Đường Cũ, Phố Xưa

Tác giả: Hồ Sĩ Đình

Mùa Hè 72, nắng vẫn vàng nhưng sao tôi thấy có nhiều nóng cháy. Biển vẫn xanh nhưng lại gợn nhiều sóng bạc. Phượng vẫn nở trên hè phố như mọi năm, nhưng tôi không còn rộn rã nhìn hoa thắm trên nền lá xanh tươi, lại chỉ còn thấy một màu đỏ của lửa chiến tranh.

Ngoài những xe nhà binh chạy qua lại, những đường phố cũ bình an tấp nập và vui vẻ đã không còn nữa. Phố xá như đang ngủ say dù trời chưa tối. Những cánh cữa sắt của nhà ở, tiệm buôn đều mở hờ, như đang sẳn sàng để đóng kín đề phòng nguy hiểm bất ngờ xảy ra. Âu lo hiện rõ trên khuôn mặt của từng người.

Phần đông bạn bè tôi đều tản mát: đứa theo gia đình vào tận Nam để được xa bom đạn, đứa về quê chịu nguy hiểm để cùng gia đình chia xẻ thương đau. Tôi thấy lòng trống rổng vì thiếu vắng bạn bè. Tôi đang cần bạn bè chia xẻ, tránh né phiền lo để cùng nhau chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài 1 sắp đến.

Tôi đi tìm Hùng. Bước dọc theo đường Võ Tánh, quẹo phải trên Tăng Bạt Hổ, rồi men theo Cường Để để đến trường. Sân trường thật hoang vắng, biểu tượng cho sự sống không gì ngoài những cây xanh cố vươn tàn lá dưới nắng hạ vàng gắt.

Nhìn hàng cây xanh lá, tôi nhớ đến công lao đào hố của anh em học sinh. Năm ấy, trường tổ chức giải “đào lỗ trồng cây”. Thầy hướng dẫn Nguyễn Hữu Tánh hãnh diện nhiều vì lớp chúng tôi đã mang về giải nhất. Tôi không biết quí Thầy trong ban giảm khảo đã dựa vào tiêu chuẩn nào để phân hạng hầm lỗ, tôi chỉ biết hố chúng tôi sâu hơn vì may mắn không bị nhiều đá lớn cản trở và chung quanh mặt hố được chúng tôi dùng cát đất thấm nước “chà láng” một cách cẩn thận trước khi chấm điểm, như điêu khắc gia sửa sang lại những đường nét cuối cùng trước khi cho trình làng một tác phẩm nghệ thuật.

Tôi đi thăm hố được giải nhất, thời gian và gió bụi đã thổi bay đi những “phấn son” mà chúng tôi đã trét, chỉ còn thấy một thân cây èo uột hơn tất cả nhưng cây khác trên mặt đất cằn cỗi. Nhìn cây yếu ớt, tôi thương hại cho số phận không may, bị trồng vào một hố thật đẹp đẽ bề ngoài nhưng trong lòng lại chứa đầy đất xấu.

Thính đường của trường, thường được dùng cho những buổi nói chuyện, những cuộc diễn thuyết, kỳ tranh tài Anh ngữ hùng biện hoặc những đêm văn nghệ, giờ này đang buồn im dưới nắng. Các lớp học, tôi cùng bạn từng ngồi rách đít quần trong sáu năm qua, cũng đang đồng tình kín cữa, nhẫn nại chờ đợi cho một mùa Hè khói lửa chóng qua mau. Chiến tranh, thi cử và quân dịch làm tôi buồn nghĩ đến chuyện không may, không thể tiếp tục học hành mà phải mãi mãi rời xa ngôi trường yêu dấu.

Tôi trông chờ vào sự may mắn. Đúng vậy, tôi học hành bê bết và sẽ chẳng bao giờ đi lên được nếu không có bậc thang may mắn. May mắn đã giúp tôi hoàn tất lớp 11 chờ thi Tú Tài 1 và đã tạo nên tôi, một kẻ “sĩ” hôm nay. Đậu Tú Tài 1, đôn quân, tôi được vào trường Sĩ Quan. Thi rớt, chẳng chần chờ, tôi sẽ bị đưa đến trường Hạ Sĩ Quan. Chắc chắn tôi sẽ mang được chữ “Sĩ” bất luận kết quả của kỳ thi. Đó là chưa nói đến tên lót của tôi.

Nhìn dãy lớp hình chữ “L”, nơi có cây phượng lớn tỏa bóng mát xuống bãi đậu xe gắn máy của giáo sư và văn phòng thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Mộng Giác, tôi mơ ước may mắn vẫn còn theo tôi để tôi còn được tiếp tục ngồi dưới mái trường này thêm năm nữa.

Năm lớp 1 tôi ghét 1 môn: tập viết bằng ngòi viết lá tre mềm nhũn. Năm nay, lớp 11, tôi ghét hết tất cả 11 môn: đại số, hình học, lượng giác, sử, địa, vạn vật, lý, hóa, Pháp, Anh, Việt văn. Học dở môn nào ghét môn ấy. Tôi còn ngu ngơ và rụt rè vì nhút nhát. Ngoài cái nhát “sợ mang tiếng dốt”, tôi còn nhát đối diện với sự việc mới lạ, và còn nhát nhiều thứ nữa: Cắp sách đến trường hoặc về nhà trên lề đường Võ Tánh, khi nghe được những giọng nói thánh thót và tiếng cười khúc khích phía sau lưng, không dám quay lại, tôi cố bước nhanh hơn; lúc thấy đám áo trắng thướt tha tiến gần phía trước, tôi lặng lẽ nhưng nhanh chóng thay đổi lề đường, bất kể xe cộ.

Học thầy, tôi đã quên gần hết. Tôi chỉ còn cách học bạn. Tôi mong được gặp Hùng, người bạn thân đang trông coi phòng thí nghiệm trường. Cữa phòng thí nghiệm đang mở lớn. Tôi hớn hở bước vào, thấy Hùng đang ngủ trưa trên hai chiếc bàn học ghép sát nhau, bên cạnh cuốn sách toán Hình Học Không Gian của Nguyễn Xuân Vinh còn đang mở và vài ba cuốn tập của Huyến còn ngổn ngang. Tôi mừng rỡ vì không những đã gặp Hùng mà còn sẽ gặp được Huyến chiều nay.

Ba thằng tôi học hành, trò chuyện bên nhau quá vui vẻ, đến nỗi tạm quên đi cái điêu linh của đất nước. Chúng tôi thay phiên nhau làm thầy làm trò để nhai đi, nhai lại những tô cơm nếp không một chút gia vị của lớp 11.

Chung quanh trường, trên những góc đường Cường Để, Tăng Bạt Hổ và Hai Bà Trưng, rải rác có nhiều am miếu. Mỗi nửa tháng qua đi là mỗi lần chúng tôi được no say bánh chuối, có khi có cả chè xôi nữa. Mùng một âm lịch này, cũng như ngày rằm qua, sau khi chờ Thần Linh hưởng mùi nhang khói, ba thằng tôi đi thăm viếng tất cả bàn thờ ngoài đường để mang về phòng thí nghiệm thật nhiều trái cây và chè bánh. Đêm đến, bụng quặn thắt, tôi đau bụng như chưa bao giờ từng đau, dầu Nhị Thiên Đường xoa gần nửa chai, bụng tôi vẫn chưa thấy nóng. Một con ngựa bị đau, cả tàu tiếp tục ăn chuối bánh. Đã vậy, Hùng Carbon còn giảng giải: “Tao đã nói với mày rồi! Để khỏi bị Thánh phạt, mày phải lạy ba lạy trước khi chôm”. Tôi chỉ biết nhăn mày ôm bụng và méo miệng: “Mình chỉ hưởng đồ thừa thôi mà”.

