Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ:[ tt]

*Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ (phần 4)
Người lính Mỹ ở Trân Châu Cảng


Đáng lẽ tôi định viết tiếp về hòn đảo lớn nhất (Big Island) trong quần
đảo Hạ Uy Di nằm ở Thái Bình Dương như đã hẹn với bạn, nhưng thôi để
lần sau vì chỉ còn mấy hôm nữa là ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, đất nước
mà tôi yêu mến bởi đã mở cánh cửa cơ hội cho gia đình tôi có được như
ngày hôm nay.

Khi đến Honolulu, điều tôi muốn đến trước tiên vẫn là căn cứ Trân Châu
Cảng mà tôi đã được xem bộ phim này vào thập niên 70, cuốn phim chiến
tranh có sức hút mãnh liệt vì lúc đó đất nước tôi cũng đang có chiến
tranh. Thuở ấy mỗi ngày trên báo chí và đài truyền hình, tôi đã đọc,
đã nhìn thấy hình ảnh thảm khốc của chiến tranh từ cầu Bến Hải cho tới
mũi Cà Mau, nhiều đêm tôi bất chợt bị đánh thức bởi những quả đại bác
dội vào thành phố, ầm ầm xoáy xuống nơi nào đó mà gia đình tôi đang
trú ngụ.

Tôi không thích chiến tranh là vậy, nói theo luật Nhân Qủa của nhà
Phật, chắc chắn quả báo sẽ đến với kẻ gây hấn, trong tiền kiếp đến
hiện tại, thế nào cũng có lúc lãnh nhận cái quả này. Tuy vậy, tôi lại
thương người lính, nhất là những người lính xa nhà, nơi chiến trường
tanh tười mùi máu và bom đạn. Qua hình ảnh những người lính Mỹ  nơi
hải đảo xa xôi mà tôi đã nhìn thấy ở Trân Châu Cảng,  trong một buổi
chiều chiến hạm ghé vào bờ. Vẻ rắn rỏi với nước da đồng nâu trong bộ
chinh y màu sa mạc của người lính Hoa Kỳ khiến tôi nao lòng. Cảnh thì
đẹp như vậy, trời vẫn xanh và biển vẫn xanh, họ sẽ đi đâu, đến đâu
trong suốt cuộc hành trình đời Lính?

Ngày hôm trước, đoàn du lịch đã được thông báo ngày mai đến thăm Trân
Châu Cảng, tiếng Anh gọi là Pearl Harbor, hải cảng thuộc đảo O’ahu,
một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Hawaii. Trân Châu Cảng nằm ở
phía Tây của thành phố Honolulu, vùng quân sự nước sâu và đây là trung
tâm chỉ huy của hạm đội Thái Bình Dương. Nơi này đã diễn ra cuộc chiến
nổi tiếng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, ngày 7 tháng 12 năm 1941, trận
chiến này khởi đầu cho việc Mỹ tham gia vào đệ nhị thế chiến.

Đi thăm Trân Châu Cảng là một ước mơ của tôi, bộ phim này của hai nhà
đạo diễn là Micheal Bay và Bruckheimer năm 1970, và ngay tức khắc nó
đã bay xa đến các nơi trên thế giới. Mãi tới năm 1973 tôi mới được
xem, cảm tưởng trái tim mình đã se thắt lại khi nhìn thấy trong phim
một buổi sáng tinh sương tháng 12 năm 1941, hình ảnh của những người
lính trẻ Hoa Kỳ đang tuổi thanh xuân, như còn nặng trĩu trong trí nhớ
của tôi, nước mắt như đọng lại trên viền mi cho tới đoạn cuối cùng của
bộ phim chiến tranh.

Trong một bộ phim khác về chiến tranh, người lính gìa sau khi giã từ
vũ khí, nhìn lại những hình ảnh tan nát, đổ vỡ đã nói một câu để đời :
“Khi cuộc chiến kết thúc, người trẻ thì chết còn người gìa thì nói”.
Vâng, người lính gìa của bất cứ cuộc chiến nào cũng đang hoài niệm
từng trận đánh sinh tử, tiếng đạn réo bom rơi, sự ra đi của đồng đội
thì có lẽ Trân Châu Cảng ngày nay cũng là nơi để người dân Mỹ tưởng
nhớ lại trận đánh tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Sáng hôm đó mọi người đều dậy sớm, lục tục kéo xuống “lobby” của khách
sạn uống cà phê và lên đường. Nhân đây tôi sẽ nói về loại cà phê Kona
nổi tiếng của Hawaii mà dân địa phương rất hãnh diện về sản phẩm này,
tôi không sành cà phê nhưng chắc chắn đây là loại cà phê nguyên chất
không pha chế nhăng nhít. Khi viết về Big Island, tôi sẽ đề cập đến
buổi ghé vào  đồn điền  Kona Joe Coffee, nhìn tận mắt những cánh đồng
trồng cà phê và cách hoạt động của một nhà máy cà phê như thế nào.

