“Trường Phái” Thơ Đinh Cường: Vẽ Kỷ Niệm Bằng Ngôn Từ Hiện Thực

Tác giả: Hà Khánh Quân

 

@

 

“làm thơ trường phái Đinh Cường
chân thành súc tích dễ thương vô cùng…”

(Luân Hoán – Ba Trời Lục Bát)

Thơ là môn chơi dễ nhất trong mọi bộ môn sáng tác. Có lẽ gần hầu hết những người sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật, đều khởi đầu bằng vọc qua vần điệu. Chỉ kể trong lãnh vực cầm cọ thành danh, chúng ta gặp được những tên tuổi lộng lẫy: Văn Cao, Tạ Tỵ, Võ Đình, Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Đinh Cường, Khánh Trường, Hồ Thành Đức, Thanh Trí… Dĩ nhiên sẽ còn sót, bởi sự quen biết của tôi hạn hẹp. Trong số tên tuổi kể trên, có chừng năm người tôi đã lạm dụng làm đề tài, trong hai cuốn sách Dựa Hơi Bè Bạn trước đây. Nhưng lần đó tôi không níu thơ của họ để lẽo đẽo theo chơi. Hôm nay, tôi chọn một người thân quen đã ra đi, để làm công việc này: Họa sĩ Đinh Cường.

 

Cũng như ông bạn “ừ thôi, em về…”. Đinh Cường bắt đầu làm thơ từ thập niên 60. Anh được sinh ở Thủ Dầu Một vào năm 1939, sau thời gian trung học ở Petrus-Ký Sài Gòn, anh đến cố đô Huế và tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật, trên đất của những vị vua cuối cùng Việt Nam.  Sự hữu tình của Huế, cùng đôi mắt và tấm lòng của một Hồ Tuyết Nhung, sơn cọ quả thật chưa đủ, với một tâm hồn giàu thương yêu, mơ mộng. Bên cạnh người bạn cột-chèo Dương Nghiễm Mậu, cùng những bằng hữu thân tình Trịnh Cung, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý… chuyện làm thơ của Đinh Cường là việc đương nhiên.

 

Đinh Cường nổi bậc trong làng hội họa niềm Nam, điều này phần nào đã cầm chân tài thơ của anh. Mãi cho đến đầu thế kỷ 21, Đinh Cường mới bước vào cõi thơ một cách ngoạn mục. Hồ Đình Nam, anh của nhà văn Hồ Đình Nghiêm, không ngần ngại đặt tên “trường phái thơ Đinh Cường”, một phần chọc chơi, một phần tán thưởng ông em rể. Từ “trường phái” thường dành cho hội họa. Hồ Đình Nam, một tay viết không chuyên, quả thật tinh tế dùng đến.

 

Trước khi thăm những công trình thơ lạ của Đinh Cường, mời các bạn đọc vài bài thơ thời thập niên 60 của họa sĩ:

 

” xe dừng lại giấc nghỉ trưa

cho tôi xuống vội để vừa kịp thăm

núi còn những mấy nghìn năm

mây bay buồn xuống ngang tầm mắt tôi”

(1969)

 

