Tây Sơn Tam Kiệt

TÂY SƠN TAM KIỆT

Trường thiên tiểu thuyết võ hiệp lịch sử Việt Nam

Phần một

Lời Giới Thiệu

Én liệng Truông Mây nơi khởi đầu tuyên ngôn
“Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”

Én liệng Truông Mây (phần đầu của trường thiên tiểu thuyết TÂY SƠN TAM KIỆT) sẽ là một sự bất ngờ cho đôc giả bởi nội dung đồ sộ của nó!

Trong nhịp sống hiện đại, đa phần mọi người đều quay cuồng với cuộc mưu sinh, bước ra đường chưa đi đã chạy; mọi thông tin thì trao đổi qua email, điện thoại với vài đôi câu ngắn gọn, giản đơn. Vì thế ngay cả đọc sách, ai cũng đều muốn cầm một cuốn sách mong mỏng trên tay để không phải tốn nhiều thời gian vào nó. Thậm chí, ngày nay còn xuất hiện và phổ biến rộng rãi những truyện cực ngắn, truyện 100 chữ… Ấy vậy mà tác giả Vũ Thanh lại viết Én liệng Truông Mây dưới dạng chương hồi, kiểu trường thiên tiểu thuyết ngày xưa!

Và khuynh hướng viết về lịch sử cũng không được mấy người ưa chuộng, ấy vậy mà tác giả của Én liệng Truông Mây lại đi phục dựng chuyện đâu từ xửa từ xưa. Từ cái thời mà quan quyền ngang nhiên áp dụng mọi mánh khóe tận vét tài nguyên đất nước, tận vơ công sức người cùng khổ để làm giàu khối của cải cho riêng mình. Lại nói, đó là chuyện về anh ăn cướp ở xứ Truông Mây của thuở Đàng Trong Đàng Ngoài, thuở hai họ Trịnh – Nguyễn chia nhau cát cứ, phân tranh. Bằng sự dày công nghiên cứu, Én liệng Truông Mây đã vẽ ra trước mắt độc giả một bức tranh vừa sinh động vừa trung thực với hoàn cảnh lịch sử, địa lý của xã hội thời đó, thời mà con người thân xác tuy có nhọc nhằn vì bước chân mở cõi nhưng tâm hồn lại tràn ngập ánh sáng từ bi với một tấm lòng nhân bản.

Dù chán hay chê thì dòng đời vẫn chảy trôi, dù muốn hay không thì quá khứ ít nhiều gì cũng đọng lại trong lòng người. Ngẫm nghĩ quá khứ, nhận thức lịch sử là cả một quá trình tiếp nối thường xuyên. Lịch sử luôn được nhận thức lại để ghi nhận sự kiện đã xảy ra và đánh giá rồi để lấy đó làm dữ liệu cho bài học tương lai. Nhưng sự kiện mấy anh ăn cướp hội tụ ở Truông Mây, phủ Hoài Nhơn, vùng đất Bình Định thời Trịnh – Nguyễn phân tranh vẫn chưa được chính sử ghi nhận. Ngày nay, ta biết đến chỉ qua câu ca dân gian truyền lại:

Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành

Vào gần cuối thế kỷ 18, cuộc khởi nghĩa của những người áo vải đất Tây Sơn chống đối thế lực cường quyền mới được chính sử Việt Nam ghi nhận, dù một thời các sử quan đã gọi họ là bọn dấy loạn. Được sử ghi chép là vì cuộc dấy nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn đã xóa tan cả một thể chế cầm quyền cung Vua phủ Chúa kéo dài trăm năm hơn. Với các trận chiến nổi tiếng đi vào lịch sử dân tộc như trận Rạch Gầm – Xoài Mút, trận Ngọc Hồi – Đống Đa… cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn đã lập nên một vương triều tuy ngắn ngủi nhưng mang một chính nghĩa sáng ngời với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” và nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi tầng lớp.

