cả, việc đầu tiên mà tôi làm là chi tiền, nịnh đầm, tiêu tiền như rác. Ðàn bà thích được chiều chuộng như vậy. Mấy con đượi phát điên lên vì những cung cách đó, và ông tha hồ gù lưng, lẩy bẩy, xấu như ma, họ cũng quên hết. Họ không nhìn thấy gì khác, ngoài bàn tay vung tiền như nước. Bởi vậy, như tôi đã nói, tôi tiêu mất một món tiền lớn – cầu Thượng Ðế ban phước lành cho ông và trả lại cho ông gấp trăm lần, ông chủ, – và con nhãi không chịu rời tôi ra nữa”.

 

Cái trò tán tỉnh câu dẫn nữ nhân này Zorba đúng là bậc đại sư mà chàng lang thang Goldmund còn lâu mới sánh kịp. Sau khi người bạn thân thiết Narziss cứu thoát khỏi giá treo cổ về tội trộm tình mà anh nhanh trí quơ hốt đại vài đồ vật trong dinh thự để biến thành trộm cắp, hầu giữ phẩm giá cho cô gái tóc vàng hấp dẫn, nàng thiếp cưng của viên bá tước tổng trấn. Goldmund theo bạn trở về tu viện xưa, nơi thời trẻ của hai người, bây giờ Narziss không còn là một chủng sinh mà đã là giáo phẩm cao cấp nhất của thành phố quản hạt và là tu viện trưởng. Qua thời gian, con người rồi cũng già đi, chàng trai Goldmund tươi trẻ năm xưa bây giờ da đã xếp nếp nhăn, tóc đã điểm bạc. Goldmund lại rời tu viện lần nữa để đến gặp lại cô gái tóc vàng. Nhưng anh già rồi không còn quyến rủ được cô nữa, buồn rầu thất vọng anh suy sụp lại quay về. Thật là thất bại quá, thất bại thảm hại! Giá gì mà được lão đại sư phụ Zorba chỉ điểm vài chiêu tình lờ như thế, thì cớ sự diễn ra sẽ khác. Zorba cho rằng mỗi người có một  thượng đế, ma quỉ và thiên đường riêng của họ.

 

            “Ông chủ, tôi đã có lần nói với ông rằng mỗi người có một thiên đàng riêng. Với ông, Thiên Ðàng sẽ chứa đầy sách và những bình mực lớn. Với kẻ khác, nó sẽ chứa đầy những thùng rượu vang, rhum, cognac. Với kẻ khác nữa, nó chất hàng đống tiền. Thiên Ðàng tôi là một gian phòng nhỏ thơm ngát với những xiêm y rực rỡ, những bánh xà phòng thơm, một cái giường rộng với những cái lò-xo thật tốt và bên cạnh tôi, một người đàn bà.”

 

Zorba tiêu sạch hết tiền với cô gái rồi mới chịu về, tuy nhiên lão cũng mua đủ dụng cụ cho công trình hầm mỏ. Thấy tóc lão trở nên đen nhánh, anh ngạc nhiên hỏi, lão nói bị mấy tên lỏi tì láu cá chòng ghẹo là dẫn cháu gái đi dạo, lão tức khi đi nhuộm đen thấy mình trẻ hơn, mà cô nhãi Lola cũng nghĩ vậy.  Rồi lão kéo anh đến tu viện để thương lượng mua lại cánh rừng, chèn ép họ với giá rẻ mạt, chỉ còn một nửa. Lão nói để bù lại đúng số tiền lão đã xài hoang phí với Lola, cho đỡ áy náy với lương tâm lão. Mặc khác, Zorba lại xúi giục gã tu sĩ Zaharia dở hơi đốt tu viện để trả thù bị bề trên bắt nạt. Zorba cũng nể tình ông chủ và vì lòng trắc ẩn, lão thực hiện mơ ước đời người của mụ Bouboulina là có một tấm chồng để mở mặt với dân làng. Lão đã kết hôn qua loa với nàng ngư nữ già này.

 

Công việc xây dựng công trình đã dồn hết tâm trí Zorba. Còn Ogre vẫn trầm tư nghĩ về những con người xung quanh, khâm phục và e ngại những con người ấy, họ nhiệt thành gắn chặt mình vào những nỗi đau nhân thế: Madamme Hortense mơ một tấm chồng; Zorba lăn xả vào công việc, sống hoan lạc; nàng góa phụ mơ mái ấm; gã thanh niên Pavli xanh xao mơ nàng góa, bị khước từ, đã dũng cảm lao xuống biển để dìm nỗi khổ não của mình; dân làng hò hét man rợ, mụ Deli-katerina lớn tiếng đòi cắt cổ sương phụ như một con cừu; và lão Mavrandoni không chịu khóc đứa con hoặc thậm chí cất lời trước mặt những người khác, lão nhân danh Chúa và Ðức Mẹ Ðồng Trinh, một nhát dao cắt phăng đầu nàng góa. Những tu sĩ có đầu óc bệnh hoạn, thói đạo đức giả, nhưng thành kính nghiêm trang trong tu viện.  Cái chết của góa phụ làm trái tim Zorba bị tổn thương, lão câm lặng lao vào làm việc, trái tim lão đã tổn thương nhiều lần tạo những vệt sẹo ngang dọc, rồi chúng cũng lành lại. Chỉ riêng mình anh là bất lực và duy lý trước sự việc. Anh phó thác tất cả, bằng cách gán cho là định mệnh. Anh biến cái hiện thực thành trừu tượng rồi trở nên vô hại coi như mọi vật là thế.

