Hành-Trình Yêu-Thương

Con là Nguyễn Văn Chúc, học trò cũ của thầy đây. Mấy hôm trước có người cho con địa-chỉ điện-thư của thầy nhưng mãi đến hôm nay con mới được dịp xuống phố dùng Internet. Chỗ con ở không có điện-thoại, chỉ có rừng núi hẻo-lánh và trăng sao.

Nhắc đến trăng sao con lại nhớ những đêm tới thăm thầy. Hai, ba thầy trò nằm trên sân cỏ nhìn trời … đây là chòm Thần Săn … đây là chòm Tua Rua ….đây là chòm Bắc Đẩu … đây là chòm Ngỗng Trời… đây là chòm Thần Nông … đây là chòm Cái Gầu … đây là chòm Con Vịt … Thầy kể cho chúng con nghe những sự-tích nhân-gian, những câu ca-dao về sao. Thầy mở rộng chân trời yêu-thương quê-hương mình cho chúng con.

Thầy trò mình có khi ngủ quên trên bãi cỏ xanh cho đến khi sương lạnh đánh thức dậy. Nhiều đêm con thấy thầy đứng im-lìm như bức tượng hướng về phía trời xa. Hình như thầy cô-đơn lắm. Thầy có làm gì đâu ngoài việc tận-tụy, yêu thương học trò. Lúc sau này con mới hiểu sự ghen-ghét, đố-kỵ là gì? Con thương thầy vô cùng.

Một lần các bạn của thầy tới thăm. Mấy đứa con tình-nguyện giúp thầy. Cả ngày các bạn thầy vui-vẻ lắm. Con tưởng thầy cũng vậy. Khi đêm về dưới ánh lửa, cô Vy ngâm tặng thầy một bài thơ mà bây giờ con còn nhớ lõm-bõm:                              

”…Ta là sao Tinh-Đẩu

Cao vút trời cô-đơn

Sáng không đủ soi đường cho người chừ đêm chưa đành tắt.      

Một mình ta với lòng ta chừ bão táp không nguôi“

Ánh lửa bập-bùng … Con nhìn thấy nhừng giọt nước mắt trên má cô… Mọi người im-lặng… Chỉ còn tiếng tí-tách của những thanh củi đang biến thành than, tro…

Con thích bài Khúc Ca Phạm Thái đó lắm. Tác-giả là ai? Có phải là Nguyễn Đình Toàn không thầy?

Rồi thầy đọc thơ. Giọng thầy vang dội cả vườn soài, thẩm-nhập vào lòng người:

“… Ai đã gõ trên đôi bờ luyến-tiếc,

Sông Núi buồn say tỉnh khiến em mong.

Trong chén đắng môi xanh vầng Nhật Nguyệt.

Người có buồn khi nhắp với ta không?”

(Biển Đông Sóng Giục – Nguyễn Hoàng Lãng Du)

Thật tội-nghiệp thầy! Bây giờ chén đắng cũng đã vỡ. Thầy nói với con:

– Sinh, Ly, Tử, Biệt là chuyện của đời thầy.

Con được thầy đón nhận đặc-biệt vì con có quá nhiều bất-hạnh…

Một hôm anh Túc trình-bầy về một đề-tài ngắn thầy cho. Anh ấy kết-luận:

– Chúng ta là những người nghèo hèn. Cha mẹ trả cho tiền học đúng hạn đã là may lắm rồi.

Thầy hỏi:

– Trong các em, ai đồng ý với Túc?

Hầu hết cả lớp giơ tay. Lần đầu tiên con thấy thầy tức-giận. Thấy nắm tay đấm mạnh xuống bàn. Cả lớp sợ hãi không hiểu tại sao.

Lúc sau, thầy nghẹn-ngào dậy chúng con:

– Thầy cấm … Thầy cấm… các em được nói như vậy. Các em nghèo nhưng có hèn đâu. Hãy cố-gắng tiếp-tục như thế. Phải tiếp-tục như thế.

Rồi giọng thầy bình-thường trở lại:

– Ngày xưa thầy rất nghèo. Các em biết thế không?