Những giáo sĩ Tây phương sang Việt Nam truyền đạo thời bấy giờ đã từng chép lại việc làm của nghĩa quân Tây Sơn như sau:

Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, có người mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi người Đàng Trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quý đem chia cho người nghèo; họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi… Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ…”[1]

Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” là tuyên ngôn đòi công bằng cho kẻ nghèo khó bị áp bức. Nếu căn cứ vào chuyện kể dân gian thì khẩu hiệu này được chàng Lía khơi mào và thực hiện trước cả cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn tam kiệt. Chàng Lía là một nhân vật có cùng quê mẹ đất Phú Lạc, vùng Tuy Viễn với ba anh em nhà Tây Sơn. Vè “Chàng Lía” ở Bình Định được lưu truyền cùng nhiệm vụ thực thi lý tưởng của Lía, của những người tụ nghĩa ở Truông Mây:

… Kiếm nhà trọc phú mới đành ra tay

Kẻ nào tàn ác lâu nay

Lía sai cướp của, đoạt tài chẳng dung

Nhất là những bậc nhà quan

Nghe chàng Lía dọa, kinh hoàng như điên…

Lía là ai? Lía có phải là một nhân vật có thật thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn hay không? Chàng Lía chưa được chính sử ghi nhận có phải là vì cuộc dấy nghĩa của chàng và những anh em ở Truông Mây không có kết quả chăng? Cái chết bi thảm của Lía nói lên điều gì trong công cuộc thực hiện tuyên ngôn “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”?

Dã sử, nói dễ hiểu là viết lại những sự kiện lịch sử, dĩ nhiên sẽ hư cấu thêm để người đời nay có thể cùng chung sống với người xưa. Từ xưa, vè “Chàng Lía” lưu truyền trong dân gian đã thực hiện điều đó. Và nay, Én liệng Truông Mây, phần một của bộ trường thiên tiểu thuyết đồ sộ mà Vũ Thanh ra công xây dựng cũng đang thực hiện điều đó.

Viết dã sử thật không có gì thích hợp hơn bằng trường thiên tiểu thuyết. Người Việt Nam từ lâu vốn đã quen với thể loại này. Xưa kia có Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia, gần đây có Sông Côn mùa lũ viết về thân phận của bậc hiền sĩ chán ngán chuyện chiến chinh của Nguyễn Mộng Giác đã đem đến cho người đọc bao ngậm ngùi. Khi chữ quốc ngữ – chữ viết theo mẫu tự Latin thịnh hành, việc in ấn đã ở giai đoạn phát triển thì những Tam quốc diễn nghĩa, Tây du, Thủy hử… khiến bao thế hệ trước thích thú tìm đọc, ngay cả những loại sách võ hiệp kỳ tình của Kim Dung…. Điều đó đã chứng tỏ lịch sử với trường thiên tiểu thuyết vẫn còn chân giá trị sứ mệnh của nó.

Xuất thân từ môi trường sư phạm, tiểu thuyết của Vũ Thanh mang nặng tính giáo dục. Không như những tiểu thuyết gia khác cố ý xây dựng những nhân vật phản diện thật độc ác để tạo sự hấp dẫn, gay cấn cho người đọc, Én liệng Truông Mây không hề có những nhân vật quái dị như Tây Độc Âu Dương Phong, Đông Tà Hoàng Dược Sư kiểu Kim Dung, hay độc ác và hèn hạ đến trơ tráo như Lương Hoàn kiểu Cổ Long. vì ông cho rằng độc giả vốn bắt chước và học hỏi cái xấu, cái ác dễ và nhanh hơn điều thiện, cho nên ở Én Liệng Truông Mây chỉ có những nhân vật hiệp sĩ nghĩa khí luôn phóng tâm thực thi khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Hình mẫu hiệp sĩ này là sản phẩm của xã hội thời đó, một xã hội mà Phật giáo là Quốc giáo cùng với chủ trương Tam giáo đồng lưu của Chúa Nguyễn Phúc Chú đã làm bộ mặt xã hội Đàng Trong trở nên hoàn thiện hơn, thân thiết hơn và nhân bản hơn. Và hình mẫu này đã được tác giả Vũ Thanh gói gọn trong vài dòng ngắn gọn nhưng thật súc tích: “Người hiệp sĩ Việt có cái khí tiết quân tử và đức độ trung dung của Nho giáo, có tính ung dung tiêu sái của Lão giáo, có tâm từ bi của Phật giáo và tấm lòng nhân bản của Việt Nho nguyên thủy.”

