Tôi đã hiểu về “Chú Đại Bi”!

Tác giả: Lâm Bích Thủy

Độ rày chị em tôi, nhà nào cũng gặp chuyện không may; đứa thì có con mê bắn cá, cá độ bóng đá trên mạng, đứa thì con không công ăn việc làm ổn định, làm gì cũng thua lỗ; nợ chồng nợ và tua tủa nhú ra như vòi bạch tuột…

Cô em dâu tôi năm nay mới 43 tuổi, nhưng đã 2 năm ăn chay niệm phật,  ngày 3 lần tụng Chú Đại Bi ( CĐB ) và nói rằng khi hai con vào đại học thì nó sẽ đi vào chùa ở, làm thuốc cứu người và làm từ thiện. Trước đây, hàng tháng  em cũng góp 500.000đ vào chương trình “Lục lạc vàng…” của Minh Béo, giờ thì chuyển khoảng này về cho người nghèo ở thị xã An Nhơn. Đặc biệt là bây giờ nó không thể nuốt được các loại thức ăn của vật có chân như heo, bò, gà; chỉ có thề ăn rau củ quả có thể ăn cá thôi và nó rất ngưỡng mộ CĐB.  

Nghe tôi tâm sự về tình hình gia đình, em giải thích: Do ngày còn trẻ chồng chị ăn chơi trác tán, bây giờ con chị gánh hậu quả và chị bị quả báo, nên chị chỉ âm thầm chấp nhận, không được kêu ca, hàng ngày chị phải niệm Chú Đại Bi, càng nhiều càng tốt để sám hối, Chị niệm độ ba tháng thì mọi việc sẽ tốt lên.

Tôi nghe và thực hành ngay. Cô em căn dặn: khi đọc kinh này chị phải ăn mặc sạch sẽ, súc miệng sạch sẽ, phải thay nước bình hoa và nước cho Phật hàng ngày v.v… Nói chung là rất rườm rà, song tôi vẫn cố gắng. Nhưng có một điều, tôi đọc trẹo cả miệng mà không hiểu nội dung của CĐB nói gì thì làm sao mà thực hành. Tôi điện ra Hà Nội đòi em giảỉ nghĩa: “Em, chị đọc mà chả hiểu, em giải thích chị nghe CĐB khuyên gì thì chị mới có thể học thuộc được. Không hiểu thì làm sao mà thuộc”
Em trả lời:- Các sư thày bảo kinh này là tiếng Phạn, không được dịch, càng bí hiểm càng linh thiêng. Chị cứ đọc đi, lâu dần sẽ tỏ tường và hiệu quả.

Tôi không thể không hiểu nội dung của CĐB. Cạnh nhà tôi có 2 người có căn   tu cũng ra rả cả ngày, nên tôi mon men tới để nghe giải nghĩa. Nhưng các bà này cũng trả lời là “Sư thày dặn kinh mật không được dịch.”

May sao khi lên mạng, gặp bài viết của bà Tâm Nguyện trên Newviert, có người đã dịch ra tiếng Việt.  Đọc hết bài, tôi mới hiểu rõ mọi nhẽ!  Tôi nghĩ rằng chắc cũng có người muốn hiểu rõ nội dung của Chú Đại Bi như tôi, nên tôi mạn phép trích gửi Hương xưa để bạn nào cần thì xem và thực hiện cho đúng nghĩa lời Phật dạy . (việc này có thể gây bức xúc cho những người đã quá đặt niềm tin vào đó rồi mong rằng đừng trách tôi nhé…)

Câu 1: Nam Mô Hắc Ra Đát Na Ra Dạ Da (thành kính đảnh lễ ngôi Tam Bảo)

Nam Mô A Rị Da Bà Lo Yết Đế Thước Bát Ra Da (thành kính đảnh lễ Đức Quán Tự Tại – Đức Quán Thế Âm)

Câu 2: Bồ Đề tát đỏa bà da ma ha tát đóa bà da ma ha ca lô ni ca da (bậc Bồ Tát giác ngộ hữu tình – bậc đại sĩ – bậc đại bi tâm)

Câu 3: Án tát bản ra phạt duệ số đát na đát tá:  (tán thán việc quy y nhất thiết thánh chúng và chánh pháp tùy thuộc)

Câu 4: Nam Mô tất kiệt tật đóa y mông a rị da bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đá bà Nam Mô na ra cần tri hê rị:

(Sau khi hoàn tất việc đảnh lễ đấng quán Tự Tại Quán Âm Đại từ Bi Tâm Địa tiếp đến thành kính đảnh lễ các bậc đại chí thánh, bậc hiền thiện tôn giả).

