Bài Học Nơi Người Thầy Cũ

Sau khi ăn sáng tại tiệm phở đầu đường, hai vợ chồng Lăng trở về khách-sạn. Minh dặn chồng:

– Anh nghỉ-ngơi đi. Chừng hai tiếng em về. Hay anh có muốn xuống nhà nói chuyện với mấy người ở Mỹ về cùng chuyến máy bay với mình không?

Lăng  mỉm cười:

– Em cứ lo-liệu cho chị em đi. Từ hôm qua đến nay, chị Lan gọi điện-thoại mấy lần rồi đó.

Chị của Minh làm ăn thua lỗ. Lý-do người chung vốn dùng mánh-lới gian-lận. Lan bị lường-gạt hai ba lần đến nay mới biết. Lần này chị tính dùng mưu quật lại. Nghe nói có ông thầy tử-vi nổi tiếng, chị muốn nhờ vợ chồng Lăng tới nhờ ông đoán vận-mạng tương-lai rồi dựa vào  đó mà quyết-định.

Minh nói với chồng:

– Chúng mình có hai việc phải hoàn-tất. Thứ nhất là việc của chị Lan, thứ hai là tìm ra cho được thầy Thiên-Lương của anh.

Thật ra tên của thầy không phải là Thiên-Lương như nàng gọi. Tên thầy là Nguyễn Thiêm.

Lăng kể cho Minh nghe là nhờ thầy đã giúp ý-kiến nên anh mới lấy nàng. Lúc đó, Lăng phân-vân giữa người bạn gái cùng lớp và Minh. Người bạn bạn gái thì tháo-vát, nhà giầu lại học cao trong khi Minh nhà nghèo, bản tính đơn-sơ, chưa lên đại-học. Thầy nói: “Một người có khả-năng buôn bán, một người hiền-thục. Một người như sao Thất-Sát, có bản chất lấy của người làm của mình; còn người kia là sao Thiên-Lương, có bản chất lấy của mình giúp cho người. Con nên chọn người con thực-sự yêu họ và thich-hợp với mình”. Thế là chàng chọn Minh mặc dầu gia-đình chàng thích người bạn gái kia hơn.

Minh ôm chồng nói:

– Em nói thiệt. Mấy người khác mà mẹ để ý cho em; bây giờ người thì cần-sa, ma-túy đi tù; người thì bài bạc đánh vợ; người thì con cái đầy đàn, vô trách-nhiệm bắt vợ phải nuôi. Thầy Thiên-Lương là cứu-tinh của em.

– Đừng nói vậy. Có chán vạn người hơn anh.

Minh úp đầu vào ngực chồng.

– Em yêu anh. Không ai có thể so-sánh với anh được đâu.

Lăng vuốt tóc vợ, lòng tràn-ngập hạnh-phúc:

– Anh cũng yêu em!

Minh hồi-tưởng lần đầu tiên hai người gặp nhau…

Nàng ra đầu ngõ mua phở cho mẹ vì bà bị đau. Cơn mưa đổ xuống đột-ngột. Áo nàng bị ướt. Lăng đang trú mưa dưới hiên của một nhà bên đường. Hai người nói chuyện được vài phút, chàng cởi cái áo khoác ngoài nói:

– Cô mang phở về cho mẹ kẻo nó chương ra mất.

Minh chưa kịp nói gì thì chàng đã khoác áo lên vai nàng. Khi đi được một quãng, Minh quay lại thấy Lăng lững-thững đi ngược chiều trong mưa, không chút vội-vàng.

Nàng lẩm-bẩm:

– Đi trong mưa như vậy thì tại sao lại trú mưa? Anh này điên rồi.

Bẵng đi một thời-gian, một hôm nàng đang ngồi bên bà hàng bán bắp nướng thì có tiếng nói đằng sau:

– Chào cô! Cô còn nhận ra tôi không?

Minh mừng rỡ nói:

– Anh! May quá được gặp anh. Anh ở đây để em lấy áo trả anh. Chừng 20 phút thôi!

Lăng lắc đầu:

– Tôi có hẹn với bạn. Phải đi ngay.

Minh tần-ngần:

– Làm sao em trả được áo đây?

Lăng đùa:  

– Cứ giữ lấy để mai này tôi còn có cớ kiếm cô.

