Cuộc phiêu lưu của đôi vợ chồng

Cuộc phiêu lưu của đôi vợ chồng

 

Nguyên tác : L’avventura di due sposi

Của  Italo Calvino ( Italia)

Trương Văn Dân chuyển ngữ

 

Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn Ý quan tâm đến nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng đến chính trường, văn học  và văn hoá Ý vào những năm sau chiến tranh.

Sinh năm 1923 tại Santiago de Las Vegas, Cuba: Cha ông là một nhà nông học và mẹ là một nhà sinh vật học. Họ sống và mở một vườn thực vật nhiệt đới tại Cuba nhưng sau một trận bão (1925)  làm đổ nát nhà cửa và khu vườn này, họ quyết định quay về Ý và sống tại thành phố biển San Remo thuộc vùng Liguria, Italia.

Ngay từ thời trung học ông đã kết bạn thân thiết với Eugenio Scalfari và Eugenio Curia, sau này đều trở thành những nhà văn và trí thức lỗi lạc của Ý. Nhưng quan hệ quan trọng nhất trong văn nghiệp của ông là khi theo học văn khoa ở Torino, ông quen  thân nhà văn nổi tiếng Cesare Pavese, sau trở thành người hướng dẫn và cũng là “độc giả đầu tiên” cho nhiều trang viết của ông.

Là tác giả của nhiều tiểu thuyết, tập luận văn, ông còn chủ biên rất nhiều công trình văn học quan trọng. Bắt đầu xuất bản từ năm 1947, ông đã đoạt nhiều giải thưởng và vinh dự lớn như sau: giải Viareggio 1957; giải Bagutta, 1959; giảiVeillon, 1963; giải Feltrinelli về truyện kể, 1972; viện sĩ danh dự của Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Văn Chương Hoa Kỳ, 1975 giải Premio Riccione (Italy), 1984. .. Cùng với nhà văn Vittorini ông chủ biên tạp chí Menabò.

Ngoài việc sáng tác , ông còn là một nhà phê bình rất tên tuổi và cũng là  nhà văn Ý trong  thế kỷ 20 được dịch nhiều nhất ở Anh và Bắc Mỹ. Sau giải thưởng quốc tế Formendor ở Maiorca, năm  62, trong cuộc gặp gỡ với các nhà văn quốc tế ông đã gặp nữ phiên dịch nguời Argentina  Esther Judith Dinger, thường được thân mật gọi là Chiquita và hai năm sau(1964)  lấy bà làm vợ. Đám cươi được tổ chức tại Cuba nhưng  họ về sinh sống tại Roma. Trong thời gian ở Cuba ông có gặp Che Guavara và về sau này ông có viết về cái chết của nhân vật này.Ông đã cộng tác với nhà xuất bản Einaudi và thành lập hội thân hữu Ý- Cuba.

Ông mất ngày 19-9-1985 tại bệnh viện Siena vì chứng xuất huyết não.

Các tác phẩm chính :

Phần lớn tác phẩm của Calvino là kiệt tác: bộ ba tiểu thuyết với tên gọi chung “Tổ tiên của chúng ta” gồm “Tử tước bị phân đôi ” (1952), “Nam tước leo cây” (1957) và “Hiệp sĩ không hiện hữu” (1959); “Cosmicomics” (1965); “Những thành phố vô hình” (1972), và đặc biệt là “Nếu một đêm đông người lữ khách…” (1979).

Sau khi ông mất, ba tác phẩm khác của ông cũng được lần lượt xuất bản: “Dưới bóng mặt trời Giaguaro”, “Con đường ở San Giovanni” và “Trước khi bạn nói sẵn sàng”.

 

 

Câu chuyện sau đây được viết về  một gia đình Ý vào những năm sau đệ nhị thế chiến. Sự bùng nổ công nghiệp đã giúp nước Ý  thoát khỏi những tàn phá của chiến tranh và mau chóng trở thành một trong những nước phát triển ở  Âu Châu. Thế nhưng  về phương diện xã hội, tinh thần đoàn kết, gắn bó truyền thống của gia đình Ý đã bị biến đổi và có nguy cơ bị phá vỡ.

