Ovejón

 

OVEJÓN

Luis Manuel Urbaneja Achelpohl (1873-1937), nhà báo, nhà văn Venezuela, ông từng dạy học và làm việc trong ban thư kí của toà án liên bang. Ông viết nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết mô tả đời sống của người dân Châu Mỹ La Tinh. Ông phát hoạ phong cảnh và con người Vênzuela bằng ngọn bút hiện thực, châm biếm và hài hước.

*

Gần các ngã đường, những nhóm người tò mò lập lại lời báo động:

-Ovejón! Có thể là Ovejón!

Nhưng trên con đường thì không nhìn thấy điều gì, chỉ có mặt trời sắp lặn, ánh nắng đang mạ vàng đám bụi.

Không một ai thoáng thấy hắn. Tuy nhiên, toán người vũ trang đã hăng hái lao vào cuộc truy lùng suốt mọi nẻo đường ở Zuata. Khi đi ngang qua, họ giải tán những nhóm người tò mò và khẳng định lại chính là hắn. Bây giờ lời báo động đã lan truyền. Với một người khách nguy hiểm như thế, không ai đi ngủ với cánh cửa khép hờ theo kiểu láng giềng thân thiện như xưa của thị trấn.

Ovejón, như thường lệ, trong khoảnh khắc đã biến mất trước mặt kẻ truy lùng trong khi họ chắc mẫm chờ chỉ bóp cò là hắn ngã gục, ngực sẽ mang đầy lỗ đạn như cái rây. Nhưng không hiểu vì sao tên cướp tung ra một đám mây mù và thoát khỏi. Ovejón như có ma thuật.

Đám đông tò mò bây giờ trở về nhà, bán tán lại những điều đã xảy ra. Cũng câu chuyện cũ tương tự đại loại như thế. Sự truy lùng, lời báo động, những trò xỏ lá của Ovejón. Và lúc này chắc hắn đã đi khá xa khỏi vùng.

Bầu trời bao la, hoàng hôn bao trùm, ánh sáng lờ mờ dịu như lụa, cả miền quê êm đềm, uy nghiêm. Trên đỉnh tháp cao nhà thờ, cả một vùng đỏ ửng. Ở phía dưới, chỗ khúc sông cạn, dòng nước trong mát chảy êm đềm và một chút lấp lánh của ánh sáng chập chờn trên bụi cây trong bãi lau sậy.

Một gã ăn mày rách rưới bẩn thỉu, da vàng, môi dày, mặt húp híp đang vất vả lê chân đi, mặc cho bàn chân sơn phồng dị dạng. Gã cố băng qua chỗ nước cạn bằng cách chống gậy bước trên những phiến đá mỏng xanh lấp lánh dưới nước. Cái túi ăn xin tồi tàn bên cạnh sườn gã bay đập phần phật, nó rổng tuếch, không có – ngay cả – một cái bánh rán rám đỏ phình ra cho dễ coi.

Gã dùng cây gậy dò dẫm những phiến đá mỏng gập ghềnh rồi cẩn thận đặt bàn chân không còn hình thù xuống. Để giữ thăng bằng thì thật là khó khăn và không chắc chắn. Ánh sáng mờ dần, thình lình gã đâm đầu xuống đá.

Lúc gã đang rên rỉ than thở, một người đàn ông vẹt bụi cây gần cạnh đó sang một bên – hắn là người tầm thước, mắt sáng, có vẻ khó chịu, nhưng trên nếp nhăn khắc khổ nơi khoé miệng lại thoáng nụ cười tử tế dịu dàng – nhảy bổ đến. Và rồi gã ăn mày dường như chỉ là một đứa trẻ, hắn nhấc gã lên tay, nhẹ nhàng mang đến bờ dốc nghiêng. Gã ăn mày lầm bầm than vãn như thể không còn cách cứu chữa được bàn chân sưng tấy thâm tím của gã, chỗ mắt cá chân đang rỉ máu. Những giọt lệ rưng rưng nơi khoé mắt của gã.

