Nhớ Thu Xưa

Thu rơi một tiếng nghiêng chiều
Lung linh mặt nước, liêu xiêu cánh chuồn
Xa cành lá cũng buồn thương
Thương cây, nhớ cội, vấn vương nỗi niềm

Nhớ giọt nắng, luyến sương huyền
Yêu mùa lúa chín, ruộng thiêng quê nhà
Võng đưa nhớ tiếng mẹ già
Mắt nhòa gom lá chiều tà thổi cơm

Chuông chùa ngân vọng đầu thôn
Mưa râm gió thoảng rưng rưng cuối tròi
Mỏng manh trong chiếc áo tơi
Lưng khòm mẹ gánh dưới trời thu mưa

Tôi về nhặt lá vườn xưa
Đợi vầng trăng khuất cuối mùa đang trôi
Nhớ thương thương nhớ ngợp trời
Mùa thu thuở ấy theo tôi suốt đời.{jcomments on}

0 thoughts on “Nhớ Thu Xưa

  1. nguyenhoanglamni

    Chào anh Trần Duy Đức, bài thơ Nhớ Thu Xưa đọc lên thấy ngậm ngùi, trăn trở mang đầy nỗi niềm, nỗi niềm này không thể nói cùng ai, chỉ có thể phổ vào thơ:
    “Thu rơi một tiếng nghiêng chiều
    Lung linh mặt nước, liêu xiêu cánh chuồn
    Xa cành lá cũng buồn thương
    Thương cây, nhớ cội, vấn vương nỗi niềm “TDĐ.
    Tâm hồn anh mênh mông lắm, nên nỗi niềm cũng thật mênh mông, đọc thơ anh tôi cảm thấy như anh vừa đánh mất một cái gì quí giá nhất.Thu Xưa tuy nghèo khó nhưng rất đẹp đầy tráng chí, nhiệt huyết nhờ lý tưởng nuôi dưỡng, nên con người vượt lên số phận và chiến thắng số phận, cuộc đời đẹp biết bao nhiêu?
    Giờ thì:
    “Tôi về nhặt lá vườn xưa
    Đợi vầng trăng khuất cuối mùa đang trôi
    Nhớ thương thương nhớ ngợp trời
    Mùa thu thuở ấy theo tôi suốt đời.”TDĐ

    Tôi rất yêu câu thơ:”Tôi về nhặt lá vườn xưa” của anh, nó chuyên chở được những điều mà anh không hề viết ra trong bài thơ. Một câu thơ rất hay, nó ở lại trong lòng người đọc.
    Cảm ơn anh cho đọc bài thơ hay, đầy nỗi niềm.
    Chúc anh khỏe.

    Reply
    1. Trần Duy Đức

      nguyenhoanglamni ơi!
      Cảm ơn bạn đã mở hàng những lời cmt đối với bài thơ NHỚ THU XƯA của mình! Bạn đã thấu cảm nỗi niềm của mình và còn ưu ái khích lệ.
      Chúc nguyenhoanglamni an vui!

      Reply
  2. Quốc Tuyên.

    Xin chào anh Trần Duy Đức đã đến HX với bài thơ NHỚ THU XA, lời thơ nhè nhẹ mênh mang buồn, đầy nỗi niềm, rất hay! Mong đọc những bài thơ hay của anh trên trang nhà.

    Reply
    1. Trần Duy Đức

      Chào Quốc Tuyên,
      Tôi đã có dịp gặp gỡ các bạn Hương Xưa, nay được cô Quốc Tuyên , Chủ bút trang nhà quan tâm để tôi có cơ hội giao lưu với bạn hữu Hương Xưa qua bài thơ NHỚ THU XƯA.
      Những lời bình súc tích ưu ái của cô khiến tôi cảm động lắm.
      Chúc cô chủ bút HX luôn trẻ đẹp, vui khỏe!

      Reply
    1. nguyenhoanglamni

      Chào Gấu Trắng! Lâu rồi mới thấy GT xuất hiện, chắc trời năm nay lạnh nhiều!?
      Đúng vậy Gấu Trắng, người ta thường nói lá rơi, mưa rơi,sương rơi hay tuyết rơi chỉ có anh mới nghĩ ra Thu rơi. Mà “Thu rơi một tiếng nghiêng chiều” mới đau đớn, sửng sốt làm sao! Để lại trong lòng người đọc siết bao ngậm ngùi.

