Ngày Em Hai Mươi Tuổi.

Tác giả: Trần Ngọc Phương

 

                         Ngày em hai mươi tuổi / Tay cắt mái tóc thề / Giã từ niềm vui nhé / Buồn ơi hỡi chào mi. Phạm Duy mở đầu bản nhạc với lời lẽ da diết như luyến tiếc. Có lẽ đây là một nhạc phẩm theo thể điệu bolero hiếm hoi của ông. Thêm vào nữa với giọng ca ‘sương khói’ chuyên trị bolero của Thanh Thuý, hát với nhịp điệu hơi dồn dập (dù trên bản nhạc có ghi nhịp ‘không nhanh lắm’) đã ru ngủ đưa người nghe vào cõi mộng, nhớ về cuộc tình ở tuổi đôi mươi của mình. Tác giả bản nhạc có lẽ chấp nhận cách diễn đạt này nên đã lấy hình của ca sĩ làm bìa cho nhạc phẩm của mình.

Tuổi hai mươi, tuổi vào đời. Tuổi hai mươi, tuổi biết yêu người. Tuổi hai mươi, con tim lên tiếng gọi. Cắt đi mái tóc thề mà như thể cắt đi tuổi thơ, giã từ ngây thơ, giã từ niềm vui hồn nhiên, để chào đón…buồn ơi …chào mi. Tuổi hai mươi là tuổi già của thiếu niên, nhưng là tuổi trẻ của người trưởng thành, cái tuổi lơ lửng trong cuộc đời. Cô gái ở tuổi hai mươi là biết yêu biết thương một người, không chỉ là những người thân quanh mình. “Ngày em hai mươi tuổi, mới chớm biết yêu người”. Cô gái bắt đầu đi vào những giấc mơ. Bấp bênh giữa hiện thực và mơ mộng đầu đời. “Ôi đã thoáng qua tuổi thơ / Khi suốt đêm hồn ngơ / Nghe trái tim ngủ mơ”. Cái nhìn cảnh vật chung quanh cũng đổi thay “Ôi nghe gió reo ngoài hiên / Mưa sẽ rơi triền miên / Sẽ hết chuyện thần tiên” Vâng không còn chuyện thần tiên nữa, mà thực tế hơn, biết thực trạng và ảo ảnh, biết đã có đến thì có đi, đã biết lo buồn “Đã buồn vì duyên mới / Rồi đây sẽ nhạt phai.”

“ Có thể nói, đời đẹp nhất là thời tuổi trẻ. Đó là lúc chúng ta giàu có về quĩ thời gian để được phép trải nghiệm” (“Dành tuổi thanh xuân để làm gì?” báo Thanh Niên). Cũng trong mục này, kể về tuổi thanh xuân của mình, Thúy Liễu, cựu sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, cô gái quê gốc Bến Tre này hài hước nói: “Thanh xuân ư, mình dành cả thanh xuân chỉ để yêu một người không thuộc về mình. Mọi người hỏi mình sao lại thế nhưng thực ra là vì người ấy chưa bao giờ biết có sự xuất hiện của mình trên cuộc đời này. Là vì mình chỉ thầm thương trộm nhớ”. Cô kể, năm cấp ba trên đường đi học, cô vô tình va phải xe một người đang đi chợ về. Thức ăn thì rơi ra đổ tứ tung, còn cô thì bị trật chân. Đúng lúc, một chàng trai xuất hiện đỡ cô đứng dậy và giúp chị kia nhặt đồ. “Nhặt xong anh ấy đi luôn chẳng kịp cho mình nói lời cảm ơn. Nhưng mình nhớ rõ gương mặt anh ấy rồi cứ thế về tương tư…….Nhớ và cứ nhớ vậy thôi. Mỗi lần về quê, đi ngang đoạn đường đầu tiên gặp người ấy là mình lại bất giác cười, cảm giác vẫn nguyên vẹn chỉ có người ấy là giờ mình không biết đang ở đâu và làm gì”. Cô cũng đủ khôn ngoan để mà tiếp nối câu chuyện “Tình cảm mà, làm sao mình biết được. Thanh xuân với mình như thế là đẹp lắm rồi”. Còn với cô P Sáu ở Nha Trang “Nhiều người hỏi, tôi có vấn đề gì khi cười một mình, khi nghe đi nghe lại một ca khúc? Thực tế, những ai từng trải sẽ rất dễ hiểu, đó là ký ức đẹp, chả muốn phôi pha….’’ Một cung đường, một hình ảnh, một bản nhạc, hay chỉ là một giai điệu, cũng đều gợi ra một kỉ niệm êm đềm, vâng đó là ký ức đẹp, chả muốn phôi pha.

