Trở Về Quê Cũ

 

Từ lâu, Bình (Ðỗ Bình Scott) đã cố quên đi qúa khứ của mình. Nhưng không hiểu vì sao bắt đầu từ vài tháng nay trở lại anh cứ bị thôi thúc và dằn vặt mãi. Trong một đêm mùa hè 2 năm truớc, khi đang ngồi uống bia với cô bạn gái y tá tên Lynn tại quán cà phê White Dog, Bình đã biết phải làm gì để giải toả nỗi bức rức này.

Ðược người chủ quán quen thân cho xem những tấm hình bà chụp trong chuyến đi thăm Việt Nam mới vừa về lại. “Những thắng cảnh tôi đã thấy quả là tuyệt vời” bà chủ quán nói thế với Bình. “Không có vấn đề trở ngại gì trong việc di chuyển và cuộc sống ở đó hoàn toàn thanh bình”. “Những người Việt có ác cảm với bà không?” Bình hỏi. “Không, tất cả tỏ ra rất thiện cảm đối với tôi”, bà chủ quán trả lời. “Thế là được rồi đấy!” Bình nói với Lynn: “Tôi sẽ đi!”, Bình tỏ ra dức khoác , tay mở thêm một lon bia Moosehead, mặt lộ vẻ cương quyết khi đã có quyết định phải làm gì để giải quyết sự dằn vặt mà đã lâu nay chưa tìm được lối giải thoát.

 

Bình sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo ở Miền Trung nước Việt và đã bị thương nặng trong thời chiến tranh. Một nhóm người Mỹ làm thiện nguyện trong một tổ chức nhân đạo đã phát hiện ra anh và đưa về Mỹ gởi vào một gia đình giàu có ở vùng Radnor, ngoại ô thành phố Philadelphia. Bình đã trở thành người con thứ 9 trong gia đình đông con này. Bây giờ đã 35 tuổi, và đã trải qua 20 năm dài từ cái đêm mùa hè nóng ẩm vội vã được đưa ra khỏi quê nhà. Giờ anh không còn nói được tiếng mẹ đẻ, và cuộc sống ở đây quá đầy đủ, tiện nghi không giống như những ngày lam lũ thời niên thiếu. Nhưng vẫn còn một nơi nào đó trong trí nhớ xa lắc của anh, hình ảnh những người thân mù mờ, những con đường không rõ, ẩn hiện trong giấc mơ để rồi biến đi sáng hôm sau thức dậy.

“Bình này, hay là em cùng đi về đó với anh”, lời của người yêu tên Lynn đã đưa anh về với thực tại. Lynn McGillin và Bình đã gặp nhau tại câu lạc bộ đua thuyền trên bờ sông Schuykill. Bình là một phế nhân, hai chân đã bị cưa cụt dưới đầu gối từ năm 12 tuổi, vẫn thích thể thao, mạo hiểm và năng động, để tìm lại cảm giác bình thường của cuộc sống tưởng như đã mất. Và Lynn, một cô ý tá người Mỹ trẻ xinh đẹp, làm việc ở một bệnh viện chỉnh hình, tình nguyện giúp huấn luyện những người tàn tật muốn học đua thuyền. Hai người đã trở thành đôi tình nhân thắm thiết, khi đi câu cá, lúc uống rượu bên bờ sông…đã được mấy năm rồi. Nhiều lần Bình đã đưa Lynn về thăm gia đình ở Radnor, nơi có ông bố tên Dick và bà mẹ tên Sondra, đã nuôi anh khôn lớn.

“Ðó là một điều lý thú” Lynn bảo. Nhưng rồi cô ta nghĩ lại: Không phải tại Bình tàn tật, một người đã vượt ngoài khả năng hơn những người bình thường để chế ngự sự mất mác một phần cơ thể mình. Cái mà Lynn sợ là Bình sẽ bị khủng hoảng tinh thần sau khi về thăm quê cũ. “Này Bình, anh không nghĩ những gì anh gặp lại ở Việt Nam sẽ làm khuấy động tâm hồn anh?”, nàng hỏi.

Quen nhau đã mấy năm, Bình ít nói với Lynn về quá khứ của mình. Những mẫu đối thoại rời rạc, xa xăm cũng đủ cho nàng biết Bình mất mẹ khi còn bé lắm. Quê làng nơi sinh ra bị bom đạn tan tành. Những người lính Mỹ, lính Việt Cộng, lính Việt Nam… Cha chết, một vài người em cũng vắn số…Rồi một hôm Bình bị tai nạn, hai tháng sau, lúc tỉnh táo thật sự mới biết mình đang nằm ở bệnh viện, đôi chân bị cưa đi từ lúc nào và vết thương cũng đã lành lại. Trí nhớ tuổi thơ lộn xộn trong khói lửa mịt mù đó cũng đã mất đi rất nhiều. Giờ Bình chỉ còn nhớ lại rằng anh ta có một người em trai đang sống lây lất đâu đó..

“Và tôi muốn đi tìm đứa em trai này”, một lần anh tâm sự như thế với Lynn. Bình không nhớ em trai mình tên gì, và hình như anh cũng không nhớ đến một người thân nào khác nữa. Chỉ còn nhớ man mán nhà anh ở một nơi gần Ðà Nẵng. Anh đã bàn với Lynn rất nhiều về cách nào để tìm lại đứa em trai đó, nhưng trở ngại lớn như thể tìm một cộng tranh đặc biệt trong đống rạ…Nhưng càng về khuya họ bàn chuyện đi về rất chi tiết. Ai có bổn phận đem theo thuốc nhức đầu, đau bụng…và làm sao có thể rời Việt Nam đến Bangkok được nếu mọi việc trở nên khó khăn…

Ðêm đó Bình đi với đôi chân giả và hai tay chống nạn. Những lúc bên cạnh người yêu, chen chúc với đám đông, cái xe lăn kềnh càn phải bỏ lại ở nhà. Lynn dìu Bình ra đến chiếc xe Jeep Cherokee của anh khi trời về khuya và quán cà phê đã vắng khách. Trên đường phố giờ này chỉ còn một anh thanh niên Á Châu chống nạn, đi bên cạnh người tình tóc vàng với nụ cười rạng rỡ.

+++

Ðó là một đêm tối đen, và xác của người Cha bỏ lại trên đồng trống…Tiếng súng nổ lớn…bàng …bàng …bàng. Chạy đi em, chạy đi về phía vườn chuối…Có phải đây là mộng hay thực? Ðã có nhiều đêm giấc mơ cũ hiện về. Mồ hôi toát ra như vãi, vật vã, ú ớ…anh lăn lộn và té xuống giường. Những người lính lạ mặt đứng thành một vòng tròn, lăm lăm tay súng. Họ chặn tôi lại không cho vào…tôi đẩy… tôi van xin, tôi khóc lạy…không một ai nhúc nhích…mặt đất xoay vòng vòng…ôi! không…Có những đêm thức giấc, Bình thấy mình đang nằm dưới gầm giường, mắt ướt, mồ hôi lấm tấm trên trán.

+++

Lần hẹn sau, Bình đưa Lynn đi ăn mì vịt ở phố Tàu. Hai người bàn tiếp công việc và chọn ngày đi. Ngày tốt nhất có lẽ là tháng Giêng năm 92, mùa Tết. Trên miếng giấy lau miệng, Bình vụng về vẽ bản đồ Việt Nam, rồi chỉ tay cho Lynn biết quê nhà anh là một cái làng nhỏ đâu đó nằm giữa Huế và Ðà Nẵng từ năm 56, năm anh sinh ra đến năm 66. Anh là đứa con trai thứ 2 của bà Hai. Những đứa con của bà Cả và hình như cả nhà đã bị bom chết sạch. Có ông Chú mù mắt từ Dà Nẵng ra thăm làng nhỏ này kỳ tết Mậu Thân. Ông đem anh gởi cho một người trong làng, anh làm việc chăn trâu để được cơm ăn. “Không biết ở đó có gần Ðà Nẵng không?” Bình thắc mắc. Và cũng ở đó anh đã bị nạn. Bình xoa mặt, vò nát tờ giấy, chán nản. Cái trí nhớ thiếu nhiều chi tiết này như những mảnh vụn, không thể gom lại thành một bức tranh, không ích gì…

“Hay là tôi tìm đến mấy ông thấy biết thôi miên, chắc có hiệu quả, sẽ giúp đưa trí nhớ trở về…” . Vài ngày sau đó Bình lại nghĩ: Giả sử thôi miên có giúp mình hồi phục trí nhớ về quãng đời trước khi anh bị tai nạn thì việc gì sẽ xảy ra? Tuổi ấu thơ anh là một đứa bé Việt, giờ anh chẳng còn nói được tiếng mẹ đẻ nữa. Hoặc giả sự thôi miên giúp anh đi ngược thời gian, nhưng sự trở lại sẽ không có lối thoát và thằng bé chăn trâu sẽ nhốt trong thân thể một thanh niên Mỹ trưởng thành! Hơn nữa, cũng có nhiều điều bí ẩn mà anh đã dấu Bố Mẹ người Mỹ, những người anh em trong gia đình và cả cô bạn gái của anh nữa…hơn 24 năm rồi giờ lại khai thật hết ra! Bình đã bỏ ý định đi tìm thầy thôi miên.

