DNA là tất cả

Tác giả: Vũ Đăng Khuê

Theo tự điển bách khoa Wikipedia thì “DNA có thể được hiểu một cách đơn giản là nơi chứa mọi thông tin chỉ dẫn cần thiết để tạo nên các đặc tính sự sống của mỗi sinh vật;” hoặc “DNA hay deoxyribonucleic acid là nguyên liệu di truyền ở người và hầu hết tất cả cơ thể sống”. Vì thế, DNA của mỗi người mỗi khác và không có trường hợp trùng nhau, điều này đã được khẳng định tuyệt đối trong thời điểm hiện tại. Nhưng mấy chục năm trước thì DNA… lại hoàn toàn khác. Xin mời quí vị theo dõi 2 câu chuyện dưới đây về cái khác chết người đó để thấy…. DNA là tất cả.

Chuyện người tử tù…

48 năm trước, ngày 30 tháng 6 năm 1966 tại Shizuoka đã xảy ra vụ giết người cướp của rất dã man mà nạn nhân là 4 người của một gia đình nhân viên quản trị công ty làm miso (tương). Để phi tang dấu tích hung thủ đã đốt luôn cả nhà nhân viên này. Sau 1 tháng “theo dõi” thì cảnh sát đã bắt kẻ tình nghi là thủ phạm tên Hakamada Iwao, cựu võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp (30 tuổi) cũng là người làm việc tại đây
18 ngày đầu thì ông Hakamada phủ nhận, nhưng đến ngày thứ 19 thì ông này đã “tự thú” và nhận chính mình là thủ phạm, và đồng ý tất cả những gì gọi là bằng chứng được phía cảnh sát và viện kiểm sát đưa ra.

Ngày 15/11/1966, trong phiên xử đầu tiên của tòa sơ thẩm, ông Hakamada đã phủ nhận tất cả và chủ trương mình vô tội. Ông cho biết: Tôi đã bị ép cung trong suốt thời gian 19 ngày, tôi phải “tự thú” cho xong để tránh được chuyện đầu óc ngày đêm lúc nào cũng căng thẳng vì tra vì hỏi.

Ngày 31/8/1967, để chứng minh những buộc tội của mình là đúng, viện kiểm sát Shizuoka lại đưa ra 5 chứng cớ mới gồm quần, áo, quần đùi v.v.. có dính vết máu của ông được nói là đã tìm thấy trong các vại đựng tương, và kết luận là ông Hakamada đã mặc bộ quần áo này lúc giết người, khác hẳn với lời ông bị ép buộc khai lúc ban đầu là mặc đồ ngủ. Thời đó làm gì mà có DNA để chứng minh, nên quan tòa cứ thế và “vô tư” đi tới.

Ngày 11 tháng 9 năm 1968, tòa sơ thẩm tuyên án tử hình. Ông kháng án.

Ngày 18 tháng 5 năm 1976, tòa phúc thẩm y án tử hình. Ông kháng án.

Ngày 12 tháng 12 năm 1980 tòa tối cao vẫn giữ y án tử hình.

Vì thấy có quá nhiều mâu thuẫn trong cách hỏi cung, cách điều tra….  nên ngay từ lúc án ông đã được xác định, nghĩa là chỉ chờ ngày đi “trả án” thì gia đình ông nhất là bà chị gái Hakamada Hideko (năm nay đã 81 tuổi) và các đoàn thể ủng hộ như Hội Liên Hợp Luật Sư Nhật Bản, Hội quyền anh chuyên nghiệp, Liên minh dân biểu hai viện quốc hội, cá nhân v.v… đã làm đủ mọi cách tìm chứng cớ mới để chứng minh rằng ông vô tội và yêu cầu tòa án xét lại. Tưởng cũng nên biết rằng, dù đã án đã xác định nhưng nếu tìm ra được một chứng cớ mới khả thi, thì người bị án có quyền nộp đơn yêu cầu tòa xét lại vụ án. Ngoài nỗ lực kêu gọi việc xét lại, các đoàn thể liên hệ đã yêu cầu ngưng chấp hành lệnh tử hình vì ông đang bị tình trạng tâm thần phân liệt trong suốt nhiều năm, nói chẳng ai hiểu và cứ thì thầm với “chính mình” từ ngày này sang ngày khác. Mãi cho đến năm 2010, tổng trưởng tư pháp là bà Chiba Keiko đã đồng ý cho ông đi kiểm nghiệm bệnh tâm thần. Kết quả là tháng 2 năm 2011, án tử hình của ông ….. vẫn tiến hành nếu tổng trưởng tư pháp ký “giấy”.