Những cô gái tuổi hai mươi là thế, dễ mơ dễ mộng, dễ thương vay khóc mướn, dễ ôm ảo tượng vào lòng. Còn với chàng trai tuổi hai mươi, thì ra sao? Bỏ qua bên những lý tưởng, hoài bảo, chỉ riêng về con tim thì cũng rất …hoang vu. Chính khúc quanh của đời người này là quảng thời gian chàng trai cảm thấy cô đơn nhất, cô đơn hơn các nàng nhiều. Nỗi cô đơn cảm thấy thiếu vắng điều gì đó, trong thăm thẳm tâm tư, mà bù khú bạn bè không thể lấp nổi phần trống này. Để bớt sự trống vắng đó, có thể chàng một mình đứng trước cổng trường ngắm nhìn một bóng hồng mộng tưởng, hay có thể lặng im ngồi nơi quán cốc nào đó nhìn dáng kiều tha thướt lướt qua. Trái tim thì đầy nhiệt huyết, nhưng con tim thì khờ khạo, gặp nhau mà chẳng dám nói ra, ngây thơ còn hơn các cô nàng. Chàng trai tuổi hai mươi vụng về, chưa biết, chưa hiểu, chưa nắm bắt được tâm lý đối phương. Ứng xử với một thằng bạn lúc buồn vui thì quá dễ nhưng với một cô nàng thì không biết đâu mà mò, mọi suy nghĩa phán đoán đều lạc quẻ, vì con gái có cách nhìn và đánh giá sự việc khác hẳn bọn con trai. Tóm lại về chuyện này những chàng trai tuổi hai mươi cũng chỉ là những kẻ mịt mờ không cao minh gì cho lắm.

