Lửa Tây Sơn Rực Sáng Ý Chí, Tinh Thần Dân Tộc

Tác giả: Lê Hoài Lương

(Đọc trường thiên tiểu thuyết lịch sử “Tây sơn tam kiệt- Nhất thống sơn hà” của Vũ Thanh, Nxb. HNV 2017)

Lê Hoài Lương

1.

Đây là phần 2 trong tổng thể bộ 3 “Tây Sơn tam kiệt”, gồm: “Én liệng Truông Mây”, “Nhất thống sơn hà” và “Gia Định tam hùng” của nhà văn Vũ Thanh. Khởi đầu là cuộc khởi nghĩa Truông Mây của Chàng Lía- một nhân vật không được nhắc tới trong chính sử nhưng sống động trong bài chòi, ca dao, hò vè suốt Nam Trung bộ những năm cuối thập kỷ 60, thế kỷ XVIII. Và kết thúc với việc nhà Nguyễn Gia Miêu diệt Tây Sơn, đầu thế kỷ XIX, 1802, khi vua Gia Long lên ngôi. Chuyện ai thống nhất sơn hà sau hơn 200 năm đất nước chia cắt cuộc Trịnh- Nguyễn phân tranh với 7 trận chiến “nồi da nấu thịt”, huynh đệ tương tàn, còn nhiều ý kiến tranh biện, ở đây không bàn. “Nhất thống sơn hà” gồm 4 tập, gần 1700 trang sách, bắt đầu từ “Áo vải cờ đào” Tây Sơn tam kiệt khởi nghĩa đến kết “Mùa xuân hùng võ” sau chiến thắng hơn 20 vạn quân Thanh và vua Quang Trung đột ngột băng hà khi mọi dự án lớn lao đành dang dở.

Tức là, với phần 2 này, chúng ta tiếp nhận một bộ tiểu thuyết lịch sử khuôn gọn trong thời kỳ vương triều Tây Sơn lẫy lừng, từ khởi nghiệp đến chói sáng những chiến công tiêu diệt các tập đoàn phong kiến cát cứ 2 miền nam- bắc, đánh bại những thế lực ngoại xâm hùng mạnh Xiêm, Thanh. Và cả những quốc sách đối nội, đối ngoại xuất sắc của bậc minh quân anh hùng dân tộc Quang Trung đại đế.

Lịch sử đã lùi xa hơn hai trăm năm. Đám cháy vĩ đại và bi tráng nhất của ba mươi năm một vương triều chói sáng rồi vụt tắt trong ngui ngút nuối tiếc dở dang hào khí và thương tưởng, luôn là một bí ẩn lịch sử cần giải mã, không chỉ từ những mơ hồ khuất lấp của lịch sử, mà còn từ những can dự của các sáng tạo nghệ thuật. Bởi vì, con đường quanh co của chính sử, đôi khi không có sức sống bằng nghệ thuật. Cuộc xâm lăng của Napoleon đệ nhất vào nước Nga, người ta đọc “Chiến tranh và hòa bình” của L. Tolstoi như một chứng liệu khả tín. Hay thời Tam quốc, tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung lại cứ sống động trong sự nghĩ và hiểu lịch sử người đời sau. Con người mỏng manh trước những chính danh hay hão huyền, nên duy ý chí hay cảm tính vẫn luôn tồn tại.

Viết về sự kiện bi tráng nhất và đầy khuất lấp như thời vương triều Tây Sơn, đã và sẽ còn viết nhiều. Vài mươi năm qua có “Sông Côn mùa lũ” trứ danh của Nguyễn Mộng Giác, “Tây Sơn bi hùng truyện” của Lê Đình Danh, “Tây Sơn ai tư vãn truyện” (bằng mấy ngàn câu thơ) của Vũ Đình Ninh. Không bàn thêm sách của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cuốn thơ dài hơn truyện Kiều 2 câu của Vũ Đình Ninh. Thấy cấu trúc chương hồi giống nhau của Lê Đình Danh và Vũ Thanh tôi thực sự tò mò. Lại thêm một “diễn nghĩa” nữa, vậy nó sao đây?

2.