Muốn khỏi cảnh xếp hàng chờ đợi khi vào Trân Châu Cảng, du khách phải
đến sớm để kịp chuyến xe chở khách đi quanh một vòng hải cảng, mỗi
chuyến độ 2 giờ đồng hồ. Nhìn cảnh hôm nay khó ai hình dung nổi nơi
đây ngày xưa đã từng bất thình lình diễn ra khi hằng trăm máy bay
Nhật, với các viên phi công Thần Phong  ào ạt tấn công vào các chiến
hạm của Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng.

Đây là phần mở rộng của vịnh nước cạn được gọi là WAI MOMI, tiếng địa
phương là Pu’uloa, có rất nhiều ngọc trai thiên nhiên. Hiện nay tại
các cửa hàng chuyên bán Gift Shop đều có một chiếc chậu nhỏ, đựng
những con trai còn sống với giá 15 mỹ kim, và họ bảo rằng mỗi con đều
có chứa 1 hay 2 viên ngọc, nếu du khách nào may mắn sẽ có được những
viên ngọc trai với một gía rẻ mạt làm thành trang sức.

Và đây, một người lính Mỹ là nhân viên an ninh đứng chặn ngoài cửa để
kiểm soát  giấy tờ tuỳ thân  của du khách. Từ chỗ này vào bờ vịnh
không xa, thấp thoáng những chiến hạm ở thập niên 40 rải rác đó đây,
có một bến tàu mà cách đây khoảng 70 năm về trước đã ngổn ngang, hoảng
loạn , hãi hùng của các chiến hạm Mỹ khi bị Nhật tấn công bất ngờ.
Cuộn phim “Tora, Tora, Tora” năm xưa như hiện ra trước mắt tôi, vẻ hồn
nhiên của những người lính Mỹ buổi mai hôm ấy bên ly cà phê còn bốc
khói, bỗng chốc tiếng còi báo động hú lên từng hồi và những chiếc máy
bay của Nhật từ trên không lao xuống, những trái bom phà lên ánh lửa,
những cột khói bốc lên trời, chết chóc, thương vong, như một cơn ác
mộng đến với những người thuỷ thủ Hoa Kỳ ngoài hải đảo xa xôi, tích
tắc đã chỉ còn là hoang tàn đổ nát…

Một chút bùi ngùi khi du khách nhìn thấy những đài tưởng niệm nhỏ hình
khối thẳng đứng dọc theo ven bờ, trên mặt có khắc những hàng chữ kỷ
niệm ghi từng chiến hạm đã bị đánh chìm và tên tuổi của các quân nhân
đã tử trận theo con tàu nằm rải rác trong vùng Thái Bình Dương. Bao
nhiêu trụ là bấy nhiêu chiến hạm lớn nhỏ đã bị đánh đắm hoặc tan tành
với mưa bom, đối diện bên kia bờ là một Đài Kỷ Niệm sơn trắng một màu
tang tóc, ngày xưa là chiến hạm Arizona đã bị đắm và nằm im dưới lặng
dưới đáy nước, mang theo 1102 sinh mạng của người lính Hoa Kỳ, số
thương vong cao nhất trong các chiến hạm của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương
thời đó.

Gío biển thổi lá cờ nước Mỹ bay phần phật trên bầu trời xanh lơ, nước
vẫn êm đềm vỗ sóng vào ven bờ, như tiếng kinh cầu trầm buồn của biển
khơi ròng rã bao năm tháng cho bao nhiêu sinh linh đã bỏ mình vì đất
nước:

“Những hồn năm cũ, người năm cũ
Như còn ẩn hiện cả nơi đây
Biển vẫn âm vang lời tưởng nhớ
Lờ lững quanh trời mây trắng bay”

Du khách có thể ghi lại vài tấm hình với cái mỏ neo sơn màu xám nhạt,
nếu nhìn sơ lại rất giống hai con chim bồ câu chụm vào nhau trong một
tư thế hoà bình. Chao ơi! Thế giới vẫn luẩn quẩn trong cái vòng nghiệt
ngã của chiến tranh và hòa bình, tôi và chị Oanh, bà chị kết nghĩa
nhóm thơ thẩn Hoa Bưởi chụp chung vài tấm hình kỷ niệm, phía sau có
chiến hạm 287.