Và Lynn cũng bỏ ý định về Việt Nam với người bạn trai. Cô nghĩ rằng cơ hội cho Bình gặp lại người thân rất hiếm và nếu có gặp cô cũng rất sợ chứng kiến cái cảnh những kỷ niệm buồn tuổi thơ kéo về bủa vây Bình. Là một y tá nhà nghề, cô thực sự lo lắng cho Bình, sợ anh sẽ bị ám ảnh mà phát bệnh tâm thần sau chuyến đi này. Thay vì đi Việt Nam, cô chọn đi Peru thăm người chị gái. Cô sợ Bình buồn, nên trong tháng 12 cô ráo riết đăng báo tìm người thế chỗ của mình để đi cùng với Bình về thăm quê cũ, nhưng không tìm được người tình nguyện. Thế là giấc mơ Bình về thăm nhà như chợt tan theo mây khói. Nhưng một hôm, Bình đang lái xe trên xa lộ Schuylkill, điện thoại trong xe anh reo, giọng nói cô em gái người Mỹ bên kia đầu giây giục anh: “Nhanh lên anh BÌnh, mở ngay đài NPR, đang có một cuộc phỏng vấn trên đài và người đang nói chuyện đã giới thiệu là năm 68 ông ta đã mang 2 đứa trẻ Việt Nam tàn tật về vùng Phila này, có lẽ ông ta đang nói về anh đó…”

Bình run tay mở đài, một người đàn ông tên John Baliban đang nói về cuốn sách ông ta vừa viết xong: cuốn sách viết về những hoạt động nhân đạo của ông trong thời gian làm việc với Tổ Chức Trách Nhiệm (COR). Ðây là một nhóm làm việc từ thiện và nhân đạo đã cứu vớt và giúp đỡ những trẻ em bị thương trong thời chiến tranh.

…”Ðúng là ông ta đang nói về mình rồi!” Bình hét to trong xe, “chính COR đã giúp đưa mình về vùng đất này!” Bình vội vã liên lạc với Babilan, bây giờ hiện đang là nhà giáo dạy môn Anh Văn tại một trường học ở Florida. Hai người đã hẹn nhau tại một tiệm sách trong trung tâm thành phố. Bình đã thất vọng khi được nghe ông bảo là ông ta gặp Bình lúc Bình đang nằm ở một bệnh viện Ðà Nẵng. Còn về câu hỏi Bình là ai, từ đâu đến…ông chẳng thể nào trả lời được. Nhưng ông ta cho Bình tên bà Ann Peretz , ở Boston , có chồng là chủ nhiệm tờ báo The New Republic.

Khoảng năm 65, bà Ann và một bác sĩ nổi tiếng trong vùng Ðông Bắc Mỹ đã thành lập tổ chức COR. Hoạt động của họ là nhằm cứu giúp những trẻ em Việt Nam bị thương như dẫm phải mìn, bị lạc đạn, bị cháy phỏng bỡi bom lửa…rồi đem chúng qua Mỹ chữa trị. Ðó cũng là lần đầu tiên những người Mỹ dân sự, không tham gia chiến tranh, có dịp tận mắt thấy cảnh máu đổ, thịt rơi, luột lòi, xương gãy…mà nạn nhân đa số là những đứa trẻ, do chiến tranh gây ra. Sau khi tổ chức giải thể năm 70, có 10 thùng giấy đựng lý lịch của hơn 100 trẻ em mà bà Ann đã nhớ rất rõ và hồ sơ cá nhân của những trường hợp này được bà cất kỹ trong nhà chứa đàng sau căn nhà bà đang ở vùng Cambridge. Bà thoả thuận cho người em của Bình tên Chris và bà mẹ Sondra được lục lọi trong đống hồ sơ này để tìm ra tông tích của Bình. 10 thùng giấy đầy những hình ảnh, chen lẫn với những bài báo, tài liệu là hồ sơ qúa khứ của Bình.

Họ đã tìm ra được những tài liệu cần thiết trong đó còn có tất cả những lá thư mà bà Sondra gởi cho tổ chức COR để xin cho Bình được ở lại Mỹ. Bỡi vì theo luật pháp Mỹ thời đó ấn định, những trẻ em sau khi đã chữa lành những vết thương, phải đưa về lại Việt Nam. Nhưng lúc đó Bình muốn xin ở lại nên gia đình Scott đã cố gắng vận động giúp anh. Những lá thư van nài, xin xỏ với những giòng chữ …làm sao chúng tôi có thể giúp…bằng cách nào đây… và ai có thể giúp chúng tôi…đầy thương tâm đã làm động lòng các giới chức.

Trải qua hàng giờ tìm kiếm, cuối cùng hai mẹ con bà Sondra đã tìm thấy một mảnh giấy mỏng, ngắn gọn, trên đó chỉ vỏn vẹn ghi mấy hàng chữ: Quê của Ðỗ Bình ở Tỉnh Bình Ðịnh, quận Phù Mỹ, xã Mỹ Thọ, làng Chánh Ðỗ và Bình có một người em trai tên Ðỗ Mậu.

“Ðúng nó rồi đây, Mẹ ơi!” Chris reo lên với bà Sondra, và tưởng tượng đến ánh mắt của Bình lúc biết được tất cả sự thật. Nhưng cũng chính sự thật đó làm cho cô buồn. Quả thật Bình đã có một mái ấm trước khi về trú ngụ trong nhà họ Scott. Bình không phải là đứa bé vô thừa nhận như cô vẫn tưởng. Và Bình cũng đã có một quê hương ngoài quê hương Radnor…

Chris đã vội gọi báo cho Bình biết cái tin nóng hổi, nhưng Bình nhất định không chịu tin: “Quê ta là làng Chánh Ðỗ? em trai ta là Ðỗ Mậu?….không phải đâu Chris ơi! em làm ơn trở lại nhà bà Ann và tìm lại thử xem, biết đâu đã có một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Quê anh không phải ở Bình Ðịnh mà là ở Ðà Nẵng, nhớ rõ chưa, Ðà Nẵng, gần Huế đấy…tin anh đi…”

Một tháng trước khi sửa soạn đi về, người thân ai cũng cố khuyên can đừng nên đi nhưng Bình đã quyết định, mặc dù anh đang làm chủ một công ty làm việc lau chùi mà anh phải quản trị. Anh đã mua vé máy bay, anh phải về để tìm lại gốc gác của mình ngày xưa là ai, đến từ đâu và những gì đã xảy ra với tất cả những người thân còn lại trong gia đình anh. Những cảm giác mạnh mẽ đó đã không cho phép anh nghe lời khuyên can nào khác. Anh đã dức khoát.

+++

Có thể đã mất hơn 24 năm, 24 năm với cuộc sống sung túc của một người Mỹ, đã làm tâm trí Bình đóng khung. Cho đến hôm nay, vào thời điểm này, sự rời bỏ quê hương đã không để lại một nuối tiếc nào ở Bình.

Năm 68, giữa những ngày tháng chiến tranh Việt Nam lên cao độ và tàn khốc nhất, Bình đã được đưa đến vùng Philadelphia. Từ những ngày đầu, chi tiết về quá khứ của Bình rất giới hạn. Họ chỉ biết lờ mờ là Bình đã được tìm thấy bỡi nhân viên COR, nằm chung 1 giường với một đứa trẻ bị thương khác ở một nhà thương quân đội Mỹ chật chội ở Ðà Nẵng. Họ không biết tuổi thật của anh, đoán chừng lúc đó chừng 12 tuổi. Bình đã bị thương thế nào không ai biết, nhưng họ biết chắc một điều nếu còn ở lại Ðà Nẵng, đứa trẻ không gia đình, tàn tật này đã trở thành đứa ăn xin. Ở Mỹ, anh đã may mắn được gắn cho đôi chân giả, và được huấn luyện cách xử dụng. Sau vài tháng làm thủ tục giấy tờ, máy bay quân sự đã đưa Bình đến Mỹ. Với đôi mắt sáng, nụ cười tươi, đứa trẻ chỉ nặng 35 cân Anh được bọc trong bộ đồ ngủ và được chở thẳng đến bệnh viện nhi đồng St. Christopher bỡi những người đàn ông giàu lòng từ thiện. Từ những buổi đầu đặt chân đến Mỹ, cậu bé tên Bình đã yêu mến ngay đất nước này và thề sẽ không bao giờ quay lại chốn xưa.

Những món hamburger thịt nhồi ăn vội. Những cuốn phim hoạt hình coi hoài không chán. Bình đã chẳng bao giờ biết những món này trước đây. Bình vẫn biết phim ảnh có người đóng, có máy quay phim và truyền hình để chiếu lên, nhưng cậu bé cứ thắc mắc mãi là những người đóng phim hoạt hình ở đâu? Tại sao họ có những hình thù kỳ dị? Bình hỏi Tường, một người bạn Việt cùng cảnh ngộ, nhưng Tường chẳng biết gì hơn. Một ngaỳ được nhân viên bệnh viện cho dạo chơi thành phố Phila, cả hai người bạn trẻ trố mắt tìm xem nhưng người kỳ dị đó họ sống nơi nào. Cuối ngày đi chơi hai đứa đã thất vọng, Bình nhủ bạn: “Có lẽ những người này họ sống ở một hoang đảo xa xôi nào đó”

Sau khi đã bình phục hẳn ở bệnh viện nhi đồng, tổ chức COR đã tìm được nhà tạm trú cho Bình, đó là nhà ông bà Scott. Ông Bà đã từng theo dõi những hoạt động nhân đạo của COR và cảm thương cho những phế nhân còn trẻ. Ðộng lòng ông bà đồng ý cho Bình đến ở tạm. Ông Scott có cuộc sống rất khá gỉa nhờ làm tổng giám đốc cho một hãng bảo hiểm. Nhà của họ ở đường Main Line, nơi những người giàu có nhất ở quận Montgomery trú ngụ. Bà Scott lo việc nội trợ, ở nhà chăm 8 đứa con tuổi từ 2 đến 14.”Nhưng chúng tôi vẫn còn phòng cho thêm một đứa trẻ nữa”, bà nói với nhân viên COR như vậy.

