Mẹ Quất

Người ta đưa Quất về nhà vào khoảng giữa tháng chạp âm lịch, lúc ấy trời sắp sang Xuân, chỉ thỉnh thoảng còn vài đợt gió lạnh từ miền Bắc thổi về. Y như một cô dâu mới về nhà chồng, khăn áo lượt là, Quất khoác một chiếc áo vàng màu hoàng hậu, khiến căn phòng khách sáng rực hẳn lên.
Bóng dáng xinh đẹp của Quất dường như đem cả mùa Xuân vào căn phòng ấm, ông chủ nhà là một tay xính văn chương, đã âu yếm tặng cho Quất cái mỹ danh là cô “Kim Quất “, như người ta vẫn gọi những người con gái đẹp là Kim Cương, Kim Hồng, Kim Hạnh v. v… Kim Quất vốn quê mùa, từ ngày sinh ra cho tới lúc lớn lên, trời cho có chút nhan sắc xinh đẹp tự nhiên, lại dễ sống cho nên mùa Xuân đến thì cô mượt mà lắm, nay lại được đem vào chỗ cao sang, nhà cao cửa rộng, Kim Quất bỗng thấy đời tưng bừng hẳn lên, dù chưa biết cái khổ của cảnh “cá chậu chim lồng”.

Chỉ vài hôm thôi, Kim Quất nghe đã nhàm tai những câu khen tặng, ông đi qua bà đi lại không ngớt tâng tiu cô Kim Quất trẻ tuổi. Người ta khen cây rồi lại khen người, khen ông chủ nhà khéo chọn được cây Kim Quất xum xuê, tươi tốt, đầy những quả vàng óng, báo hiệu một năm gia chủ sẽ thịnh vượng, xung mãn, làm gì được nấy.
Quất chẳng hiểu gì về sự liên quan giữa mình và con người kia, vì chuyện Quất sinh hoa kết quả là chuyện tự nhiên của Trời, đất nuôi Quất và trời ban mưa nắng cho Quất thì Quất lớn, chứ tại sao một người mang Quất về nhà vì thế có thể bỗng chốc thành công mọi mặt. Hóa ra người vẫn hay tin nhảm, cho nên mới sinh chuyện con yêu con ghét trong nhà, hễ đứa con nào ra đời mà cha mẹ làm ăn khấm khá thì ai cũng gọi là “quý tử”, còn đứa nào lúc sinh ra cha mẹ gặp vận rủi, lại được đổ thừa là cái nợ phải trả…
Ở trong nhà vài hôm, Quất mới thấy được sự gò bó của những thứ kềm kẹp như hơi thở, đồ đạc, tay chân con người không để Quất yên. Ðầu tiên là cái máy sưởi, vì trời còn lạnh nên người ta phải dùng thứ máy sưởi để cho căn nhà ấm áp, vì thế mà Quất đâm nghẹt thở. Mới đầu Quất cứ thấy khô khô, lá tự nhiên không tươi tắn như ở ngoài trời, người Quất như khát nước kinh niên, trạng thái này Quất chưa bao giờ thấy. 