Bỗng dưng tôi nhớ lại ở Corpus Christi thuộc tiểu bang Texas, hiện
đang trưng bày chiến hạm Lexington tượng trưng cho Viện Bảo Tàng chiến
tranh mà tôi đã một lần ghé thăm, nghe nói cũng đã cùng nhiều chiếc
mang tên Lexington chiến đấu với phi cơ Nhật dài dài ngoài khơi Thái
Bình Dương, ngay sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng và Mỹ đã bắt đầu
phục hồi lại lực lượng hải quân của họ. Cuối cùng thì chiến tranh đã
kết thúc, hai trái bom nguyên tử thả xuống 2 thành phố  Hiroshima và
Nagasaki khiến nước Nhật phải tuyên bố đầu hàng, kết thúc đệ nhị thế
chiến.

Trong lúc mọi người tản mát vào các phòng trưng bày các loại  vũ khí
chiến tranh, quả thật nước Nhật hồi ấy đã có những vũ khí tối tân, và
điều kinh khủng hơn nữa là có những quân nhân cảm tử dám liều chết khi
điều khiển một quả ngư lôi chứa khoảng 3000 “pounds” thuốc nổ để lao
vào phá  huỷ tàu Mỹ ở dưới nước. Trong khi đó các hạm đội của Mỹ hình
như ở tư thế không chống trả được vì họ vẫn còn đứng ngoài vòng cuộc
chiến.

Nhìn những thứ vũ khí giết người ghê gớm ấy, tôi lại nhớ đến câu
chuyện mẹ tôi kể cho các con nghe về năm 1945, lúc  ấy tôi chưa sinh
ra, dân Việt Nam mình đã chết như rạ trong trận đói năm Ất Dậu vì lúa
bị đốt để trồng đay. Gia đình tôi ở thị xã đời sống tương đối còn khá
nên mỗi buổi sáng, cha tôi bảo mẹ tôi nấu mấy nồi cháo đặt trước cửa
để bố thí cho người nghèo đi xin ăn. Khi thấy tình hình quá bi đát,
ông về nơi chôn nhau cắt rốn tìm người làng xem  ra sao. Tới cổng làng
ông chợt nhìn thấy một đứa bé chưa đầy năm đang úp mặt trên đôi vú khô
queo của người mẹ đã chết tự bao giờ. Ông bế đứa bé về giao cho các bà
phước nuôi nấng, còn gọi người làng ra để tạm chôn cất cho người phụ
nữ xấu số xuống nấm đất nông, vì chị ta từ một làng khác bồng con định
đến xin ăn ở làng này vì đói quá. Bây giờ có được cuộc sống no đủ như
ngày hôm nay, tôi cứ nghĩ mình đã được hưởng cái phúc đức của cha tôi
ngày trước, ông cũng đã nằm lại mảnh đất quê nhà năm 1954, trước ngày
phân ly đất nước.

Trời đã đứng bóng, Trân Châu Cảng vẫn kẻ đến người đi, những chiến hạm
lặng lẽ nằm phơi mình trên sóng nước đại dương. Trên cao là những giải
mây trắng lững lờ bay in bóng lên nền trời xanh lơ, bao nhiêu dâu bể
cuộc đời, những núi biếc non xanh, những con tàu trầm mặc in hình
xuống làn nước biếc, có bao giờ thổn thức vì nơi này ngày xưa biết bao
người đã nằm xuống?

Chúng tôi còn đi qua khu vực trại gia binh của lính Mỹ, người địa
phương cũng gọi thành phố này là thành phố lính vì lính đã chiếm
khoảng phân nửa dân số sống tại đảo O’ahu. Gần trại lính có một trung
tâm mua bán có nhiều quán ăn của Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa. Chúng tôi
ngồi gần bàn ăn của vài người quân nhân, công nhận quán nấu ăn khá mà
lại rẻ, một tô mì phải hai người ăn mới hết, thật hợp với sức ăn của
Lính.