Chuông reo hết giờ. Cả lớp đứng lên vỗ tay. Chúng con chưa bao giờ cảm thấy gần-gũi thầy như vậy.

Huệ từ bàn trên bước xuống đưa con cái khăn tay. Con lên băng tay cho thầy. Chiếc khăn có máu đó sau này lọt vào tay con… Con giữ nó nhiều năm cho đến khi vợ chồng Huệ xin lại làm kỷ-niệm. Chiếc khăn trở thành bảo-vật. Thật chí-lý khi thầy dậy chúng con: ”Trong yêu-thương cái gì cho thì còn, cái gì gìữ thì khó tồn-tại lâu dài”.

Con nhớ mãi vào một lần thi cuối tháng bị Nam trêu chọc, con cầm thước định đập vào tay Nam nhưng anh ấy rút tay kịp. Tiếng động làm nhiều người quay lại. Thầy nghiêm-nghị nhìn xuống. Con đinh-ninh là sẽ bị thầy trách-phạt nhưng thầy chỉ bảo:

– Cuối giờ, Chúc lên gặp thầy.

Tan học con lên bàn thầy. Thầy hỏi:

– Có chuyện gì thế.

Con nhận trách-nhiệm:

– Thưa thầy, lỗi hoàn-toàn tại con. Con mong thầy tha-thứ.

Thầy lắc đầu:

– Thường ngày Chúc không có phản-ứng như thế. Có chuyện gì vậy?

Con kính-phục thầy. Thầy không cứng-nhắc trong việc trách-phạt mà còn muốn hiểu nguyên-do. Tương-quan tốt đẹp giữa người và người là sự cảm-thông.

– Thưa thầy… mẹ con… ốm nặng, không biết có qua khỏi được không?

Thầy lặng-lẽ hỏi:

– Sao Chúc không nghỉ ở nhà săn-sóc cho mẹ?

Con lắc đầu:

– Con muốn thế lắm nhưng mẹ dặn…mẹ dặn con phải đi học… Học được ngày nào hay ngày ấy chứ khi mẹ mất không thể tiếp-tục được nữa.

Con tưởng thầy sẽ nói với con, sẽ an-ủi con nhưng chỉ thấy im-lặng. Đợi lâu, con ngước nhìn lên. Trời ơi! trên khuôn mặt thầy ràn-rụa nước mắt… Con mang theo hình ảnh đó suốt đời con.

Nam thỉnh-thoảng đến thăm con. Chúng con ngồi với nhau hồi-tưởng những kỷ-niệm  ngày còn đi học. Chúng con nói nhiều về thầy. Chuyện của chúng con không bao giờ hết. Có chuyện nhắc lại nhiều lần mà tưởng như đã lâu chưa nói tới.

Mấy hôm trước Nam đến ngủ lại một đêm. Buổi sáng chia tay, Nam ngậm-ngùi:

– Ông nghèo và cô-đơn quá.

Nam là bạn chí thân nhưng vẫn chưa hoàn-toàn hiểu con. Cõi đời này chỉ có thầy  mới biết được ý-hướng của con.

Trong đời tu-sĩ, con có Chúa. Trong tâm-hồn, con có thầy. Trên bầu trời rộng, con có trăng sao. Giữa người nghèo khó, con có anh chị em. Cô-đơn sao được, phải không thầy?

{jcomments on}

 

