Con Búp Bê Tật Nguyền

Khi gió muà Đông Bắc phả hơi giá lạnh lùng vào mảnh vườn hiu hắt, đầu tháng
Mười Hai của mỗi năm, là tôi lại chạnh nhớ đến những mùa Giáng Sinh ngày
thơ ấu. Lạ một điều là trong đáy lòng tôi bỗng ấm lại, có phải chăng khi nhớ lại
những kỷ niệm đẹp của thời thơ dại năm nào, khiến tôi quên mất là mình không
còn trẻ nữa. Cảm giác mỗi mùa Giáng Sinh tuyệt vời đến nỗi, tôi tưởng như mỗi
năm một lần, mình lại là đứa trẻ thơ mới lên tám tuổi, hình ảnh con búp bê tật
nguyền lại chập chờn trở lại trong trí nhớ, y như năm nào tôi còn bế nó trên tay.

Chuyện quả thật không có gì đối với những con búp bê hằng hà sa số trong các
tiệm buôn ở thành phố, món đồ chơi của hầu hết những đưá bé gái trạc tuổi tôi
độ ấy, vậy mà chị em tôi thèm thuồng mơ ước mãi. Cho đến một chiều kia, mẹ
tôi sau khi nấu xong mẻ cao hổ cốt, vưà khô mặt đã được cắt ra từng lạng vuông
vức, gói trong giấy bóng kính là vội vã đi giao hàng cho các nhà quen ở xa. Chị
em tôi thơ thẩn trước sân chờ mẹ, lòng nôn nao chờ đợi vì hôm đó là một chiều
áp lễ Giáng Sinh. Tiếng chuông chiều ngân vang giục giã bóng chiều đổ xuống
những mái tranh nghèo leo lét ánh đèn dầu, lúc ấy mẹ tôi mới tất tả trở về, tay
xách cái giỏ mây đựng dăm thứ thức ăn mua vội ở chợ chiều phương xa.

 

 

Hai đứa trẻ con xán lại cái giỏ mây cuả mẹ đợi chờ. Bao giờ cũng thế, mỗi lần đi
chợ xa về, mẹ tôi thường mua cho các con một ít kẹo lạc, giỏ trứng cá thu nướng
để kho tương rất ngon, và đặc biệt là chị tôi dặn dò mẹ mua cho một ít kẹo bạc
hà gói bóng kính để trang hoàng cây giáng sinh, thay cho những trái châu xanh
đỏ. Cây giáng sinh cuả chúng tôi chỉ là một nhánh dương xỉ nhặt được ở khu nhà
thờ, khi người ta đến đó trang hoàng cho hang đá, những cành nhỏ được chặt bớt
đi, và đám trẻ con lại nhặt nhạnh đem về để làm cây Giáng Sinh.

Hôm ấy có lẽ là buổi chiều hạnh phúc nhất cuả chị em tôi, khi mẹ tôi lôi từ đáy
giỏ mây ra một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng giấy báo, chúng tôi cùng hớn hở
nhận món quà bất ngờ trong buổi chiều áp lễ Giáng Sinh. Đó là một con búp bê
đã cũ, được thải ra từ đống đồ chơi ngồn ngộn cuả bé Lan, con gái cưng cuả cậu
mợ tôi đang sống ở thành phố.

Trong niềm hân hoan vui sướng, khi đặt con búp bê đứng trên mặt bàn, tôi mới
phát hiện ra đó là một con búp bê tật nguyền, một cái chân lỏng lẻo đung đưa
không thể nào đứng được như con búp bê của con Nhuần , bạn tôi. Nó là đứa
duy nhất có được một con búp bê trong đám bạn nghèo cùng lứa tuổi, vì thế nhà
nó lúc nào cũng có mấy đứa trẻ con xúm xít mong đợi được bế con búp bê trên
tay. Vì được làm chủ một món đồ chơi đắt giá như vậy, nên con Nhuần cũng chỉ
cho đám bạn nhỏ chơi ké tùy theo sự vui, buồn của nó, tùy theo giá trị của những
chiếc bánh hay cục kẹo, củ khoai mà bọn con nít như tôi đem đến tặng cho nó để
lấy lòng.