– Anh biết em ở đâu mà kiếm?

Lăng bật cười:

– Tôi sẽ đi từng nhà, kiếm hết Sài-Gòn này.

Minh hỏi:

– Sài-Gòn rộng lớn, kiếm bao giờ cho xong?

Lăng nhìn về phía xa, trả lời:

– Không xong cũng kiếm. Kiếm một năm … Hai năm …. Hay suốt đời. Tới khi kiếm thấy thì thôi.

Minh chưa kịp hỏi thêm thì thấy một người con gái đẹp đứng ở đầu đường vẫy tay gọi Lăng.

Lăng nói:

– Tôi phải đi nhé, bạn của tôi tới rồi.

Vài tuần sau, nàng tình-cờ gặp Lăng trên xe buýt. Khi nàng xuống xe, Lăng xuống theo. Chàng rủ nàng vào tiệm uống nước. Trong câu chuyện, nàng hỏi:

– Cô bữa nọ là người yêu của anh à?

Lăng trầm-ngâm một lúc mới trả lời:

– Có thể là như vậy nhưng chuyện đời có gì chắc chắn đâu?

– Cô ta có vẻ giầu, tướng sang lại đẹp nhỉ?

– Gia-đình cô ta khá-giả.

Minh lại hỏi:

– Làm sao anh quen cô ta?

– Thì bạn học cùng lớp

Minh nhè nhẹ gật đầu:

– Thật đẹp đôi. Bao giờ anh chị lấy nhau?

Lăng thành-thật:

– Không biết được. Tôi nghèo quá! Lấy nhau thì làm gì để sống đây?

– Thì nhà gái giúp.

Lăng nói với Minh như tâm-tình với một người bạn:

– Nàng là con một. Cha mẹ nàng gợi ý như vậy nhưng tôi không chấp nhận. Làm đàn ông mà không tự-lập thì ngẩng mặt nhìn vợ con sao được?

Minh tự-dưng cảm thấy gần-gũi với người sinh-viên trước mặt. Chàng cương-nghị, thành-thật và đầy lòng tốt.

– Hôm nay anh theo em về nhà lấy áo được không?

– Được. Tiện thể biết nhà cô luôn.

Minh buột miệng:

– Anh không quen em mà sao dám cho em mượn áo?

– Cái áo cũ mà! À, tôi … Tôi … không biết tại sao? Ừ, tại sao nhỉ? Có lẽ tại cô đơn-sơ, hiền-lành, thanh-thoát. Cô như … một thiên-thần

Lăng vỗ nhẹ vào vai vợ làm Minh bừng tỉnh:

– Em mơ gì đấy?

Minh âu-yếm ngước lên nhìn chồng:

– Mơ thuở ban đầu. Đẹp quá anh nhỉ?

Rồi nàng đứng thẳng người:

– Thôi, em đi anh nhé!

Lăng ân-cần:

– Để anh gọi taxi cho em.

– Không cần đâu anh, em leo lên xe ôm cho đỡ tốn tiền.

Lăng giật mình:

– Trời đất! Không được. Không đi xe ôm.

Thế là Lăng tiễn vợ xuống đường. Chiếc taxi tắp lại. Chàng mở cửa xe cho vợ. Minh dặn   chồng:

– Anh chịu khó đợi em nhé.

Lăng ra hiệu cho vợ xích sang bên rồi leo lên ngồi cạnh vợ. Minh trìu-mến nhìn chồng. Lúc sau nàng quay sang nói:

– Anh à! Chúng ta phải tìm ra thầy Thiên-Lương.

– Được rồi, mình sẽ tìm ra mà!

Khi tới đầu ngõ, Minh bất-nhẫn khi nghĩ tới chồng phải ngồi coi bói toán bên đường nên dặn chàng đợi phía ngoài rồi nàng vào ngõ.

Lăng mua tờ báo. Chẳng có gì quan-trọng để coi. Chàng lững-thững theo hướng vợ đi. Một người đàn ông tóc đã trắng đang ngồi quay lưng lại phía chàng. Lối ăn mặc đạm-bạc nhưng sạch-sẽ, gọn-gàng. Trên vai áo, có một chỗ vá.

Ông cụ hỏi Minh:

– Thế mưu-tính đó có dựa trên sự thành-thật không?

