Tâm sự với dòng sông

Tác Giả: Trần Duy Đức

Câu chuyện đầu năm trong dịp về thăm bà con ở làng Hòa Phong- quê tôi, nằm ở ngã ba sông, lọt thỏm giữa hai dòng Bắc phái và Nam phái của sông Côn, sông nước bao quanh ba mặt. Tết Bính Thân đã qua nhưng không khí xuân vẫn còn, đâu đó đã bắt đầu lễ hội Thanh Minh. Làng quê bây giờ đổi thay nhiều, đường làng đều trải bê tông, đêm đêm ánh đèn điện không chỉ sáng trong nhà mà sáng cả ngõ xóm, không nơi nào còn nhà tranh vách đất, tivi, tủ lạnh, xe máy không còn xa lạ đối với vùng quê từ bao đời xa thị thành, cũng quán xá, cũng dịch vụ karaoke xập xình, điều kiện sống của người dân quê tôi đã khá hơn nhiều.

Vài ba anh em trong xóm kéo tôi ra cái quán nhỏ sát bờ sông, bên con đập  Bình Thạnh, vừa lai rai vài ly bia vừa nhìn xuống dòng sông và đón chút gió nồm  còn sót lại. Một ông cụ đã ngoài 80 tuổi, nhà ở sát bến đò Phủ năm xưa thuộc dòng sông Nam phái, mà ông đã có hơn 30 năm đưa khách sang sông, và cũng đã chừng ấy năm gác sào úp sõng vì sông cạn, có năm kiến bò qua sông. Gọi bến đó Phủ vì bên kia sông là phủ đường An Nhơn có từ hồi chưa sinh ra ông. Lửng thửng đi bộ ra đứng bên bờ đập nhìn chăm chăm xuống dòng sông, bỗng ông thốt lên: đâu còn dòng sông như xưa!
Nỗi trăn trở hiện lên gương mặt nhăn nheo của ông cụ. Thằng em bà con tôi ra nắm tay ông và mời vào quán. Cụ không uống bia, biết ý, chủ quán mang ra xị rượu Bàu Đá chính hiệu, rót ra cái ly con sủi bọt và mời cụ. Chậm rãi uống, chậm rãi nói chuyện, ký ức về dòng sông và cái làng quê này được ông cụ lưu giữ gần chín thập niên qua. Ông nói như đang tâm sự với lớp con cháu, giọng nói cứ chùng xuống và thoáng buồn, ông là một trong những nhân chứng sống của làng quê này,  am hiểu con nước từ mùa mưa lũ đến mùa nắng trên dòng sông ngàn đời lưu thông tích thủy, tưới tắm phù sa, làm xanh mát cỏ cây, lúa ngô trĩu hạt và cá tôm bơi lội nuôi sống hàng bao nhiêu vạn con người từ thượng nguồn xuống hạ du.


Ông cụ không nói nhiều, nhưng để lại cho bọn trẻ chúng tôi bao điều suy nghĩ. Bắt chợt tôi nhìn xuống dòng sông mới giêng hai mà đã trơ cát là cát, một phần do nước đầu nguồn ngày càng ít, một phần hồ Định Bình và đập Văn Phong tích nước, dự trử để tưới cho đồng ruộng phía nam tỉnh. Dòng sông không hề có bóng dáng ngư dân tung chài, bủa lưới, rác rưởi và cả xác súc vật trôi tấp lên bãi cát. Đúng là dòng sông không còn nhu xưa và không chỉ có ông cụ mà nhiều người lo lắng cho dòng sông ngày càng bị sa bồi thủy phá, bờ sông bị sạt lở, xâm thực vào đất liền. Ông lão chèo đò năm xưa thì thào nói trong nỗi buồn: vài năm gần đây được Nhà nước đầu tư làm nhiều cây số kè bờ sông để chống xói lở.  Được cái này lại mất cái khác, đã ít dần, thậm chí không còn những hàng tre nghiêng bóng trên dòng sông, che bóng mát che đường làng vào những ngày hè nắng nóng. Uống vừa xong ba ly rượu, chia tay bọn trẻ, ông đứng lên lửng thửng ra khỏi quán về nhà lúc mặt trời vừa lên đỉnh đầu. Người già thường sống với quá khứ, mà quá khứ của ông cụ thì thật đẹp, đẹp như dòng sông xưa trong xanh có cá tôm bơi lội, như làng quê yên bình chiều chiều nghe tiếng chuông chùa ở đầu làng ngân vang.