      Reply
    2. Trần Duy Đức

      Cảm ơn bạn Gấu Trắng đã thích câu thơ mở đầu mà riêng tôi rất lưu luyến.
      Chúc bạn luôn an vui!

      Reply
  3. Phan Mạnh Thu

    Tôi về nhặt lá vườn xưa
    Đợi vầng trăng khuất cuối mùa đang trôi
    Nhớ thương thương nhớ ngợp trời
    Mùa thu thuở ấy theo tôi suốt đời.

    Cái tâm trạng này mình cũng từng có trong ngày về lại vườn xưa…chia sẻ cùng tác giả.

    Reply
    1. Trần Duy Đức

      Cảm ơn Phan Mạnh Thu đã quan tâm và chia sẻ sự đồng cảm.
      Chúc bạn luôn an vui!

      Reply
  4. Ng Khánh Tiến

    “Võng đưa nhớ tiếng mẹ già
    Mắt nhòa gom lá chiều tà thổi cơm

    Mỏng manh trong chiếc áo tơi
    Lưng khòm mẹ gánh dưới trời thu mưa”(TDĐ)

    Đây là những câu thơ rất hay về tình mẹ thiêng liêng, xin gởi đến TDĐ lời cảm xúc quí mến.

    Reply
    1. Trần Duy Đức

      Cảm ơn Ng Khánh Tiến đã đồng cảm và có lời khích lệ.
      Chúc bạn luôn vui khỏe, an lành!

      Reply
  5. Mộc Miên Thảo

    MMT xin kính chào Trần huynh,

    Hình như đây là thi phẩm đầu tiên mà anh giao lưu cùng trang nhà & độc giả Hương Xưa. Rất hân hạnh và xin được chúc mừng anh.

    Qua cách xưng hô của anh Nguyễn Hoàng Lâm Ni và quý anh/chị trên, MMT có thể đoán anh chính là nhạc sĩ tài hoa Trần Duy Đức – người con phố núi, nhạc sĩ của “khúc cổ cầm” đầu tay bất hủ (“Khúc Mưa Sầu”), với những ca khúc trứ danh khác như: “Anh đã ngủ yên trên quê hương”, “Nếu có yêu tôi”…

    Hay là một sự trùng lặp. Có đúng hay không thì, những lời thơ nầy cứ luôn thấm sâu vào lòng người đọc:

    “Nhớ giọt nắng, luyến sương huyền
    Yêu mùa lúa chín, ruộng thiêng quê nhà
    Võng đưa nhớ tiếng mẹ già
    Mắt nhòa gom lá chiều tà thổi cơm

    Chuông chùa ngân vọng đầu thôn
    Mưa râm gió thoảng rưng rưng cuối trời
    Mỏng manh trong chiếc áo tơi
    Lưng khòm mẹ gánh dưới trời thu mưa”

    Hình ảnh của Mẹ già mong manh chiếc áo tơi, khòm lưng quẩy gánh đời dưới trời thu mưa râm, gió thoảng, mắt lệ nhòa gom lá thổi cơm chiều, vọng tiếng chuông chùa đầu thôn… thì, làm sao ta không “Nhớ Thu Xưa” cho được. Và hẳn nhiên, “mùa thu thuở ấy theo tôi suốt đời” phải không anh?

    Hình như: “đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/quê nhà một góc nhớ mênh mang” chừng là vậy!

    Vài lời đồng cảm, góp vui cùng anh.

    Mong đọc nhiều hơn những bài thơ hay từ anh trên trang nhà.

    Kính,
    MMT

    Reply
    1. Trần Duy Đức

      Chào Mộc Miên Thảo,
      Trước tiên tôi xin cảm ơn bạn đã quan tâm đọc và có lời bình ưu ái bài thơ NHỚ THU XƯA.
      Tôi cũng xin thông tin thêm về tên tác giả bài thơ là TRẦN DUY ĐỨC còn gọi là CHÍNH ĐÚC quê quán và sinh sống ở Thị Xã An Nhơn, Bình Định chứ không phải là Nhạc Sĩ Trần Duy Đức ở Phố Núi mà bạn nhầm tưởng.
      Chúc Mộc Miên Thảo luôn vui khỏe, an bình và hạnh phúc!