Câu 5: ma-ha bàn đa sa mê (Phóng ra ánh sáng đại quang minh)

Câu 6: Tát bà tát ba a tha đậu du bằng a thệ dựng Tát bá tát da na ma bà tát đa (Khiến cho hết thảy chúng sanh nhất thiết được vô ưu tý bỉ vô tham và trong sạch diệu tịnh)

Câu 7: Na ma bà tát da Nam ma bà dà Ma phạt đạt đậu

(Từ đó, hướng tâm đảnh lễ quy y bậc thiện hữu tình, quy y bậc đồng từ mà trời và người đều hằng mong thân cận).

Câu 8: Dát diệt tha Án A bà lo hê Lo ca đế (Thần chú tuyên ra: Hợp nhất thể đại đồng với Quán Tự Tại)

Câu 9 & 10: Ca ra đế Di hê rị Ma ha bồ đề tát đỏa Tát bà tát bà Ma ra ma ra (Từ người phát đại bi tâm đến nhất thiết các đại giác hữu tình như hoa thanh tịnh vô nhiễm lan ra khắp nơi chốn)

Câu 11 & 12: Ma hê ma hê ra đà dựng

(phát đại tự tại tâm hăng hái thường tạo nên các thiện nghiệp)

Câu 13 &14: Cu lô cu lô yết mông Đô lô đồ lô phạt xà da đế Ma ha phạt xà da đế Đà la đà ra Địa rị ni Thất Phật ra da (mới có năng lực độ thoát khỏi các triền phược và vượt thẳng lên được, phải ráng sức duy trì cho có được tâm kiên cố dũng mảnh tự tại)

Câu 15: Giá ra giá ra Ma mạ phạt ma ra Mục đế lệ(lâu dần cho biến hóa dẫn đến sự giải thoát vô nhiễm)

Câu 16 & 17: Y hê di dê Thất na thất na Ra sâm Phật ra xá lợi Phạt sa phạt sâm Phật ra xá da (nương theo đó mà thực hiện hoằng pháp hởi vị Pháp vương tử chủ của hòa bình).

Câu 18 & 19: Hồ lô hô lô ma ra Hô lô hô lô hê ly (tiếp tục tu hành, tiếp tục làm sạch thân và làm sạch tâm – thanh tẩy thân tâm)

Câu 20 & 21: Ta ra ta ra Tất rị tất rị Tô rô tô rô Bồ Đề dạ Bồ Đề dạ Bồ đà đa bồ dà dạ (với tâm đại từ đại bi khi người đã thành tựu trong việc giải thoát tương ứng với vạn pháp, thành tựu trong đức hạnh)

Câu 28 & 29 & 30: Ma ra na ra Ta bà ha Tất ra răng a mục khê da Ta bà ha Ta bà ma ha a tất dà dạ Ta bà ha (Thành tựu trong diệu nghĩa vô cấu, thành tựu không ai có thể sánh khi nói ra có sức thuyết phục, thành tựu ai có thể sanh trong tất cả các ý nghĩa sâu sắc)

Câu 31 & 32: Giá kiết ra a tất đà dạ Ta bà ha Na đà ma kiết tất đà dạ Ta bà ha

(thành tựu không ai sánh trong chuyển pháp luân, thành tựu không ai sánh trong đóa sen đỏ tượng trưng cho diệu tịnh nghiệp)