Với một xã hội đặt trên nền tảng đạo đức như vậy nên suốt chiều dài câu chuyện Én liệng Truông Mây luôn bàng bạc ánh sáng từ bi, điển hình là qua lời dạy ngắn gọn của một thiền sư: “Là họa là phúc đều đã có nhân duyên từ tiền kiếp. Việc các con nên làm bây giờ là phải trì chú tu tâm hành thiện, đem cái thiện nghiệp lực của mình làm nhẹ bớt đi hung nghiệp cho đứa con. Các con nên nhớ rằng để cải hóa những đứa trẻ ngỗ nghịch không gì bằng tình thương, nhất là tình thương của người mẹ”. Mẹ của chú Lía đã có thể thay đổi chàng từ một đứa trẻ ngỗ nghịch, hung dữ trở thành một người hiệp sĩ cứu khốn phò nguy, hết mực thương yêu bảo bọc cho những người cùng khổ. Và cũng chính nhờ tấm lòng đó mà Lía đã cảm hóa được vợ mình, một phụ nữ nhan sắc, lúc nào cũng rắp tâm báo thù cho chồng cũ và gia đình.

Cũng từ cách xây dựng hình tượng người hiệp sĩ như thế, ta có thể nhận ra cuộc khởi nghĩa trong Én liệng Truông Mây không chỉ là cuộc đấu tranh của những người cùng khổ chống lại ách bạo quyền và bóc lột, thực thi câu tuyên ngôn trên mà nó còn là cuộc đấu tranh giữa lòng nhân đạo của những người hiệp sĩ chống lại dục vọng đời thường của những kẻ xấu xa, chỉ vì ham mê danh lợi, tiền tài và mỹ sắc đã đang tâm phản bạn đưa đến việc thành Truông Mây sụp đổ chôn vùi hàng ngàn nghĩa sĩ. Thất bại dẫn đến cái chết của những hiệp sĩ Truông Mây phản ánh một xã hội mà dục vọng và tà tâm đang hồi cực thịnh. Nhưng chính nghĩa rồi cũng sẽ thắng hung tàn, chí nhân rồi sẽ thay cường bạo. Thành Truông Mây tuy sụp đổ nhưng những mảnh vụn ấy đã nhào trộn với máu đỏ của những anh hùng, đúc thành một cái móng vững chắc cho thành Tây Sơn. Và hào khí tỏa ra từ những cái chết lẫm liệt của các hiệp sĩ Truông Mây đã nhóm lên một ngọn lửa đỏ trên lá cờ đào, hun đúc bầu nhiệt huyết trong lòng những người kế tục, để rồi với sự dẫn dắt tài tình của Tây Sơn tam kiệt, lá cờ đào kia đã nhanh chóng từ một nơi hẻo lánh, lan rộng và phủ trùm cả cõi bờ Đại Việt từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau, chói lọi khắp năm châu.

Không những vậy, ở Én liệng Truông Mây chúng ta còn tìm thấy những tấm lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, thượng võ của người hiệp sĩ Việt trong việc phát huy nền võ thuật cổ truyền dân tộc qua những trận so tài ngoạn mục với các võ sĩ Trung Hoa, Nhật bản, Xiêm La… Đồng thời, lẫn khuất đâu đó là những chuyện tình éo le thời loạn lạc, đẹp nhẹ nhàng nhưng rất mực mặn mà, thủy chung.

Én liệng Truông Mây đã tái dựng nên một giai đoạn lịch sử thời Trịnh – Nguyễn đầy biến động. Và địa danh Truông Mây, nơi khơi mào tuyên ngôn của sự công bằng, nơi lóe lên tia chớp soi đường cho những nghĩa sĩ sẽ tụ nghĩa ở Tây Sơn cũng là nơi khởi đầu cho những địa danh lịch sử hừng hực lửa trong phần hai: Nhất Thống Sơn Hà của bộ trường thiên tiểu thuyết TÂY SƠN TAM KIỆT, , bộ trường thiên đáng lưu tâm để mọi người cùng nhau ngẫm về quá khứ.