Kẻ xa lạ dương mắt nhìn khắp chung quanh, ánh mắt của hắn thận trọng và cân nhắc. Tất cả mọi vật chìm sâu vào yên lặng trong bóng tối lờ mờ của buổi hoàng hôn êm ả. Hắn tới gần gã ăn mày xem xét vết thương, xong, hắn lấy nước sông rửa ráy như người mẹ chăm sóc đứa bé. Dòng máu rỉ ra không ngừng, nó không dữ dội nhưng đều đặn. Kẻ xa lạ bỏ đi đến một khoảng xa, hắn cúi người xuống đất, sờ soạn mò tìm trong đám cỏ dại, rồi đứng lên. Hắn vò nát một số cọng cỏ xanh giữa những ngón tay rắn chắc thành nùi, hắn rịt lên vết thương và vì người ăn mày không có lấy một mẩu giẻ đủ sạch để băng, nên hắn cởi chiếc áo choàng – kiểu áo lùng thùng của người chăn la – rút ra cái khăn mu xoa – một trong những món loè loẹt mà người ta thường dúi nhanh vào túi của người quan thuế như là một thứ quà tặng, xuất phát từ đảo Canary.

Gã ăn mày im lặng quan sát người đàn ông, kẻ xa lạ chỉ chú ý đến vết thương, khi dòng máu ngưng rỉ, hắn đắp miếng băng vào, không vết máu thấm qua mảnh lụa trắng, hắn nở nụ cười hài lòng. Gã ăn mày lẩm bẩm:

-Cảm ơn. Tôi đã khỏi rồi.

Người đàn ông nói:

-Đừng lo! Loại cỏ này sẽ khép miệng vết thương.

Gã ăn mày cố gắng đứng lên, người đàn ông lo ngại đưa tay ra đỡ dậy, nhìn thấy áo quần ướt quấn bám vào người của kẻ bất hạnh, người đàn ông cởi áo choàng kiểu chăn la trao cho. Gã ăn mày ngạc nhiên, dưới tấm áo choàng tồi tàn, người đàn ông này mặc một bộ đồ vải len trắng bảnh bao. Trong khi mặc vội cái áo, gã ăn mày xem xét hắn kĩ lưỡng, hai chi tiết ghi sâu vào tâm trí gã: Đôi mắt người đàn ông sáng ngời, tóc xoắn có màu vàng kẹo bơ.

Kẻ xa lạ trao cho gã ăn mày cây gậy, hắn nhặt cái túi ở dưới đất lên, thấy cái túi trống rỗng, hắn nới lỏng chiếc thắt lưng to bản có cài con dao găm và khẩu súng lục cỡ lớn, lần lượt lấy ra một số đồng xu bạc lẫn lộn trong đó có một đồng vàng Venezuela. Hắn ngắm nghía một chốc, rồi thảy nó cùng với tất cả đồng xu bạc vào túi và nói:

-Nó chắc có ý nghĩa với bạn khi nó ló mặt ra.

Gã ăn mày hôn bàn tay hắn, số tiền này là cả một tài sản gã chưa từng mơ đến. Gã khập khểnh đi theo, thốt lời cảm ơn và cầu chúc, lòng chan chứa biết ơn vị ân nhân. Người đàn ông quay lại nói:

-Hôm nay là lượt tôi giúp bạn. Ngày mai có thể là lượt bạn giúp tôi.

Mặt trời không còn làm gã loá mắt nữa. Thị trấn thì còn mãi tít ngoài xa. Buổi chiều thu kéo dài, ánh sáng nhẹ còn đủ rõ. Gã ăn mày khởi hành cô độc, lòng hớn hở không còn để ý đến bàn chân dị dạng.

Người thắp đèn đường chưa bắt đầu công việc thường lệ của mình, chiếc thang vẫn còn tựa vào vách tường bên dưới cây đèn lồng. Trong quán rượu, giữa các chầu uống, người ta nghe lời bình luận về những kì công gần đây nhất của Ovejón. Ở Zuata, hắn đã cướp một chủ trại chăn nuôi và giết một người bằng con dao găm.

Xuyên qua ô cửa sổ, khuôn mặt húp híp của gã ăn mày ló vào, và khi họ thấy bàn chân dị dạng của gã, tất cả rơi vào im lặng, chờ nghe tiếng van xin cầu khẩn lòng từ thiện, cùng lúc với bàn tay khốn khổ chìa ra cái mũ bẩn thỉu để đón nhận đồ bố thí. Nhưng không, thay vào đó gã ăn mày khập khểnh tới quầy gọi đồ uống. Dưới tấm áo choàng, gã cảm thấy cái ẩm ướt của quần áo, gã lạnh và đói. Gã nhấp từng hớp cái thứ chất lỏng thơm mùi mía và kiên nhẫn ngồi nhai mẩu bánh mì cứng thảm hại.

Một số người ngưng nhìn gã tiếp tục bàn luận trở lại. Người đốt đèn đường nói:

-Xét cho cùng, về khả năng ma thuật thì hắn có thừa.

