New York Cuối Thu

Tác giả: Trần Ngọc Phương

New York cuối thu trời khá lạnh. Giày bốt, áo khoác da, găng tay, mũ len trùm tai mà vẫn không chịu được một cơn gió thoảng thốc qua, trong cái rét lạnh căm tôi vừa đi vừa run nhẹ, hi vọng chừng mươi mười lăm phút đi bộ là bản thân có thể tự sưởi ấm lên được. Tôi có thú là ra đường đi rong chơi trên phố, mỗi khi đến New York. Chỉ có sáng sớm mới thấy cái nhộn nhịp của đô thị, thấy sức sống sinh động của thành phố sầm uất. Tôi dạo qua nhiều khu phố, len lỏi trong dòng người, vừa đi vừa ngắm nhìn cảnh vật chung quanh. Cho đến khi nào đôi chân cảm thấy cần tạm nghỉ giây lát thì tìm một bản hiệu café hay coffee dừng lại để chúng thư giãn. Thật ra quán café hay quán coffee ở New York đều bán cà phê cả, nhưng quán café có bán đồ ăn sáng mặn như sà lách cá hồi, hay cá tuna. Còn quán coffee thì chuyên trị cà phê và bánh ngọt như bông lan, cookies, chúng thường thì nhỏ và địa điểm không thuận lợi (trừ Starbucks coffee), bù lại cà phê độc đáo hơn, nó giống những quán cà phê cốc ở Việt Nam.

Trời lạnh, ngồi trong quán, nhấm nháp cốc cà phê đen nóng, nhìn qua cửa kính, thưởng thức cảnh người qua lại buổi sáng sớm là một trải nghiệm tuyệt vời. Tất cả những quán café hay coffee shop đều có nhạc nhè nhẹ nhưng mọi khách hửng hờ chẳng màng, vì hầu hết họ dùng earphone hay headphone chụp tai nghe nhạc của riêng mình. Tôi dân nghiện nhạc nên ra đường là lúc nào cũng headphone chụp tai, chẳng khác dân New York chính hiệu ngoài đường phố. Ngoài đường người lại dập dìu như trẩy hội, thanh niên nam nữ lịch sự trong bộ vét với cà vạt, giày kiểu bóng lộn, hay quần bó, áo khoác, sải bước nhanh trên đường. Họ có thể là nhân viên phục vụ, nhà kinh doanh, viên chức công sở, vội vã đến nơi làm việc, để bắt đầu cho một ngày mới. Cũng có thể họ vội vã về nhà sau một đêm dài làm việc trong một cửa hàng nào đó, vì ở trung tâm Mahattan thì sinh hoạt cuộc sống liên tục chẳng phân biệt ngày đêm. Nhưng nói chung họ là người New York hoặc nơi vùng ven, còn du khách có lẽ đang trong chăn êm nệm ấm. Người New York có tâm lý ngầm tự hào về thành phố của họ. Một buổi học trong lớp ở Richland College, TX, tôi từng nghe bà cô giáo không hài lòng về cách phát âm của dân bản địa mà yêu cầu phát âm theo giọng New York chuẩn của bà, bà giáo già kể những nơi bà thường lui tới sinh hoạt ở đó, thời còn trẻ. Và bây giờ tôi lại có dịp đến những nơi mà bà thường nhắc đến, đường phố, công viên, rạp hát.