Có một chiếc xe lăn mà mọi người ai cũng muốn đưa tay đẩy phụ vào nhà. Căn nhà lớn xây bằng đá, giống như một lâu đài cổ, có rất nhiều phòng ngủ. Căn phòng thứ 8 còn trống, cạnh phòng ngủ Bố Mẹ nuôi là phòng của Bình. Sinh ra từ một gia đình nghèo rớt và lớn lên mồ côi, thiếu thốn, đói rách trong chiến tranh, bây giờ Bình đã đổi đời qua một thế giới khác, thế giới của tình thương, đầy đủ và tràn đầy hạnh phúc. Trong nhà có tài xế, người giúp việc và những 8 đứa trẻ lớn nhỏ tinh nghịch, thích thú với người bạn mới mà bọn nó chẳng biết đến từ đâu. Cả thành phố khu nhà giàu lúc đó chẳng ai biết mặt mũi của người Việt Nam thế nào. Và đây, họ tò mò nhìn đứa bé cụt hai chân, không nói được một chữ tiếng Anh, và cũng chẳng biết tại sao mình lại đến đây. Phải chăng kết quả đau khổ của sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá đang chờ xảy ra với đứa bé bất hạnh này? “Nhưng không, Bình đã hội nhập thật nhanh”, bà Scott nhớ lại. “Chẳng bao lâu nó đã nhập bọn với lũ nhỏ tinh nghịch”.

+++

“Như thể là Bình ham muốn biết hết, hiểu hết, làm hết mọi việc trong thời gian ngắn” cô em gái Chris gợi nhớ lại. Chris vừa lên 8 lúc Bình đến sống trong nhà. “Anh ta vui lắm, rất lạ, nói những tiếng gì không ai hiểu và di chuyển thật nhanh quanh nhà như người đi trên hai đầu gối”. Mấy đứa nhỏ tập nói chuyện với Bình bắng cách ra dấu và từ từ mọi người dạy anh tiếng Anh. Tất cả mấy đứa trẻ coi Bình như người Anh ruột thịt.

Cứ nghĩ đến những quá khứ đau khổ đã trải qua, mọi người trong nhà lo sợ Bình có lúc sẽ thối chí và buồn nản. Nhưng không, chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra, chẳng bao giờ ai thấy Bình nhỏ một giọt nước mắt. Bình qúa bận rộn với mọi chuyện học hành, nô đùa với anh em trong nhà và bạn bè lối xóm. Tường, bạn của Bình nhớ lại: “Tất cả mọi người đều thương mến Bình ở trên xứ Mỹ này”…

Sau vài tháng ở nhà, Bình được đưa đến trường mẫu giáo Ithan. Mặc dầu chưa bao giờ được đến trường ngày nào ở Việt Nam, nhà trường tính theo tuổi cho Bình vào lớp 4 và đề ra một chương trình đặc biệt giúp em học nhanh lên. Cứ mỗi tuần, một em học sinh cùng lớp được đề cử để giúp Bình lên xuống cầu thang và ra vào phòng vệ sinh. Dần dần, việc giúp đỡ Bình đã trở thành một ân huệ và hãnh diện cho đứa nào được chọn làm.

Có một điều Bình không muốn ai giúp đỡ là tự đi học và về nhà một mình. Sau một năm được đưa đón bằng xe nhà, Bình quyết định dùng xe buýt của trường. Nhà trường chuẩn bị cho Bình một chỗ ngồi đặc biệt trên xe và Bình đã đến trường bình thường như bao đứa trẻ khác. Người tài xế lái xe chở lũ học trò là một cựu phi công lái máy bay thời thế chiến đã về hưu. Ông đưa xe đến tận nhà để Bình tập lên xuống xe cho dễ dàng. Ði xuống thì dễ, nhưng đi lên thật khó. Có những lần nắm tay không vững, thằng bé ngã nhào. Hai chân giả lúc đầu gắn cho không có đầu gối, thẳng đơ nên di chuyển rất khó khăn. Sau 3 tuần khổ sở, Bình đã dùng xe buýt đến trường như bao đứa trẻ khác.

Cậu bé Việt Nam này rất thông minh, học nhanh và ham thích những món thịt bò băm, bánh pizza Ý một cách tự nhiên và lại còn được cho đóng phim nữa. Số là chương trình thoại kịch tình cảm xã hội chiếu mỗi ngày trên TV “Những Ðứa Con Của Tôi”, cần một đứa trẻ Việt Nam, biết bơi, cứu sống một phi công Mỹ lái máy bay bị bắn rơi xuống sông. Người đạo diễn chuyện phim này là bạn của ông Scott. Gia đình đã đưa Bình lên tiểu bang Connecticut, nơi có ngoại cảnh cần cho đoạn phim. Công việc của Bình là bơi ra giữa giòng sông sâu Connecticut để kéo viên phi công ngộ nạn, sau khi máy bay bị phòng không bắn rớt, vào bờ.

Tuy cụt mất hai chân, Bình không những biết bơi giỏi mà chơi hầu hết các môn thể thao và chơi rất hay. Vì không có chân nên Bình biết dồn hết sức mạnh lên đôi tay mình, điều khiển chiếc xe lăn chạy cho thật nhanh. Trong các bộ môn thể thao, cuối cùng Bình chọn môn đô vật ở trường và đây là môn sở trường khó ai địch lại. Với sức nặng chỉ có 98 cân Anh, và chiều cao bằng phân nửa đối thủ, Bình đã dùng sự mất mác thể chất thành điểm lợi cho mình. Vì không có chân nên đối thủ của Bình phải hạ thấp mình xuống để thi đấu. Bình giữ được trọng tâm thân thể thấp xuống sàn, và trong tích tắc chụp lấy chân , chưa kịp phản ứng, đối thủ đã bị quật nhào. Cũng có một số lực sĩ thấy Bình tàn tật nên từ chối tranh tài với anh. Trong thể thao, luật chơi không cho phép kỳ thị, ai không thi đấu thì thua. Trong giới học sinh đô vật của cả tiểu bang, tên của Bình đã vang danh lừng lẫy. Trong năm cuối ở bậc trung học anh được xếp hạng 2 trong số những nhà đô vật vô địch cho toàn vùng Ðông Bắc. 15 năm sau, tên của Bình được đề cao trong danh sách danh dự những nhà thể thao giỏi nhất của trường. Cho đến giờ, ban giám đốc vẫn còn nhớ mãi người học trò tàn tật nhưng có biệt tài.

+++

Tháng 6 năm 77, Bình tốt nghiệp trường trung học Radnor. Khi gọi tên, một người trẻ có khuôn mặt tròn trĩnh, nụ cười thật tươi đứng lên và từ từ đi về phiá khán đài chờ nhận bằng tốt nghiệp hạng danh dự. Anh đi vơí 2 cái nạn chống kẹp nách, đôi chân giả một cách vững vàng và đầy tin tưởng. Cả hội trường đứng dậy, tiếng vỗ tay hoan hô vang dội. Ai cũng chảy nước mắt, khóc vì hãnh diện và vui mừng cho anh. Chỉ riêng có Bình không để mắt mình ướt vì xúc động.

Tốc độ “Mỹ hoá” của Bình tiến một cách rất nhanh và thành công. Chẳng bao lâu cậu bé Việt ngày nào giờ đã nói tiếng Anh chuẩn giọng Mỹ, không pha một chút đặc âm. Nhớ lại ngày nào những luật sư của COR đã buộc những gia đinh bảo lãnh là những trẻ em đưa qua Mỹ chữa trị xong phải được trả về nguyên quán. Nhưng Bình làm gì có ai ở quê nhà mà về. Gia đình Scott đã vận động xin cho Bình ở lại để học cho xong trung học. Ðang học những tháng cuối lớp 10, chiến tranh Việt Nam kết thúc, Sài gòn đổi chủ, và Bình dĩ nhiên được ở lại Mỹ. Năm 78, một đạo luật mới ban hành giúp cho hàng trăm ngàn người tị nạn gốc Việt được trở thành công dân Mỹ nhanh hơn bình thường, và Bình đã chờ đợi cơ hội này từ lâu. Tháng 3 năm 81, tại đại sảnh đường của toà nhà Tư Pháp ở Media, những người trong gia đình Scott đã đến chứng kiến buổi lễ cấp tờ chứng thư công dân Hoa Kỳ cho Bình. Tại đây, cùng với hàng trăm người di cư, tị nạn đến từ nhiều quốc gia, cũng cặp mắt sáng và nụ cười tươi ấy, Bình hãnh diện đọc trọn lời thề. Một món qùa ngạc nhiên và thật đặc biệt đã dành tặng riêng cho Bình, được trao cho vào cuối buổi lễ tuyên thệ. Ðó là lá quốc kỳ Mỹ đã được treo trước toà Nhà Trắng ở Thủ đô Hoa Thịnh Ðốn trong suốt một năm, được Tổng Thống chính phủ liên bang ưu ái dành riêng tặng cho một công dân Hoa Kỳ danh dự.

Trong 24 năm Bình đã nhận tất cả những ân sủng mà nước Mỹ trao cho. Bắt đầu là một đứa trẻ mồ côi nghèo khổ, chăn trâu để đổi lấy miếng cơm, nay đã tốt nghiệp đại Học Peirce và là một chuyên viên điện toán làm cho hãng bảo hiểm tai nạn General ở trung tâm thành phố. Năm 86 Bình đổi qua làm kỹ sư máy tính cho hãng hoá chất lớn nhất thế giới Dupont tại Newark. Anh đã có đủ tiền để mua căn nhà khu Ridley Park sang trọng và một chiếc du thuyền dùng đi câu cá vùng biển Chessapeake Bay mỗi cuối tuần với bạn thân. Anh có nhiều bạn thân đi chèo thuyền đua trên sông Schuykill, có mặt trong đội bóng rổ xe lăn đặc biệt và đi nghỉ hè trên vùng biển Maine hay núi Poconos.