Lão chủ quán hoài nghi đáp lại:

-Giá có cơ hội, tôi tặng hắn một phát với khẩu súng hai nòng của tôi thì ma thuật của hắn cũng đi tong!

Tên dân lai to con vạm vỡ thêm vào:

-Tôi muốn biết tên Ovejón giống như thế nào? Tôi muốn đoạt năm trăm peso tiền thưởng về cái đầu của hắn. Người ta nói sẽ tặng năm trăm peso cho bất cứ ai mang hắn về, dù sống hay chết.

Gã da đen, đen láng như bôi mỡ nói:

-Điều đó dễ thôi! Hắn là một tên bự con, mắt sáng như hai đồng xu, tóc vàng màu kẹo bơ. Nào, hãy ra ngoài lên núi mà tìm hắn, khi mang hắn về nhớ trả tiền chầu rượu của tôi.

Người đốt đèn đường nhận xét:

-Đó cũng là chầu tôi đang nốc đây, rượu này uống xoay tua lúc ngủ dậy thì ngon nhất.

Gã ăn mày đang cố gắng làm mềm cái bánh rán cứng trong miệng, gã nghĩ: Người đàn ông ở cạnh bờ sông là Ovejón. Năm trăm peso cho ai bắt được hắn dù sống hay chết. Cái tên Ovejón kì lạ đó đã bán linh hồn cho quỷ dữ. Nếu ta phản bội hắn, ta khỏi phải ăn xin nữa. Những ngày ta lê chân bước trên đường sẽ chấm dứt. Ta có thể tìm bác sĩ chữa chân. Năm trăm peso! Nếu ta có tiền ta sẽ được chữa khỏi.

Gã ăn mày thọc tay vào túi lấy cái bánh rán, ngón tay chạm phải đồng xu bạc, rồi sờ trúng đồng vàng Venezuela. Gã tiếp tục dòng tư tưởng: Ovejón chắc thừa những thứ này, hắn đã bỏ ra dễ dàng, hắn là một kẻ tuyệt vời. Ta tự hỏi, tại sao hắn lại là một tên cướp? Có lẽ vì thích ban bố lòng hảo tâm? Những kẻ trong quán rượu này cảm thấy ghê tởm ta và sẽ không bao giờ có việc rửa chân ta. Tại sao chỉ có mình hắn tỏ lòng thương xót ta, trong khi hắn là tên cướp đường. Gã nhớ đến đôi mắt sáng ngời, tóc vàng óng, nếp nhăn khắc khổ nơi khoé miệng và nụ cười thân ái.

Có tiếng vó ngựa phi nhanh trên đường, gã ăn mày bước ra ngoài nhìn. Một con ngựa vá, người cỡi ngựa mang giày ống, tấm chăn da cừu phủ trên yên. Khi hắn phi nước đại qua quán rượu, hắn quay mặt lại, gã ăn mày bắt gặp ánh mắt của hắn. Gã há hốc quai hàm muốn rớt ra nhưng nhanh chóng gã táp miệng lại.

Lão chủ quán cũng ló đầu ra, nhìn quanh quất, nhưng người cỡi ngựa đã qua khỏi. Lão nhận xét:

-Có vẻ như một con ngựa chiến!

Gã ăn mày tự nhủ: Chính là hắn, Ovejón. Đôi mắt như hai đồng xu bạc, ánh mắt như hai lưỡi dao găm.

Người đốt đèn đường nói:

-Tôi sắp phải đi đốt đèn rồi.

Gã da đen láng chế diễu tên da đỏ:

-Tại sao ông bạn không ra ngoài đi tìm Ovejón. Nhưng coi chừng đấy, e rằng, ông bạn tìm thấy hắn ngủ ngay trên cái võng của mình tối nay đó!…hãy tiếp tục đi tuần tra làng da đỏ của ông bạn đi, đã đến lúc thi hành nhiệm vụ rồi. Nhưng để ý coi chừng Ovejón!

Gã ăn mày tiếp tục tự nhủ: Đúng là hắn. Đúng là hắn. Hắn đang chạy trốn, hắn vừa giết một người nào hay hắn vừa cướp của… Ta thử nghĩ – Ai là nạn nhân của hắn?

Dọc theo con đường, bốn người đàn ông có vũ trang chạy bộ đến, họ xộc vào quán:

-Có ai thấy hắn chạy ngang qua đây không?

-Ai? Thấy ai?

-Ovejón! Ovejón!