Ngoài Quảng Trị ra, súng đạn các nơi khác vẫn còn vang nhưng thưa thớt dần, Qui Nhơn tôi dần dần trở lại như cũ. Gió bão lớn qua đi, cây cành bớt xao động, đàn chim ẩn gió lần lượt bay về tìm tổ cũ. Phố xá Qui Nhơn tấp nập hơn, chợ búa nhiều người lui tới và bạn bè tôi đều đông đủ. Qui Nhơn tôi giờ này đủ yên ổn để Bộ Giáo Dục tiến hành những kỳ thi như dự định.

Ngày thi Tú Tài 1 của năm 1972 rồi cũng đến. Tôi cùng bè bạn xách bút thước đi thi. Không được lựa chọn để trốn tránh, hôm nay tôi bị buộc phải vào tận sào huyệt của bọn con gái, trường Nữ Trung Học. Cũng may phần lớn những tà áo trắng còn đang ở nhà với mẹ hoặc đang ở trong lòng Chợ Lớn để tìm mua ô-mai và me chua, chỉ có một số ít bị xen kẽ với lũ nam nhi như tôi, nên tôi bớt rụt rè. Qua khỏi cầu thang, phòng học thứ nhì bên trái là phòng tôi phải vào để run rẩy chờ đề thi. Vì thứ tự tên họ, tôi được xếp ngồi cạnh Lê Quang Định, có dáng người phong trần và kinh nghiệm đời hơn tôi nhưng lại còn trẻ hơn tôi đúng nửa tháng. Tôi sinh ngày 15 tháng 2 và “30 tháng 2” là ngày tháng sinh của anh bạn Lê Quang Định. Tôi chẳng có chút thắc mắc nào khi nhìn thoáng qua ngày sinh này, tuy nhiên khi nghĩ đến nửa tháng, đúng mười lăm ngày, sau ngày 15 tháng 2, tôi mới biết được rằng suốt cuộc đời của bạn Lê Quang Định, không phải tốn một cây đèn bạch lạp và cây quẹt diêm nào để mừng sinh nhật, cho dù anh có sống thọ hơn trăm năm. Chắc chắn là bạn Định đã ít nhất được một lần tái sinh, tại một vùng quê hẻo lánh nào đó mà các quan thầy giấy tờ địa phương chưa một lần coi lịch tháng hai. Tôi chợt thông cảm cho Lê Quang Định, không may lãnh số phận một người con trai độc nhất của gia đình trong thời chinh chiến, lại không còn mẹ già để chăm nuôi, để được hoãn dịch vì gia cảnh. Tôi thông cảm vì ngay cả chính tôi, tương lai xa không nhìn thấy được vì học sau quên trước, tương lai gần mà gia đình tôi mong muốn là thi đậu kỳ này để được hoãn dịch thêm năm nữa.

May mắn vẫn còn ở quanh tôi. Tôi lại được tiếp tục cắp sách đến trường!

Không như những niên học qua, niềm vui của mùa tựu trường năm nay bị che mờ bỡi khói lửa chiến tranh chưa tan biến hết. Cho dù Quảng Trị đã được bình yên, nhưng chúng tôi không khỏi buồn nghĩ đến biết bao nấm mồ của đồng bào, trẻ em vô tội và của các anh lính chiến đang chờ xanh cỏ, để thấy được rằng mình thật diễm phúc, còn có cơ hội ngồi chung với bạn bè năm cuối cùng của bậc trung học.

Con đường học trò chúng tôi đi trước đây thênh thang thẳng tắp, có chút ít luyến lưu khi hè đến vì bạn bè xa cách nhau ba tháng, nhưng rồi lại bắt đầu được gặp lại nhau vào mỗi cuối Thu. Kỳ thi Tú Tài 1 như một ngã tư đường, chờ đón để phân rẽ chúng tôi ra nhiều phương, mà trong đó có những hướng đi chúng tôi không có quyền lựa chọn. Đứa học giỏi hoặc may mắn như tôi, thi đậu, được bước thêm được đoạn ngắn nữa; thằng học không dở nhưng kém may mắn, bị rớt, phải vào Đồng Đế; nhiều bạn thi đậu nhưng vì hạ tuổi hoãn dịch nên phải vào Thủ Đức hoặc thi vào Sư Phạm để rồi trở thành những sĩ quan trẻ măng hoặc nhà giáo mặt còn búng ra sữa. Tôi bắt đầu nghe thấy mùi vị của “mỗi đứa mỗi nơi”. Vài bạn chí thân đã không cùng tôi gặp mặt hàng ngày nữa. Lớp 12 của chúng tôi năm nay thiếu vắng đi một số bạn bè đã từng ngồi chung lớp, từng học cùng Thầy cùng Cô trong suốt sáu năm qua.

Bình an, vô tư, vui vẻ, yêu đời và học tập là những thiêng liêng của tuổi học trò của chúng tôi, nếu không phải là của riêng tôi. Mặt hồ “bình an” đã bị những tảng đá rơi của chủ nghĩa làm xao động mạnh, lung lay cả “vô tư” và “vui vẻ”. Tôi cố trân trọng gìn giữ những gì đang có, để tuổi học trò tôi được thêm đúng nghĩa là tuổi học trò.

Tôi mau chóng quen thân với bạn bè mới vào từ các trường khác, trong đó có chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trần Thị Sỹ và Đỗ Thị Minh Tâm. Tôi vui mừng được học những môn chỉ được học ở lớp 12 như toán giải tích, đạo hàm, nguyên hàm và triết học. Cũng vì vậy mà khi cắp sách đến trường, tôi thường kẹp sách toán giải tích ngoài cùng, cho dù xấp sách vở có mất thăng bằng và làm tôi mỏi tay mấy đi nữa, tôi cũng cố gắng cầm giữ một bên cho tựa sách thật lớn lộ ra ngoài, với mục đích là khỏi cần mở miệng mà cũng hiên ngang la làng được rằng: “Ta đây đang học lớp 12, lớp cao nhất của bậc trung học!”

Tôi thật hảnh diện vì được làm đệ tử thầy Tâm dạy triết và thầy Bé vừa dạy toán vừa là vị giáo sư hướng dẫn. Tôi rất quí mến thầy Bé vì cái tính thẳng thừng như 1 cọng 1 bằng 2, vì cái trẻ trung nhưng đứng đắn và vì cái nghiêm nghị không ngộp thở của thầy. Tôi bị thầy “bắt” làm trưởng lớp, có nghĩa là thầy “đì” tôi phải cùng với 4 trưởng lớp khác, chia phiên lãnh lấy trách nhiệm điều khiển chào cờ mỗi sáng thứ hai. Một buổi sáng thứ hai, cũng như những ngày đầu tuần khác, anh em với đồng phục trắng, ngay thẳng từng hàng quanh trụ cờ giữa sân trường. Tôi cũng đồng phục trắng nhưng lại lẻ loi trên cao, gần trụ cờ, để hát trước vài chữ của bài Quốc Ca. Tôi chẳng nhớ, tôi đã ngu dại gióng giọng bắt đầu bài quốc ca cao đến cỡ nào, để đến khúc có những “nốt” cao, cả trường đều im tiếng nhép miệng, chỉ còn 2 “ca sĩ” của trường, Thành và Huyến, rống to, khoe giọng làm át cả tiếng máy bay đang đáp xuống tại phi trường Qui Nhơn. Tôi lo sợ, lấm lét liếc nhìn các vị giáo sư, nhưng lại yên tâm nhiều khi thấy thầy Bé đang mỉm cười.