Minh nghệt mặt lắc đầu:

– Có lẽ không.

Ông thầy xua tay:

– Tôi chỉ coi tử-vi, không thể góp ý vào những chuyện này. Người ta gạt mình vài lần không có nghĩa là mình phải có thủ-đoạn. Làm người phải giữ cái thiên-lương của mình chứ.

Trời ơi!  Giọng-điệu  khả-kính của thầy thuở trước! Lăng xúc-động đến lặng người. Giữa cõi đời bụi-bặm, tấm lòng đạo-đức của thầy vẫn không thay đổi.

Minh tình-cờ nhìn lên. Lăng ra dấu cho nàng im-lặng. Trước mặt anh, bóng người trên đường lung-linh qua làn nước mắt. Anh bước ra khỏi ngõ hẻm.

Vài phút sau, Minh mới gặp chồng. Lăng đưa cho nàng bì thư. Nàng mở ra hỏi:

– Tiền gì mà nhiều thế anh?

– Em vui lòng đưa cho thầy cái này. Chỉ nói là cám ơn lời chỉ dậy rồi bỏ đi ngay. Đừng để thầy kịp phản-ứng nếu không thầy không bao giờ nhận đâu.

Minh nhìn chồng:

– Có phải … thầy Thiên-Lương không?

Lăng gật đầu:

– Đúng là thầy.

– Em biếu thầy thêm vài trăm nữa nhé?

Lăng giục vợ:

– Được. Em không cần hỏi anh. Thôi, em đi đi.

Lăng nhìn trời…Nắng lên đẹp như mùa hạ chia tay năm nào… Thầy đã ngậm-ngùi nói với lớp:

– Đây là buổi học cuối cùng của các con ở đây. Khả-năng của thầy có hạn. Thầy không còn gì để dậy các con nữa. Cầu chúc các con hạnh-phúc, thành-công và nhất là giữ được cái thiên-lương cho mình.

Cả lớp im-lặng như tờ. Từng người đứng dậy tiến lên từ-giã thầy. Một nữ sinh không kìm hãm được bật khóc thành tiếng. Cả lớp òa khóc theo.

Ngày hôm nay, Lăng lại khóc như xưa. Anh thì-thầm trong lòng với thầy:

– Thưa thầy, con sẽ quay lại thăm thầy. Những bài học của thầy mãi mãi còn trong tâm-hồn chúng con. Con còn học được những điều thầy không giảng dậy, những bài học mà con nhìn thấy qua đời sống của thầy.{jcomments on}

 

0 thoughts on “Bài Học Nơi Người Thầy Cũ

  1. nguyentiet

    Ngày hôm nay, Lăng lại khóc như xưa. Anh thì-thầm trong lòng với thầy:

    – Thưa thầy, con sẽ quay lại thăm thầy. Những bài học của thầy mãi mãi còn trong tâm-hồn chúng con. Con còn học được những điều thầy không giảng dậy, những bài học mà con nhìn thấy qua đời sống của thầy.

    Một nghĩa cử, một tấm lòng đẹp! Tinh thần “Tôn sư trọng đạo” ngời sáng trong tâm hồn của một người học trò học được từ một người Thầy sống và giữ được “cái thiên – lương” của con người!
    Bài viết hay và ý nghĩa lắm.Cám ơn anh NXTT.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Ông thầy, bà thầy hay cô giáo nếu được học trò yêu mến, kính phục thì thường để trong long người những hình ảnh không thể phai nhạt được …
      Trong lúc tâm-tình với anh chị em, tôi thu nhận được một số hình ảnh đẹp họ kể, trộn lẫn với những gì trải qua rồi viết ra mà thôi .
      Cám ơn chị nhiều . NXTT