Thấy mặt tôi tiu nghỉu buồn so vì con búp bê què chân, chị tôi an ủi:
“Cái chân nó què nhưng mặt nó xinh lắm em ạ, để chị rửa mặt cho nó nhé!”

Rồi chị mau mau đi lấy cái khăn ướt lau mặt cho con búp bê, trông làn da nó có
vẻ sáng lên được một chút. Nghe chị nói tôi cũng thấy vui vui, nhoẻn miệng cười.
Chị lại bảo:
“ Thôi vậy là em không phải lên nhà con Nhuần nữa , dù sao nó cũng là của mình,
nếu nó không què chân thì bé Lan đâu có thải ra cho chúng mình đâu”

Thế là hai chị em quên cả ăn cơm, nghĩ đến cách chữa cái chân què cho con búp
bê, bằng cách dùng một sợi dây thun cột cái chân què vào cái khớp của thân búp
bê, bây giờ thì nó cũng tạm đứng được, nhưng dáng đứng lại cứng như que củi,
vẫn xiêu vẹo trông rất tội nghiệp. Chị tôi nghiêng đầu nhìn con búp bê, rồi lại nói
với tôi:
“Thế là đẹp chán rồi em ạ. Ngày mai mình sẽ đi xin vải vụn về may quần áo mới
cho nó để mừng lễ.”

Ngày giáp lễ Giáng Sinh năm đó, chị em tôi suốt ngày bận rộn với con búp bê tật
nguyền. Trước tiên tôi lân la sang nhà cô Xuân thợ may, xin được những mảnh
vải vụn rất đẹp để may quần áo cho con búp bê, cái váy đầm cũ xì của nó lem
luốc như váy của cô bé lọ lem. Khi được mặc bộ quần áo mới trông nó xinh hẳn
ra, dù không đứng được ngay ngắn và chỉ nằm suốt ngày, nhưng nó có vẻ đẹp
rất dễ thương, đôi mắt khép hờ với hàng mi cong, he hé mở như chưa ngủ say, và
nhất là cái miệng thì hình như luôn mỉm cười kể cả trong giấc ngủ.

Ban đêm, hai chị em lại đem con búp bê tật nguyền lên giường để ngủ chung,
tưởng tượng nó là một em bé vẫn thường được mẹ săn sóc suốt ngày ở những
nhà có trẻ con. Khi thì giả bộ cho em ăn, lúc sờ đít để thay tã, con búp bê nằm
giữa như một đứa em được che chở bởi hai bà chị rất chăm chỉ khi mẹ vắng

nhà. Buổi tối khi mẹ tôi còn quanh quẩn dọn dẹp nhà cửa, tôi ôm con búp bê tật
nguyền trên đôi tay măng non của mình, mơ mộng nghĩ đến một khung cảnh ấm
cúng, thần tiên nào đó, chị tôi lấy sách ra đọc truyện cho em nghe:

“Ở một miền xa xôi nơi đồng quê nước Pháp, có một xứ đạo rất nghèo với một
ông cha già và một con chó cũng già. Xứ đạo nghèo lắm nên cha xứ quanh năm
cũng chỉ được ăn bánh mì đen quết bơ, với thứ “soup” nấu bằng bắp cải và hột
đậu khô. Con chó cũng chỉ được ăn như thế, và nó suốt ngày luẩn quẩn đi theo
gót chân ông cha xứ già như hình với bóng.

Muà Đông năm ấy trời rất lạnh, ngôi giáo đường với cái gác chuông xập xệ chìm
khuất trong màn sương đục như sữa, im vắng không đèn nến vì các nhà giáo dân
nằm rải rác trong thung lũng xa xa, đời sống của họ cũng không khấm khá bao
nhiêu nên tuy là buổi chiều áp lễ Giáng Sinh, nhà nhà cửa nẻo đóng kín với ánh
đèn âm u. Những căn nhà gỗ mốc thếch chắc chỉ còn người già và trẻ con, lớp
người trẻ trong làng lâu nay đã túa đi tìm việc trên những đô thị xa, nơi ấy có
những ngôi nhà thờ đông người đèn nến sáng trưng như sao sa, họ vui chơi cả
đêm với rượu ngon thịt béo, nhân dịp kỷ niệm ngày Chúa sinh ra đời.

