Chuyến Đi Ngàn Dặm

Tác giả: Cẩm Tú Cầu

Chúng tôi đến cửa khẩu Lệ Thanh 6 giờ 30, lúc ấy trời đã sáng rõ, mặt trời núp sau đồi, cửa khẩu Lệ Thanh nằm trên một ngọn đồi khá cao. Chờ đến giờ nhân viên cửa khẩu đi làm, ông xã tôi vào làm thủ tục giấy tờ, chuyến đi này có vợ chồng tôi, cô em gái, con dâu và đứa cháu nội chín tuổi. Em gái tôi mua một sim Campuchia để khi cần gọi về nhà, đổi ít tiền Riel, cứ một triệu đồng VN, đổi được một trăm tám mươi ngàn Riel.Thủ tục giấy tờ xong, xe từ từ qua cửa khẩu, bên kia hàng rào là đất nước bạn, cảm giác sao gần gũi, sao thân quen… ông xã tôi còn làm thêm một đợt giấy tờ tại cửa khẩu Campuchia rồi mới lên đường.

Chúng tôi đi trên một chiếc xe nhỏ bốn chỗ ngồi, còn gọi là đi bụi hay gọi là đi phượt. Cảm giác mới mẻ lâng lâng xâm chiếm cõi lòng tôi, lần đầu tiên đi xa, đến một đất nước láng giềng, tôi không khỏi hồi hộp, bâng khuâng…Trước khi đi, các con tôi đều ái ngại, chúng lo cho vợ chồng tôi, tuổi đã cao mà đi bụi.Gần cửa khẩu về phía tay phải, tôi thấy có bảng “Casino”, à! tôi biết rồi, nơi đây có một sòng bạc mà những đại gia có máu cờ bạc ở Việt Nam thường đến tìm vận đen đỏ của mình, cũng nơi đây đã làm cho nhiều gia đình trong một thời gian ngắn mất nhà, mất đất, mất xe… Xe chạy khoảng năm cây số nữa, trước mắt tôi, tiêu và cao su bạt ngàn trải dài hai bên đường, rồi những bảng hiệu các quán lớn nhỏ, bảng nào cũng đề chữ Angkor và tiếp theo một dây chữ ngoằn ngoèo như sợi mì tôm. Tôi được biết chữ Angkor nghĩa của nó là kinh đô, đến cái quán lụp xụp sửa xe bên đường cũng để bảng Angkor, tôi không khỏi kinh ngạc. Qua khỏi một thị trấn khá sầm uất có đường đôi, từ đây con đường trở nên bằng phẳng, nhựa láng bóng, xe chạy đến tám mươi cây số giờ, vì đường rất vắng, nhà cửa rất ít, phần nhiều là nhà sàn, có cầu thang nằm bên phải, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe biển số Campuchia chạy vụt qua và họ chạy rất nhanh. Hai bên đường đất đai khô cằn, không có bóng người, làm cho lòng tôi thấy lo lo, sợ lạc đường, mặc dù trước khi đi, chúng tôi đã nhờ đứa cháu ngoại in lộ trình rất tỉ mỉ và trên xe có máy định vị. Con đường không có bóng cây, mặt trời phía sau lưng, xa xa có những cây thốt nốt ngã bóng ngắn dần, ngắn dần trong nắng. Lần đầu tiên đi trên con đường lạ lẫm, tôi thấy rất xa vời, nhưng rồi đến mười một giờ rưởi cũng đến Stung Treng, nơi này có vẻ sầm uất, cầu Stung Treng mới và đẹp, nhìn xuống sông, một dòng chảy xanh mướt uốn lượn, bên bờ có những mái nhà xanh đỏ đan xen, ấn núp dưới bóng dừa, thật thơ mộng, thật hiền hoà, bầu trời lúc ấy hơi mờ mờ vì khói nắng, vì những đám mây trắng trôi chầm chậm giữa không gian. Chúng tôi ăn trưa ở nơi này, các món ăn cũng giông giống ở Việt Nam, nơi này tiêu tiền dolla, hoặc tiền riel của Campuchia.Nghỉ trưa một chút, chúng tôi lên đường để dạo ngắm đất nước bạn. Trên xe, ông xã tôi hay nói những chuyện tiếu lâm và kể những nơi anh đã ghé qua như Hàn Quốc, Nhật và nhất là Mỹ, nơi anh đến nhiều lần, nhiều tiểu bang, làm cho