Đêm Kỳ Ngộ

Cậu cứ tự nhiên ngồi chơi đợi tôi một tí nhé. Mời cậu dùng tách trà, trà đặc biệt của tiệm Thiên Thành ở Qui Nhơn đấy. Ông Thiên Thành, chú Hai của cậu và tôi là ba người bạn thân từ mấy chục năm nay rồi. Sao, trà thế nào, tại sao cậu lại cười. Ngon hay dở để tôi góp ý với ông bạn Thiên Thành pha chế lại cho tuyệt hảo hơn, nhưng có thể tôi không biết pha chứ không phải trà dở đâu. Như vậy mới được, phải có ý kiến của cậu tôi mới hài lòng. Cậu đưa tách tôi thêm, có lẽ nước chưa được sôi đúng độ; thật trẻ nhà hư quá! Xin lỗi, cậu đợi cho tôi đọc xong lá thư của anh Hai rồi sẽ tiếp chuyện cậu sau nhé.

Chú Hai của cậu lại đặt điều quà cáp như thế này. Mà phải công nhận rằng Trường Thuế có mấy món ăn khó quên như nem chả ông Hai Lại, bánh thuẫn Bà Hồng, bánh in thịt Bà Hương Hào Cừu, bánh tét bà Sáu Nhen Lương Tài và nhất là món ăn bình dân mà ngon tuyệt là bánh xèo Bà Bôi! Tôi còn nhớ rõ vào những buổi sáng mùa Đông lạnh buốt mà ngồi bên mấy cái lò than đỏ hồng, rồi thì ăn bánh xèo dòn thì tuyệt cú mèo! À chắc cậu còn nhỏ quá nên không biết Bà Củng ở Gò Bồi mà khi nãy cậu vừa nhắc đến quê ngoại của nhà thơ mới Xuân Diệu đấy. Nhưng có lẽ cậu biết ông Tàu Quăn, con trai của Bà Củng; nước mắm nhỉ của Bà Củng dù chỉ ăn với cơm nguội cũng đã ngon rồi, nếu được “ trái ớt chỉ thiên” nữa thì càng thú vị! Mà dân Bình Định thường gọi là “ớt bay”. Cậu biết không lúc mới đến Bình Định tôi sợ ớt bao nhiêu thì giờ này ăn cơm thuếu ớt, tôi cảm thấy thiếu thiếu một cái gì, mất ngon! À tôi nói giọng Bắc có khó nghe lắm không, nhưng mà tôi ở xứ Nẫu của cậu lâu năm rồi nên tiếng nói của tôi, như cậu thấy, lai cả rồi : tôi dùng rất nhiều danh từ Bình Định vì nhà tôi là dân Xuân Huề, Phú Phong đó mà quí cụ ở đây đọc là “ xưng quề”. Lúc tôi theo chú Hai của cậu vào đây, tôi phải nhờ anh ấy làm thông dịch viên cho tôi mặc dầu tôi chỉ nói tiếng Việt, chứ có nói tiếng Tàu, tiếng Tây gì đâu. Bây giờ thì tôi thạo lắm rồi, nói ăn “ẩu”, ăn “xài” tôi đã biết là ăn “trái ổi”, ăn “trái xoài”. Nghĩ lại những ngày xa xưa đó mà tôi thương chú Hai của cậu đáo để và nhớ lúc bấy giờ tôi ngáo thật đấy nhỉ! Có lần tôi đi chợ phiên Gò Bồi thấy mớ “cá nục dọng”, cậu biết tại sao là cá nục dọng không, tôi thì chịu thua. Sau này tôi mới biết cá nục “dọng” là nhỏ con, cá nục “dời”thì to. Câu biết không, tôi mới vừa trả giá xong thì người đàn bà bán cá nói gọn lỏn:

Thâu, lượm đi!

Lúc đó tôi khựng lại vì không hiểu ất, giáp gì cả. Người hàng cá thấy tôi bỡ ngỡ nói tiếp:

Tôi bán cho ông đó, “dẫy” là rẻ quá “rầu”!

