Theo Sư Vào Chợ Tìm Phật Giữa Đời

Tác giả: Trần Kiêm Đoàn

Thiền viện Diệu Nhân nằm trên đồi Duncan Hill thành phố Rescue.

Tác giả Uyên Nguyên có đôi nét giới thiệu về Diệu Nhân:

“Thiền viện Diệu Nhân có mặt ở miền Bắc tiểu bang California – Hoa Kỳ từ tháng bảy năm 2002.  Đây là một ngôi thiền viện nhỏ nằm trên một vùng đất cao với nhiều đồi thông và cây rừng, cách thủ phủ Sacramento khoảng 45 phút lái xe.

Mảnh đất rộng gần 11 mẫu Tây là món quà dâng cúng của sáu chị em “Lục Hòa”.  Hòa thượng Thích Thanh Từ đã chứng minh và chủ trì đặt viên đá xây dựng thiền viện Diệu Nhân, đồng thời chỉ thị cho thành lập Hội Thiền Học Diệu Nhân (Dieu Nhan Buddhist Meditation Association). Diệu Nhân thuộc phái Thiền Tông Việt Nam, đặt dưới sự chỉ đạo của thiền viện Viên Chiếu ở miền Nam Việt Nam.”

Mười lăm năm, có những dịp đến viếng chùa và lễ Phật với Diệu Nhân, chúng tôi vẫn quen sinh hoạt theo nếp truyền thống chùa viện. Nhưng lần này được Ni sư Thuần Bạch thông báo ngày thứ Bảy tới sẽ có một “shopping meditation” – hành thiền giữa chợ – tại khu thương mãi Galleria, Roseville. Đây là một trung tâm mua bán đồ sộ, kể cả bên cạnh có resort đánh bạc khét tiếng Bắc Cali là Thunder Valley nữa!

Ở tại một địa bàn phồn tạp như thế này, hành giả thiền sinh sẽ có dịp nếm trải qua hiện trường thực hành cái tĩnh trong động. Đề tài cho buổi họp mặt thực hành lần nầy là TU TẬP THIỀN LẮNG NGHE. Phải chăng đi tìm Tánh Biết, Tánh Nghe, Tánh Thấy giữa chợ là đãi cát tìm vàng; lọc nước đã ô nhiễm, cáu bẩn cho ra lại thể tánh trong ngần nguyên thủy của nó. Hành giả cần tập trung một tâm thái an định, rỗng lặng ngay giữa phố chợ; thực hành nhiếp tâm chánh niệm trong cuộc sống phồn tạp, bon chen của đời thường.

Hôm nay, sư trưởng thiền hành “thỏng tay vào chợ” là Ni sư Thích Nữ Thuần Bạch, người có bề dày tri thức và công hạnh tu trì được biểu hiện cụ thể trong sinh hoạt Thiền Tông Việt Nam từ mấy thập niên qua cho đến thời hiện đại. Trước khi xuất gia, Ni sư Thuần Bạch là một người làm công tác khoa học. Những năm qua, Ni sư là một vị trụ trì mẫu mực, một giáo thọ vững vàng và cũng là một nhà Phật học với nhiều công trình nghiên cứu, thuyết pháp, trước tác chuyên biệt về Phật giáo đã được phát hành, xuất bản trong quá trình hoằng hóa đạo Phật theo trường phái Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử.

Ni sư Thuần Bạch (thứ nhì từ phải)

Giới thiệu về thầy thì cũng cần điểm xuyết đôi nét về trò. 

Đã 9:35 am mà tôi vẫn còn đi tới đi lui ở nhà; trong lúc giờ hẹn “vào thiền” là 10:00 am. Tôi đợi đồng hành với Như Hòa nhưng các hữu ấy vẫn chưa có mặt. Đường đi tính từ đây lên đó không dưới nửa giờ lái xe. Cầm chắc cái trễ trong tay nhưng tôi tự mỉm cười trong bụng khi nghĩ rằng, tâm thái rỗng lặng là thiền. Khi dọn sẵn tâm thiền thì ngay một hạt bụi hiện tiền cũng là thiền hay chẳng có thiền ở đâu cả…

Như Hòa gọi, báo: “Em đang bị kẹt xe, nên về trễ chút đỉnh nha”. Tôi nói — hình như giọng rất thản nhiên chứ không một mảy may mè nheo dễ ghét như mọi lần nghe báo trễ — “Cứ từ từ mà lái, đừng vội, nguy hiểm”.  Rồi cũng tới lúc Như Hòa nhảy chân sáo vào cửa với nụ cười, khen tặng: “Giỏi! Răng bữa ni anh ‘thiền’ dữ rứa… Hì, hì?!”

Có lẽ tôi cũng thấy hình như hôm nay mình “thiền” thật. Thiền trong hoàn cảnh này là ‘hiền’, dễ tính, không phàn nàn, gắt gỏng.