không khí trên xe thêm phần sống động, vui tươi, nhất là những câu hỏi ngây ngô của đứa cháu nội, làm tôi như quên đi quãng đường dài 515 cây số từ cửa khẩu Lệ Thanh qua Siem Reap, và quên đi sự nôn nao mong chờ điểm đến. Còn khoảng gần một trăm cây số nữa đến Siem Reap, nhà cửa rất nhiều, ở hai bên đường người ta bày bán những trái cây vườn nhà rất lạ. Chúng tôi đến Siem Reap lúc 5 giờ rưỡi chiều, trời đã ngã bóng hoàng hôn. Quốc lộ 6 chạy ngang qua trung tâm thành phố, một con đường rộng, xe cộ rất nhiều, toàn là xe du lịch, đèn đỏ rất ít nhưng giao thông trên đường xe cộ tự ý nhường nhau, chúng tôi tìm về khách sạn đã đặt trước từ bên Việt Nam. Tối đó, chúng tôi đi xe tuk tuk, một loại xe thông dụng của đất nước này, đó là chiếc xe gắn máy kéo theo một cabin chế tạo với mái vòm và hai hàng ghế ngồi phía sau, trang hoàng đẹp đẽ giống như xe ngựa của chúng ta ngày xưa. Người lái xe đưa chúng tôi ra khu chợ đêm ăn cơm Việt Nam. Ôi! Khu chợ đêm đông đúc làm sao, người Tây, người Tàu, người Việt Nam tấp nập. Ăn cơm xong, thấy còn sớm, người lái xe đưa chúng tôi dạo quanh một vòng khu chợ đêm và vào một phòng trà xem các vũ công Apsara múa điệu múa Hoàng cung xưa. Dưới ánh đèn lung linh, các vũ công như các nàng tiên trong truyện cổ tích, đang múa những vũ điệu làm mê hoặc lòng người…Sáng hôm sau, chúng tôi ăn sáng ở quán phở gần khách sạn thật sớm, có một điều thật khó khăn cho chúng tôi là mỗi lần vô quán chọn món hơi lâu, vì các phục vụ viên biết tiếng Anh quá ít. Chúng tôi lên đường với người lái xe tuk tuk biết kha khá tiếng Anh, trước tiên đến một nơi đông đúc xe cộ, chật cả lối đi để mua vé và làm thẻ tham quan, rồi chúng tôi thẳng tiến trên con đường toàn cây cổ thụ mát rượi. Nhìn những khu rừng còn hoang sơ, im ắng, làm cho tôi thích đi mãi trên con đường này. Xe chạy khoảng hơn 6km, tôi nhìn qua bên phải, một rừng cây rậm rạp nằm sát bờ sông, sông không rộng lắm, nước trong xanh, không phải sông mà là con hào được vua Surỷavarman II cho đào quanh khu đền Angkor wat. Theo truyền thuyết kể rằng, thuở ấy nhà vua đã thả hàng triệu con cá sấu để làm đội thuỷ binh chống giặc ngoại xâm, nhưng bị quân Chiêm Thành thả những bè tre lớn, trên đó đốt trái mã tiền và mít độc làm chết đội thuỷ binh hùng mạnh của vua Surỷavarman II.Tôi đến Angkor wat lúc mặt trời đã lên phía sau lưng năm toà tháp, ánh nắng chiếu sáng các ngọn tháp bừng lên, ban đầu màu hồng, rồi đến màu vàng và sáng dần, sáng dần, soi rõ những tầng của tháp hình cánh sen. Tôi ngơ ngẩn nhìn khung cảnh xung quanh đền Angkor, lòng bỗng rung lên những cung bậc cảm xúc diệu kỳ, những rạo rực đắm say, tôi đứng sững hồi lâu…. đến khi ông xã tôi quyết định đi suối 1000 Linga vì nơi ấy xa nên đi trước, đường bây giờ xuyên qua làng mạc im mát, dọc đường người dân bản địa bán rất nhiều mũ, nón và đồ lưu niệm như những giỏ tre, đường thốt nốt, cơm lam (cơm trong ống tre), nhà cửa toàn khang trang và phần nhiều nhà có xe du lịch, xe bán tải. Đến nơi phải qua một con đường dốc đá lởm