Nhiều năm gần đây dòng sông ngày càng bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy hải sản xưa kia dồi dào là thế, mà ngày nay gần như đã khai tử vì nạn xung điện bắt cá công khai, ngang nhiên, không hề sợ cấm đoán, khai thác đến tận diệt bao nhiêu loài cá tôm, cùng với bao thứ chất thải độc hại trôi nổi trên sông, thì còn đâu là môi trường sống và sinh sản các loài hải sản nước ngọt. Điều đáng nói là, những việc làm gây ô nhiễm môi trường, gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người không chỉ một thế hệ, ai cũng biết mà họ cứ làm.


Nghe những lời tâm sự mộc mạc, chân tình của ông cụ, tôi sực nhớ, có lần tôi và nhiều người vào quán ăn sát bờ sông ở phố thị, gần cầu Trường Thi, vừa ăn vừa nhìn thấy hai ba người bơi sõng trên sông không phải câu cá, bủa lưới mà xung điện bắt cá, họ thản nhiên như là chuyện bình thường, không bị cấm đoán! Chẳng biết cơ quan nào có chức năng xử lý để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của vạn vật, hơn hết là bảo vệ sức khỏe con người.


Tôi sinh ra và lớn lên ở cái xóm sát bờ sông Bắc phái, thời trước bờ sông ít sạt lở, dòng sông trong xanh, nước sâu quanh năm cá lội, trẻ con lớn lên biết chăn bò hoặc học cấp 1 là đã biết bơi lặn, hơn nửa xóm chuyên sống bằng nghề chài lưới, nên gọi là xóm lưới. Tôi ghé thăm cụ Trương Long, dân làng gọi là Long Cá, bởi ông và cả mấy đời trong gia đình đều sống bằng nghề chài lưới. Nhà lão ngư ở bên ngã ba Bàu Sấu, thời đó nước sâu lút cây sào mới tới cát, nơi trú ngụ vô số các loài cá, nhất là mùa cá lúi lên sau tiết Đông Chí, từng đàn cá con nhiều như tấm chiếu trải ngược nước trở về nguồn, để trở thành cá mẹ, đến năm sau bụng mang đầy trứng theo nước lũ về xuôi sinh sản, loài cá cũng có quy luật sinh tồn của chúng. Trời lạnh như cắt da mà hàng trăm ngư dân bơi sõng đổ dồn về đây tung chài bắt cá kín cả bến sông, nguồn cá lúi tỏa đi khắp các chợ quê và phố thị, vậy mà ngày nay bến sông cạn đến mức mùa mưa vẫn xắn quần lội bộ, còn đâu cảnh trên bến dưới chài.


Sống bằng nghề sông nước, người lái đò nang cuối cùng ở bến Bàu Sấu, vốn  là tay đua sõng, bơi bộ cừ khôi từng đoạt giải thưởng trong các kỳ thi trên sông Côn mấy mươi năm trước, nay đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời. Mong muốn cuối đời của ông là làm sao chính quyền có biện pháp mạnh, cấm triệt để không cho nạn xung điện bắt cá hoành hành và không cho ai xả chất thải độc hại trên sông, được chừng vài ba năm thôi thì dòng sông sẽ sạch, các loài cá tôm sẽ sinh sản nhiều trở lại, các chợ nông thôn sẽ có nhiều thức ăn tươi sạch từ sông nước, con cá nước ngọt không bị nhiễm bẩn sẽ có trong bữa ăn của mỗi gia đình- Người ngư dân già nói thế. Niềm mơ ước thật tự nhiên, thật đơn giản như cơm ăn áo mặc hàng ngày, không có gì cao xa mà lão ngư đã bước qua tuổi 92 và đông đảo người dân ở lưu vực sông Côn vẫn chưa nhìn thấy, mặc dù đã có Luật bảo vệ môi trường, có bao nhiêu Quyết định, Nghị định của Chính phủ về bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản…


