Tình Thơ

Tác giả: Kim Đức

Có việc đột xuất hai vợ chồng tôi phải vào Sài Gòn, dự định xong việc sẽ cố gắng sắp xếp tìm gặp nhà thơ Trần Dzạ Lữ. Tám giờ sáng tôi gọi điện  cho anh và nói vợ chồng tôi muốn đến thắp cho chị một nén nhang, anh Lữ hẹn 11 giờ trưa anh mới về nhà. Tôi điện thoại mời vợ chồng chị Trần Kim Loan uống café vì mấy ngày nay công việc lu bu quá, không uống café Sài Gòn cũng thấy nhớ… Chị TKL mời tôi đến nhà chơi, thế là hai vợ chồng đón taxi đến nhà chị Loan. Phòng khách nhà chị Loan vừa ấm cúng, vừa lãng mạn, thấy cây đàn guitar dựng trên bộ ghế salon, bỗng dưng thèm nghe anh Trần Kim Quy hát như những buổi họp mặt HX ở Quy Nhơn.

Anh TDL rất đúng hẹn. Đang ngồi chơi ở nhà chị Loan, ăn nho, uống nước yến, tâm tình đủ thứ…, đúng 11 giờ anh Lữ alo bảo anh đang chờ. Vợ chồng tôi rời nhà chị TKL đón taxi đến cổng ga xe lửa Sài Gòn số 6. Trời mưa lất phất, anh Lữ đứng chờ đón chúng tôi ở vỉa hè đường Lê văn Sỹ, trước cổng ga. Anh đưa chúng tôi vào khu vực chợ Trần Hữu Trang, nhà mẹ vợ anh ở đó, vì nhà anh chật nên tang lễ chị tổ chức tại nhà mẹ vợ. Theo chân anh, vợ chồng tôi vào  thắp nhang cho chị, đứng trước di ảnh chị, tôi chợt nhớ lại mấy câu thơ trong bài “Em về lại bên trời”:

Chừ anh gạo- chợ-nước- sông

Không còn em, để đỡ đần nhau xưa!   (TDL)


Anh Lữ bảo, mới đó mà gần đến 49 ngày. Tôi thấy hơi cay cay ở mắt, có lẽ tôi là người mau nước mắt, nói như Nguyễn Kim Tiến: ”Dù anh có là phù thủy chữ nghĩa, tôi cũng vẫn tin rằng, anh không thể diễn tả hết nỗi lòng mình…”. Thắp nhang xong anh đưa vợ chồng tôi ra quán café gần đó, anh kể cho tôi nghe qua về cuộc tình của anh và chị Tính, tôi thấy thương chị nhiều hơn, từ yêu thơ chị đã yêu anh, vượt qua rào cản gia đình chỉ để được sống hạnh phúc trăm năm bên anh. Có lẽ cảm nhận được điều này nên anh thấy như mắc nợ chị một điều gì đó mà anh đã chắt lọc thành những vần thơ đầy cảm xúc như biết ơn chị đã yêu anh:

“Xin lỗi em cô gái Sài Gòn
Đã vì ta mà xa giảng đường, thư viện
Xa thời mộng-mơ-lưu-luyến
Để hoá thành cổ tượng giữa trầm luân”  (TDL)

Và chị đã cùng anh sống những tháng ngày nhọc nhằn, khốn khó giữa chợ đời :

“Vì áo cơm mà em ra chợ

Một hồn buồn giữa cõi rau xanh

Ngày văng tục trên miệng người láu cá

Mà em thì líu lưỡi bởi không quen”   (TDL)

Hạnh phúc lẫn khổ đau đã giằng xé lẫn nhau, nhưng số phận đã không mỉm cười với chị. Chị đã trả xong món nợ của một kiếp người, bỏ cõi nhân gian ra đi, bỏ lại anh, để một mình anh “hát dạo bên trời”, với những vần thơ làm rung động lòng người:

“Chừ em cũng bỏ anh rồi

Đêm đêm  còn lại tiếng đời quạnh hiu”

Anh kể, ngày chị vào cấp cứu ở Bệnh viện cũng là ngày con gái anh vào nhập viện để sinh con, và chị Tính đã không kịp nhìn thấy cháu ngoại của mình, anh vừa lo đám tang vợ vừa lo cho con sinh nở, còn nỗi đau nào hơn:

“Một người sinh. Một người đi…
Xốn xang giữa một cơn mê bàng hoàng!
Quạt cho con ít than hồng
Biết không đủ ấm lại vòng tay thơm…”  (TDL)

Trưa đến, vợ chồng  tôi mời anh đi ăn cơm, anh đưa chúng tôi vào ăn ở quán cơm trong chợ. Một bữa cơm rất ngon miệng, ấm áp một tình thân, tình thơ… chỉ ba anh em mà tình thơ, tình bạn, tình anh em hòa quyện vào nhau, chia sẻ với nhau đủ điều…. Vì anh có công việc nên vợ chồng tôi và anh phải chia tay, chúng tôi ra khỏi chợ nhưng không quên chụp một tấm ảnh ở một góc chợ Trần Hữu Trang, nơi mà vợ chồng anh nhiều năm đã “nuốt vào trong những nỗi đau ngày cũ” để đổi lấy đời cơm áo. Đời thì cứ đắng cay, chua xót mà thơ TDL thì cứ ngọt ngào, sâu lắng,  đúng là: “thơ vừa là hình của Địa ngục vừa là bóng của Thiên đường” (TDL).

Anh TDL cũng thật chu đáo, sáng hôm sau gọi điện hỏi vợ chồng tôi về đến nhà chưa? Tôi thật sự cảm động, chỉ mong anh hãy cứ tiếp tục “hát dạo bên trời” bằng nguồn cảm hứng của mình, bằng những vần thơ trữ tình để thấy lòng bớt cô quạnh và trống vắng, biến những nỗi niềm riêng tư thành những giai điệu  sâu lắng chung trong lòng người đọc, mặc dù “….cuộc đời đã xử sự không ngọt ngào với anh…” ( Cung Tích Biền trong lời tựa tập thơ Hát dạo bên trời).{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.