Tết Đến Và Nỗi Niềm Của Kẻ Tha Hương





Khi đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, vì cuộc sống áo cơm, tôi phải tha hương từ Bình Định vào TP.HCM. Đã hơn bốn năm, bươn chải với nhịp sống đô thị sôi động, hối hả từng giờ, từng ngày và mỗi khi tết đến xuân về, tôi lại cùng gia đình ăn tết theo kiểu cơm nước xong đóng cửa lại ngủ, không đi chơi cũng chẳng đến nhà ai, đồng thời cũng không đủ tiền để đi đến các khu du lịch Suối Tiên, Đầm Sen hay Đại Nam
Cứ độ từ mười sáu đến hai bốn, hai lăm tháng chạp âm lịch, thiên hạ rộn ràng chuyện về quê, người thân, bạn bè điện thoại hỏi thăm tết này có về không, con cái đã học xong chưa? Tôi chỉ cười và không nói thêm được điều gì, bởi vì không ai hiểu được mình bằng mình. Hàng tháng, tiền nhà và điện nước khoảng ba triệu, hai đứa con một đứa học đại học, một đứa cao đẳng, mất mỗi tháng ba triệu nữa, chưa nói đến quần áo sách vở, học thêm Anh văn, vi tính…
Để giải quyết các khoản chi phí, với nồi bún riêu bán ngày hai buổi, vợ chồng tôi phải thức dậy từ bốn giờ sáng cho đến mười hai giờ rưỡi khuya mới ngủ được. Đặc biệt, trước tết, nhiều quán nghỉ, sau tết họ lại khai hàng muộn nên khách ăn bún riêu nhiều hơn, lãi nhiều hơn. Còn nếu về quê ăn tết thì vừa thất thu vừa phải chi tiền xe gấp hai, gấp ba lần. Và điều quan trọng nhất vẫn là khoản học phí học kỳ hai cùa hai đứa con phải nộp sau tết sẽ bị trở ngại. Cứ như thế bốn năm ròng rã, cái nồi bún riêu đã cứu cả gia đình tôi, việc học của hai đứa con cũng đã hoàn thành. Phải nói rằng, chỉ bao nhiêu đó thôi thì cũng quá hạnh phúc rồi.
Dân gian có câu: Ngó lên thì chẳng bằng ai/ Ngó xuống thì cũng chẳng ai bằng mình.
Vâng, tôi thực sự hạnh phúc, rất hạnh phúc.Và may mắn nữa. Bởi vì tôi đã đặt cược sự sống của bốn nhân khẩu và chuyện tương lai học hành của hai đứa con vào một triệu rưỡi từ ba má tôi bán con heo nái gầy cho vợ chồng tôi có tiền vào TP.HCM gọi là nuôi con ăn học, cùng với chiếc xe đạp bỏ ngoài chợ một ngày đêm không ai muốn lấy .
Tôi thường hay nói vui, đó là canh bạc lớn lành ít dữ nhiều của đời tôi, và sự may mắn đã mỉm cười với tôi. Ba tôi là người luôn theo dõi từng bước chân của tôi trên chặng đường phiêu lưu ấy, nhất là chuyện học hành của hai đứa cháu nội, đã công nhận là tôi đã thành công theo kiểu tay không bắt giặc. Bởi hơn ai hết, người sinh ra tôi hiểu rằng, tôi không tiền, không nghề nghiệp, sức khỏe lại thuộc loại “nắng không ưa mưa không chịu” mà nuôi con được như vậy là quá tốt rồi, dù từ nhỏ đến lớn ông chê tôi rất nhiều điều.
Tết đến, thành phố tưng bừng, đủ sắc màu, lộng lẫy, kiêu sa, hấp dẫn, nhưng tôi vẫn nhớ cái tết quê bên người thân và bè bạn. Bởi vì theo tôi, tết ở TP.HCM dành cho người có tiền nhiều hơn, chứ những người ở quê vào thành phố buôn bán vỉa hè như tôi, hoặc những công nhân thì làm sao kham nổi.
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phong tục, tập quán, và văn hóa tết của làng xã không thể xóa đi ngày một ngày hai trong tôi và những người quê miền Trung vào đây làm ăn khi tuổi không còn trẻ nữa. Đặc biệt tôi thèm nhất là được cùng bè bạn đi thăm từng nhà, nhấp từng ly rượu xuân sủi bọt, thơm nồng, và uống cho đến khi nhìn ruộng thành đường, dắt dìu nhau trong chuếnh choáng men say, kể cho nhau nghe bao chuyện buồn vui một năm đã đi qua…
Với tôi, đó là hình ảnh rất riêng thể hiện đậm nét văn hóa làng xã của miền Trung hôm qua, hôm nay, và có thể là mãi mãi. Điều đó tôi hay tâm sự với bè bạn ở quê khi điện thoại thăm hỏi nhau mỗi khi tết đến xuân về. Cứ tưởng tết này sẽ về thăm quê, bởi chuyện học hành của con cái cũng xong rồi. Nhưng cách đây vài hôm, chủ nhà lại thông báo là bắt đầu từ tháng sau, tiền nhà lên, điện nước cũng tăng, thế là chuyện về quê ăn tết cũng bất thành, bởi phải làm nhiều hơn mới đủ trả tiền nhà. Đành vậy chứ biết phải làm sao? Đó là cái lẽ bình thường thôi. Nếu không đồng ý hoặc chịu không nổi thì kiếm chỗ khác thuê, chứ không thể khác được.
Những ngày gần tết là những ngày trên truyền hình có rất nhiều chương trình trực tiếp với mục đích giúp đỡ người nghèo ăn tết được tốt hơn và phải nói là có quá nhiều chương trình từ thiện giành cho người nghèo. Những người giàu có, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức xã hội…đã góp phần rất lớn trong việc chăm lo cái tết cho những người nghèo. Nghĩa cử ấy thật cảm động. Nhưng, với tôi thì không vui chút nào. Bởi vì bao năm qua, nghèo như gia đình tôi mà đâu có được đồng nào từ các chương trình ấy đâu.
Cũng phải, bởi chúng tôi chỉ là dân tạm trú, và cũng đâu phải chỉ có mình là nghèo, có người còn nghèo hơn mình nữa mà. Tôi mang cái nghèo về nơi mình thường trú để vay theo chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên với hy vọng có tiền nộp học phí cho đứa con gái hồi đó đang học cao đẳng, nhưng tổ tiết kiệm và vay vốn không chấp nhận, bởi vì tôi không nhà cửa, hiện đang ở TP.HCM, khi đến hạn thì biết đâu mà thu hồi vốn. Cũng phải, bởi tiền bạc không thể cho ai vay cũng được.
Nói gì thì nói, tết năm nay, tuy vẫn nghèo nhưng gia đình tôi không còn vất vả như các năm trước dù chủ nhà tính tiền thuê nhà và điện nước tăng. Chỉ có điều là phải ở lại TPHCM ăn tết. Phải chi hai đứa con có việc làm ổn định thì tiền nhà có tăng tôi cũng về quê ăn tết, bởi thiếu chút đỉnh, chúng vẫn phụ được.
Nói đến chuyện việc làm, đúng là “biết rồi, khổ quá, nói mãi”. Cái anh bán bún riêu như tôi thì làm gì có quen biết ai có quyền có chức ở thành phố này để nhờ vả xin việc đúng với chuyên môn con tôi đã được học.