Mới ngày nào đó chưa xa, chiều lại lũ chúng tôi đi học trường huyện về,  đứng trên cầu Phụ Ngọc nhìn mặt trời lặn ở ngã ba sông, cũng là lúc bà con quanh vùng ra sông tắm mát đến chật bến. Và, nơi nào trên các chi nhánh của sông Côn chảy qua, trẻ già trai gái cũng tắm sông, cái thú chiều về đi tắm sông, hóng gió nồm, rồi hát nghêu ngao về nhà sao mà thích thú. Thế mà ngày nay có còn ai dám tắm sông nữa, bởi không chỉ đứng trên cầu Phụ Ngọc mà trên những cây cầu đẹp, vĩnh cửu như cầu An Thái, cầu Trường Thi… nhìn xuống dòng sông sẽ thấy biết bao là rác thải, xác súc vật nổi lềnh bềnh, chất độc hại từ các loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ…cũng theo ra sông. Ai cũng nhìn thấy các tay “hải tặc” cũng bắt đầu vác sõng và đồ nghề rà điện hoạt động trên sông lúc chiều về và ban đêm.


Nhiều nhà khoa học về môi trường, về nguồn nước đã không ít lần lên tiếng về số phận những dòng sông đang chết. Những dòng sông cũng giống như con người, có sinh mệnh của chúng, dòng sông là bạn thân thiết của con người và mọi sinh vật, nhưng vì cái lợi thiển cận trước mắt, lợi ích cục bộ, cá nhân mà con người nhẫn tâm bức tử chúng. Con người chết thì không thể sống lại được và người thân cũng chỉ đau buồn thời gian rồi cũng nguôi ngoai, còn dòng sông chết thì hậu quả kéo dài biết đến chừng nào và bao nhiêu thế hệ con người phải gánh chịụ. Vậy sao con người cứ vẫn thờ ơ đến vô tâm, cứ thẳng tay phá rừng đầu nguồn gây ra lũ quét, làm cạn kiệt nguồn nước, thản nhiên xả thải chất độc hại xuống dòng sông, tha hồ khai thác nguồn lợi thủy hải sản bằng nhiều cách đến tận diệt mầm sống cá tôm. Đó là chưa dám đề cập đến tầm nhìn từ những công trình thủy điện mà vài năm gần đây đã và đang rộ lên ngay cả trên diễn đàn Quốc hội về một chủ đề lợi và hại, có công trình mang lại hậu quả tai hại lớn hơn cái lợi lâu dài như dư luận và báo chí đã lên tiếng, cảnh báo.


Không nói rộng ra những con sông ở nơi khác, chỉ nhìn dòng sông Côn, con sông dài hơn 170 cây số, có dòng chảy lớn nhất trong 4 con sông chính của tỉnh Bình Định. Từ lâu dòng nước sông Côn trong xanh, sõng bè nườm nượp, trên bến dưới thuyền, những phố thị hưng thịnh sầm uất hai bên sông như An Thái, Gò Chàm, Gò Găng, Đập Đá, Cảnh Hàng, Phú Đa, Gò Bồi…dòng sông như dải lụa mềm, như dòng sữa nuôi sống bao vạn dân cư các huyện, thị xã phía nam tỉnh: Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An nhơn, Phù Cát, Tuy Phước và góp vào biển Đông. Nếu một ngày nào đó không xa, dòng sông Côn thật sự trở thành dòng sông chết, lòng sông bị sa mạc hóa, nguồn nước bị ô nhiễm,…thì môi trường sống của cả lưu vực sẽ ra sao (!?).