Mùa Hè Đỏ Lửa
đã ra đi, an lành và nhộn nhịp đã về lại với phố Qui Nhơn. Chúng tôi vui vẻ cắp sách đến trường, thi đệ nhất lục cá nguyệt, cắm trại tất niên, rồi rộn ràng nghe bản Ly Rượu Mừng chen lẫn cùng pháo Tết reo vui khắp phố.

Rồi một mùa Hè nữa lại đến, mùa hè cuối cùng của đời học sinh tôi cũng đã đến, tôi lại phải say goodbye for the Summer. Có ai đó, nhưng vì nhát cáy, tôi chưa dám viết vài chữ nên cũng chẳng có được một lá thư tình nào để tôi sealed with a kiss. Tôi sẽ không còn hàng ngày cắp sách đến trường trên những con đường quen thuộc nữa, nên cái hy vọng meet in September mong manh như làn khói đã bay lên cao ngàn thước.

Ngày 27 tháng 6 năm 1973, tôi cùng bạn bè lần nữa lại phải ứng thí. Vào phòng thi, tôi tò mò tìm kiếm nhưng không thấy được anh bạn sinh ngày 30 tháng 2. Tôi ngẫm nghĩ: Có lẽ anh Lê Quang Định đã không may, bị rớt rồi lại phải tái sinh lần nữa để trở thành một con người khác với tên họ và ngày sinh mới.

Đời người, có rất nhiều sự kiện tưởng rằng chẳng thể nào có thể xảy ra, nhưng lại thật sự xảy ra, như chuyện: chó táp nhằm ruồi đến hai lần.

Tôi qua khỏi được 2 cái Tú Tài không vì tài năng mà chỉ vì may mắn. Tuy nhiên tôi chẳng bao giờ muốn trả lại những gì Trời đã cho. Tôi ôm khư tờ giấy Tú Tài 2, làm hành trang để lên đường, bắt đầu một cuộc sống xa nhà. Tôi đón xe lam lên bến xe mới gần chợ Dinh, để chuyển qua xe đò lớn, tôi chẳng để ý xe đò thuộc hảng nào, có lẽ là của Phi-Long Tiến-Lực.

Bến xe mới, sáng sớm rộn ràng. Tiếng la, tiếng gọi và cả tiếng chửi thề ồn ào khắp bến, nhưng tôi như đang trong một thế giới riêng, yên lặng một mình trên chiếc ghế xe không mấy thoải mái. Tôi nao nao hướng đến đời sống sinh viên, một bầu trời mới của những con chim vừa đủ lông đủ cánh, mà lòng vừa rộn ràng vừa man mác. Từ nay tôi sẽ không còn phải một ngày nghe mấy bận những tiếng “học bài đi chớ mày!”, “mày đi chơi nhiều quá!” hoặc “coi chừng bị rớt, đi lính!” nữa. Từ nay tôi sẽ sống cuộc sống tự do hơn tuy vẫn chưa tự lập được vì sẽ phải nhận “mandat” từ gia đình mỗi tháng.

Xe lắc lư làm tôi thôi mông lung mơ mộng để biết được rằng chiếc xe đang chuyển bánh.

Chiếc xe đò có tôi, đang rời xa Qui nhơn và đang vội biến “con phố thương có nhiều con đường nhớ” trở thành “những con đường cũ trong con phố xưa” dù chỉ mới cách vài tiếng đồng hồ và xa chưa đầy chục cây số.

Xe đò lăn ra khỏi bến xe mới, trên con đường đất đầy ổ gà còn đọng nước của cơn mưa đêm qua, quẹo trái, leo lên đường nhựa để hướng đến ngả ba Phú Tài.

Chuyến xe lịch sử này đang đưa tôi đi xa thật xa, bỏ lại phía sau lưng những vàng son của cuộc đời, trong đó có bạn bè thân thiết mà có thể tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại; có tình bằng hữu thuần túy trong suốt, không một vết bụi của vị lợi và giai cấp; có cả một tuổi xanh đẹp đẽ vui tươi của thuở học trò, quãng thời gian tuyệt vời nhất của đời tôi!

Quay nhìn lại phía sau, khói trắng đục từ ống “bô” của chiếc xe đò chỉ làm tôi thấy được dãy bạc hà đang lung linh hai bên đường, mà không nhìn được đàng sau xa: những con đường cũ in nhiều vết chân tôi, trong con phố xưa chứa đầy kỷ niệm.

Hồ Sĩ Đình

Tha thiết nhớ đến:

-Hai bạn thân, Huyến và Hùng, đã quá sớm vĩnh viễn xa rời tôi!

-Và tất cả bạn bè tôi hiện ở khắp ba miền hay đang lưu lạc khắp năm châu!

{jcomments on}

0 thoughts on “Đường Cũ, Phố Xưa

  1. Huyền Xưa

    Bài viết hay và ngậm ngùi lạ lùng , thích nhất đoạn nầy :
    Năm lớp 1 tôi ghét 1 môn: tập viết bằng ngòi viết lá tre mềm nhũn. Năm nay, lớp 11, tôi ghét hết tất cả 11 môn: đại số, hình học, lượng giác, sử, địa, vạn vật, lý, hóa, Pháp, Anh, Việt văn. Học dở môn nào ghét môn ấy. Tôi còn ngu ngơ và rụt rè vì nhút nhát. Ngoài cái nhát “sợ mang tiếng dốt”, tôi còn nhát đối diện với sự việc mới lạ, và còn nhát nhiều thứ nữa: Cắp sách đến trường hoặc về nhà trên lề đường Võ Tánh, khi nghe được những giọng nói thánh thót và tiếng cười khúc khích phía sau lưng, không dám quay lại, tôi cố bước nhanh hơn; lúc thấy đám áo trắng thướt tha tiến gần phía trước, tôi lặng lẽ nhưng nhanh chóng thay đổi lề đường, bất kể xe cộ.
    Huyền hồi đó cũng bị ép học nên ghét học lạ lùng bạn ơi!

    Reply
    1. Đình

      Huyền mến,
      Mình ham tắm biển và thích đi cắm trại nhiều hơn là ngồi trên căn gác, dưới mái “tôn” nóng đốt, để gạo bài. Có một năm, lúc còn học đệ thất (lớp 6), mình học hơi được được về tiếng Pháp, nên rất thích môn này, còn bao nhiêu là ghét hết …
      Cảm ơn Huyền đã đọc và khích lệ!