Đọc bốn câu trên, lập tức tôi liên tưởng đến Bà huyện Thanh Quan, khi đi qua Đèo Ngang. Thơ tức cảnh sinh tình. Ở đây, không gian ngoạn cảnh của Đinh Cường gần gũi với chúng ta hơn nhiều. Trước 1975, nửa nước đàng trong Việt Nam, có một khoảng thanh bình tuyệt vời. Việc đi lại giữa những tỉnh Trung, Nam vô cùng an toàn. Những ai từng lang thang bằng xe đò, đọc đoạn thơ trên dễ gặp ngay kỷ niệm cũ. Việc làm ăn của con dân miền Nam tự do luôn luôn thong dong nhẹ nhàng. Một chuyến xe đường trường, luôn có một thời khắc thuận tiện dừng lại, để tài xế chợp mắt. Hành khách, dù trong vai trò nào, cũng tùy nghi chiêm ngưỡng phong cảnh. Có thể gọi đây là giây phút hạnh phúc chớp nhoáng. Là một họa sĩ, ưa thích quan sát và tinh tế nắm bắt ngoại cảnh, Đinh Cường thấy ngay sự trường tồn của núi rừng. Trước bao la màu xanh cây lá, anh nghĩ về quá khứ, mường tượng đến tương lai, niềm hãnh diện được thở cùng thiên nhiên, đã giúp anh khoan khoái, hoà mình vào cảnh sắc, đủ vẽ vài nét chính xác đất trời, không cần sơn cọ. Chữ nghĩa giàu thi vị, đã dung nạp tình cảm anh: “mây bay buồn xuống ngang tầm mắt tôi”. Mây, đương nhiên tự nó không vui buồn. Tấm lòng hạnh ngộ chốc lát, để rồi chia xa từ Đinh Cường, đã san sẻ u hoài cho mây núi.

Câu thơ làm hiện diện một hình ảnh thật đẹp, đồng thời nói lên sự khắng khít muôn năm, giữa vũ trụ và con người.

 

Một cụm bốn câu lục bát khác:

 

“mai đi hồ dễ quên đời

mai đi hồ dễ quên người được sao

nửa đêm sực tỉnh mưa rào

còn đây một nửa truyện sầu chuyền tay”

(1969).

bài này có tên “Cho Sơn”. Tình giữa người và người, qua hai mươi tám chữ, Đinh Cường gói trọn sự chân thành và thắm thiết. Một cuộc chia tay – người đi, người ở, đều nhớ về nhau. Với người đi, tuy bị chi phối bởi cảnh sắc, sự việc dọc đường, vẫn luôn nghĩ ngợi, mường tượng bạn mình lúc này đang làm gì, nghĩ gì, hẳn có giống như khi có mình ở bên ? Người ở lại, dù có thể bận rộn việc hành ngày, vẫn phỏng chừng bạn mình giờ đã tới đâu, những gì bạn mình đang và sẽ gặp. Sự nhớ về nhau chia đồng đều giữa hai người thân thiết. Ở đây Đinh Cường cho thấy anh là kẻ ở lại, chập chờn trong tiếng mưa để nhớ thương. Chúng ta không cần biết Sơn thuộc giới phái nào, chỉ cảm được nỗi tình đối với bạn của Đinh Cường thật thiết tha chân tình.

Bên cạnh lục bát là ngũ ngôn, tay cọ Đinh Cường có bản vẽ như sau:

“tiếng hát dạ lan này

nghe hồn anh mỏi mệt

chiều âm thầm qua đây

biển sa mù mải miết

biển đông sầu mải miết

hải đăng làm mắt chong

anh ngồi trên cát lạnh

em giờ xa ngàn trùng

chiều ơi chiều xuống chậm

mây bay qua chập chùng

gió lưng đèo thổi mạnh

mưa trên đèo đó Nhung

anh còn đi biền biệt

những ngày qua ngày qua

con ngựa hồng đã chết

anh hát bài Sahara

sa mạc mờ bụi đỏ

cát bỏng bàn chân này

nửa mặt mình lệ chảy

nửa mặt mình máu vây

còn chi mà nói nữa

em đưa anh cầm tay

(Nửa Mặt – 1969)

 

Nhịp thơ bâng khuâng, phân phát tình người viết hết sức nhẹ nhàng, giàu hình ảnh và màu sắc. Tôi có chút ngạc nhiên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hình như đã quên chắp cánh cho hồn thơ. Có chăng vì một tên gọi riêng tư ? Một điểm chính để tác giả vịn vào, cho tình thơ cụ thể và chân chất hơn. Bài thơ hẳn được viết trên đường lãng du, gợi hứng từ một lắng nghe âm điệu tâm tình, của một chương trình phát thanh đang được rộng rãi ưa thích. Tất cả những hình ảnh gợi mở một không gian cao rộng, nói lên sự chia xa ngàn trùng, được tác giả trưng dụng một cách hợp lý: biển, hải đăng, đèo núi, gió mây, sa mạc… Đôi mắt quan sát tỉ mỉ của họa sĩ, cộng chung với cái nhìn từ hồn thơ, Đinh Cường đã gởi cho người yêu anh, chị Hồ Tuyết Nhung tất cả sự nhung nhớ của anh. Điều đặc biệt có cả thiên nhiên, anh gom lại, cho món quà tặng thêm giàu ấm áp.

