Bạn Mễ, Xứ Mễ.

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Ở xứ Texas này, hễ cứ ra khỏi nhà, thì thế nào cũng gặp người Mễ. Dễ dàng thấy họ ở ngoài đường đục bê tông vá ổ gà, hay đang cào rải nhựa đường dưới ánh nắng gắt mặt trời trong cái nóng hầm hập hằng trăm độ F. Hoặc thấy họ vắt vẻo trên xà ngang cột nhà, mang chuỗi đinh như xâu đạn trên vai, bặm môi bắn đinh vào cây kèo cây cột, trong khu nhà đang xây cất. Hoặc thấy họ chạy máy cắt cỏ, “trim” cây, thổi lá, kêu rầm trời trong khu dân cư khá giả. Họ làm những công việc nặng nhọc mà người Việt ta khó bề nuốt nổi. Có thể người Việt lười làm việc nặng, cũng có thể người Việt nhỏ con, yếu đuối. Người Mễ thì không cao, nhưng to khoẻ có bộ ngực nở nang, họ không cần thể dục thể thao cũng có bộ ngực vạm vỡ đầy đặn, có lẽ trời sinh thế. Có điều, đa số bộ ngực ấy không có cái bụng sáu múi đi kèm, mà nhiều anh dồn bụng lại thành một múi vươn ra tranh hơn thua với bộ ngực.

Mấy bạn co-worker của tôi vóc dáng cũng thế, nhưng có hơi khác hơn, họ thon thả hơn, ăn mặt bảnh bao chải chuốt hơn chút. Vì ngồi văn phòng chứ không phải làm việc ở ngoài đường. Bọn họ rất thân thiện và vui tính. Vào giờ giải lao, để thay đổi không khí, tôi thường xuống lầu đến khu hardware xem anh Mễ lái xe Forklift nâng cất hay gỡ hàng. Thỉnh thoảng nói qua hỏi lại vài câu, dần dần anh ta coi tôi như bạn gần gũi, anh hay tâm sự việc làm, hoàn cảnh gia đình mình.

Những người Mễ định cư ở Mỹ thì tâm tình cũng không khác người Việt, cũng lo lắng cho con cái, cũng ráng góp nhóp gởi ít tiền về cho thân nhân còn ở quê nhà. Khi đã kêt thân thì họ khá có tình, giống như người Việt thôi, những đồ thanh lý bỏ đi trong kho hàng, thay vì mang về nhà dùng hay đem bán chợ trời cũng có giá, anh bạn Mễ lại đem tặng cho tôi, và giúp tôi chất cái tủ đựng hồ sơ nhiều ngăn còn tốt lên xe cho tôi chở về, hay thấy tôi thích thú các bản nhạc Mễ, anh liền tặng tôi cd anh đang nghe ấy, nhưng đâu cần lấy, tôi chỉ cần đem sang lại mà thôi. Một hôm, anh thổ lộ ước ao có vé đi coi ban nhạc thần tượng của anh trình diễn ở sân vận động thành phố nằm kế bên. Tôi nói một ticket loại rẻ chỉ chưa tới trăm đô, anh có thể mua được mà. Anh ta hỏi lại, ông biết ban nhạc nào không? Carlos Santana đấy! Giá mua bây giờ chỉ có ở chợ đen thôi (rao bán trên internet), hơn nữa đi xem nhạc phải là cả nhóm bạn hoặc cả vợ con chứ đâu thể đi một người. Anh nói đúng, tôi thích nghe nhạc của Yanni, đều mua cd mới mỗi khi có phát hành. Khi nghe tin ban nhạc đến thành phố trình diễn, tôi muốn xem. Nhưng làm sao đi một mình, thế là cả nhà cùng đi, nhờ mua sớm vé qua mạng nên mua đúng giá, nhưng tổng số tiền thì cũng khá cứng. Có lần một bà Mỹ khoe tôi mua được chợ đen một vé trình diễn của Paul McCartney (The Beatles) cả ngàn đô để tặng chồng, bởi thời nhí ông được bố mình dẫn đến xem The Beatles trình diễn cũng ngay tại nơi ấy.