0 thoughts on “Hành-Trình Yêu-Thương

  1. Nguyên Lương

    Chắc là nhờ những năm làm nghề gõ đầu trẻ, thầy Thiên Tường đã có nhiều kinh nghiệm dạy học và những cảm xúc, tình thương dành cho đám trẻ đầu xanh chập chững vào đời. Thầy không chỉ dạy cho trò con chữ, con số và những bài học thuộc lòng… mà thầy còn dạy cho trò cách sống, cách suy nghĩ, và cách suy tư, nhất là cách suy tư cho thân phận. Thầy dạy:
    “- Thầy cấm … Thầy cấm… các em được nói như vậy. Các em nghèo nhưng có hèn đâu. Hãy cố-gắng tiếp-tục như thế. Phải tiếp-tục như thế.” Đúng là những lời vàng ngọc đã được Anh rót vào tai trẻ thơ cho làm hành trang lập thân sau này.
    Đọc bài viết của Thiên Tường làm mình nhớ đến ông Thầy trường làng tên Thầy Giáo Giảng, dạy mình nhưng con chữ đầu đời. Năm 90 lần đầu về thăm quê, đến thăm Thầy. Qua lại Mỹ, nhớ lại kỷ niệm, viết bài thơ tặng Thầy, nay tặng Thiên Tường, trong đó có mấy câu:
    “Ta còn nhớ những ngày xưa thơ dại
    Đến trường làng học dăm chữ ê a
    Lá me vàng trong gió vãi như hoa
    Ba năm lẻ aó dính đầy mức tím
    Đường đến trường có truông dài ngõ hẻm
    Như đường vào đời cũng lắm chông ai
    ……….
    Thầy nhận diện thằng học trò trốn học
    Những ngày xưa rủ bạn lên đồi cao
    Lấy đá xây thành lập đội đánh nhau
    Xưng chính nghĩa dẹp tan phường gian ác
    Mấy năm đau, xa xóm làng thầy bạn
    Màu thời gian phơi chiếc áo gió sương
    Vầng trán Thầy xưa giờ đậm những đường
    Thầy sung sướng: luống cày tư tưởng đó
    Hố mắt sâu, da bàn tay nhăn nhó
    Thầy mỉm cười: Không phải hố cách ngăn!
    Và tay run viết mãi chữ chân thành
    Khuyên từng đứa đừng lừa thầy, phản bạn
    Dạy từng đứa biết thương người hoạn nạn
    Biết yêu người lỡ bước sa cơ
    Kẻ thù kia biến thành bạn, ai ngờ
    Nếu ta biết dùng tình thương đồng loại
    Lới Thầy xưa ta vẫn còn nhớ mãi
    Học trò Thầy xưa đứa bên đó, bên này
    Đứa đổi đời, võng lọng lên mây
    Đứa thất thế tủi hờn trong bóng tối…
    ………..

    NL

    Reply
    1. Thiên Tường

      Bài thơ của anh hay và cảm động quá. Cám ơn anh nhiều

      Thầy giáo Giảng và nhân vật trong truyện cua Thiên Tường cò một điểm giống nhau: lây yêu thương làm gốc mọi sự việc.

      Thầy Giảng có công uốn nắn học trò thành những cây thẳng. Nhân-vật trong truyện của Thiên Tường dậy học trò khoảng 15-18t. Thầy trò tuổi tác gần nhau.. Lúc nào cũng nghĩ đến lý-tưởng và muốn di chuyển hết núi đến sông. Thầy và một số học trò đến nay hình như vẫn không chừa mơ mộng nên thất-bại dài dài mà vẫn vui.

      Reply
  2. Sông Song

    – Thầy cấm … Thầy cấm… các em được nói như vậy. Các em nghèo nhưng có hèn đâu. Hãy cố-gắng tiếp-tục như thế. Phải tiếp-tục như thế.
    …………………………………….
    Trong đời tu-sĩ, con có Chúa. Trong tâm-hồn, con có thầy. Trên bầu trời rộng, con có trăng sao. Giữa người nghèo khó, con có anh chị em. Cô-đơn sao được, phải không thầy?(NXTT)
    SS cãm ơn anh đã cho đọc những đoạn văn có ý nghĩa cũa đời người. Chúc anh vui khõe!

    Reply
  3. camtucau

    Cám ơn Thiên Tường đã cho đọc một bài văn hay và cảm động, bài văn đáng để suy gẫm về tình thầy trò

    Reply
    1. Thiên Tường

      Chân-thành cám ơn chị đã đọc và góp lời phẩm-bình. Kính chúc chị luôn an-mạnh. Thân kính. TT

      Reply
  4. Qua Đường

    Trong đời tu-sĩ, con có Chúa. Trong tâm-hồn, con có thầy. Trên bầu trời rộng, con có trăng sao. Giữa người nghèo khó, con có anh chị em. Cô-đơn sao được, phải không thầy?
    Có rất nhiều nhưng vẫn cô đơn khi thiếu một người hà hà

    Reply
    1. Thiên Tường

      Trong đời tu-sĩ có nhiều thử-thách mà “thiếu một người” chỉ là một. Ai vượt qua được thì là bậc chân-tu.