Câu 33 & 34: Na ra cần trì bàn đá ra dạ Ta bà ha Ma bà rị thắng yết ra dạ Ta bà ha ( thành tựu trong việc trở thành Đức Thế Tôn, thành tựu trong đem uy đức của mình tạo ra tín nhiệm cho mọi người)

Câu 35: Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da Nam mô a rị da Bà lô kiết đế Thước bàn ra dạ Ta bà ha (thành kính đảnh lễ ngôi tam Bảo, thành kính đảnh lễ đức Quán Tự tại, Đức Quán thế Âm)

Câu 36: Án Tất diện đô Mạn đà ra Bạt đà gia Ta bà ha

(tuyên chú: hiệp nhất các thành tựu viên mãn, đạt được sự viên mãn thành tựu đó qua trì tụng lời chân ngôn này).

Việt dịch của trọn bài chú như sau:

“Thành kính đảnh lễ Ngôi Tam Bảo. Thành kính đảnh lễ Đức Quán Tự Tại Quán Thế Âm, Bậc Bồ Tát giác ngộ hữu tình, bậc Đại Sĩ, bậc Đại Bi Tâm. Tán thán việc quy y nhất thiết Thánh Chúng và chánh pháp tùy thuộc. Sau khi hoàn tất việc đảnh lễ đấng Quán Tự Tại Quán Âm Đại Bồ Tát Đại Từ Bi, tiếp đến thành kính đảnh lễ các bậc Đại Chí Thánh, bậc Thiện Hiền tôn giả. Phóng ra ánh sáng đại quang minh khiến cho hết thảy chúng sinh nhất thiết được vô ưu tý bỉ vô tham và trong sạch diệu tịnh. Từ đó hướng tâm đảnh lễ quy y bậc thiện hữu tình, quy y bậc đồng tử mà trời, người đều rất mong thân cận.

Thần chú tuyên ra: Hợp nhất thể đại đồng với Quán Tự Tại. Từ người phát Đại Bi Tâm đến nhất thiết các đại giác hữu tình như hoa thanh tịnh vô nhiễm lan ra khắp nơi chốn phát Đại Tự Tại Tâm, hăng hái thường tạo nên các thiện nghiệp mới có năng lực độ thoát khỏi các triền phược và vượt thẳng lên được, phải ráng sức duy trì có được tâm kiên cố dũng mãnh tự tại, lâu dần cho biến hóa dẫn đến sự giải thoát vô nhiễm. Nương theo đó mà thực hiện hoằng pháp bởi vị pháp vương tự chủ của hòa bình. Tiếp tục tu hành, tiếp tục làm sạch thân và làm sạch tâm – Thanh tẩy thân, tâm. Với Tâm Đại Từ Đại Bi khi người đã thành tựu trong việc giải thoát tương ưng với vạn pháp,thành tựu trong đức hạnh, thành tựu trong diệu nghĩa vô cấu, thành tựu không ai có thể sánh khi nói ra có sức thuyết phục, thành tựu không ai có thể sánh trong tất cả các ý nghĩa sâu sắc, thành tựu không ai sánh trong chuyển pháp luân, thành tựu không ai sánh trong đóa sen đỏ tượng trưng cho diệu tịnh nghiệp, thành tựu trong việc trở thành Đức Thế Tôn, thành tựu trong đem uy đức của mình tạo ra tín nhiệm cho mọi người. Thành kính đảnh lễ ngôi Tam Bảo, thành kính đảnh lễ Đức Quán Tự Tại, Đức Quán Thế Âm. Tuyên chú: Hiệp nhất các thành tựu viên mãn, đạt được sự viên mãn thành tựu đó qua trì tụng lời chơn ngôn này”.

Rõ ràng toàn bài chú toàn là những việc cần phải hành trì để trở thành Đức Thế Tôn, bằng cách: Hăng hái tạo các thiện nghiệp, thanh tẩy thân, tâm, hiệp nhất với Ngài Quán Tự Tại, với tâm Đại Từ, Đại Bi để đạt được thành tựu trong giải thoát vô nhiễm, trở thành Đức Thế Tôn.