Người Mễ mê nhạc và thích lễ hội hơn người Việt nhiều. Những chàng Mễ chạy xe qua là ta có thể thấy tiếng nhạc phát ra ầm ĩ từ dàn loa độ bự trong cóp xe. Chả thế mà cô bạn Gloria làm chung lúc trước kia, thấy tôi lắc lư khi nghe nhạc, cô liền tự nguyện dạy tôi nhảy Salsa, điệu nhảy thông dụng mà người Mễ ưa thích. Cô bự con, nhưng khi đứng lắc Salsa, uốn éo như con rắn, thân hình rất dẻo, thì không còn thấy cô thô kệch nữa. Hiện giờ cô bạn co-worker cạnh tôi cũng vậy, cô vừa làm vừa nghe nhạc rồi liếng thoắng giới thiệu tôi những album nhạc cô đang nghe như của Zafra Negra, Natti Natasha, Celia Cruz, Marc Anthony … đa số thuộc dạng Latin pop, mà trong hoà âm thường dùng nhạc cụ Accordion, như người Việt thường dùng đàn Bầu. Thỉnh thoảng chọc đùa với cô vài câu, cô ta quay lại nói, “du má lồ”, you’re ‘malo’, bạn xấu quá, rồi cười khanh khách.

Người Mễ khi kết thân rồi thì họ rất chân tình, không e dè giữ ý nhiều như người Việt. Khi thấy tôi gắn sai một connector tháo ra vất vả, anh bạn Mễ thấy vậy, về chỗ của làm mò mẫm bẻ cái cưa sắt cũ, cắt xẻ mài dũa thành một dụng cụ để ấn vào cái lock trong connector mà tháo ra, anh nói chỉ có lưỡi cưa mới có độ cứng và dẻo tốt khi mài mỏng, còn những thứ khác ấn vào thị bị quẹo hoặc gãy. Trong giờ làm việc mà anh âm thầm kín đáo làm, mài dũa hơn cả tiếng mới xong dụng cụ này, tôi cảm động không nói nên lời. Cũng bởi hàng năm anh nghỉ phép nhiều lần, khi quay lại tôi đều chào đón hỏi thăm, dần dần anh cho biết, anh có đầu tư một trang trại nuôi bò ở quê nhà, nhờ gia đình người em ở quê chăm sóc, nên thỉnh thoảng anh xin nghỉ phép về trông nom trang trại.

Tình cảm gia đình và bạn bè người Mễ hình như mạnh còn mạnh mẽ hơn người Việt. Tôi chưa thấy các cô nàng Mễ trong hãng xỉ vả nhau bao giờ, tôi có hỏi một người Việt làm lâu năm ở đây thì họ nói cũng chưa thấy điều đó xảy ra, trong giờ ăn, họ nhường đồ cho nhau và cười nói vui vẻ, và khi hãng quyết định hỏi ý kiến thì cả bọn đồng lòng rất nhanh. Người Việt tuy chỉ năm bảy người, nhưng có máu “đấu tranh dành độc lập” cao hơn, nên khi được hỏi, thì bao nhiêu người cũng có bấy nhiêu ý kiến. Các cô Mễ thì có vóc dáng đều một khuôn như nhau, đều có “bộ ngực tấn công, … ‘phao câu’ phòng thủ”. Hình như trời sinh thế, họ khỏi cần đi phẩu thuật thẩm mĩ, nên có thể nói xứ Mễ chắc là không có bác sĩ phẩu thuật thẩm mĩ nâng ngực độn ‘phao câu’.