 

            “… những tiếng nói vĩnh cửu và phù phiếm một lần nữa lại nổi lên trong tôi. Một lần nữa ngực tôi lại choáng ngợp kinh hoàng. Tôi tự hỏi: “Cái thế giới này là gì? Mục đích của nó là gì và bằng cách nào những kiếp sống phù du của chúng ta có thể góp phần đạt tới mục đích đó trong cuộc đời phù du của chúng ta? Mục đích của con người là cùng với vật chất tạo ra nguồn vui hoan lạc, theo Zorba; tạo ra tinh thần, theo những người khác; nhưng nó đồng qui trên một bình diện khác. Nhưng tại sao? Nhằm mục tiêu nào? Và khi thân thể tiêu tan, có còn lại chút gì của cái ta gọi là linh hồn chăng? Hay chẳng sót lại gì? Và phải chăng khát vọng hướng tới bất tử không nguôi của chúng ta bắt nguồn không phải từ sự việc chúng ta bất tử, mà từ thực tế là qua cuộc đời ngắn chẳng đầy gang của chúng ta, chúng ta phục vụ cho một cái gì bất tử?”

 

Cuộc sống của chung với Zorba đã mở rộng lòng anh. Chỉ một đôi lời của lão khiến tâm hồn anh lắng dịu. Người đàn ông này với bản năng không thể sai lầm và cặp mắt sắc như diều hâu, đã đi bằng những con đường tắt chắc chắn và đã đến chóp đỉnh của sự nỗ lực – vượt hơn cả mong đợi, mà không hụt hơi. Anh cảm thấy bên cạnh Zorba thời gian có một hương vị khác. Anh lại giở cuốn thơ ra và bắt đầu đọc. Và hỏi tại sao những bài thơ này đã đầu độc mình trong bấy nhiêu năm? Thi ca thuần túy! Cuộc đời trở thành một trò chơi trong veo, không vấy một giọt máu. Môi trường nhân loại thì nặng trĩu dục vọng, được cấu tạo bởi tình yêu, xác thịt, và tiếng kêu gào tuyệt vọng. Hãy để nó thăng hoa thành ý tưởng trừu tượng và hãy để nó bị lọc mất tính vật chất và bốc hơi! Tất cả những thứ này ngày xưa đã mê hoặc anh bao nhiêu, hôm nay chỉ còn là những trò múa rối tinh thần và leo dây xảo thuật lừa bịp bấy nhiêu! Chấm dứt thi ca thuần túy, âm nhạc thuần túy, tư tưởng thuần túy. Con người cuối cùng – đã giải thoát mình khỏi mọi đức tin, mọi ảo tưởng không chờ đợi gì nữa, không sợ hãi gì nữa. Tất cả mọi sự đều trở thành danh từ, tất cả mọi danh từ đều trở thành xảo thuật.

“Tôi đã tìm thấy mục tiêu, bây giờ tôi biết tôi phải đánh chỗ nào! Ðức Phật là con người cuối cùng. Chúng ta, chúng ta mới ở bước khởi đầu; chúng ta chưa ăn chưa uống cũng chưa yêu thương đủ; chúng ta chưa sống. Ngài đã đến với chúng ta quá sớm, ông già yếu ớt hết hơi này. Chúng ta phải trục xuất ngài càng nhanh chừng nào càng hay chừng ấy!”

 

Anh chưa có một cuộc đời thực tế, chưa có một cuộc sống thực sự, chưa ăn, chưa uống, chưa yêu thương đủ, nghĩa là chưa sống một cuộc đời trọn vẹn mà tư tưởng Đức Phật đến với anh quá sớm, sớm trước khi có đủ trải nghiệm cuộc đời.  Phải thoát khỏi Ðức Phật, trút bỏ mọi ưu tư siêu hình và giải thoát tâm hồn khỏi nỗi xao xuyến vô ích. …”Chúng ta phải trục xuất ngài càng nhanh chừng nào càng hay chừng ấy!…..” Phải lao vào cuộc sống, và sống hết mình như Zorba..