Bây giờ thì Quất ghét cay đắng phòng khách chật hẹp này, nó bóng lộn những thứ đồ đạc đắt tiền, nhưng chúng nó đâu biết thở như Quất . Họ có cho Quất uống nước đó chứ, nhưng khí trời thì họ không cho được, bởi vậy Quất đâm khó chịu như người quê mùa đến nhà kẻ giàu sang, ăn được bữa cơm cứ rón rén như xin của bố thí. Nếu là người thì thà Quất cứ ở cái chỗ quê mùa, nghèo hèn , nhà tranh vách đất để mà được tự do thở, tự do ăn, chứ ở đâu mà cứ nem nép khó chịu, dẫu có “cơm vàng canh bạc” Quất cũng chả ham.
Quất còn phải ở trong nhà cho đến hết tháng giêng, ngột ngạt vì cái máy sưởi và tiếng cười nói râm ran của khách tới thăm chúc Tết gia chủ. Nhờ thế Quất mới có dịp thấy rõ sự mệt mỏi của con người, khi bị đóng một màn kịch quá lâu đến nhàm chán. Cũng bấy nhiêu câu chúc được nói đi nói lại, nhất là trong ngày đầu Xuân thì họ cứ như một cái máy hát cũ, ca hoài một bản nhạc có bấy nhiêu lời đã đầy hai lỗ tai. Trước tiên thì những thứ rượu , mứt, thịt thà đã làm người ta thấy đầy cả bụng, còn nói nhiều quá cũng làm người ta rát cả họng, thành thử xem vậy trong xôn xao đã có mùi nhàm chán. Ông bà chủ vừa ngả lưng thiu thiu, đã có một hồi chuông giựt ngược dậy. Cái mặt đang cau có vì mệt mỏi và mất ngủ, ông chủ nhà đã phải vội vàng khoác lấy bộ quần áo tề chỉnh ra đón khách, bà chủ nhà cũng mau mau lấy lại nụ cười cho “mặt hoa da phấn” đỡ ủ ê, rồi lại một điệp khúc cũ mèm được tái diễn, Quất thấy chẳng có gì là thi vị cả. Bây giờ thì ông chủ không còn ngồi ngắm nghía cô Kim Quất của ông như hôm mới đem về, ông buồn buồn đưa tay bứt một quả để nhấm nháp, và ông tỉnh hẳn người khi thấy nàng quất xinh đẹp vậy mà cũng chua ngoa đáo để.

