Phố Cũ Tự Tình

* Hình ảnh : Lương – Vân Các
Thế là người dứt áo ra đi, còn tôi thì ở lại. Dường như định mệnh đã
sắp xếp cho tôi luôn  là kẻ ở lại, như bến ga quạnh quẽ chờ những
chuyến tàu xuôi ngược, mà nhìn những buổi phân ly, kẻ ở lại bao giờ
cũng ôm mang kỷ niệm, khi người đi có biết bao niềm vui mới. Tôi nghĩ
như vậy biết có đúng không, nhưng sao lần này người đi, dẫu không biết
thở dài, tôi vẫn thấy lòng mình trống trải, buồn mênh mang.

Đã có bao nhiêu người đến đây, sống trong căn phố này, từ lúc tôi còn
trẻ lắm. Khác với loài người, tôi sinh ra đã đẹp, óng ả ngay từ lúc
vào đời. Thời gian trôi đi, tuổi đời chồng chất lên, tôi cứ theo đó mà
cũ kỹ .

Tôi không biết đọc biết viết đâu, thậm chí cũng không biết thay đổi
thế đứng thế nằm cho thoải mái, nhưng tôi chuyên chở trong lòng bao
nỗi buồn vui, từ ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm khác. Tôi biết
được sự vui buồn qua tiếng cười lúc đời vui, tiếng khóc lúc đời buồn,
và tôi đã chứng kiến cái mà người ta gọi là “thế thái nhân tình” nơi
những con người từng đến đây với tôi, vì tôi là một căn phố cũ.

Năm nay tôi đã ba mươi tuổi, tuổi thành đạt của người đàn ông và chín
mùi của người đàn bà, riêng tôi với tuổi đời ấy, tôi già đi và cũ kỹ
trông thấy, đời chất chồng bao nhiêu kỷ niệm. Có những người đến, có
những người đi, có người đối đãi với tôi bằng sự trân trọng, có kẻ
cũng cư xử chẳng ra gì. Điều ấy tôi biết được qua cách sống của họ,
gặp người có tư cách thì dẫu tôi không là của họ, họ vẫn trang trọng
khi trang điểm cho tôi vài bức tranh tươi mát, còn kẻ thô bỉ thì họ
xem tôi như kẻ ăn sương, gắn vào mình đủ thứ bẩn thỉu, diêm dúa. Thỉnh
thoảng, khi có người bỏ đi, ông chủ như thương cho sự tàn tạ, buồn bã
của tôi, ông quét cho tôi lớp sơn mới, như người đàn bà nhan sắc đã
tàn phai, được phết lên mấy lượt phấn, da thịt bỗng nõn nà hẳn ra, ngó
không kỹ, tưởng vẫn còn xuân sắc lắm.

Dạo tôi vừa sinh ra, hàng cây xồi ven đường cũng còn bé xíu, chân cẳng
chúng mốc cời và khẳng khiu như ống chân trẻ đói ăn. Vậy mà thời gian
qua, chúng lớn nhanh như thổi, nhờ mưa nắng của trời. Có những điều lạ
lùng và nghịch lý không hiểu nổi, cũng nắng mưa ấy chúng nó càng ngày
càng xum xuê, tươi tốt, còn tôi lại càng cũ kỹ. Lũ cây xồi càng lớn
thì tôi càng nhỏ bé lại, hèn gì tôi thấy người càng già họ cũng từ từ
nhỏ đi, tính tình cũng bất thường như trẻ con, những xốc nổi háo thắng
tuổi trẻ cũng cứ thế mà tiêu ma, cho nên khi thấy ai già mà tính tình
còn hung hăng, tôi ngạc nhiên lắm. Lúc đã bước qua tuổi “tri thiên
mệnh”, càng sống càng thấy đời chẳng giữ lại được gì, đôi khi nhìn
thấy những chuyến xe tang bật đèn
hàng dài trên con đường dẫn ra nghĩa địa, người ta bỗng ít nói hẳn đi,
có một điều gì suy nghĩ làm cho người ta thường thích nghe nhiều hơn
nói, và chỉ tủm tỉm cười khi thấy đời có nhiều điều trái tai gai mắt.