Sau mấy chục năm cố gắng, nỗ lực của những người ủng hộ ông, ngày 27 tháng 3 vừa qua, tòa án Shizuoka đã ra phán quyết: ngưng lệnh hành quyết và đem sự việc ra xét xử lại. Cũng cùng ngày đó ông được tạm phóng thích sau 48 năm trong nhà tù.

Lý do chính khiến chánh án Hiroaki Murayama có phán quyết không tiền khoáng hậu, lần đầu tiên tại Nhật Bản là: “Quần áo tìm thấy tại hiện trường mà viện kiểm sát đưa ra không phải là của bị cáo, có thể do cảnh sát hay viện kiểm sát ngụy tạo”. Kết quả xét nghiệm DNA hiện tại đã chứng minh điều này, những gì dính trên áo mà cảnh sát bảo là tìm được trong các vại tương không phải là áo của ông Hakamada, đó chính là “nền tảng vững chắc” nhất cho những chứng cớ khác do phía luật sư đưa ra, chẳng hạn như ông không mặc vừa cái quần được cho là tìm thấy sau đó 1 năm, hoặc sau bao nhiêu lần “tái hiện” cảnh lúc “thủ phạm” trốn khỏi nhà sau khi giết 4 người dựa theo lời ông khai, thì kết quả cho thấy không ai có thể làm được việc đó trong những điều kiện như thế, hay lời thú nhận của một cảnh sát lúc điều tra cho biết là sau khi sự việc xảy ra chính ông ta đã dùng cây khuấy rất kỹ các vại tương nhưng không tìm thấy bất cứ cái gì cả v.v…..

Thêm một yếu tố khá quan trọng khiến chánh án phải để ý nữa là 1 ông tòa của tòa án sơ thẩm dù đã ký tên đồng ý kết tội tử hình là ông Kumamoto Norimichi, nhưng sau này đã mất hẳn tự tín và kiên quyết phủ nhận phán quyết này đến nỗi ông phát bệnh. Hôm được tin ông Hakamada được tạm phóng thích ông đã phát khóc như chưa bao giờ được khóc và phát biểu bằng giọng nghẹn ngào chữ được chữ mất: “phải thế chứ, chuyện đương nhiên”

Ông tòa Kumamoto Norimichi (71 tuổi) đã khóc khi nghe tin Hakamata được phóng thích

Chiếc áo dính máu tên sát nhân nào đó và cái quần ông mặc mãi… không vừa

Hôm 27/3, sau khi tòa quyết định “xét lại” vụ án, chị ông đã đến tận nhà tù để thông báo, trước khi vào gặp, bà Hideko rất lo là ông sẽ nói: “chả có điều gì phải nói, kêu chị tôi về đi” như bà đã gặp cảnh này suốt 3 năm nay. Cuối cùng, sau một hồi thuyết phục, ông mới chịu cho gặp. Khi bà thông báo vụ án sẽ được xét lại, ông tỏ vẻ không tin, nói đi nói lại mãi ông mới bật miệng: thế à, rồi lẳng lặng cùng người chị làm thủ tục bước ra khỏi nhà tù. Trên đường về khách sạn, ông không nói một câu ngoài những câu lẩm bẩm một mình vô nghĩa và câu: Cám ơn. Giữa đường, bị say xe chóng mặt, ông phải ngồi nghỉ, vì suốt 46 năm nay chưa một lần nào vừa được đi xe… vừa ngắm cảnh cả, nếu có đi xe thì là xe bịt bùng chỉ thấy xung quang toàn là bóng tối