Nó cuốn hút, đã đành. Nhưng khác. Đương nhiên khác với cách tiếp cận văn chương của bậc tài danh Nguyễn Mộng Giác. Vũ Thanh có lựa chọn riêng cho đề tài lịch sử, dù ai đã viết, đã in. Tôi không có ý so sánh, nhưng nếu lịch sử như cái vin tựa để nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm văn chương và giải mã rốt ráo những yếu tố tâm thức mọi thời về quyền lực và chính trị trong nhân sinh, Vũ Thanh đơn giản hơn, lịch sử với ông, là cuộc nối tiếp tâm thế dân tộc, ý chí và tinh thần dân tộc, dù bi thương hay chất ngất hào khí.

Ý chí và tinh thần dân tộc xuất phát từ lòng dân. Những thịnh suy của các triều đại trên đất nước này, dân tộc này từ chính ánh chiếu minh triết và riết róng đó. Xuất phát điểm này là căn bản chứ không phải những tra cứu công phu từ Thanh sử, Nguyễn sử, và các tài liệu từ các thư viện châu Âu, từ dã sử, huyền sử lòng dân cộng thông kẻ túc nho thương tưởng, tiếc nuối một thời, thuần tự hào quê hương đất Tây Sơn tam kiệt.

Tôi thấy Vũ Thanh có cả những tra cứu ấy, từ mơ hồ dã sử nặng tình đến nghiệt ngã khoa học thấu lý của nhà sử học người Bình Định không bị “niềm tự hào” chi phối- Tạ Chí Đại Trường. Vũ Thanh tiếp nhận tất cả cho chủ đích của ông trong sáng tạo nghệ thuật. Cái chủ đích ấy rộng lớn hơn “niềm tự hào” bản địa, nó thiêng liêng một ý thức và tinh thần dân tộc. Dĩ nhiên, cũng là một kiểu “niềm tự hào” khác với tầm vóc và sức khái quát lớn hơn.

Dễ đồng thuận việc giải thích nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nhanh chóng được sự ủng hộ của đám đông dân chúng bần cùng, xiêu tán vì chế độ cai trị tham tàn thời suy mạt. Nhưng sự đồng thuận này thành một đám cháy ngất trời thiêu rụi thành trì các tập đoàn phong kiến tồn tại mấy trăm năm thì đã thành ý chí và tinh thần cả dân tộc.

Và trên hết, đây không phải cuộc khởi nghĩa nông dân như đâu đó nhầm lẫn, mà là cuộc giương cao cờ nghĩa của những anh hùng, hiệp khách. Không kể thất hổ tướng, lục kỳ sĩ, ngũ phụng thư, ngay những nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết: Tín Nhi, Tiểu Phi, Hồ Thiết Thủ, Trần Lâm, Vũ Song Nhạn v.v… cũng đậm chất hiệp sĩ. Dù dựa nhiều vào truyền thuyết giai đoạn khởi nghiệp, vào các sử liệu khi có vương triều Tây Sơn, nhà văn rất chủ ý mô tả nhân vật, sự kiện với cảm hứng xuyên suốt này. Hùng tâm, tráng chí, nghĩa khí của mấy chục nhân vật hư cấu không làm loãng chủ đề, mà tăng sự hấp dẫn của tiểu thuyết và nhấn mạnh thiên anh hùng ca bi tráng đượm màu hiệp khách. Một Tín Nhi đi khắp cùng trời cuối đất quyết tìm cho ra kẻ phản bội Chú Nhẫn moi tim về tế “đại ca Lía”, một Tiểu Phi “vô ảnh phi đao” hoài bão về Việt võ đạo để đối kháng với võ Trung Hoa, chị em Vũ Song Nhạn rực sáng gương liệt nữ ở đồn Khương Thượng hay cuộc giao đấu với các nhà sư Trung Hoa ở chùa Yên Tử của Tín Nhi, sư Tịnh Quang để bảo vệ đạo pháp dân tộc… không chỉ thể hiện chất tín nghĩa hiệp sĩ mà đầy ký gửi của Vũ Thanh về tinh thần dân tộc.