Mùa thu dân New York thích ra ngoài xem hoà nhạc ca kịch, ở mức độ thưởng ngoạn cao, sân khấu Broadway, trung tâm hoà nhạc Mahattan Symphonie, New York Phiharmonic, Carnegie Hall thường là một lựa chọn cho cả nhóm bạn bè hay gia đình. Hôm xem buổi trình diễn piano của danh cầm thủ Behzod Abduraimov, tôi chút ngỡ ngàng về cảnh trí phòng hoà nhạc trong đại sảnh Carnegie Hall. Hoành tráng vô cùng với năm tầng khán giả, từ tầng thứ năm chót vót trên cùng nhìn xuống sân khấu, giống như nhìn xuống giếng sâu, cứ như là trên nhà lầu năm từng nhìn xuống đường. Phòng hoà nhạc trông hiện đại này đâu phải mới xây dựng? mà tính đến nay người New York đã lui tới đây chẵn 125 năm rồi. Nhưng điều ngạc nhiên với tôi là hai ngàn tám con người mà không phát ra một tiếng động, không một chút ánh sáng màn hình hay tiếng reo của cellphone. Mọi người ngồi lặng yên như đang  trong thánh đường… âm nhạc. Nghệ sĩ Behzod chơi tác phẩm của Bach, rồi kế tiếp Chubert, Beethoven, cả khán phòng tràn đầy âm thanh tiếng đàn. Tôi ngồi nghe bình thản, những âm thanh ấy chỉ kích nhẹ cảm giác của tôi. Tôi không lạ gì với những tác phẩm piano cổ điển, và cũng không lạ với các phím dương cầm. Nhưng khi nghệ sĩ chơi qua phần nhạc của Sergei Prokofiev. Bản Sonata No.6 . Một sự bùng phát trong lối chơi. Tôi thấy âm thanh như tuôn trào ra từ mười đầu ngón tay của nghệ sĩ, đôi bàn tay chạy qua lại lui tới trên phím dương cầm như sóng bể dập dìu, cánh tay nghệ sĩ di chuyển đu đưa như giải lụa mềm uốn éo. Âm thanh gầm lên như gió táp mưa sa. Đúng là “Một cung gió thảm mưa sầu”. Chấm dứt bài khán giả đứng lên vỗ tay như pháo nổ, nghệ sĩ đi vào, khán giả vẫn đứng yên vỗ tay, nghệ sĩ bước ra cuối mình cảm tạ, khán giả vẫn đứng yên vỗ tay như muốn bộc lộ sự phấn khích cũng như sự tán thưởng, cứ như thế nghệ sĩ phải ra cảm tạ đến bốn lần, như muốn kết thúc sự tán thưởng nghệ sĩ Behzod đứng yên tỏ ý muốn biểu diễn bài kế tiếp, tiếng vỗ tay mới ngừng lại.

Hôm qua thăm vợ chồng người bạn ở New Jersey, nằm bên kia bờ sông Hudson, người ta thường gọi vui là vùng ngoại ô của New York. Câu chuyện lan man cuối cùng nói đến các show diễn ở New York. Như đúng mối, cô vợ hết lời khen ngợi các chương trình ca kịch của sân khấu Broadway. Cô hỏi chúng tôi xem vở này chưa, xem vở nọ chưa. Tôi kể mình vừa xem vở ca nhạc kịch Wicked. Thật không có từ gì để diễn tả ngoài từ: hấp dẫn, lôi cuốn, và độc đáo. Tôi thích thú lối diễn xuất giống như xuất thần của nghệ sĩ Kara Lindsay cô đóng vai Glinda cô gái tốt bụng đỏng đảnh xảnh xẹ đầy nữ tính  mà tôi chưa thấy nghệ sĩ kịch nói nào ở Việt Nam diễn đáng yêu như thế cả. Nữ diễn viên điện ảnh Jennifer Lawrence có nét diễn xuất tự nhiên đáng yêu như thế, nhưng Jennifer thì diễn chứ không biết hát.  Gần đây nhất, vào tháng hè rồi, chúng tôi có đi xem vở một chính kịch với Quang Minh, Hồng Đào, Nguyên Khang, Diễm Liên, giá vé vừa túi tiền bà con người Việt, nên cũng đông người đi xem, buổi diễn khá thành công, nhiều khán giả sụt sịt khóc theo tình tiết câu chuyện. Khi ra về chúng tôi đến chúc mừng chị Nguyễn Thị Minh Ngọc tác giả và đạo diễn của kịch bản có mặt ngày hôm ấy. Vở kịch nào làm khán giả thích thú, gây cảm xúc và có ấn tượng thì đều là kịch hay cả. Nhưng nếu có thể so sánh chính kịch và ca nhạc kịch, tôi cho rằng chính kịch giống như xem bộ phim thông thường. Còn xem vở ca nhạc kịch ở Broadway thì giống như xem bộ phim 3 D. Hay cũng có thể ví von như sự khác biệt  giữa âm thanh stereo và âm thanh surround sound 5.1 vậy. Sân khấu Việt Nam khó có thể dựng được vở kịch như thế. Bởi quá chuyên môn, đầu tư qúa tốn kém. Vở Wicked  đã kéo dài mười ba năm mà bây giờ vẫn còn ăn khách, đủ biết vở nhạc kịch đó hấp dẫn biết chừng nào. Ca nhạc kịch ở các quốc gia phương Tây nào cũng có. Nhưng chỉ có sân khấu Broadway mới đạt được đỉnh cao của nó. Giống như phim ảnh thì phải nói tới Hollywood. Anh bạn tôi tầm ngầm ngồi lắng nghe bây giờ mới phán một câu: Tới New York mà chưa đi xem Broadway thì coi như chưa đến New York. Tôi nghĩ, anh nói thật là chí lí.