* * *

Sang tiết tháng Hai trời mát mẻ dần lên, Quất cũng sắp sửa được ông chủ cho “hạ thổ” khi nhìn thấy nét ủ ê của nó. Lũ trẻ con tới nhà đã ngứa tay bứt những quả quất chín để chơi, vài chiếc lá đã héo nằm cong xuống khiến Quất đâu còn mượt mà như hôm nọ. Ðàn bà con gái lấy chồng chỉ đẹp nhất hôm cưới, bây giờ thì Quất cũng quen mắt mọi người, không thấy ai nhìn Quất để trầm trồ nữa. Bà chủ đã hái những quả quất để chế biến thành thứ thuốc trị ho, cho nên cành lá lại càng thêm xơ xác.
Khi biết ông chủ quyết định đem Quất ra vườn, Quất mừng lắm, y như người quanh năm làm ăn nơi phồn hoa đô hội, bỗng được trở về quê cha đất tổ với gió đồng cỏ nội, khiến Quất xôn xao và tỉnh hẳn người khi được trở về với Ðất. Ðất chính là quê hương cuả Quất, là Mẹ, là Cha, là mạch máu khi rễ lớn rễ nhỏ được chạy nhảy luồn lách vào đất, như đứa trẻ được nhảy nhót trên con đường làng ngoằn nghoèo mát rượi. Thứ đất trong chiếc chậu chật hẹp kia chỉ là đất tạm, dù rằng người ta đã đem Quất đứng vào cái chậu sứ thật đẹp, bên ngoài vẽ phụng vẽ rồng. Bao nhiêu năm tháng Quất co mình lại trong chiếc chậu chật hẹp đó, với một dúm đất cỏn con. Quất hiểu lắm thứ tự do khoảng khoát của đất, khi đất bị nhốt vào chậu, đất cũng buồn bã như cây, đất và cây gậm nhấm nỗi buồn trong chiếc chậu hẹp, vì thế mà đất cằn cỗi, vì thế mà cây xác xơ.
Quất thấy ông chủ ngắm nghía tìm cho Quất một chỗ đứng trong khu vườn rộng mà lòng lại nôn nao. Góc vườn kia đã có một chị bưởi, một anh cam, và thêm một cây hoa đào nữa. Những người hàng xóm này chắc ngày xưa lúc mới về cũng ngơ ngác như Quất, nay thấy họ đã có một chỗ đứng vững chãi lắm. Cuối cùng sau khi ngắm nghía mãi, Quất được ông chủ đặt gần kề cây hoa đào, vì vào mùa Xuân, từ góc vườn này gia chủ có thể nhìn thấy những cánh hoa đào, hồng hồng xinh xinh như môi thiếu nữ, và cũng có thể nhìn thấy Quất mặc áo vàng để khoe sắc với chúa Xuân. 
Bây giờ là lúc Quất phải hội nhập vào thế giới của cây cỏ, phải làm quen với Ðất vì đất vốn hiền lành không nói năng, nhưng muốn được nó chấp nhận cũng đâu phải một ngày là nên chuyện. Ra đến ngoài vườn, Quất thở phào, vốn quê mùa giản dị, Quất bám ngay vào đất, như kẻ tha hương ngộ cố tri. Còn nỗi mừng nào đang lúc khát lại được bát nước uống, hay đang cần tâm sự bỗng vớ được người tri kỷ. Quất cần đất như con người cần hơi thở, nhất là giữa tiết Xuân mát mẻ, tâm hồn Quất phơi phới để chẳng mấy chốc lại nẩy lộc đơm hoa.
Bắt đầu từ đây Quất thực sự hưởng không khí tự do sau bao nhiêu ngày tù túng ở trong nhà. Khoảng vườn rộng được chia ranh giới hẳn hoi, bọn hoa cảnh được chủ nhân trồng ở trước sân, từ trong nhà bước ra đã thấy bao nhiêu là hoa hồng, cẩm chướng, cúc tím, cúc vàng. Lũ cây ăn trái như Quất được chủ nhân chia riêng một khoảng đất trống ven bờ rào.
Tuy thế, cảnh quê mùa này vẫn thích hợp với tâm hồn Quất, vốn vẫn không bao giờ muốn chen vai thích cánh với bọn hoa hoét lòe loẹt ở khoảng sân tù túng kia. Thỉnh thoảng gia chủ lại mời khách khứa tới chơi nhà, lũ hoa cảnh được chăm chút cẩn thận để trang trí và để khách ngắm nghía thưởng ngoạn, được vài hôm đã rã rượi, rơi rụng cả xuống sân, chẳng còn ai ngó ngàng gì nữa. Thương thay cho những bóng sắc hào nhoáng bên ngoài, đầu hôm sớm mai đã ủ ê, tàn tạ. Quất và lũ bạn bè nhà quê cứ ăn chắc mặc bền, lộc non đâm ra rồi cũng thành lá, hoa nở rồi thành quả, cứ thế mà lớn lên xôi xổi như con nhà nghèo, cơm dưa cà quanh năm mà vẫn khỏe mạnh.
Thích nhất là những đêm trăng, vì đấy là ngày hội của đám cỏ cây trong vườn. Nhìn trăng khuyết Quất cứ mơ trăng tròn, vì dưới ánh trăng mập mờ huyền ảo, Quất thấy tất cả những lá hoa, cây cỏ đã trở nên huyển mộng, những chiếc bóng lá rung rinh dưới ánh trăng bàng bạc, chỗ nào cũng xinh đẹp tình tứ, cây nào trông cũng đáng yêu. Trăng đã sáng mà trời lại gió, gió đẩy đưa cho lá đong đưa, lúc ấy cả khu vườn cùng khiêu vũ dưới ánh trăng, chắc gì trần gian đã có những buổi dạ vũ đêm trăng tuyệt vời như vậy. Quất ngẫm nghĩ đến bọn người hay nhảy nhót, xập xình với nhau trong những căn phòng mờ mờ tối, ngột ngạt mùi nước hoa và khói thuốc, người này thở ra người kia hít vào, Quất lại càng thương hại. Trong những chỗ chật chội ấy, những thân người quay cuồng, quấn quýt lấy nhau, sao bằng được nơi gió mát trăng thanh này, cành lá cứ xôn xao thì thào to nhỏ, trong đêm khuya hoa cỏ toát mùi hương thanh khiết, ngọt ngào. Không có gì hơn là hãy để tâm hồn hòa nhập với thiên nhiên, và không có gì hơn những mùi hương giản dị của cây cỏ phảng phất trong không gian.

