Bên Tủ Sách Ngày Hè.

Tác giả: Tống Văn Thụy

Nhà tôi nằm về phía cuối hẽm, nhìn ra hướng Đông Nam. Nơi mái ngói tiếp giáp đầu hồi, hai bên cửa đi nhìn ra sông Hàn là tầng áp mái. Tây gọi mansarde. Ta vốn không cao lắm bước vào tầng áp mái phải cúi người vì mái thấp xuôi dần. Khi nhà gần hoàn tất, tôi nhờ anh thợ mộc đóng mấy kệ sách gỗ xoan đào dựng sát tường. Bạn xem đó là…thư phòng, đối với tôi chỉ là chái sách nhỏ, nơi bình yên quay về.

Những năm đầu, tủ sách thứ tự, ngăn nắp. Thỉnh thoảng, ghé lên tầng áp mái lau dọn, phủi bụi, loay hoay tìm chỗ bày biện chiếc bình gốm Chu Đậu chỉ lớn bằng hạt mít. Về sau, thỉnh thoảng mới lên chái sách tìm lại đầu sách cũ hay lễ mễ khuân lên nào báo, tạp chí, sách vở hay chiếc gùi của người Ê Đê, nhường không gian phòng ngủ, tầng trệt cho mấy cái nhu cầu xem ra có vẻ thiết thân hơn. Tầng áp mái trở thành kho sách. Khi dân số trong nhà tăng lên, buồn buồn đứa con đưa lên cái túi xách lạc mốt, chiếc xe đẩy trẻ con hết hạn xử dụng hay cái nôi của… Phù Đổng nay đã đi nhà trẻ. Bây giờ tầng áp mái biến thành nhà kho…

Mùa hè là thời gian nghỉ ngơi, năm nay không đi chơi đây đó, chỉ đi lên đi xuống trong nhà, từ phòng thờ, tầng áp mái xuống phòng ngủ, phòng ăn, nhìn thư phòng  ngày nào thấy oải và bề bộn quá mới quyết định ra tay, loại bỏ và sắp xếp lại cho thứ tự. Dự định tiến hành trong vòng một tuần lễ trùng hợp với thời điểm gió lào thông thốc nhất trong năm nhưng rồi vướng cảm cúm, đau ốm nên đong đưa ngày rộng tháng dài cho đến khi viết những dòng nầy.

Công việc đầu tiên là di chuyển tất cả ra khỏi tầng áp mái để quét dọn và lau chùi sạch sẽ. Bước tiếp theo là phân loại và tuyển chọn. Ôi là đa đoan ! Tủ sách được gầy dựng trở lại từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20 khi những chiến dịch phong ba bão táp thu giữ, thiêu hủy sách báo miền Nam trước 75 lụi tàn. Lẫn trong những chồng sách, vẫn còn đó những đầu sách một thời tuổi trẻ. Sách người thầy học cũ thuở đại học kèm chữ ký của thầy nơi trang đầu. Tác giả Việt Nam thời khai sinh, Việt Nam thời bành trướng :Tây Sơn, Phương pháp sử học … đã nằm xuống nơi xa xôi Missouri Hoa Kỳ. Sách quý từ tủ sách thầy Nghiêm Thẩm với khuôn dấu tròn vòng lấy tên thầy không hiểu vì sao lạc lối ra chợ sách Đặng Thị Nhu, Sài Gòn cuối những năm 1970. Chắt bóp mua đúng một cuốn để tưởng nhớ thầy, một nhân cách đáng kính. Năm cuối đại học, thầy dạy môn Nhân Chủng Học, giản dị, khiêm cung, uyên bác mà gần gũi. Cho đến nay vẫn còn màn sương mù che kín ngày tháng cuối đời thầy.

Nơi chồng sách ở góc phòng là Việt Nam Sử Lược, Một Cơn Gió Bụi… ấn bản đầu tiên của Trần Trọng Kim, vài cuốn sách,truyện mà bác Châu, nhân viên Thư viện Đại Học Huế kiêm nhà phát hành sách nhượng lại với giá đã chiết khấu ; tùy bút, truyện Võ Phiến đã xé mất trang bìa để dễ ẩn tàng ; bộ Histoire Universelle giấy mỏng kiểu Kinh Thánh của nhà xuất bản Pléiade mà Đoàn Đức, một người bạn thân tặng một lần về phép sau khi mãn khóa quân trường Thủ Đức năm 1971.

Tôi nhẩn nha giở lại chồng sách cũ . Ngoài kia, Khí trời ong ong, khí người ráo kiệt…Ôi gió Lào ơi, tôi muốn đưa cả cho gió những ngày đầy hẹn ước của đời tôi, để gió đừng rên kêu trong một buổi, chỉ một buổi thôi ! (Nguyễn Tuân. Gió Lào) Mặc cho gió nóng và mái ngói hầm hập, cảo thơm lần giở là niềm vui quạnh quẽ như nhan đề cuốn sách Phạm Duy Khiêm vừa tìm thấy Légendes des Terres Sereines /Truyền thuyết về miền đất thanh tân. Sách là món quà người bạn đi xa để lại tháng 5/1975. Anh HĐH bỏ đi, tủ sách còn đó. Sách vở ích gì cho buổi ấy. Trước khi người nhà bỏ đi tiếp, họ gọi tôi với nhã ý tặng nguyên cả tủ sách, tôi chỉ xin một cuốn của Phạm Duy Khiêm, bản in đầu tiên ở Paris, trong ước nguyện lưu giữ  miền đất thanh tân  nay đã chia xa.