Ông cha xứ già sống hiu quạnh với một con chó già như một người bạn thân thiết
nhất trong đời ông. Nhìn đất trời ảm đạm trong một chiều áp lễ Giáng Sinh, ông
buột miệng than thở:

“Lạy Chúa! Người ta bỏ rơi Ngài và bỏ rơi con trong cái ngôi nhà thờ miền quê
khốn khổ này, chỉ vì nơi đây không có đèn đuốc hoa đăng sáng trưng như những
nơi khác. Người ta đi tìm Chúa trong cung điện nguy nga, vì nghĩ rằng chỉ có nơi
đó mới là nơi Ngài ngự trị.”

Ông cha già thẫn thờ lẩm bẩm nói một mình, nhìn bóng tối âm u dần ập xuống
ngôi nhà thờ quạnh vắng, lòng cha rưng rưng nhớ lại suốt quãng đời linh mục
của mình. Đành rằng khi quyết định dâng hết cuộc đời cho lý tưởng để phục vụ
Thiên Chúa, đem khả năng và yêu thương đến với tha nhân , nhưng đứng trước

sự hững hờ cuả thế nhân, và sự đào thải cuả kiếp người, Cha vẫn cảm thấy nao
nao buồn vì nỗi đơn côi của ông cha già bị bỏ rơi nơi xứ đạo nghèo. Nhưng đâu
phải vì vậy mà đêm nay cha cũng bỏ buổi lễ đêm hằng năm để không đón mừng
con Chúa đến với nhân loại, cho dù chỉ còn mình cha và con chó già nằm khoanh
chân dưới gầm bàn trốn lạnh.

Ngoài trời gió rét căm căm, từ thung lũng gió luồn qua cây để hú lên những tiếng
thở dài trong đêm tối với một bầu trời không trăng sao, nhìn ra xa xa là ánh lửa
leo lét từ những chuồng nuôi gia súc, loài vật cũng không chịu nổi cái giá rét cuả
đêm đông nếu không được sưởi ấm. Cuối cùng, vị linh mục già quyết định dù chỉ
có một mình, cha vẫn phải dâng lễ để đón mừng Lễ Giáng Sinh như mọi năm.

Không còn ai kéo những hồi chuông báo giờ lễ đã đến, vì ông từ ngôi nhà thờ
này cũng đã theo Chúa từ độ mới sang đông hồi tháng mười trong năm, cho nên
tất cả việc lớn nhỏ trong ngôi nhà thờ làng cha đều kiêm nhiệm hết. Mặc thêm
chiếc áo dạ cũ, cha run rẩy leo lên chiếc thang gỗ thấp của tháp chuông, con chó
già cũng lẽo đẽo theo sau. Bằng tất cả sức lực còn lại trong tấm thân héo hắt cuả
tuổi già, không hiểu có một sức mạnh thiêng liêng nào đến với ông, tiếng chuông
cô đơn bắt đầu ngân lên giữa màn đêm thanh vắng.

Tiếng chuông đổ hồi rộn rã, dồn dập vang lên khắp thung lũng trong màn sương
dầy đặc, như đánh thức trái tim những người giáo dân trong xứ nghèo khiến họ
choàng tỉnh và lắng nghe. Rồi họ chợt nghĩ đến những muà Lễ Thánh hằng năm,
tiếng hát tiếng chuông hòa vào nhau để vang xa đến các thôn làng, những ngôi
nhà thiếp ngủ trong đêm đông lạnh giá. Họ cũng chợt nhớ ra rằng có một ông cha
già bị lãng quên trong cái nhà xứ ẩm ướt thiếu thốn trăm bề, không hiểu sao đêm
nay phép lạ nào mà hồi chuông giáo đường lại nhịp nhàng ngân lên từng hồi rộn
rã, tiếng chuông càng lúc càng dồn dập một âm điệu vui tươi như muốn đem một
niềm hy vọng, xoá tan bóng tối âm u cho những cảnh nghèo vạc mặt.