Với bộ trường thiên này, thật đáng để ghi nhận những nỗ lực tột cùng của tác giả. Sống ở Florida, giữa xã hội vật chất phương Tây đầy chuyển động thế mà Vũ Thanh miệt mài cầm bút và đã từng góp cho quê nhà truyện thơ Trường thi Hòn Vọng Phu (NXB Trẻ, 2012) tái hiện dung mạo đất nước một thời lắm nỗi trái ngang. Nay Vũ Thanh lại ra công tiếp tục thực hiện việc giới thiệu lịch sử, văn hóa của cố quận – vùng đất Bình Định, nơi còn lưu lại chuyện xưa qua những câu vè, nơi đã sản sinh ra bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ… Sự ghi nhận không chỉ ở công sức mà có cả tâm huyết trong người cầm bút, hồn luôn gởi ở quê hương.

Quê nhà Tây Sơn – Xuân Giáp Ngọ

Phan Trường Nghị

*** Sách có bán tại các nhà sách chi nhánh của nhà xuất bản Trẻ và Cty FAHASA toàn quốc.

 


[1] Trích Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, NXB Quân đội nhân dân, 1976{jcomments on}

0 thoughts on “Tây Sơn Tam Kiệt

    1. Quang Võ

      Cảm ơn lời chúc đẹp đầu năm của thuydukhuc. Chúc bạn và gia đình một mùa xuân tươi đẹp.

      Reply
  1. Nguyên Lương

    Gởi Vũ Thanh,
    Không ngờ hôm nói chuyện “đời xưa” mình có hỏi bạn khi nghiên cứu để viết Tây Sơn Tam Kiệt, có biết gì về tông tích Ðô Ðốc Nguyễn Văn Lộc. Hôm nay rất vui được bạn gởi cho đọc một đoạn trong sách bạn viết về hai người: Bà Bùi Thị Xuân và Nguyễn Văn Lộc, một phía ông nội, một phía bà nội. Từ bé, những năm 58-60 còn thanh bình, cả giòng họ của nhà mình từ Cảnh Vân, Phước Thành hay ra tận Kỳ Sơn để dọn cỏ ngôi mộ ông tổ ở đó. Ngôi mộ ông tổ của mình thiết kế không giống mộ người Việt mà có nét của người Tàu. Tìm hiểu mới biết nguồn gốc của họ tộc mình là người Tàu, từ Ninh Bình, theo chúa Nguyễn vào đàng trong lập nghiệp, đổi từ họ Lâm theo họ của Chúa Nguyễn (cũng như anh em Tây Sơn đổi từ họ Hồ). Ông tổ của họ tộc mình là Nguyễn Văn Lộc (như bạn đã có nhắc đến trong câu chuyện này), trong sách sử có nhắc đến là Ðô Ðốc Lộc, Ðô Ðốc Thuyết, là hai danh tướng đã đánh thẳng vào thành Hà Hồi và Ngọc Hồi để tiêu diệt quân Thanh trong dịp Tết năm Kỷ Dậu.
    Sau lần Nam Chinh lần thứ 3 của Nguyễn Huệ vào nam đánh Nguyễn Ánh, Ðô Ðốc Lộc qua đời, xác được mai táng đưa về làng Cảnh Vân để cho dân tưởng 1 tuần lễ nhớ rồi đưa ra Kỳ Sơn chôn cất. Mình đặt tên đứa con trai thứ 2 là Nguyễn Kỳ Sơn để tưởng nhớ đến nơi ông Tổ đã dựng nghiệp. Cách nay 3 năm, một nhà báo của tờ Báo Bình Ðịnh, có bài viết về Ông Ðô Ðốc Nguyễn Văn Lộc, lên tận trên quê Phước Thành của mình để tìm hiểu, nhưng những người biết chuyện cũ không ai còn sống nên đã không tìm ra manh mối. Thời Gia Long, tất cả những ai liên hệ tới Tây Sơn đề phải dấu kín tông tích để không bị vạ lây.
    Như giòng họ bà Bùi Thị Xuân, họ Bùi của Bà Nội mình, có một thời cũng phải đồi qua họ khác để tránh né chính quyền. Những ngôi chùa, nói là để thờ Phật, như Chùa Nguyên Thiều trên tháp Bánh Ít, chính là để thờ gia đình họ Bùi này. Hậu duệ cuối cùng của họ Bùi trên An Nhơn, làng Tình Giang, là Bùi Hàn, người chăm lo cho chùa Nguyên Thiều đã qua đời trong lần Chùa bị tấn công và bỏ hoang từ năm 66(?).