Mùa thu, người ta thường nhắc đến Paris với cảnh ven bờ sông Seine. Nhưng New York đâu chỉ có nhà chọc trời, thời trang sành điệu, mà còn có một mùa thu êm đềm lặng lẽ nữa ít người lưu ý đến. Mùa thu trong Central Park. Công viên Central Park có đủ rừng núi sông hồ thảm cỏ trải dài bốn cây số. Buổi sáng sớm, lúc mặc trời còn ngủ ngái, con đường vắng giữa hai hàng cây trong công viên, đứng lặng lẽ trong ánh sáng mờ, cảnh vật như huyền ảo. Khi mặt trời thức giấc, ánh sáng hiện lên, chiếu dọi đến hàng cây đổi màu trên bên bờ hồ, cả một gam màu vàng đỏ hiển hiện lên như tranh vẽ. Lúc ấy, câu thơ Xuân Diệu vụt hiện trong tâm tưởng:

Đây mùa thu tới – mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Không chỉ màu vàng đơn thuần mà cả một gam màu, từ vàng nhạt đến đỏ sậm. Tôi đã từng ước mơ được đi dạo dưới hàng cây đổi màu mùa thu. Từng lái xe hơn năm giờ liền đến Hot Spring, AR, để chỉ lên đỉnh đồi, từ đó mà ngắm nhìn xuống rừng cây thu đổi màu vào buổi chiều, nhưng không thành công vì đến hơi sớm, thời tiết chưa đủ lạnh để cây đổi màu lá. Bây giờ trước mặt tôi là một bức tranh vẽ. Một bờ hồ lặng yên bao quanh với hàng cây màu vàng và đỏ rực rỡ. Trời ở cuối thu, lá cây rụng nhiều, nhiều cây đã trụi hết lá chỉ còn cành chơ vơ. Nhưng ở  khoảng bờ hồ này vẫn còn nguyên vẹn hàng cây đổi màu, thật là một may mắn cho tôi. Chúng tôi đứng ngắm nhìn thật lâu, như cố níu thời gian lại, cố ‘tiêu thụ’ no nê cảnh đẹp mùa thu mà mình từng mong ước. Ngày xưa khi nhắc đến công viên hay hè phố vào thu, là nghĩ ngay đên những cặp tình nhân thong thả dạo gót. Nhưng ở New York thì không, chẳng thấy cặp tình nhân nào thong dong rảo bước trong công viên hay hè phố. Trên phố chỉ thấy thanh niên nam nữ sải bước nhanh, rất nhanh, trông vội vã. Trong công viên thì họ chạy bộ thể dục con trên đường vòng quanh, họ mặc đồ thể thao phong phanh, khoẻ khắn, lầm lũi chạy đơn độc. Hình như người New York thích đơn độc, không thấy họ tụ tập chạy bộ, hay đi bộ từng nhóm, nói chuyện râm ran như người châu Á. Họ ngồi ăn cũng im lìm, ngồi quán cà phê cũng im lìm, hay dắt chó đi chơi cũng trong im lặng. Hình như nói lớn tiếng thì e rằng sợ làm phiền người bên cạnh, họ lịch sự có thừa. Tôi nhận thấy những phụ nữ ở đây đều toát lên một phong cách gì đó, một sự khoẻ khoắn, một nét tự tin, biết hưởng thụ hiện tại, có văn hoá, một ý chí độc lập. Có lẽ thế chăng mà bà giáo già trong lớp thường nhắc đến New York, nơi bà sinh ra và lớn lên ở đấy, dù đã phiêu lưu hết cả đời, tạm dừng chân nơi Texas này, nhưng lòng vẫn hướng về nơi cố quận và luôn tự hào rằng mình là một New Yorker chính hiệu. Mùa thu chắc bà nhớ nhiều đến New York nhiều lắm.