Năm năm trước, sau một thời gian dài cố quên đi quá khứ của mình, Bình bỗng thấy từng đợt sóng ấu thơ đập về dồn dập, khó khăn. Anh không biết bởi do đâu và vì sao, nhưng anh biết một điều là những dằn vặt đó đã gợi lại những quá khứ đau buồn trong trí nhớ bây giờ chỉ còn lờ mờ, không rõ. Cứ mỗi lần gặp người đồng hương, anh tò mò muốn biết, muốn hỏi để tìm lại quãng đời xưa cũ của mình. Và rồi anh đã tình nguyện giúp những người tị nạn Việt Nam mới qua bằng cách dạy họ học tiếng Anh và tìm giúp việc làm. Có những người anh cố giúp là những người thành đạt ngày xưa ở Việt Nam nhưng bây giờ vì ngôn ngữ bất đồng, tìm được việc rồi cũng mất vì không thông thạo nghe nói tiếng Mỹ. Anh thường tâm sự với mọi người là bây giờ anh cảm thấy quá đầy đủ, dư thừa, còn những người Việt mới qua họ thiếu thốn mọi thứ nên anh có trách nhiệm phải giúp đỡ họ.

Trong một bài luận văn cao học tại trường Eastern, anh đã đặt câu hỏi cho chính mình: “Bình, liệu mày có thể giúp gì cho những người đồng hương này không?”. Rồi chẳng bao lâu, anh bỏ làm việc cho hãng hoá chất Dupont với tiền lương cao. Anh bán cái nhà đẹp, bán chiếc du thuyền và với sự giúp đỡ thêm của gia đình Scott, anh đã thành lập một công ty do chính mình làm chủ. Công ty có tên là The Eastland Janitorial Sevices, chuyên thầu các dịch vụ rửa nhà, dọn dẹp rác, chùi cửa kính cho các cao ốc, văn phòng làm việc cho các công ty lớn và trường học. Nhân viên của anh là những người Việt mới qua Mỹ, chưa rành tiếng Anh, anh trả cho họ số lương hậu hĩnh. Anh chiếm đưọc nhiều cảm tình và ủng hộ của khách hàng và một trong những nơi cần dịch vụ của anh đó là ngôi trường tiểu học nơi anh mới đặt chân đến vùng Radnor.

Cùng lúc, giấc mơ hồi hương trong Bình mỗi ngày một lớn mạnh, thì nơi quê nhà cũng có những đổi thay rất nhanh. Chính sách đổi mới từ năm 85 đã mở cửa đất nước, chào đón những người con ra đi trong đột ngột, sợ hãi, hối hả…nay về quay về thăm lại cố hương. Cánh cửa đầu tư Việt Nam mở rộng đón những luồn gió mới từ khắp nơi, trong đó có khối người Việt ở nước ngoài. Chính sách cứng rắn cấm vận và bao vây kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam bao nhiêu năm từ ngày chấm dức chiến tranh cũng được từ từ cởi mở, hoà hoãn và thân thiện hơn. Dù cho chính sách cấm vận vẫn còn trên văn kiện nhưng người Mỹ gốc Việt được cho phép về thăm nhà, và chính phủ thả lỏng luật tài chính để họ gởi tiền về giúp cho gia đình, bà con. Lúc đầu chỉ có một số người bạo dạn đi trước, sau đó từng đoàn người, rồi hàng trăm chuyến bay đưa người phương xa về thăm đất tổ, thăm nhà, nhất là vào dịp Tết.

Bình mua vé máy bay khoảng tháng 12 năm 91, trong đầu anh là sẽ về thăm làng cũ ở gần Ðà Nẵng vào dịp Tết Ta cuối tháng Giêng. Thời điểm trở về nhà đầy ý nghĩa của một Muà Xuân đoàn tụ cho tất cả mọi gia đình. Tết là ngày lễ linh thiêng, đầm ấm và vui vẻ nhất. Mọi nhà thắp đèn sáng, quây quần nấu bánh chưng cúng tổ tiên. Họ hiến dâng lễ vật lên thần linh, ông bà đã khuất đã cho họ được may mắn trong năm qua và cầu cho những điều tốt đẹp cho năm tới. Họ thật sự tin là tổ tiên và thần linh trong dịp này sẽ trở về gần gũi, chia xẻ và phù hộ cho họ.

Ðỗ Bình Scott về đến phi trường Tân Sơn Nhất với nỗi lo sợ rùng mình. Anh sợ những người thuế quan chặn lại vòi tiền, gây khó dễ. Sợ sự theo dõi của Công An, sợ cả những đứa bé con móc túi…Anh nhìn lơ láo, quanh quẩn, nhìn lại Việt Nam lần đầu bằng đôi mắt của một thanh niên Mỹ lớn lên trong khu nhà giàu ở đường Main Line bên kia bờ đại dương. Sài Gòn, cái tên ngắn gọn ngày xưa và bây giờ đã trở lại thịnh hành, không ai còn gọi cái tên mới Thành Phố Hồ Chí Minh dài dòng nữa. Sài Gòn còn nghèo qúa độ với những đứa bé bụng õng chạy rong trong những căn hẻm hẹp, những ngôi nhà xuống cấp không sơn phết, xe đạp, xe máy đông nghẹt ngoài đường lộ, và những đứa trẻ lem luốt ăn xin thì nơi nào cũng có.

Người bạn cũ của Bình là Tường đã được trả về Việt Nam bỡi COR từ lâu ra tận phi trường đón Bình bằng taxi. Khi xe đi vào thành phố, Bình đã có cảm giác ngời ngợp với những cái nhìn lạ lùng. Ðưa tay chỉ chiếc xe Lam cũ, chở người chật ních trên hai hàng ghế gỗ. Bình nhớ lại tuổi thơ:”Ngày trước tao cũng có dịp, một lần, được ngồi trên chiếc xe đó”. Bình nói lớn vào tai Tường: “Ở đây hình như không có gì thay đổi sau bao nhiêu năm…”

Việc đầu tiên Bình phải làm là tìm lấy một người để bảo vệ cho anh. Dù đã được sinh ra và lớn lên là người Việt, nhưng bây giờ từ lời nói, động tác, cử chỉ anh là người Mỹ rặc. Vả lại anh không còn nói được tiếng địa phương. Làm sao anh có thể chống cự được nếu một ông đạp xích lô có dã tâm chở anh đến một nơi vắng, mần thịt rồi cướp của? Anh đã được nghe những người về đây trước mách bảo là có việc như thế xảy ra. Tốt hơn là phải đề phòng và nên có một “vệ sĩ”. Người thanh niên nhỏ thó dưới mắt Bình nhưng với người địa phương là một anh to lớn có hạng. Bất cứ nơi nào Bình lang thang là nơi đó có vệ sĩ đạp xe đạp đi theo. Gặp những người ăn xin Bình chẳng biết phải phản ứng ra sao. Anh không quen thấy những cảnh đau lòng như vậy. Tự nghĩ, nếu không có may mắn được đưa đi xa, giờ có thể Bình là một trong đám người này…

Một ngày muốn đi dạo chung quanh thành phố Sài Gòn, Bình mướn một chiếc xe xích lô mà người đạp xe là một người lính trong quân đội Cộng Hòa. Anh ta mặc một chiếc quần cụt, đi đôi dép nhựa, đạp xe chở Bình đi dạo loanh quanh. Như những du khách Mỹ khác, anh tò mò đến xem Bảo Tàng Tội Ác Chiến Tranh đã được dựng lên bỡi những người của chế độ mới. Từ những khu xóm chật hẹp trong khu Chợ Lớn ra đến trung tâm Quận 1. Người đạp xe muốn đưa mái che lên cao cho bớt nắng, nhưng Bình từ chối. Bình trố mắt nhìn mọi cảnh, mọi người. Những cô gái trong chiếc áo dài đủ màu thướt tha, xinh đẹp. Xen lẫn bên những người ăn vận theo mốt thời trang mới nhất từ Paris là những người mặt quần áo đen, xốc xết, lam lũ với đôi gánh nặng trên vai. Những đường phố chất đầy hàng hoá chờ bán đến từ khắp nơi trên thế giới. Những cửa tiệm bán bánh mức, hoa quả dành cho ngày Tết tưng bừng, nhộn nhịp. Tất cả có đầy đủ ở đây, không thiếu thứ gì. Anh mê quá những trái dừa nước ngọt lịm cổ họng với tớt dừa trắng, non thơm. Anh đã uống hết ba trái, bụng no cành, mà vẫn muốn uống thêm nữa.

Sau một vòng khá lâu, thấm mệt, Bình được chở trở về khách sạn. “Anh Tính cho bao nhiêu?” Bình hỏi người phu xích lô, và để chuẩn bị nghe một giá rất cao cắt cổ từ lời dịch của người vệ sĩ đang nhìn anh mỉm cười.”Anh cho em xin 5 ngàn đồng”, người chủ xe thưa. Chưa đầy 45 xu Mỹ, Bình thấy chưng hửng như không tin tai mình, anh móc túi lấy ra 50 đô đưa cho rồi ân cần bảo nhận đi. Số tiền qúa lớn, bằng hơn 2 tháng còng lưng đạp xe, anh phu xích lô đưa hai tay khô ráp, nhăn nheo ra bắt tay Bình và nắm chặt như không muốn rời. Nước mắt anh ta chảy ra, không một ngôn từ nào có ý nghĩa hơn để nói lên sự biết ơn thành thật đó. Câu chuyện vừa rồi tuy có ngỡ ngàng nhưng không bằng những câu chuyện Bình kể về sau.