Ông ra khỏi nhà tù vào tuổi 78, người cứ ngơ ngơ ngáo ngáo, chả nói chuyện với ai, các bác sĩ nói tinh thần ông không được bình thường vì bị giam giữ quá lâu cần một thời gian tịnh dưỡng. Hiện ông vẫn phải ở bệnh viện để tập lại những động tác quen được với cuộc sống hàng ngày. Hôm 14/4, trong buổi chào đón ông tại Tokyo, ông đã xuất hiện bên người chị giơ tay chào mọi người bằng dấu hiếu chiến thắng và chỉ nói được 1 câu duy nhất: “Xin tiếp tục giúp đỡ tôi” rồi trở lại thế giới của ông là lẩm bẩm nói một mình.
Trên nguyên tắc, khoảng 2 tháng nữa vụ án này sẽ đem ra xét xử lại. Nếu ông “vô tội” (chắc là thế dù viện kiểm sát đã kháng án), ông sẽ được bồi thường một số tiền để đền bù 48 năm nằm khám. Tùy theo năng lực, số tiền bồi thường 1 ngày cao nhất 12500 (125 mỹ kim) một ngày. Một số tiền rất lớn khoảng 200 triệu yen (2 triệu mỹ kim), nhưng vẫn không thể nào lấy lại 48 năm ông đã mất và để làm gì vì năm nay tuổi ông đã 78? Nhưng đúng DNA là tất cả.

Chuyện kẻ chung thân….

Tháng 5 năm 1990, tại thành phố Ashikaga, tỉnh Ibaragi Nhật Bản, một bé gái 4 tuổi đã bị bắt cóc, hãm hiếp rồi bị giết chết. Hôm sau, xác của bé gái được tìm thấy ở một bờ sông, sau đó người ta tìm thấy quần áo của bé gái được vứt tại một khúc sông gần đó, một cuộc điều tra qui mô diễn ra để truy tìm thủ phạm. Huy động cả trăm nhân viên, cảnh sát tỉnh Ibaragi đã lần ra “đầu mối”: trước giờ mất tích, video của một tiệm pachinko trong thành phố (một loại game của Nhật) phát hiện bé gái cùng có mặt với một người đàn ông khoảng 40 tuổi, nguyên là tài xế xe đưa đón học sinh nhà trẻ có tên là Sugaya Toshikazu được các bé rất yêu mến. Thế là “gã đàn ông” này bị theo dõi và 1 năm rưỡi sau, ngày 2 tháng 12/1992 cảnh sát tuyên bố bắt được thủ phạm. Người dân xung quanh thở phào nhẹ nhõm, vì trước đó tại các khu vực lân cận, việc bắt cóc các bé gái cũng đã xảy ra. Chứng cớ duy nhất khiến cảnh sát quyết định xuống tay là DNA dính trên áo của bé gái và DNA của người tài xế là một và những lời tự thú tội rất mơ hồ, sau đó được sắp xếp lại cho gọn và hợp tình hợp lý theo…. ý của Cảnh sát. Đúng là DNA nói là công lý nói.

Ra tòa lần đầu vào năm 1993, ông Sugaya đã phản cung, phủ nhận hoàn toàn và khai là ông bị ép cung và “trót dại” nghe theo lời “dụ khị” của cảnh sát: “Thôi nhận tội đi cho yên thân, không chối được đâu, có chối cũng như không vì….  DNA là tất cả”.

Nhưng toà sơ thẩm vẫn tuyên án “chung thân”, chống án lên tới toà phúc thẩm năm 1996, tòa án tối cao năm 2002, bản án vẫn không thay đổi vì DNA là….. tất cả.

Luật sư bào chữa cho “bị cáo” là ông Sato Hiroshi thấy có gì bất ổn, vì ngoài yếu tố DNA chẳng còn yếu tố nào khác có thể kết tội thân chủ của ông. Với tấm lòng tận tụy, ông này đã đi tìm những người cùng suy nghĩ lập ra một nhóm để hỗ trợ cho người tài xế mà ông nghĩ là vô tội này.