Còn riêng tôi, khi tôi hai mươi thì sao? Điều này thì khác xa, khác rất xa. Thời của chúng tôi khác hẳn bây giờ. Đó là thời của chiến tranh ly loạn, của sự thay đổi nền tảng xã hội bởi sự du nhập lối sống Âu Mỹ từ đội quân viễn chinh. Tôi nhớ lại khi tôi mười bảy, mười tám, cầm trên tay quyển sách “Nói với tuổi hai mươi” của Thích Nhất Hạnh thì nghĩ rằng mình chưa đủ tuổi để đọc. Khờ đến thế là cùng (tuổi hai mươi không có nghĩa là hai mươi tuổi). Nhưng chỉ sau vài trang đầu cuốn sách đã cuốn hút tôi, rồi tôi đọc ngấu nghiến. “Thế hệ của những người đi trước- là chúng tôi- đã để lại cho thế hệ đi sau- là những người em hai mươi tuổi ngày hôm nay- ………. Một giải non sông gấm vóc, một miền oai linh hiển hách bây giờ chỉ còn là một mảnh đất bị chia cắt, cày xới lên bởi bom đạn”. Những lời tâm sự chân tình của ‘những người đi trước’ với đàn em tuổi hai mươi “các anh đã để lại cho các em những giọt máu của dân lành, những nấm mồ chưa xanh cỏ, những tấm khăn sô, những thành phố buồn trong đó loài người đang tranh nhau từng đám bụi đen” …  “ Em hãy nhìn lại chúng tôi: trán chúng tôi cũng bị cày lên những đường nét ưu tư, khổ đau, mắt chúng tôi vì cát bụi cuộc đời cũng không còn trong xanh nữa, niềm tin và sự trong trắng của tâm hồn cũng đã sứt mẻ và vỡ nát nặng nề. Chúng tôi cũng đã cô độc như bây giờ em đang cô độc. Chúng tôi cũng đã bơ vơ như em bây giờ còn đang bơ vơ. Chúng tôi nào phải là muốn lên giọng đạo đức để nhục mạ em”  Tác giả tự coi mình là lớp đàn anh bộc lộ tâm trạng với lớp trẻ hai mươi, thế hệ chớm trưởng thành trên một đất nước đau thương tan tóc. Xã hội bất ổn rối ren, chiến trường khói lửa làm chúng tôi già hơn trong lứa tuổi, tuổi trẻ bị bao bọc vây quanh bởi lối sống vội vã không biết đến ngày mai. Nhiều bạn bè mất niềm tin, họ cô đơn và sống bất cần. Nơi công viên giữa thành phố nhỏ tôi đang sống, trên bãi cỏ rộng cạnh lầu bát giác nghỉ chân, có sẵn những chiếc bàn tuyển mộ các binh chủng quân đội với những lời rao hấp dẫn, như lương cao, nhiều ngày phép, tiền tử tuất có thể lãnh trước, kêu gọi thanh niên đến ghi danh. Và anh bạn học thân thiết của tôi đã đến làm điều đó. Những nỗi ưu tư cuộc sống và thời cuộc, luôn đè nặng lớp trẻ chúng tôi, nhưng chúng tôi đã không thần tượng một ai để đắm mình, để trốn tránh vào đó. Khác như thời bây giờ, lứa tuổi hai mươi thì khá vô tư, chạy theo thần tượng âm nhạc hay phim ảnh mà mình ái mộ, không chút băn khoăn, không chút thắc mắc. Tôi nhớ khi ở lứa tuổi ấy, tôi đã viết trong quyển lưu bút học trò cho một cô bạn, suy nghĩ không còn là của một học sinh phổ thông, những câu nói, những lời viết đầy ‘thân phận’ đại khái như là “chúng ta quá nhỏ nhoi trong cuộc đời, chỉ là những hạt các trong sa mạc tụ lại trong phút chốc để rồi tan đi sau cơn gió”, hoặc là “ta chỉ là một con ốc trong guồng máy xã hội.”. Lối nói giống như ông cụ non, có lẽ chôm ý tưởng từ đâu đó, nghĩ lại buồn cười, nhưng dẫu sao cũng là suy nghĩ thật lòng, băn khoăn thật lòng chỉ có điều phải diễn tả bằng ý tưởng của người khác. Có quay lại thời ấy, chắc là cũng nói như thế thôi. Nói chung, tuổi đôi mươi chúng tôi thì có chút già dặn và phiền muộn trong cuộc sống.

“Nói với tuổi hai mươi” chỉ là một tập sách mỏng khổ nhỏ độ chừng năm mươi trang, nhưng có tác dụng lớn, đã chạm vào tâm khảm của giới trẻ học sinh sinh viên hay thanh niên ý thức. Đây là lời tâm sự đối thoại của người lớn tuổi, đã qua hai lần cái tuổi hai mươi, đã trải nghiệm cuộc sống đầy những phong ba bão táo của thời đại. Tác giả tỏ lời tâm tình với lớp trẻ tuổi đôi mươi nói chung, nhưng cũng có ý tâm tình riêng với nhà văn Phạm Công Thiện, đáp trả lại những phản kháng bất bình của nhà văn đang độ tuổi hai mươi. Phạm Công Thiện năm mười chín tuổi khởi thảo quyển “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” đến năm 1965 thì cho xuất bản tác phẩm này, tác phẩm chống đối thế hệ của cha anh, phản kháng và đánh đổ mọi tiêu chuẩn đạo đức của xã hội bấy giờ “Thế giới người lớn là thế giới nghĩa địa, thế giới chết, thế giới ma quái ngu dại. Các ông tự cho là các ông khôn ngoan, chín chắn, kinh nghiệm. Chúng tôi không cần những thứ ấy và chúng tôi cũng không đụng chạm gì đến những thứ ấy, vì thế chúng tôi lễ phép xin các ông hãy trả thế giới hồn nhiên cho chúng tôi: đừng làm điếc tai chúng tôi với những tiếng thối nát như ” khôn ngoan”, “chín chắn”, “kinh nghiệm” (YTMTVNVTH).        Sự ra đời của tác phẩm như cơn thuỷ triều bộc phát tuôn tràn trong sinh hoạt văn nghệ thời đó, người ta gọi ông là thần đồng triết học. Năm đệ ngũ thầy giáo môn văn có đề cập đến tác phẩm gây xôn xao này, tôi nghe là nghe thế thôi, đến hai năm sau tôi mới dịp cầm đến quyển sách dày cộm đó. Đọc xong, tôi không tin tác giả chỉ ở lứa tuổi đôi mươi mà lại có tư tưởng lạ thường như thế (PCT sinh năm 1941, thông thạo nhiều ngoại ngữ kể cả tiếng Sancrit và Latin khi chưa hai mươi. Tôi lại càng không biết từ năm ông mười tám tuổi chưa có mảnh bằng Tú Tài đã được mời làm giảng viên môn triết học ở trường Đại học Vạn Hạnh, sau đó giữ luôn chức trưởng khoa Văn. Năm 1970 ông là giáo sư triết học trường Đại học Toulouse Pháp).