 

Thập niên 60 là thời kỳ nở rộ thể thơ tự do, với nổ lực chính từ nhóm Sáng Tạo của nhà văn Thanh Tâm Tuyền cùng nhóm bạn anh. Đinh Cường cũng đã xử dụng thể loại này. Thơ tự do được hình dung là một loại thơ, mỗi câu dài ngắn không bị qui định số chữ, không khuôn thước cho vần điệu, nhưng luật lệ tự nhiên, đọc lên thấy được tính chất thơ hiện hữu. Tư tưởng của câu thơ có phần lấn hơn tình cảm chút ít, nhưng không nặng nề bí hiểm đến tối nghĩa. Ở thơ tự do, hình như không chấp nhận sự làm dáng trí thức. Một số thơ tự do rất gần với hiện thực, cụ thể như thơ Lê Vĩnh Thọ. Một đặc tính khác, thơ tự do thường giàu có số câu, thường được gọi chung là dài hơi. Tôi chọn một bài dài của Đinh Cường gởi đến các bạn cùng đọc. Bài này tôi sẽ không tham lam ăn theo quá nhiều, hy vọng các bạn sẽ đọc hết để nắm bắt những gì nhà thơ thân mến của chúng ta đã nghĩ và viết:

 

“năm giờ sáng ba còn bế con ở Huế

năm giờ chiều ba đến Sài Gòn

những điếu thuốc ba đã thắp

trong lúc chờ máy bay

 

mưa rất nhỏ ngoài cửa kính

 

bây giờ ba đến Bình Dương

chuyến xe lôi cuối cùng hết tốc lực

cơn mưa đầu mùa chuẩn bị tối đen

người ba ướt sũng

 

buổi sáng ba còn bế con ở Huế

buổi chiều ba đi dưới mưa ở Bình Dương

 

cơn mưa lớn cuốn trôi đường đất đỏ

con ơi con ơi con

ba đã lớn lên ở miền đông này

trong rừng cao su mù mịt

trên miền đất đỏ Terre Rouge

ba hiểu thế nào là cô đơn

 

như con thiếu ba bây giờ

trong nhà không có đàn ông

con lầm lũi chơi cùng bà ngoại

bà ngoại đã già

giăng chiếc mùng cho con ngủ buổi trưa

con ngủ một mình bà ngoại đi chơi

bà ngoại mê tứ sắc

như ba đã nô đùa một mình

trong căn nhà có nhiều cắc kè

lớn lên học trường bà sơ

giỡn chơi cùng cuội trắng

ba đã lượm xếp thành hàng

những hòn cuộc đẹp

cứ như thể mưa trên rừng cao su

cứ như thể mưa trên rừng cao su

 

mưa trên rừng cao su cuốn phăng những cành cây khô

ba đã chạy theo dưới mưa ồ ạt

và con sẽ lớn lên

trong vùng Thành Nội

nơi mẹ con hàng ngày đi dạy học

mỗi lần về con mừng reo

ơi me ơi me

em gái con còn nhỏ

mới đầy một năm

ngày ba về sinh nhật muộn

 

hôm qua ba còn giỡn với con

trước sân nhà thuê

nhiều rong rêu

con rủ ba đi tìm những con ốc sên

đang nhả nước miếng trên vách tường xám

và con reo hò sung sướng

chạy tung tăng

 