Dưới những tàn lá xanh của rặng xồi ven đường, ngọn đèn đường vàng
vọt, hắt hiu đã làm cho căn phố cũ lúc nào cũng buồn buồn, rất thích
hợp cho những tâm hồn yên tĩnh pha một chút lãng mạn, khi nghe tiếng
mưa tí tách rơi xuống khoảng sân lát gạch màu đỏ. Ngày xưa, những viên
gạch ấy có màu đỏ thẫm, và hàng hiên cũng sơn một lớp sơn thẫm như màu
gạch. Bây giờ cả hai cùng nhạt phấn phai son, xậm xuống vì mưa nắng.
Chúng cũng giống như tôi, đứng lại một chỗ trong khi bao thứ khác tiến
lên, bởi vậy tôi mới được gọi là căn phố cũ.

Những năm tôi còn trẻ, dạo ấy là thời mà thành phố còn đầy những rừng
cây, con người còn hiền lành như chim, tôi cũng khá là xinh đẹp và đã
có không ít người phải chật vật lắm mới được sống với tôi. Đất nước
này rất lạ, họ có một nền văn minh du mục, giống như những người Bô Hê
Miên, thường thay đổi chỗ ở luôn luôn. Tính họ ít gắn bó với cái gì
lâu dài, bởi họ rất thực tế, khi kinh tế phát triển nơi nào là chỉ một
sáng một chiều họ đã cuốn gói ra đi, cho nên với họ tôi chả có kỷ niệm
gì ráo. Người ta đến vì nhu cầu cần một chỗ ở, người ta đi vì đến lúc
phải đi. Bỏ một số tiền thuê mướn, họ có thể hành hạ tôi như ngày xưa,
ông nhà giàu có tiền mua hầu thiếp, chuyện tình cảm ái ân cũng chỉ là
để thỏa mãn cho món tiền họ bỏ ra, cho nên với những hạng đó, tôi
không nhớ nổi, và cũng chẳng nhớ làm gì.

Với thứ tình nghĩa bạc bẽo đó, tôi dửng dưng nhìn họ đến họ đi, chẳng
giữ lại chút kỷ niệm nào. Tuy nhiên, dù không phải là người, tôi vẫn
rất cần sự trân trọng của những con người có văn hóa. Chuyện tôi kể ra
đây chỉ vì có một lần, tôi bị một lũ người chẳng ra người, ngợm chẳng
ra ngợm, những chân cẳng ấy mỗi lần nhảy nhót lên theo điệu nhạc, tất
cả người tôi như bị rung rinh và tức thở, mấy vách tường đã cũ dường
như muốn nứt ra vì tiếng nhạc rậm rật. Đến bây giờ tôi vẫn còn ê ẩm vì
những dấu đinh họ đóng vào người tôi, để treo lên những bức tranh hở
hang, quần áo nghèo nàn và bảo đó là nghệ thuật thứ bảy. Xấu hổ chết
đi được, bởi vậy khi phải nhìn những con mắt hau háu ấy dán vào những
bức tranh nghệ thuật bẩn thỉu, tôi cứ rợn cả người. Sau này, lớp người
ấy ra đi, những bức tranh tục tĩu được xé bỏ, tôi mới thấy mình nhẹ
nhõm một chút. Có lẽ tôi đã già, lại hơi bảo thủ, cho nên vẫn thích
sống im lặng với những tâm hồn yên tĩnh, để nghe trong không gian bàng
bạc một nỗi buồn riêng, thú vị lắm.

*    *    *

Sau những tháng năm dài phục vụ con người, lại thêm kinh tế ngày một
khó khăn, biết tôi ốm đau, tàn tạ nhưng ông chủ tôi là người thuộc
giống dân cũng rất thực tế, tính toán là đến lúc nào đó phải thay đổi,
phải bỏ đi là họ bỏ, không ngậm ngùi nuối tiếc. Đấy là bản sắc của một
dân tộc có một lịch sử rất mới mẻ, cho nên họ luôn luôn hướng về phía
trước, và những gì họ có, nếu cần phải quên, họ không nắm nuối. May
mắn thay, phải nói là may mắn cho nên tôi còn tồn tại đến bây giờ, chứ
không giờ này cũng đã trở thành tro bụi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Dạo ấy có một đám di dân từ phương xa đến, chả biết họ ở đâu, nghe nói
tận bên kia bờ đại dương, nhìn trên bản đồ tôi thấy nó cong cong một
hình vẽ dài và hẹp. Đất này là miền đất hứa của dân tứ xứ, tôi biết
thế là vì từng này tuổi, tiếp cận gần gũi với đủ thứ loại người, tôi
công nhận chưa nơi nào con người có nhiều tự do bằng ở đây, có nhiều
cơ hội bằng ở đây. Nếu cứ chịu khó thì đúng nơi này mang cơ hội đến
cho mọi người, nếu họ biết mở cửa mà bước vào.