Sau những bộc bạch tâm sự, tác giả “Nói với tuổi hai mươi” khuyên nhủ đàn em về chuyện học hành, về lý tưởng và về tình yêu thương, khêu gợi sức sống tuổi trẻ của mình, tác giả nhắn nhủ: “Chúng ta sinh ra từ quê hương; được quê hương, được mẹ cha, được Ca dao và những câu hát câu hò nuôi dưỡng. Và vì thế chúng ta có tình yêu sâu đậm và lớn lao,….. Em mới có hai mươi tuổi trên vai. Tình thương sẽ cho em thấy tình trạng đất nước, nhân loại, tình thương sẽ dạy em hành động. Hành lý của em đã đầy đủ. Hiên ngang trong tự do, em hãy lên đường. Chân lý sẽ đón chờ em trên quá trình lột xác thường xuyên của nhận thức và của hành động.”

Nhưng thật ra, phần tôi thích thú nhất trong tập sách mỏng này là phần tác giả tâm sự trong mục “thương yêu” “ Ở tuổi em, em thấy rõ ràng tiếng gọi luyến ái mạnh hơn tiếng gọi của tình yêu cha mẹ. Điều đó không hẳn đã là một sự bội bạc. Ở cái tuổi đó tình nặng hơn hiếu, bởi vì tình là tình mà hiếu chỉ là hiếu, nói khác hơn tình là một thứ tình mới mà hiếu là một thứ tình đã nhạt bớt chất tình và thêm vào chất bổn phận, ân nghĩa.” Tác giả hoà mình vào tuổi đôi mươi mà nỉ non tỉ tê.“…Cho nên chinh phục một người để cùng đi đến hôn nhân, điều nầy rất gần với sự hùn vốn làm ăn, không khác gì đi quảng cáo để tìm người góp cổ phần. Tôi không chống đối gì sự làm đẹp và sự phô trương tài ba cốt để cho người kia say mê mình. Để chinh phục một người khiến cho người đó yêu mình, con trai cũng như con gái có ngàn vạn cách khác nhau, nhất là con gái, vì phái nữ đã được yểm trợ quá đầy đủ trong công tác này.”  Ý tưởng so sánh rất ngộ ngĩnh, nhưng làm lớp trẻ chúng tôi thích chí, bởi hành động lê la, ve gái, được phủ lên một ‘chính nghĩa’ là tìm đối tượng góp vốn làm ăn chung thì có gì là không thể không được, không thể không coi là chính đáng, không thể gọi đó là hành vi xấu xa được.  Tác giả bồi thêm với lời mật ngọt rót vào tai của lứa tuổi đôi mươi ….  “Những hiện tượng hờn giận, ghen tuông chắc chắn sẽ xảy ra, làm sao tránh được. Tôi không khuyên em tránh chúng một chút nào, bởi vì những hiện tượng ấy chứng minh rằng em đang yêu, và người yêu của em cũng đang yêu em tha thiết. Hãy đón nhận những hờn giận ghen tuông ấy mà phần nhiều đều là do quá yêu và do vô minh nữa gây nên.” Ôi ông đàn anh này nói sao mà nghe êm tai thế, tâm lý với tuổi hai mươi thế. Còn ông nhạc sĩ hai lần tuổi hai mươi ‘thế hệ của những người đi trước’, nhớ về thời hai mươi mà ngồi ôm đàn viết lên bài tình ca thương nhớ: Ngày em hai mươi tuổi.