      Reply
  6. tranthicotich

    Bài thơ hay từ đầu đến cuối. ( dù ai câu cuối hơi dễ dãi ).Bằng những hình ảnh được chắt lọc tác giả đã khéo sử dụng ngôn từ để đưa người đọc về chốn thu xưa trong tâm trạng bồng bềnh thương nhớ rất đậm tình.( Xin phép tác giả : Nên chăng không cần giữ hai câu cuối vì ý này đã thấm đẫm trong toàn phần trên?)

    Reply
    1. Trần Duy Đức

      Xin chào Trần Thị Cổ Tích,
      Cảm ơn Bạn đã quan tâm đọc và bày tỏ sự đồng cảm.
      Góp ý của bạn về 2 câu cuối cũng có cái lý riêng của nó.
      Chúc Cổ Tích luôn vui tươi, an bình và hạnh phúc!

      Reply
  7. duy pham

    “Mỏng manh trong chiếc áo tơi
    Lưng khòm mẹ gánh dưới trời thu mưa”
    Đã quá nhiều thơ hay viết về Mẹ nhưng sao đọc câu này của anh vẫn trìu trĩu nỗi lòng. Hình ảnh một người mẹ lam lũ của tôi khi xưa.
    “Thu rơi một tiếng nghiêng chiều…
    …Tôi về nhặt lá vườn xưa
    Đợi vầng trăng khuất cuối mùa đang trôi…”
    Những dòng thơ lãng đãng thu mà khắc khoải lòng người. Cãm ơn mấy vần thơ của Trần tiên sinh.

    Reply
  8. Trần Duy Đức

    Xin chào duy pham,
    Cảm ơn bạn đã quan tâm và bày tỏ sự đồng cảm về hình ảnh người mẹ.
    “Đã quá nhiều thơ hay viết về Mẹ nhưng sao đọc câu này của anh vẫn trìu trĩu nỗi lòng. Hình ảnh một người mẹ lam lũ của tôi khi xưa…
    Những dòng thơ lãng đãng thu mà khắc khoải lòng người” DP
    Chúc bạn an vui và hạnh phúc!

    Reply
  9. Thu Thủy

    Chuông chùa ngân vọng đầu thôn
    Mưa râm gió thoảng rưng rưng cuối tròi
    Mỏng manh trong chiếc áo tơi
    Lưng khòm mẹ gánh dưới trời thu mưa

    Tôi về nhặt lá vườn xưa
    Đợi vầng trăng khuất cuối mùa đang trôi
    Nhớ thương thương nhớ ngợp trời
    Mùa thu thuở ấy theo tôi suốt đời.

    Mũa thu bao giờ cũng rất đẹp, và là nguồn cảm hứng của biết bao thi nhân, và thường những bài thơ mùa thu cũng rất đẹp. Với bài “Nhớ Thu xưa” bài thơ lục bát với nỗi buồn lan tỏa nhẹ trong không gian, trong từng câu thơ, trong từng hình ảnh người mẹ, làm trĩu nặng lòng người đọc.

    Reply
  10. Trần Duy Đức

    Xin chào Thu Thủy,
    Cảm ơn em đã quan tâm và bày tỏ sự đồng cảm với nỗi niềm của “NHỚ THU XƯA”.
    “Mùa thu bao giờ cũng rất đẹp, và là nguồn cảm hứng của biết bao thi nhân, và thường những bài thơ mùa thu cũng rất đẹp. Với bài “Nhớ Thu xưa” bài thơ lục bát với nỗi buồn lan tỏa nhẹ trong không gian, trong từng câu thơ, trong từng hình ảnh người mẹ, làm trĩu nặng lòng người đọc.” Th.Th.
    Những lời cmt của em đầy cảm xúc!
    Chúc em luôn vui tươi, an lành và hạnh phúc!

    Reply

Leave a Reply to Quốc Tuyên. Cancel reply

Your email address will not be published.