Phải chi những vị có trách nhiệm phổ biến Đạo Phật trước kia đã chịu khó dịch hết nguyên văn bài Chú Đại Bi này, thì biết bao nhiêu thế hệ qua đã không mang ra mà tụng, mà đọc để được hộ trì, mà hiểu được rằng: Đó là những lời nhắc nhở mà chúng ta nên tâm niệm, đọc đi đọc lại hàng ngày cho tới lúc thấm nhuần những hướng dẫn trong đó, rồi mang ra thực hành.

Xin trích một phần trong lời của dịch giả Huỳnh Bá Hinh: “Người xưa có nói, làm thầy thuốc phạm sai lầm thì giết một mạng người, làm chính trị sai lầm giết một dân tộc, nhưng làm văn hóa sai lầm thì giết cả một thế hệ.

Trong những bài Kinh tiếng Phạn được phiên âm sang tiếng Hán rồi lại phiên âm lần thứ nhì qua tiếng Hán-Việt tối nghĩa trên, đây không những là giết một thế hệ mà trên ngàn năm qua đã giết cả một nền đạo học tâm linh của biết bao thế hệ người Việt. Tệ hại nhất là hàng Tăng chúng với kỹ thuật hiện đại ngày nay lại không tìm hiểu nghiên cứu để phục hồi lại ý tưởng thâm diệu ban đầu của Kinh tạng, chẳng những vậy, y cứ trên hàng cư sĩ không hiểu rõ đạo, các thầy giảng dạy tùy hứng tùy tâm sở tri kiến của các thầy đến với người nghe rõ ràng là đem hạ kinh điển chư Phật xuống ngang hàng với kiến thức không thể nghĩ bàn của bản thân mình.

Phật pháp thậm thâm vi diệu cứ như thế được một số tăng chúng vô minh lợi dụng”.

Theo tôi, nếu nghiên cứu cho kỹ thì sẽ thấy Phật Pháp thật ra không có quá thậm thâm vi diệu, trái lại, mà hết sức thực tế, vì dùng Nhân Quả để giáo dục con người. Mục đích chỉ để giáo hóa con người CẢI ÁC, HÀNH THIỆN để cuộc sống hiện đời và những kiếp về sau đều được an vui, hạnh phúc. Chỉ có điều Đạo Phật đã dùng quá nhiều phương tiện, cho nên dễ gây ra hiểu lầm, nhất là với những người không chịu tìm hiểu cho kỹ, cứ “vừa mới nghe đã vội tin nhận, suy gẫm để chứng lấy” (trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa).

Thật vậy, đa phần người Phật Tử, kể cả nhiều Cao Tăng, dù cũng nói rằng Đạo Phật là Đạo Giải Thoát, nhưng khi thực hành thì đều cho rằng Phật là thần linh, luôn đặt trọn niềm tin vào sự cứu độ của Phật, để rồi làm gì cũng hướng về Phật, nghĩ đến Phật, cầu xin Phật, tôn sùng, phụng sự cho Phật, mà không biết rằng từ PHẬT chỉ để nói về tình trạng giải thoát mà Đức Thích Ca và Chư Vị Giác Ngộ quá khứ đã đạt được, và tất cả mọi người, hiện tại, tương lai, ai làm giống như thế cũng đều có thể đạt được. Chính vì vậy mà Đạo Phật gọi là có TAM THẾ PHẬT, không phải Tam Thế Phật là Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc như nhiều người đã hiểu sai.

Do hiểu rằng Phật là thần linh, cho nên nhiều người tu dù hành trì bao nhiêu hạnh cũng xem như để “kể công với Phật”, không phải là để bản thân mình cũng được Giải Thoát hay THÀNH PHẬT.

Trong bài chú này, ta thấy viết lại hành trình để thành ĐỨC THẾ TÔN, là “Cứu độ chúng sanh” (Phóng ra ánh sáng đại quang minh khiến cho hết thảy chúng sanh nhất thiết được vô ưu tỷ bỉ, vô tham và trong sạch diệu tịnh). Để làm được điều đó thì phải: Phát Đại Tự Tại Tâm, hăng hái thường tạo nên các thiện nghiệp mới có năng lực độ thoát khỏi các triền phược và vượt thẳng lên được. Phải ráng sức duy trì cho có được tâm kiên cố dũng mãnh tự tại lâu dần cho biến hóa dẫn đến sự giải thoát vô nhiễm.