Ông chủ tôi gặp dịp may, tống khứ những thứ cũ kỹ cho đám di dân mới
với một giá rẻ mạt. Khởi đầu thì cũng trong bọn họ, có những người đi
trước rất hiểu bản chất người phương Nam, quan niệm rằng “có an cư mới
lạc nghiệp”, cho nên họ đánh trúng tâm lý của người mới tới, thế là
bao nhiêu căn phố cũ kỹ chúng tôi, được sơn phết sửa chữa lại, nhìn
hào nhoáng mới mẻ khi tôi và chúng bạn được khoác vào mình bộ xiêm y
mới. CHỉ ít lâu sau  chúng tôi biến thành những lâu đài thần tiên của
đám dân nghèo. Tôi lại một lần nữa có cơ hội được sống thêm, mang hạnh
phúc đến cho những con người, mà sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn của
họ, cũng như thứ tình cảm gắn bó với “cái nhà là nhà của ta”, đã làm
tôi thổn thức mãi khi phải chia ly.

Bây giờ cũng cần phải kể lại câu chuyện cũ, vì rõ ràng không thể tách
rời khỏi quá khứ, nếu tôi muốn bày tỏ cho mọi người hiểu tại sao tôi
lại yêu mến người chủ mới. Thời gian ấy tôi tang thương như một nàng
ca kỹ hết thời, son phấn đã nhạt màu thời gian, trên mặt chỉ còn lại
những dấu đinh lỗ chỗ và chiếc cửa kính  mỗi lần kéo lại rít lên những
tiếng ken két ghê tai. Thế giới tôi đang sống lúc ấy, con người xung
quanh tôi lại không muốn gắn bó một điều gì lâu dài, nếu là người thì
tôi đã có một nơi chốn để đến, đó là “nursing home” hay là nhà chờ
chết, nhưng vì là nhà cho nên tôi cứ tự nhiên xụm xuống như mọi thứ mà
thôi.

Đám người cũ ở đất này, hầu như chỉ thích khai phá những gì mới mẻ,
thay đổi luôn luôn, cho nên họ tiến bộ phía bên ngoài mà lại đánh mất
cái bên trong. Còn đám người mới đến lại là những con người khá lãng
mạn, họ sống bằng tình cảm, gắn bó với cái cũ mà nếu phải tách rời dĩ
vãng, họ như đánh mất một nửa tâm hồn. Điều này không biết sai hay
đúng, riêng tôi có lẽ vì cũng mang mặc cảm già nua tuổi tác, tôi vẫn
thích thú sự trân trọng cái cũ, nếu đó là những điều đẹp đẽ.

Người chủ mới đến với tôi đơn giản chỉ vì tôi vừa vặn trong tầm tay
của họ, và hình như họ có sẵn quan niệm thích làm chủ hẳn cái gì mà họ
nắm bắt được. Dẫu rằng ngó quanh thì xứ sở này không phải của họ, đất
nước này dù là xứ sở của mật và sữa, cũng không làm họ quên đi nỗi nhớ
quê hương. Tôi cũ kỹ thật nhưng qua những tay chuyên nghiệp về sửa
sang nhà cửa, đối với người chủ mới kể cũng khá là tiện nghi. Rồi khi
tôi thuộc hẳn về họ, tôi mới thấy còn nhiều thứ tình gắn bó với họ
mạnh mẽ lắm, bởi nền tảng là sau những cam khổ của nơi họ sinh ra, họ
tự nhiên có cái tính toán phải đề phòng những bất trắc. Nhờ vậy, từ
những cơ cực ban đầu, họ đã có nền tảng để đầu tư những cái lớn trong
tương lai.

Ba mươi tuổi tôi đã trải qua lắm dãi dầu mưa nắng. Mùa Xuân, đất trời
còn mát mẻ và cây cỏ xanh tươi, tôi còn cảm thấy dễ chịu đôi chút. Qua
đến mùa hè mới thật kinh khủng, nắng gì mà nóng dễ sợ, cứ phơi người
ra với cái nóng hằng trăm độ của mùa hè ròng rã suốt mấy tháng trời,
nếu da thịt mềm mại như con người tôi đã chết từ lâu. Rồi tiếp theo
những mùa Đông giá lạnh, các khung gỗ trong người tôi co mình lại vì
lạnh. Tôi thấu hiểu cảnh cơ hàn của những kẻ không nhà, vì thế cho nên
khi người chủ mới tới, tôi cũng lờ mờ hiểu thế nào, tại sao mà có
những người vào mùa đông lại có thể thốt lên những điều áo não: “…
có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà…”.