Một hôm ngồi cà phê, một anh bạn tôi cảm thán về thời đôi mươi của mình. Anh bạn nói mình không có tuổi trẻ. Thuở nhỏ lo học lo thi cử, không biết rong chơi la cà với bạn bè, thi hỏng, bị gọi nhập ngũ, di chuyển khắp nơi, khói lửa tơi bời, chiến tranh mà ráng giữ được mạng là hay lắm rồi làm gì có chuyện vui chơi. Xong cuộc chiến thì bị đi “lên non tìm động hoa vàng” cuốc đất trồng khoai. Hết hạn, cho về, tìm vùng đất hoang hoá kinh tế mới trồng cây làm vườn, nuôi gà lợn để mưu sinh. Chắt chiu được ít tiền về lại thành phố tậu căn nhà trong hẻm, rồi ráng cật lực làm việc để trả xong nợ căn nhà nhỏ ấy. Đế có nơi có chỗ ổn định thì tôi đã gấp ba lần cái tuổi hai mươi rồi. Tuổi hai mươi của bạn tôi trong thời chiến tranh là như thế đó. Và anh bạn là một tiêu biểu cho lớp chúng tôi trong cuộc sống. Tuy nhiên không vì thế, không vì cái xã hội nháo nhào bất ổn ấy mà không có một bóng hồng ấp ủ trong tim anh, anh vẫn có con tim hoà nhịp rung với bóng hồng của anh. Một anh bạn khác của tôi nói, anh lo học để thoát cảnh binh đao (và anh đã làm được), không có thời gian riêng cùng với bạn bè trang lứa, nhưng “vẫn dấu trong tim một bóng người”. Mà rõ khổ, người bị dấu ấy, không biết anh ta là ai. Anh chỉ đơn phương thôi, bởi anh nói, anh gặp chỉ một lần, rồi giữ mãi hình ảnh ấy. Chỉ vài giây phút phù du thôi mà đã rơi vào cõi nhớ miên man đời người. Tuổi hai mươi thời ấy của chúng tôi rất vụng dại, chỉ bốn mắt nhìn nhau, không dám cầm tay. Và rồi khi nắm được thì, “cầm tay nhau không biết nói năng gì”. Giả dụ bây giờ mà gặp lại người xưa, chưa chắc gì là anh bạn tôi dạn dĩ hơn, chưa chắc dám nói “những lời muốn nói”. Vì đối tượng của anh không phải là mục tiêu cố định, mà là di động theo thời gian. Không phải cô em ngày xưa, mà là cô em bây giờ. Không phải cô em tuổi hai mươi, mà là một cô em đã ba lần cái tuổi hai mươi, cũng như anh vậy.

Cái tuổi hai mươi của những thằng con trai thời li loạn là thế, còn các cô gái vào thời ấy mới thảm làm sao? Thụ động và chờ đợi một vận số cho mình. Phòng không chiếc bóng là căn bản, gặp người tâm đầu ý hợp thì thường phải sống trong tâm trạng nhớ nhung xa vắng, bởi cách biệt. Sống không biết ngày mai ra sao, không biết ngày mai như thế nào. Vì có thể là …“Ngày mai đi nhận xác chồng/ say đi để thấy mình không là mình… Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ/ Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son” như nhà thơ Lê Thị Ý nói lên cõi lòng của mình bằng những vần thơ đượm mùi khói lửa binh đao. Phạm Duy (cũng lại là Phạm Duy) đã đem thơ phổ nhạc thành bản ‘Tưởng như còn người yêu’. Có người hỏi bà (khi ấy là cô gái tuổi đôi mươi) cảm xúc từ đâu mà viết bài thơ này. Bà trả lời “Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. ….. ”