Dựa trên sự tiến triển của việc xét nghiệm DNA, năm 2001, luật sư Sato đã nhiều lần yêu cầu toà án cho thử nghiệm lại DNA nhưng hoàn toàn vô ích. “Vô kế khả thi”, ông bèn bỏ tiền túi cũng như quyên góp đó đây để nhờ một cơ quan chuyên môn thử nghiệm, nghe nói cũng tốn kém khoảng 10 triệu yen (hơn 100.000 mỹ kim), lúc đầu thì không tổ chức nào nhận làm chuyện này, nhưng sau đó có một phòng nghiên cứu của một đại học nổi tiếng nhận thử nghiệm giúp. Vị luật sư này đã yêu cầu “thân chủ” của mình cung cấp tóc, ông “tài xế thủ phạm” này đã phải “mạnh tay” dứt một mớ tóc của mình gửi ra ngoài kèm chung với các lá thư trao đổi. Với những “sợi tóc” quí báu này, phòng thử nghiệm của đại học đã bắt đầu thử nghiệm và đưa ra kết quả không ngờ: DNA dính trên áo của bé gái không phải là DNA của người tài xế mà cảnh sát cho là thủ phạm. Với chứng cớ trong tay, vị luật sư này gõ cửa khắp nơi và cuối cùng thì tháng 4/2009, viện kiểm sát của tỉnh Utsunomiya chẳng đặng đừng đã phải cho thử nghiệm lại. Việc thử nghiệm được thực hiện rất kỹ càng, ngoài những dấu vết còn dính trên “tang vật” (áo của bé gái) mà mãi bây giờ mới phát hiện vì 17 năm trước, những dấu vết này đã không tìm thấy, viện kiểm sát còn lấy DNA của tất cả những người trong gia đình bé gái cũng như 30 nhân viên cảnh sát, kiểm sát đã từng “sờ” cái áo tang vật đó. Cuối cùng, ngày 4/6 viện kiểm sát công bố kết quả: DNA của thủ phạm và của ông Sugaya cũng như những người liên quan hoàn toàn khác nhau. Điều này có nghĩa: thủ phạm là một người khác.

Ngày 5 tháng 6, ông Sugaya đã được phóng thích sau hơn 17 năm dằn vặt trong tù. Tại các cuộc họp báo sau đó, ông Sugaya ngỏ lời cám ơn các người ủng hộ đã kiên trì giúp ông sống vững cho đến ngày được phóng thích.

Tháng 10 năm 2009 tòa án đã mở lại để xử vụ án này và ngày 26 tháng 3 năm 2010 đã chính thức phán quyết là ông vô tội. Ông được hưởng một số tiền bồi thường khoảng vài chục triệu yên (khoảng vài trăm ngàn mỹ kim). Con số tưởng nhiều nhưng không thể so sánh với hơn 17 năm bị giam oan ức.

Sau đó các viên chức cao cấp của cảnh sát, viện kiểm sát, toà án đã phải lần lượt đến trước mặt ông cúi đầu xin lỗi.

—————-

Trên đây là chỉ 2 trường hợp điển hình trong vài trường hợp nhờ DNA mà… “vô tội”, nhưng nói qua thì cũng phải nói lại, cũng phải nhờ DNA rất nhiều mà cảnh sát mới  tìm được rất nhiều trường hợp…. “có tội”

DNA là tất cả. Có phải thế không quí vị?

Sayonara

Vũ Đăng Khuê

* Vài chục năm về trước, phương pháp thử nghiệm DNA còn phôi thai có tên “MCT-118” với tỷ lệ 1/120, còn bây giờ thì tỷ lệ là 1/4070 tỷ, (1 tỷ: 1.000.000.000) hay nói cách khác: DNA của mỗi người hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai cả, cũng như vân chỉ tay vậy.

1 thought on “DNA là tất cả

Leave a Reply

Your email address will not be published.