Thôi hãy để những đau buồn đó nằm im lặng trong nấm mồ lịch sử của
nước Mỹ, chúng tôi rời Trân Châu Cảng và đi thăm địa điểm sản xuất dứa
mang tên Dole của Honolulu. Những trái dứa ở đây rất to, óng vàng mà
ngọt lịm, y hệt dưá Bến Lức ở quê mình, giá khá đắt so với các loại
dứa trồng các nơi khác trên nước Mỹ, nhưng “đáng đồng tiền bát gạo”.

Từ trang trại và nhà máy, ngó qua bên kia đường để rồi ai cũng ngạc
nhiên khi phát hiện ra một hàng cây phượng thắm, rưng rưng đỏ thắm
trên một bức phông trùng trùng mây và núi. Có ai đó bật ra tiếng hát
bài ca “Nỗi Buồn Hoa Phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn:

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn!”

Chao ơi là nhớ, ở cái tuổi đầu đã bạc mà vẫn chưa quên được màu hoa
của tuổi học trò. Hoa phượng ở Hawaii nhiều lắm, trồng dọc theo đường
đi nhưng chưa chỗ nào mọc thành hàng như ở đây. Ai cũng vội vã băng
qua đường ghi lại những tấm hình với hàng phượng vĩ, như níu thời gian
lại mà quay về tuổi học trò đã xa tít mù khơi…

*Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ (phần 5)
Hawaii: Big Island, hòn đảo của núi rừng hoang dã.

Nguyên Nhung

“ Hawaii như mở mà như đóng
Như nỗi buồn vui của mỗi người
Đôi khi thấy động như triền sóng
Lúc tịnh như hòn núi nghỉ ngơi.”

Thơ Nguyên Nhung

Đêm đã khuya,  nhìn lên bức tranh thêu bản đồ nước Mỹ của bà Laura
treo trên tường, quần đảo Hạ Uy Di như những hạt đậu xanh nho nhỏ  đã
ghi lại trong tôi biết bao kỷ niệm về nơi chốn và tình người. Nhớ lại
nơi tôi đến, nhớ lại những ân tình chân thật của đồng hương Hoa Bưởi
nơi đây đối với nhau như bát nước đầy, cảnh thiên nhiên hoa lá cỏ cây,
biển xanh, nắng ấm, bao nhiêu thứ ấy chan hoà trong tâm tư tôi sự ấm
áp của tình người và ngoại cảnh.

Tôi nghĩ đến bài thơ mình vừa sáng tác về Hawaii, bốn câu này hình như
đã quá đủ để diễn tả về những khác biệt giữa hai hòn đảo lớn mà tôi đã
có dịp ghé thăm. Từ phi trường Honolulu, đáp máy bay sang thăm Big
Island , tên của hòn đảo Hawaii mà nhiều người lầm lẫn với quần đảo Hạ
Uy Di. Trời mưa lất phất, tuy nhiên buổi sáng hôm ấy tôi nhớ là ngày
Sinh Nhật của mình, và tưởng là chỉ có mình tôi nghĩ đến cái ngày mình
chào đời. Ai ngờ khi lên xe, khi mọi người ai nấy đã yên chỗ thì đúng
lúc ấy tôi nghe anh trưởng đoàn nói với bà con cùng hát bài “Happy
Birthday” để mừng Sinh Nhật tôi khiến tôi cảm động quá …

Cũng không phải chờ đợi lâu, chúng tôi đã chuẩn bị lên phi cơ của hãng
Hàng Không  Hawaiian  bay qua đảo Big Island, hơn  nửa giờ bay trên
vùng biển Thái bình Dương, hành khách được thưởng thức một món giải
khát thật thơm ngon mùi vị rất đặc biệt, người ta bảo đây là loại giải
khát từ những trái lựu pha nước cam Hạ Uy Di. Sau này khi ngồi trên xe
nhìn ra phong cảnh hai bên đường, tôi mới biết nơi này ngoài dứa, cà
phê, đu đủ nổi tiếng ngon thì ổi cũng là một trái cây rất dễ trồng ở
vùng đất núi.