 

 

Zorba diện thật kẻng, mặc bộ quần áo oách nhất của lão cho buổi khai trương, lão danh nghĩa đại diện cho công ty. Ðó là một công trình quan trọng, đặt trụ, lắp ròng rọc từ trên đỉnh rừng xuống đất bằng để chuyển gỗ làm bệ hầm, hay xuất khẩu buôn bán. Tai họa đổ xuống, sức nặng cây cối làm hỏng hệ thống. Thân cây thứ tư lao xuống. Một tiếng “rắc!” khủng khiếp vang lên, rồi một tiếng “rắc!” thứ hai và tất cả cột trụ, tiếp theo nhau sụm xuống như một cỗ bài tây. Thế là mất hết tất cả

 

Những châm ngôn, chích ngôn, chọt ngôn và loạn ngôn của Zorba đã dắt mũi tôi đi từ trang sách này đến trang sách khác, và không biết bao nhiêu lần phải dừng lại nhắm mắt để tiêu hóa những lời của lão, để cười mỉm một mình hay thỉnh thoảng cười phá như tên điên… Zorba, không biết gã là thiên thần hay quỉ sứ? Bồ tát hay ma vương?  Ogre và Zorba danh nghĩa là ông chủ và đốc công, nhưng thật ra hai người đã tìm thấy tình bạn lẫn nhau. Một thanh niên hướng nội, thiên về suy tưởng sống khổ hạnh, một lão giang hồ phàm tục. Điều này làm tôi không thể không liên tưởng đến cặp Narziss và Goldmund, giữa họ có sự tương đồng. Narziss và Goldmund đôi bạn tâm giao cùng mong tìm chân lý cuộc sống và ý nghĩa của nó, nhưng họ đi bằng con đường khác nhau. Narziss nhốt mình trong tu viện, sống khổ hạnh, dùng tư duy suy tưởng để khám phá. Goldmund đi tìm ý nghĩa nhân sinh qua trải nghiệm bản thân, phiêu lưu lang bạt giữa đời.  Hermann Hesse muốn nói lên rằng, tri giác (tư duy, Narziss) và trực giác (trải nghiệm, Goldmund) cần có nhau. Chỉ dùng tư duy lí luận mà thiếu sự trải nghiệm là khó đi đến đích. Còn được trải nghiệm mà không có tư duy hỗ trợ dẫn đường thì trải nghiệm chỉ là vô dụng, chỉ là bản năng. Goldmund đã trải nghiệm và đã suy tưởng, và thăng hoa nhận thức giác ngộ qua việc tạo những bức điêu tượng khắc tuyệt vời, những thổ lộ tâm sự trước khi chàng nhắm mắt đã làm Narziss chấn động tâm cang, chàng phải xét lại mình. Với Ogre, một dạng khác của Narziss, sống trong tháp ngà sách vở, giống như con nhộng trong cái kén tơ bao bọc bởi những tín điều, những luân lý thiên kiến. Bị bạn châm biếm là “mọt sách”, anh muốn buông bỏ lối sống cũ, muốn lao vào hành động. Anh đã gặp Zorba, và gã giang hồ từng trải này đã mở cho anh con đường mới. Với thông điệp rằng, của cải vật chất hay những khái niệm cao cả đều không có giá trị gì nếu bản thân không có niềm vui cho cuộc sống.

Zorba, một gã lang bạt kỳ hồ với đủ mọi tính xấu tốt như chính bản thân gã tự nói về mình, gã thú thực không biết mình ở đâu nữa, ma quỉ lôi kéo, thượng đế cũng lôi kéo, gã ở giữa, gã có trải nghiệm nhưng thiếu tư duy hổ trợ, gã có quá nhiều điều hạn chế và thiếu sót. Nhưng tôi vẫn thích Zorba, vì tính cách gã vui vẻ yêu đời, vì tâm hồn gã rộng mở, gã có một trái tim nhân ái, và vì gã quan niệm rằng: Cuộc đời chỉ có một.

…………………

 

Lời chú thêm:

Ogre có giác quan nhạy cảm. Nhiều năm sau chia tay với Zorba, anh đã thay đổi cuộc sống không câu thúc trong cái tháp ngà tư tưởng, một hôm anh mơ Zorba đến với anh và nói gì đó. Anh giật mình cảm giác chẳng lành, ý thức Zorba đang tình huống xấu. Sau mấy hôm, anh nhận được thư báo tin từ người vợ trẻ của lão ở Nga gởi đến và kèm theo món quà tặng – theo lời trối của lão – là cây đàn Santouri.

Về người bạn học của tôi, anh không chết trong cuộc chiến bom đạn, mà chết trong cuộc chiến mưu sinh. Mấy năm sau chiến tranh kết thúc. Tôi về quê, mang quyển sách tặng tìm đến nhà, mẹ anh nước mắt ràn rụa kéo tôi đến bàn thờ chỉ anh ngồi trên đó, và nói đã được nửa năm rồi. Bức ảnh của anh thời đi học đang nhìn tôi bình thản, như nói, chẳng có gì. Có lẽ là anh đã quên lời hứa ngày xưa, hay có lẽ tôi không giác quan nhạy cảm để nhận tin anh, hay cũng có thể là, chẳng có gì.

 

………

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.