    Reply
  2. Nguyên Lương

    (viết tiếp)
    Trường TH Bồ Ðề Nguyên Thiều ở Diêu Trì được gia đình nổi tiếng ở Phước Thành là những GS Trần Bùi Tung, Trần Bùi Thao, Trần Bùi Nghê.. (có Mẹ cũng họ Bùi) dựng nên, khi Chùa Nguyên Thiều trên Tháp Bánh Ít đã trở thành đồn lính.
    Vũ Thanh đã có công sưu tầm, viết lại những trang sử hào hùng, một thời đã xảy ra trên đất Bình Ðịnh, thật đáng ngưỡng mộ. Tài tưởng tượng, hư cấu câu chuyện từ chính sử, đã lôi cuốn người đọc.
    Những gì về thời đại Tây Sơn, tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho hậu thế lòng tự hào về dân tộc, đã một thời đánh tan bọn xâm lăng phương Bắc. Vì nhà Nguyễn Gia Long có tư thù với Tây Sơn, nên sử gia của họ đã bóp méo tất cả sự thật, chỉ coi Tây Sơn là phường Thảo Khấu, và tất cả công trạng thống nhất sơn hà, đánh đuổi quân Thanh, quân Xiêm xâm lăng đã bị Gia Long xóa bỏ. Thảo nào dân ta, biết rõ về Lưu Bang, Hạng Võ từ thời Hán Sở Tranh Hùng bên tàu hơn là biết về nhà Tây Sơn với Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Lộc…
    Viết lại những trang sử này, dù với ý chính là “lần dở sách đèn” mua vui, nhưng việc làm của Vũ Thanh thời nay và mãi mãi về sau con dân đất Việt sẽ ghi nhận và hãnh diện Cha Ông ta đã một thời như thế. Hàng ngàn trang sách bạn viết miệt mài trong bao nhiêu năm thật không ai dễ gì làm được. Phải là một người mang nặng tình yêu quê hương, tổ quốc lớn đến thế mới làm nên việc. May mắn đất Qui Nhơn thời nay còn có người như bạn. Mình đang đọc 4 tập trường thiên Én Liệng Truông Mây, say mê đến thẩn thờ. Cứ đọc đến đâu, gấp sách lại rồi mường tượng đến đấy. Ðọc mất thời gian như thế, tưởng tượng phải nhớ đến từng nhân vật, từng cá tính, cách uống rượu, đường quyền… của hàng trăm anh hùng thời đó, không dễ chút nào.
    Có những người cặm cụi làm công việc như Vũ Thanh, sợ gì con cháu ta mai kia không đi tìm sử Việt mà đọc. Rồi câu chuyện bạn viết sẽ được đóng thành phim ảnh, sẽ cho cả thế giới thấy được: dân Nam đã có một thời như thế.
    Chúc mừng, chúc Tết vui.
    NL

    Reply
    1. Quang Võ

      Chúc mừng năm mới anh Nguyên Lương ơi.
      Cảm ơn những lời nói đẹp đầu năm của anh dành cho Vũ Thanh. Những câu chuyện về những nhân vật Tây Sơn trong bộ tiểu thuyết Tây Sơn Tam Kiệt, Vũ Thanh đã sưu tầm trong các sách sử, các bài viết nghiên cứu về triều đại Tây Sơn, sau đó bằng nhận định và sự tưởng tượng cá nhân, Vũ Thanh ghi lại thành tiểu thuyết. Tuy viết với dạng tiểu thuyết để câu chuyện lunh linh dễ đọc hơn nhưng cốt lõi của câu chuyện là sự thật lịch sử, Vũ Thanh không muốn bày vẽ thêm ra vì như thế sẽ làm giai đoạn lịch sử này vốn mù mờ càng mù mờ thêm.
      Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến có rất nhiều người xuất thân nghèo khó nên cuộc đời phải trải qua những giai đoạn cơ hàn, làm những công việc hạ tiện. Nhưng như Nguyễn Huệ đã nói với Nguyễn Văn Lộc “không gian nan đâu phải anh hùng”. Và ông tổ của anh là một trong những người anh hùng theo dạng như vậy.
      Dân tộc Việt không may ở cạnh một kẻ thù khổng lồ phương bắc, cho nên bao nhiêu kho tàng trân qúy từ vật chất đến tinh thần đều bị chúng cướp đoạt, xóa bỏ hoặc sửa đổi theo chiều hưóng có lợi cho chúng khiến cho kho tàng văn hóa và lịch sử của chúng ta còn lại thật ít oi. Đã thế, có một triều đại liệt oanh như Tây Sơn thì còn bị thêm cảnh người Việt thù hận người Việt mà xóa sạch đi!!!!