Hawaii (Big Island) là một hòn đảo trẻ nhất trong quần đảo Hạ Uy Di,
được tạo thành bởi núi lửa Kilauea, diện tích khoảng 4028 square
miles,  có một ngọn núi cao nhất thế giới tên là Maunakea với chiều
cao 33.000 feet, và một công viên rộng lớn nhất tiểu bang. Khí hậu
vùng núi biển nên vừa ẩm vừa khô, trời mưa nắng thất thường. Nếu ví
Honolulu như người đàn bà tươi  trẻ đầy sức sống thì Hawaii lại giống
như một phụ nữ có chiều sâu quyến rũ, sức hút say đắm và mãnh liệt của
một hoả diệm sơn đang âm ỉ. Điều này chắc du khách thường cảm nhận
được vì sự hiện diện của những ngọn núi lửa đang câm nín phả những làn
khói trắng lan lan trên các cánh đồng cỏ khô cằn và hoang vu.

Kona đây rồi, đây là một phi trường nằm ở phía Tây đảo Hawaii, một
chiếc xe bus chở đoàn 30 người còn rộng thênh thang, đến viếng thăm
một ngôi nhà thờ cổ ở thành phố Kona-Kailua. Ngôi nhà thờ mang tên
Mokoaikawa, xung quanh nhà thờ là những vòm cây cao tỏa bóng mát và
hàng dừa xanh rất nên thơ. Chỗ nào cũng có bóng dừa, tuy vậy không
hiểu sao dừa Hawaii không ngọt nước bằng dừa Bình Định, Qui Nhơn, hay
Bến Tre, Cần Thơ của quê mình đâu nhé! Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên
được xây dựng ở Island năm 1836, nên có nhiều cây cổ thụ rễ chằng
chịt, gần đó phố xá và tiệm cà phê cũng thấp và xinh xắn mang vẻ đẹp
nỗi buồn tỉnh lẻ.

Sau khi thăm viếng nhà thờ, mọi người lục tục lên xe vì đường còn xa,
hai bên đường khi thấp thoáng bóng biển xanh, khi lại là rừng cây bao
quanh những ngôi nhà nghỉ mát nghe nói rất đắt gía. Bà con thỉnh
thoảng lại reo lên suýt soa khi nhìn thấy những loại cây ăn trái giống
hệt như đường về miền Tây quê nhà. Cứ làm như vì Hawaii nằm chông
chênh giữa biển mà những hình ảnh của quê nhà và quê người giống nhau
đến lạ lùng. Thấp thoáng những bóng phượng đỏ hai bên đường đi, rồi
thì xoài, ổi, trái vải nằm bên vệ đường tưởng như cứ giơ tay ra là hái
được. Xe chạy một đoạn đường dài, người tài xế dừng xe cho bà con
xuống xả hơi và vào Kona Coffee & Museum  nếm thử cà phê Kona nổi
tiếng, có rất nhiều cà phê mang hương vị khác nhau, trời lại u u muốn
mưa nên cứ nhẩn nha mà nếm thử cho biết. Cái hay của họ là sau khi thử
xong thì mỗi du khách khi ra khỏi tiệm thế nào cũng mua về nhiều loại
quà khác nhau, giá cả nhiều khi mắc hơn ngoài chợ nhưng chẳng ai tính
toán làm chi vì nghĩ khi du lịch về  có món quà đặc sản địa phương làm
quà cho người ở nhà.

Bây giờ trên đường xa thấp thoáng một màu xanh xanh mát mắt,  thì ra
đây là đồn diền cà phê mang tên Kona Joe Coffee,ghé vào đây để xem tận
mắt cây cà phê được họ vun bón trồng tỉa như thế nào, lại còn có nhân
viên ra đón tiếp và giới thiệu từng công đoạn trước khi cà phê được
tung ra thị trường. Tôi không phải dân sành uống cà phê, nhưng sau khi
được nếm thử mấy viên cà phê rang bọc “chocolate” thì thích quá, bèn
lấy ngay mấy bịch để mang về làm quà cho bà con, ăn thơm thơm bùi bùi,
chiêu thêm một ngụm nước nóng để tưởng tượng ra ly cà phê nguyên chất
với sô cô la ngon tuyệt cú mèo.

Lại lên đường, nhưng buổi trưa bà con cần có gì bỏ bụng rồi mới tiếp
tục cuộc hành trình đến bãi biển đen và núi lửa, vì nơi đó hoang vắng
nên khó tìm được quán ăn. May quá, gần một khu thương mại bán xăng và
tiệm ăn sát bên là khu chợ trời bán trái cây, lèo tèo độ chục túp lều
che nắng che mưa, bán vài thứ thức ăn sẵn và nhiều trái cây đủ loại
như đu đủ, xoài, trái bơ, sa bô chê, mãng cầu, mận …. , toàn những thứ
trái cây vùng nhiệt đới mà bà con ai cũng mê. Người bán đa số là thổ
dân sống quanh vùng, nét mặt hiền lành với màu da nâu xậm vì nắng gió,
người nghèo ở nơi nào cũng vất vả vì miếng cơm manh áo như nhau.