      Reply
  2. Kim Đức

    “Những bài học của thầy mãi mãi còn trong tâm-hồn chúng con. Con còn học được những điều thầy không giảng dạy, những bài học mà con nhìn thấy qua đời sống của thầy”.
    Một hình ảnh đẹp, một tấm lòng đạo đức của người thầy đã vượt thời gian để sống mãi trong tâm hồn của học trò.
    Rất cám ơn NXTT đã viết nhưng tác phẩm có giá trị đạo đức và nhân văn. Chúc sức khỏe NXTT.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Thời nào cũng có những người mang đời sốhg của chính mình ra như lời gợi ý cho người khác, không phải chỉ bằng lời nói .
      Lâu lắm trước đây khi còn trẻ, tôi được coi phim To Sir With Love do tài tử Sidney Poitier đóng. Nhân vật chính là một kỹ sư ra trường kiếm việc không được nên tới một xóm nghèo nhận việc dậy học … Khi những học sinh nam, nữ ngỗ-nghịch, phá-phách trở thành học trò tốt thì anh nhận được giấy mời nhận việc kỹ-sư của một công-ty . Anh từ chối để tiếp tục dậy những đứa trẻ khác sắp lên lớp anh phụ-trách .
      Tôi may mắn được coi phim này . Tôi muốn những học sinh bây giờ được đọc những đoản văn có tinh-thần tương tự . Tiếc rằng NXTT là một anh văn dốt, vũ dát . Tuy nhiên, tôi cứ làm và kêu gọi người khác cùng làm …
      Cám ơn chị Kim Đức đã chia sẻ cảm nhận . Cám ơn chị nhiều

      Reply
  3. Nguyên Lương

    Không biết người Thầy dạy môn gì cho học trò, nhưng chỉ cần dạy
    học trò “giữ được cái thiên-lương cho mình” là coi như Thầy đã dạy được rất nhiều. Truyện ngắn như một thước đo, một lời khuyên phải sống tốt với nhau. Phải tránh như người có sao Thất Sát mà phải sống như người có sao Thiên Lương. Câu chuyện đơn giản, không màu mè, không nhiều chi tiết, nhưng đọc xong cứ muốn đọc lại vì câu chuyện đẹp và cảm động qúa.
    Lâu nay khi nói chuyện với nhà thơ Lãng Tử, thường nghe ông dùng hai chữ Thiên Lương. Nay đọc truyện này của NX Thiên Tường, mình mới hiểu ý hai chữ này là nghĩa gì. Và hình như, nếu biết coi tử vi, mình có thể tìm thấy sao Thiên Lương trong tử vi của ông không chừng. Lần sau gặp sẽ hỏi ông xem có đúng thế không, vì nhân vật Lăng trong truyện cũng gần giống ông Lãng Tử ngoài đời thật.
    Truyện hay và cảm động qúa. Chúc mừng Thiên Tường thêm một truyện ngắn thật xuất sắc.
    NL

    Reply
      1. Thiên Tường

        Kính thưa chị,

        Rất hân hạnh đươc chị đọc và phẩm-bình.
        Cám ơn chị nhiều

        Reply
    1. Thiên Tường

      Cám ơn tấm lòng ưu ái của anh với anh em chúng tôi.
      Anh cho truyện này đơn giản ư? Có lẽ tôi xin hấu anh một truyện khác mà nhân vật trong truyện không phải 3 người mà là 1 người thôi. Không hẳn là hay đâu mà là chút thách đố cho chính mình ..Như anh đã từng nói, hãy mang tấm hồn ra mà viết.
      Tôi như ở trong cảnh “không có mèo thì chó phải bắt chuột” thôi, anh là người viết nhanh, viết hay và viết có ý nghĩa . Hãy tiếp tay mang Yêu Thương tới mọi người . Được không anh ?

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Cảm ơn Anh Thiên Tường có lời nhắn nhủ. Viết truyện ngắn không là sở trường của mình. Đã có viết vài lần nhưng không thấy tới nên không viết nữa. Viết chơi, chọc phá, kết thân bè bạn thì dễ, nhưng viết thành truyện chuyên chở được ý của mình, ý của nhân vật, cho hợp với hoàn cảnh mà đi vào lòng người đọc không dễ chút nào. Anh làm việc đó rất tốt. Cố gắng gởi truyện đều cho HX để tôi còn có chỗ tâm sự với chính mình.
        Thôi Anh tha cho tôi nhé, thì giờ rảnh để tôi đi tìm ông Lãng Tử mà tâm sự với ông ấy chắc sẽ giải toả dược nhiều hơn. Không gặp được ông ấy thì vào đây đọc truyện của TT thấy thấm thía và yêu qúi cuộc đời hơn. Vì qua truyện của TT, xã hôi và con người còn nhiều cái hay, đẹp mà ta chưa từng biết đến. Đọc truyện của TT thấy đời còn đáng sống lắm!
        NL