* * *

Thời gian này là thời gian để Quất làm quen với mưa nắng cuộc đời, và cũng vì sự hòa hợp âm dương của Trời Ðất, Quất cứ lớn lên như thổi. Quất có già dặn hơn, cành lá đã um tùm hơn vì Quất đã thích nghi được với khí hậu bất thường của Trời Ðất. Ðấy là một kinh nghiệm sống quý giá mà Quất rất hãnh diện, biết khả năng của mình tới đâu và biết sức sống của cây cỏ cũng như con người đến mức nào. 
Ðúng là “trời sinh voi, sinh cỏ”, Quất dư sức chịu được cái nóng của mùa hè, cái lạnh của mùa Ðông, và điều mà Quất thích nhất là thỉnh thoảng lại được tắm gội dưới trời mưa. Lúc ấy mẹ con Quất tha hồ mà ngả nghiêng, đừa giỡn dưới gió và mưa, hai lão ấy đã có từ đời Trời sinh ra Ðất, già lão mà còn chơi lắm trò mạnh bạo, có khi cứ vùi giập lũ cây cỏ dưới những đợt gió và nước ào ạt. Quất nhìn các chị em xung quanh, thì tâm trạng ai cũng thích trời mưa, như trẻ con thích tắm mưa, thích đuổi nhau trong những con hẻm ngập nước để nước văng lên tung tóe. Quất vui tính, hồn nhiên như con trẻ, có lẽ nhờ sống giữa thiên nhiên, Quất thấy tâm hồn mình khoảng khoát, bao dung. Nếu sống trong căn nhà đóng kín cửa kia, có lẽ Quất cũng sẽ nảy sinh tính ích kỷ, đóng kín đời mình trong bốn bức tường không bạn bè với ai, có ngày cũng chết trong sầu muộn.
Thấm thoát mà Quất đã sống trong khu vườn này được mấy năm, cứ sinh hoa kết quả, lũ con này ra đời rồi đi, lũ con khác lại được sinh ra và nuôi dưỡng. Quất không nề hà gì việc sinh nở, vì Trời sinh Quất thế. Nó có thể ra hoa quanh năm, trái đang đầy cành mà hoa đã trắng xóa. Bây giờ thì những người hàng xóm đã gọi Quất là Mẹ Quất, dù vậy Quất chỉ hơi già thôi, chứ nét xuân sắc của Kim Quất năm xưa vẫn còn phảng phất trong chùm hoa trắng, vẫn nồng nàn trong buổi sáng còn ướt sương, khiến có người đi qua vẫn phải có lúc tưởng nhớ một mùi hương. . .
Chị Bưởi, anh Cam, chị Quýt trong khu này ai cũng bảo Mẹ Quất sung sức, nhà cửa lúc nào cũng ríu rít trẻ con. Cứ ngắm nhìn sức cưu mang của Mẹ Quất mới thấy ông Trời cũng khá hào sảng khi cho Mẹ Quất một sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Nếu ví mỗi đứa con là một tác phẩm của một nhà văn, thì ôi thôi mẹ Quất đã sáng tác lu bù trận. Có đứa cũng lớn lên thành người, có đứa cũng chết non chết yểu khi mới đơm hoa kết trái, có đứa nửa chừng đã từ giã mẹ đi vào lòng đất lạnh. Bỏ đi những đứa con non yểu, thiếu tháng, đa số con của mẹ Quất đều nên người, chẳng gì cũng được chế biến với mật ong, thành món thuốc để con người thấm giọng khi ho hen, cảm mạo. Nó cũng là món trái cây để giải khát những ngày hè nóng nực, vị Quất thơm, uống tới đâu thấm tới đó, chứ nó không chua lè như chanh, mà cũng không đắng như bưởi, lại không nóng như Quýt. Nghĩa là ở Quất người ta vẫn thích thú chút chua chua dôn dốt của từng múi Quất, mà cũng có thể nhấm nhẳn chút vỏ hơi the the, ngòn ngọt, Quất bé nhỏ hiền lành nhưng hương vị lại đậm đà khó quên là thế.
Qua những tháng năm dày dạn nắng mưa, gió bụi, thời tiết đối với Quất như là những đắng, cay, ngọt, bùi trong cái “nhân tình thế thái ” của con người, hay những vinh nhục, thăng trầm mà hầu như con người nào cũng có lúc trải qua. Nếu không trải qua sự thử thách đau khổ đó, Quất nghi ngờ rằng những con người đó không đào đâu ra được chiều sâu của tâm hồn. Chuyện sinh ra, lớn lên rồi chết, đã là điều tự nhiên mà bất cứ một vật gì hiện hữu trên cõi đời này đều phải trải qua, nhưng nếu không có những thử thách và đau khổ để tôi luyện, đời xem ra cũng vô nghĩa. Quất nghiệm ra rằng cứ mỗi một đổi thay xảy ra trong đời Quất, đều là một bài học để Quất ghi nhận.