chởm có bản đề 1500m, ông xã tôi dìu tôi đi khoảng 200m tôi đã thây đau chân và mệt nhoài đành trở lại, em gái, con dâu và cháu nội tôi đi rồi về kể lại, trên ấy là một con suối cạn, có tượng Phật nằm với nét mặt trầm tư, mắt nhắm hờ, dưới chân, gần đáy suối cạn rất nhiều Linga được chạm khắc rất mỹ thuật nên mới được gọi là “The river of 1000 Linga”, nơi ấy rừng rậm và có con suối mà nhiều người tin là suối thiêng, nước nơi này trị được bách bịnh, họ bồng con đến để tắm rửa và múc nước đem về để ở nhà có người đau chữa bịnh. Nhưng qua mạng, tôi biết nơi này vua Surỷavarman II đã tuyên bố độc lập tách khỏi ảnh hưởng Ấn Độ.Trên đường về, chúng tôi ghé nhà hàng được thiết kế bằng tranh, nhưng rất nhiều người nước ngoài đến dùng bữa trưa, cơm và đồ ăn ở đây rất ngon. Rồi chúng tôi ghé năm ngọn tháp bên đường, các tháp này làm toàn bằng đá sa thạch màu hồng đỏ, đi khoảng hai cây số nữa, chúng tôi bắt gặp một ngôi đền âm u, trước cửa có tháp và cây cối che kín, trong khoảng sân rộng, người ta bày bán rất nhiều đồ lưu niệm như các ngôi đền khác, sân chính điện được bao quanh bởi hai con rắn thần Naga bằng đá.
Trở về Angkor Thom, chúng tôi đi vào cửa phía Nam, chung quanh được xây bằng đá ong rộng 9km2, trước cổng là hai dãy tượng người ngồi, tuy không có tay nhưng tôi hình dung được họ đang ôm rắn thần Naga bảy đầu dài khoảng 200m, đến trước cửa Angkor Thom, một ngọn tháp cao 23m, tôi đi thẳng vào đền Bayon, trước mắt tôi là 54 ngọn tháp cao khoảng 12m, mỗi ngọn tháp có bốn mặt người nhìn ra bốn hướng và 216 nét mặt khác nhau, nụ cười khác nhau, tuy bây giờ không còn nguyên vẹn, nhưng những nụ cười này đã làm xôn xao thế giới, làm tốn biết bao giấy mực của nhân loại và hiện đang làm xao động trái tim tôi, đó là một vị vua? một vị thần? một người đàn ông khoảng trên bốn mươi tuổi, hai má phinh phính, bầu bỉnh, đôi môi dày, miệng rộng, mắt to trán cao lông mày rậm, mũi thẳng. Tôi hình dung ra người này rất cao lớn, đang nở nụ cười cởi mở thân thiện, nhưng nhìn từ bên phải qua, sẽ thấy vẻ suy tư trầm mặc, nhìn từ bên trái sẽ thấy ẩn hiện nét lo lắng, nặng trĩu trong lòng….Tôi đi loanh quanh, mọi di tích nơi đây phần nhiều đổ nát, vì thời gian, vì chiến tranh, nhìn lâu không khỏi chạnh lòng và tôi mơ hồ như có bóng dáng người xưa hiện về quanh đây….Angkor Thom là kinh đô của đế chế hùng manh Khmer, là hoàng cung, được vua Jayavarman VII xây dựng từ cuối thế kỉ XII, đó là thời kì cực thịnh của dân tộc Khmer, trong đền có những bức tranh đá khắc hoạ, sử thi Khmer, đời sống, sinh hoạt của vua quan và người dân trong thành thời bây giờ, tái hiện những trận chiến với các nước láng giềng, tất cả đều sống động, đều tinh vi…Trong này có quảng trường chiến thắng, đến đền Ta Phnom, nơi đây là học viện Phật giáo, cây cối âm u, rễ phủ cả mái đền, tôi đứng lặng mà nghe lòng dậy lên bao cảm xúc xa xăm, như tìm về dấu vết người xưa, tìm về một quá khứ oai hùng của nhiều thế kỉ trước…Nơi đây có một hành lang dài kỳ bí, nếu chúng ta đứng ở hành lang này, vỗ tay