Cách nghĩ, cách làm của thế hệ hôm nay sẽ là cách đánh giá, phán xét của thế hệ con cháu mai sau. Lối hành xử của chúng ta là hãy tôn trọng quy luật tự nhiên, hãy để cho dòng sông được gần gũi với con người, chính nhờ vậy sông nước sẽ phục vụ cho chúng ta có cuộc sống yên lành, ấm no hơn. Phải chăng đó là quan hệ nhân quả thật đơn giản, ai cũng nhận ra. Chúng ta đừng quay lưng và đừng phũ phàng với dòng sông, chính dòng sông đã cưu mang con người từ thời sơ khai đến tận ngày nay và mãi mãi sau này. Hãy cùng trăn trở và hành động để trả lại những gì vốn có của nó, con người dù có cố cưỡng thì cùng cũng không thể cưỡng được lâu, vì sông nước vốn tồn tại và chung sống hài hòa với thiên nhiên và con người.


Biến đổi khí hậu ngày càng rõ, càng là nỗi lo của nhân loại, mưa- nắng- lụt- bão thất thường, trái đất càng nóng dần lên, con người thì luôn muốn trường tồn, rất sợ bị tiêu diệt. Vì thế, không có cách nào khác, chỉ có thể chúng ta tự điều chỉnh lối hành xử của mình đối với thiên nhiên, với sông nước một cách công bằng, đừng bắt dòng sông phải hy sinh đến bất kỳ cho sự ham muốn trước mắt của con người, còn hậu quả thì không thể lường được đến mức nào và đến bao giờ! Sông với người là hai thực thể cùng tồn tại, nên đừng vô cảm với dòng sông.


Dòng sông đón nhận những giọt nước từ trăm ngàn khe suối, rồi chảy ra biển cả, sông là mạch sống của lòng đất, dòng sông mãi cứ lặng trôi, mãi luân chuyển quanh quẩn làng mạc ruộng đồng, sống nối đất với trời, sông thả lòng đón nhận những chiếc lá thẩn thờ rơi trôi, sông rửa vết thương đau, sông làm tan vị đất để rồi thành hạt phù sa bồi đắp mỡ màu cho đồng ruộng…và lặng im thở dài sau cơn đau vì sông bị ô nhiễm. Sông làm sao biết tự cứu mình trước khi sông chết, nhưng mà sông biết giáp mặt với những nỗi đau do thiên tai bão lụt và do chính con người gây ra. Dòng sông luôn hiền hòa khi mưa thuận gió hòa, khi lòng người cùng hòa hợp với dòng sông, nhưng dòng sông cũng rất hung dữ khi phong ba bão táp, khi trời không thuận đất không hòa, con người hờ hững với dòng sông, mặc kệ dòng sông sống- chết.


Khi tôi đang viết những dòng này thì bất chợt nghe giọng hát ngọt ngào của NSND Thu Hiền với ca khúc Bên bờ sông Côn của nhạc sĩ Vĩnh An từ quán cà phê gần nhà vọng sang. Vĩnh An người con làng An Vinh xứ võ, thuở thiếu thời ông từng gắn bó với dòng sông này, sau hơn 20 năm tập kết ra Bắc, khi đất nước thống nhất nhạc sĩ về lại thăm quê thời còn tỉnh Nghĩa Bình, ông đã viết nhạc phẩm này như một lời tâm sự với dòng sông. Nhạc sĩ Vĩnh An đã đi xa khá lâu, mà những lời tâm sự với dòng sông, tâm sự với bao nhiêu con người sống hai bên dòng sông Côn, nghe sao mà da diết, chạnh lòng như những lời nhắn gởi.