Có lần qua xứ Mễ mới thấy, không hắn là thế. Khi đến Cancun một thành phố du lịch nổi tiếng của Mexico mà người Mỹ ai cũng biết, giống như ở Việt Nam khi nói đến đến Nha Trang vậy.  Nhìn những khách sạn lộng lẫy và khu resort đẹp mắt, thấy đời bỗng tươi hơn. Thành phố Cancun được chia thành hai khu vực. Vùng khách sạn (Hotel Zone) với điểm đến là các bãi biển cát trắng mịn và khu nghỉ dưỡng. Vùng khu thương mại Cancun, nơi người dân địa phương sinh sống, đây là trung tâm thành phố. Hầu hết khách du lịch dành toàn bộ kỳ nghỉ của họ trong khu khách sạn xây trên một doi đất dài và hẹp vươn ra biển hàng chục cây số. Những dải cát dài vàng mịn, nước biển trong xanh và không khí trong lành tại bãi biển Cancun được đông đảo khách du lịch xem là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động bơi lội và lặn biển. Có thể nói, Cancun chính là thiên đường du lịch không thể bỏ qua của vùng biển Caribe xinh đẹp. Nhưng đây chỉ là khu nghỉ dưỡng, muốn khám phá thêm phải bắt chuyến xe bus chạy hơn chục dặm nữa đi vào trung tâm thành phố.

Xứ Mễ thì rộng rãi bao la, lớn gấp sáu lần nước Việt, dân cư cũng đông đúc hơn nhiều, gấp rưới dân Việt. Nếu đọ về kinh tế tài chính với Mễ  thì nước Việt thuộc tép riu. Nhưng đọ về giao thông công cọng thì chưa biết ai hơn. Xe cộ ở Cancun chạy ngược xuôi, muốn ngừng thì ngừng, muốn đứng thì đứng tuỳ ý, khói xe và tiếng bô xe cũ nẹt vang trời. Trên chuyến xe bus vào trung tâm thành phố, có một thanh niên ăn vận đơn giản dáng vẻ phong trần ôm guitar đứng giữa, chờ xe chạy và mọi người ngồi ổn định. Anh thanh niên ngồi xuống ghế trống cuối dãy bỏ ngửa mũ ra, rồi dạo đàng cất tiếng hát, và anh hát say sưa. À, giờ tôi mới biết đây là một ‘hành khất cái bang’. Cũng bởi bộ dạng giống tài tử xine của anh. Đây là một khác biệt lớn với những cái bang kiếm tiền dạo ở bến xe Sài Gòn, bên ngoài càng tang thương, vẻ mặt càng đau khổ mới mong gợi lòng trắc ẩn mà được bố thí xu hào. Những ‘nghệ sĩ đường phố’ này, ta thường gặp nhiều trên đường du lịch, họ dùng ‘tài năng’ chứ không dùng vẻ ‘đau thương’ để kiếm tiền.

 

Xe đậu bến cuối. Tôi đi dạo dọc quanh phố thương mại, cũng không ít người bán dạo đến gạ gẫm mua đồ, những thứ như đồng hồ ví bóp da, đồ lưu niệm. Khi tôi đi ngang qua của hàng bán đồ bán đồ mỹ nghệ và tiểu thủ công. Tôi sượng trân bất ngờ trước hàng chục cái sinh thực khí bộ phận đàn ông, đàn bà bày ra trước mắt. Cái nhỏ thì bằng ngón tay, cái lớn bằng chày giã gạo, dĩ nhiên cái đối ứng không khác cái cối dã gạo là mấy, khúc gỗ tạc giống như đúc, chứ không phải là qua loa theo trường phái ‘tượng trưng’. Người Mễ hình như với họ chuyện này là bình thường, có lẽ thế nên cô bạn làm chung mới tứ tuần đã có cháu ngoại sắp đi học.

Ngồi trong quán nước nhìn ra ngoài đường tôi cảm giác như đang ngồi quán ở Sài Gòn nhìn ra đường Công Lý hay Lê Lợi ngày xưa. Thật là náo nhiệt, không phải chỉ có người bán hàng rong, mà còn có trai thanh gái lịch ngang qua.Thật khác với đồng bào của họ đang làm đường cắt cỏ ở bên Mỹ. Nhiều chàng Mễ cao lớn, tóc đen nhánh, trắng trẻo. Nhiều cô gái lưng eo, ngực nở, vóc dáng đẹp mặn mà, hèn chi anh bạn ở Cali, anh khen mấy gái Mễ quyến rủ hơn gái Mỹ. Xem ra cũng dễ hiểu, dân Mễ có khoảng hai phần ba là dân lai giữa người da đỏ bản địa và người Châu Âu, chủ yếu là dân Tây Ban Nha. Mà dân Tây Ban Nha (cùng với Ý) nổi tiếng là có nét đẹp cao quí và mặn mà hơn dân Anh, Pháp, Đức.