lên ngực, sẽ vọng lại âm thanh trên tường, lúc này trời bắt đầu đổ mưa giông, sấm chớp liên hồi, chúng tôi vội vã ra đi với bao vấn vương, nuối tiếc trong lòng.Chúng tôi đến Angkor wat khoảng ba giờ chiều, trời đang mưa giông, những hạt mưa rào rào từ không gian rơi xuống, như tắm gội ngôi đền Angkor wat, mặc dù mưa và sấm chớp, nhưng người đi viếng đến rất đông, chen nhau trên con đường đá rộng 10m, tôi vào bên trong, Angkor wat rộng 200ha, vô số tháp đền, ban đầu thờ đạo Hindu, sau này thờ Phật. Các đền ở đây làm bằng đá xanh, tôi đến ngôi đền lớn nhất có ba tầng, tầng một là nơi vua tắm gội tẩy trần, hiện còn những hồ đã khô nước, tầng hai của ngôi đền, nơi mà có chạm khắc 1700 vũ công Apsara, với thân hình tuyệt mỹ, để ngực trần, có nét mặt khác nhau,động tác khác nhau, tầng ba để thờ cúng.Tôi như mê đi với những công trình kiến trúc, với những hoạ tiết công phu, tinh xảo, những bức hoạ nói về sử thi Ân Độ, do các kiến trúc sư tài hoa thời bấy giờ tạo nên. Được biết Angkor wat do vua Surỷavarman II xây dựng năm 1113 và 37 năm sau mới hoàn thành, trước Angkor Thom gần 100 năm. Rồi tôi ra bờ hồ nơi có ba ngọn tháp, nhưng nhìn nghiêng về phía trái, sẽ thấy năm ngọn tháp in bóng xuống đáy nước, mà lúc sáng tôi đã ngẩn ngơ đắm nhìn. Năm ngọn tháp dưới cơn mưa, dù bây giờ mưa chỉ còn lác đác, bóng năm ngọn tháp lung linh nhoè nhạt, dưới làn nước trong xanh, tôi nhìn lên năm ngọn tháp đứng ủ rủ, bầu trời nhiều mây xám đang trôi nhanh, không gian bàng bạc. Tuy không phải hoàng hôn, không phải bình minh, nhưng năm ngọn tháp dưới cơn mưa và bầu trời ảm đạm cũng đẹp đến nao lòng, chắc là không kém buổi hoàng hôn, xa xa những cây thốt nốt đang lay động trong gió, như có tiếng thì thầm của người xưa đâu đây. Tôi thẩn thờ đứng đó, thả hồn về những năm tháng xa xăm của nhiều thế kỉ trước. Bóng tối xuống rất nhanh, chúng tôi đành ra về với bao niềm luyến tiếc… Tôi tự hẹn với lòng sẽ có một ngày tôi sẽ trở lại Angkor Thom thăm nụ cười bí ẩn, trở lại Angkor wat chiêm ngưởng cảnh hoàng hôn về trên năm ngọn tháp, để nghe tâm tư mình xao động mênh mang và ghé cánh đồng chết vào một đêm trăng mờ ảo, lên núi Bakheng cao 65m để ngắm toàn cảnh Angkor wat và Angkor Thom… Còn nhiều và rất nhiều, SiemReap có đến hơn 100 ngôi đền, mà nơi nào cũng gần ngàn năm tuổi, quyến rũ vô vàn. Còn có một ngôi đền, không kém gì Angkor wat, cách Seamreap 70km, nơi ấy có mộ vua Surỷavarman II, vị vua này chết trận trong rừng thẳm, nhưng chưa khai thác đường vào. Angkorwat (còn có tên là Đế Thiên), Angkor Thom (có tên là Đế Thích) là kì quan của thế giới, nơi này bị lãng quên trong rừng rậm nhiều thế kỉ, được nhà khảo cổ người Pháp, tên Henri Mouhot tìm thấy năm 1860. Tôi không thể nói hết những hùng tráng, những hoa văn, những chạm khắc tinh xảo của nền văn minh Khmer cổ đại xa xưa, và biết bao điều mà hai vị vua lỗi lạc của đế chế hùng mạnh Khmer kì công xây dựng nên từ thời xa lắc, tôi chỉ có những cảm xúc nhỏ nhoi của riêng mình.Tối đó, chúng tôi đi dạo quanh thành