Khác với các cuộc hẹn gặp, vui chơi đời thường khác, tôi lên xe ngồi im một lát cho an tâm trước đã, rồi lái xe đi không vội vàng, dù đã trễ. Điện thoại lại reo, bác Tâm Phương ở Antelope xin quá giang vì cháu của bác đi thể thao chưa về kịp. Xe lại tiếp tục lăn bánh trên xa lộ 80. Sự bồn chồn lo trễ giờ lắng xuống khi hai thiền sinh “thiền đàm” ở băng sau.

Bác Tâm Phương lên tiếng: “Này, anh chị, có phải các vị tôn đức dạy rằng, bất cứ cái gì có mang hình tướng thì thảy đều là hư dối, là vọng tưởng cả phải không?!”

Như Hòa biểu đồng tình rồi thắc mắc: “Đúng đó, sư ông dạy ‘biết vọng không theo’. Như vậy, chiếc xe Nissan này có hình tướng là chiếc xe hơi nên đích thị là đồ hư dối. Biết vọng không theo… Chừ không lẽ chúng ta bỏ xe đi bộ à?”

Niềm vui như chén trà mai làm tươi mát mọi người. Tuy ai cũng hiểu rằng, tiếng Việt gọi là “không” cho cả 3 từ “không, bất, vô” trong chữ Hán nhưng khi nói về không tướng, vô tướng và bất tướng thì lại hoàn toàn khác biệt. Chiếc xe tự nó không có tướng gì cả vì trước khi vào hãng chế tạo xe hơi nó là một mớ sắt thép và hằng vạn thứ linh tinh, rồi do vô số điều kiện cộng với sức người, sức máy kết hợp lại gọi là “duyên hợp” mà thành ra chiếc xe. Nếu chốc nữa bị tai nạn hay tương lai theo thời gian mà hư hoại thì chiếc xe lại trở về thành đống sắt thép vụn và đồ vật linh tinh vô danh, vô tướng như ngày xưa tiền thân của nó. Cái tướng “không” của nó sẽ trở lại thành không… Xe là một phương tiện tạm thời. Nếu không dùng nó hay buông bỏ nó đúng thời, đúng lúc thì tuy có xe, có phương tiện mà chẳng đi tới đâu được cả. Không khéo lại bị mắc kẹt vào ngõ cụt là xe đi ta; chứ không phải ta đi xe; người thành phương tiện của xe chứ không phải xe là phương tiện của người nữa rồi. Tôi diễn đạt ý đó thành những tiếng cười đùa nhẹ nhàng và thoải mái cho đến khi xe rẽ vào exit 65 tới điểm hẹn trong khu Westfield.

Vì tới trễ nên các đạo hữu thiền sinh đã phân tán theo sự hướng dẫn của thiền sư hành thiền Tánh Nghe khắp trong khu thương mại. Nơi đây là cả một rừng tiếng động và âm thanh. Tiếng động nơi đây có khi là sự lặng im khởi lên từ lửa cháy, tiếng gầm dã thú, mèo chuột đuổi nhau nhưng chỉ qua dáng điệu và hình ảnh của các mặt hàng điện tử mà không thật sự phát ra một mảy may tiếng động. Âm thanh nơi đây có khi là sự vắng bóng của nguồn gốc phát động, nhưng sóng thanh âm lại phát tán tưng bừng thông qua hệ thống loa khắp nơi trong cả thương trường rộng lớn.

Chúng tôi cùng tới điểm hội vừa lúc các thiền sinh khác cùng trở về từ cuộc “hành trình bỏ túi” đi tìm tánh nghe trong một vài mươi phút. Các tham dự viên tuổi từ 15 đến 90, cả Việt lẫn Mỹ. Mỗi người đều tuần tự theo chiều kim đồng hồ mà phát biểu (tiếng Việt hay tiếng Anh tùy thích) về những giây phút trải nghiệm của chính mình “tìm tịnh trong động” dưới sự chủ trì pháp đàm của Ni sư Thuần Bạch. Thực tế rất thú vị là không ai giống ai trong tiến trình cảm nhận âm thanh chung quanh khu Shopping Mall này. Mỗi người như như tùy vào tuổi tác, kinh nghiệm, cảm nhận của riêng mình mà thẩm nhập âm thanh từ bên ngoài dội đến tai mình. Nhưng phần khó nhất là để cho âm thanh đi qua mà thản nhiên không có một phản ứng nào dấy lên. Ai cũng hình dung qua tưởng tượng là có một âm thanh tự tại, nhất thể, tuyệt cùng vắng lặng. Nhưng chỉ rơi vào một chút tưởng tượng không thôi thì cái âm thanh “uyên nguyên” đó đã chao động rơi vào cảm xúc. Sáng nay, có nhiều âm thanh đi qua, đi qua… Tôi dừng lại nghe một tí và để cho nó lọt qua. Nhưng bỗng đâu đó, có tiếng hát của John Elton với bài Ngọn Đèn Trước Gió (Candle in the Wind) trong đám tang của công chúa Diana làm tôi lạnh người. Tôi cố đuổi cái âm thanh lắng đọng mà ma quái đó, nhưng nó cứ bám riết lấy mình. Rồi không dừng được thói quen tự nhiên, tôi miên man nghĩ đến Thúy Kiều, đến những nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc, đến Diana hồng nhan bạc phận… Đúng là cái nghiệp văn chương đã huân tập nguồn cảm xúc cột lấy mình. Trên đường trở về hòa nhập với sự vắng lặng của Tánh Nghe, Tánh Biết, Tánh Thấy mỗi người đều phải vượt qua cái truông nghiệp lực của mình. Tu là cuộc chiến đấu một mất một còn để giải nghiệp: Nghiệp nặng, nghiệp nhẹ; nghiệp dữ, nghiệp lành; nghiệp chướng, nghiệp thuận; nghiệp báo, nghiệp duyên… là những món nợ tiền thân không ai tránh khỏi trong vòng quay vay trả, trả vay trải qua từng chớp mắt và quay tít không bao giờ ngừng nghỉ. Đến chùa là tìm về những nguồn năng lượng lành của những tâm hồn hướng thiện và hòa đồng chia sẻ để giúp làm loãng dần những dính mắc và lơi dần những cột buộc trong chính mỗi người từ cuộc sống nhiều bổn phận ở nhà và đầy bon chen ngoài xã hội.