đêm nay ba nằm dưới căn hầm ngoài tuyến hai

chờ phiên gác đến

ổ kiến lửa đùn lên bên cạnh ba

ba bấm đèn nhìn từng con kiến vàng

vô trật tự trong đêm

ba buồn vô cùng như sông dưới kia

ba buồn vô cùng như tiếng bom rơi

ồ ạt xuống khu rừng quanh đây

 

 

con ơi con ơi con

nơi ba đã lớn lên

ba đã trở về lạ mặt

 

ba ngồi hát rừng cao su

như con nằm bú sữa

như em con nằm bú sữa

như mẹ con đang nhớ ba

 

buổi sáng ba cùng con ở Huế

buổi chiều ba rơi xuống Bình Dương

và đêm nay ba ngồi gác

nhìn rừng cao su cháy bỏng đèn soi

 

(ba ngồi hát rừng cao su như con nằm bú sữa – 18.3.1969)

 

Thật vô cùng bất ngờ, vừa gõ chữ vừa đọc bài thơ trên, tôi như gặp lại chính mình. Đã một thời từng xử dụng thể thơ này, để tâm sự, để mô tả những xúc cảm trong cuộc chiến. Có điều tôi thua Đinh Cường ở sự thuần nhất về tình gia đình. Với tôi, vốn thường được trực diện hình ảnh hy sinh của đồng đội; cảnh khổ tận cùng của đồng bào, nên thơ có phần hằn học, bi quan hơn. Có người lính nào dựa vào cảnh sống gian nan của mình, mà quên được chuyện nhớ nhà. Nhớ nhà, chính thật là nỗi nhớ những người thân yêu: vợ, con, cha mẹ, anh em, cô hàng xóm… Cái thú vị ở Đinh Cường, là anh lần từng kỷ niệm nhỏ nhoi, cụ thể để trải rộng chân tình. Người con được nhắc trong thơ, sau này sẽ đọc. Tôi tin cậu ta sẽ không khóc được to tiếng,  nhưng vô cùng ngậm ngùi thương cảm. Hương vị của những câu: “con ơi con ơi con / nơi ba đã lớn lên / ba đã trở về lạ mặt / ba ngồi hát rừng cao su / như con nằm bú sữa/ như em con nằm bú sữa / như mẹ con đang nhớ ba, chứa trọn vẹn tấm lòng của một người cha khi xa nhà.

 

Bài này, cùng bài “Thăm Những Nhà Ga Sắp Hồi Sinh” là những khởi đầu một cõi bát ngát “trường phái thơ Đinh Cường” sau này tại hải ngoại. Các trang web Sáng Tạo, Phạm Cao Hoàng, Trần Thị Nguyệt Mai… đã tích cực phổ biến rộng rãi thơ anh. Anh làm thơ tà tà. Thư thả thong dong là bản tính của Đinh Cường. Tích cực ham vui nhưng không nhiều sôi nổi khi thù tạc cùng bè bạn. Trong tâm anh như sẵn có bản chất thiền.

Một đôi lần tôi đã thúc hối anh, thực hiện một tuyển tập bản chụp họa phẩm, giống như Thái Tuấn, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức, Bé Ký, Thanh Trí… anh mỉm cười, bảo chưa có cơ hội. Anh không chỉ dành thời gian cho hội họa, thi ca. Anh còn đam mê đi đây đó, giao du cùng bè bạn. Nếu phải  chọn một người giàu lòng với người quen biết, và người được bè bạn tin cậy yêu mến, tôi không ngần ngại đơn cử Đinh Cường. Gia tài bạn hữu của anh thật vô cùng, ít ai sánh được, kể cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi tin vậy.

