Huế Trước Mặt – Lối Dạo Ven Sông Hương

Tác giả: Trần Kiêm Đoàn

Mới đó mà một năm sắp hết.

Sắp hết là đang về

Về già xa trẻ.

Với người Mỹ bản xứ, sau mùa Thanksgiving (lễ Tạ Ân) — cuối tháng 11 âm lịch — là không khí “Tết” vui nhộn nhất trong năm bắt đầu với sự chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Không khí rộn ràng chuẩn bị Tết Nguyên Đán của ta tương đương với dịp Giáng Sinh của Âu Mỹ.

Cũng đã nhiều năm rồi, cứ mỗi lần đến thời điểm này tôi lại phải dọn mình sẵn sàng để viết báo Xuân như người nông dân chuẩn bị vụ mùa cần mạ non và đất mới. Người nông dân vỡ đất nhìn về tương lai của những vụ mùa sắp tới, sao tôi viết lời, gõ chữ cứ loay hoay hoài về quá khứ không nguôi: nhớ ngày qua, nói chuyện cũ, thương ngày xưa, viết về hoài niệm để gọi hồn ký ức…!

Da diết nhất là mỗi lần viết về Huế. Sống như mơ lửng thửng một phương trời.

Sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh

Con nhà Huế khắp nẻo tha phương cũng tình cảm… mít ướt chẳng hơn gì tôi mấy. Đã từng có ý kiến nửa đùa nửa thật rằng: ở đâu có ba người Huế là ở đó có hội Huế, năm người là có hội Quốc Học – Đồng Khánh và chục người là có hội Đồng Hương; rồi cho đó là một cách thể hiện thái quá cảm tính “ta về ta tắm ao ta”. Nhưng tôi lại thấy rằng đó là một cách biểu hiện hồn nhiên và trong sáng tâm tình gắn bó vời quê hương.

Cũng như như những người… rất Huế khác, tôi yêu dáng đan thanh của Huế, thương nét vàng phai của Huế. Nhưng nếu cứ mãi quay về với những gì đã qua thì sẽ đến lúc “loanh quanh cho đời mỏi mệt” theo quá khứ phai trầm của Huế mà lòng ướt sũng những cơn mưa dầm mang cái âm điệu ru hời như nước mắt.

Năm nay, tôi sẽ không quay lui mà nhìn Huế nữa. Phải nhìn Huế trước mặt như ngày xưa người từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong nhìn châu Ô, châu Rí mà mơ tới một Hoàng Thành.

Gần cuối năm nay, có công chuyện riêng nhưng cũng để tạo ra nguồn cảm hứng mới giữa mùa Đông phai cũ, tôi rời Cali đi Texas vào một ngày cuối tháng mười một đến San Antonio. Đây là một thành phố cực Nam lớn thứ ba của Texas, chỉ sau Houston và Dallas, nơi vang bóng một thời hình ảnh quấn “jean” và nón da vành rộng của “cao bồi Texas”. Tôi về đây trong những ngày trời lạnh tím và mưa dầm như Huế.

Chiều cuối tuần đầu tiên trong chuyến về San Antonio, một người bạn dẫn đi chơi nói như một lời nhắn gởi rằng: “Nếu ông có viết chi về Huế thì đừng than thở nữa. Uốn éo mềm nhũn như bánh canh để nhớ nhớ, thương thương hoài dĩ vãng nghe mãi phát rầu. Chi bằng ông đi theo tui tới thăm River Walk mà tui thường dịch rất bụi là ‘Lối Tản Bộ Ven Sông’ của San Antonio để coi ông có đồng ý với tui không là ước chi mình khiêng được những nét văn minh, văn hóa này về xây dựng cho sông Hương. Ui cha! Cứ tưởng tượng một ‘HUONG-RIVER-WALK’ của Huế mình cho thế hệ con cháu tương lai làm mình xúc động miên man quá chừng đi ông ạ”.

River Walk San Antonio. 12 – 2016

“Ừ! Thì cứ đi coi thử ra răng…”

Tôi trả lời theo kiểu “mần đày” của Huế như vậy có nghĩa là bằng mặt chứ chưa hẳn đã bằng lòng vì còn nửa tin nửa ngờ.

River Walk của San Antonio là một khung cảnh dạo chơi ven sông đẹp nhất trong 10 River Walk hàng đầu được liệt kê trong cẩm nang du lịch toàn quốc Hoa Kỳ.

Cũng bắt nguồn từ một dòng sông nguyên thủy chạy xuyên qua thành phố — hay nói cho công bằng hơn là thành phố lập nên nhờ con sông — như sông Hương, dòng sông San Antonio được truyền thống địa phương xem là một con sông thiêng liêng. Nó cũng được tin là có mùi thơm thánh thiện và biểu tượng hóa thân của thánh Saint Anthony; tương tự như sông Hương có mùi thơm cây thạch xương bồ và linh cảm đầy huyền thoại của bà tiên Thiên Mụ.