Nguyễn Hữu Duyên
{jcomments on}

0 thoughts on “Tết Đến Và Nỗi Niềm Của Kẻ Tha Hương

  1. Thu Thủy

    Đặc biệt tôi thèm nhất là được cùng bè bạn đi thăm từng nhà, nhấp từng ly rượu xuân sủi bọt, thơm nồng, và uống cho đến khi nhìn ruộng thành đường, dắt dìu nhau trong chuếnh choáng men say, kể cho nhau nghe bao chuyện buồn vui một năm đã đi qua…

    Một mong muốn rất chính đáng của người con xa quê rất đáng trân trọng .

    Reply
    1. Nguyễn Hữu Duyên

      Chào Thu Thủy,

      Cảm ơn bạn đã ghé thăm và chia sẻ! Chúc bạn năm mới nhiều niềm vui!

      Reply
  2. DQbmt

    Xin đồng cảm cho hoàn cảnh như bài viết của tác giả.
    Chuyện cơm áo gạo tiền là nỗi lo canh cánh vì “có thực mới vực được đạo” mà. Hổng biết tác giả có tin vào điều may mắn hay kg chứ tui thì tin 100% đó.
    Tất cả những điều nhân đức chúng ta làm thì con cái chúng ta sẽ được hưởng, “lưới trời lồng lộng” kg bỏ sót một ai. Hãy cố lên bạn Nguyễn Hữu Duyên nhé!

