Cuộc Đời Là Những Chuyến Đi…

Tác giả: Cẩm Tú Cầu

Con đường thật buồn một chiều cuối đông ” đã đưa tôi đến nhà hàng khách sạn Mondial đường Nguyễn Huệ thành phố Huế, nơi đây tôi đã đến vài lần, khi có dịp về thăm lại quê hương.
Huế cuối đông, trời thật thấp, không nắng, không lạnh lắm, mưa bụi bay bay, cảnh vật thật buồn, buồn theo lòng người …..
Trời chập choạng, tôi về nhà O Út – em chồng tôi ăn cơm, rồi ghé thăm người chị chồng ở trong thành. Trở về khách sạn tôi ngủ mơ màng trong sự mệt mỏi vì qua một chặng đường dài, từ Pleiku đến Huế.

Sáng sớm hôm sau tôi đi thăm mộ, con đường xuống Nghĩa trang  chỉ có khoảng bảy cây số, nhưng vừa qua những trận lụt, nên đường rất khó đi và nhiều vũng nước lớn đọng ngay giữa đường. lội vào mộ khá xa, dấu vết của nước xói mòn, những độn cát trở thành nhấp nhô,  còn in hằn trên lối đi. Tôi ngồi rất lâu trong nhà bia mộ của con trai tôi, nó vừa mới mất mấy tháng vì căn bệnh hiểm nghèo, lòng tôi tê lặng, tôi suy nghĩ mãi về kiếp người, sống luôn bận rộn lo toan, khi đã nằm yên dưới lòng đất, còn biết gì nữa đâu, nếu có cõi vô hình, nếu có cõi âm, thì âm dương có giao cảm được không? hay chỉ là mơ, mơ trong sự huyền hoặc. Sư ra đi của con tôi để lại cho lòng tôi một nỗi đau đớn tột cùng, một sự mất mát vô bờ bến.
Trưa  tôi về nhà thờ chạp ( giỗ ), một chi của giòng họ  phía chồng, con cháu khá đông, nhìn những đứa cháu cùng cỡ tuổi con trai tôi vừa mới mất, chúng nói nói, cười cười vui vẻ, âm thanh rộn rã đã hắt vào trái tim tôi một nỗi buồn sâu thẳm
Chiều đó tôi lên Kim Long thăm người em gái, chiều về gặp các bạn văn ở cafe tầng một của khách sạn, lâu ngày gặp lại nhau mới thấy tình cảm thắm thiết, chan hoà
Tối  tôi đi dạo phố đêm, phố đêm mùa đông buồn ảm đạm, các hàng quán lưa thưa, người đi dạo quá ít, chỉ có ở chân cầu Trường Tiền là đông đúc, các cặp nam nữ thanh niên, vì nơi ấy bán thức ăn đêm rẻ và rất ngon. Tôi đứng bên lan can  bờ sông Hương , nhìn xuống dòng sông, một màu đen thẩm, hôm nay ngày thường nên cầu Trường Tiền không mở đèn,( chỉ mở vào ngày thứ bảy và chủ nhật)tôi nhìn qua bên kia sông, những ánh đèn chiếu xuống mặt sông chao lượn, gió đêm và hơi nước, làm tôi thấm lạnh, cái lạnh đã đánh thức chùm quá khứ ngày nào xa lắc trong tâm tư tôi. Ngày đó nơi bến sông này, tôi đã biết hẹn hò và đã biết yêu thương
Sáng hôm sau tôi ăn sáng ở tầng chín của khách sạn, buổi sáng rất sớm, tôi nhìn xuống thành phố Huế chim trong màn sương cuối đông đẹp đến nao lòng, tôi nhìn  hai ngôi trường màu hồng đỏ nằm gần nhau ( ngày xưa có nhiều nhà thơ đã gọi là trường anh, trường em), đang núp dưới bóng những cây phượng già, nhìn những lối đi quen thuộc trong trường, bổng kí ức tôi chợt xới lên những hình bóng thời cắp sách xa xưa, ơi! biết bao là kỉ niệm của tuổi học trò.
Tám giờ ông xã tôi đi tái khám đến gần mười hai giờ mới về, chúng tôi ăn trưa và đi lên thăm chùa Huyền Không sơn thượng. Chùa nằm sâu trong ven núi, cách xa thành phố Huế khoảng mười bốn cây số về phía tây, lần đầu tiên đi nhưng nhờ có khoảng cách đường rẽ, nhà chùa  cắm một cây cờ Phật giáo nên tìm đường rất dễ. Còn khoảng hơn ba trăm mét mới đến chùa, tôi dừng lại đứng thơ thẩn lắng nghe tiếng chim hót, suối reo, bên tay mặt tôi là khu rừng nguyên sinh, dây leo chằng chịt, bên trái có hai phiến đá  viết thư pháp, nết chữ như phượng múa, rồng bay. Một hồ nước nguyên sơ, được các con suối trong rừng chảy ra, như lúc nào cũng tràn đầy, hai bên đường lát đá chẻ có hai hàng dương liễu cành lá đang đong đưa, như tiếng thì thầm của gió, của nắng, hoà cùng tiếng nước chảy, tiếng chim ríu rít, tất cả là bản tình ca, là trời thơ ngọt ngào muôn thuở của thiên nhiên ban tặng cho con người, không gian im ắng đến mơ hồ
