La Besace – Bị Vắt Vai

Hình ảnh : Thu Thủy

*Qua sự giới thiệu của bạn Hồ Sĩ Đình, Hương Xưa hân hạnh được phổ biến bài thơ dịch của Cụ Đàm Duy Tạo- Thân Phụ GS Đàm Trung Phán hiện ở Canada. Nhân mùa nhà giáo Việt Nam , BBT Hương Xưa kính gởi Thầy những bông hoa tươi thắm xinh đẹp nhất . Kính chúc  gia đình Thầy Cô vạn sự lành. HX

 

La Besace: Thơ Ngụ Ngôn La Fontaine

Bị Vắt Vai: Dịch giả: Cụ Đàm Duy Tạo ( 1896-1988)

La Fontaine [ 1621- 1695] 

Jean de La Fontaine sinh ra tại Château-Thierry trong một gia đình người quản lý rừng. Mẹ mất sớm, ông thừa hưởng sự giáo dục đầy tự do và sâu rộng của bố. Từ bé ông đã sống giữa thiên nhiên, yêu cảnh rừng núi và thú rừng hoang dã. Học xong ở Paris, ông trở về quê hương nối nghiệp cha quản lý khu rừng địa phương, sống với những người dân lao động nghèo khổ.

Chính cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, gần gũi với người dân thường đã khiến cho thơ văn của ông giàu tính dân gian, giàu chất thơ của cuộc sống và sự thực tinh tế, sinh động. Khi ông miêu tả thiên nhiên hay viết về các loài thú, loài cây, về con cáo, chùm nho, con cừu, cây bắp cải cũng như thể hiện lòng nhân ái bao la của ông đói với người nghèo. Ông có kiến thức uyên bác về cả thiên nhiên và xã hội, giao thiệp rộng rãi với giới tri thức tự do, sống phóng túng, không thích gần gũi cung đình như nhiều nhà văn Cổ điển khác.

La Fontaine sáng tác nhiều tác phẩm với những thể loại khác nhau: Truyện, thơ (1665), tiểu thuyết (Xise, 1664-1674), kịch, nhưng ông nổi tiếng thế giới với tập Ngụ ngôn (1666-1694) gồm 12 quyển. Ông bước vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1683.

Văn phong của La Fontaine giàu chất thơ, dí dỏm và hàm súc đa nghĩa. Truyện của ông gồm trên 60 truyện in thành tập, nổi bật với tài kể chuyện. Thơ ngụ ngôn của nhà thơ tiêu biểu cho bút pháp nhẹ nhàng linh hoạt, uyên bác, hài hước, dí dỏm và cũng mơ mộng, phóng túng. Thơ của ông mang tính chất dân tộc sâu sắc, là biểu tượng của nền văn hóa Pháp

La Fontaine có nhiều bài thơ nổi tiếng: Ve và Kiến, Quạ và cáo, Chó sói và cừu non, Thần chết và lão tiều phu, Con cáo và chùm nho, Gà trống và cáo, Ông già và các con, Gà mái đẻ trứng vàng, Thỏ và rùa, Chó thả mồi bắt bóng, Đám ma sư tử, Hội đồng chuột,… Chúng đã trở thành điển hình cho các tính cách và các tình huống của cuộc sống.[ Nguồn Wikipedia-Tiếng Việt ]

La Besace

Jupiter dit un jour : “Que tout ce qui respire

S’en vienne comparaître aux pieds de ma grandeur :

Si dans son composé quelqu’un trouve à redire,

Il peut le déclarer sans peur ;

Je mettrai remède à la chose.

Venez, Singe ; parlez le premier, et pour cause.

Voyez ces animaux, faites comparaison

De leurs beautés avec les vôtres.

Etes-vous satisfait? – Moi ? dit-il, pourquoi non ?

N’ai-je pas quatre pieds aussi bien que les autres ?

Mon portrait jusqu’ici ne m’a rien reproché ;

Mais pour mon frère l’Ours, on ne l’a qu’ébauché

Jamais, s’il me veut croire, il ne se fera peindre. ”

L’Ours venant là-dessus, on crut qu’il s’allait plaindre.

Tant s’en faut : de sa forme il se loua très fort

Glosa sur l’Eléphant, dit qu’on pourrait encor

Ajouter à sa queue, ôter à ses oreilles ;

Que c’était une masse informe et sans beauté.

L’Eléphant étant écouté,

Tout sage qu’il était, dit des choses pareilles.

Il jugea qu’à son appétit

Dame Baleine était trop grosse.

Dame Fourmi trouva le Ciron trop petit,

Se croyant, pour elle, un colosse.

Jupin les renvoya s’étant censurés tous,

Du reste, contents d’eux ; mais parmi les plus fous

Notre espèce excella ; car tout ce que nous sommes,

Lynx envers nos pareils, et Taupes envers nous,

Nous nous pardonnons tout, et rien aux autres hommes :

On se voit d’un autre oeil qu’on ne voit son prochain.