Gần đây, cả trên diễn đàn Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành chức năng cùng toàn xã hội lo lắng, nói nhiều và đã có nhiều giải pháp quyết liệt vể bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm…Mong rằng không những chỉ là dòng nước sông Côn mà tất thảy các các dòng sông được sông trở lại với những dòng nước sạch, tôm cá được sinh sôi nảy nở và bơi lội thỏa thích, con người có nguồn thủy hải sản nước ngọt sạch để thưởng thức, môi trường sống từ sông nước sẽ được cải thiện tốt hơn. Và, suy cho cùng là cũng vì mục đích không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người và cho vạn vật cả trước mắt và cho muôn đời sau.



Tháng Ba- 2016{jcomments on}

0 thoughts on “Tâm sự với dòng sông

  1. Kiều Thanh

    Những dòng sông rồi sẽ không còn, một người không lăn theo bánh xe thời cuộc mà đứng lại hoài cổ, một tiếng kêu than bảo vệ môi trường trước những hành động vô thức của đám đông sao không ai hưởng ứng có lẽ mọi người còn say giấc điệp .

    Reply
  2. duy pham

    Không biết từ thuở nào những câu thơ của Tế Hanh miên mãi trú ngụ trong kí ức tôi
    Quê hương tôi có con sông xanh biếc
    Nước gương trong soi tóc những hàng tre…(TH)

    Những con sông lớn nhỏ trên khắp mọi miền đất nước gắn liền với tuổi thơ trong mỗi con người, dù mai này lớn lên bay cao bay xa với ước mơ cháy bỏng của mình thì con sông quê hương không bao giờ phai nhạt trong kí ức cùng bao hoài niệm về
    tuổi thơ yêu dấu…

    Và thật sự bây giờ về lại thăm quê thì đúng như những gì anh Trần Duy Đức đã viết…Có khi đang mùa đông mà có những con sông khô cạn lòng sông trơ lại một dãi cát dài, đâu đó còn sót lại một vài vũng nước ở chỗ trũng sâu, lòng chảo hiếm hoi như ốc đảo…
    Còn đâu là dòng nước trong biêng biếc, đôi bờ là những lũy tre xanh rì nghiêng mình soi bóng nước thuở nào.
    Không lẽ hình ảnh con sông quê hương của Tế Hanh chỉ còn là hoài niệm.
    Sự tàn phá môi trường đã khai tử những con sông ngày càng nhiều. ta vẫn thường thấy cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin. Trăm sông đổ về biển, liệu những dòng sông đen đổ ra biển như thế thì biển còn biêng biếc tự ngàn năm nữa hay không.
    BàI viết TÂM SỰ VỚI DÒNG SÔNG của TDĐ thật sự đã gióng lên tiếng chuông cho những thờ ơ thiết nghĩ không chỉ riêng ai…!

    Reply
  3. Quốc Tuyên.

    Mong bài viết TÂM SỰ VỚI DÒNG SÔNG của anh Trần Duy Đức sẽ góp phần không nhỏ để các dòng sông nước xanh êm ả, thuyền bè tung chài bắt cá như xưa.

    Reply
  4. lamcamai.

    “Gần đây, cả trên diễn đàn Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành chức năng cùng toàn xã hội lo lắng, nói nhiều và đã có nhiều giải pháp quyết liệt vể bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm…Mong rằng không những chỉ là dòng nước sông Côn mà tất thảy các các dòng sông được sông trở lại với những dòng nước sạch, tôm cá được sinh sôi nảy nở và bơi lội thỏa thích, con người có nguồn thủy hải sản nước ngọt sạch để thưởng thức, môi trường sống từ sông nước sẽ được cải thiện tốt hơn. Và, suy cho cùng là cũng vì mục đích không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người và cho vạn vật cả trước mắt và cho muôn đời sau.”(TDĐ)

    Một bài viết rất hay, một lời cảnh tĩnh như hồi chuông báo động cho môi trường sống của con người.Hãy khóc cùng giòng sông. cùng biển cả những giọt nước mắt khô cạn hay hóa đá?!
    Cám ơn tác giả.