Trước tiên, bộ mặt tôi được đổi sắc theo cách nhìn của họ, nhờ vậy tôi
mang dáng dấp một tiểu thư phương Đông, màu sắc mùi vị phương Đông.
Mỗi lần ngày giỗ ngày Tết, người tôi thơm lừng mùi trầm nhang, những
bức sơn mài cẩn ốc treo trên tường như óng ánh thêm khi ánh đèn bật
sáng, khắp người tôi bàng bạc một thứ không khí thơm tho và ấm áp, tôi
chưa bao giờ có cảm giác dễ chịu như thế. Có một điều kỳ diệu giữa con
người và những vật vô tri giác, như đồng loạt khoác vào nhau cái quấn
quýt của một thế giới có linh hồn, và tôi đã chìm ngập trong niềm rạo
rực êm ái đó.

Suốt một đời làm nhà, tôi đã nhìn biết bao khuôn mặt đến rồi đi, mỗi
người, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng. Họ lãnh đạm thì tôi cũng nhìn
lại bằng cái nhìn lạt lẽo, là vì không có tình trong đó thì làm sao
yêu mến nhau được. Có nhiều người đến, họ không cho tôi cái cảm giác
là một nơi chốn thân quen của họ, vì tôi chỉ là một phương tiện đáp
ứng một nhu cầu, sau đó thì họ quên, quên phứt. Ở đời, những tấm lòng
bạc bẽo ấy khá nhiều, thật xấu hổ khi họ được sinh ra làm người, tôi
tưởng là họ có trí óc, có tâm hồn thì chắc hẳn phần sâu sắc phải hơn
hẳn bọn tôi, hóa ra không phải vậy.

Những tháng ngày sau đó, hình như sự truyền đạt của một tấm lòng cho
một tấm lòng, của con tim cho một con tim, tôi dần dần cũng biết chiêm
ngưỡng những hạnh phúc đơn sơ mà mình gặp, mình thấy. Xuyên qua lớp
cửa kính trong suốt, tôi nhìn thấy đôi chim sáo ríu rít vào ra chiếc
tổ ấm trên mái hiên, cây thông xòe ra những tán lá xanh biếc, và cây
kim quất nở những chiếc hoa trắng muốt, tỏa mùi thơm bát ngát.

Đôi chim sáo trên mái hiên, cây thông thẳng người với dáng đứng quân
tử, cây quất nở hoa mỗi độ xuân về, dường như tất cả những thứ ấy hòa
hợp vào nhau để trở thành một luồng sinh khí thổi hơi vào căn phố cũ,
và cả con người nữa. Đó là cái hồn của nơi chốn, nó làm tôi sung sướng
ngập tràn hạnh phúc. Đâu phải tất cả những căn phố như tôi đều được
hưởng niềm vui êm ái đó. Tôi biết có nhiều lâu đài tráng lệ, được tô
điểm và trang hoàng bằng những thứ quý nhất của trần gian, vậy mà sao
nó vẫn lạnh lẽo? Có phải chăng nó không có trái tim, vì không tìm đâu
ra sợi giây cảm thông giữa con người và nơi chốn.

Càng sống lâu với những con người này, tôi càng cảm mến họ, vì họ là
những người ít thích thay đổi, họ thích gắn bó với quá khứ và kỷ niệm,
cho nên tôi cũng thật tiếc khi họ bỏ lỡ nhiều cơ hội để tiến thân.
Sống nhiều cho dĩ vãng, đắm chìm trong những ảo ảnh mù xa cho nên có
lúc quên, hay cố tình không nắm bắt lấy cái mới mẻ trong hiện tại. Tôi
đi đến kết luận này, và thực sự tiếc vì sao mà dân tộc họ không tiến
mạnh lên được, nhưng vốn bản chất dân tộc họ đã có một nền văn minh
định cư, sống có làng có xóm, có sự gắn bó với quá khứ, dẫu đôi khi
quá khứ chỉ là những điều buồn rầu mà họ cũng khó rứt ra được.