Chùa  nằm sát ven núi, cổng đơn giản, không có cửa tam quan, xung quanh trúc rất nhiều, các bụi trúc chụm lại thành từng cụm, rồi xoè ra ở phía ngọn, tạo thành tán lớn như chiếc dù, che mát khắp nơi, trước sân có tượng phật lớn đứng trên toà sen, được sơn nhủ vàng, nhưng vì nắng gió và thời gian đã bị phủ rêu loang lổ. quanh chùa nhiều cây kiểng và lan quí, còn có rất nhiều lan rừng, đang nở hoa, toả mùi hương tinh khiết nhẹ nhàng thoang thoảng đó đây, một con suối nhỏ đang chảy quanh chùa, tiếng reo róc rách rất lớn nghe thật quyến rũ và êm tai. Đẹp nhất là hồ Hàm nguyệt trì, với vô số hoa súng tím. lặng lẽ nổi trên mặt nước im lìm, một ngôi nhà cổ năm sát bờ. Tất cả thật nên thơ êm đềm đầy ảo mộng
Rời chùa, chúng tôi đi về biển Thuận An thăm một người bạn cũ, chiều ra ngắm biển,Thuận An hôm nay buồn vì biển động, các tàu làm cá đều nằm chơ vơ trên bờ chờ đợi ngày ra khơi, biển vắng vẻ, hàng quán đều đóng cửa, nhìn ra xa tôi thấy nước thật nhiều màu, những con sóng bạc đầu xô nhau trên cát, gối lên nhau, tôi nghĩ cách đây rất lâu tôi đã mơ về biển rất nhiều
Ngủ lại Thuận An, đêm buồn yên lặng. Tôi lắng nghe tiếng sóng ầm ào và tiếng thở của màn đêm
Sáng ra chúng tôi đi thăm Rú Chá, cách Thuận An ba cây số thuộc xã Hương Phong, hai bên đường là những đầm nuôi tôm cá và ruộng nước, từng đàn vịt trắng xoá bơi lội dưới nắng ban mai.
Khoảng hơn năm hec ta rừng ngập mặn, đó là loại cây chá tự mọc trên đất sình gần đầm phá Tam Giang, một con đường bê tông dẫn vào đền Thánh Mẫu, hai bên đường cây chá đan cành, thành một con đường vòng cung rất đẹp và lạ mắt, trong rừng vô số hang còng, nhưng đâu dám xuống bắt, sợ sình sẽ chôn mất mình, thật là thú vị
Rời rừng chá chúng tôi đến cầu Tam Giang, một cây cầu lớn và rộng nối Thuận An và đường ra Quảng Trị, bên kia cầu về phía bắc, một độn cát trắng trãi dài, từng cụm dương liễu xanh nổi bật giữa mây trời, đứng trên cầu tôi nhìn về dòng phá Tam Giang rộng, dài hun hút, tôi chợt nhớ đến câu thơ mà người đời thường nhắc để chứng minh chiều dài của phá
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Từ đó, chúng tôi trở về Đà Nẳng theo đường quốc lộ 49b, con đường quanh co, nhà cửa hai bên san sát như đường xóm. Đến xã An Bường, thuộc huyện Phú Vang, tôi nhìn không chớp mắt, những lăng mộ đồ sộ, nguy nga san sát bên nhau, nằm trong một khuôn viên rộng lớn, có lăng sơn nhũ vàng chói sáng, như một cung điện  thời xa xưa trong truyện cổ tích, tất cả là những lăng tẩm đền đài với hoạ tiết hoa văn tỉ mỉ như của vua chúa ngày xưa, thời phong kiến, đẹp rạng rỡ, huy hoàng, nơi đây được gọi là thành phố ma
Xe chạy thêm khoảng hai mươi cây số, đến một xóm chài, chúng tôi rẽ vào, quanh co trong xóm, nhà cửa đông đúc, lần ra phía sau núi, trước mắt tôi một ngôi chùa trên cao, phải lên mấy chục bực cấp,  qua cửa tam quan cũ kĩ rêu phong ẩm mốc, Đến một dãy nhà dài, bằng gỗ, tôi gặp chú tiểu, chú chỉ tôi lên phía trên, tôi leo nửa chừng,  đứng  nhìn xuống, con đường mới mưa xong ẩm ướt, đầy rêu, hai bên là những cây thông già cỗi, có ghi tuổi thọ của mỗi cây, lên hết hơn trăm bậc cấp có một ngôi chùa lớn, cũng rất cũ kĩ, đứng trên cao nhìn xuống thấy nước và đá lởm chớm dưới chân núi, toàn cảnh ở đây lặng lẽ, u tịch như một nơi hoang phế, trên đỉnh núi có tháp Điếu ngư, cửa bốn mặt nhìn rõ bốn phía, trời biển mênh mông, nhìn ra phá Tam giang rộng lớn, xa xa là Bạch mã sơn xanh thẳm giữa ngàn mây ….