      Reply
  2. Thu Thủy

    Tôi sinh ngày 15 tháng 2 và “30 tháng 2” là ngày tháng sinh của anh bạn Lê Quang Định. Tôi chẳng có chút thắc mắc nào khi nhìn thoáng qua ngày sinh này, tuy nhiên khi nghĩ đến nửa tháng, đúng mười lăm ngày, sau ngày 15 tháng 2, tôi mới biết được rằng suốt cuộc đời của bạn Lê Quang Định, không phải tốn một cây đèn bạch lạp và cây quẹt diêm nào để mừng sinh nhật, cho dù anh có sống thọ hơn trăm năm. Chắc chắn là bạn Định đã ít nhất được một lần tái sinh, tại một vùng quê hẻo lánh nào đó mà các quan thầy giấy tờ địa phương chưa một lần coi lịch tháng hai. Tôi chợt thông cảm cho Lê Quang Định, không may lãnh số phận một người con trai độc nhất của gia đình trong thời chinh chiến, lại không còn mẹ già để chăm nuôi, để được hoãn dịch vì gia cảnh. Tôi thông cảm vì ngay cả chính tôi, tương lai xa không nhìn thấy được vì học sau quên trước, tương lai gần mà gia đình tôi mong muốn là thi đậu kỳ này để được hoãn dịch thêm năm nữa.

    Bài viết gợi nhớ đến một thời đã qua, hẳn là không bao giờ phôi pha trong tâm trí những người học trò ngày ấy.
    Bài viết mới ngậm ngùi làm sao, khi những người bạn thân “đã quá sớm vĩnh viễn xa rời tôi!”, mà kỷ niệm của bạn thì đầy ắp trong trái tim tôi. Có những đoạn kể vui, dí dỏm khi người bạn ngồi bên cạnh lại sinh đúng vào ngày 30 tháng 2. Và những nét bẽn lẽn, ngây ngô của một chàng trai mới lớn, mới dễ thương làm sao. ( Có lẽ giờ đây chàng ta đang tiếc hùi hụi, vì tội nhát gái của mình). Còn biết bao cảm xúc mà bài viết đã dẫn dắt người đọc cùng vui, cùng buồn theo lối kể chuyện rất có duyên của tác giả.
    Câu chuyên phá phách của lũ học trò thì không bao giờ hết, nhưng mỗi “chuyện buồn ấy nhắc lại thấy vui vui, mà chuyện vui nhắc lại thấy bùi ngùi”.
    Cám ơn anh Hồ Sĩ Đình đã dưa mọi người trở về một thời kỳ hoa mông của đời người.

    Reply
    1. Đình

      Thu Thủy mến,
      Chỉ quen biết nhau trong phòng thi, không biết anh Lê Quang Định có còn nhớ mình không. Hai thằng mình có đề cập về ngày sinh này và anh tỏ ra lo lắng lúc đó. Đã 41 năm rồi, giờ này gặp nhau có lẽ cũng chẳng ai nhận ra ai. Thời gian qua lẹ quá! Người mất, người còn và có người chẳng nhận ra nhau …
      Thủy à, anh chàng nhát cáy, có tiếc nhưng không đến nỗi hùi hụi, vì chàng ta tự an ủi rằng thì là: may là thuở đó tim chỉ “rung” nhưng chưa “động” nhiều, để bây giờ ta khỏi phải đau khổ mà ca bài “tôi vẫn chờ em”.
      Cảm ơn Thu Thủy nhiều lắm! Đã đọc kỹ Đường Cũ-Phố Xưa và khích lệ!

      Reply
  3. Xanh

    Nghe tựa đề thật ấn tượng , càng đọc càng thấy thú vị và khi hồi ức đến kết cuộc thấy bâng khuâng lạ thường chợt nhớ câu thơ của VĐL:
    Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ.

    Reply
    1. Đình

      Xanh mến,
      “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”. Buồn thiệt! Vắng dần, mất mát lần. Bạn bè, còn số đông chẳng biết lưu lạc phương nào và còn hay mất.
      Ước mong “mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông Đồ già”. Nhưng đi ngược thời gian, chắc là khó lắm, phải không Xanh?
      Cảm ơn Xanh đã nhắc đến 2 câu thơ não lòng của VĐL và xin cảm ơn Xanh đã đọc ĐC-PX.

      Reply
  4. Hồng Phượng

    Bài viết nhắc nhớ bao kỷ niệm của tuổi học trò hoa mộng … nhưng cũng không thể xa lìa thực tế , và , thật ngậm ngùi như bài thơ “Năm 17 tuổi ” của anh Huỳnh Minh Lệ! Dù sao đi nữa chúng ta vẫn cảm ơn đời vì sau bao nhiêu sóng gió, chúng ta vẫn còn gặp nhau…Bài viết của anh cũng làm P. nhớ lại chuyến viễn du ngồ ngộ năm 1972 khi …bỏ trường mà đi!

    Reply
    1. Đình

      Hồng Phượng mến,
      Tuổi học trò của đám con trai, dù có bị cắt ngắn đi một vài năm để gia nhập quân ngũ hoặc vào trường chuyên nhiệp sớm, nhưng cũng còn hoa mộng!
      Năm ấy mình cũng làm “chuyến viễn du” đến Bình Tuy nhưng chắc là về lại QN sớm hơn Hồng Phượng nên thấy phố xá thật vắng vẻ và buồn tênh. Rồi cùng Huyến và Hùng bụi đời trong khuôn viên trường Cường Để (Huyến là người bạn rất thích thú nghe/biết những gì liên quan đến Trang Tân, Ty Ngân Khố)
      “Còi: chậm lớn”. Tuy là lời đùa giỡn của cái thời hoa mộng, nhưng lại là 1 tiên đoán thật chính xác. Bằng chứng là sau 4 chục năm vẫn còn tươi trẻ và vui vẻ.
      Cảm ơn đời chúng ta vẫn còn gặp nhau!
      Cảm ơn Hồng Phượng đã đọc bài của mình!

      Reply
  5. HN Tín

    Hồi ức của một thời học sinh thật dễ thương được anh thể hiện rất sinh động, giống như chuyện của ngày hôm qua dù nó đã xa mấy chục năm rồi.
    Giọng văn dí dỏm, dễ thương đến lạ lùng.Hay lắm anh Hồ Sĩ Đình.
    Bài viết của anh làm tôi liên tưởng đến thời học sinh của mình cũng giống đúc như những gì anh viết.

    Reply
    1. Đình

      HN Tín mến,
      Cảm ơn Tín đã đọc ĐC-PX và để lại vài câu thật khích lệ!
      Đời học sinh của mình, của tụi mình đó Tín ơi! Bây giờ không còn nữa, nhớ chứ không buồn vì cái gì cũng có kết cục của nó, phải không Tín?
      Nơi Tín ở chắc là lạnh lắm! Chúc vui và ấm cúng!

      Reply
      1. Đình

        Phong ơi,
        Ông nhớ lại thời xa xưa nhiều lắm, và tui cũng còn nhớ dọc theo bãi biển có nhiều quán nước, kể cả Gió Khơi. Nhớ QN trong những năm lửa đạn. Phố xá bày bán thật nhiều những đồ gọi là lưu niệm, để nhiều anh lính Mỹ mua về nước khi mãn nhiệm kỳ, kể cả các búp bê cô gái áo dài Nam Trung Bắc VN. Trong thành phố thì đồn bót, bao cát, kẽm gai tứ phía . Thời đó du đảng cũng nhiều. Du đảng là 1 phần của bên đen tối của xã hội thời đó. Ông bị du đảng nó rượt có nghĩa là Phong thuộc về phía trong sáng rồi. Như bạn Hồng Phượng vừa nói trên, mình qua thật nhiều sóng gió. Phong nhắc lại đây, tui mới nhớ ra rằng sóng gió có ngay trong thời hoa mộng của tụi mình mà mình đã cố tình hay vô ý cho nó ra khỏi … cái hoa mộng . Đã nói la thời hoa mộng, sao ông còn nhớ đến chuyện Trắng-Xanh-Ân-Oán mà làm chi? Nói đùa chơi, chứ hay hay dở, xấu hay tốt gì đi nữa, nó cũng đã nằm trong phần đời của tụi mình, dù tui chẳng có phần. Ước gì những chuyện không hay này chẳng bao giờ xảy ra và ước gì thời trẻ ai cũng tu thân và đằm tính như tụi mình bây giờ.
        Nếu như hồi đó ông và tui mỗi người có một ai đó để viết thư tình rồi dán thư lại bằng một nụ hôn thì chắc là … hoa mộng hơn.
        Đúng đó Phong ơi, HCA là anh em với tui.
        Gửi lời thăm Hòa và tất cả bạn bè tui!
        Cảm ơn Phong đã vào HX đọc bài của tui và còn kể lại những kỷ niệm buồn!