      Reply
      1. Quang Võ

        Ô hô!! Ngẫm nghĩ mà đau, mà thương!!! Cho nên Vũ Thanh cố gắng hết khả năng mình để xây dựng lại. Những mong góp một chút ánh sáng soi lại những nơi còn tăm tối của giai đoạn lịch sử đau thương này, cũng như quyết tâm tìm mọi cách để đưa làn ánh sáng này ra khắp năm châu bốn bể. Vũ Thanh hy vọng người Việt trong nước và khắp nơi trên thế giới cùng nhau góp sức trong công việc này. Vũ Thanh đã gởi một bài tóm lược bằng tiếng Anh về nội dung bộ tiểu thuyết Tây Sơn Tam Kiệt cho hệ thống thư viện Hoa Kỳ, hy vọng họ chú ý mà đặt hàng cho các thư viện trên thế giới, nếu đạt được điều này, ánh hào quang của vị anh hùng bách thắng Quang Trung – Nguyễn Huệ sẽ rực sáng khắp nam châu. Đối với vị anh hùng này, Vũ Thanh đã sùng kính và tặng cho người 2 câu thơ:
        Cổ kim bách thắng Long Nhương Tướng
        Nhất thống sơn hà Bắc Bình Vương
        Và đó cũng là tiêu đề của bộ truyện thứ nhì trong trường thiên Tây Sơn Tam Kiệt : NHẤT THỐNG SƠN HÀ – hy vọng sẽ hoàn thành và ra mắt các bạn trong năm nay, Ất Mùi – 2015.

        Chúc ban biên tập Hương Xưa và các bạn hữu một năm mới với nhiều hy vọng và thắng lợi mới.

        Reply
  3. Quang Võ

    Tặng thêm anh Nguyên Lương đoạn tiếp theo này:
    Hồi thứ ba
    Tây Sơn Quán anh hùng vui tương ngộ
    Bến Côn Giang, Giáo Hiến luận chữ “thời”
    *
    Ba con tuấn mã phóng một mạch đến tờ mờ sáng thì tới chợ Nước Mặn. Bà Mẹ của Lộc vì đang bệnh, lại phải đi ngựa trong đêm gió lạnh nên lên cơn ho liên tục. Lộc ôm Mẹ sát vào lòng lo sợ nói:
    – Mẹ ráng chịu đựng, để con vào chợ tìm mua thuốc cho Mẹ uống.
    Huệ nói:
    – Anh đưa Bác vào tiệm thuốc Nam đàng kia cho thầy coi mạch rồi nhờ thầy hốt thuốc luôn.
    Bèn dẫn Lộc đến tiệm thuốc. Tiệm còn đóng cửa, Huệ xuống ngựa đến gõ mạnh cửa xong đứng chờ. Một lát sau có tiếng đàn ông làu bàu:
    – Ai mới sớm gõ cửa ầm cả lên vậy?
    Tuy làu bàu nhưng cửa vẫn mở. Huệ vui vẻ chào:
    – Chào thầy Năm, cháu là Nguyễn Huệ đây, xin lỗi đã phá giấc của thầy Năm.
    Ông thầy Năm tuổi trạc bốn mươi ngoài, vừa thầy Huệ đã niềm nỡ:
    – Cháu Huệ đó à! Sao xuống đây sớm vậy? Có ông Biện đi cùng không?
    – Dạ không. Nhưng có người bác gái bị ho dữ qúa nên cháu tìm tới nhờ thầy coi mạch, hốt cho ít thuốc.
    Thầy Năm vui vẻ nói:
    – Đem vào đây. Bệnh bao lâu rồi?
    Lộc ẵm mẹ vào trong nhà. Bà cụ vẫn ho sù sụ không dứt, có cả máu trào theo cơn ho. Thầy Năm bắt mạch hồi lâu, thở dài nói:
    – Bệnh này chí ít đã kéo dài bốn, năm năm rồi phải không?
    Lộc đáp, giọng lo lắng:
    – Dạ đúng, thưa thầy. Là ho gì vậy thầy? Có sao không thầy?
    Thầy Năm đáp:
    – Tôi nghĩ lúc đầu chỉ bị cảm lạnh mà ho, nhưng không chịu uống thuốc, kiêng gió để cơn ho kéo dài làm phổi bị sưng. Phổi sưng lâu ngày nên biến chứng thành lao rồi.
    Lộc nhe nói mẹ bị lao là một trong tứ chứng nan y nên tái mặt hỏi gấp:
    – Có thể chữa được không thầy? Mong thầy làm phước, cháu nguyện suốt đời làm trâu ngựa…

