THƠ DỊCH “FABLE DE LA FONTAINE” VÀ EBOOK “KIM-VAN-KIEU”

Cụ Đàm Duy Tạo ( 1986- 1988)

Mời xem:

KIM VÂN KIỀU

Thưa Quý Vị:

Chắc Quý Vị cũng đã vào đọc Blog “Truyện Kiều” do cụ Đàm Duy Tạo, thân phụ của anh em chúng tôi, giảo đinh và tường giải.

http://kimvankieu.wordpress.com/

Đây là một công trình mà Cụ đã theo đuổi trong rất nhiều năm hồi còn ở Saigon trước năm 1975.
Trong thời gian còn ở Việt Nam, ngòai việc dịch sánh cho Ban Tu Thư tại Saigon, Cụ còn bỏ thì giờ để dịch một số Thơ ngụ ngôn của tác giả De La Fontaine từ tiếng Pháp sang tiếng Việt trong những lúc rảnh rỗi và để tránh cảnh nhớ nhung các con cháu sống xa Cụ trong lúc tuổi già.

Sua khi Cụ đã di tản sang Mỹ, rồi Canada vào năm 1975 ở tuổi 80, Cụ đã rất đau buồn nhớ thương các con, các cháu còn bị kẹt ở lại Việt Nam. May mắn thay: tôi đã kiếm được cuốn “Kim-Vân-Kiều” do Cụ Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ tường giải và biếu lại Cụ cuốn sách này (Cụ đã gửi sang Úc cho tôi vào năm 1965). Cụ đã mải mê ngày đêm đọc lại cuốn Truyện Kiều này và tự tay giảo đính lại những chỗ sai lầm. Nhờ vậy mà Cụ không còn nhiều thì giờ để mà nhớ thương con cháu, đợi chờ tôi những lúc tôi còn phải đi làm ban ngày và tránh được bệnh Lãng trí. Sau đó, chúng tôi còn mua tặng Cụ cuốn “Fables, De La Fontaine” của nhà xuất bản Classiques Garnier để Cụ có thì giờ đọc thêm tiếng Pháp. Nhờ vậy mà Cụ đã giảo đính và tường giải xong cuốn Kiều và dịch được khỏang 50 bài thơ của La Fontaine theo dạng Lục-Bát với phần giải nghĩa rất công phu khi Cụ đã 87 tuổi.

Tôi may mắn được Cụ trao cho tập hồ sơ về Truyện Kiều và cả một “binder” với 50 bài thơ dịch do chính tay Cụ đã chép lại và cuốn sách “Fables De La Fontaine” của nhà xuất bản Classiques Garnier mà chúng tôi đã biếu Cụ vào năm 1977.

Hơn 20 năm sau khi Cụ đã qua đời (1988), may mắn nhờ có “Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa”, chúng tôi mới có thể đưa lên Internet được cuốn “Kim-Vân-Kiều” (tuy phần đánh máy không được đẹp đẽ như ý muốn nhưng đây là bản gốc do chính Cụ chua chữ Nho và chữ Nôm). Năm nay, 2013, để kỷ niệm 25 năm sau khi Cụ qua đời, chúng tôi mới kiếm ra người đánh máy chữ cả phần Pháp Văn và Việt Văn (tôi chỉ đánh máy được bằng 2 ngón tay và ngồi lâu trên bàn đánh máy và PC, cái lưng già nó làm reo). Chúng tôi sẽ dần dần đưa lên mạng những bài thơ dịch này, mỗi khi đã đánh máy và “edit/proof read” xong những bài khác.

Xin ra mắt Quý Vị bài đầu tiên:
Back-Yard Birds, White Rock, NM
BÀI 1.

LE CORBEAU ET LE RENARD

Maître Corbeau, sur un arbre perché,
Tenait en son bec un fromage.
Maître Renard, par l’odeur alléché,
Lui tint à peu près ce langage:
Que vous êtes joli! que vous me semblez beau!
Sans mentir, si votre ramage
Se rapporte à votre plumage,
Vous êtes le Phénix des hôtes de ces bois.”
A ces mots le Corbeau ne se sent pas de joie;
Et pour montrer sa belle voix,
Il ouvre un large bec, laisse tomber sa proie.
Le Renard s’en saisit, et dit: “Mon bon Monsieur,
Apprenez que tout flatteur
Vit aux dépens de celui qui l’écoute:
Cette leçon vaut bien un fromage, sans doute.”
Le Corbeau, honteux et confus,
Jura, mais un peu tard, qu’on ne l’y prendrait plus.