Ôi! Dù có thế nào chăng nữa cũng không thể bỏ rơi Chúa hài nhi bé nhỏ trong
ngôi nhà thờ cũ kỹ dột nát, không thể bỏ rơi ông linh mục già ốm đau với con chó
già cũng tang thương như chủ nó. Thế rồi khi cửa nhà thờ mở hé, những ngọn
nến trắng bập bùng trên cung Thánh, ông cha xứ già thấy lác đác có những bóng

người chằng đụp khăn áo quỳ dưới những hàng ghế, và khi cha vừa cất giọng
khàn khàn bài ca Vinh Danh thì ngôi nhà thờ miền quê đã vang lên tiếng hát rộn
ràng, nhiều âm điệu pha trộn vào nhau để trở thành một bản hoà tấu không cần
tiếng đàn phong cầm phụ hoạ.

Ông cha già dâng lễ trên bàn thờ nghẹn ngào với đôi mắt đẫm lệ, ngỡ như Chúa
đã làm phép lạ để tăng sức cho cha giựt nổi những hồi chuông cô đơn trong đêm
tối. Ôi những hồi chuông cô đơn đã biến thành những hồi chuông reo vui , đã đem
lại bầu sinh khí và niểm hy vọng trong những mái nhà gỗ xiêu vẹo, nằm rải rác
trong khu thung lũng buồn hiu, nơi con ngưòi phải chống trả với bao nhiêu khắc
nghiệt của thiên nhiên và thời tiết để đời sống được tồn tại. Những giọt nước
mắt cứ thi nhau rơi trên đôi má nhăn nheo của ông linh mục già tội nghiệp.”

Câu chuyện về tiếng chuông cô đơn cuả ông cha xứ già mà chị tôi đọc trong mùa
Giáng Sinh năm ấy, vẫn không bao giờ phai nhoà trong ký ức của tôi. Đêm đó
ngọn nến trắng hắt ánh sáng lung linh bập bùng lên nhánh dương xỉ, có treo
những chiếc kẹo bạc hà đủ màu thay thế cho những trái châu xanh đỏ, chị tôi
chăm chỉ đọc sách, còn tôi thì im lặng lắng nghe, trên tay nâng niu con búp bê tật
nguyền với tất cả tấm lòng trìu mến cuả một đứa trẻ thơ. Những giọt lệ long
lanh rớt xuống đôi má bầu bĩnh cuả tôi, rồi rơi xuống khuôn mặt xinh đẹp của
con búp bê đang say sưa ngủ, nhưng đôi môi kia vẫn hé nở một nụ cười. Chắc nó

không bao giờ biết buồn mặc dù bị một cái chân què quặt không đứng vững trên
mặt bàn. Rất thơ ngây tôi hỏi chị:

“Như vậy đâu phải chỉ có nhà mình mới nghèo phải không chị?”

Chị tôi gật đầu, mới hơn mười tuổi nhưng vì nhà nghèo nên trông chị có vẻ khôn
ngoan trước tuổi, và cũng vì nghèo nên chúng tôi biết an phận với hoàn cảnh
trong niềm vui của một gia đình đơn sơ nhưng êm ả vì có mẹ tôi đảm đang lo
toan tất cả. Tôi nghĩ đến con búp bê tật nguyền đang thiếp ngủ, nó ngoan lắm
và ngủ suốt ngày trên tay tôi, chỉ vì nó không đứng được bình thường như những
con búp bê khác. Tôi ao ước:

“Giá như Chúa thương mà làm phép lạ cho con búp bê của mình đừng què nữa
chị nhỉ?”

Chị tôi chỉ ngồi im lặng , trầm ngâm nhìn ánh nến lung linh toả sáng khuôn mặt
xinh đẹp cuả con búp bê tật nguyền. Nghĩ sao, chị bảo tôi:

“Chắc là mai sau Chúa sẽ làm phép lạ cho chị em mình nhiều con búp bê thật
xinh đẹp. Phải vâng lời mẹ, chịu khó học, mai mốt chị lớn lên đi làm có tiền, sẽ
mua cho em con búp bê thật đẹp nhé!”