Chúng tôi đến cửa Tư Hiền, một bãi biển vắng vẻ, chỉ có đá và sóng cùng cát trắng với núi xanh. Tôi hình dung nơi này cách xa nhiều thế kỉ, Huyền Trân công chúa trên đường qua Chiêm Thành, về làm vợ vua Chế Mân, đã dừng lại vái lạy từ giã quê hương trước khi về nhà chồng, hình bóng giai nhân và đoàn thuyền như đang thấp thoáng đâu đây….
Đến Đà Nẳng nghỉ ngơi, hôm sau chúng tôi đi chơi núi Thần Tài, cách Đà Nẳng hai mươi cây số, về phía tây, nơi đây được bàn tay của con người xây tạo thành một nơi du lịch nghỉ dưỡng, có nhà hàng, khách sạn, có xe đưa du khách chạy vòng quanh núi và tham quan những điểm đẹp để chụp hình,  thích thú nhất là hồ nước khoáng nóng thiên nhiên, nằm giữa lòng núi, chung quanh là bờ đá lởm chởm, cùng rải rác những cụm hoa dại đan xen, rất quyến rũ, nơi thu hút du khách nhiều nhất…

10 thoughts on “Cuộc Đời Là Những Chuyến Đi…

  1. TT.Hiếu Thảo

    Đây là một vài bút ký mang vẻ phóng sự của chị CTC, mà tôi thích nhất từ trước tới nay. Có rất nhiều sáng tạo, duy tư và mới mẻ, giàu kiến thức. Và có một điều thứ 2 nữa là Phải chăng tôi yêu Huế nhiều nhất mà trời không cho tôi đến thăm viếng.? (Chỉ thấy trong mơ, trong bài hát ) Nên truyện tích tôi hay đem nó vào , Xin tặng chị một đoạn mượn nhân vật để nói lên Tr :Nhật Ký một sinh viên” viết năm 2015 . (Trích đoạn nhỏ)
    – Giải trí của chú nghệ thuật quá nha!
    – Ai cũng có niềm vui, yêu thích riêng mà.
    – Hẳn là vậy chú hĩ.
    – Cháu là người trung phần?
    – Vâng cháu gốc Huế ngoại thành Huế. Nhưng cháu rành về nội thành Huế khá chi li. Vì ngày xưa ông bà nội đã từng ở đó.
    – Tôi người Nam gốc Tàu lai chợ lớn. Nhớ có ra đó một lần khi còn nhỏ. Phong cảnh Huế rất thơ mộng… Tôi còn thích hơn cả Đà Lạt!
    – Vậy à. Cám ơn chú nha.
    – Thiệt chứ.
    -… Đoạn sau An ăn cơm với chú Hùng xong. Một bữa cơm với thịt nai rừng chưng rất ngon của chú Hùng làm nhanh, có sẵn trong tủ lạnh để thếch đãi… Rồi bắt đầu thư giãn nghỉ ngơi, cá nhân. Chú lấy cây đàn guitar ra đánh và hát vài bản cho đỡ buồn. Còn An đi ra ngoài. Chiều như vào sâu, đêm xuống dần, gió nơi này như lạnh hơn. An ra ngoài đứng nhìn bầu trời với muôn vì sao lấp lánh, lòng An trong bao cảm giác xa xôi mờ hồ, nghe văng vẳng tiếng đàn chú Hùng chơi guitar vọng ra… Anh thêm ray rức nhớ quê hương. Anh ôm lấy cánh tay mình cho đỡ nhớ, anh nhớ ông bà cha mẹ, bà con ruột thịt chòm xóm… Nhớ dòng Hương Giang, nhớ chùa Từ Hiếu, nhớ cầu Tràng Tiền… Nhớ Bến Ngự cố đô… “
    Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”. Câu thơ của Đỗ Trung Quân. Vâng! Đúng thế. Câu thơ ý nghĩa đã cho chàng nhiều cảm giác hơn cả yêu thích…
    ** TRích NKMSV. 2015
    Chúc chị mãi chân cứng đá mềm làm dẻo thêm nhiều bài viết hay, cảm động chị nhé,