Được viết từ năm 1958. Sự cảnh báo của Calvino đã đặt  các nhà nghiên cứu trước vấn đề lương tâm và những năm tiếp đó ( 1961)  nhiều trí thức Ý đã  tham gia trong các thảo luận về đề tài “ Văn Học và Công nghiệp ”.

 

 

 

 

Công nhân Arturo Massolari làm ca đêm, công việc của anh chấm dứt vào sáu giờ sáng. Để về nhà, anh phải đi một quãng đường dài. Những khi trời tốt anh đi bằng xe đạp còn lúc có mưa hay những tháng muà đông anh phải dùng xe điện. Anh về đến nhà trong khoảng sáu giờ bốn mươi lăm đến bảy giờ, nghĩa là trước hoặc sau tràng chuông báo thức mà vợ mình, cô Elide, đã cài đặt.

Có hai thứ tiếng động vang lên cùng lúc: tiếng chuông báo thức và tiếng chân của chồng  bước vào nhà. Hai thứ tiếng động đó chồng chất trong đầu Elide, cùng đến trong giấc ngủ say, mà cô còn muốn kéo dài thêm bằng cách áp sát mặt vào chiếc gối. Sau đó cô bước xuống giường, mắt nhắm mắt mở cho hai tay vào chiếc áo choàng, và những sợi tóc phủ loè xoè xuống mắt. Cô đi  xuống nhà bếp và thấy Arturo đang lấy từ túi xách các thứ mà anh mang đến hãng: chiếc cà mèng đựng thức ăn, bình thermos…và những chiếc hộp không rồi đặt chúng trong chậu rửa bát. Lúc đó anh cũng vừa đốt bếp để pha cà phê. Biết chồng đang nhìn, Elide cảm thấy bối rối. Cô mở to mắt và muốn đưa hai tay lên che đầu, cứ như mỗi lần cô đều xấu hổ cho cái hình ảnh đầu tiên mà chồng nhìn thấy mỗi khi bước vào nhà, đầu tóc cô luôn rối bù trên khuôn mặt ngái ngủ. Khi hai người ân ái hay ngủ chung thì là chuyện khác, buổi sáng khi thức dậy, cả hai cùng phờ phạc và có chung cảm giác thiếu ngủ như nhau.

Có đôi khi Arturo bước vào phòng ngủ để lay thức vợ, anh còn mang cho cô tách cà phê nóng trước khi chuông báo thức reo; nhưng lúc đó mọi sự đều rất tự nhiên, vẻ nhăn nhó lúc cô thức giấc trông giống như một sự lười biếng ngọt ngào, cô ưỡn người, hai cánh tay trần duỗi ra và cuối cùng cô quàng vào cổ chồng một cách âu yếm. Họ ôm nhau. Arturo còn mặc trên người  chiếc áo khoát và lúc anh đến gần là cô hiểu ngay thời tiết hôm đó: trời mưa, có sương mù hay tuyết, tùy theo hơi lạnh giá hay sự ẩm ướt trên người anh. Tuy vậy cô vẫn hỏi: “Thời tiết thế nào, anh?” và lúc ấy anh bắt đầu than thở, kể lể về những khó khăn đã gặp. Anh thường bắt đầu từ đoạn cuối: hành trình trên xe đạp, thời tiết khi vừa bước ra khỏi xưởng, nó khác với chiều hôm trước ra sao rồi những bực bội trong công việc và những chuyện ngồi lê đôi mách trong hãng xưởng…