Một ngày thật nóng nực Bình và Tường đi đến một quán cà phê bên lề đường để ăn sáng. Bình phải khó khăn lắm mới đặt mình xuống chiếc ghế nhỏ thấp lè tè. Như mọi lần anh móc trong túi ra một xấp bạc dày cọm của những tờ 500 đồng mới toanh, xếp gọn. Một đứa bé ăn xin chạy đến chìa tay , 500 đồng cho nó. Có được tiền đứa bé vui vẻ chạy đi xa. Rồi một người đàn ông tàn tật khác lại gần, 500 đồng nữa rút ra. Rồi một đứa, hai đứa…10 đứa bé ăn xin mặt mày lem luốt đến vây chặt cái bàn con, xìa tay, năn nỉ, van xin, cầu khẩn…Anh đã gọi một tô bún ăn sáng, trước khi tô bún được mang ra, anh vội vã trả tiền, lo sợ nhiều đứa bé đến vây, liền bỏ đi. Những đứa bé kêu nài, năn nỉ bám cứng vào hai cái nạn gỗ của anh. Rẩy rúng một cách khó chịu, Bình phải vất vả lắm mới rời được đám con nít ăn xin.

Ngày Mồng Một Tết, sau khi đã xin được giấy phép di chuyển về Miền Trung từ sở Công An, Bình mướn một chiếc xe có tài xế và Tường làm người thông dịch đi về hướng Bắc. Anh nói với Tường là bảo người tài xế chạy về hướng Ðà Nẵng.

Rời khỏi Sài Gòn vào lúc hừng sáng. Trên đường phố đã thấy đông nghẹt hàng triệu chiếc xe đạp, xe gắn máy đủ loại. Chiếc xe hơi chật vật mới ra khỏi đám đông. Xe chở Bình chạy qua những ngọn đồi trống mà ngày trước là căn cứ Long Bình của quân đội Mỹ. Chạy qua những rừng cao su bạt ngàn, thẳng tắp mà người Pháp đã trồng từ bao thập niên trước. Chạy qua những cánh đồng óng nước, nơi mà những nhà nông chân lấm tay bùn ì ạch với những con trâu kéo cày chậm chạp. Chạy qua những thửa ruộng xanh không xa bờ biển Nam Hải, nơi đã có bao chiếc thuyền hàng đêm toan tính chuyện vượt biên. Chạy qua những vùng miền quê nơi đã có những trận chiến kinh hồn, đẫm máu hai bên, mà trên vách đá núi còn in nhiều dấu đạn. Cứ hướng về hướng Bắc, xe chạy trên quốc lộ 1, con đường đã do công binh Mỹ xây dựng đủ sức chịu đựng những chiếc xe bọc thép khổng lồ đi hành quân. Những con đường không chật nhưng lúa sắn phơi đầy hai bên làm hẹp mặt lộ, xe cộ chạy qua lại tránh nhau rất khó khăn. Những chiếc xe đò DeSoto từ thời 60 vẫn còn chạy qua lại, chở đầy nghẹt người và hàng hóa. Những chiếc xe cồng kềnh chạy nhanh không cần dùng thắng, mà cái còi và đèn pha thì không lúc nào ngưng làm việc. Tiếng còi xe kêu xé không gian như tiếng heo bị thiến, kêu ầm ĩ trong suốt đoạn đường dài.

Hơn 10 tiếng chạy suốt từ Sài Gòn ra, sau khi ngủ lại qua đêm ở Nha Trang, Bình thấy ở phía Bắc tỉnh Bình Ðịnh một bảng chỉ đường đề tên thành phố Phù Mỹ. Anh kêu người tài xế ngừng lại. Như trong giấy của COR viết, Phù Mỹ là quê sinh đẻ của Bình. Hơi nghi ngờ, ngừng lại tìm một chút gì ăn trưa, Bình quyết định cứ thử xem.

Tìm đến một làng nhỏ ở miền quê nước Việt không phải là chuyện dễ. Không có bản đồ, không có tên đường, không biết hỏi ai. Cũng giống như lúc làm thảo chương điện toán, chỉ còn biết thử xem đúng hay sai rồi tiếp. Sau vài tiếng đồng hồ dọ dẫm, chiếc xe hơi chạy đến gần dưới chân một ngọn đồi. Bên kia là làng Chánh Ðỗ, nhưng muốn đến đó phải băng qua một cánh đồng chứ xe hơi không vào được. Bình cũng không thể đến đó bằng xe lăn nên sai một thằng bé chạy nhanh qua bên đó hỏi dò người trong làng một người đàn ông tên Ðỗ Mậu, tên mà trong hồ sơ của COR ghi là em ruột của Bình. Ðưá bé đi một hồi trở lại báo là quả thực có một người đàn ông trong làng tên Ðỗ Mậu, nhưng sau khi nghe có người thân ở Mỹ về muốn gặp mặt, Mậu hoảng sợ bỏ chạy trốn vô rừng.

Sáng hôm sau Bình trở lại Phù Mỹ, mướn một người lái xe thồ, chở Tường chạy trở lại làng hỏi tiếp. Bình ngồi trong xe hơi hồi họp đợi chờ. Anh vẫn đinh ninh là quê anh ở đâu đó ngoài Ðà Nẵng, và làng quê đó cách đây hàng trăm dặm, chứ không phải ở đây. Nhưng nhìn thật kỹ, quả thật những ngọn núi xa mờ này ẩn hiện những nét quen thuộc trong trí nhớ xa xưa…Tường đi cùng với anh lái xe thồ, vất vả lắm sau khi xuống xe phải mất vài giờ đi bộ mới đến được làng Chánh Ðổ. Cuối cùng họ tìm đến một căn nhà tranh, vách đất của người đàn ông tên Ðỗ Mậu. Lần này thì Mậu không bỏ trốn nữa, anh ở nhà. Như đã được Bình chỉ dẫn, Tường hỏi Mậu 6 câu hỏi. Mậu lúng túng trả lời đúng cả 6 câu và anh đã được mời ra đường lộ, chỗ chiếc xe Nissan màu trắng đang đậu, để gặp Bình. Bình hồi hộp nhìn người đàn ông nhỏ thó, ốm yếu đi bên cạnh đứa con trai còm cõi đang từ từ bước đến gần. Người đàn ông nhìn đúng số tuổi mà Bình nghĩ. Nhưng còn đứa bé, nó trạt tuổi của Bình lúc mà anh bị tại nạn gãy mất đôi chân. Có một nét gì trên mặt đứa bé làm cho Bình hồi tưởng lại..

Bình mời người đàn ông và đứa bé ngồi vào ghế sau của chiếc xe. Anh có thêm nhiều câu hỏi nữa và nhờ anh thông dịch viên hỏi Mậu.

” Ba anh còn sống không?”, Bình hỏi.

“Không!”, Mậu trả lời.

“Ba anh có bao nhiêu vợ hết thảy?”.

“Ba bà”.

” Anh là con trai thứ mấy, của bà nào?”.

“Tôi thứ 10″. Mậu trả lời gọn:”Con bà thứ 2”.

Bình nghĩ những câu trả lời đã đúng lắm rồi nhưng vẫn còn chưa chắc ăn, anh hỏi tiếp:

” Cha anh qua đời khi nào và chết làm sao?”

Chưa bao giờ Bình kể cho ai ở Mỹ biết là cha anh bị giết thế nào, nhưng đó là hình ảnh còn sót lại mà anh nhớ rõ nhất. Mắt Mậu buồn, nhìn xa xăm, héo hắt…Anh từ từ kể lại là cha anh đã bị giết vào tháng 9 năm 66. Ông bị bắn gục bỡi những người lính Mỹ phục kích ban đêm tại một nơi gần căn nhà của ông. Bình không thể ngờ những lời mình đang nghe. Tất cả những gì Mậu nói nãy giờ đúng phóc sự thật. Chỉ còn một câu hỏi chót sẽ cho anh biết chắc có phải người đàn ông đang ngồi trước mặt mình là người em ruột đã thất lạc từ lâu.

“Chuyện gì đã xảy ra trong buổi lễ tống táng cha anh?” Bình hỏi.

Trong tiềm thức anh, có một hình ảnh thật ghê rợn, kinh hoàng mà anh đã cố đè nén, che dấu đi từ 24 năm qua…

…”Nơi nào là hướng Bắc?” Ðứa bé tên Bình hỏi người người em trai nhỏ. Ông nội thường bảo là cái hướng chôn người rất quan trọng, phải nhắm cho đúng hướng Bắc để đặt đầu người chết theo hướng đó. Những người theo đạo Phật dạy như vậy. Em Mậu còn nhỏ đâu có biết điều này.

Những trai tráng và đàn ông trong làng đã bỏ đi lâu rồi vì chiến tranh. Những người đàn bà góa và trẻ con thì trốn trong những căn nhà chòi tranh, hoảng sợ trong im lặng vì tiếng súng nổ đêm qua. Tiếng tre gìa rít vi vu trong gió mạnh. Không một thứ tiếng động nào khác. Cả một miền quê yên lặng đến rợn người.

“Chạy ngay về nhà hỏi người lớn”, Bình lay dục đứa em trai. Nhưng Mậu không nhích được cái chân vì quá sợ hãi nếu Bình không cùng đi theo. Bình thì không thể bỏ đi được vì xác cha đang nằm đó, những con thú bìa rừng đã ngửi thấy mùi máu tanh. Thân thể người Cha gầy ốm găm nhiều mảnh đạn được cuộn trong manh chiếu rách mà bao nhiêu năm gia đình đã dùng để dọn cơm ăn. Hai chân người cha nằm cong queo thò ra khỏi chiếu như hai cái que cây.

“Chạy đi, anh lạy em, chạy nhanh lên”, Bình dục và xô vai đứa em. Hai anh em đẩy qua đẩy lại, Mậu khóc thút thít. Tức giận và gần như muốn khóc, Bình sừng sộ và lấy hết sức xô ngã đứa em. Mậu đứng dậy, lấy tay phủi đất, quệt mắt, chạy nhanh về nhà rồi vội chạy ra cho Bình biết nơi nào là hướng Bắc.