Sự kiên trì này phải được tiếp tục nuôi dưỡng: Tiếp tục tu hành, tiếp tục làm sạch thân và làm sạch tâm – thanh tẩy thân, tâm. Người hành trì như thế sẽ thành tựu trong việc giải thoát với các pháp, thành tựu trong đức hạnh, thành tựu trong chuyển pháp luân, trong đóa Sen Đỏ tượng trưng cho tịnh nghiệp, thành tựu trong việc trở thành Đức Thế Tôn.

Qua bản dịch CHÚ ĐẠI BI được làm rõ, dù chỉ có 36 câu, nhưng những gì được viết trong đó là tóm tắt những gì cần hành trì, là: Mọi người cần tự tinh tấn thanh lọc Thân, Tâm, để Sen Đỏ được nở, được trở thành Đức Thế Tôn.

Tôi nghĩ, có lẽ không chỉ Bài Chú Đại Bi này, mà có thể còn rất nhiều tài liệu khác, do người trước không dịch hết nghĩa tiếng Phạn, nên người sau không hiểu được những ý nghĩa chân chính, do đó mà trở thành “xa kín nhiệm sâu, linh thiêng, huyền bí”. Mà đã xa kín nhiệm sâu, không thể hiểu đó là gì, thì làm sao Hành để đạt tới?

Đạo Phật đã có mặt ở trần gian gần 3.000 năm rồi. Lẽ ra với thời gian dài như thế thì mọi giáo điều, mọi lời Phật dạy, đã được những người có trách nhiệm nghiên cứu cho thật kỹ rồi mới truyền bá cho bá tánh để phổ biến cho mọi người, mọi giới. Không phải cứ “xưa bày, nay làm”, cứ thế mà thế hệ trước truyền cho thế hệ sau và tiếp nối, không cần quay lại nguồn gốc cho phù hợp với một Đạo Phật do Đức Thích Ca thuyết giảng. Vì đã qua gần 3.000 năm, qua biết bao nhiêu thế hệ, mọi thứ đều bị biến dịch bởi không gian, thời gian, những nhà tu hành tùy tiện chế biến theo hiểu biết của mình nên trở thành sai lạc với một ĐẠO GIẢI THOÁT mà tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh, vừa có thể tu sửa bản thân, vừa trực tiếp đóng góp cho xã hội, không chỉ gò bó trong khuôn viên Chùa, làm phí phạm biết bao nhiêu tài năng, sức trẻ, vì cho rằng muốn đi tu là phải bỏ hết việc đời, phải Xuất Gia, phải đầy đủ hình tướng mới có thể tu hành thành công!

Đọc hết giáo pháp của Đạo Phật ta sẽ thấy: Tất cả những Quả vị, những cõi nọ, cõi kia chỉ là những phương tiện dụ người tu thôi đeo bám trần cảnh để khỏi Khổ, vì mục đích tu hành của Đạo Phật thật ra chỉ là để Thoát Khổ. Đạo Phật được gọi là ĐẠO ĐỘ KHỔ. Tu hành theo Đạo Phật mục đích là để được Thoát Khổ, không phải để thành Thánh, thành Phật theo nghĩa là thành một vị Thần Linh! Và cái Thoát Khổ đó phải được diễn ra ngay tại cảnh Khổ. Không phải xây tường rào che chắn hay né tránh các pháp.