Vào giờ đó căn nhà chỉ vừa được sưởi ấm, nhưng Elide cũng phải khoả thân, rùng mình bước vào phòng tắm. Sau đó anh chồng cũng vào theo, bình tĩnh cởi đồ, chậm rãi kỳ cọ, và chăm chú xoá những vết dầu trong xưởng máy. Cứ thế, cả hai trần truồng và lạnh lẽo, đứng quanh cái bồn rửa nhỏ xíu, thỉnh thoảng họ đụng, đẩy nhau hay giật lấy cục xà phòng, ống kem đánh răng và tiếp tục nói với nhau những điều cần nói; Cũng có lúc họ biểu lộ vài cử chỉ thân mật, giúp nhau kỳ lưng, khe khẽ vuốt ve và cuối cùng ôm lấy nhau một cách vội vã. Nhưng bất thình lình Elide kêu lên: “Chúa ơi! Mấy giờ rồi vậy?” rồi vội vã chạy đi mang vớ, mặc váy, vừa đứng soi mặt trước tấm kính trên bàn phấn vừa đưa bàn chải chạy lên chạy xuống trên mái tóc bù, hai hàm răng còn cắn chặt cái kẹp tóc. Arturo bước đến sau lưng vợ, đốt một điếu thuốc và nhìn vợ đang đứng bên mình, mỗi lần rít thuốc anh đều cảm thấy bối rối vì đứng đấy mà không biết phải làm gì. Cuối cùng Elide đã sẵn sàng, cô vội tròng lên người chiếc áo khoát, hôn vội chồng rồi mở cửa, chạy nhanh xuống cầu thang.

 

Còn lại một mình Arturo theo dõi tiếng chân của Elide bước trên các bậc thang cho đến khi không còn nghe thấy và anh vẫn tiếp tục theo dõi bằng suy tưởng tiếng nhún nhảy vội vã trong sân, tiếng mở cửa chính của toà nhà, tiếng chân bước trên vỉa hè cho đến tận trạm dừng xe điện. Riêng tiếng bánh sắt trên đường ray thì anh nghe rất rõ khi nó rít lên để dừng lại, và tiếng động khô khốc của bàn đạp khi có người leo lên. “May quá, cô ấy đã bắt kịp”, anh nghĩ và thấy vợ mình đứng chen chúc giữa đám công nhân đông đảo, nam và nữ, trên xe số 11 đang  chở họ đến  nhà máy như mọi ngày. Anh dụi tắt điếu thuốc, đứng lên khép hai cánh cửa sổ, căn hộ tối sầm lại và anh đi ngủ.

Chiếc giường ngủ vẫn như lúc Elide đứng dậy, nhưng về phần giường của mình, Arturo thấy nó vẫn còn nguyên, như vừa mới trải giường. Leo lên giường, anh nằm ngay ngắn ở phần mình, nhưng lát sau lại thò một chân qua phía bên kia, nơi có hơi ấm của vợ, sau đó anh còn thò thêm chiếc chân kia nữa…và cứ thế dần dần anh lăn người di chuyển toàn thân sang phần giường của vợ, trong cái hơi ấm được giữ lại ở cái chỗ lõm có hình dạng của thân hình Elide. Anh áp má vào chiếc gối của vợ để cảm nhận mùi thơm của cô và thiếp dần vào giấc ngủ.

Buổi chiều khi Elide trở về nhà cô thường thấy Arturo đang quanh quẩn trong nhà: Anh đang đốt lò sưởi hay nấu nướng cái gì đó. Anh thường làm một vài việc trước bữa cơm chiều, như  trải lại giường nằm, quét dọn chút đỉnh hay ngâm quần áo để chờ vợ về giặt. Nhưng Elide thấy mọi việc chồng làm đều rất qua loa. Cô quá biết chồng mình cẩu thả và ít quan tâm đến những việc này: những gì anh làm thực ra chỉ để đánh lừa thời gian  trong lúc chờ vợ về, như để giúp vợ chút ít  khi anh vẫn còn ở nhà, trong lúc bên ngoài đèn đường đã bật sáng và vợ đang hối hả đi từ cửa tiệm này sang cửa tiệm khác trong sự nhộn nhịp khác thường vì đó là thời điểm các bà nội trợ đang vắt chân mua sắm những thứ cần thiết cho bữa cơm chiều.