    Reply
  4. Quang Võ

    Thầy Năm xua tay:
    – Cậu có hoảng hốt cũng không thay đổi được gì đâu. Tôi làm thầy thuốc thấy bệnh thì cứu, đâu cần cậu phải làm này nọ. Nói thật câu nghe nhé. Tôi có phương thuốc này có thể kéo dài tính mệnh của bà cụ, nhưng bệnh đã qúa nặng, dẫu có uống thuốc cũng không qúa ba tháng nữa đâu.
    Lộc kinh hãi hỏi nhanh:
    – Thầy nói sao? Không qúa ba tháng thôi à?!!
    Thầy Năm điềm đạm nói:
    – Là tôi nể mặt cháu Huệ đây mới bốc liều thuốc này để bà cụ cầm thêm hơi, người khác tôi đã khuyên đem người bệnh về chuẩn bị hậu sự rồi. Tôi làm nghề này mấy mươi năm, chưa có ai lâm vào tình trạng này mà qua được cả. Cậu đừng buồn.
    Mẹ Văn Lộc thều thào nói:
    – Thầy Năm nói đúng đó con, mẹ biết mình yếu lắm rồi, không qua khỏi đâu. Thôi con đừng nhận thuốc làm gì, để thuốc đó thầy cứu người khác.
    Lộc ôm mẹ khóc to:
    – Con làm sao ngồi nhìn mẹ chết mà không cứu. Mẹ cứ ráng đi, được lúc nào hay lúc đó mẹ à. Chỉ tại con là một đứa vô dụng.
    Bà cụ lắc đầu thều thào hỏi:
    – Con là đứa có chí, cố gắng lên sẽ thành hữu dụng.
    Lộc nức nở:
    – Con hứa. Con hứa với mẹ sẽ cố gắng để thành người hữu dụng.
    Giọng bà Lộc yếu ớt hỏi:
    – Ông Hai Phái đâu?
    Hai Phái nghe hỏi liền bước tới lên tiếng:
    – Tôi đây chị. Chị có gì căn dặn tôi?
    – Tôi muốn hỏi cưới Cô út Hương nhà ông cho thằng Lộc, mong ông chấp thuận cho.
    Hai Phái cầm tay bà cụ nói:
    – Tôi chịu trốn đi theo nó là chị biết rồi. Tôi đồng ý.
    Bà cụ nở nụ cười héo hắt trên môi nói:
    – Vậy ngay từ giờ phút này hai đứa nó đã thành vợ chồng, ông bằng lòng không?
    – Được, chị an tâm, tôi bằng lòng.
    – Út Hương đâu?
    Út Hương vội bước tới qùi xuống nắm tay bà cụ:
    – Dạ con đây.
    – Con đã là con..dâu của ..mẹ rồi..nhé. Lộc, con nhớ ..chôn mẹ..cạnh ..cha…
    Bà nói những tiếng cuối cùng rất nhỏ rồi ngoẹo đầu nhắm mắt. Lộc ôm mẹ khóc òa. Út Hương cũng thít thít khóc theo.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Vũ Thanh,
      Ðọc chuyện bạn viết gần 250 năm qua mà cứ như mới hôm qua.Ðược đọc truyện viết lại thời của Ông Tổ vào định cư trên vùng đất mới, đầy bất trắc, nhiễu nhương, như đang xem một phim cổ trang. Nghe gia đình kể những giai thoại thời đó có nhiều cọp về làng. Người biết võ phải đánh nhau với cọp để cứu dân (như trong truyện Vũ Thanh viết về Bừi Thị Xuân ra tay giết cọp để cứu người chồng tương lai) bây giờ nghĩ lại qủa thật con người thời khai thiêng lập địa đó oai hùng qúa. Giết cọp hay giết quan tham để trừ nạn cho dân là việc phải làm của những sĩ phu thời loạn. Mà thời loạn lạc nào cũng có anh hùng xuất hiện.
      Những nhân vật cầm kiếm thay vì cầm bút, dưới thời Trịnh Nguyễn, được Vũ Thanh phát họa có những nét rất nhân từ, lãng mạng. Bạn rất thành công khi viết về những người anh hùng này. Chỉ xin hỏi một câu: “Võ Thăng của vùng Phước Hưng, Kỳ Sơn thời đó có phải là tổ tiên của Võ Thanh Quang thời nay? “
      NL