 

 

Năm 2014, tôi bất ngờ được anh ký tặng tập Cào Lá Ngoài Sân Đêm. Một tuyển tập có cả họa lẫn thơ, do nhà văn Trần Hoài Thư và cơ sở Thư Ấn Quán thực hiện. Mục đích việc ấn hành, Trần Hoài Thư viết ở trang đầu sách:

 

“… Trân trọng tài năng của anh, chúng tôi sưu tập và xuất bản tập thơ này như một món quà kỷ niệm dành riêng cho anh và bạn bè. Cào Lá Ngoài Sân Đêm được xem là tập 1, bao gồm những bài thơ Đinh Cường viết từ năm 1964 đến tháng 7-2011. Tranh của anh có đến hàng ngàn bức, trong khuôn khổ tập thơ này, chúng tôi chỉ giới thiệu một số tranh có liên quan với các bài thơ…”

 

Cùng năm 2014, tại Sài Gòn, đất đặt nôi của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, nhà văn Nguyên Minh và tạp chí Quán Văn, ấn hành một tập thơ khác của Đinh Cường mang tên Tôi Về Đứng Ngẩn Ngơ Thơ. Tiếp theo, năm 2015, Đinh Cường cho in Đi Vào Cõi Tạo Hình, những nhận định và kỷ niệm về hội họa. Và anh vẫn khiêm nhường cho đây “là những đoạn ghi, như các đoạn ghi gọi là thơ”. Thì ra anh vẫn tự nhận thơ anh là những đoạn ghi. ” những đoạn ghi” này đã được bè bạn nhìn nhận là “trường phái” không còn là chuyện đùa. Sáng tác để lại bằng văn bản chữ nghĩa của Đinh Cường chỉ có vậy, so với những họa phẩm, nét vẽ bìa sách báo thật đồ sộ của anh.

 

Trong Cào Lá Ngoài Sân Đêm, đúng như tinh thần lời giới thiệu của Trần Hoài Thư khi vào tập: ” Qua thơ anh, chúng ta còn bắt gặp nhiều tài liệu quí giá về những khuôn mặt nổi tiếng trong nhiều lãnh vực văn học nghệ thuật…”.

 

Ngoài tập này ra, Đinh Cường viết về bè bạn rất nhiều. Chúng ta có thể điểm danh: Bửu Ý, Hồ Đình Nam, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tường Giang, Đặng Tiến, Bửu Chỉ, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Tôn Nhan, Minh Nguyệt, Trương Thìn, Phạm Công Thiện, Trần Vàng Sao, Mai Hoa, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Đức Sơn, Thái Tuấn, Lê Uyên Phương, Định Giang, T. Nh, Luân Hoán, Nguyễn Quốc Thái, Ngọc Dũng, Hoàng Ngọc Tuấn, Phạm Nhuận, Đỗ Tư Nghĩa, Trịnh Cung, Trần Hoài Thư, Hồ Đình Nghiêm, Lữ Quỳnh, Phạm Cao Hoàng, Hoàng Xuân Sơn, Song Thao, Bùi Giáng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thuần, Ngô Thế Vinh, Phùng Nguyễn, Khánh Trường…

Nói chung, Đinh Cường luôn luôn hào phóng trong tình bạn văn. Vài cuộc hạnh ngộ, vài chuyến dạo chơi chung, Đinh Cường lưu giữ hình ảnh để chân tình phác thảo. Những bản vẽ là những chân dung sự việc, kỷ niệm, dung hòa tạo một giá trị đặc biệt. Trong vô vàn bằng hữu đó, anh ưu ái hai nhận vật nổi tiếng, được cả hai miền yêu thích: Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn. Bùi Giáng thường được Đinh Cường thực hiện bằng màu sắc cụ thể của sơn cọ. Trịnh Công Sơn ít chân dung bằng đường nét hơn nhưng giàu tâm tình bằng con chữ hơn. Mời các bạn đọc trong những kỷ niệm của Đinh Cường về tác giả Ước Mi.

 

“Sinh nhật bạn đã đến
những chiếc mũ bên góc bàn
dãy áo quần treo trong tủ
chiếc giường để không
chiếc ghế da nâu bạn ngồi coi phim bộ
chiếc ghế mây trắng đã cũ
không còn hơi ấm của bạn
cái chén xanh đôi đũa đen
chén nước mắm ớt nhỏ dành riêng cho bạn
mỗi bữa cơm trưa
thường có thêm người
những ly rượu cụng nhau
sóng sánh.