Trú tại Bình Định hơn mấy chục năm và lấy vợ ở đây nên tôi không lạ gì những tiếnh như “thâu” là thôi, “Nẫu” là họ. Phiêu bạt giang hồ vào đây, tôi nhờ anh Hai Trường Thế quá nhiếu. Chắc cậu rõ hơn tôi nữa chữ “Trường Thuế” mà dân quê đọc là “Thế”, còn mấy Khách Trú mà dân quê gọi “Các Chú” là người Tàu. Thật ra, gọi chỗ cậu ở là Trường Thuế mới đúng vì khi xưa nơi đây nhận thu tiền thuế.

Câu cũng biết chữ Nho nhỉ, cậu có nhận ra thủ bút bài thơ PHONG KIỀU DẠ BẠC này không?  Chữ của anh Hai, tức chú Hai của cậu đấy, như nét Lan Đình, tôi nói hơi quá nhưng phải công nhận là tài tử. Ngoài ra, anh Hai còn chơi kiểng, đá gà, uống trà Tàu thì nhất. Quên đi mất, cậu còn rành người này hơn tôi vì ông ta là chú ruột của câu kia mà! Thật già lú lẫn rôi:

Thất thập cổ lai hy rồi, đấy cậu!

Nhiều sách báo đã từng bàn cãi sôi nổi về bài thơ của thi sĩ Trương Kế đời Đường này. Nhưng riêng cá nhân tôi thì tôi rất tâm đắc với ông Đắc Lâm một nhà phê bình văn học Trung Hoa. Ông đưa ra những lý do hay nói đúng hơn theo quan niệm của ông về bài thơ PHONG KIỀU DẠ BẠC của Trương Kế. Cậu chờ tôi một vài phát nhé, mời cậu ly rượu thuốc bách nhật. Câu không biết uống rượu thật sao, cậu làm tôi mất hứng, nam vô tửu như kỳ vô phong. À tôi nói đến đâu rồi, ừ thì tôi đọc lại trọn bài thơ:

“ Uỵt loọc, vú thày, sướng mán thín

Coóng phống, dì phổ, tui sàu mìn

Cú-cháu sèng ngồi Hồn Sán sì

Dè pun, chống séng làu hác sìn”

Sao cậu cười, chắc cậu biết tôi học lõm của Hồ Dzếnh trong quyển Chân Trời Cũ chứ gì! Thế mà có lần ông Tàu Quảng Nguyên tưởng tôi biết tiếng Tàu nhưng ông chê tôi phát âm chưa đúng, mà đúng sao được vì tôi chưa hề học tiếng Quảng Đông này bao giờ cả. Tôi đọc lại bài PHONG KIỀU DẠ BẠC nhé”

“ Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.”

Có một số người thắc mắc hai chữ “ Dạ bán”, họ chê Trương Kế đã tả không đúng sự thật vì nửa đêm không thể có tiếng chuông Chùa; tiếng chuông Chùa chỉ đánh vào buổi sáng sớm và chiều tối mà thôi.

Tuy nhiên, chúng ta phải đặt hoàn cảnh ta vào hoàn cảnh tác giả, là một lữ khách, một thi nhân trước viễn cảnh phiêu bồng trong mùa Thu. Từ xưa đến nay, tao nhân mặc khách là những con người dào dạt tình cảm nên dễ xúc động trước cảnh Thu mà thi hào Đỗ Phủ từng viết :” bi Thu thường tác khách”. Trương Kế lúc bấy giờ đậu thuyền ở bến Phong Kiều, chỉ đậu tạm qua đêm rồi ngày mai phải tiếp tục lên đường nên nửa đêm trầm tịch, bỗng nhiên nghe tiếng quạ kêu, nhìn lên thấy ánh trăng tà giữa bầu sương đục, hơn nữa, sóng nước mang mang cộng với tiếng vi vu của rừng phong cùng ánh đèn chài leo lét thử hỏi ai không buồn! Cuộc hành trình vô định càng làm cho thi nhân xót xa hạ bút “sầu miên” – nghĩa là “sầu bất thành miên”- buồn đến nỗi ngủ không được- Những chữ “chung thanh” và “ô đề”, thật là tương ứng : ô đề là thực cảnh,tức cảnh gần kề còn “chung thanh” là hư cảnh, cảnh xa! Tác giả đi đường dài mỏi mệt và buồn nên nằm mơ màng tưởng vừa nghe tiếng chuông, lấy ảo làm chân, không cần thiết thực hay mộng, đó là chỗ diệu pháp của những thi nhân hữu tài! Không nhất thiết lúc nào cũng căn cứ trên sự thật để “làm thơ” và “xét thơ” của người khác, miễn sao thơ được tự nhiên, ưu mỹ là hay!