Sau bữa trưa mọi người lên xe ngay vì đường còn xa, phong cảnh hai bên
đường đã khác nhiều vì đất đai khô cằn, trên những ngọn đồi thấp chạy
dọc hai bên đường hình như chỉ thấy có loại hoa giấy, hoa sứ và các
loại cây dại là sống được. Hoa giấy mọc từng bụi khổng lồ chen vào các
loại cây không tên, rủ xuống nhiều màu như hồng, tím, đỏ điểm lên
không gian buồn bã ấy chút gam màu tươi thắm,  những cây hoa sứ lêu
nghêu chi chit hoa nhưng làm như vẫn không mang nổi sinh khí cho miền
đất khô của thần Lửa. Liên tiếp nhiều dặm đường vẫn có nhà ở, được
biết vùng này cư dân đều phải dùng nước giếng, vì chính phủ không dễ
gì đem được nguồn nước đến những nơi xa xôi như vậy.

Chuyến xe tiếp tục đưa du khách đến thăm vùng bãi biển cát đen Punaluu
Black Sand Beach, những bờ đá đen là dung nham của núi lửa tràn về sau
những cơn động đất, ven biển là một rừng dừa cây lá cũng kém phần xanh
tươi khiến bờ biển cát đã đen trở nên buồn bã, nhiều con rùa biển nằm
phơi nắng hoặc ấp trứng trên bãi cát, du khách chỉ quan sát mà không
được tới gần vì đây là những giống vật cần được bảo vệ. Tuy vậy nước
vẫn xanh và trời vẫn xanh, biển vẫn đẩy vào bờ đá đen những lượn sóng
buồn bã từ Thái Bình Dương. Nắng oi ả và gió vẫn thổi tung tấm khăn
choàng mỏng khoác trên vai, nhìn rừng dừa xám nghoét như màu tro than
ảm đạm, y hệt một vùng đất chết cỏ cây cháy xém vì bom đạn sau cuộc
giao tranh.

Khách lại lên đường, cảnh vật hai bên càng lúc càng hoang vu, bây giờ
mới là lúc đến thăm vùng núi lửa Volcanoe National Park. Vẫn những
cánh đồng cằn cỗi và lặng lẽ mang nỗi buồn cô phụ, chỉ có những bụi
hoa giấy khổng lổ leo từ vách đồi xuống màu đỏ tươi hay hồng thắm,
giống như chút son môi vụng về trên khuôn mặt người đàn bà đã tàn phai
nhan sắc. Mọi người vào một tòa nhà hướng dẫn cho du khách xem những
hình ảnh núi lửa trong thời kỳ  hoạt động tại Bảo Tàng Viện Thomas
A.Jaggar và miệng núi lửa Halema’Unua’U ( dựa theo bút ký ghi nhanh
của anh Nguyễn Kim Lộc) vì không nhớ nổi những tên địa phương rất rắc
rối này.

Rải rác những cụm khói trắng bay là đà trên cánh đồng cỏ khô, đây là
khói từ những vết nứt trên mặt đất, trông rất giống khói đồng ở nhà
quê  khi người nông dân  làm rẫy đốt cỏ sau khi thu hoạch mùa màng.
Nhưng nơi này không thấy có cây cối gì có lẽ vì sức nóng âm ỉ của nàng
Hỏa Diệm Sơn , tuy chưa đến lúc bùng lên nhưng dường như đã làm khô
tất cả những gì ở gần đó. Duy nhất chỉ một loại hoa màu đỏ mang tên
LeHua là sống được, nhưng cũng không tươi tắn mà lại buồn bã ảm đạm,
như duyên phận lỡ làng của nàng cung nữ trong cung cấm ngày xưa.