…Ðào một cái hố đủ lấp thân thể Cha trong ruộng mía và thuốc lá trồng lẫn. Hai anh em kéo thân thể người Cha ra khỏi vườn chuối và đã bỏ xuống huyệt, lấp vội, đầu quay về hướng Bắc…

+++

Trên chiếc ghế sau của chiếc xe Nissan, Mậu rươm rướm nước mắt trả lời câu hỏi của Bình: “Chúng tôi còn quá nhỏ, không biết nơi nào là hướng Bắc để chôn cha…”

Bình bước ra khỏi xe. Anh cũng nắm tay Mậu bước ra cùng anh. Hàng chục cặp mắt những người trong xóm tò mò, đứng nhìn hai anh em chầm chập. Bình ôm chặc lấy vai em trai, và lần đầu tiên trong đời, từ lúc mất đôi chân, Bình đã khóc nức nở.

+++

Bình đã trở lại Mỹ 10 ngày sau đó và lái xe đến thẳng nhà gia đình ở Radnor vào khoảng 4 giờ sáng. Có quá nhiều chuyện để kể về chuyến đi. Chỉ có đứa em gái tên Joan thức dậy sớm, mắt vẫn còn ngái ngủ. Ðợi Joan ngồi vào ghế, Bình từ từ kể chuyện về quê và đã gặp em trai thế nào. Anh cho Joan nhìn những tấm hình đã chụp có hai anh em, và tấm hình có đứa em gái cùng cha khác mẹ. Hình chiếc xe chất đầy 11 người đi về thành phố Qui Nhơn lần đầu tiên mở tiệc ăn mừng. Bình chỉ cho Joan xem từng tấm hình, như những tấm huy chương quý gía, và anh kể cho cô em nghe những mẫu chuyện thật của đời mình.

Anh đã rời vùng Chánh Ðỗ từ năm 67, gần 1 năm sau khi cha qua đời, vì không chịu nổi cảnh khắc nghiệt mẹ ghẻ con chồng, của hai bà mẹ còn lại. Họ đã đánh đập, hành hạ, chửi mắng anh mỗi ngày. Khi Bình bị tai nạn là lúc anh mới 12 tuổi, đã đi xa nhà chừng 20 dặm. Anh chăn trâu cho một nhà nông, làm ruộng, đổi cơm.

Có 2 câu chuyện những người lớn biết kể lại về trường hợp anh mất đôi chân như thế nào. Người nhà thì bảo là anh bị xe đụng khi đang chăn trâu gần bên đường quốc lộ. Có người hàng xóm nói là anh đã đi vào những đống rác của quân đội Mỹ bỏ đồ phế thải, một việc mà trẻ em nghèo thời đó thường làm để mót ve chai, bao nhựa, thức ăn thừa, quần áo cũ…và anh đã bị xe chở rác cán ngã.

Không biết câu chuyện nào là thật, nhưng mọi người đều nói đúng một điều là sau tai nạn, lính Mỹ đã đưa ngay đưá bé gãy đôi chân vào trạm cứu thương gần đó để cầm máu, rồi chở thẳng ra Ðà Nẵng bằng máy bay, sau đó đưa vào Sài Gòn. Tất cả những người thân gần nhất của Bình đều qua đời, không ai chăm sóc cho Bình. Cũng như hàng vạn đứa trẻ khác trong thời chiến tranh, đứa bé cụt mất đôi chân đã bị cuốn vào giòng cuả con sông chiến tranh cuồn cuộn chảy.

Rồi tất cả mọi người trong nhà Scott đều biết chuyện thật của cuộc đời Bình. Nhưng vẫn còn một câu chuyện chưa kể hết là ai đã sát hại cha mình. Câu chuyện quá phức tạp, đau đớn, khó khăn lắm Bình mới dấu được trong suốt 24 năm qua, giờ có nên kể hết ra không? Phải đợi 8 tháng sau khi về lại Mỹ Bình mới thố lộ sự thật.

“Ba Má nghe con nói đây, con có điều muốn thưa với gia đình” Bình đã mạnh dạn nói với ông bà Scott như vậy vào một ngày tháng 9 tại căn nhà ở Radnor.

“Khoan nói đã, để Ba đoán thử xem nè, có phải con sắp lấy vợ không?” Ông Scott cười đùa.

“Không, thưa ba, điều con nói là chuyện rất buồn chứ không vui” Bình đưa Ba Má ngồi xuống ghế ở gần nhà bếp rồi trịnh trọng, từ tốn kể lại câu chuyện Cha mình đã bị bắn chết bỡi những người lính Mỹ.

Cha của Bình đi ra ngoài đêm hôm đó đã quá giờ giới nghiêm. Lúc đó Bình nghĩ là Cha đi lên thăm mấy thửa ruộng trồng khoai lang nếu không những con heo rừng kéo về phá nát. Có những người trong làng mách với làng xã là Cha của Bình thường lén đem gạo muối vô rừng tiếp tế cho Việt Cộng. Cũng như những người dân quê khác, việc làm đó chẳng có gì là lạ vì những người ẩn nấp trong núi kia đa số là cha, anh hay con trai của họ. Họ liều mạng tiếp tế, một phần vì thương mến, kính phục, một phần vì lo sợ nữa. Có thể đêm hôm đó Cha của Bình đã lẻn vào rừng để tiếp tế không chừng. Ðó là cái giá phải trả của những người dân quê nghèo muốn sống yên ổn làm ruộng nuôi gia đình nơi vùng xôi đậu.

Bình đã nhớ rất kỹ những chi tiết này từ ngày đầu đến trọ ở Radnor là một trẻ mồ côi. Anh nhớ rõ những người lính còn dùng những thân cây chuối đốn ngã chất chung quanh và chồng lên xác đầy vết đạn, máu chảy đã khô, của người Cha ở khu vườn gần căn nhà xụp xệ. Có thể nào câu chuyện đau lòng này giờ khơi động lại sẽ ảnh hường đời sống ở Mỹ của anh? Liệu gia đình có hiểu nỗi dằn vặt đớn đau mà bao lâu nay anh không muốn nói ra? Nhưng đã dấu kỹ sao giờ lại nói ra, có ích gì?

“Ba Má không có ý nghĩ gì khác khi nghe con nói hết sự thật đâu Bình ạ!” Ông Scott ôn tồn an ủi con trai: “Ba muốn nói không có gì khác có nghĩa là tình cảm của mọi người trong gia đình này đối với con vẫn sâu đậm như trước sao nay vậy. Ba Má chỉ muốn giúp một đứa trẻ tàn tật, bất hạnh, cần sự giúp đỡ. Những gì đã xảy ra với Cha Mẹ nó trong quá khứ không quan trọng đối với Ba Má để cần biết tới…”

+++

Ðỗ Bình Scott không giàu có lắm nhưng anh rất rộng rãi với những người thân trong gia đình vừa tìm lại được ở quê nhà. Anh đã gởi về quê hàng chục ngàn đô la mỗi năm cho gia đình có thêm tiền mua thêm thúc ăn, cho cô em gái cùng cha khác mẹ đến trường học nghề may, giúp Mậu mua một chiếc xe gắn máy làm nghề xe thồ, và cho những đứa cháu thêm áo quần, sách vở đến trường. Anh đã xây lại căn nhà thật khang trang cho Mậu có nơi thờ phượng người nhà đã khuất. Còn biết bao nhiêu nhu cầu khác của bà con hàng xóm xin xỏ mà anh không nỡ chối từ. Tấm lòng hảo tâm đã làm cho anh phải bớt đi những chi tiêu không cần thiết để dành giúp đỡ họ. Biết tốn nhiều tiền nhưng anh không thể để mất những người thân một lần nữa khi đã tìm ra họ sau một thời gian thất lạc nhau.

Tết Quý Dậu, năm 1993, một lần nữa Bình lại lên đường Trở Về Quê Cũ.{jcomments on}


 

 

 

25 thoughts on “Trở Về Quê Cũ

  1. Nguyên Lương

    Gởi thân hữu HX,
    Tình cờ hôm qua thăm các thân hữu bên Cali vào dịp Tết, có người bạn muốn đọc lại truyện “dài” này mà mình đã cho đăng trên báo năm 1993, nên mình nhờ HX gởi đến các bạn. Khi viết truyện này, theo lời kể của nhân vật chính, mình chỉ có một ý nghĩ: đây là câu chuyện thật cảm động, viết về một người thanh niên ở Mỹ tàn tật, có quê ở BÐ. Mình viết lại y nguyên theo lời kể, không thêm một chi tiết nào. Không ngờ khi đăng trên báo Ngày Nay ở Houston, một làn sóng chống đối thật dữ dội, họ buộc tội tác gỉa: nói xấu người Mỹ sát hại dân lành trong thời chiến, nói xấu những người lính quân đội Miền Nam, nói tốt cho Việt Nam để kêu gọi Việt Kiều gởi tiền, mời về thăm quê cũ. Và thế là bao nhiêu lời lẽ căm hận từ nhiều người đổ lên đầu tác gỉa. Ðến năm 94, sau khi mãn hạn công việc ở Á Châu, mình có ra mắt một tập bút ký gần 400 trang viết về những kinh nghiệm khi về lại VN làm việc. Và lần này cuốn sách “Con Ðường Trước Mặt” trở nên qúa nổi tiếng và 1000 cuốn được bán sạch trong vài tuần vì người viết bị lên án nặng nề là thân Cộng. Bạn bè xa lánh, người thân dè chừng và đi đâu mình cũng bị người ta xoi mói, tò mò, rẻ rúng.
    Hơn 20 năm sau, bao nhiêu nước chảy đã qua cầu. Bình bây giờ đã có cuộc sống thật ổn định ở Mỹ cũng như mình. Quê nhà cũng đã có nhiều thay đổi và tình người Việt trong ngoài không còn nghi kỵ nhau nhiều như xưa. Câu chuyện bây giờ chỉ còn là một câu chuyện kể cho vui.
    Ðọc lại câu chuyện sau hơn 20 năm các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết những gì xảy ra thời đó. Với mình, mỗi lần đọc lại câu chuyện là một lần rơi nước mắt. Không như Bình đã mất đôi chân trong thời chiến, mình vẫn lành lặn bản thân, nhưng từ ngày xa quê nhà, mình đã mất đi một phần hồn, một phần xúc cảm trước những mất mác, và nhất là trước những cáo buộc vô tình có ý tàn nhẫn.
    Mời các bạn đọc câu chuyện đã làm mình “khổ” không ít vì dư luận một thời.
    NL