À , cậu có thuộc bài dịch nào không, tôi chỉ thuộc bài dịch của Cụ Trần Trọng Kim mà thôi :

“Đêm Khuya Thuyền Đậu Ở Bến Phong Kiều

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi,

Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co.

Con thuyền đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.”

Thú thật với cậu, tôi rất kính Cụ Trần vô cùng nhưng bài thơ dịch này tôi vẫn chưa thấy thú lắm! Cậu nghĩ sao? Lại cười nữa. Cậu biết không, tôi rất thích văn chương nhưng lại không có khiếu sáng tác! Ấy chết, nãy giờ nói chuyện gì đâu, đầu Ngô mình Sở, mà quên câu chuyện chính. Nhưng trước khi vào đề, cậu cho tôi hỏi vì sao cậu lại muốn học Đông Y. Chú Hai của cậu bắt buộc hả? Nếu bị ép thì tôi sẽ viết thư cho anh ấy, cậu đừng lo. Cậu đã nhìn thấy cả thư phòng của tôi đều là sách Đông-y, nhưng cậu nên hiểu dùm tôi một điều là tôi không phải là một lang y giỏi, chỉ xoàng xoàng thôi! Nếu cậu có chí lớn như Cụ Đồ Chiểu ngày xưa thì xin cậu đi tìm danh y khác. Giờ cậu hãy lắng nghe tâm sự của Cụ Nguyễn Đình Chiểu trong bài Y Sư Tự Thuật :

“Trời đông sùi sụt gió mưa tây,

Đau ốm lòng dân cậy có thầy.

Phương cũ: vua, tôi, gìn trước mắt,

Mạng nay: già, trẻ, gởi trong tay.

Trận đồ tám quẻ còn non nước,

Binh pháp năm mùi sẵn cỏ cây.

Hỡi bạn y lâm! Ai muốn hỏi,

Đò xưa, bến cũ có ta đây?

Đồ Chiểu

Di sản quí báu của tiền nhân để lại cho chúng ta về Đông Y Dược từ mấy ngàn năm rồi nhưng được mấy ai có tâm huyết và chuyên cần nghiên cứu đến nơi đến chốn. Nhưng cũng may, vào những năm gần đây Đông Y được giới khoa học hiện đại chú ý : việc dùng thuốc Bắc dần dần được giới khoa học công nhận sau nhiều năm nghiên cứu. Và bây giờ Đông Y Dược được quốc tế hóa chứ không chỉ giới hạn ở các nước Đông Nam  á như xưa nữa; những đầu óc thiên kiến đối với Đông Y đã gần như thay đổi hoàn toàn. Này cậu, dùng thêm trà đi, vấn đề Đông Y Dược không thể kể một đêm mà hết. Mà cậu ở đây suốt năm theo như thư của anh Hai, cậu mệt lắm phải không? Được, đêm nay tôi cũng nói sơ với cậu vài điều vì thấy cậu có hứng thú. Trước hết, phương pháp khám nghiệm phải áp dụng 4 chữ : Vọng, Văn, Vấn và Thiết. Ở đây Vọng là Xem; Văn là Nghe; Vấn là Hỏi và Thiết là Chẩn Mạch! Ngoài việc bí diệu đó còn phải biết lý luận một cách thâm hậu. Riêng việc hái thuốc, chế thuốc đều phải cẩn thận theo quy tắc, đặc biệt cho Toa mà quý Cụ Danh Y Bình Định gọi là “Khui toa”. Bốc thuốc càng phải biết rõ trạng thái thân thể của bệnh nhân chính thường hay không, kinh mạch của ngũ tạng lục phủ có trôi chảy hay không; âm dương biểu lý hàn, nhiệt, ôn, lương như thế nào. Và sau đó mới dùng đúng thuốc chủ dược làm căn bản để mà tu bổ điều lý v.v…!