Lối Đi Ven Sông nơi đây là một công trình vừa dè dặt tích lũy, vừa cấp tiến sáng tạo và bứt phá về kỹ thuật, mỹ thuật, văn hóa được xây dựng mỗi ngày, mỗi thời kỳ phát triển trải qua hàng trăm năm. Từ những quán ăn uống, các tụ điểm vui chơi, nhiều nhà trưng bày sản phẩm mỹ thuật, nhóm đi bộ, chèo thuyền đầy màu sắc cho đến các nghệ sĩ âm nhạc, hội họa độc diễn bên lề đường, hai bên bờ sông đều toát ra vẻ cảm tình thân ái, đón chào. Họ  có dáng vẻ tươi mát, thư nhàn, chiêu cảm của người chưa quen nhưng hiếu khách như sẵn lòng nhẩn nha cùng bạn đi bộ bên bờ sông.

Con đường dạo ven sông của San Antonio River Walk chỉ mất chừng một giờ để đủ giáp vòng vừa đi vừa ngắm nhìn, thưởng thức. Nhưng sự thu hút của nó thật là phong phú. Về mặt lợi nhuận kinh tế du lịch thì lại càng đáng nói hơn: Trung bình hằng năm có khoảng 12 triệu người đến viếng. Mức độ kinh doanh mỗi năm tới 3.5 tỷ đô la. Tạo công ăn việc làm cho khoảng 23 ngàn người phục vụ về mọi mặt sinh hoạt, từ kỹ nghệ khách sạn đến nhiều dịch vụ biểu diễn, vui chơi. Đây thật là một công trình nghệ thuật giữa thiên nhiên xinh đẹp kết hợp với bàn tay cùng tâm hồn và trí tuệ muôn màu muôn vẻ của con người.

Nhìn River Walk San Antonio mà liên tưởng tới Huế. Sông Hương là một quần thế cảnh trí thiên chưa bị lạm dụng bởi kỹ nghệ và máy móc khai thácđầy tham vọng của thời đại. để tạo dựng một hay nhiều công trình “River Walk” ngang tầm hay vượt trội những Lối Dạo Ven Sông hàng đầu thế giới.

Dòng sông Hương và cảnh trí ven sông từ Đồi Vọng Cảnh kéo dài tới Cồn Hến, Bãi Dâu, Vỹ Dạ là cả một khung cảnh kỳ tú cho những công trình du lịch ven sông.

Dưới chân cầu River Walk San Antonio – 2016

Anh bạn đưa tôi lui tới River Walk San Antonio trong nhiều thời điểm khác nhau. Nơi đây, quê người, sáng  uống ly cà phê Starbucks hay chiều nhâm nhi cốc rượu nho đỏ Napa Valley để cùng nhau tưởng tượng một cuộc trà thơ Huế ở đồi Vọng Cảnh rồi xuôi đò về miệt Cồn Hến nhấm ly rượu vang Đà Lạt. Chúng tôi cùng một hướng suy nghĩ rằng: nguồn “kinh tế mềm” đang được toàn cầu khai thác triệt để là du lịch. Du lịch phải đặt vào tầm quốc kế dân sinh ở Huế mới xứng hợp với khung cảnh địa lý thiên nhiên và dấu tích lịch sử của Huế.

Chúng tôi không hẹn mà gặp, cả hai anh em cùng cảm thấy xót xa  khi nhắc đến “Lối nhậu ven sông Trịnh Công Sơn”. Đó là con đường dọc bờ sông Hương từ cầu Gia Hội chạy về ngã Bãi Dâu mang tên người nhạc sĩ tài hoa xuất thân từ Huế. Con đường ven sông Trịnh Công Sơn chẳng những chả có một chút dáng dấp gì nghệ sĩ mà chỉ toàn những quán nhậu nhếch nhác đến chạnh lòng: “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau” – Huế ơi!

Du lịch và tổ chức du lịch vừa là một nhu cầu mà cũng vừa là một kỹ-nghệ-thuật cao cấp thời nay. Du khách bốn phương cần được viếng thăm phong cảnh thiên nhiên kỳ tú và lịch sử vang bóng của một vùng đất nước; nhưng họ cũng cần có được cơ hội tiếp cận với những công trình tuyệt tác của những tài năng hay để vinh danh tài hoa lỗi lạc của con người. Như hầu hết du khách có ưu tiên hàng đầu khi đến Ý là được xem những công trình điêu khắc của thiên tài Michangelo; đến  Pháp là tháp Eiffel; đến Mỹ là Golden Gate Bridge và tượng Nữ Thần Tự Do…

Nhưng bên cạnh thế giới quá khứ, một vùng đất sống sinh động phải cần đến hiện tại và tương lai.

Huế đã có một thuở huy hoàng dưới vương triều nhà Nguyễn nên đã bị phủ mờ sau lớp rêu phong của nội thành, đền đài và lăng tẩm. Dẫu cho một thời huy hoàng như La Mã, Chiêm Thành thì quá khứ vẫn là quá khứ. Các trọng điểm du lịch trên toàn thế giới đều cần một dòng sống sinh động vươn mình trôi chảy.

Thiên nhiên Huế và sông Hương đều có chung những nét đẹp mơ phai. Nhưng cũng cần những nét đẹp nhân tạo và nghệ thuật do con người khai phá.

Dòng đời đang trôi chảy trên dòng sông, bến cũ.

Yêu đất nước và con người không có nghĩa dừng lại để thương tiếc hoài dĩ vãng mà cần đến những chân trời khai phóng cho một tương lai.

San Antonio, mủa Giáng Sinh 2016

Trần Kiêm Đoàn

Leave a Reply

Your email address will not be published.