Đối chiếu với cuộc đời ta sẽ thấy: Cũng giống như những người vì cuộc sống thường phải đi lại trên sông nước nên cần phải học bơi để không bị nước nhấn chìm. Học bơi là để tiếp tục đi trên sông nước. Đâu phải học bơi rồi dọn lên bờ ở để khỏi bị nước xâm phạm? Đạo Phật đâu có dạy người tu học Pháp để rồi né tránh các Pháp, không cho nó chạm đến mình? Nếu né tránh thì sao gọi là Thoát Pháp? Việc Độ KHỔ cũng thế. Đạo Phật chỉ cho chúng ta biết rằng mỗi người đều có KHẢ NĂNG THOÁT KHỔ, đó là cái PHẬT TÁNH. Chỉ cần mỗi người ý thức được điều đó, rồi theo hướng dẫn của Đạo Phật để tìm gặp và khai thác khả năng đó nơi mình để tự mình Giải Thoát gọi là Thành Phật, đâu có phải để cầu mong Phật của Đức Thích Ca cứu độ hay giải thoát giùm cho ta?

Cũng do những người đi trước đã hiểu sai rồi truyền bá lại, làm cho Đạo Phật bị hạn hẹp, biến người tu Phật lại trở thành những người vô trách nhiệm với cuộc đời, đứng bên lề cuộc đời, vô cảm với đời, không thực hiện đúng như mong mỏi của đấng sáng lập. Thật vậy, phải chăng Đạo Phật dạy người tu xong phần mình thì phải đền đáp TỨ ÂN? Như vậy, nếu ta chỉ đền ÂN PHẬT bằng cách bỏ cha mẹ, vợ chồng, con cái, bỏ hết mọi trách nhiệm với xã hội để vô chùa phụng sự cho Phật, vậy thì Ba Ân kia chúng ta làm sao báo đáp? Như vậy ta sẽ trả lời thế nào khi đối chiếu với lời Phật dặn dò? Cho nên, theo tôi, nếu thật sự chúng ta đã quyết tâm chọn Đạo Phật để theo. Sẵn sàng hy sinh cuộc đời để phụng sự cho Phật thì tốt nhất là chúng ta nên học cho hết Giáo Pháp của Đức Thích Ca, tìm hiểu cho thật kỹ đâu là NGỮ, đâu mới thật sự là NGHĨA, để trả lại cho Đạo Phật những gì thuộc về Đạo Phật. Gạt bỏ đi những nghi thức cúng tế rườm rà, Cầu An, Cầu Siêu bị lai căng bởi các Thần Giáo khác, vì chính Đức Thích Ca cũng chỉ Tự Độ cho bản thân Ngài. Con một của Ngài còn phải đi tu, sao ta lại nghĩ Ngài sẽ Độ cho mình? Nên thực tế nhìn ra thế giới, ngay chính tại Népal là quê hương của Phật mà bệnh tật, đói, nghèo, tội ác vẫn triền miên diễn ra. Năm vừa qua còn mấy trận động đất sụp đổ bao nhiêu Tháp Cổ, giết chết gần 9.000 con người! Chẳng lẽ chưa đủ cảnh tỉnh ta? Nếu Phật đã độ được hẳn Ngài đã ra tay, đâu đợi mọi người cầu xin mỏi mòn? Ba ngàn năm rồi chớ đâu phải một vài năm mà cho rằng Phật chưa nghe thấy? Vậy mà vẫn còn những người cứ hô hào, vận động cất Chùa cho thật hoành tráng để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ngày càng dùng chất liệu cho thật quý, tạc cho thật to, xây những tượng vĩ đại để hao phí bao nhiêu tiền bạc của bá tánh mà lẽ ra để giúp cho người nghèo thoát Khổ hay giúp cho đất nước vượt qua khó khăn, đi đến phồn thịnh hơn một cách thực tế, thì lại kêu gọi mọi người cứ cầu xin rồi ngồi chờ Phật cứu trong khi Ngài hoàn toàn không thể làm được?