Thôi, giờ này cũng đã khuya, hơn nữa, đường xa chắc cậu cũng đã mỏi mệt lắm rồi, cậu đi nghỉ đi. Tôi đã bảo cháu Thiên sắp xếp chỗ ở cho cậu rồi nhưng nếu cậu thấy chưa được thoải mái lắm thì qua Thảo Lư của tôi nghỉ, luôn tiện đọc sách nghiên cứu Đông Y luôn. Tất cả những sách tôi có, nếu cậu thích, cứ lấy đọc, song xin cậu khi xem xong để lại dùm ở vị trí cũ. Ồ, cậu nán lại đây năm mười phút nữa đề cùng tôi dùng xôi cuốc cho vui. Nói đến “xôi cuốc” làm tôi nhớ đến ông Giáo Trương dạy Trung Học Nam Hòa ở Trường Thuế mà khi ông ra tay thì “xôi cuốc” tuyệt hảo! Cậu ngồi xuống đây, ngại gì trong nhà cả mà!

{jcomments on}

0 thoughts on “Đêm Kỳ Ngộ

  1. yengiang

    yengiang xin cáo lỗi vì”Bình luận quá dài “không gởi được đành phải cắt bỏ rất nhiều đoạn nên bài viết trở thành rời rạt,thiếu ý .Xin các bạn thông cảm

    Reply
    1. admin,

      Anh Yêngiang,
      Lần sau nếu lỡ viết dài anh “cut & copy” phần dưới giữ lại, gởi phần trên đi trước. Rồi sau đó “paste” phần dưới anh đã copy và gửi lần hai cho khỏi thiếu ý. Như vậy là giữ luôn được hết bài anh viết. Tốt hơn là khi viết anh nên nhìn vào chỗ “ký tự còn lại”, khi nào thấy gần hết thì gởi đi. Sau đó muốn thì viết và gởi tiếp.
      Cám ơn anh.
      Admin

      Reply
  2. Nguyễn Càn Tử

    Trang Tử ngày xưa bịa chuyện ” Nam Hoa Kinh ” cười cho sướng để nói về ” ĐẠO “. Lam Nguyên ngày nay không bịa chuyện vì nó có thật, nhưng cười vẫn sướng vì hiểu được cái ” NHỚ ” lúc nào đối với Lam Nguyên cũng như kinh nhật tụng từ nơi tạm dung đau đáu về quê hương xứ sở như bài ” ĐÊM KỲ NGỘ ” này. Tuy nó là tản văn với đầu Ngô mình Sở. Không biết có quá lời khi tôi muốn xếp vào những loại văn ” U MẶC ” đầy thâm thúy, theo tôi nghĩ nó không thuộc loại văn để đọc chơi hoặc giải trí, khi nhâm nhi từng mảng đề tài thật bình thường và hầu như quen thuộc.
    Tiềm thức của Lam Nguyên về Quê hương lúc nào cũng thấy ” Sướng cười ra nước mắt ” thì đã là trọn lòng với quê hương lắm rồi. Từ nơi ấm êm,với nguồn sáng văn minh rực rỡ mà vẫn đeo đẳng trong tim cái hương vị Trà,đến cái mùi bánh Xèo,bánh In,bánh Tét bình dân ưa thích. Thì quả thật nơi mảnh đất Bình Định vẫn còn là Thiên đường xưa cũ,dù hôm nay đã có nhiều đổi thay. Và người miền Trung vẫn viết về người miền Trung như những câu thơ của Trần Hoàng Vy sau đây:
    ………………
    Vẫn cái nhớ cơn mưa dầm thúi đất
    Vẫn cứ thương cơn nắng gắt quê nhà
    Ngày gió cát lưng trần trên ruộng sỏi
    Đau đáu lòng một quê ấy nơi xa

    Lòng cứ mở toang ra trước biển
    Núi dựa lưng trăm nỗi gồ ghề
    Nên giọng nói không lẫn vào đâu được
    Dẫu muôn phương không quên một lối về
    ………………
    ( Trích Người Miền Trung ) Trần Hoàng Vy. ( Tiếp theo )

    Reply
  3. Nguyễn Càn Tử

    Cái tinh thần hoài hương với những sự việc tưởng như lạc hậu, thế mà cứ như muối mặn ướp đậm tâm hồn Lam Nguyên như thể một điều không có không được. Một hình ảnh rất VIỆT NAM của mình.Chính vì thế tâm tư đã được gởi gắm qua bài thơ ” Y SƯ TỰ THUẬT ” của cụ Nguyễn Đình Chiểu để nói lên những điều muốn nói. Tôi bỗng nhiên nhớ đến hai câu thơ của vua Tự Đức khóc cung phi:

    Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
    Xếp tàn y lại để dành hơi

    Với hai câu thơ này không biết có đủ nói lên tâm trạng của Lam Nguyên nơi nửa vòng trái đất hay không! Và tôi hy vọng là cũng vừa đủ làm duyên để cho người viễn xứ quay về.