Sinh nhật bạn đã đến
sinh nhật không còn bạn
nói cười Sơn ơi.

Tuyết đã ngừng rơi
những hạt tuyết thuỷ tinh
long lanh như nước mắt
cơn gió thổi qua nắng nhẹ như là
trong từng giọng nói có màu tàn phai.

Bạn đâu rồi
ly rượu đã bốc hơi
còn đọng cặn vàng mốc
những cây nhang trước ảnh bạn
đang đứng cùng tôi
chiều xưa lắm
nay lẻ loi từng ngày từng ngày
biển sóng xô nhau
tôi xô tôi vào cõi mịt mùng
Sơn ơi.
Vẫn những lời-ca-Sơn-buồn-thánh
vẫn trên những xa lộ muôn trùng
tôi trở về
với bảng màu đã khô
những cây cọ không rửa
tấm bố trắng còn nguyên.

Những con quạ đen những con sóc
những buổi sáng
tôi ngồi lặng một mình
bên cánh rừng Natick
mà nhớ Gò Dưa
một chiều mưa
chỉ còn đứng bên mồ bạn
tảng đá xanh tôi đã dựa vào
như còn truyền qua hơi ấm
“con khỉ, đi đâu mà lâu về…”

Những bó hoa vẫn mỗi ngày
những cánh hoa sứ vàng vẫn mỗi ngày
có người đến kết thành tên Trịnh Công Sơn
trên thảm cỏ xanh
những người âm thầm thương yêu bạn
không nguôi.

Bạn hãy ngủ yên
chờ mai kia
tôi về…

(sinh Nhật Không Còn Bạn – Virginia, 28.02.2002).

 

Với người em vợ, nhà văn Hồ Đình Nghiêm, Đinh Cường nhớ và vẽ:

 

 

Mùa hạ Nghiêm xuôi dòng Ngọc Bích

Bao năm dâu biển cũng tang bồng

Bao năm người đã xa Thành Nội

Trăng nội thành như lệ xanh thêm

 

Mùa hạ quấn mền người ngủ muộn

tiếng chim trên cành nhãn hiền khô

mấy bông hồng nở ngoài sân trước

căn nhà kỷ niệm một thời xưa  [1]

 

Mùa hạ qua bến bờ Mộng Lệ  [2]

bao nhiêu truyện kể ngậm ngùi thay

vẫn luôn là Huế là gian khó

những ngày vượt biển đến Hồng Kông

 

Mùa hạ Nghiêm ơi mùa hạ đến

xuôi dòng Ngọc Bích nước xanh trong

đêm nghe lời nhạc Sơn ghi lại :

cơn mưa là nắng của vô thường  [3]

 

(Đoạn ghi nhớ một mùa hạ và những chiếc ổ líp xe đạp đem ra chợ trời bán – Virginia, Nov 22. 2015)
[1] căn nhà phía sau trường Mỹ Thuật Huế

[2] Montreal có người nói thành Mộng Lệ An

[3] trong ca khúc Mưa mùa hạ của Trịnh Công Sơn

Với người bạn vừa khuất núi, Phùng Nguyễn:

Chiều ôi chiều nhang khói
cầu siêu xong đậy nắp hòm
chiều ôi chiều nước mắt
vòng hoa tươi cuối phòng [1]

bạn nằm yên nghỉ nhé
phùng ơi. phùng ơi. phùng
tôi xếp hàng đứng lạy
ba cây nhang. các bạn nhờ

một cho Ngô Thế Vinh
ở California
một cho Nguyễn Quốc Thái
bên Sài Gòn

cây nhang tôi cháy đỏ
Nguyễn Thị Thanh Bình dị đoan
trên màn hình toàn cảnh
khi chụp thấy hình Phùng bên tôi

nói gì nữa khi nắp hòm đã đậy
khi hình hài mai ra tro than
nói gì nữa. chỉ còn hình ảnh bạn
môi hơi trề. Nguyễn Trọng Khôi

và Trương Vũ vẽ chi tiết ấy rất hay
khuôn mặt trong tranh mãi còn ở lại
như tình bạn của trang mạng Da Màu
với Đinh Từ Bích Thuý. Đặng Thơ Thơ…