Cô Quất ngày xưa nay đã già, không còn mượt mà mãi với thời gian, cành nhánh đã xù xì những mảng da cóc khô queo, nhưng sức chịu đựng và việc sinh sản thì dễ ai bằng mẹ Quất. Có lắm lúc kiệt sức, mẹ Quất không đủ sữa nuôi con, vì thế mà những chiếc lá cứ nhỏ dần đi, và có những nụ hoa ra trái mùa, có kết quả cũng chỉ bé tẻo teo, rồi lần lượt rụng cả. Ðó là những mùa Ðông rét ghê gớm, cây nào cũng được gia chủ phủ trên mình những chiếc khăn lông cũ, hay những tấm ni lông để làm chăn đắp đỡ qua những tối trời Ðông. Nhắc tới đây mẹ Quất không khỏi rùng mình, khi nhớ lại một đêm trăng mùa Ðông, sao cũng là trăng mà trăng mùa Ðông lại lạnh lẽo, nghiệt ngã như một mụ phù thủy. Cả khu vườn và những thứ cây lá cóng lại, gió thổi phần phật những tấm ni lông như những mảnh khăn tang phấp phới trên những mái đầu, mẹ con Quất co lại với nhau nghe tiếng gió rền rĩ ngoài không gian , chịu đựng suốt những đêm trường băng giá. 
Cũng may là sáng hôm sau trời lặng gió, mặt trời lại hí hửng trải xuống trần gian những tia nắng ấm áp. Khi được chui ra khỏi tấm chăn bẩn, Quất đã nhìn thấy nỗi đau khổ và ủ ê của những chị em, bạn hữu quanh mình, rồi Quất lại hồn nhiên an ủi mình : “Sau cơn mưa trời lại sáng”, chứ đâu dám trách Trời sao có lúc cũng nóng lạnh, vui buồn để làm khổ con người và cây cỏ.
Mẹ Quất được trời sinh bản tính dễ vui dễ buồn, đã quen với sự khắc nghiệt của Trời Ðất, nên vì thế mà chịu đựng được tất cả những đổi thay, ít khi nào gậm nhấm một nỗi buồn giận ai lâu trong bụng. Vì thế mà “sau cơn mưa trời lại sáng thật”. Ðó là món quà quý Trời phú cho mẹ Quất , để mẹ Quất cùng lũ con yêu đời trở lại, để vẫn làm hết nhiệm vụ của một kiếp cây mà ông Trời đã giao cho từ khi có mặt trên trái đất.
Hiểu được điều đó mẹ Quất không cảm thấy mình thừa thãi và buồn bã, khi so sánh mình với những bạn bè may mắn, xinh đẹp, ngon ngọt hơn. Con đường dẫn tới “sinh, lão, bệnh, tử” chẳng chừa một ai, từ công hầu cho đến giai nhân ai cũng phải chết, tài giỏi, giàu có tới đâu cũng có lúc bỏ lại tất cả, xuôi hai tay mà đi. Lắm khi nghĩ tới phận mình một lúc nào không còn hiện hữu trong cuộc đời, chẳng còn ai nhớ đến mình nữa, lòng mẹ Quất cũng se se buồn, nhưng cứ nhìn quanh thì đâu có gì tồn tại. Những mảng cỏ xanh hôm nào nay đã vàng úa xác xơ, những bông hoa hồng, hoa cẩm chướng xinh đẹp là thế mà chỉ vài hôm đã tàn tạ, héo úa. Lá chưa vàng đã rụng, hoa chưa thắm đã tàn, bao nhiêu điều bày trải trước mắt mẹ Quất há chưa phải là một bài học để ghi nhận sao? 
Bởi thế khi mùa Xuân trở lại thì mẹ Quất vẫn hớn hở cười với gió Xuân, vẫn khoe những chiếc lá non dưới nắng Xuân dịu dàng, vẫn cố đơm những chiếc hoa xinh để khu vườn vẫn thơm ngát mùi cây cỏ. Mẹ Quất tuổi cao nhưng không già, già hay trẻ là ở mình, dẫu có trăm tuổi mà tâm hồn vẫn hồn nhiên, vui vẻ thì đời vẫn trẻ.
Chỉ có bụi chuối ở góc vườn là chết hẳn, vì nó không sống lại khi mùa Xuân tới. Những tàu lá chuối khô phơ phất bay trong gió, như những cánh tay dài ngoẵng đang vẫy vẫy giã từ đám bạn bè cây cỏ còn lại trong vườn. Cái vẫy tay như một nhắn gửi, cuộc đời vốn đã vô thường thì sống hay chết cát bụi vẫn chỉ là cát bụi.