Tuổi hai mươi, thế hệ của chúng tôi là như thế đó. Bị cuốn vào cái guồng máy chiến tranh và sau đó vật lộn với cuộc sống trong xã hội thời hậu chiến. Thời gian đi qua khắc hằn trên khuôn mặt, nhưng những gì của thời trẻ, những dấu ấn của tuổi hai mươi thì còn mãi. Năm tháng có trôi qua nhưng lòng người thì không phôi pha. Những bóng hồng thuở ấy vẫn còn giữ trong tim. Những hẹn hò, chờ đợi, những cái cầm tay run rẩy ngày nào vẫn còn nguyên cảm xúc. “Ngày em hai mươi tuổi” với “tiếng hát liêu trai” của Thanh Thuý (giáo sư triết Nguyễn Văn Trung đặt biệt danh cho ca sĩ là thế) gợi lên cả một vùng trời kỉ niệm thời tuổi đôi mươi với tôi và với bạn bè tôi. Ca sĩ Hoàng Oanh hát bài này thì chọn lối trình bày khác, nhịp điệu từ tốn chậm rãi hơn, lại ngâm thêm hai câu thơ cho phần đầu bản nhạc: “Tuổi trẻ đã qua xuân đã hết. Người xưa thôi đã khác xưa rồi.” Nghe có chút rã rời, buồn thảm. Tôi không thích thế, suy nghĩ thế hơi tiêu cực, tuổi trẻ đã qua nhưng xuân chẳng bao giờ hết, người xưa thôi đã khác xưa rồi, chỉ đúng về mặt thời gian, nhưng trong tâm tư của những người ở lứa tuổi ba lần hai mươi như chúng tôi thì khác, người xưa, hình bóng vẫn còn mãi y nguyên. Vẫn như là… Ngày em hai mươi tuổi / Chưa biết nhớ nhung gì / Trên nụ cười mới hé / Niềm thương đã tràn mi.

 

14 thoughts on “Ngày Em Hai Mươi Tuổi.

  1. Quốc Tuyên

    Cám ơn Phương, đọc bài viết như thước phim quay chậm trở lại thuở hai mươi, một thuở quá nhiều biến động… và … “Thời gian đi qua khắc hằn trên khuôn mặt, nhưng những gì của thời trẻ, những dấu ấn của tuổi hai mươi thì còn mãi. Năm tháng có trôi qua nhưng lòng người thì không phôi pha…
    người xưa, hình bóng vẫn còn mãi y nguyên. Vẫn như là… Ngày em hai mươi tuổi / Chưa biết nhớ nhung gì / Trên nụ cười mới hé / Niềm thương đã tràn mi… “

    Reply
    1. Phuong

      Nhắc về thời thanh xuân, thường ai cũng có cảm giác êm đềm man mác về một kỉ niệm nào ấy. Sống một thời có quá nhiều biến động, rồi biến động qua đi và tất cả chôn vào quá khứ quên lãng. Chỉ duy điều đẹp đẽ thì vẫn lưu mãi trong kí ức, và khi có dịp như …nghe một bản nhạc, xem một hình ảnh… thì nó lại trổi lên….và lại nhớ lại …Ngày ta hai mươi. Cám ơn lời com đồng cảm của Tuyên.

      Reply
  2. TT.Hiếu Thảo

    Nghe đề hấp dẫn quá Thảo ghé đọc…
    Qủa là một thể văn tản mạn hay tạp bút… (theo tuỳ cảm nhận…)
    Tg TNP đã làm cho người đọc nhận được nhiều thứ trong đó( phong phú lắm… âm nhạc chuyện tình, cuộc chiến v.v… suy tư tuổi trẻ…)
    Thanks anh đã cho tôi đọc- và không lấy làm thất vọng ở cây bút anh…
    TTHT.