    Reply
  2. Nguyễn Văn Thái

    Lương thân mến,
    Scott Bình là người đã cung cấp trụ sở ở South Phila cho anh và Bằng làm việc cho Hội Tương Trợ Người Việt vùng Phila và Phụ Cận những năm 80’s. Bình ở trên lầu và trụ sở Hội ở tầng dưới. Lúc này Bằng và anh để anh Cương làm Executive Director cho Hội và ban đêm thì làm foreman cho Bình. John Balaban, anh cũng có biết, đã dịch một số Ca Dao sang tiếng Mỹ, một thời có dạy học ở Đại Học Cần Thơ.
    Câu chuyện của Scott Bình thì anh cũng có biết qua, nhưng không chi tiết như bài của Lương viết. Bài viết có tính văn học, phản ánh những phức tạp của tình người (conditions humaines) và những khắt khe của lịch sử.
    Những phê bình thân cộng, chống cộng thì anh xin miễn bàn vì thường bị giới hạn bởi điều kiện hoàn cảnh và khả năng của người phê bình, khó đạt được tính khách quan.
    Cám ơn,
    Thái

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Kính Thầy,
      Một người không được toàn vẹn thân xác như Bình đã làm được nhiều hơn chúng ta đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Cũng vì lòng tốt và giúp đỡ mọi người vô điều kiện mà Bình đã bị nhiều người lợi dụng. Thế mà anh vẫn làm, vẫn giúp. Anh nói người dân Mỹ khi giúp mình họ cũng giúp vô điều kiện thì tại sao mình là người Việt với nhau lại phải suy nghĩ nọ kia. Trái tim Bồ Tát của Bình ít ai có được. Em rất hãnh diện vì biết rất rõ con người tuyệt vời này.
      NL

      Reply
  3. LamHồng

    Nẻo đời

    Nước mắt rơi trên những nỗi đau
    Với bao oan nghiệt bỡi vì sao
    Hai cầu ân oán sao liền nhịp
    Ký ức đeo mang những dãi dầu

    Hờn oán bi thương nghiệt ngã ơn
    Đường sinh, nẻo tử biết sao tròn
    Ai gieo nghiệp nợ đời ta gánh
    Ranh giới hững hờ sợi tóc con

    Khắc khoải mang thân một kiếp người
    Nợ mang trần thế dễ mà nguôi
    Cớ gì kẻ thắng đời tàn tạ
    Gánh nợ đeo mang đến rã rời

    Tại sao câu hỏi mãi tại sao…?
    Nghiệt ngã oan khiên bỡi lẽ nào…!
    Can cớ vì sao không phát triển
    Nước ta đâu thiếu những anh hào

    Sao không Do Thái, Nhật, Hàn, Sing
    Đập chuột dám đâu sợ vỡ bình
    Để nợ còng lưng dân gánh hết
    Còn ai hạ cánh nhẹ riêng mình

    Chỉ mành mờ ảo oán cùng thù
    Nẻo đến tương lai cứ mịt mù
    Chưa biết trăm năm mơ đến được
    Mà đưa dân tộc nẻo phiêu du

    Một cái chung mờ hại nổi riêng
    Đọa đày khuất tất với oan khiên
    Đường mờ nẻo tối đi đi mãi
    Mê lộ cay chua đắng nỗi niềm

    Tám mươi năm đô hộ còn đau
    Tuyến lửa đạn bom ba chục sau
    Nấm mộ trải dài vun khắp chốn
    Còn bao người chết chẳng vì sao

    Sau bốn mươi năm cuộc chiến tranh
    Đau thương vẫn cứ có cam đành
    Đốc-tơ ruồi bày cho dân uống
    Độc tố Tàu ăn chết thật nhanh

    Làm sao nói hết những oan khiên
    Đau đớn vô tình có phải riêng
    Sao mắt chẳng nhìn tâm chẳng vọng
    Cứ hoài ảo tưởng mộng triền miên

    Reply
  4. Nguyên Lương

    Cảm ơn Anh Lam Hồng đã gởi cho đọc bài thơ. Những bực dọc của anh đã có nhiều người nghe và hiểu. Nhưng bực dọc thì ích gì trong thời buổi này. Chúng ta có quyền nguyền rủa nhưng bóng tối vẫn còn đó. Thà đi thắp lên một ngọn nến như Ðỗ Bình, còn hơn phải không anh.
    NL

    Reply
  5. nguyentiet

    Câu chuyện về Bình Scott của anh Nguyên Lương rất hay và em rất xúc động khi đọc. Tấm lòng , tình cảm của anh cũng như của Bình Scott đã luôn hướng về và đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho quê hương mình dù bị bao nhiêu “búa rìu” của sự đố kỵ và sự hẹp hòi của một số người ở hải ngoại.Cảm ơn anh . Năm mới chúc anh và gia đình luôn an lạc hạnh phúc.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn cô giáo.
      Lâu qúa anh em mình mới gặp nhau ở đây. Ngày xưa anh không làm chỉ viết. Ngày nay thì chỉ làm không viết nữa. Ðây là bài cũ, nhưng với anh và với những người thiết tha với đồng bào mình không cũ chút nào. Trong anh có một chút máu của Bình, nhưng không bằng 1 góc. Viết về Bình là để tung huê cái gương của anh. Tấm gương thật sáng để cho anh nhìn thấy mình thật nhỏ bé trong đó. Chúc cô giáo vui với những ngày Xuân muộn và một năm mới nhiều may mắn.
      NL

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Hi Khỏe,
        Khi anh viết bài này (1992) thì hình như em còn đang ở trong Việt Nam. Em có biết đâu, với môi trường đúng, với sự giúp đỡ và thương yêu của gia đình, em đã đi đến tận con đường em vạch. Bình nhỏ hơn anh nhưng lớn hơn em, và chúng ta đều có sự may mắn và sự giúp đỡ đó.
        Cũng như Bình, anh em mình ráng đem lại chút gì cho những người đồng bào kém may mắn. Giải học bỗng Nhơn Lý của em là một phần. Chúng ta, cùng với Bình, thắp một ngọn nến, dù đang đi trong đêm, nhưng ít ra cũng biết mình đang đi đâu và sẽ đến đâu. Khi nào đến cuối đường hầm, ánh sáng soi rọi, lúc đó ngọn nến không còn cần nữa. Ngày đó không xa.
        Sao, chừng đó đã đủ an ủi em của anh chưa đấy!
        Chúc vui và hạnh phúc nhiều trong năm mới
        NL

        Reply
  6. TT Hieu Thao

    thanks anh NL Thảo đã coi rất kỹ bài viết thuật chuyện và kể chuyện cuả anh qua tác phầm “TVQC”.
    Anh NL! Văn học luôn vượt ra giới hạn của tri thức chính trị.Nó không bĩ kìm hãm… Nó sẽ không bao giờ lỗi thời, dù mượn bối cảnh lịch sử làm nến. Chắc anh biết! Ngay cả tác phẩm hay xuất sắc nhất nhì thế giới vẫn không tránh khỏi sự soi mói hay bất đồng một số người. Như “cuốn theo chiều gió” và một vài tác phẩm khác… Ai nó gì mượt, Qua tác phẩm, anh NL có cái nhìn rộng mở về văn học, cũng như tính nhân văn anh mới chạm được trái tim Bình và viết ra như thế… Những nổ lục và thành công cũng như tâm hồn cao đẹp cũa Bình đáng nể ,đáng khâm phục .”Trong một bài luận văn cao học tại trường Eastern, anh đã đặt câu hỏi cho chính mình: “Bình, liệu mày có thể giúp gì cho những người đồng hương này không?”. Rồi chẳng bao lâu, anh bỏ làm việc cho hãng hoá chất Dupont với tiền lương cao. Anh bán cái nhà đẹp, bán chiếc du thuyền và với sự giúp đỡ thêm của gia đình Scott, anh đã thành lập một công ty do chính mình làm chủ. Công ty có tên là The Eastland Janitorial Sevices, chuyên thầu các dịch vụ rửa nhà, dọn dẹp rác, chùi cửa kính cho các cao ốc, văn phòng làm việc cho các công ty lớn và trường học. Nhân viên của anh là những người Việt mới qua Mỹ, chưa rành tiếng Anh, anh trả cho họ số lương hậu hĩnh. Anh chiếm đưọc nhiều cảm tình và ủng hộ của khách hàng và một trong những nơi cần dịch vụ của anh đó là ngôi trường tiểu học nơi anh mới đặt chân đến vùng Radnor. (Trích dẫn ) Chiến tranh Mỹ pháo kích nhầm là thường! Chi tiết đó thật và hay, cùng với sự tàn ác của chiến tranh và gây cảm động. Chúc anh bà xã vui trong mọi ngày: day,everyday happy!
    Em
    TTHT