Thương nhất là những nhân viên làm việc tại nơi này, nếu không có bóng
dáng du khách tò mò đến đây xem cho biết thì hình như họ hoàn toàn
biệt lập với thế giới bên ngoài. Lúc nào cũng có người canh chừng các
hiện tượng khác thường của thần Lửa, và nếu như có gì lạ thì chắc là
phải “ba chân bốn cẳng” chạy mau và vùng này sẽ bị cô lập ngay lập
tức. Vành miệng của núi lửa hình tròn như đã được ai khoét sẵn một cái
hố, ban ngày chỉ thấy khói trắng bốc lên, nhưng ban đêm nhiều người đã
mạo hiểm tới đây đều thấy miệng núi lửa như một bếp lửa khổng lồ có
những hòn than hồng cháy rực hắt lên không một vầng đỏ rất huyền ảo.
Thổ dân ở đây đều cho rằng mỗi núi lửa là một vị Thần, cho nên họ
thường tổ chức những buổi tế Thần rất linh đình và đậm màu sắc thiêng
liêng huyền bí.

Cuối cùng cũng phải rời vùng núi lửa vì trời đã xế chiều, đường về xe
lại chuyển qua thị trấn Hilo vì chuyến bay nằm ở phi trường Hilo, và
vì thế bà con lại có dịp thay đổi không khí để ghé thăm  Vườn Lan nổi
tiếng với nhiều loại hoa lan lạ và quý. Núi rừng thiên nhiên đã ưu đãi
cho nơi này những loại hoa đẹp, khách say sưa thưởng thức và hít thở
hương lan thanh khiết, chụp hình với những loại hoa lạ đem về làm kỷ
niệm.

Trên đường về còn ghé thêm một thắng cảnh khác là Thác Cầu Vồng,
(Rainbow Falls Lookout) thác tuy nhỏ nhưng trong những ngày có mưa
thường xuất hiện một cầu vồng đủ màu tạo cho cảnh núi rừng trở nên
huyển mộng hơn. Tuy vậy tầng cây cao thấp bao quanh thác đã tạo nên
một bức tranh thiên nhiên kiệt tác, thế là máy quay phim , chụp hình
lại tha hồ thu ảnh, khi về xem lại ai cũng phải trầm trồ khen cho hoá
công đã tạo tác một bức tranh tuyệt vời giữa nơi xa xôi hẻo hút như
vậy.

Xe càng rời xa vùng núi lửa, đất đai có vẻ màu mỡ hơn vì khu vực này
đã xuất hiện nhiều căn nhà nghỉ mát hai bên đường, lại nghe tiếng sóng
vỗ của biển chiều buồn mênh mang. Ánh nắng se sắt của  nắng chiều rơi
rớt lại đổ trên những thân cây mọc chênh vênh trên triền đá gie ra
biển, nhìn về phía xa biển xanh thật xanh vẫn đẩy vào bờ những lượn
sóng bạc. Nhớ quê ơi là nhớ, chẳng phải biển Thái Bình đây sao? Lớp
lớp sóng xa đưa đến nơi nao chẳng còn nhìn thấy bờ bến, người đã từng
một thời vượt biển trên những con tàu mong manh mới biết nỗi niềm của
chiều hôm nhớ nhà. Biển thẫm một màu xanh biếc, biển như than như gọi
những hồn xưa còn lênh đênh trôi giạt đâu đâu tìm về, biển làm cho
lòng người viễn xứ lao chao một nỗi sầu cô quạnh.

Đoạn đường khá quanh co khi vượt qua những rừng những suối, nao nao
một chút buồn của rừng chiều hoang vắng, càng về gần đã thấy xuất hiện
nhiều nhà dân ở dọc ven đường xe chạy. Những căn nhà mái thấp nghèo
nàn bao quanh vài cây xoài, cây ổi, vườn rau cũng chia từng vạt đủ
loại y hệt như một mảnh vườn ở quê nhà năm xưa. Có cái gì đó bùi ngùi
khi nhìn thấy đợt khói lam chiều tỏa lên từ mảnh vườn nhà ai, sao cũng
y chang màu khói mẹ đốt lá ngày còn thơ ấu.

Sau một ngày hành trình mệt mỏi, du khách cũng phải gĩa từ Big Island
để bay về Honolulu. Chuyến trở về xem ra ai cũng ngầy ngật một chút
buồn để lại Hawaii, tạm ví von như trong dòng đời có duyên gặp được
một người đàn bà đằm thắm, trầm lặng với một chiều sâu thăm thẳm(núi
lửa), lại buồn man mác đến lạ lùng (bãi biển cát đen) tươi tắn dịu
dàng (Vuờn Lan), quyến rũ như Thác Cầu Vồng mà lại không dám gần nhau
để chia xẻ buồn vui mãi mãi.