        Reply
  6. camtucau

    Bài viết quá hay, đã nhen nhúm lại tuổi học trò xa xưa, làm người đọc ngậm ngùi
    Chuyến xe lịch sử này đang đưa tôi đi xa thật xa, bỏ lại phía sau lưng những vàng son của cuộc đời, trong đó có bạn bè thân thiết mà có thể tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại; có tình bằng hữu thuần túy trong suốt, không một vết bụi của vị lợi và giai cấp; có cả một tuổi xanh đẹp đẽ vui tươi của thuở học trò, quãng thời gian tuyệt vời nhất của đời tôi!

    Reply
    1. Đình

      Chị Tú Cầu kính mến,
      Năm ấy, em chỉ biết là chuyến xe đò đưa em đi xa thiệt xa, mà không ngờ được rằng sau này em lại thực sự vạn dặm xa QN.
      Em thường đọc bài của chị, cũng ngậm ngùi, xúc tích và có khi cảm động không chận được nước mắt.
      Em cảm ơn chị đã vào đọc ĐC-PX và để lại lời khen!

      Reply
  7. Huỳnh Mộng Vân

    Bài viết gợi nhớ nhiều kỷ niệm về một thời áo trắng của tuổi học trò, về thân phận làm trai trong thời chiến .Anh Hồ Sĩ Đình thật may mắn khi không phải đi vào con đường binh nghiệp. Cám ơn anh đã đưa người đọc quay trở về một khoảng trời của phố thị Quy Nhơn thân thương những ngày tháng trước năm 1975.

    Reply
    1. Đình

      Mộng Vân mến,
      Thời đó chẳng nghĩ nhiều, vì thân phận mình cũng là thân phận của tất cả trong cùng lứa tuổi, Bây giờ nghĩ lại, con trai thời chiến bị chi phối thiệt nhiều điều . Lớp đệ ngũ -đệ tứ, mình đã mất đi 2 người bạn (Sơn và Đễ) vì chiến tranh. Ai cũng cầu nguyện, mơ ước hòa bình . Nhạc TCS nổi tiếng là cũng ở giai đoạn này. Mình không phải vào đường binh nghiệp vì may mắn vẫn còn theo mình lên Đại học đến vài năm nữa.
      Nhưng Vân ơi, có số đông bạn bè bảo rằng may mắn được sống đời binh ngũ vì được học hỏi, lãnh trách nhiệm và từng trải.
      QN mình đã bớt lạnh chưa? Chúc Mộng Vân cùng gia đình vui khỏe!
      Cảm ơn Mộng Vân đã đọc ĐC-PX và để lại vài hàng thật thâm tình!

      Reply
  8. Uyển Diễm

    Tha thiết nhớ đến:

    -Hai bạn thân, Huyến và Hùng, đã quá sớm vĩnh viễn xa rời tôi!

    -Và tất cả bạn bè tôi hiện ở khắp ba miền hay đang lưu lạc khắp năm châu!
    Uyển Diễm rất xúc động khi đọc hai câu cuối cùng nầy ,tự dưng đọc xong UD rưng rưng nước mắt nhớ lại một thời đã qua , bạn bè cũ và những bạn không còn nữa trên cõi đời nầy…

    Reply
    1. Đình

      Uyển Diễm mến,
      Bạn bè, người còn nhưng lưu lạc chẳng gặp được nhau . Người thì không còn nữa trên cõi đời, bạn bè mình có Huyến và Hùng đã ra đi khi còn quá trẻ, không lâu ngay sau khi nước nhà mình vừa ngưng tiếng súng.
      Rất cảm ơn Uyển Diễm đã đọc ĐC-PX và chia xẻ những mất mát!

      Reply
  9. Tran kim loan

    Bài viết hay,chân tình đầy cảm xúc đọc một hơi dến đoạn kết thật ngậm ngùi & xúc động:
    Chuyến xe lịch sử này đang đưa tôi đi xa thật xa, bỏ lại phía sau lưng những vàng son của cuộc đời, trong đó có bạn bè thân thiết mà có thể tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại; có tình bằng hữu thuần túy trong suốt, không một vết bụi của vị lợi và giai cấp; có cả một tuổi xanh đẹp đẽ vui tươi của thuở học trò, quãng thời gian tuyệt vời nhất của đời tôi!( NSĐ)
    Cũng mùa hè 1972 này mình cũng đã xa rời Quy Nhơn cùng gia đình vào SG cho đến bây giờ….đọc bài này luôn phảng phất tâm trạng của mình trong đó! cám ơn HSĐ một bài viết hồi ức rất hay!

    Reply
    1. Đình

      Chị Kim Loan mến,
      Thì ra chị cũng vì mùa hè 72 này mà phải xa mãi QN. Giống như một số gia đình mình biết, có điều kiện hoặc là tạo điều kiện thuân lợi rồi sinh sống luôn tại SG.
      Cảm ơn chị Kim Loan! Chúc chị và gia đình vui khỏe!

      Reply
  10. Bình tay trái

    Cám ơn Hồ Sĩ Đình , hồi ức viết thật hay chắc ai trong chúng ta cũng có một thời như thế…

    Reply
  11. Quốc Tuyên

    Tôi mau chóng quen thân với bạn bè mới vào từ các trường khác, trong đó có chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trần Thị Sỹ và Đỗ Thị Minh Tâm. Tôi vui mừng được học những môn chỉ được học ở lớp 12 như toán giải tích, đạo hàm, nguyên hàm và triết học. Cũng vì vậy mà khi cắp sách đến trường, tôi thường kẹp sách toán giải tích ngoài cùng, cho dù xấp sách vở có mất thăng bằng và làm tôi mỏi tay mấy đi nữa, tôi cũng cố gắng cầm giữ một bên cho tựa sách thật lớn lộ ra ngoài, với mục đích là khỏi cần mở miệng mà cũng hiên ngang la làng được rằng: “Ta đây đang học lớp 12, lớp cao nhất của bậc trung học!”
    Cám ơn Hồ Sĩ Đình đã cho bạn bè HX đọc những dòng hồi kí của một thời tuổi trẻ, những suy tư trăn trở của các chàng trai thời loạn, pha lẫn chút hồn nhiên của tuổi mới lớn làm bài viết sinh động, dễ thương, hay chi lạ!
    Mong được đọc những bài viết hay của Sĩ Đình trên trang nhà.