Từ đó, qua những phần quan sát, chia sẻ và chiêm nghiệm về Tánh Nghe, Tánh Biết… tạo ra những cơ hội tập sống tỉnh táo với những gì hiện tiền đang trôi qua mà không băn khoăn tính sổ sau lưng và đuổi theo kiếm tìm trước mắt.

Con đường nhất tâm nằm sâu trong tôi mà muốn tìm đến nó phải qua muôn vàn sóng gió. Thể tánh – tánh thật – như mặt trăng dưới đáy giếng. Thấy dễ và có khi ở trong tầm tay nhưng cách xa nghìn trùng không với tới. Vua Trần Thái Tông đã nói trong Kệ Tứ Sơn:

Suốt đời làm khách phong trần

Mỗi ngày một bước xa dần quê hương

(Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

Nhật viễn gia hương vạn lý trình)

 

Hôm nay, theo Thầy vào chợ để tìm Phật giữa đời thường ở ngay trong chính mỗi người là tâm nguyện của những thiền sinh đang thực hành “Shopping Meditation”. Chúng tôi đang theo bước chân thiền với ước nguyện mỗi ngày mỗi được về gần với quê hương Phật – mặc dầu quê hương đích thực đó đang nằm ở góc khuất trong tôi – gần trong nháy mắt lưu ly mà cũng xa cả thiên hà đại hải.

Thảo luận “Shopping Meditation” tại Roseville Galleria

Từ khi Big Bang xảy ra để tạo thành thiên hà vũ trụ đến nay đã 13.8 tỷ năm; trong khi dấu vết lịch sử của nhân loại mới 30.000 năm và nền văn minh tôn giáo chỉ có 6.000 năm, nhưng tri thức về đời sống tâm linh vẫn còn lung linh những váng sương mù trong viễn tưởng. Bởi vậy, những vấn đề liên quan đến tôn giáo không nên khiên cưỡng vào nội vi của khoa học và nguyên tắc toán học máy móc làm gì. Tôn giáo là nguồn tâm trong lặng. “Hành quân tôn giáo” là cuộc chiến đấu gai góc với chính mình chứ đừng mơ tưởng đâu xa.

Trong thế giới dày đặc thần quyền của tôn giáo, đức Phật Thích Ca đã rất khiêm cung mà vô cùng vĩ đại khi Ngài tìm đến Tánh Không: Thấy rõ Tướng Giả để chuyển hóa thành Tướng Dụng và điểm đích cuối cùng nhằm đạt tới Tướng Thật. Mắt tai mũi lưỡi thân ý là tướng giả. Thấy nghe ngửi nếm cảm nghĩ là tướng dụng. Và rỗng lặng là tướng thật. Dẫu có xuất hiện dưới nhiều tên gọi khác nhau như bản lai diện mục, thể tánh tuyệt đối, bản thể tự tánh, Như lai tạng… hay là gì gì đi nữa thì cũng chỉ là cái bóng của một ảo ảnh. Thấy bóng biết bóng để đừng bắt bóng là đang trở về với tánh thật.

Cái bóng trăng dưới đáy giếng ơi!

Múc cạn tìm trăng, trăng biến mất,

Vùng vẫy ruỗi tìm chỉ thấy ánh trăng tan.

Ôm miệng giếng thì bóng người che khuất,

Thinh lặng ngồi yên sẽ thấy bóng trăng vàng.

Natomas, mùa Xuân 2017

                                     Trần Kiêm Đoàn

 

1 thought on “Theo Sư Vào Chợ Tìm Phật Giữa Đời

  1. Quốc Tuyên.

    Bài viết rất hay, cám ơn nhà văn Trần Kiêm Đoàn, rất ngưỡng mộ ni sư Thuần Bạch.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.