(Chiều qua viếng thắp nhang cho Phùng Nguyễn ở Bethesda – MarylandVirginia, – Nov 22. 2015

[1] Cám ơn tấm lòng nhà văn Hoàng Thị Bích Ti đã kết 2 vòng hoa lớn thật đẹp.
Ghi tên tặng tất cả bạn bè thân thiết, khỏi đóng góp.

 

Khi chọn thơ Đinh Cường để theo gót, tôi có ý định giới thiệu những bản viết anh đề cập đến các bạn anh; mỗi người vài nét. Bắt tay vào việc mới biết chuyện này bất khả thi. Lý do đơn giản, khó đọc lại hết trong cùng một lúc, nói chi đến việc lượm ra từng người. Tôi quyết định lựa chọn bằng tính ích kỷ, lẫn khoe khoang của mình. Cả hai bài thơ dưới đây của Đinh Cường dành cho Luân Hoán trong năm 2011 và 2013;  mời các bạn đọc thay kết thúc vội vã và bất ngờ của bài viết này. Bạn của chúng ta, họa sĩ kiêm nhà thơ Đinh Cường đã rời cõi tục lúc 21giờ 40 ngày 07-01-2016 tại Virgina Hoa Kỳ, thọ 76 tuổi.

 

Tôi Nhớ Bạn Ngày Xưa Đà Nẵng Gặp

thẳng đường bay xuôi ngược gió sông Hàn
(Bộ Sơn Mài Mai Lan Cúc Trúc, LH – Thanh Thi)

tôi đã được ngồi trước bộ sơn mài
mai lan cúc trúc đó năm nào qua montréal
không nhớ, và nhớ cái chuồng chim hót vui
vui như hôm nay đọc thanh thi
và thư quán bản thảo số mới tháng bảy
chủ đề giới thiệu nhà thơ luân hoán

cám ơn người yêu những đồ thổ tả
mà làm nên chuyện đáng ghi nhớ nhất
tủ sách di sản văn chương miền nam
bao nhiêu chục năm thống nhất rồi
mà vẫn cứ bị chìm lỉm mà sao chìm lỉm được
văn chương nghệ thuật hay ở đâu
người ta cũng tìm ra, nay có thư quán bản thảo
đáng ngợi ca, tôi đã thấy gương mặt anh rạng rỡ
khi nhắc đến những người bạn một thời áo trận
một thời viết văn làm thơ trong khói súng …

luân hoán hiền từ mà chiến tranh rất dữ
bàn chân anh ghi mãi một thời qua
nay anh đi đâu vẫn còn ái ngại
chỗ quen lắm cho anh tháo bàn chân giả
thương người bạn làm thơ tình rất lạ
rất là xanh như hoa lý trong tim …

tim nhà thơ muôn nhịp đập si tình
tôi nhớ bạn ngày xưa đà nẵng gặp .

Virginia, 24 Jun. 201

Đoạn Ghi Gởi Luân Hoán…

Luân Hoán e-mail nói gọi phone
hôm thứ bảy không ai bắt máy
chắc cuối tuần cắt cỏ
tiếng máy cắt cỏ hàng xóm
cứ kêu đều đều
làm mình cũng phải ra theo
cho bãi cỏ không có đường ranh
hai bên giống nhau cho đẹp

cứ nghe tiếng máy cắt cỏ hàng xóm
là nghe như âm thanh mời gọi
bên này chăm sóc cỏ xanh dữ lắm
nên chi có lọn cỏ bờ Đông gởi về
như đọan viết của Cao Thoại Châu
trên blog Phạm Cao Hoàng, Thành Tôn
nói sáng là bấm coi rất thích và đẹp