Le Fabricateur souverain

Nous créa Besaciers tous de même manière,

Tant ceux du temps passé que du temps d’aujourd’hui :

Il fit pour nos défauts la poche de derrière,

Et celle de devant pour les défauts d’autrui

BỊ VẮT VAI

Một hôm đức Thiên Lôi hiệu triệu                               (1)
Các chúng sinh tề tựu thiên đình.                               (2)
Phán cho ai nấy xét mình,                                          (3)
Phần nào trái mắt, thực trình chớ lo.                          (4)
Để Ngài liệu sửa cho vừa ý.
Rồi Ngài kêu ngay khỉ lại gần
Phán cho: Có lẽ gì cần,
Thì cho được phép phân trần trước tiên.                   (5)
Ngắm mình với bạn bên đây đó
So sánh coi mình có đẹp không?
Tâu rằng: Thần rất hài lòng
Bốn chân đâu kém, lại trông nuột nà.                         (6)
Hình giáng đẹp thật là tuyệt đối                                  (7)
Không còn chê, còn nói vào đâu
Lại còn mày mặt thanh tao                                         (8)
Xưa nay thần vẫn tự hào vô-song.                             (9)
Chỉ  bạn Gấu tiến lên trước bệ.
Như thợ Giời mới đục phác ra                                   (10)
Ví ai muốn vẽ anh ta,
Chắc anh chẳng để hoa-gia ngắm nhìn.                    (11)
Liền thấy Gấu tiến lên trước bệ.                                 (12)
Ai cũng ngờ lên để kêu than.
Nhưng không! Chàng rất hân hoan
Khoe mình thật quá hoàn toàn dễ coi.
Rồi chỉ trích hình voi quái lạ.
Nên xén tai mà vá vào đuôi.                                       (13)
Mình đà to mập khó coi
Lù-lù một đống lại ôi hình gì?
Voi nghe thấy Gấu chê mình mãi
Bỗng mất khôn, cũng lại như ai                                  (14)
Cũng khoe mình đẹp hết lời
Rồi chê vẻ xấu Cá-Voi mập xù.
Kiến tự phụ khổng lồ to tát                                          (15)
Nỏ mồm chê bọ Mạt nhỏ nhoi.

Thấy trò Lươn chạch, Bơn Trai,                                (16)
Quên mình chân bẩn, đuốc soi chân người,
Lôi-Chúa ngán cho lui về hết
Mặc lũ điên bới vết lẫn nhau.                                     (17)
Dù sao cũng được một chiều
Thẩy đều vui phận chẳng kêu phiền Ngài.

Bọn điên nhất, thì Người ưu đẳng
Vì ta đây, ai chẳng đã từng:
Xét người bằng mắt mèo rừng
Xét ta bằng mắt như bưng chuột chù                                    (18)
Lỗi mình thấy nhỏ to tha hết
Lỗi người thì khắc nghiệt phanh phui                          (19)
Nỡ tâm chi mấy thợ Giời
Âm thầm một kiểu trêu người xưa nay
Bắt người thấy hóa tay thợ bị                                    (20)
Làm bị đôi kiểu để vắt vai
Lỗi người bị trước phơi-phơi
Bị sau khuất khoắn thì vùi lỗi ta.

Giải nghĩa

1a. Bị là cái túi miệng rộng để hở và có một hay hai quai để xách đồ đạc
cần dùng khi đi dường. Bị vắt vai thì có quai chung nhau một miếng vải
để khi đi đường thì vắt lên vai, một túi ở trước ngực, một túi ở sau lưng.

1b. Hiệu triệu là ra lệnh cho mọi người ở dưới quyền mình tập trung lại một
nơi để nghe tuyên bố một điều gì.

2.Tề tựu: Tề là đều một lượt, tựu là tới. Tề tựu là đều đến cùng với nhau tại
một nơi trong cùng một thời gian.

3.Phán là một lực cao cấp như Vua, Chúa nói với mọi người

4.Thực tình là bụng nghĩ sao thì nói thật ra như vậy

5.Phân trần là trình bày rõ ràng mọi lẽ.

6.Nuột nà là xinh xắn, đẹp lắm

7.Tuyệt đối là đẹp hay đến tột bực không ai sánh kịp.

8.Thanh tao là đủ vẻ thanh nhã, lịch sự lắm

9. Tự hào là tự cho mình là đẹp đẽ  tài giỏi lắm

10. Phác là đục hay mới nặn thành hình bức tượng tạm vậy, chưa sửa sang cho rõ thật hẳn là hình con gì, mặt mũi ra sao.

11. Họa gia là thợ vẽ

12. Bệ đây là thềm dinh vua, chỗ quân dân sắp hàng trước mặt vua.
Dân gọi vua là Bệ-hạ. Ông Vua bị truất mất ngôi vua, thì nói là
bị hạ bệ, nghĩa là đương làm vua bị lôi xuống làm dân.

13. Xén tai là xén bớt vành tai cho nhỏ bớt đi

14. Con voi nguyên là giống rất khôn, lúc bấy giờ cũng “giận mất khôn”
(xem nguyên văn chữ Pháp câu này)

15. Tự phụ là tự cậy sức mình, cũng gần nghĩa như tự hào

16. Tục ngữ ta có câu:”Lươn ngắn mà chê chạch dài.
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm” để chê những kẻ mình đã xấu
quá sức mà không biết, lại cứ bới mãi cái xấu của người khác ra mà nói.
Con cá thờn bơn mình giống như con cá chép xẻ dọc từ lưng xuống bụng,
đầu có một mắt và nửa miệng, nên miệng thờn bơn rất méo.

17. Ta có câu ”Bới lông tìm vết” để nói những kẻ hay bới móc
những điều xấu của người ta ra mà nói.

18. Con chuột chù (Taupe) mắt rất nhỏ, ngày không trông thấy gì vì bị bưng bịt lại.

19. Phanh phui là bới tung ra mà phơi cho ai cũng biết

20. Thợ bị là thợ làm bị.

 

{jcomments on}

0 thoughts on “La Besace – Bị Vắt Vai

  1. Quốc Tuyên.

    Bài thơ chuyển ngữ rất hay, xin cám ơn thầy Đàm Trung Phán rất nhiều. Kính chúc thầy khỏe mạnh, an lành, hạnh phúc.

    Reply
  2. Võ Như Vũ

    Thơ dịch của cụ Đàm Duy Tạo rất hay và tỉ mỉ .
    Cảm ơn thầy Phán, Cảm ơn Hương Xưa!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.