{jcomments on}

0 thoughts on “Mẹ Quất

  1. camtucau

    Thích nhất là những đêm trăng, vì đấy là ngày hội của đám cỏ cây trong vườn. Nhìn trăng khuyết Quất cứ mơ trăng tròn, vì dưới ánh trăng mập mờ huyền ảo, Quất thấy tất cả những lá hoa, cây cỏ đã trở nên huyển mộng, những chiếc bóng lá rung rinh dưới ánh trăng bàng bạc, chỗ nào cũng xinh đẹp tình tứ, cây nào trông cũng đáng yêu. Trăng đã sáng mà trời lại gió, gió đẩy đưa cho lá đong đưa, lúc ấy cả khu vườn cùng khiêu vũ dưới ánh trăng, chắc gì trần gian đã có những buổi dạ vũ đêm trăng tuyệt vời như vậy……
    Nguyeen Nhung tả cảnh tuyệt vời quá, bái phục

    Reply
  2. Sông Song

    Bởi thế khi mùa Xuân trở lại thì mẹ Quất vẫn hớn hở cười với gió Xuân, vẫn khoe những chiếc lá non dưới nắng Xuân dịu dàng, vẫn cố đơm những chiếc hoa xinh để khu vườn vẫn thơm ngát mùi cây cỏ. Mẹ Quất tuổi cao nhưng không già, già hay trẻ là ở mình, dẫu có trăm tuổi mà tâm hồn vẫn hồn nhiên, vui vẻ thì đời vẫn trẻ.(NN)
    Cảm ơn chị Nguyễn Nhung đã cho đọc MẸ QUẤT. SS phải học hỏi MQ mới được. Chúc chị NN Năm mới vui khỏe và hạnh phúc

    Reply
  3. Quốc Tuyên.

    Bóng dáng xinh đẹp của Quất dường như đem cả mùa Xuân vào căn phòng ấm, ông chủ nhà là một tay xính văn chương, đã âu yếm tặng cho Quất cái mỹ danh là cô “Kim Quất “, như người ta vẫn gọi những người con gái đẹp là Kim Cương, Kim Hồng, Kim Hạnh v. v… Kim Quất vốn quê mùa, từ ngày sinh ra cho tới lúc lớn lên, trời cho có chút nhan sắc xinh đẹp tự nhiên, lại dễ sống cho nên mùa Xuân đến thì cô mượt mà lắm, nay lại được đem vào chỗ cao sang, nhà cao cửa rộng, Kim Quất bỗng thấy đời tưng bừng hẳn lên, dù chưa biết cái khổ của cảnh “cá chậu chim lồng”.
    ……………
    Nguyên Nhung viết hay và vui quá, rất lôi cuốn!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.