TẢN MẠN VỀ Vợ Người Làm Thơ

Tác giả: Người Dưng

Luân Hoán làm thơ cho vợ khá nhiều. Chỉ trong tập Thơ Thơm Từ Gốc Rễ Tình, đã có đến 29 bài. Điều đáng nói, sau nhiều năm thành hôn, vợ ông vẫn là người tình ruột của ông. Nếu đọc kỹ thơ ông, chúng ta có thể xác định được điều này thật rõ ràng. Đã có vài người bạn thân của nhà thơ, dựa vào thơ hoặc đời sống thường ngày, để vẽ ra một bà Luân Hoán. Một nhà thơ Phan Ni Tấn (Người bạn đời trong thơ Luân Hoán), một nhà văn Hồ Đình Nghiêm (Tiếng chim). Tôi, một phụ nữ, sau khi đọc thơ, cũng cảm kích muốn viết ít dòng về người đàn bà ruột của nhà thơ, nhưng không trích dẫn một câu thơ nào.

Tôi vốn là một bạn đọc thơ Luân Hoán, thỉnh thoảng trích thơ ông đăng trên trang Web của mình, rồi được quen biết qua email. Trong tinh thần văn nghệ, tôi gọi Luân Hoán là anh. Một người anh hơn về tuổi đời cũng như sinh hoạt văn học.

Tôi gọi chị là chị vì chị là vợ anh dù rằng chị khoảng ngang tuổi tôi . Nhìn hình, ở lứa tuổi 60 nhưng chị rất thanh tú và xinh đẹp, tôi thầm nghĩ nếu cách đây mấy chục năm về trước, với nhan sắc đó chị nghiễm nhiên là một khuôn mặt nổi trội ở cửa lớp, sân trường. Qua những vần thơ anh viết thì mối tình anh chị cũng rất dễ thương, nhờ tài làm thơ anh đã dụ dỗ được cô bé nhỏ lí lắc hay cười thuộc nhóm hậu sinh. Anh biết yêu rất sớm và có nhiều người tình nhưng chị là người anh  chọn để nâng khăn sửa túi. Quyết định không đi từ tình cờ cũng không phải từ sự chi li, tính toán mà bất cứ ai khi đã biết chị đều hiểu rằng ngoài một nhan sắc nền nã, chất nữ tính đậm đà nơi chị đã giữ bước chân đào hoa của anh.

Người phụ nữ nầy thật đặc biệt, là bạn đời của thi sĩ chị khiêm tốn nép mình sau lưng anh để ngòi bút anh tự do sa đà với những nàng thơ diễm lệ. Luân Hoán được mang danh người tình chung thủy, có trước có sau với những giai nhân từ thời trẻ đến lão thành há chẳng phải nhờ sự thông cảm tột cùng của hiền thê đó sao? Nếu chị giữ lề lối ghen tuông “nhi nữ thường tình ” thì anh làm sao có được sự nghiêp đồ sộ về thi ca hơn những người cùng trang lứa.

Là vợ một người lính, chị là hậu phương vững chắc, là lá bùa hộ mệnh để anh có niềm tin khi ra chiến trường, dù biết rằng trên những chặng đường viễn chinh người lính đó tuy yêu vợ thật thà nhưng vẫn sẳn sàng hoa lá cành với những bóng hồng khác, và khi chiến tranh đã làm anh tàn phế, chị đã đón người thương binh trong vòng tay thương yêu của gia đình bởi hơn ai hết chị đã hiểu “chiến tranh là mất mát bởi chiến tranh đâu phải trò đùa“.*

Lịch sử đã sang trang, chị đứng về phía anh, về phía những người bại trận và vẫn một lòng lo cho chồng con gánh vác giang san nhà chồng, vẫn không ngừng yêu thương anh một người gần như mất hết tương lai, trong khả năng của chị  vẫn cố gắng ” giấy rách giữ lấy lề” để nếp sống gia đình như xưa, không bị ảnh hưởng nhiều vì cơn lốc thời cuộc.

Cuộc đời chị thay đổi theo bước ngoặt mới, cùng anh định cư nước ngoài. Trong hoàn cảnh mới chị trở thành trụ cột gia đình, làm một bà Tú Xương hoàn hảo , sáng đi làm tối học ngoại ngữ để hòa nhập vào cộng đồng xa lạ. Vẫn yêu chồng, yêu con tha thiết, vẫn tạo một cuộc sống phong lưu quý phái để những dòng thơ người bạn đường có cơ hội chảy mãi không ngừng, những vần thơ đã làm xao xuyến trái tim cô bé mười ba tuổi đến tận bây giờ trái tim ấy vẫn say sưa theo từng con chữ, từng tiếng tơ lòng mà anh đã gieo.

45 năm ngọt bùi đã qua, anh chị giờ đây đã lên chức Ông, Bà, đã có một cuộc sống khá ổn định nơi xứ người, 45 năm đã làm nên một gia đình tuyệt vời mà không phải ai cũng có, rất nhiều người tài hoa đã mệnh yểu trong đau thương, rất nhiều người tài hoa đã dang dở trong tình trường, riêng với anh chị thì cây hạnh phúc đã đơm bông kết trái gần nửa thế kỷ, công sức ấy phần lớn là nhờ chị, chị Trần Thị Lý yêu quý..

Anh Luân Hoán, anh thật may mắn vì có chị trong đời

*Câu hát trong bài nhạc ” Mùa Xuân” của NS Phạm Minh Tuấn

Người Dưng

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.