    Reply
  4. LêCôngDzũng

    Đọc Đêm Kỳ Ngộ của Lam Nguyên tôi thấy thật thú vị. Thú vị ở chổ tác giả dùng loại văn độc thoại để nói lên nhiều đề tài khác nhau. Từ chuyện uống trà, đến chuyện “giọng nẫu”. Từ chuyện bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế đến chuyện Đông Y v.v…
    Bài văn độc thoại chứng tỏ tác giả là một nhà thâm nho, không những giỏi chữ Hán mà còn rành về Đông Y và ngay cả phong cách chế trà, thưởng thức trà cũng đã đạt đén mức “trà đạo” nữa nên làm cho Đêm Hội Ngộ trở nên thật kỳ thú. Và điều kỳ thú hơn nữa ở chỗ một người nói đủ các vấn đề rất sâu sắc và uyên bác còn một người ngồi nghe, nghe mệt nghỉ!
    Và cuối cùng thì thật may, như Dạ Lan đã nói ở trên: “uống trà còn được ăn xôi cuốc, thích nhỉ?”
    Và may hơn nữa khi tác giả đã cho câu ta đi nghỉ:
    “Thôi, giờ này cũng đã khuya, hơn nữa, đường xa chắc cậu cũng đã mỏi mệt lắm rồi, cậu đi nghỉ đi!”. Đi đường xa mệt mà nghe được cho đi nghỉ, chắc cậu thanh niên này phải cảm thấy sung sướng và hạnh phúc lắm!
    LCD

    Reply
  5. lamcamai.

    Đọc Đêm Kỳ Ngộ của anh Lam Nguyên thật lạ kỳ và đúng là “mình Ngô đầu Sở”. Có điều gì muốn nói về quê hương anh đã giàn trải thật ngắn gọn qua các món ăn qua những câu nói của dân xứ nẫu.Một bài độc thoại dẫn người đọc từ giai thoại này đến giai thoại khác một cách lôi cuốn vì sự tò mò muốn nghe tiếng nói của người thư hai.
    Điều Ái tâm đắt nhất như yengiang đã nói : ” đó là lời bàn của LN về tiếng chuông chùa trong bài thơ “Phong kiều dạ bạc”của Trương Kế
    “Có một số người thắc mắc hai chữ “ Dạ bán”……………………ưu mỹ là hay!”

    Qủa là lời bàn thú vị và rất thơ.
    Tiếng chuông nửa đêm quả là không hề có thực mà TK nghe được là từ trong tàng thức,giữa giấc ngủ chập chờn.
    Tôi tự hỏi nếu bài thơ của TK không có tiếng chuông ấy liệu bài thơ có ở lại trong lòng người đọc đến hơn cả ngàn năm không ?
    Trong kho tàng văn học VN chúng ta cũng bắt gặp cái âm thanh ảo đó trong bài thơ nhớ về Thành Nam ngày cũ của Trần kế Xương :

    Đêm nghe tiếng ếch bên tai
    Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò
    TKX.”

    Cám ơn bài viết hay.

    Reply
  6. Lam Nguyen

    Thưa quý thân hữu,

    Trong Đêm Kỳ Ngộ người viết chuyện trò với một khách phương xa, đúng hơn là độc thoại với một cái bóng. Câu chuyện lan man đủ thứ nếu có gây cho khách và độc giả nhàm chán người viết xin được lượng thứ.
    Từ lúc nhỏ, người viết đã từng bị hầu chuyện kiểu này từ các bậc thức giả tiền bối nên bị tiêm nhiễm chăng? Khi lớn lên mới giật mình hiểu ra kiến thức mình có chút tiến bộ là nhờ những lần nghe lóm những câu chuyện đầu Ngô mình Sở như vậy.
    Thực ra câu chuyện cà kê trong bài viết chỉ là dịp để LN bày tỏ niềm hoài hương của mình mà thôi.
    Xin đa tạ những cảm nghĩ chia sẻ của thân hữu đã chịu khó đọc và cảm thông.
    Lam Nguyên

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.