    Reply
    1. Đình

      Quốc Tuyên mến,
      Cảm ơn Tuyên đề cập đến “suy tư trăn trở”! Thật đúng như vậy! Dù rằng Đình chỉ cốt ý ghi lại những buồn vui của đời học trò thời ấy, mà không để ý rằng những buồn vui này lại là những trăn trở suy tư.
      Đời học sinh! Thuở áo trắng! Thời loạn lạc!
      Cảm ơn Quốc Tuyên!

      Reply
  12. Bích Vân

    Chiếc xe đò có tôi, đang rời xa Qui nhơn và đang vội biến “con phố thương có nhiều con đường nhớ” trở thành “những con đường cũ trong con phố xưa” dù chỉ mới cách vài tiếng đồng hồ và xa chưa đầy chục cây số.
    Anh HSĐ vậy là anh trên BV hai lớp rồi và chúng ta đều rời khỏi trường xưa phố cũ với bao nỗi ngậm ngùi, thương QN quá.

    Reply
    1. Đình

      Bích Vân mến,
      Tương lai khó đoán, nhưng thật sự chuyến xe đò đó đã đưa mình xa mãi Qui Nhơn, để trong 40 năm qua chỉ được trở về lại vài lần.
      Vậy lúc mình ngồi xe đò, là lúc Vân chuẩn bị cho năm lớp 11 và thi Tú Tài đúng lúc quê nhà ngưng tiếng súng.
      Thương quá QN vì những kỷ niệm của tuổi học trò.
      Cảm ơn Bích Vân đã đọc và góp chút nhớ thương đến thành phố cũ của tụi mình!

      Reply
  13. Tuệ Minh

    Hồi mình đi học cũng có cảnh hát quốc ca hai bè đuổi nhau , kết quả cả lớp bị đứng dưới cờ tập hát thêm một tiếng nữa, đọc đoản văn nầy nhớ lại kỷ niệm xưa và thấy vui vui.

    Reply
    1. Đình

      Anh Tuệ Minh mến,
      Ha ha … Kỷ niệm chào cờ của anh thật vui! Tôi đọc “hát quốc ca hai bè đuổi nhau” mà cười thiệt lớn! Tập hát thêm 1 tiếng là nhẹ lắm đó.
      Cảm ơn anh đã đọc bài này và chia xẻ kỷ niệm thiệt vui!

      Reply
  14. nguyentiet

    Những kỷ niệm học trò dễ thương và ngộ nghĩnh quá. Đọc bài viết của anh Sĩ Đình làm tôi nhớ lại một thời áo trắng và hình ảnh Qui Nhơn xưa, buồn vui xen lẫn ngậm ngùi! Cám ơn anh SĐ.

    Reply
    1. Đình

      Tiết mến,
      Qui Nhơn xưa, đứng trên đường Gia Long nhìn xuống con dốc Phan Đình Phùng, mình có thể nhìn thấy bọt nước biển trắng vọt cao lên tới đường Bạch Đằng, trong nhưng ngày gió lớn và lúc thủy triều lên.
      Qui Nhơn xưa có ciné thả cữa cho những nhóc học trò nghèo nhào vào coi cho đỡ ghiền.
      Qui Nhơn xưa có tiệm sách Khánh Hưng bán nhiều nhạc để cho mấy cô cậu học trò mùa về đờn hát.

      Đặc biệt nhất là Qui Nhơn xưa có cái tuổi thơ của bọn mình.
      Và cũng buồn nhất là Qui Nhơn xưa, có rất nhiều đêm, mình có thể nhìn thấy bom đạn đỏ rực trời bên kia đầm Thị Nại.
      Thiệt đúng là buồn vui xen lẫn ngậm ngùi!
      Cảm ơn Tiết đã đọc ĐC-PX! Mình vui nhiều vì bài viết ít nhiều đưa Tiết về lại thời áo trắng!

      Reply
  15. Nguyên Lương

    ” Thầy Bé vừa dạy toán vừa là vị giáo sư hướng dẫn. Tôi rất quí mến thầy Bé vì cái tính thẳng thừng như 1 cọng 1 bằng 2, vì cái trẻ trung nhưng đứng đắn và vì cái nghiêm nghị không ngộp thở của thầy”. Mình dân ban B, học cùng lớp với Dương Ái Phương, Trần Công Luận… từ năm lớp 6 tới lớp 12 Cường Đễ. Đình chỉ sau mình một lớp. Bạn nhắc lại thầy Bé, mình rất nhớ người Thầy Cao Bồi, lái xe rất ngầu, dạy hay và giúp mình mê môn toán, nhất là toán giải tích.
    Tên Nguyễn Thị Thanh Tâm mà bạn nhắc trong bài chắc là Chị ruột của mình. Chị vào CĐ học ban B (?) không lâu rồi sau đó lấy chồng. Mình đã gởi cái link bài viết của Đình cho Chị để xem Chị có nhận ra người bạn “văn hay toán giỏi” này không nghen. Mùa hè năm 72, trường đóng cửa, mình được ông Anh đang học ở VĐH Dalat rủ lên đó lánh nạn chiến tranh, và học ôn thi Tú Tài 2. Dalat những năm đó bình yên, đẹp, hiền… đẹp như người con gái 15t, học trường BTX, ở bên nhà hàng xóm. Em đẹp như một nụ hồng chưa nở, đẹp như giọt sương buổi sáng trên cánh hoa tường vi, long lanh. Nhớ bài thơ có câu:
    “Em nlà con gái tuổi mười lăm
    Cái tóc em đang thắt bím hồng”
    Yêu thầm cô “bé” nhà bên bao nhiêu càng giúp mình ráng học cho thi đậu Tú Tài để lên Dalat học và tiếp tục được nhìn cô mỗi sáng. Đậu Tú Tài 2, bỏ trường Nông Lâm Súc Saigon lên Dalat, tìm em, nhưng nhà em đã dời qua khu phố khác. Hai năm sau, được cho vào dạy thực tập tại trường Nữ Bùi Thị Xuân, gặp lại em trong lớp 11 ban A. Vẫn đôi mắt tròn xoe tinh nghịch, vẫn hai tay ôm cặp vở che trước ngực, lầm lũi, lầm lì. Một hôm sau giờ giảng bài, em đi lại bàn ông thầy gíao trẻ đưa một mảnh giấy, có viết mấy câu thơ của Phạm Cao Hoàng:
    “Ngựa có khi cũng mỏi vó giang hồ
    Anh có lúc cũng thèm đứng lại…”
    Và em hỏi “Thầy đã đứng lại ở đâu chưa?” Tôi muốn đứng lại cùng em, bên em và vùng đất cao nguyên với hoa Anh Đào mỗi mùa Xuân đấy. Nhưng định mệnh không cho, sau năm lớp 11 gia đình em dời về Phan Rang, và tôi xa em từ đó…
    NL

    Reply
    1. Đình

      Anh Nguyên Lương mến,
      Bảy năm khổ sở, bò lê bò càng ở trung học, được nhiều Thầy Cô cố nâng lên, trong đó có Thầy Bé mà mình coi là bạn, là anh và là thầy. Tuy Thầy chỉ dạy mình 1 năm lớp 12, năm đó có chị Nguyễn Thị Thanh Tâm là một trong 3 cô bạn gái.
      Tình cảm của ông giáo trẻ và cô nữ sinh BTX trong cái tuổi “trăng rằm tươi tắn” sao dịu êm và nên thơ quá! Đọc những dòng trên của anh như đang đọc 1 chuyện tình thiệt hay, thiệt đẹp!
      Có khi nào cô nữ sinh BTX năm xưa lại đang là 1 cô giáo tại QN hay đang là một phụ tá khách sạn ở Atlanta?
      Cảm ơn anh!