    Reply
  2. camtucau

    Cám ơn HT đã đọc và chia sẻ bài viết của chị Hôm nào về VN nếu thì giờ rộng rãi chị sẽ đưa HT đi Huế chơi và ngắm non nước mây trời của xứ sở mộng mơ Chúc an vui

    Reply
  3. Sơn Ca

    Cuộc Đời Là Những Chuyến Đi…để được ngắm non nước thanh bình thích quá hả chị …

    Reply
  4. Duy Phạm

    ” Cuộc đời luôn là những chuyến đi – về …mê mải. DP luôn ngưỡng mộ một văn phong giản dị mà đong đầy xúc cảm của chị. Chúc chị luôn an mạnh.

    Reply
  5. Minh Nguyên

    Chúng tôi đến cửa Tư Hiền, một bãi biển vắng vẻ, chỉ có đá và sóng cùng cát trắng với núi xanh. Tôi hình dung nơi này cách xa nhiều thế kỉ, Huyền Trân công chúa trên đường qua Chiêm Thành, về làm vợ vua Chế Mân, đã dừng lại vái lạy từ giã quê hương trước khi về nhà chồng, hình bóng giai nhân và đoàn thuyền như đang thấp thoáng đâu đây….CTC
    Bạch Mã đây mây vờn lưng chừng núi
    Cửa Tư Hiền thông lối phá Cầu Hai
    Biển Đông bồng bao đảo chìm đảo nổi
    Huyền Trân cười nhẹ bước cõi thiên thai
    “Cuộc đời là những chuyến đi…” tràn đầy xúc cảm.
    Chúc chị luôn vui khỏe, bình an và hạnh phúc.

    Reply
  6. Võ Như Vũ

    Vũ có đi ngang qua Phá Tam Giang, nhưng chỉ được nhìn qua cữa sổ của xe đò. Huế-Đà Nẵng chắc có nhiều thay đổi qua những thế kỷ. Chợ Đông Ba,Trường Đồng Khánh, Đại học Sư Phạm, Cầu Trường Tiền, … nghe tiếng đã từ lâu, dù lần đầu được bước chân đến, nhưng cũng chỉ hấp tấp chụp được vài tấm hình rồi tặc lưỡi: Nối tiếng cũng phải lắm!
    Nay mới biết chị Cẩm Tú Cầu đưa cháu về an nghỉ Kinh Đô xưa. Nỗi nhớ không bao giờ nguôi, nhất là mỗi lần thăm mộ. Mong cháu an nghỉ và anh chị luôn vui để được khỏe!
    Qua bài viết của chị, Cầu Trường Tiền qua bao nhiêu năm vẫn không thay đổi. Cầu Trường Tình này sẽ lâu dài là chiếc cầu của tình yêu vì hôm nay dù là: “phố đêm mùa đông buồn ảm đạm, các hàng quán lưa thưa, người đi dạo quá ít” nhưng “chỉ có ở chân cầu Trường Tiền là đông đúc, các cặp nam nữ thanh niên”.
    Chẳng khác gì:
    “Ngày đó nơi bến sông này, tôi đã biết hẹn hò và đã biết yêu thương”
    Cảm ơn chị Cẩm Tú Cầu, bài viết hay, bài học địa lý ý nghĩa!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.