    Reply
  5. MỘNG CẦM

    Bài viết cảnh tỉnh môi trường xanh sạch đẹp bài viết rất hay

    Reply
  6. Trần Duy Đức

    Cảm ơn các bạn: Kiều Thanh, Duy Phạm, Quốc Tuyên, lamcamai, Mộng Cầm đã cảm nhận và động viên DĐ. Xin chúc các bạn có nhiều niềm vui

    Reply
  7. Thu Thủy

    Tôi sinh ra và lớn lên ở cái xóm sát bờ sông Bắc phái, thời trước bờ sông ít sạt lở, dòng sông trong xanh, nước sâu quanh năm cá lội, trẻ con lớn lên biết chăn bò hoặc học cấp 1 là đã biết bơi lặn, hơn nửa xóm chuyên sống bằng nghề chài lưới, nên gọi là xóm lưới. Tôi ghé thăm cụ Trương Long, dân làng gọi là Long Cá, bởi ông và cả mấy đời trong gia đình đều sống bằng nghề chài lưới. Nhà lão ngư ở bên ngã ba Bàu Sấu, thời đó nước sâu lút cây sào mới tới cát, nơi trú ngụ vô số các loài cá, nhất là mùa cá lúi lên sau tiết Đông Chí, từng đàn cá con nhiều như tấm chiếu trải ngược nước trở về nguồn, để trở thành cá mẹ, đến năm sau bụng mang đầy trứng theo nước lũ về xuôi sinh sản, loài cá cũng có quy luật sinh tồn của chúng. Trời lạnh như cắt da mà hàng trăm ngư dân bơi sõng đổ dồn về đây tung chài bắt cá kín cả bến sông, nguồn cá lúi tỏa đi khắp các chợ quê và phố thị, vậy mà ngày nay bến sông cạn đến mức mùa mưa vẫn xắn quần lội bộ, còn đâu cảnh trên bến dưới chài.

    Làng Hòa Phong gắn với một kỷ niệm không thể quên. Ngày còn nhỏ, theo mẹ về quê, mùa nước cạn, lội qua sông sau một chặng đường cuốc bộ dài 6 cây số, hai chân sưng vù và đau nhức, buổi tối mẹ phải ngâm đôi chân vào nước nóng cho bớt…Lần về may mắn được ngồi trên chiếc xe ngựa nên quang cảnh hai bên đường sáng sủa và tươi đẹp hẳn lên.
    …Mãi sau này nhiều lần về thăm dì, đều đi qua sông và qua cây cầu gỗ đẫ bị hư và mục nhiều chỗ, thời bao cấp thì đi xe đạp, rồi xe gắn máy, nhưng lần nào cũng nhớ về kỷ niệm bùi ngùi ấy. Con sông giờ đã thu hẹp lai, những cồn cát giữa dòng nổi lên ngày một nhiều, những đàn vịt, chuồng vịt thi nhau mọc trên sông, lác đác vài chiếc thuyền nan bé xíu, như nhắc đến một thời “oanh liệt” của dòng sông…
    Bây giờ mẹ và dì đều về miền miên viễn, hiếm hoi lắm mới đi ngang qua sông, cây cầu được thay bằng tre, nhưng cũng không kém phần cũ kỹ, phải nhờ người chạy xe qua cây cầu, đi bộ qua càu vẫn cảm thấy sức nặng của mình làm cầu tre oằn xuống, đong đưa theo từng bước chân…Dòng sông và cây cầu băt qua nó….một thời…

    Reply
  8. Thu Thủy

    Cám ơn anh Trần Duy Đức đã viết về ngôi làng Hòa Phong, kỷ niệm một thời tuổi nhỏ.

    Reply

Leave a Reply to Thu Thủy Cancel reply

Your email address will not be published.