Mọi người quay lại nhìn nhau kinh ngạc: Ovejón! Ovejón! – Họ lập lại.

Toán người vũ trang:

-Con ngựa cái vá bị ăn cướp, cả bộ yên ngựa của ngài tướng quân, cả đôi giày ống nữa.

Tiếng vang lặng người: Con ngựa cái vá…bộ yên…giầy ống của ngài tướng quân…

Toán vũ trang:

-Có ai thấy hắn chạy ngang qua đây không?

Lão chủ quán:

-Có người cỡi ngựa ngang qua.

Toán vũ trang:

-Trên con ngựa cái đen đốm trắng?!

Lão chủ quán quay về phía gã ăn mày:

-Xem đấy! Lúc hắn đi qua ông có nhìn ra. Có phải là con ngựa vá không?

Gã ăn mày:

-Tôi không thấy rõ nó!

Lão chủ quán nói:

-Hãy thả con ngựa con ra. Theo dấu chân đi tìm mẹ của nó.

Gã da đỏ nói:

-Đúng rồi. Hãy thả con ngựa con ra, chúng ta sẽ kiếm được năm trăm peso.

Gã ăn mày lủi ra khỏi quán như một cái bóng. Trên con đường, gã khập khễnh ráng sức đi nhanh. Người đốt đèn đang bận rộn với ngọn bấc của cây đèn đường. Nhóm người vũ trang thả con ngựa con ra và lần theo dấu vết của nó. Vào lúc đó, gã ăn mày đã bỏ lại sau lưng căn nhà cuối cùng của thị trấn, tiến thẳng xa về phía trước của con đường. Đến chỗ ngoặt, nơi con đường thu hẹp lại để đến hẻm núi nguy hiểm, gã dừng lại và núp vào sườn dốc.

Chẳng bao lâu, gã nghe tiếng vó phi nước kiệu của con ngựa non – con vật mới sinh. Ở đàng xa vang lên tiếng reo hò của những kẻ tham gia chung với toán vũ trang. Họ đang kéo đến gần. Con ngựa non chạy dọc theo con đường đến chỗ ngoặt. Gã ăn mày hai tay giơ gậy lên cao và giáng xuống đầu con vật với tất cả sức mạnh. Con ngựa sựng lại trên lối đi, nó sửng sốt. Thêm một cú nữa đưa nó đâm đầu xuống khe núi.

Gã ăn mày lần mò đi về phía khu rừng cà phê tối mịt. Gã thì thầm nhẹ nhàng với chính mình:

-Hôm nay là lượt tôi cứu bạn. Ngày mai sẽ là lượt của bạn.

Trên bầu trời, sao Kim bắt đầu ló dạng, toả ánh sáng lấp lánh như những đồng Venezuela vàng.{jcomments on}

0 thoughts on “Ovejón

  1. Quốc Tuyên

    Một câu chuyện hay, mang đậm tính nhân văn.
    Cám ơn Phương đã cho biết thêm về Luis Manuel Urbaneja Achelpohl nhà báo, nhà văn Venezuela.

    Reply
  2. Thu Thủy

    Cám ơn anh Phương đẫ cho mọi người đọc một câu chuyện rất tình người, ở đây cái thiện và cái ác đã đấu tranh dữ dội, cuối cùng thì cái thiện đã thắng, người ăn mày đã bỏ qua món tiền thưởng rất lớn, đủ để ông ta thoát khỏi kiếp nghèo đói, bệnh tật, làm cho ông ta đổi đời mà chọn cách hơi tàn nhẫn là giết con ngựa non để cứu ân nhân của mình.

    Reply
  3. Dạ Lan

    Câu chuyện dịch hay quá anh Phương. Gã ăn mày và ông tướng cướp đều xứng đáng làm người .

    Reply
  4. tranthicotich

    Có thể là tự thâm tâm, người ăn mày nhận ra rằng Ovejon là người tốt thật sự.Đang bị truy lùng mà dám coi thường hiểm nguy để cứu giúp tận tình một kẻ bần cùng và xa lạ bất ngờ gặp nạn.OVEJON đúng là người có trái tim bồ tát và đáng được che chở.Người ăn mày chắc đã trải qua những giây phút giằng co nội tâm dữ dội để cuối cùng chọn cách hành xử đúng đắn đầy tình người.
    Cảm ơn tác giả và dịch giả.

    Reply
  5. Kiều Thanh

    Khi đời sống còn nhiều tham quan ô lại thì nên có những tướng cướp
    như thế nầy.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.