BÀI 1
FOX-XXY-6
CON QUẠ VÀ CON CÁO

Anh Trạng Quạ càm phong bánh sữa. (1)
Đậu trên cây sắp sửa rỉa ăn. (2)
Đánh hơi Trạng Cáo lại gần, (3)
Trông lên đưa mấy lời thân tỏ lòng:
“Kính chào chúc Ô-Công vạn tuế (4)
Trông Ngài sao đẹp thế xinh vầy! (5)
Giọng ca Ngài nếu cũng hay,
Sánh cùng bộ mã đẹp này đáng đôi.
Thì rõ thật đáng ngôi Phượng-Đế, (6)
Dân rừng này xiết kể vinh lây!” (7)
Quạ nghe vui hứng tràn đầy,
Quên mồi, há mỏ trình bày giọng tiên. (8)
Vồ được bánh, Cáo đền ơn bảo:
“Thưa Hiền ông, nên hiểu trò đời: (9)
Những quân phỉnh nịnh bốc giời (10)
Sống trên lưng kẻ ưa lời tán khen
Quà ông tặng đáng tiền quí thật (11)
Lời tôi dâng cũng rất đáng đồng!” (12)
Quạ nghe hối tiếc thẹn thùng,
Thề không dại nữa, nhưng không kịp rồi.

GIẢI NGHĨA

(1) Càm là cằm ở giữa hai mỏ trên mở dưới

(2) Rỉa là lấy mỏ mổ từng tí bánh lên mà ăn

(3) Đánh hơi là tìm mồi bằng hơi hít vào mũi – Trạng: Người đỗ cao nhất khoa Tiến sĩ gọi là Trạng Nguyên, nên ta hay dùng tiếng “Trạng” để gọi nhưng người giỏi nhất hạng về một nghề gì, thí dụ như Trạng Cờ,Trạng thơ, Trạng ăn… Rồi người ta cũng dùng tiếng “Trạng” để gọi một cách chế diễu những kẻ tài giỏi nhưng có mánh khóe không chính đáng, thí dụ như nói Trạng, nói khoác, Trạng lừa đảo. Đây dùng tiếng “Trạng” để dịch chữ “Maitre” ở nguyên văn con quạ thì là Trạng ngốc, Con Cáo thì là Trạng láu.

(4) Ô-Công: là chim Quạ, Công là vị Công Tước. Ô-Công là ông Công Tước Quạ – Dùng chữ Ô-Công này để dịch chữ “Monsieur Du Corbeau”. Người nước Pháp bây giờ vẫn còn dùng chữ De, chữ Du đặt ở trên chữ tên mình để tỏ ra mình là con cháu một vị Quý Phái trước. Đây con Cáo nó tâng bốc con Quạ là là một vị Quý Phái.

(5) Đây dùng chữ “Đẹp” và chữ “Xinh” để dịch chữ “Beau” và chữ “Joie”.

(6) Phượng Đế là ông vua các loài chim, vì Phượng Hoàng theo văn chương ta ngày xưa là loai chim thiêng liêng, lông đẹp hót hay nhất.

(7) Dân rừng đây là nói tất cả các loài chim muông ở trong rừng.

(8) Giọng tiên là giọng hót hay như tiên hát.

(9) Hiền ông là ông bạn tử tế bậc trên. Đây con Cáo nó đã hạ địa vị con Quạ xuống là bạn.

(10) Bốc giời là phỉnh phờ tâng bốc người khác cao lên tận giời để lừa mà cầu lợi vào mình.

(11) Tặng là người trên cho người dưới một món quà một cách lễ phép.

(12) Đáng đồng là đáng giá đồng tiền với quà người ta cho mình.

Dịch giả:

Đàm Duy Tạo (1895-1988)


{jcomments on}

0 thoughts on “THƠ DỊCH “FABLE DE LA FONTAINE” VÀ EBOOK “KIM-VAN-KIEU”

  1. Quốc Tuyên.

    Thật ngưỡng mộ công trình của Cụ Đàm Duy Tạo về giảo đính và tường giải truyện Kiều, bài thơ chuyển ngữ CON QUẠ VÀ CON CÁO thật ý nghĩa.

    Reply
  2. nguyentiet

    Cám ơn thầy Đàm Trung Phán đã cho đọc bài thơ chuyển ngữ CON QUẠ VÀ CON CÁO của dịch giả Đàm Duy Tạo có giải nghĩa cả những từ khó rất hay và rất ý nghĩa.

    Reply
  3. Võ Như Vũ

    Cảm ơn thầy Đàm Trung Phán cho đọc những bài thơ ngụ ngôn quí giá với lời chú thích tỉ mỉ!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.