Chính vì vậy, tôi nghĩ, trước hết là những vị có nhiệm vụ hướng dẫn các Phật Tử cần rà soát lại cái hiểu về Đạo Phật của mình coi đúng Chánh Pháp hay chưa? Trong khi Giáo Pháp của cả Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa lúc nào cũng nói Đạo Phật là Tự Độ mà Chùa nào cũng cứ sớm tối chuông mõ, hương khói để cầu xin mà không thấy là đang đi ngược với lời Phật dạy: “Kẻ nào ca tụng ta, tán thán ta mà không hành theo lời ta chỉ dạy, kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta”. Theo tôi, đến thời này, mọi thứ đã được các vị giác ngộ lần lượt khai sáng thì chúng ta cũng đừng nên tiếp tục tự huyễn hoặc mình để thật sự quay về với Chánh Pháp. Thay vì nghĩ rằng đi tu là để phụng sự cho Phật, thì ta nên thực hành theo đúng Chánh Pháp bằng cách để Thành Phật, thực hiện lời Thọ Ký: “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” như mong mỏi của Phật theo lời Kệ trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA:

“Xá Lợi Phất nên biết.

Ta muốn tất cả chúng.

Bằng như ta không khác”.

“Bằng như ta” tức là Thành Phật hay thành Đức Thế Tôn bằng những việc làm mà bài CHÚ ĐẠI BI đã đề cập một cách rõ ràng. Như vậy mới thật sự là Đệ Tử của Phật, bằng không thì rõ ràng ta chỉ là chỉ là những “Gã Cùng Tử” như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã chê trách, tiếp tục “mang Phật ra mà lạy Phật” như Tổ Đạt Ma đã cảnh báo.

Điều đáng buồn là nước ta Tu Sĩ gần 600.000 vị, vậy mà phải đợi một Cư Sĩ bỏ thì giờ ra đi học tiếng Phạn và dịch để nhiều người mới có thể hiểu được trọn bài Chú ĐẠI BI! Đó phải chăng là điều đau lòng cho người tu hành cũng như Phật Tử, thấy rằng bao nhiêu thế hệ qua đã bị chồng mê một cách oan uổng để truyền nhau, cứ tin rồi hàng ngày đọc tụng theo đó rồi chờ mong mỏi mòn!

Dù vậy, theo tôi, muộn còn hơn không bao giờ. Đã đến lúc người tu Phật cần mạnh dạn thực hiện những công việc mà CHÚ ĐẠI BI hướng dẫn. Đó là giai đoạn khởi đầu cho việc hiểu và đưa Đạo Phật quay về đúng với Chánh Pháp: Quay về tìm Phật ở nơi Tâm của mình. Không còn nương tựa, cầu xin Phật ngoài. Tu Phật là để Thành Phật, là phải Thành Phật, Phật như những gì mà Đức Thích Ca và chư Vị Giác Ngộ mong mỏi. Không phải để núp bóng Từ Bi của Phật! Không cứ máy móc niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mà không hiểu đó là ý nghĩa của việc “hướng về ánh sáng soi suốt mười phương không ngăn ngại”. Soi suốt đó có nghĩa là trong Tâm của mình không còn tồn tại 10 điều Tà. Vì vậy, theo tôi, thay vì tin theo Tà Pháp để chính bản thân mình đi lạc mục tiêu của Đạo Phật. Hy sinh cuộc đời một cách oan uổng, lại truyền bá cái sai, nhân số người mê càng nhiều thêm lên! Theo Luật Nhân Quả thì dù do cố tình hay do hiểu lầm mà chồng mê cho người khác thì đều phải trả giá. Tích CON TRÂU của Ngài Quy Sơn trong Quy Sơn Cảnh Sách mà tất cả người vào tu đều phải học qua để thấy cái Quả của những người lợi dụng của thường trụ là không phải nhỏ. Không phải chỉ “chết là hết”. Đó là điều đáng sợ cho ai có chút hiểu biết về Nhân Quả vậy!

6 thoughts on “Tôi đã hiểu về “Chú Đại Bi”!