Cần nói, sư Tịnh Quang chính là quân sư Trần Lâm thời “đại ca Lía”, vì nỗi thống khổ chuyện nhà mà bỏ đi biệt xứ rồi thành vị sư dựng chùa cỏ tu ở Hoàng Sa- một gửi gắm nữa của nhà văn về chủ quyền tổ quốc từ mấy trăm năm trước ở đảo này. Và khi nghe tin quân Thanh đã sang xâm lăng nước ta, nhà sư vội trở về, một kiểu nhấn mạnh của tác giả về dòng thiền nhập thế của Yên Tử, một ý thức tự chủ của cha ông.

Chất hiệp sĩ và ý thức, tinh thần dân tộc xuyên suốt bộ tiểu thuyết.

3.

Về Tây Sơn tam kiệt, Vũ Thanh cũng rất dụng công theo sát chuỗi dài từ khởi nghiệp đến sừng sững một vương triều và các chiến công hiển hách. 3 nhân vật lịch sử Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ cùng văn thần, võ tướng hiện lên khá sinh động tài năng và tính cách, ý chí và tham vọng. Sử gia Tạ Chí Đại Trường với cuốn sách “Lịch sử nội chiến Việt nam, 1771-1802” khảo sát khá thấu đáo thời kỳ này, có cách nhìn rất sắc sảo, cô đọng, căn bản là, phong trào Tây Sơn thành công khởi nghiệp là nhờ máu con buôn của Nguyễn Nhạc, và thất bại chính là không chinh phục được người Hoa ở miền Nam. Tất nhiên rất nhiều cứ liệu lịch sử về việc quân Tây Sơn cướp lương cướp gạo chở về Qui Nhơn, nếu đồng ý với nhận định của sử gia họ Tạ, thì cuộc chém giết quá đáng người Hoa được Vũ Thanh giải thích là sự bức xúc của Nguyễn Nhạc khi Phạm Ngạn bị giết.

Viết về Tam kiệt, ngòi bút tác giả tỏ ra ưu ái rất nhiều dành cho Quang Trung- Nguyễn Huệ. Cũng hợp lý nếu nói về tầm vóc, công lao 3 người. Những bóp méo sự việc của các sử gia Nguyễn triều sau này về bất hòa anh em Tây Sơn đã được tác giả diễn trình lại hợp lý hơn. Ông còn để Nguyễn Nhạc thoái vị thành Tây Sơn vương cho em Nguyễn Huệ chính danh lên ngôi hoàng đế, thu hợp lòng người đánh giặc ngoại xâm. Không sao cả, vì đây là văn chương. Và trên cái nền này, thậm chí chuyện Quốc mẫu nghe tiếng đại bác nổ trong thành kiên quyết gặp vua khẳng định tính tình “thằng Huệ” khá xúc động để anh em giảng hòa sau đó- Vũ Thanh đã thuyết phục bạn đọc không phải ý muốn của ông mà chính từ những lợi thế của văn chương.

Nhiều sách vở viết về thiên tài quân sự của Quang Trung- Nguyễn Huệ. Vũ Thanh cũng thể hiện khá chu đáo trong các trận chiến của “cổ kim bách thắng Long Nhương tướng”. Thậm chí, ngoài mô tả chung, ông còn “đặc tả” cảnh Nguyễn Huệ giao chiến với tướng Xiêm Chiêu Sương trên thuyền với thanh Ô Long đao khiến tướng giặc kinh hồn bạt vía. Cũng mô tả kỹ chiến trận lẫy lừng tiêu diệt mấy chục vạn quân Thanh từ các cánh quân theo lệnh hoàng đế Quang Trung. Nhìn xa trông rộng, tài năng về chiến lược, chiến thuật của vị tướng bách thắng đã đành, điều quan trọng là Vũ Thanh đã góp phần lí giải thêm thiên tài quân sự Quang Trung ở khả năng độc lập tác chiến của các cánh quân. Các đại đô đốc hiểu mệnh lệnh chủ tướng và hành động răm rắp hiệu quả. Cái thời không dễ liên lạc nhanh như sau này, mệnh lệnh chủ soái hoàng đế là mệnh lệnh dân tộc: khi xây dựng chi tiết chị em Vũ Song Nhạn giúp làm đặc tình vẽ sơ đồ phòng thủ đồn Khương Thượng, tác giả đã thêm một lần chạm tới ý chí và tinh thần dân tộc, và thiên tài quân sự của vị tướng “bách thắng” còn gắn với yếu tố này: tinh thần của chủ tướng hòa làm một với tinh thần các tướng lĩnh và đạo quân thiện chiến của ông.