Mời xem:

 

 

 

 

 

17 thoughts on “New York Cuối Thu

  1. TT.Hiếu Thảo

    Một bài viết hay lắm anh P… Văn chương có vẻ sang (âm hưởng văn vừa cổ điển vửa tân thời.- Mạch văn anh!) Và sau cùng: TNP cũng thể hiện tâm hồn cao đẹp và nghệ sĩ, cùng với tri thức hiểu biết của anh khá nhiều… Nhiều lĩnh vực. Xin chia sẻ…
    Chúc vui…

    Reply
    1. Phuong

      Cảm ơn Hiếu Thảo ghé qua. Ngày xưa trong quyển YTM Phạm Công Thiện có trích dẫn và thán phục câu nói của nhà văn Henry Miller “Thà làm một tên ăn mày ở Paris còn hơn làm một tỉ phú ở New York”. Ý chê bọn nhà giàu trọc phú New York. Tôi ấn tượng mãi câu nói này. Khi đến New York mới biết, à thì ra Henry Miller ngưỡng mộ văn hoá Pháp và nói dỗi thành phố mình. Cứ xem trong hệ thống sân khấu Broadway có hơn 40 nhà hát biểu diễn kịch, ngoài ra có nhiều trung tâm biểu diễn Ballet, trung tâm hoà nhạc Orchestra, nhà hát Opera…thì biết sinh hoạt văn hoá ở New York như thế nào rồi.

      Reply
    1. Phuong

      Thời đi học, Phương không nghĩ có ngày mình sẽ đến đây, không nghĩ có ngày mình sẽ lang thang nơi quảng trường “Times Square”, mà hằng năm xuất hiện trên truyền hình khắp thế giới vào dịp giao thừa, và ngắm nhìn người qua lại trên đường với thời trang giống hệt như “ma nơ canh” trong các cửa hàng. Cảm ơn Lâm Cẩm Ái ghé qua.

      Reply
  2. Quốc Tuyên.

    Bài viết rất hay và súc tích, được cùng Phương-Đoàn dạo phố New York cuối thu và còn được xem hòa nhạc ca kịch ở sân khấu Broadway nữa chứ, thật là tuyệt!

    Reply
  3. Phuong

    Cám ơn Tuyên, đến nơi, thâm nhập, hoà mình, mới thấy New York đúng là thủ đô văn hoá của Mỹ.

    Reply
  4. Kim Đức

    Đọc “New York cuối thu” say sưa, đọc luôn một mạch, anh TNP viết lôi cuốn người đọc lắm. Từ văn phong của anh, em đoán chắc anh là một người sâu sắc, quan sát mọi thứ xung quanh mình như một cách say đắm “….Nhưng khi nghệ sĩ chơi qua phần nhạc của Sergei Prokofiev. Bản Sonata No.6 . Một sự bùng phát trong lối chơi. Tôi thấy âm thanh như tuôn trào ra từ mười đầu ngón tay của nghệ sĩ, đôi bàn tay chạy qua lại lui tới trên phím dương cầm như sóng bể dập dìu, cánh tay nghệ sĩ di chuyển đu đưa như giải lụa mềm uốn éo. Âm thanh gầm lên như gió táp mưa sa. Đúng là “Một cung gió thảm mưa sầu”.

    Hoặc là cảm nhận mùa thu trong Central Park, anh viết “…Buổi sáng sớm, lúc mặt trời còn ngủ ngái, con đường vắng giữa hai hàng cây trong công viên, đứng lặng lẽ trong ánh sáng mờ, cảnh vật như huyền ảo. Khi mặt trời thức giấc, ánh sáng hiện lên, chiếu dọi đến hàng cây đổi màu trên bên bờ hồ, cả một gam màu vàng đỏ hiển hiện lên như tranh vẽ”, hay lắm anh P. à!