Cuối cùng Arturo nghe tiếng chân vợ bước lên cầu thang, tiếng vang hoàn toàn khác tiếng động vào ban sáng, lúc này nặng nề hơn bởi cô bước từng bước mệt mỏi sau một ngày làm việc và còn phải mang những túi thức ăn vừa mua được. Anh mở cửa bước ra hành lang, đỡ lấy các thứ cho vợ, rồi cả hai cùng bước vào nhà và trò chuyện. Chưa kịp cởi áo khoát cô vợ đã ngồi phịch xuống chiếc ghế trong nhà bếp trong khi chồng lấy thức ăn từ túi xách ra. Ngồi nghỉ một lát rồi Elide kêu khẽ “ Thôi, làm cái gì đi !” vừa nói cô vừa đứng lên, cởi áo khoát và thay  quần áo mặc trong nhà. Cô bắt đầu nấu  bữa ăn tối cho hai người, sau đó chuẩn bị  bữa ăn nhẹ để chồng mang vào nhà máy  cho giờ nghỉ giải lao vào một giờ khuya và bữa điểm tâm cho mình để mang theo vào sáng hôm sau ; Ngoài ra cô còn phải sửa soạn sẵn sàng bữa cơm cho chồng vào ngày mai lúc anh thức giấc.

Elide vừa làm, thỉnh thoảng cô ngồi nghỉ vài giây trên chiếc ghế mây trong nhà bếp và nhờ chồng làm giúp vài điều gì đó. Nhưng anh chồng vẫn còn đang nghỉ nên chỉ đi quanh quẩn, có lẽ anh cũng muốn làm tất cả mọi việc ấy, nhưng lơ đãng, đầu óc bỏ tận đâu đâu. Trong những lúc như vậy, giữa hai vợ chồng có khi xảy ra va chạm, nói với nhau những lời bực tức bỡi vì cô vợ muốn chồng chú ý hơn về những gì đang làm, tập trung  hơn hay gần gủi với mình hơn, đến gần bên mình, an ủi  mình nhiều hơn. Nhưng anh chồng, sau lúc phấn khởi vì vợ đã về nhà, đầu óc anh  thả rông ra ngoài, anh muốn mọi việc được làm sớm vì anh cũng sắp phải đi  làm.

Khi dọn thức ăn lên bàn, tất cả đều nằm trong tầm tay để cả hai khỏi phải đứng lên nữa, thì cũng chính là lúc hai người cảm thấy thấm thía vì có quá ít thời gian để sống gần nhau, buồn đến nỗi không ai đưa nổi muổng thức ăn lên miệng. Họ chỉ muốn ngồi đó mà nắm tay nhau.

Dường như tách cà phê chưa kịp uống cạn thì anh chồng đã đứng sau chiếc xe đạp, kiểm  tra xem có còn thiếu  thứ gì không. Họ ôm nhau. Hình như chỉ lúc đó Arturo mới cảm nhận thân hình mềm mại và nóng ấm của vợ mình. Anh vác lên vai chiếc xe đạp và cẩn thận bước xuống cầu thang.

Elide đứng rửa chồng chén bát. Cô nhìn từ đầu đến cuối những việc nhà mà chồng làm khi cô vắng mặt rồi khe khẽ lắc đầu. Bây giờ thì anh ấy đang đạp xe trên một con đường tối tăm, có những cột đèn thưa thớt. Có thể anh đã đi qua khỏi trạm ga.

Elide tắt đèn, đi ngủ.Từ phần giường của mình, cô đưa một chân về phía chồng để tìm hơi ấm, nhưng mỗi lần như thế cô đều nhận thấy nơi mình nằm là ấm nhất, dấu hiệu là Arturo cũng đã ngủ ở chỗ này và lòng cô dấy lên một niềm thương cảm.

 

Trương Văn Dân chuyển ngữ

9-9-2009

 

 

3 thoughts on “Cuộc phiêu lưu của đôi vợ chồng

  1. Sơn Ca

    Cuộc sống công nghiệp thật buồn bã chắc họ không có thời gian để ngắm trăng sao và cả biển nữa.

    Reply
  2. Quốc Tuyên.

    “Khi dọn thức ăn lên bàn, tất cả đều nằm trong tầm tay để cả hai khỏi phải đứng lên nữa, thì cũng chính là lúc hai người cảm thấy thấm thía vì có quá ít thời gian để sống gần nhau, buồn đến nỗi không ai đưa nổi muổng thức ăn lên miệng. Họ chỉ muốn ngồi đó mà nắm tay nhau.”

    Ước muốn thật đơn sơ… không biết về lâu dài tình cảm yêu thương, quan tâm chăm sóc nhau có còn không…
    Cám ơn anh Trương Văn Dân cho đọc một bài chuyển ngữ rất hay!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.