phố Siem Reap ăn món buffet nổi tiếng ở nhà hàngTonle Mêkong và về ngủ sớm, để chuẩn bị cho cuộc hành trình đến Phnom Penh ngày mai. Con đường đến Phnom Penh chỉ có 320 cây số, nhưng đường đang làm nên bụi đất mịt mù, mãi 12 giờ mới đến một quán ăn trưa bên đường, có một chợ nhỏ bán toàn đặc sản của Campuchia, Chúng tôi đến Phnom Penh lúc 3giờ chiều, nhưng hỏi đường về khách sạn hết một giờ, Phnom Penh rộng lớn, xe cộ rất nhiều, phần đông là xe du lịch, đường phố sạch sẽ, người dân thân thiện, tối đó chúng tôi đi ăn lẩu nướng. Sáng mai lại ăn sáng uống cafe, các thiếu nữ nơi thủ đô nầy trắng và đẹp, sang hơn ở Seam Reap nhiều. Chúng tôi đi thăm hoàng cung, một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi đến quảng trường sông bốn mặt, rất tiếc chúng tôi đến vào buổi sáng nên không được ngắm hoàng hôn trên sông lúc chiều về. Chung quanh đường phố rộng, cũng có những cây bằng lăng tím, nhưng mà màu tím đậm hơn ở Việt Nam, những cây phượng đỏ thắm đậm màu, đặc biệt tôi đi đến nơi rừng cây hoặc đứng dưới gốc phượng, cũng không nghe được tiếng ve kêu râm ran như ở đất nước mình. Hoàng cung được xây dựng hơn 100 năm qua, nhưng rất mới và sang trọng vì nơi ở hiện tại của vua. Trước mặt hoàng cung là sân cỏ rộng, dành để duyệt binh, vua đi một cổng riêng. Chúng tôi nhờ một hướng dẫn viên, nói tiếng Việt rất lưu loát. Đường vào hoàng cung mát rượi, sáng và đẹp, bước qua khỏi cổng, tôi gặp ngay cây sala, hoa thật nhiều. Tôi đến điện chính, nơi trưng bày các đồ dùng của vua, trong một chiếc tủ treo áo vua và áo hoàng hậu, có kết chỉ bằng vàng, đồ này vua chỉ mặc hai lần trong đời khi đăng quang và khi cưới vợ, hoàng cung còn có lệ, mỗi ngày nhân viên và cung nữ mặc một màu áo để vua nhìn màu áo thì biết ngày hôm nay là thứ mấy, kế đến phòng có để ngai vàng của vua, chiếc ngai này vua chỉ được ngồi một lần trong đời khi đăng quang. Về phía bên phải có cột cờ thấp ngang mái nhà, người hướng dẫn viên cho biết khi nào có lá cờ kéo lên là báo hiệu có vua ở nhà. Rồi chúng tôi đến chùa bạc, chùa vàng, chùa có nền bằng bạc được lát hơn 5000 viên gạch bằng bạc và mỗi viên nặng hơn 1kg. Cũng tại chùa này, có tượng phật bằng vàng nặng 9kg và được gắn hơn 2000 viên kim cương đã lên nước tím, phát ra những tia sáng rất đẹp. Trong chùa, trên cao còn có tượng Phật bằng ngọc bích, mà tượng này hiện nay trên thế giới chỉ có năm tượng, mà hoàng cung Campuchia có được một, tượng này rất linh thiêng. Dạo quanh các tháp là mộ của vua, hoàng hậu và công chúa, tôi cảm động nhất là công chúa Kantha Bopha mất năm bốn tuổi, là con gái yêu của vua Sihanouk, quá thương con, ông đã cho xây một tháp lớn để an táng công chúa và mãi mấy chục năm sau ông còn trối trăn khi ông chết, đốt xác, tro cốt chôn chung cùng mộ với con gái yêu. Trước khi ra về, tôi nhìn lại hoàng cung một lần nữa và thấy lòng mình bâng khuâng, tôi tự nghĩ một đất nước nhỏ mà có nhiều di sản quý giá vô ngần…Chiều lại chúng tôi đi chợ trung tâm, nơi này người mua, người bán tấp nập, tại chợ tiêu