      Reply
  16. KIMCHI HOÀNG

    Cảm ơn Hồ Sĩ Đình đã cho bạn bè Hương Xưa đọc bài viết ĐƯỜNG CŨ PHỐ XƯA rất tình cảm với bao kỷ niệm thân thương của tuổi học trò đầy hoa mộng dù trong thời chinh chiến.
    “Chuyến xe lịch sử này đang đưa tôi đi xa thật xa, bỏ lại phía sau lưng những vàng son của cuộc đời, trong đó có bạn bè thân thiết mà có thể tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại; có tình bằng hữu thuần túy trong suốt, không một vết bụi của vị lợi và giai cấp; có cả một tuổi xanh đẹp đẽ vui tươi của thuở học trò, quãng thời gian tuyệt vời nhất của đời tôi!”HSĐ.
    Chúc HSĐ vui khỏe và thường xuyên gởi bài cho mình và các bạn H.X thưởng thức nữa nhé.

    Reply
    1. Đình

      Chị Kim Chi mến,
      Bận rộn thì thôi, còn có chút nhàn rỗi là mình thường nghĩ đến ngày xưa . Chắc đây là dấu hiệu của tuổi già.
      Cảm ơn chị đã đọc ĐC-PX và khích lệ! Chúc chị Kim Chi vui khỏe!

      Reply
  17. Phong

    Vào khoảng năm 1963 ba đứa trẻ học tiểu học trường Xuyên Yên, tan học thường đi bộ với nhau về nhà, thỉnh thoảng có một đứa trẻ nữa nhập bọn, một đứa nói, nó là anh em họ của tao, tên này ít nói. Trên đường về đứa trẻ nói lời giới thiệu đó thỉnh thoảng rủ hai bạn vào nhà chơi, chùa núi Thiên Xá nằm phía bên tay trái, nhà nó về hướng bên phải, có trồng cây dừa hoặc cây cau gì đó trông cao vút. Chiến tranh bùng nổ, lan rộng đến trường, bọn trẻ không còn học chung nữa. Gia đình của hai trẻ bạn Dì dời lên thị trấn, hai đứa trẻ vào học năm đầu trường ở một trung học gần nhà, tình cờ đứa trẻ thứ ba vùng chùa Thiên Xá nhập học chung một lớp, vẫn tiếp tục là bạn bè mầy tao. Khoảng thời gian học đệ lục, đệ ngũ, hay tứ? Đứa trẻ thứ tư ít nói nầy thỉnh thoảng xuất hiện (dịp hè?) bên cạnh đứa thứ ba, người anh em họ của nó. Nó nhìn người anh em của nó trò chuyện ồn ào với bọn bạn, còn có, một thằng bé có gương mặt đẹp trai ít nói lặng lẽ đứng nhìn (chính điều này mới gây ấn tượng ở tôi). Sau khoảng thời gian đó tôi không còn bao giờ gặp lại nó nữa. Thằng bé thứ tư chính là ông đó, Hồ Sĩ Đình. Còn ba thằng kia là Phong, Hoà, Ảnh. Đã hơn bốn mươi lăm năm rồi, đó là những gì tôi còn nhớ. Chào người quen cũ.

    Reply
    1. Đình

      Phong mến,
      Đọc những dòng góp ý của Phong hôm trước, tui cứ nghĩ “Phong” chỉ là 1 cái tên (đặc danh) của một ai đó thôi. Không ngờ Phong lại là Phong.
      Cảm ơn Hương Xưa đã làm 2 thằng mình liên lạc lại sau mấy chục năm. Để coi … từ lớp đệ ngũ, đệ tứ … đã 45 năm rồi đó Phong ơi! Tui xúc động nhiều khi nghe ông kể đến chùa Thiên Xá và trường “Xuyên Yên” dù tui muốn hụt hơi để chạy theo lời kể thằng 1, thằng 2, thằng 3 và thằng 4 của ông. Rốt cuộc rồi cũng hiểu được 1234 là Phong Hòa Ảnh Đình. Cảm ơn Phong vẫn còn nhớ thằng nhóc năm 1963, năm lớp 3, trường làng!!!
      Hình như tên trường là Xuân An, mà “an” là “yên” nên dịch ra tiếng nẫu là “Xưn Yên” chứ không phải “Xuyên Yên” đâu Phong. Nói về trường làng, hôm trước tui có vào đây và thấy chút ít về nó:

      http://www.huongxua.org/index.php?option=com_content&view=article&id=3328&lang=vi

      Bây giờ Phong ở SG? Chắc là xa quê cũng lâu lắm nên mới có cái tên “Xuyên Yên” này. Chúc tốt đến gia đình ông nghen!
      Sẵn đây nhờ HX chuyển dùm đ/c e-mail của Đình đến Phong.
      Cảm ơn Hương Xưa! Bạn bè tìm được nhau nhờ yêu mến kỷ niệm xưa.

      Reply
  18. N T THANH TÂM

    Bạn Hồ Sĩ Đình của Thanh Tâm ngày xưa.
    TTâm đọc bài bạn viết mình rất xúc động nên mình phản hồi cho bạn(nếu như trước đây thì mình gọi bằng tên và xưng chị với Đình, nhưng giờ đã được lên hàng 6 thì sợ già nên mình gọi tên và xưng tên để nhớ lại thời còn đi học, TT cho phép bạn đó)

    Để các bạn khỏi thắc mắc tại sao Nguyên Lương là em mình mà mình học lớp 12 với bạn. Hơi dài dòng một chút để các bạn khỏi còn thắc mắc và có bạn lại nghĩ NL là anh của TT. Mình là đứa con sinh thiếu tháng, rồi khi được lên 3 tháng tuổi lại bị thiếu sữa(Mẹ TT bệnh rất nặng) nên lúc nhỏ bị èo ọt, đi học trễ, lúc đó NL theo đi chơi thôi vì chưa đủ tuổi, nhưng NL theo kịp và học bình thường. Sau khi TT thi TÚ 1 xong lại về giúp Mẹ vài năm về thương mại của gia đình. Sau đó thấy buồn TT xin Mẹ đi học lại vì thế mới hân hạnh là bạn cùng lớp với S Đình.
    Đọc bài của bạn viết mình xúc đông lắm vì bạn nhắc tên mình. Cho mình nhắc thêm là mỗi khi giờ giải lao các bạn thường đàn và hát. Có một lần TT ngồi nghe vừa thưởng thức mấy trái me chín cùng với bạn Sĩ và Minh Tâm. Sau đó các bạn không thể hát được nữa và đến chia xẻ mấy trái me với bọn này… Năm này, bạn sang Cali vào dịp Hè mình sẽ kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện mà bạn chưa bao giờ biết vì nó vẫ còn trong vòng bí mật ngay trong lớp của bọn mình.
    TT cám ơn bạn vì đã làm mình sống lại MỘT THỜI ÁO TRẮNG dù nó đã qua đi đã gần nửa thế kỷ rồi!
    THANH TÂM

    Reply
  19. Đình

    Chị Thanh Tâm mến,
    Đọc được những dòng chữ này của Thanh Tâm như là ngồi được lại lớp học B1 của Cường Để ngày xưa.
    Thiệt quí hóa! Hơn 40 năm (trừ đi chục năm chống đói khát) tìm tòi bạn cũ, bỏ cuộc, rồi bất ngờ lại được tin.
    Me chua làm chảy nước miếng chắc là vừa hát vừa nuốt nước miếng khó quá nên phải ké me chua.
    Dù đã 40 năm, Đình vẫn còn muốn biết những chuyện chưa được biết trong lớp mình. Nhưng làm sao qua được Cali đây?
    Cảm ơn Thanh Tâm! Chúc chị khỏe mạnh và hạnh phúc!