        Reply
  4. Khoa Trường

    Chào anh Thiên Tường,
    Không hiểu sao đọc truyện này của anh tôi lại có những cảm nhận khác so với các anh chị đã còm ở trên. Câu chuyện mang hơi hướng duy tâm nhiều hơn duy lý trong giải quyết các mối quan hệ, từ chuyện tình yêu của hai vợ chồng Lăng – Minh đến chuyện giải quyết những mâu thuẩn trong làm ăn của Lan (chị Minh) đều chỉ nhờ vào lời khuyên của một ông thầy tử vi chỉ có mỗi hai chữ “Thiên lương” thật trừu tượng làm vốn. Không hiểu trong thực tế có câu chuyện này không nhưng tôi thấy yếu tố thuyết phục của nó còn rất sơ sài & mỏng quá! Rất mỏng.
    Lại nữa, Lăng đã mang một tâm thế phải tìm cho ra được người thầy cũ của mình thì đến khi gặp rồi sao lại tránh mặt mà không thấy có lý do nào khả dĩ rõ ràng? Rồi lại khóc và tự hứa sẽ quay lại? Bởi vì thầy đã dạy cho hai chữ “Thiên lương”?…Tính thuyết phục của câu chuyện lại bị chi tiết này làm mỏng thêm nữa.
    Một khi yếu tố thuyết phục còn lấn cấn thì những bài học muốn truyền tải trong câu chuyện sẽ rất khó đạt được hiệu quả mong muốn.

    Một vài cảm nhận riêng mang tính chất cá nhân với mục đích góp ý chân thành. Mong anh vui lòng đọc một cách thoải mái và có thể giải thích thêm chăng? Cảm ơn anh!

    Reply
    1. Quốc Tuyên

      Theo ý QT, trong câu chuyện nầy anh NXTT muốn nói đến phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người thầy qua hai chữ “Thiên Lương”
      – Còn Lăng khi thấy cuộc sống khó khăn của thầy, anh muốn âm thầm giúp thầy một số tiền nên không thể ra mặt và phải hẹn sẽ đến thăm thầy một dịp khác…một chút ý kiến nhỏ không biết có đúng ý tác giả hông nữa… 😆

      Reply
      1. Thiên Tường

        Chị Quốc Tuyên ơi,
        Chị nói đúng ý của người viết rồi .
        Chân thành cám ơn chị

        Reply
    2. Thiên Tường

      Chào anh Khoa Trường,

      Tôi tin là lời góp ý của anh là chân-thành. Nếu không, có lẽ không có phản hồi này.

      “Người nào cho biết cái hay thật của ta là bạn ta, người nào chỉ bảo cho cái khiêm-khuyết của ta là bậc thầy của ta” . Tôi được dậy dỗ nhừ thế thuở còn đi học .

      Truyện Bài Học Nơi Người Thầy Cũ không hoàn toàn là thật mà cũng không phải là giả . Truyên có sự trộn lẫn cả hai .

      Khi đọc một sáng tác, độc giả có toàn quyền trên cảm nhận của mình, dù không giống với người khác hay với ý của tác giả .

      Sau đây là những dữ-kiện có thật xẩy ra.
      1. Người đàn bà nhớ ơn ông thầy tủ-vi đã gián tiếp mang hạnh phúc tơi cho mình . Bà thường nhắc nhở về ông với gia đình, với bạn bè … vì có dược người chồng tốt .
      2. Người làm ăn thua lỗ cậy nhờ vào bói toán để giải quyết công việc .
      3. Lòng yêu mến, kính trọng của của người thầy nơi nhiều học trò
      4. Nhân vật Lăng không gắp thầy ngay được vì không muốn thầy trả lại quà tặng gửi thầy . Nhân-vật Lăng thật ngoài đời còn làm những việc hơn nhân vật Lăng trong truyện

      Reply
  5. Dạ Lan

    Nguyễn Xuân Thiên Trường ơi! cho Dạ Lan được ké Bài Học Nơi Người Thầy Cũ với.