    Hay như cảm nhận của anh về cuộc sống và con người cũng rất phong phú, cảm nhận về phong cách của phụ nữ ở New York, anh viết “Hình như người New York thích đơn độc, không thấy họ tụ tập chạy bộ, hay đi bộ từng nhóm, nói chuyện râm ran như người châu Á. Họ ngồi ăn cũng im lìm, ngồi quán cà phê cũng im lìm, hay dắt chó đi chơi cũng trong im lặng. Hình như nói lớn tiếng thì e rằng sợ làm phiền người bên cạnh, họ lịch sự có thừa. Tôi nhận thấy những phụ nữ ở đây đều toát lên một phong cách gì đó, một sự khoẻ khoắn, một nét tự tin, biết hưởng thụ hiện tại, có văn hoá, một ý chí độc lập”

    Rất cám ơn anh TNP, ít nhiều em cũng biết về New York qua tác phẩm của anh. Chúc anh vui khỏe.

    Reply
    1. TT.Hiếu Thảo

      KIm Đức thả hồn qua con chữ quá đẹp bỡi vì anh P đã thả hồn qua con chữ đẹp trước … Chúc mừng cho cả hai .Thảo đã học một vài điều của anh Phương để châm chế cho tác phẩm … Có một câu nói rất nổi tiếng bạn cứ đọc sách hay, lời hay sẽ vô tình ngấm vào bạn…Như thần dược đó anh P, có tác dụng!

      Reply
      1. Phuong

        Lời văn của Hiếu Thảo thì mạch lạc dễ hiểu. Lời com của Hiếu Thảo giống câu đố, suy nghĩ muốn bể đầu, nhưng hiểu ra thì sảng khoái và thú vị vô cùng. Cảm ơn Hiếu Thảo.

        Reply
        1. TT.Hiếu Thảo

          ha ha. Một HT chỉ có một trên đời anh ơi . Chúc GS vui vẻ / MERRY CHRISTMAS! Anh viết phản hồi cho Thảo, đọc cũng thú vị hơn nhìn một dòng sông đẹp … Và hơn một câu văn giàu hàm súc, giàu ấn tượng!

          Reply
  5. Võ Như Vũ

    Bài viết thật thú vị! Nữu Ước: Phong cảnh, tình người, thời tiết, cung bậc đều có đủ.

    Reply
  6. Phuong

    Chắc ông bạn cũng không ít lần ghé đến N Y thì phải? Vì khoảng cách chỉ 8 giờ lái xe mà thôi. Cảm ơn bạn Võ Như Vũ.

    Reply
  7. Sơn Ca

    Đọc văn anh đã thú vị rồi nếu được nhìn tận nơi như anh chắc thú vị gấp nhiều lần.SC

    Reply
    1. Phuong

      Có lẽ thế nhưng không hẳn, bởi mỗi người nhìn sự vật có cảm nhận khác nhau đó Sơn Ca. Nhưng là phái nữ thì chắc sẽ thích dạo chơi con đường số 47 hơn những con đường khác (ngoại trừ con đường xưa… ai đi :)) : Con đường tập trung nhiều cửa hàng nữ trang và kim cương lớn nhất ở NY. Cám ơn Sơn Ca ghé qua.

      Reply
  8. Mía ngọt

    À chưa hẵng! Bằng chứng là tôi cũng thuộc phái dân kẹp tóc nhưng chưa mấy lần mất thần trí trước một cửa hàng trang sức hay kim cương gì đó mà chỉ biết tiêu tốn hết thời gian và tiền bạc trong đời để chỉ được chiêm ngưỡng vẽ đẹp của thiên nhiên. Hình như tg TNP chỉ sâu săc những gì mình quan tâm còn những gì mình ko để ý tới thì hầu như mù mịt??!!

    Reply
  9. Phuong

    Bạn Mía ngọt nói chí phải, có thể thấy rõ điều này lại mù mịt điều khác, bởi đó có nhiều người có thể thấy được một cọng tóc nhỏ trên vai nhưng lại không thấy một ở gà to tổ bố trước mắt. Một người đam mê phong cảnh thiên nhiên thường có đầu óc phóng khoáng và nghệ sĩ phải thế không Mía ngọt?

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.