Rồi sách trong nước xuất bản từ khoảng giữa thập niên 80, giấy vàng ố, bìa mỏng tanh. Nay bìa đi đường bìa, ruột còn đó. Dù vậy sách vẫn quý, sách như người chứng lặng lẽ một thời. Bản dịch Don Kihote , Trăm năm cô đơn … truyện Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng , tập truyện  Cái ấm đất, bản in lại, tặng con gái với chữ viết nắn nót của cháu ở đầu trang khi bước vào mùa tựu trường lớp 5. Cánh chim di trú bay xa, cái ấm đất hiu quạnh còn đây. Bắt chước người con út trong truyện Khái Hưng, tôi pha một ấm trà Thái Nguyên bởi nước vối ngày xưa trong truyện Cái ấm đất  nay chỉ thoang thoảng hương mùi.

Đất nước hé cửa, khách thương hồ, khách du lịch đến thăm Việt Nam, tôi làm  công việc chỉ dẫn cho khách di tích này, điểm thăm viếng nọ, kẻ đi làm thuê. Về nước, thỉnh thoảng nhớ lại chuyến đi ngày nào, nhớ Việt Nam, họ thường tặng sách, miên man đủ thể loại, nhiều nhất là tiểu thuyết, thích nhất sách hội họa của nhà Taschen hay Hazan, ấn bản khổ lớn từng danh họa. Tuyệt đẹp. Nhiều khi tò mò gỡ cái sticker che giá bán nơi trang bìa cuối, thấy đắt ơi là đắt , chưa kể chi phí vận chuyển.

Vào cái tuổi mà  Bàn tay ta giữ được bao nhiêu chiếc lá thì bấy nhiêu là đủ (Hồ Anh Thái), tôi thấy không thể ôm đồm đọc hết… đi hết trần gian yêu quí này, phải gạn đục khơi trong và buông bớt. Tôi lại phủi bụi, lau chùi sách, cho vào ngay ngắn trong những thùng carton, dán bản liệt kê danh mục tác giả và tựa sách bên ngoài thùng, xếp ở góc phòng. Tôi học được phương pháp phân loại sách Dewey thuở sinh viên đi làm thêm ở Thư viện Đại Học Huế.

Bây giờ sẽ chuyển sách về đâu, đi đâu, tặng ai ? Không thể  giao cho gánh đồng nát vì phạm thượng với chữ nghĩa thánh hiền. Cũng không thể ra lề đường giăng sách ngồi bán! Cách đây mấy năm, bạn tôi ở Sài Gòn thanh lý  tủ sách cũ, đa số là sách ngoại văn có giá trị ngành khoa học xã hội, sách mới nguyên do du khách gửi tặng . Anh liên lạc trước với tu viện, tự mình thuê taxi mang mấy thùng sách đến tặng. Anh thì nhiệt tình mà người nhận thì hững hờ. Biết làm sao bây giờ ! Thế giới bước vào làn sóng eBook, audiobook, Kindle Fire…mấy ai còn tỉ mẫn với sách giấy, cho dù là giấy hoa tiên hay giấy mỏng Kinh Thánh.

Niềm vui sắp xếp tủ sách cho phong quang mà Lâm Ngữ Đường khuyên nên làm vào mùa thu khi tiết trời mát mẻ rồi cũng gần xong  giữa hè. Những vật dụng linh tinh được loại bớt, những thùng sách dự định sẽ cho đi xếp ngay ngắn ở góc phòng. Đây đó trên tường vài bức tranh tĩnh vật, trên kệ sách mấy lọ gốm sứ Bát Tràng, cái tô gốm Lái Thiêu vẽ hình con gà  quen thuộc  bên cạnh bình hoa khô Đà Lạt. Tôi sẽ thường xuyên lên tầng áp mái để dừng lại lâu hơn bên tủ sách và nhẩn nha ngồi đọc mà ngoài kia thời gian thì trôi nhanh.

TỐNG VĂN THỤY. 7/2017

3 thoughts on “Bên Tủ Sách Ngày Hè.

  1. Quốc Tuyên

    Cám ơn Anh Tống Văn Thụy đã viết với cả tâm tình về sách.
    Có những lúc một mình buồn hiu QT hay lấy cuốn truyện đọc cho qua thời gian . Đọc sách cũng là phương tiện để giết nỗi buồn đó Anh , không biết anh Thụy có cùng đồng cảm với QT không? và đọc bài viết của anh , chợt nhớ ra , có lẽ lâu lâu mình cũng nên sắp lại tủ sách của mình để nhớ về …kỷ niệm .

    Reply
    1. Tong Anh ThuyTỐNG VĂN THỤY

      Quốc Tuyên thân mến.
      Thời nào cũng vậy, đọc sách là niềm vui, thêm chút yên bình thanh thản. Tôi đang đọc lại ” Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác mà bối cảnh là Bình Định thân yêu của Hương Xưa, cùng những chuyến vào Nam ra Bắc của Nguyễn Huệ. Thú vị.
      Nếu Quốc Tuyên dự định sắp xếp lại tủ sách trong vòng một tuần lễ, công việc thường nhẩn nha kéo dài thêm vài tuần vì sắp xếp lại tủ sách là nhớ về…kỷ niệm, như cô đã viết. Mà kỷ niệm thì miên man.
      Mến chúc Quốc Tuyên và gia đình bình yên và hạnh phúc. Tống Văn Thụy

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.