      Đời sống của một số người bình-thường KHÔNG “thiếu một người” đôi khi vẫn cô-đơn, họ kiếm thêm một người nữa mà vẫn cô-đơn, rồi thêm một người nữa vẫn còn cô-đơn,…

      Dù là tu-sĩ hay không, cái trở-ngại là trong lòng mình mà thôi .

      Reply
    1. Thiên Tường

      Thời nào thì cũng vẫn có những người học trò đáng quý và thời nào cũng có những thầy cô tận-tụy, hy-sinh. Mong một ngày nào có thêm được nhiều những người học trò tốt, những thầy cô gương mẫu.
      Chân-thành cám ơn lời chia sẻ của chị .

      Reply
  5. Đinh văn Quế

    Đọc HÀNH TRÌNH YÊU THƯƠNG của NXTT Tôi rất xúc động , Cách dạy học của thầy , thái độ của thầy đối với học trò đúng đắn , độc đáo , nghiêm mà chí tình THẦY RA THẦY . Học trò N V C cũng TRÒ RA TRÒ ,Thầy như thế thì trò thành người tốt là phải thôi , một câu chuyện rất nhân bản . Rất hay , cảm ơn tác giả .

    Reply
    1. Thiên Tường

      Xin chân-thành cám ơn lời phẩm-bình của anh.

      Đa số học trò đều tốt cả. Nếu thầy cô yêu thương, tận-tụy, làm gương và đững coi mỗi học trò như một con số thì học trò sẽ trở nên tiến-bộ sau môt thời-gian.
      Việc giáo-dục không thể ngắn hạn như việc trồng lúa, trồng cây mà là hàng trăm. Mong rằng những người có lòng sẽ kiên-nhẫn và không nản chí.

      Những lời khích lệ tương-tự như trên của anh sẽ làm ấm những tấm lòng tha-thiết với xóm làng, đất nước.

      Reply
  6. Quốc Tuyên

    Thấy giáo với bầu nhiệt huyết và lòng yêu thương đã ươm những mầm xanh tươi tốt vào tâm hồn trẻ thơ và những cô cậu học trò ngày đó bằng nhiều cách khác nhau đã mang những hành trình yêu thương ấy đem phụng sự cho đời.
    Cám ơn anh Nguyễn Xuân Thiên Tường đã cho đọc một bài viết hay mang đậm tính nhân văn.

    Reply
  7. Mai Trinh

    – Thầy cấm … Thầy cấm… các em được nói như vậy. Các em nghèo nhưng có hèn đâu. Hãy cố-gắng tiếp-tục như thế. Phải tiếp-tục như thế.”

    Truyện ngắn của NXTT lúc nào cũng làm người đọc cảm động , bài viết sâu sắc và ý nghĩa .
    Cám ơn anh Thiên Tường ,một câu chuyện giàu tính nhân văn .

    Reply
    1. Thiên Tường

      Anh nói lên điều mong muốn của các phụ huynh. Ho cần tấm gương cho con cái họ. Cám ơn anh.

      Reply
  8. KIM CHI HOÀNG

    Thầy cấm … Thầy cấm… các em được nói như vậy. Các em nghèo nhưng có hèn đâu. Hãy cố-gắng tiếp-tục như thế. Phải tiếp-tục như thế.
    …………………………………….
    Trong đời tu-sĩ, con có Chúa. Trong tâm-hồn, con có thầy. Trên bầu trời rộng, con có trăng sao. Giữa người nghèo khó, con có anh chị em. Cô-đơn sao được, phải không thầy?
    Cảm ơn anh Nguyễn Xuân Thiên Tường đã cho đọc một bài viết rất thâm thúy & mang đậm tính nhân văn dễ đi vào lòng người rất xúc động…chúc anh vui khỏe.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Cám ơn a/c đã đọc và góp lời phẩm bình.
      Vâng, hai đoạn a/c trích dẫn là cốt tủy của câu truyện .
      A/C có phải là chị Hoàng Kim Chi không?

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.