    Reply
  20. RB

    Đường Xưa Phố Cũ — Một thời kỷ niệm khó quên… Viết hay lắm lắm anh Hồ Sĩ Đình! Nhà hàng thịt rừng Cao Nguyên (bên cạnh Nhà Khắc Dấu Vĩnh Phúc)anh còn nhớ? Còn phía bên kia đường là Quán Thu Ba.. nổi tiếng anh đã quên? Và và vân vân… Ngày ngày có ông Tám K đi qua đi lại, đi hết đám giỗ nhà nầy cho đến đám quải nhà kia với một bó bông huệ không bao giờ biết héo mà trong cuộc đời của Thầy Nguyễn Mộng Giác mà RB rất quý trọng là có một bài viết rất hay, rất cảm động để tưởng nhớ về ông Tám K. Cảm ơn anh cho đọc một bài viết hay dí dỏm… để vui nhớ “một thời không thể nhớ” và chúc anh luôn vui khỏe, trẻ thêm 10 tuổi nhe. Thân mến!

    Reply
    1. Đình

      RB mến,
      Câu trả lời thực tình, cho câu hỏi “còn nhớ hay đã quên” cái nhà hàng thịt rừng Cao Nguyên và quán Thu Ba của RB, là như thế này: quên cha nó mất rầu RB quơi!
      Thời học sinh, đi tắm biển, đánh bóng bàn, đá “banh tông” nhiều hơn làm những chuyện khác nên ít để ý đến nhà hàng. Tắm biển là nhiều nhất vì không tốn một đồng bạc nào, khỏi phải nhịn ăn sáng. Nhưng mà RB ơi, mình mới nhớ lại rồi, cơm nguội là bữa ăn sáng chính của mình thời đó, thì dù có nhịn cũng chẳng có cắc nào bỏ túi, mà lại còn bị đói nhăn răng nữa. Nhớ thêm quán ăn Bà Hào, Văn Lang (lầu Bà Đệ). Kem Phi Điệp, Ba Tê Sô A Bi, mấy quán cà phê: Dung (cô Tuấn), Da Vàng, …và còn nhớ mình có đi coi ciné thả cữa được mấy lần và trốn học đi coi “Bạch Tuyết và 7 chún lù” ở rạp hát trưng Vương nữa,…
      Mình vẫn còn nhớ ông Tám K. (cảm ơn RB! Mình cũng theo gương RB không dám viết trọn 1 chữ không đẹp đi kèm với tên của một người, mà đối với thầy Giác, mang một trọng trách lớn và chứa đựng một triết lý cao), và cũng đã vài lần dại dột chọc ghẹo ông ta. Mình thật sự hối hận nhiều sau khi đọc xong bài của thầy Giác!
      RB ơi, đã quên cũng nhiều mà còn nhớ cũng không ít. Chắc là RB còn nhớ nhiều hơn mình, có dịp kể ra cho mình đọc nghen.
      Năm lớp 3, mình theo ông anh ở gần trường Giu-Se một mùa hè. RB lúc trước có từng biết trường Thánh Giu-se Bịnh Định không? Và bây giờ đã có dịp ghé lại trường này chưa ? Mình chỉ nhìn hình thôi mà liên tưởng đến cung điện vàng son của triều vua bị sụp đổ.
      “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
      Cảm ơn RB đã đọc, để lại vài dòng mà gợi nhớ thêm nhiều! Cảm ơn luôn về lời chúc trẻ thêm 10 năm để bù lại cái chục năm ăn rau lá trừ cơm.
      Chúc RB vui, khỏe và được rảnh rổi để kể lại nhiều kỷ niệm xưa!

      Reply
  21. Phong

    Đình. Ngũ thập niên tiền, lũ bọn ta…học lớp ba trường làng! Ông nói đúng. Theo đường link giới thiệu, tôi vào đọc “Mực tím trường mơ” của Võ Như Vũ. Chi tiết ngôi trường năm phòng học song song với con đường cái quan, một bên có luỹ tre xanh làm hàng rào, trước mỗi lớp có một giàn bông giấy thì thấy mơ hồ ngôi trường của mình. Khi bạn Vũ nhắc đến thầy Cẩn, thầy Cung, thầy Giả thì tôi biết chắc là ngôi trường ngày xưa của tôi đã từng học mà chưa một lần quay lại. Ngôi trường đầy ắp kỉ niệm. Ở ngôi trường này mà lần đầu tiên biết đến mùi vị cây “cà lem” (mút chung với bạn bè) từ ông già đi xe đạp đứng đầu ngõ rung chuông leng keng ở mỗi giờ ra chơi, và hương vị bánh mì “xíu mại” (mỗi đưa cắn một miếng, ái chà ngon chưa từng có). Ngôi trường duy nhất tôi đã đói xỉu vào buổi trưa đi học về, ngã lăng xuống đường bất tỉnh, bà chị học lớp lớn nhất phải cõng về, vừa đi vừa khóc, không phải vì thương thằng em, mà vì nó nặng quá, phải cột vào người mà đi chứ nó có tỉnh đâu mà biết bám vào cổ. Tên Hoà đỡ hơn, nó còn tỉnh, nó ngã vật giữa đường miệng chép chép, mắt lim dim, nhìn lên trời xanh (suy tư?) Bà hàng xóm gánh hàng ở chợ về, dồn hàng một bên, đặt nó một bên (nó ốm yếu) gánh nó về trả cho mẹ nó. Cám ơn Hương Xưa đã cho cơ hội hai đứa trẻ ngày xưa nói chuyện xưa. Nhờ Tuyên chuyển địa chỉ email của Đình cho P, cảm ơn Tuyên.

    Reply
    1. Đình

      Phong ơi,
      Cảm ơn Phong đã thiệt vui kể lại kỷ niệm cũ. Tui đọc không nhịn cười được.
      Ông còn nhớ con đường cái quan, không phải của Phạm Duy mà là con đường có cầu qua suối Lồ Ồ dẫn đến trường làng “Xiên Yên”. Lúc đó có xe lam và xe ngựa. Đến trường hay về nhà, hễ thấy có xe ngựa cùng chiều là rượt theo đu bám đàng sau cho nó đỡ mỏi chưn, và thú vị hơn nữa là chưn cẳng bất động mà vẫn được … vượt đường xa. Có 1 lần mình đu lên xe trong lúc con ngựa đang ra sức kéo nguyên cái xe đầy hàng, chưa kể đến 2 cái bánh thiệt nặng, để trèo từ từ qua cây cầu có nước chảy lừ đừ, tui bị bác tài dùng roi ngưa quứt cho mấy roi đau thiệt là đau, buông xe ra mà miệng càm ràm ông tài này sao ác quá. Sau này nghĩ lại ông Tài này đã “hiền lành” hất mình ra khỏi vùng nguy hiểm, nếu không, thêm sức nặng của mình, lỡ ngựa không kéo xe lên nổi, nó chạy thụt lùi là có nước đi chầu Diêm Vương chứ chẳng chơi.
      Email sau nghen Phong.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.