  1. Nguyễn Nhật Hùng

    Kính gởi nhà văn Lâm Bích Thủy ! rất cảm kích khi đọc bài Tôi Đã Hiểu Về Chú Đại Bi của chị . Xin tán thán công đức của Người Em Dâu & Chị trong lúc Trì Niệm Chú Đại Bi để có được an lạc trong tâm hồn và may mắn trong cuộc sống thường hằng .
    Thực ra Chú Đại Bi nguyên mẫu bằng tiếng Phạn có 84 câu biểu tượng 84 vạn pháp môn của Đạo Phật .Chú là Mật ngữ của Phật mà Bồ Tát khởi tâm phát nguyện ” Ai trì niệm chú này mỗi ngày năm biến …thì mọi mong cầu được toại nguyện , trừ việc bất thiện “. Người Em Dâu nói rất đúng …cứ trì niệm theo âm tiếng Phạn thì mọi việc tốt hơn .Đã có nhiều bản dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau , để thỏa lòng tìm hiểu của con người thế gian .Nhưng thống nhất trì niệm theo âm tiếng Phạn” Nam mô hắc ra đá ra dạ ra …”, như vậy Chị chớ buồn phiền cả nước ta có hơn 600. 000 tu sĩ vậy mà …
    Chị Thủy kính mến ! theo giáo lý nhà Phật đời là bể khổ theo quy luật Sinh- Lão – Bệnh – Tử .Vinh quang- Đau Khổ , Trí tuệ – Đần độn …luôn ở trong Nhị nguyên đối đãi .Phật , Bồ Tát…. đã về với Nhất Nguyên luận .Như vậy con người của chúng ta phải ra khỏi cái Hiểu & Không hiểu để ra khỏi khổ đau …Số phận của mỗi con người do Duyên Phước từ Mẹ cha , tiền kiếp của người đó .
    Cuối cùng xin mượn bài kệ của Cố Đại lão hòa thượng Phúc Hậu:
    Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
    Học hành không thiếu cũng không dư
    Đến nay nghĩ lại chừ quên hết !
    Chỉ thấy trong đầu mỗi chữ như .

    Reply
  2. Kim Đức

    Em thật ngưỡng mộ những suy tư và chiêm nghiệm của chị LBT về giáo lý Đạo Phật. Cốt lõi của Đạo Phật là đạt đến sự giác ngộ và giải thoát trên nền tảng cơ bản là NHÂN QUẢ. Vậy mà có nhiều người, nhiều Phật tử đi chùa với mục đích để cầu xin Đức Phật ban cho làm ăn giàu có, cầu xin có chức có quyền, cầu không có bệnh tật…..hoặc cúng dường chùa thật nhiều tiền nhưng cũng chỉ mục đích cầu xin cho cá nhân mình chứ tự mình không biết làm sạch thân, tâm và tu hành, để đạt được sự giác ngộ và giải thoát.
    Đạo Phật là đạo của trí tuệ, em nghĩ tụng Chú Đại Bi chỉ là một trong những phương pháp, kỹ thuật để đạt đến mục đích là thanh tẩy thân tâm cho thanh tịnh, tạo tiền đề để tu hành đạt đến giác ngộ và giải thoát. Phương pháp phải phù hợp với từng người hoặc nhóm người vì căn cơ của con người có nhiều khác nhau. Tùy căn cơ của từng người mà chọn phương pháp cho phù hợp để tu hành, tìm ra chân lý, nhận thức được bản chất của vũ trụ và nhân sinh.
    Cám ơn chị LBT đã có bài viết thật giá trị, phân tích cặn kẽ để mọi người hiểu hơn về giáo lý Đạo Phật.
    Chúc chị luôn vui và khỏe.

    Reply
  3. Quốc Tuyên

    Quan điểm của chị Bích Thủy về CĐB thật sâu sắc và thiết thực . Cám ơn chị.

    Reply
  4. Lâm Bích Thủy

    Cảm ơn các bạn Nhật Hùng, Kim Đức, Quốc Tuyên Thu Thủy. Đọc các phản hồi của các bạn mình rất an tâm vì nói về Phật mà không đúng dễ bị làm tổn thương đến những người đang trông nhờ vào sự cứu rỗi của cửa Phật có thể làm cho họ giận.
    Theo các phản hồi thì các bạn đã hiểu những gì con người cần làm và những gì không cần làm khi niệm CĐB
    Chúc các bạn an nhiên

    Reply

Leave a Reply to Kim Đức Cancel reply

Your email address will not be published.