    Reply
  6. Tôn Nữ Yên Khê

    Truyện không dài nhưng chuyển tải rất nhiều nội dung quan trọng nhất là “giữ được thiên lương”

    Reply
    1. Thiên Tường

      Cám ơn chị Tôn Nữ Yên Khê. Điều ước vọng chung của nhiều người là nhìn thấy cái tình cảm trong sáng, đậm đà và tấm lòng thanh-khiết của những người quanh mình . Thân kính NxTT

      Reply
  7. Quốc Tuyên

    – Đây là buổi học cuối cùng của các con ở đây. Khả-năng của thầy có hạn. Thầy không còn gì để dậy các con nữa. Cầu chúc các con hạnh-phúc, thành-công và nhất là giữ được cái thiên-lương cho mình.
    Lời thầy dạy thật chí lí, cám ơn anh Nguyễn Xuân Thiên Tường đã cho đọc một câu chuyện hay mang tính giáo dục cao.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Rất mong chị Quốc Tuyên và anh chị em tiếp tay viết những truyện phát-triển con người.
      Chị là nhà giáo, chị viết văn hay và cô-đọng.
      Mong được đọc những sáng tác mới của chị.

      Thân kính. NXTT

      Reply
  8. đàoanhdũng

    Cám ơn bạn NXTT đã chia sẻ một truyện ngắn rất hay về một vị thầy tiêu biểu của ngày xưa. Tôi nghĩ bây giờ lắm người cho truyện này là một truyện cổ tích!

    Reply
    1. Thiên Tường

      Những truyện tương-tự như trên có thể hiếm hoi ở thời trước cũng như thời này nhưng không đến nỗi bị “tuyệt diệt”
      Tôi đã nhìn thấy việc làm của vài người tuổi trẻ . Họ nhiệt-tâm và thanh cao quá khiến tôi cảm thấy tâm hồn mình nhỏ bé trước họ .
      Thời buổi nào cũng vậy, càng có nhừng tệ hại bao nhiêu thì lại khiến những người nhiệt tâm tích cực hơn bấy nhiêu .

      Cầu mong Thượng Đế chúc phúc cho họ .

      Reply
  9. Mai Trinh

    Cám ơn tác giả đã cho người đọc một câu chuyện đầy ý nghĩa .
    Cuộc đời vẫn còn có những con người có tấm lòng thật đẹp …

    Reply
    1. Thiên Tường

      Chân thành cám ơn chị Mai Trinh.

      Cũng xin có lời đồng ý với chị “Cuộc đời vẫn còn có những con người có tấm lòng thật đẹp …” MT
      Chúng ta cần cái nhìn lạc quan khi bước tới . Đôi khi những nghi ngờ, những bi quan có thể trở thành ung-thư tàn phá sự tin tưởng và lẽ sống của con người .

      Reply
  10. Trầm Tưởng-NCM

    Ngày nay những bậc thầy như trên khá hiếm và những người học trò cũ như Lăng lại càng quý hiếm hơn nhiều. Một câu chuyện rất sâu sắc về phẩm chất đạo đức và tình người, rất hay! Cảm ơn Thiên Tường đã chia sẻ cùng các bạn.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Ôi thời buổi văn minh vật chất!
      Cầu mong cơn mưa sẽ tới, bụi bặm sẽ tan .
      Việc đào tạo con người là việc trăm năm, có khi chúng ta không có dịp nhìn thấy thành tựu nhưng chúng ta vẫn phải làm .
      Chân-thành cám ơn anh đã đọc và phẩm bình .

      Reply
  11. WHWH

    Một câu chuyện đẹp và cảm động. Tuy nhiên nhân vật chính “ông thầy” còn mờ nhạt. Thầy bói hay thầy giáo đây? hai trong một ư?

    Reply
  12. Thien Tuong

    Trong cuộc đổi đời 75, “thầy” Thiên Lương không còn dậy học . Ông làm thầy bói để sống qua ngày

    Reply
    1. Thiên Tường

      (Tiếp)
      Chân thành cám ơn A/C WHWH cho biết sự sơ ý của tác giả.
      Dự định sẽ sửa nếu dem in

      Reply
  13. Hoàng Kim Chi

    Cảm ơn Nguyễn Xuân Thiên Tường đã cho đọc một câu chuyện ngắn đầy cảm xúc – rất hay.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.