được bốn loại tiền, tiền Việt Nam, tiền Campuchia, tiền Thái Lan và dolla Mỹ, ở đây rất nhiều người Việt, trước chợ là một dãy tiệm bán kim hoàn, quẹo lại phía phải có khu phố của người Tàu, chắc họ đã ở đây rất lâu lắm rồi. Ngày mai tôi về lại đất nước của mình, về lại Pleiku mát dịu của tôi, lòng tôi không khỏi vấn vương, lưu luyến, tuy ở Campuchia có mấy ngày, nhưng nơi này đã gieo vào lòng tôi nhiều tình cảm trìu mến thân thương. Tối đó chúng tôi đi ăn quán có nhạc sống. Tôi không hiểu tiếng Campuchia, nhưng tôi cũng cảm nhận được âm thanh êm ái của lời ca sĩ hát. Có một điều mà ai cũng nhận ra, ở đất nước này, các món ăn đều có gừng xắt nhỏ trộn vào.Sáng hôm sau, mới năm giờ chúng tôi đã dậy sớm ra đi, đường còn vắng vẻ, bầu trời sáng dần, xe chạy trên quốc lộ 8, đoạn này còn nhiều phố xá, ánh nắng ban mai chiếu sáng mọi nơi, chúng tôi đi trên con đường xuyên Á. Khi qua đường số 11, bắt đầu có những ruộng lúa xanh non hai bên, đó là lần đầu tiên tôi thấy ruộng lúa từ khi qua đây, nhưng trên đồng không có bóng nông dân, những làn gió ban mai lùa những làn sóng xanh, nhấp nhô trong nắng đẹp đến mê người, hai bên đường phần nhiều là cây keo lá tràm mát rượi, đến cuối đường 11, có những rừng cao su bạt ngàn, quang cảnh ở đây phần nhiều cũng giống ở Việt Nam, có những đoạn nhà dân hai bên đường xoài trĩu cành. Trưa hôm đó, chúng tôi ăn cháo gà ở một quán bên đường, rồi đi qua một đoạn đường đang làm khá dài đến đường 78, từ đây về nhà chỉ một đường, lúc này đã xế chiều, mặt trời sau lưng, xe chạy trong ánh nắng dần dần ngã màu, đây là đoạn đường chúng tôi đã đi qua Siem Reap cách đây bốn ngày, sau lưng tôi bóng những cây thốt nốt ngã dài, nắng miên man trong chiều xuống, những đám mây lang thang trôi về nơi vô định, những vạt nắng bắt đầu yếu ớt, mặt trời đỏ hồng, rồi xuống thấp, mặc dù biết rõ đoạn đường mình sẽ đi, nhưng lòng tôi không khỏi hồi hộp lo lắng, xe chạy mãi trong buổi chiều tàn, con đường ngàn dặm sắp qua đi, trên xe ai cũng im lặng, mỗi người theo đuổi một cảm nghĩ riêng về hành trình năm ngày qua ở đất nước bạn. Khi đến cửa khẩu Campuchia thì ánh nắng không còn nữa, bầu trời đã chập choạng rồi chìm trong bóng tối. Cửa khẩu đã đóng lúc 5g30 chiều, mà bây giờ đã gần 7 giờ tối, thế là chúng tôi phải năn nỉ, rồi đến cửa khẩu nhà cũng năn nỉ. Qua hai cửa khẩu, lòng tôi thấy nhẹ nhõm và con trăng mười bốn đưa chúng tôi về nhà…

.

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đám mây, ngoài trời và thiên nhiên

 

2 thoughts on “Chuyến Đi Ngàn Dặm

  1. TT.Hiếu Thảo

    Chị CTC viết bút ký về những chuyến đi rất là mạnh (chủ lực trong văn chương sự nghiệp chị) Một cách viết sâu sắc tỉ tỉ từng kỳ tích… Tuy nhiên đọc vẫn lọc ra, thấy những sáng tạo của ngôn ngữ hành văn chị gây cảm hứng và ấn tượng… Chính sáng tạo là điểm cao nhất để phân định giá trị tác phẩm và tác giả…phải hôn chị? Thanks chị đã đọc…
    Em ,TTHT, Chúc vui…

    Reply

Leave a Reply to Mộng cầm Cancel reply

Your email address will not be published.