Cũng từ một góc trong căn phố cũ, tôi nhìn thấy những giọt mưa rớt
xuống sân nhà, gõ những phím đàn trầm buồn trên mái tôn cũ kỹ. Những
chiếc bong bóng nước phập phồng rồi vỡ ra như vỡ một nỗi buồn, tôi đọc
được trong lòng người nỗi u uẩn đó.

Ở đây những đêm mưa, ánh đèn rờn rợn xanh xao dưới hàng cây xồi tối
thẫm, tôi nghe như âm vang một bài thơ, một đoản khúc, một giai điệu
trầm lắng của tiếng nhạc trời mà chắc là chưa có một thi sĩ, văn sĩ,
nhạc sĩ nào ghi hết được. Tôi đã có sẵn một nỗi buồn già nua, cơn mưa
đêm trong đôi mắt u uẩn chất chứa những nhớ nhung xa vời ấy càng làm
tôi rùng mình vì cô đơn. Sự cô đơn thật kỳ quặc, như người ngồi một
mình trong đêm khuya ngó bóng mình trên vách, lại tưởng rằng đã gặp
bạn tri âm:

“Chập chờn giữa những tỉnh mê,
Bóng mình trên vách, bốn bề quạnh hiu.”

Từ ngày ấy đến nay, tôi bị ảnh hưởng chút lãng mạn phương Đông, để
tưởng tượng ra rằng dẫu là hoa cỏ cũng có linh hồn. Nghe qua thì họ
bảo tôi bịa đặt, nhưng sự thật vẫn là sự thật, cây cỏ cũng buồn tủi
như người, cũng biết đau khổ khi nghĩ đến lúc bị bỏ rơi, và cây kim
quất đã thì thào bảo nhau cố đơm hoa khi mùa Xuân tới, khiến mùa Xuân
năm đó khoảng không gian quanh chúng tôi như có hơi thở thơm tho của
hoa cỏ, và vì thế mà mùa Xuân óng ả hơn.

Nếu bảo rằng qua một thời gian dài chung sống với những người ấy, để
đánh giá cả một dân tộc thì e rằng tôi có cái nhìn quá rộng, nhưng
thật ra họ cũng không hoàn toàn là những người chỉ sống cho dĩ vãng mà
quên nhìn đến tương lai. Bằng chứng là họ vẫn khuyến khích lớp người
trẻ vươn lên, gặt hái những thành quả tốt đẹp như người bản xứ, nhưng
cái tinh hoa của nền đạo đức và văn hóa phương Đông họ cương quyết gìn
giữ, gìn giữ đến độ khe khắt. Điều ấy khiến đám trẻ bực mình, và cho
họ là kẻ chậm tiến, bảo thủ. Giữa những khác biệt đó, tôi chỉ khách
quan cho rằng phải dung hòa với nhau, như cô gái đẹp biết lúc nào nên
mặc quần áo màu gì, cho hợp với tính cách của mình, thì sự khác biệt
này cũng đơn giản vậy thôi.

Phần tinh thần thì đã vậy, còn ngoại cảnh thì sao? Dường như ở quê
hương họ, nơi chốn họ sinh ra bao phủ một màu xanh của cây cỏ, cho nên
nơi họ sống, họ cũng muốn tất cả đều mang một màu xanh, như mang phần
đời của họ nơi quê nhà. Xung quanh căn phố cũ chỉ có những khoảng đất
nho nhỏ, một hôm tôi ngạc nhiên nhìn thấy cây ớt đỏ, nhúm rau xanh,
một cây chanh, vài bụi hành và những cây cải non mươn mướt. Họ trồng
cho vui chứ không phải vì nhu cầu ăn uống, nhưng dùng nó để chia xẻ
với những người quen biết, và sự cho đi là dường như có nhận lại niềm
vui, có lẽ là bản chất của dân tộc họ.