    Reply
    1. Nguyễn Hữu Duyên

      Chào DQbmt

      Cảm ơn bạn. Mình sẽ cố gắng!Chúc bạn vạn sự như ý trong năm mới!

      Reply
  3. Le Khanh Luan

    Bây giờ là 6g30 sáng mồng một âm lịch, tôi ngồi độc bài của bạn, vừa cảm động vừa ngưỡng mộ. Bạn đã phấn đấu đi lên từ hoàn cảnh điều kiện của mính, tuy không thuận lợi, nhưng bạn vẫn kiên trì, lạc quan, biết vui với thành công của mình, và cuối cùng may mắn cũng may mắn cũng đã mỉm cười với bạn. Tôi rất thích tính cách ấy. Bài văn bạn viết rất hay! Từ nay mong bạn dành chút thời gian góp bài viết vào đây để anh em có dịp giao lưu chia sẻ những cảm thông với nhau hơn. Năm mới, chúc bạn và gia đình sức khỏe, may mắn, thành công nhiều hơn.

    Reply
    1. Nguyễn Hữu Duyên

      Chào Le Khanh Luan,

      Mình rất vui vì bạn đã dành tình cảm ưu ái với một chút tâm sự của mình.Nhân dịp xuân về, chúc bạn và gia đình sức khỏe, hạnh phúc!

      Reply
    1. Nguyễn Hữu Duyên

      Chào Kiều Thanh,

      Mình luôn tin như vậy để tồn tại mà!Năm mới, chúc KT và gia đình có nhiều niềm vui!

      Reply
  4. Nguyễn Trác Hiếu

    Bài viết thật cảm động. Cảm phục tác giả. Chúc tác giả thành công hơn nữa trong tương lai. Không về quê khỏi xĩn nhìn bờ ruộng ra đường cái, hại sức khỏe.

    Reply
    1. Nguyễn Hữu Duyên

      Chào Nguyễn Trác Hiếu

      Cảm ơn anh đã đọc, chia sẻ, và động viên! Năm mới chúc anh và gia đình vạn sự như ý!

      Reply
  5. Xuân Phong

    Duyên ơi, không có gì không thể nếu ta muốn. Tết xong một mình bắt xe về thăm quê, thăm nhà chơi lai rai vài bữa. :sigh:

    Reply
  6. Xuân Phong

    Anh Duyên, khoảng sau mồng 3 Tết xe Sài Gòn chạy ra Trung trống rỗng, giá vé rất rẻ nhưng xe chạy vô rất đắt.

    Reply
  7. Nguyễn Hữu Duyên

    Anh Phong ơi, năm nào cũng vậy, cứ sau tết là HD về thăm quê, gia đình và bè bạn. Xe rộng giá ổn định nên cũng không sao. Cảm ơn anh đã chia sẻ. Năm mới chúc anh và gia đinh sức khỏe, hạnh phúc!

    Reply
  8. HOANGKIMCHI

    Chị đọc bài viết của Nguyễn Hữu Duyên thật cảm động & rất ngưỡng mộ em.
    Chúc NHD năm mới may mắn và thành công thắng lợi hơn nữa, Tết không về thì dịp hè có các con phụ với vợ em về thăm gia đình cũng tốt thôi Duyên nhé.

    Reply
    1. Nguyễn Hữu Duyên

      Chị Chi ơi, cảm ơn chị đã chia sẻ. Hằng năm cứ sau tết thì em về.Chỉ tiếc là tết không về được. Năm mới, chúc chị mãi trẻ đẹp, vạn sự như ý!

      Reply
  9. Quốc Tuyên

    Bài viết thật hay, thật cảm động!
    Anh Duyên ơi, sau Tết có về thăm quê nhớ liên lạc gặp bạn bè HX nữa nha.

    Reply
    1. Nguyễn Hữu Duyên

      Chào chị Tuyên,

      Cảm ơn chị đã động viên. Vâng, HD sẽ ghé thăm bạn bè HX. Chúc chị và gia đình năm mới sức khỏe, vạn sự như ý!

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.