Cái thiên tài quân sự của Quang Trung- Nguyễn Huệ đã gắn với khát vọng độc lập, tự chủ cả dân tộc!

Chuyện cầu hiền tài văn và võ, điển hình là kiên trì “tam cố thảo lư” dành cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, hay chân thành thu phục các tài danh Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích… đã rõ. Vũ Thanh còn tâm huyết “cảm thấu” tâm tình Nguyễn Huệ, từ chuyện sử dụng chữ Nôm đến khuyến khích chữ La Tinh (chữ Quốc ngữ). Nghe bậc túc nho Phan Huy Ích giải thích nguồn gốc xa xưa dân tộc, vị hoàng đế còn chuẩn bị cả ý tưởng đòi lại đất Lạc Việt. Ý chí và tinh thần dân tộc độc lập tự cường chưa đủ, vị minh quân này còn đầy tham vọng mở mang bờ cõi chứ không chỉ “nhất thống sơn hà”!

Tiểu thuyết của Vũ Thanh đã hiện rõ ý chí ấy, tinh thần ấy.

4.

Có mấy cảm nhận đọng lại khi đọc tiểu thuyết lịch sử “Nhất thống sơn hà” của Vũ Thanh. Là nó hấp dẫn. Có màu sắc kiếm hiệp. Có màu sắc diễn nghĩa như những tiểu thuyết lịch sử Tàu, “Tam Quốc”, “Thủy Hử”…

Một tác phẩm văn chương có sức cuốn hút là đã thành công.

Vũ Thanh dụng công ở chi tiết, cả những cuộc tình lãng mạn. Nhưng không chú tập cho những ẩn dụ, những hàm ngôn. Ông sáng tỏ cách đặt vấn đề, và sự kiện, nhân vật- có thật hay hư cấu- đều tập trung cho chủ đích.

Là người Tuy Phước, Bình Định, chuyện tự hào “Miền đất võ” với Tây Sơn tam kiệt là dể hiểu. Vũ Thanh đã đi xa hơn, qua các nhân vật lịch sử một vương triều lẫy lừng, bi tráng, tác giả đã dụng công viết về ý chí và tinh thần Đại Việt. Chuyện vị hoàng đế Tây Sơn bỏ hẳn việc cống tượng vàng Liễu Thăng cho Tàu tồn tại mấy triều đại, chuyện sứ Việt tiêu tốn gần lụn bại ngân khố nhà Thanh, hay kế hoạch đòi Lưỡng Quảng nữa…, nhiều lắm uy tín đất nước dân tộc lúc ấy.

Quan trọng là, tiểu thuyết của Vũ Thanh khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc về độc lập, về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc qua một vương triều ngắn ngủi, chói sáng trong lịch sử.

Dù không muốn trích dẫn, cũng xin khép lại những cảm nhận lan man của mình bằng lời nhắn gửi của vị sư Tịnh Quang đến hoàng đế Quang Trung: “Tâm Phật là tâm dân tộc- lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”.

Hưng, vong, bỉ, thái có thì, nhưng nếu trị nước bằng nhận thức này, đất nước và dân tộc đó sẽ hưng vượng. Nói tiểu thuyết lịch sử “Nhất thống sơn hà” của Vũ Thanh đã vượt khỏi “tự hào bản địa” là vậy.

LHL

 

8 thoughts on “Lửa Tây Sơn Rực Sáng Ý Chí, Tinh Thần Dân Tộc

  1. Quang Vo

    Cảm ơn Cô. Cảm ơn Hương Xưa với những lẵn hoa rực rỡ tình thân. Cảm ơn nhà văn Lê Hoài Lương với bài phát biểu rực lửa. Cảm ơn người Quy Nhơn đã dành cho Vũ Thanh những tình cảm nồng ấm. Chúc tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất. Tạm biệt và hẹn ngày tái ngộ.