Để khám phá thêm, chúng tôi nghe lời dụ dỗ của anh chàng bartender khách sạn, đi xa ra thêm ở vùng ngoại ô, nơi có những khu vui chơi riêng tách khỏi trung tâm thành phố. Càng ra xa càng thấy người Mễ thấp hơn, da sạm hơn, và gần giống người Mễ làm đường xá bên Mỹ. Họ là giống dân da đỏ bản địa. Đàn ông trung bình khoảng dưới một mét sáu bốn sáu lăm, da sạm, để ria mép, ngực nở mông teo. Đàn bà thì không có phần nào teo hết, kể cả bụng. Anh bạn đi cùng tôi chỉ họ cười ha hả nói, ở Mỹ tôi thấp, ai ngờ qua đây tôi bảnh hơn họ. Anh bạn cỡ thước sáu tám, sáu chín, da ngăm giống Mễ nói thế.

Chúng tôi rảo quanh khu vực rồi tấp vào một quán rượu. Anh chàng bartender nói quán này đông khách, xem ‘Topless’ nổi tiếng nhất vùng.  Cái vụ xem topless này ở Mỹ đâu cũng có, mà Las Vegas là quán quân. Vào quán thì có đủ thứ nước uống, bia rượu hay soda, nhưng anh bạn tôi kêu ly Margarita (rượu Tequila pha chanh), kiểu chanh rum xứ ta, ngồi đó vừa nghe nhạc vừa thưởng thức vóc dáng mỹ nữ. Một bản nhạc vừa phát ra là một mỹ nữ cũng bước ra trên sân khấu “quầy”. Theo nhịp nhạc, mỹ nữ cởi bỏ dần các thứ che thân, uốn éo múa dẻo theo nhịp nhạc. Cởi trên rồi cởi dưới, hết cởi ngoài rồi cởi trong. Hết bản nhạc thì trên người không còn đồ gì để cởi. Các ông ‘Dzua’ chỉ được phép ngồi im mà xem điệu múa nghê thường, đến thưởng tiền thì được, nhưng rờ mó mân mê là bị hai ông hộ pháp Security tóm cổ ném ra ngoài đường liền. Luật lệ rất khắc khe, nên dù say xỉn cũng không ai dám sàm sỡ.

Xứ Mễ có nhiều điều để nói. Nhưng những điều đáng nói, có báo chí và truyền hình đã nói hàng ngày rồi, như chuyện nhập cư lậu, chuyện tham nhũng, chuyện băng đảng ma tuý. Có lần tôi hỏi anh bạn Mễ quen thân, tôi hỏi anh về tình hình xã hội và cuộc sống ở quê nhà. Anh im lặng một lúc rồi nói: Thôi ta không nên đề cập đến chuyện ấy, biết, nhưng chuyện cũng khó thay đổi được. Biết… “nhưng chẳng nói, nói ra nhiều cũng vậy thôi”. Thôi thì hãy cứ Besame. Besame mucho…  Como si fuera ésta noche….  La última vez…   Besame. Besame mucho… Que tengo miedo a perderte…. Perderte después (Hãy hôn tôi. Hôn tôi thật nhiều đi. Giống như tối nay là lần cuối. Hãy hôn tôi, hôn tôi thật nhiều. Tôi e sợ rằng tôi mất bạn về sau …). Như lời bài hát giai điệu Boléro nổi tiếng khắp thế giới của người Mễ. Hãy cứ vui sống với cuộc đời tươi đẹp hiện tại và tin tưởng vào tương lai sẽ tốt đẹp hơn mai sau.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.