    Reply
    1. Phuong

      Hiểu Thảo “phán” không sai: … tản mạn hay tạp bút… (theo tuỳ cảm nhận…) đều được cả. Ngày xưa Duyên Anh có ra tờ báo chuyên châm chích thiên hạ đặt tên là tuần báo Con Ong (66-72), có mục “cà kê dê ngỗng” kể chuyện lòng vòng không đầu đuôi, mở đầu là râu ông nọ và kết thúc là cằm bà kia, thường chẳng ăn nhập gì cả (chủ yếu châm chích), cốt là chỉ đọc cho vui thôi. Ngày M 20 cũng thế, chỉ đọc vui thôi …. một cảm khái về thời … xa xưa. Câu thơ này của Quang Dũng cũng rất hợp với ý ấy:
      Em mãi là 20 tuổi. Ta mãi là mùa xanh xưa
      Tóc anh đã thành mây trắng. Mắt em, dáng thời gian qua.

      Reply
      1. TT.Hiếu Thảo

        Câu thơ QD là thế đấ.,Câu thơ HT là thế đây
        Thơ Hai Câu
        */*
        1. Em yêu được anh: xin ngàn năm thơ ấu
        Để yêu anh và mãi mãi mùa xuân…
        Mắt Em
        33-Mắt em là mùa thu lãng mạn
        Về tương tư… như cánh nhạn trời xa…

        7- Thương người mấy cuộc bể dâu
        Trần gian mấy cuộc bể sầu chia hai?

        8-Em ơi về lại nơi đây
        Cho trăng chiếu sáng nhỏ đầy hồn trinh…

        9- Nghe đâu hơi gió thơm lòn…
        Thì ra không phải trăng tròn… môi em?

        10- Dịu dàng một ánh mắt quen
        Một tay anh kẹp….tóc buông thả dài…
        17- Người thơ đôi mắt vẫn thơ
        Đôi tay tắm mát đôi bờ… nhân gian.

        2- Ta yêu đôi mắt của nàng
        Mắt nàng là cả thế gian trữ tình…

        3- Em cười tựa ánh trăng sao
        Em buồn tựa một mưa rào tháng giêng?

        4-Ta về hái mộng cho anh
        Hái hoa hái bướm trên cành cây khô?

        5- Hoa kia chỉ nở môt lần
        Mà ta đã nở hai lần vì yêu!

        18 Cám ơn đời cho ta ngọn sóng
        Nửa sóng bên ta nửa song bên người!

        6-Ta đợi mùa xuân như tóc nàng thả
        Là đợi trăng về mưa thả… lối đi…

        7-Em lúc ấy tóc dài buông thả lỏng
        Rộng đường ngôi … cho tình ý thênh thang …

        8- Làm sao ta lái được thuyền
        Khi không tay lái, hiển nhiên đợi chờ… ?

        9- Vải này là của anh thương
        Vải này xin tặng công nương của chàng!

        10-Trái tim này tặng anh một nửa
        Nửa để lại mình, để biết tình si… ?

        11- Phải chăng người đã xuống trần
        Nương theo hoa nở giai nhân một thời.?

        (HT).
        Chỉ thơ hai câu của HT, cũng cả vài trăm bài nhưng mình vẫn chuộng truyện hơn… Thanks NP đã chia sẻ, Chúc vui và sáng tạo: mạnh…

        Reply
  3. Phuong

    Những điều muốn nói thì nhiều. Những điều không muốn còn nhiều gấp …đôi (ba, tư, năm, sáu … tuỳ chọn). Đùa thơ con cóc một chút. Bởi vì: Bạn tôi tình vẫn đong đầy / Cứ da diết mãi chuyện ngày đôi mươi (PMT). Cám ơn PhanMạnhThu ghé qua.

    Reply
    1. PhanMạnhThu

      Ngạc nhiên khi bạn trích hai câu thơ của mình. Đúng là tuổi hai mươi có cả một vùng trời kỷ niệm chẳng dễ gì quên bạn nhỉ. Chúc vui nhé.