Luân Hoán người bạn quý từ xưa
Đà Nẵng, tôi và Nghiêu Đề mê lắm
một tài thơ trác tuyệt, tình nghĩa bạn bè
như núi như sông, nhắc lại một con sông
như sông Thu Bồn chẳng hạn
hay dãy núi nào anh đã đi qua thời chiến tranh

và anh đã gởi lại một bàn chân
gởi lại tặng mà không nói
chỉ có đi đâu xa anh hay ái ngại
nhưng cũng có lần qua Virginia có ghé thăm tôi
thời tôi còn lái chiếc Toyota màu đỏ sậm giống anh
bạn bè qua Canada anh hay lái đưa đi chơi
nhớ chiều ở Ottawa có Nguyễn Đông Ngạc
nay Nghiêu Đề [1], Nguyễn Đông Ngạc [2] đã mầt

bạn bè cứ mất dần Luân Hoán ơi
thôi thì chúng ta còn e- mail cho nhau là quý
còn nhau và còn làm chi vui hơn thơ phú
như bạn đã làm từ mấy mươi năm nay …

Virginia, June 4, 2013
Đinh Cường

[1] Họa sĩ Nghiêu Đề tên thật Nguyễn Tiếp sinh năm 1939 tại Thu xà Qủang Ngãi. Mất năm 1998 tại San Diego, Cali.[2] Nhà văn Nguyễn Đông Ngạc sinh năm 1939 tại Phúc Yên, Bắc Việt, mất tại Montreal – Canada 1996. Tuyển chọn và giới thiệu tác phẩm Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, nhà xuất bản Sóng – Sài Gòn 1973. (Trích trong Tác Giả Việt Nam, Luân Hoán – Nhân Ảnh xuất bản 2006)

Hà Khánh Quân

Viết trong ngày, nhịp máu đo đến mức 187

29-9.2016

bài liên quan: Đinh Cường Mộng Du Những Nhan Sắc (Luân Hoán)

http://www.luanhoan.net/tacpham/000hoikyroi.htm

 

4 thoughts on ““Trường Phái” Thơ Đinh Cường: Vẽ Kỷ Niệm Bằng Ngôn Từ Hiện Thực

  1. TT.Hiếu Thảo

    Lối viết nhập đề một cách nhẹ nhàng nhưng khái quá lớn…. Và để giới thiệu một người mình cần nói …gãy gọn và súc tích ở mở bài… Cảm hóa được người đọc ngay từ đầu!
    Xuyên qua tác phẩm LH trình bày… ĐC cũng có nhiều câu thơ mực thước và ấn tượng…
    Nhưng có lẽ ĐC nổi bật hơn vẫn là tranh. Cuối năm 2014 .Tôi có gọi cho ĐC để xin một bức tranh cho thơ tôi “Nàng Thơ Tình yêu”… Tôi đã chọn bức tranh “Nỗi nhớ” có cô gái đứng cùng con ngựa và vầng trăng ..
    ĐC nghe bảo: Khi in xong gửi tôi một quyển coi thử…
    Thế mà thơ tôi chưa in vì còn nhiều trục trặc .ĐC đã ra đi…
    Cám ơn LH đã viết một bài viết cho ĐC. Cho tôi có một cơ hội đọc thơ ĐC thêm, và tính cách của ông ta.
    Xin trân trọng Bài viết của LH-HKQ

    Reply
  2. Sơn Ca

    SC rất thích tranh của Đinh Cường, không ngờ họa sĩ làm thơ hay , thấm đẫm tình bạn , tình người .

    Reply
  3. Quốc Tuyên.

    Cám ơn nhà thơ Luân Hoán đã có một bài viết thật sâu sắc về thơ của họa sĩ tài hoa Đinh Cường. Dầu họa sĩ đã rời xa cõi tạm đã lâu nhưng những nén hương tưởng tiếc anh vẫn liên tục thắp sáng.

    Reply

Leave a Reply to Sơn Ca Cancel reply

Your email address will not be published.