Đúng như lòng mơ ước cuả chị em tôi trong đêm Giáng Sinh hồi tôi lên tám tuổi,
mẹ tôi đã thoát ra được cảnh đời gian nan, vất vả ấy vì có những may mắn bất
ngờ đưa đẩy đến. Ngày chiến tranh bò vào thôn xóm quê mùa đó, anh tôi đón cả
nhà về một thành phố phồn thịnh ở miền Tây, chị em tôi lớn lên trong tuổi thanh
xuân với không khí của bao nhiêu mùa Giáng Sinh an bình nơi phố thị bình yên.
Khi dời nhà đi nơi khác, chúng tôi đã lớn rồi, con búp bê tật nguyền được cho lại
một đứa em họ nhà nghèo còn ở lại nơi đó. Vẫn “cũ người mới ta”, con bé lên
năm tuổi với đôi mắt trong veo đã sung sướng ôm chặt con búp bê tật nguyền
trong tay, thay cho vòng tay bé nhỏ của tôi ngày nào.

Mỗi năm đến mùa Giáng Sinh, chị em tôi dẫn nhau đi mua quà Giáng Sinh ở các

tiệm bách hóa, có bao nhiêu con búp bê đủ loại rất xinh đẹp đứng, ngồi trong tủ
kính sáng choang ánh đèn, lại gợi nhớ trong lòng chị em tôi hình ảnh con búp bê
tật nguyền thuở còn thơ. Năm đó, người lính từ đơn vị được về phép đúng vào
chiều Giáng Sinh, đã vội vã chạy ra tiệm buôn mua làm quà cho người yêu con
búp bê rất xinh, trong hình ảnh cô bé mười bảy tuổi với nét nhí nhảnh dễ yêu của
tuổi trẻ đấy sức sống.

Rất ngộ nghĩnh là gần bốn mươi năm sau, con búp bê xinh đẹp ấy cũng bị què
chân, đứng nghiêng nghiêng trong cái tủ sách với cái chân khập khiễng. Hình như
tiếng chuông ngân mỗi mùa Giáng Sinh không bao giờ thay đổi với thời gian . . .

Nguyên Nhung, mùa Giáng Sinh 2007.

0 thoughts on “Con Búp Bê Tật Nguyền

  1. Cỏ Úa

    Chị Nguyên Nhung ơi, bài viết hay và cạm động lắm!
    Hình đứng bên cạch cây Thông là hình chị hay là hình búp bê dzậy??? Anyway, hình rất xinh và dễ thương …

    Reply
  2. TRANKIMLOAN

    Bài viết hay&cảm động lắm!con bup bê tật nguyền dễ thương khong bao giò quên trong ký ức!
    Cám ơn Nguyên Nhung chúc ban luôn vui nhe!

    Reply
  3. Quốc Tuyên

    Thư Nguyên Nhung :
    “…NN rất cảm động khi thấy các bạn cùng hoà chung với mình trong niềm hồi tưởng mùa Giáng Sinh thời thơ ấu.
    NHờ bạn cảm ơn giùm vì NN không tiện hồi âm cho từng người, nhưng rất trân trọng sự chia xẻ này.
    Nói với Cỏ Uá, tên dễ thương như con gái, con búp bê đứng bên cây thông là tấm hình NN chup cho nó cách đây ba năm thôi, nó cũng được diện bộ quần áo mới do chủ nhân may cho khi mùa GS đến, đó là thói quen thích thú cuả mình đối với con búp bê tật nguyền , vì nó là kỷ niệm duy nhất mà đi đâu minh cũng mang theo từ năm 1968 đến nay…Nhờ con búp bê mà NN luôn cảm thấy mình trẻ lại mặc cho thời gian trôi đi…
    Thân ái
    NN

    Reply
  4. Huỳnh ngọc Tín

    Tác giả thật là dễ thương!Một con người rất trân trọng kỷ niệm thời xưa cũ.Con người đó nhất định sống rất có tình và nhân hậu.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.