      Reply
  4. Thu Thuỷ

    Ngày hai mươi tuổi mình làm chi hè? Suy nghĩ gì? Quên mất rồi!
    Bài viết của anh Phương, đưa ta về một khung trời hoa mộng ngày xưa!

    Reply
  5. Phuong

    Vào thời ấy, báo chí nói đến tuổi hai mươi thì thường ngầm hiểu là lứa tuổi từ mười lăm, mười sáu cho đến hai lăm hai sáu. Khi PCT xuất bản quyển YTM lúc tuổi hai bốn hai lăm, nên Thượng toạ Thích Nhất Hạnh (lúc ấy gọi thế, sau này gọi ông là Thiền sư) mới viết quyển ‘Nói với tuổi 20’ như một đáp trả nhắn nhủ. …không thể cứ nghĩ là nhớ ra ngay, mà một lúc nào đó tự dưng, tự dưng ngẩn ngơ … Ngẩn ngơ nhớ những dấu hài / Lần trong bụi đỏ đâu ngày tháng xưa! ( lại nhờ vả Phạm Mạnh Thu rồi 🙂 )

    Reply
  6. Lẫn Thẩn

    Ủa ! TT Nhất Hạnh viết NVTHM là để nhắn nhủ Phạm Công Thiện , vậy mà lâu nay tui cứ nghĩ là nhắn nhủ Cao Ngọc Phượng chứ?

    Reply
    1. Phuong

      Chào Lẫn Thẩn, lâu ngày gặp lại. Chuyện xưa huynh còn nhớ chẳng lẩn thẩn chút nào, thời ấy tôi còn nghe một danh từ tếu nữa là Thượng Toạ Thích… đô la! Chỉ vì khác nhau quan điểm chính kiến (càng cao danh vọng càng dày gian nan mà). Nhưng qua thời gian rồng rắn đã phân minh. Nhà Sư đã và đang thực hiện phần nào hoài bảo của mình. Ở Mỹ và Châu Âu ông và đức Đạt Lai Lạt Ma là hai nhà sư Phật Giáo được biết đến nhiều nhất. Còn PCT sống ở nước ngoài, đổ vỡ trong hôn nhân, sống đời lặng lẽ, ông mất ở Houston bảy năm trước. Cảm ơn Lẫn Thẩn ghé qua.

      Reply
  7. Tuấn

    Cám ơn bạn .
    Mình nhớ ngày mình 20 tuổi có để ý một cô bạn cùng lớp , nhờ yêu người mình biết làm thơ. Những câu thơ bây giờ đọc lại rất buồn cười , đặc biệt bài thơ nào cũng có câu” yêu người trọn kiếp” và dưới bài thơ có bút hiệu rất ai oán : Lãng Tử Sầu dù rằng mình nghịch như quỹ, mình chỉ sầu khi làm thơ thôi.Sau đó, cô ấy có chồng và mình đúng là Lãng Tử Sầu chính hiệu, mình chỉ hết sầu khi để ý đến một cô khác và bắt đầu làm thơ những câu thơ bớt cải lương hơn, già dặn hơn cho đến khi mình lập gia đình, và mình không dám hứa với người bạn đời của mình “yêu người trọn kiếp” vì ra phố mình vẫn còn liếc tới nhìn lui…

    Reply
    1. Phuong

      Yêu cái đẹp là chuyện thường tình của con người (…phái nam), chẳng phải mọi người đều muốn đạt đến Chân Thiện Mỹ sao? Ra phố liếc nhìn người đẹp thì không ảnh hưởng hoà bình thế giới ( người đàn ông chân ‘chính’ nào cũng thế (chí mén gặp nhau 🙂 nhưng coi chừng dễ bị … xe ‘hôn’. Huynh thật thà khai báo với bà xã cái ‘lãng tử’ của mình, thế huynh là người thật thà một cách… khôn ngoan. Hi vọng huynh tiếp tục ‘xuất’ thơ cho đời thêm tươi, như tuổi đôi mươi. 🙂

      Reply

Leave a Reply to PhanMạnhThu Cancel reply

Your email address will not be published.