    Reply
  2. Song Thy

    Có nhắc đến chiến tranh và hòa Bình “Chiến tranh và hòa bình” của của nhà văn L. Tolstoi thật vĩ đại và lỗi lạc cách viết. Một tác phẩm văn học kết hợp được ba mặt.TÂM,TÀi, TRÍ. Mất một cái như hỏng, bể… Còn chuyện như hô khẩu hiệu thì ai cũng biết rồi…

    Reply
  3. HNTin

    Mình chưa được đọc nhưng qua lời bình của anh Lê Hoài Lương đã toát lên được phần nào công phu và giá trị văn học của tác phẩm .
    Chúc mừng Vũ Thanh Võ Thanh Quang. Một nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn có tài đã để lại cho đời những tác phẩm lớn có giá trị.

    Reply
  4. RB

    “Dù không muốn trích dẫn, cũng xin khép lại những cảm nhận lan man của mình bằng lời nhắn gửi của vị sư Tịnh Quang đến hoàng đế Quang Trung: “Tâm Phật là tâm dân tộc – lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”.

    Hưng, vong, bỉ, thái có thì, nhưng nếu trị nước bằng nhận thức này, đất nước và dân tộc đó sẽ hưng vượng. Nói tiểu thuyết lịch sử “Nhất thống sơn hà” của Vũ Thanh đã vượt khỏi “tự hào bản địa” là vậy.”

    LHL

    Lời kết của nhà văn Lê Hoài Lương cũng đủ đã nói lên tất cả ý nghĩa và giá trị của những tác phẩm “đồ sộ” đầy tâm huyết của nhà văn Vũ Thanh. Đúng là một ‘excellent nhà văn’ viết.. cho một excellent nhà văn hay có khác! Nói thật RB chỉ mới có nhìn “bề dày” của những bộ sách thôi cũng đủ thấy “choáng ngợp” phục sát đất cái tài của huynh Vũ Thanh. Và cũng nói thiệt là RB viết cái còm nầy phải mất một ngày một đêm đó mới hoàn thành, huống chi là “Những trường thiên.. tác phẩm lịch sử” mênh mông đen bể, bát ngát xanh ngàn.. cò bay thẳng cánh, cá lội cong đuôi, hổ bang tréo cẳng của Vũ Thanh. RB thành thật chúc mừng nhà văn VT và mong sớm đạt nhiều thành quả tốt đẹp mỹ mãn từ những tác phẩm có TẦM mang lại. RB cũng xin cảm ơn nhà văn LHL đã cho đọc bài viết rất hấp dẫn đầy “tính tóm lược”. Xin chúc hai quynh an vui nhiều sức khỏe. [TÂM + TÀI = TẦM là đủ rồi không cần nhiều]

    Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
    Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
    (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
    Đêm qua sân trước một cành mai)

    Thiền sư Mãn Giác

    Bài HỊCH thơ trước khi đánh trận Ngọc Hồi của Vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc, Đánh cho để đen răng, Đánh cho nó chích luân bất phản, Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.” Đây là bài thơ (Hịch) của bậc Quân vương; không những thế, lại là một anh hùng chiến trận vào hàng oai hùng nhất lịch sử Việt Nam.

    ĐÁNH — Đã đến lúc chuẩn bị để — ĐÁNH
    (Theo ý của toàn Quân Dân Đại Việt)

    Đánh cho để dài tóc, Đánh cho để đen răng, Đánh cho nó chích luân bất phản, Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

    Vua Quang Trung

    Quang Trung Hoàng đế Muôn Năm
    Muôn Năm! Muôn Năm! Muôn Năm!

    Kính Bái bye,
    RBiển

    Reply
    1. HNTin

      Cậu sợ kêu Rờ Bi nên ký luôn RBiển cho chắc ăn!.Lần này càng bái phục RB cũng là người thực sự có tài và chịu khó nghiên cứu.Bình luận nhày càng hay và sắc sảo.

      Reply
      1. RB

        Rồi và Sẽ

        AN VUI – TỰ DO – ẤM NO – HẠNH PHÚC và CƯỜNG THỊNH

        Hò Đối Đáp [Ca Huế] – Tốp ca… on “YouTÓP”!!

        https://youtu.be/TeS5WJaLCHI

        Cám ơn Bà chị lớn “Tuyết Hồng” vô cùng yêu quý của RB nhiều nhiều và càm ơn anh Ba iu qụỹ của Rờ Bi “ích”. KINH ĐÔ thân thương chào tỉ huynh ạ!

        Reply

Leave a Reply to RB Cancel reply

Your email address will not be published.