Thôi thì trong túi hành trang mang về, khi nhấp ly cà phê Kona nóng
trong mỗi sớm mai thức dậy, nghĩ đến “Nàng” mà ngậm ngùi nhớ tiếng
sóng biển chiều hôm vỗ vào ghềnh đá buồn quá đỗi:

“  Một nửa bên kia trời biển rộng
Nghe chừng đâu đó bóng quê hương”

Tạm Biệt Hawaii!

Nguyên Nhung{jcomments on}

 

0 thoughts on “Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ:[ tt]

  1. hoanguyen

    “Nhìn những thứ vũ khí giết người ghê gớm ấy, tôi lại nhớ đến câu
    chuyện mẹ tôi kể cho các con nghe về năm 1945, lúc ấy tôi chưa sinh ra, dân Việt Nam mình đã chết như rạ trong trận đói năm Ất Dậu vì lúa bị đốt để trồng đay. Gia đình tôi ở thị xã đời sống tương đối còn khá nên mỗi buổi sáng, cha tôi bảo mẹ tôi nấu mấy nồi cháo đặt trước cửa để bố thí cho người nghèo đi xin ăn. Khi thấy tình hình quá bi đát, ông về nơi chôn nhau cắt rốn tìm người làng xem ra sao. Tới cổng làng ông chợt nhìn thấy một đứa bé chưa đầy năm đang úp mặt trên đôi vú khô queo của người mẹ đã chết tự bao giờ. Ông bế đứa bé về giao cho các bà phước nuôi nấng, còn gọi người làng ra để tạm chôn cất cho người phụ nữ xấu số xuống nấm đất nông, vì chị ta từ một làng khác bồng con định đến xin ăn ở làng này vì đói quá. Bây giờ có được cuộc sống no đủ như ngày hôm nay, tôi cứ nghĩ mình đã được hưởng cái phúc đức của cha tôi ngày trước, ông cũng đã nằm lại mảnh đất quê nhà năm 1954, trước ngày phân ly đất nước.”

    Tôi khâm phục NN. đã nhắc nhở tôi.

    “Từ trang trại và nhà máy, ngó qua bên kia đường để rồi ai cũng ngạc nhiên khi phát hiện ra một hàng cây phượng thắm, rưng rưng đỏ thắm trên một bức phông trùng trùng mây và núi. Có ai đó bật ra tiếng hát bài ca “Nỗi Buồn Hoa Phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn:

    “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn!”

    Chao ơi là nhớ, ở cái tuổi đầu đã bạc mà vẫn chưa quên được màu hoa của tuổi học trò. Hoa phượng ở Hawaii nhiều lắm, trồng dọc theo đường đi nhưng chưa chỗ nào mọc thành hàng như ở đây. Ai cũng vội vã băngqua đường ghi lại những tấm hình với hàng phượng vĩ, như níu thời gian lại mà quay về tuổi học trò đã xa tít mù khơi…”

    Kỷ niệm xưa tuổi học trò không thể nào phai nhoà được. Bởi vậy mới có Trang web HX. Mong và rất mong NN tiếp tục viết thêm và viết thật nhiều như chia sẻ nỗi lòng người tha hương.
    HN.

    Reply
  2. LENGUYENLE

    Mình thường đọc các tác phẩm của nhà văn nầy.
    Văn cô có nét thùy mỵ đáng yêu của cô gái Bắc , sâu lắng của người miền trung và dạt dào tình cảm của cô gái sông nước Nam Bộ .

    Reply
  3. Kiều Thanh

    Nguyên Nhung làm thơ hay , viết kí sự , truyện ngắn , tùy bút đều hay , thật là một bậc nữ lưu tài hoa.

    Reply
  4. Quốc Tuyên

    Bài viết rất hay, thật súc tích, cám ơn bạn hiền. QT rất thích hai câu thơ
    “ Một nửa bên kia trời biển rộng
    Nghe chừng đâu đó bóng quê hương”

    Reply
  5. Thu Thủy

    Biển thẫm một màu xanh biếc, biển như than như gọi những hồn xưa còn lênh đênh trôi giạt đâu đâu tìm về, biển làm cho lòng người viễn xứ lao chao một nỗi sầu cô quạnh.

    Quê hương luôn ở trong tâm hồn nhà văn NN.

    Reply
  6. Đặng Danh

    Đi và viết là chuyện bình thường ,có điều cây viết Nguyên Nhung đẫm tình quê hương.

    Reply

Leave a Reply to Nhã Lan Cancel reply

Your email address will not be published.