Bánh Tét Núi

 

Trong màn đêm lành lạnh ướt sương của miền sơn cước, tuổi thơ tôi trùm mền nằm co ro trên nền đất bên cạnh nồi bánh tét đang sôi lục ục. Không có gì thích thú cho bằng nấu bánh tét ở ngoài trời từ lúc chạng vạng tối cho đến rạng sáng ngày hôm sau. Những ngày cuối năm trên cao nguyên đêm xuống rất nhanh. Đêm càng sâu không gian càng tịch mịch, gió hiu hiu càng thêm gai lạnh. Trong ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét sau hè và sự yên tĩnh của trời đất làm cho tâm hồn trong veo của tôi có cảm tưởng như con phố đang gối đầu lên thế giới bình an vô sự.

Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm sắp Tết, nội và má tôi vẫn thường gói bánh tét cúng Phật đầu năm, cầu cho thế giới hòa bình, cho muôn loài yên ổn, cho gia đạo bằng an, cho con cái nên người…

Ngoài bánh tét, đôi tay khéo léo của hai bà còn ra công ngào mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me nguyên trái (chua chua ngòn ngọt), mứt gừng nguyên củ (cay hít hà)… để tăng thêm vẻ đẹp văn hóa và làm giàu thêm ẩm thực dân gian cạnh mâm ngũ quả trong ba ngày Tết cổ truyền. Nhớ hồi nhỏ tôi rất thích ăn bánh tét nội chiên với dưa món củ kiệu má làm. Ăn ngon miệng nên tôi nhõng nhẽo đòi hoài.

Rồi năm tháng trôi đi như nước chảy qua cầu. Sáu mươi năm sau, ở cái tuổi 70 về chiều, trời xui đất khiến tôi lại dính vào cái công việc bếp núc lọ lem, lui cui giúp nội tướng tôi nấu bánh tét y hệt như cái thuở ấu thời. Chỉ khác một điều là ngày xưa nấu bánh bằng một tâm hồn trong veo, nay thì đầu óc có quá nhiều tạp niệm nên mỗi lần đụng phải vấn đề gì đơn giản hay phức tạp tôi đều băn khoăn, như đụng phải bánh tét chẳng hạn, tôi cứ nhởn nhơ trước một câu hỏi riết rồi kẹt luôn giữa hai động từ “tét” và “cắt”.

Làm sao để “tét”hay “cắt” một đòn bánh tét?

Dùng dao thì chỉ “cắt” ngang đòn bánh thành từng khoanh chớ không thể “tét” theo chiều dọc từ trên xuống.

Dùng dây lạc cột bánh hoặc sợi chỉ quấn quanh đòn bánh để cắt hay tét thành từng lát nên gọi là “bánh tét”

Có điều dù “tét” hay “cắt” thì cái tên “bánh tét” cũng đã thành tên từ cái thời xửa thời xưa. Cái tên dân dã như bánh ít, bánh ú nghe sao mà hiền lành, mộc mạc, dễ thương. Nó gần gũi, thân quen như cái tên thằng cu, thằng tí, thằng tèo. Tuổi thơ tôi lớn lên theo đòn bánh tét đơn sơ, nẫu nẹt, quê mùa.

Tôi cuộn tuổi thơ tôi trên đòn bánh tét

Để nghe nó reo ngoài ngõ xuân về

Nó gánh xuân đi cong đòn kẽo kẹt

Lặc lè lặc lẹo làm trẹo cả hồn quê.

{jcomments on}

 

0 thoughts on “Bánh Tét Núi

  1. The Van

    Ừ,dù thế nào thì cũng là bánh TÉT,cái tên gắng liền với bao đời .Mỗi độ xuân về,Bánh Tét khắp mọi nhà,đến thăm nhà ai là….. CÓ DĨA LÁT BÁNH TÉT.Hết sức thân thương,đậm đà tình quê hương.

    Reply
  2. Kiều Thanh

    Bánh tét , bánh chưng dưa món củ kiệu những món ngon quê hương luôn xuất hiện trong mỗi gia đình mỗi độ xuân về, bốn câu thơ cuối bài đạt lắm.

    Reply
  3. Tran Kim Loan

    Tôi cuộn tuổi thơ tôi trên đòn bánh tét
    Để nghe nó reo ngoài ngõ xuân về PNT
    Rất hay với 4 cây thơ thật ý nghĩa sâu sắc!
    Một chút tản mạn về bánh tét của anh PNt thật thú vị! Đúng là bánh tét vì ta chỉ tet bàng sọi dây lạt cột bánh, hay sợi chỉ để tét từng khoanh bánh, chứ khiong thể cắt bằng dao sẽ bị dính dao không gon gàng láng lẫy được…
    Cám ơn anh& chúc anh & gia đình năm mới an khang thịnh vượng !

    Reply
  4. Quốc Tuyên.

    Cảm ơn anh cho đọc bài tản mạn về bánh Tét rất hay, bữa ni trên mạng hay bày cách cắt bánh Tét không dính dao, vậy rồi vài năm nữa sợ bánh Tét có bị đổi tên hông anh Phan Ni Tấn hè! 😆

    Reply
    1. lao ngoan

      Bánh tét có từ cái thời xửa thời xưa khởi đâu từ người Chàm tới nay
      Đã mấy ngàn năm rồi. Rồi nó “lăn” vô bếp người Việt mình dùng dây lạc hoặc sợi chỉ để tét bánh mà thành tên bánh tét. Hihi.
      Cái thời vua Quang Trung dẹp giặc nhà Thanh thì bánh tét trở thành quân lương rất thuận tiện cho quân sĩ mang theo ra chiến trường.
      Hoan hô bánh tét hén.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.