Tôi đã ngạc nhiên khi một sớm mai trời còn đầy sương muối, bỗng tiếng
gà gáy ở đâu vẳng lại đã làm họ xúc động, bên ly trà nóng sáng hôm đó,
họ lại khoan khoái và thú vị hơn mọi ngày. Tôi thấy họ lắng nghe, đôi
mắt long lanh. Tiếng gà gáy như sống dậy cả một trời quá khứ, làm đậm
đà thêm chén trà trong sương sớm, và ngoài sân cây mẫu đơn cũng đang
khoe những nụ hoa xinh. Một người nói: “Lâu lắm rồi không nghe tiếng
gà gáy…”

Đúng là một dân tộc lãng mạn, nhiều tình cảm, khó hiểu và kỳ bí. Tiếng
gà gáy, bông hoa mẫu đơn nở trong chiếc chậu sứ, những con chim sẻ
nhảy nhót tìm mồi trên khoảng sân cỏ ướt, chắc chắn đã gói ghém hồn
quê trong đó. Tôi chia xẻ và trân trọng nỗi ngậm ngùi của họ, những kẻ
xa quê, và hiểu sao khi họ ngồi bên nhau, nhắc nhau nhớ, miệng họ cười
mà mắt họ lại ướt.

*    *     *

Vậy mà có một ngày người cũng bỏ tôi ra đi, mang theo tất cả hồn của
căn phố cũ, tôi buồn biết bao nhiêu. Từ đây, những sáng sớm mù sương,
buổi hoàng hôn cơn gió chiều thổi những chiếc lá xồi khô lăn xuống
cuối dốc. Những đêm mưa trong căn phòng ấm nhìn ra mặt đường khuya ướt
át, những giọt mưa vẽ nhòe nhoẹt trên mặt cửa kính và hàng cây rũ rượi
ven đường, có tiếng đàn trầm réo rắt thở dài từ nhà hàng xóm bay sang,
lòng tôi chùng xuống một nỗi nhớ khôn nguôi. Hơn tám năm dài tôi đã
quen hơi người như quen hơi tình nhân. Tôi rộn rã khi người vui, tôi ủ
rủ khi người buồn. Chưa bao giờ tôi lại có cảm nhận sâu sắc như thế,
khi thật sự hiểu rằng tại sao người ta lại phải biết trân quý một tâm
hồn, một trái tim.

Người đi thật rồi sao? Tôi nghe lòng trống rỗng khi còn trơ lại một
mình với những bức tường trắng toát, và nỗi cô đơn của một căn phố cũ.

Nguyên Nhung
( Viết cho căn phố cũ của tôi){jcomments on}

 

0 thoughts on “Phố Cũ Tự Tình

  1. nguyentiet

    Chưa bao giờ tôi lại có cảm nhận sâu sắc như thế,khi thật sự hiểu rằng tại sao người ta lại phải biết trân quý một tâm hồn, một trái tim.

    Người đi thật rồi sao? Tôi nghe lòng trống rỗng khi còn trơ lại một mình với những bức tường trắng toát, và nỗi cô đơn của một căn phố cũ.

    Bài viết hay quá, thật cảm động! nguyentiet đã không cầm được nước mắt,không biết khóc cho người hay cho chính mình!Cám ơn Nguyên Nhung.

    Reply
  2. Thu Thủy

    Đúng là một dân tộc lãng mạn, nhiều tình cảm, khó hiểu và kỳ bí. Tiếng gà gáy, bông hoa mẫu đơn nở trong chiếc chậu sứ, những con chim sẻ nhảy nhót tìm mồi trên khoảng sân cỏ ướt, chắc chắn đã gói ghém hồn quê trong đó. Tôi chia xẻ và trân trọng nỗi ngậm ngùi của họ, những kẻ xa quê, và hiểu sao khi họ ngồi bên nhau, nhắc nhau nhớ, miệng họ cười mà mắt họ lại ướt.

    Tâm hồn của người Việt Nam lúc nào cũng hoài niệm về quê hương với hình ảnh thật sống động và đẹp đẽ.

    Reply
  3. Khảo Mai

    Người đi thật rồi sao? Tôi nghe lòng trống rỗng khi còn trơ lại một
    mình với những bức tường trắng toát, và nỗi cô đơn của một căn phố cũ.

    Bài viết về hoài niệm rất thật

    Reply
  4. Khoa Trường

    Căn phố cũ đã được “nhân cách hóa” với những trãi nghiệm về nhân sinh quan phương đông rất hay! Đó cũng chính là sự khác biệt và là nét độc đáo giữa các nền văn hóa đang cùng tồn tại.
    Cám ơn tác giả Nguyên Nhung đã cho đọc bài viết với những xúc cảm xưa cũ nhưng lại rất cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn Việt.

    Reply
  5. Trần Đăng Linh

    Tui cũng ngậm ngùi bị đứng một chổ trong khi mọi thứ tiến lên NN wơi!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.