      Reply
      1. Quang Võ

        Tôi cũng không biết nữa anh Lương ơi. Tổ của dòng họ tôi gốc ở Kỳ Sơn (chúng tôi vẫn về dẫy mả ở đó), vốn là dòng họ khá giả, nhưng đến đời ông Cao Tằng tổ thì ham mê cờ bạc nên bán cả sản nghiệp cha ông, phải lưu lạc về Phước Hưng. Sau đó chia làm hai chi, một chi chuyên về Phật pháp, ông Cố tôi là vị hoà thượng ở chùa Tịnh Lâm và Tịnh Quang, gần Núi Bà, là một rong những vị tổ lớn của BÌnh Định, là sư huynh của sư phụ của ngài Hòa thượng Thập Tháp. Có lần Cố tôi đã được triều đình Huế mời ra để đăng đàn chẩn tế trước mặt Vua, lần đó Cha tôi lúc còn là Đại đức Thích Nguyên Hương cũng được đi theo lễ đăng đàn. Một chi khác của họ Võ nhà tôi về Phước An, chuyên về ca hát. Ông Nội Bác của tôi là Chánh ca Võ Đựng, được triều đình Huế phong chức Chánh ca (một chức như Nghệ sĩ nhân dân trong nước bây giờ). Ông Cố Võ Đựng có hai người con là Võ Thơm (Bầu Thơm) và Võ Thị Ngọc Cầm đều là danh ca trong ngành hát Bội Bình Định mình. Con bác Võ Thơm là Võ Tho, Võ Lý… cũng tiếp tục nghề của Cha mình nhưng không nổi tiếng bằng Bầu Thơm.

        Về bốn anh em Tiều Hiệp Võ Thăng ở Kỳ Sơn, mai này tôi sẽ bỏ công sưu tầm thêm để xem có liên hệ gì với chúng tôi hay không. Họ vẫn còn nhà Từ đường ở Kỳ Sơn. Những chi tiết về gốc gác của họ trong truyện là dựa theo sự nghiên cứu của một nhóm học giả Bình Định vào năm 1988 bỏ công sưu tầm khi họ viết ra bộ sách Trên Đất Nghĩa BÌnh, truy cứu lại các địa danh và nhân vật có dính líu đến thời Tây Sơn. Đô đốc Diệu, Đô đốc Xuân, Đô đốc Lộc và nhiều nhân vật trong truyện của tôi… cũng có bài viết trong sách đó và tôi đã căn cứ theo để đưa vào truyện của mình. Đây là một bộ sách khả tín về thời kỳ Tây Sơn.

        Reply
  5. Quốc Tuyên.

    Lại được đọc một chương tiểu thuyét dã sử võ hiệp kì tình hay quá, cảm ơn Vũ Thanh! Chúc Vũ Thanh và gia đình năm mới an lành, hạnh phúc.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.