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Gởi Hiếu Thảo,
      Câu chuyện này anh đã viết rất ngẫu nhiên. Số là năm 90 về VN làm việc, đi đâu bạn bè trong nước ai cũng hỏi mình về người Mỹ, cuộc sống ở Mỹ và Việt Kiều sinh hoạt ra sao. Không biết trả lời thế nào cho đúng. Tình cờ đọc trên báo Tết năm 92, có bài viết ngắn về chuyến về thăm nhà của Ðỗ Bình. Mình đọc thấy hay hay, và cũng đã biết nhiều về Ðỗ Bình qua những công việc thiện nguyện của anh, mình liên lạc hỏi thăm và qua những lời tâm sự, mình viết lại câu chuyện về cuộc đời anh. Viết để gởi cho các bạn trong nước đọc cho họ hiểu người Mỹ hơn. Những gì người Việt biết về nước Mỹ là qua chính sách, chứ không phải là tâm tình của họ. Câu chuyện của Bình có nhiều chi tiết để mình dựa vào đó nói lên những gì ngươì dân Việt Nam trong nước cần biết. Bản thân mình cũng được may mắn có sự giúp đỡ như thế, và viết bài này là để cảm ơn những ân nhân. Những ngươì âm thầm trong bóng tối làm việc cao cả.
      Bài viết không nhằm mục đích gì khác ngoài gởi gắm một thông điệp cho những ai quan tâm. Khi bài viết tung ra trên báo hải ngoại thì những ai không hiểu dụng ý tác gỉa, họ đều nhìn qua lăng kính khác. Thế là một làn sóng chống đối nổi lên, làm cho tác gỉa và câu chuyện được “nổi tiếng” theo. Họ không thấy cái mà mình gởi gắm, và cứ thế hướng câu chuyện qua sự hận thù khác, mà lẽ ra khi viết mình đã có ý ngược lại.
      Nhưng thôi, gần 25 năm nhìn lại, tâm thức của ngươì Việt về cuộc chiến tranh cũ đã tàn lụi qua năm tháng. Ðọc lại để không quên mà để nhớ, đàng sau sự tàn ác của chiến tranh, có những câu chuyện thật đẹp. Người Mỹ là hiện thân của chết chóc, bom đạn. Và ngươì Mỹ cũng là những thiên thần đi cứu người. Nhìn 2 mặt của vấn đề ta thấy ngay điều gì cần rao giảng và điều gì không. Tính nhân đạo giữa con người với nhau là muôn thuở, là vĩnh cửu phải đưọc tuyên dương.
      Cảm ơn HT đã đọc và cho lời bình rất thật. Chúc vui.
      NL

      Reply
  7. Kiều Thanh

    Người khuyết tật nổ lực làm nên danh phận nơi xứ người không thiếu nhưng trường hợp của Đỗ Bình lại là một trường hợp đặc biệt.Khi guồng máy chiến tranh tàn nhẫn san phẳng tất cả, tạo ảo giác để con người chối bỏ quá khứ thì người thanh niên nầy ngoài việc nâng cao tri thức và cuộc sống vẫn không ngừng lật đống tro tàn tìm nguồn cội. Viết đến đây tôi lại nhớ tác phẩm Roots: The Saga of an American Family của nhà văn Alex Haley. Tôi đã khóc khi đọc những giai đoạn thăng trầm của nhà văn gốc Phi trên hành trình ” Cội Rễ “thì nay rất rất xúc động khi đọc bài viết của Nguyên Lương. Đông -Tây đã gặp nhau trong ý thức hệ đầy tính nhân bản. Khi một tác phẩm văn học ra đời tác giả nên định hình những khen chê phải đối diện và điều này đã xảy ra cho Nguyên Lương nhưng bạn yên tâm thời gian đã khẳng định sứ mệnh văn nghệ và giá trị đứa con tinh thần của bạn .

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Hi Kiều Thanh,
      Ðọc lời bình của bạn mình nghĩ bạn nhìn vấn đề rất sâu sắc và rộng lượng. Cuộc chiến nào cũng để lại đau thương, mất mác. Những đổ vỡ có thể xây dựng lại, những người chết cũng được yên mồ, nhưng những người sống thì mang mãi trong người một vết thương. Vết thương đó, qua thời gian có hàn gắn được không, là do mỗi người, mỗi hoàn cảnh mà làm được. Tuổi của Bình nhỏ so với cuộc chiến thời ấy nên đã để lại vết thương và đôi chân ở quê nhà. Ðến Mỹ, mất đôi chân, bù lại Bình được cho tất cả để thành người hữu dụng. Hơn thế nữa, cậu bé không một chữ trong đầu, tàn tật ấy, đã được nước Mỹ cho cơ hội để lấy lại những gì đã mất hơn ngàn lần. Thử tưởng tượng, một người như Bình, còn ở lại quê nhà thì bây giờ anh là ai trong đám người lê lết kiếm sống qua ngày. Kỳ diệu là anh không bỏ cuộc, không ngồi đó nguyền rủa, mà tự đứng lên, làm những điều kỳ diệu. Câu chuyện cho ta thấy hai điều chính:
      – Nếu có cơ hội, có giúp đỡ, ai cũng có thể làm nên những kỳ tích nếu cố gắng.
      – Là con người, không kể màu da chủng tộc. Giúp là giúp không điều kiện, không suy nghĩ xa xôi, làm phần mình để cứu vớt được ai là điều may mắn

      Chiến tranh có thể làm tan nát hết mọi thứ, làm tăng thêm thù hận. Nhưng sau chiến tranh thì điều gì xảy ra: tất cả chúng ta đi làm công việc hàn gắn lại đổ vỡ. Caí khó nhất là nối lại tình người. Làm được công việc ấy, qua thời gian, không ai còn nhớ đến sự tàn độc của chiến tranh nữa.
      Cảm ơn Kiều Thanh. Ðầu năm ta nói chuyện với nhau như thế này hẳn lòng cũng nhẹ đi đôi chút phải không. Nhìn nhau như nhìn những bông hoa xuân đang nở. Một năm sẽ rất đẹp trước mắt chúng mình.
      NL

      Reply
  8. Bích Vân

    Câu chuyện thật cảm động, người ta thường đi lên bằng đôi chân của mình nhưng nhân vật của anh có lẽ đi lên bằng bộ óc tuyệt vời.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn Bích Vân,
      Ðỗ Bình mà nghe câu nói này của Bích Vân chắc anh chàng thích lắm.
      Trong vùng Philadelphia mình ở ai cũng biết Ðỗ Bình và những việc làm từ thiện của anh. Ðỗ Bình đã thực hiện đúng câu nói của người Mỹ thường nói: “Pay forward instead of pay back” nghĩa là ai làm gì giúp ta thì thay vì ta tìm cách trả lại ơn đó thì mình đi giúp người khác.
      Thử hỏi một đứa bé chăn trâu ở Việt Nam có biết ý nghĩa này không nếu không được giáo dục, dạy dỗ và những tình cảm yêu thương dành cho nó. Môi trường tốt còn phải có xã hội tốt, con người tốt thì những điều kỳ diệu xảy ra. Ai trong chúng ta nếu được cho và nhào nặn nên như thế sẽ làm như thế, không thể làm khác hơn. Những gì Ðỗ Bình làm là phản ảnh lại việc mà gia đình Scott đã làm cho anh.
      Nghĩ thế nên các bạn trong nước cũng nên tự nhủ rằng: Chẳng có gì ghê ghớm khi nghe nói Việt Kiều này, anh kia, chị nọ… đạt được những thành qủa tuyệt vời: Tất cả là nhờ cơ duyên mà ta làm nên thôi.
      Chúc vui.
      NL

      Reply
  9. Tran Kim Loan

    Đọc bài viết của anh rồi đọc những comment của các bạn TKL chỉ biết nói cám ơn anh cho đọc một bài rất hay, rất sâu sắc với nhân vật Bình thật tuyệt vời…
    Năm mới chúc anh & gia đình an vui hạnh phucd !

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn Kim Loan,
      Lâu nay mình bận nhiều những công tác xã hội, từ thiện và văn hóa nên không thường xuyên vào Hương Xưa và không co bài mới.
      Bài này tuy cũ, nhưng mới với những người mới đọc như Kim Loan. Chúng ta tuyên dương những cái đẹp tâm hồn này để còn biết chung quanh ta có rất nhiều người âm thầm làm những việc ý nghĩa. Làm để tự an ủi là ta làm được điều gì, còn hơn là ngồi đó nhận cái buồn gặm nhấm qua ngày tháng. Không cần phải làm nhiều, làm được chút nào vui chút ấy. Chúng ta là những người may mắn, chia xẻ với những người kém may mắn một chút mình có là đời đã sắp được bình đẳng rồi phải không?
      NL

      Reply
  10. HN Tín

    Anh Lương thân thương!
    Đầu năm anh cho đọc truyện dài đọc muốn hụt hơi nhưng hay và cảm động lắm. Một câu chuyện đời thường có thật qua lời kể của một người.
    Chiến tranh khốc liệt gây bao cảnh tang thương mà lứa tuổi của anh em mình chính là chứng nhân lịch sử.
    Đánh giá sự vật hiện tượng thì tuỳ chỗ đứng và hoàn cảnh cụ thể của từng người mà mỗi người có nhận định khác nhau nên cũng không nên trách những người đã lên án anh làm gì.
    Cứ như cậu Bình sống vị tha thì cuộc đời đã đền đáp cho cậu ta xứng đáng và cậu ta đáng được hưởng như vậy.
    Chiến tranh không cần cho ai cả, nó chỉ đem lại chết chóc tang thương nó chỉ phục vụ lợi ích cho một số ít người còn phần đông là bị lợi dụng.
    Năm mới chúc anh và gia đình một năm mới đầy niềm vui, sức khỏe an lành và hạnh phúc.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Chú Tín,
      Những người như anh em mình xa quê hương để còn có bao nhiêu lần nhìn về nơi chốn ấy mà đau. Bây giờ, chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, không ai còn nhớ tiếng pháo kích, tiếng đạn xé trong đêm như thế nào nữa mà chỉ còn thấy những khuôn mặt lầm lì, lam lũ, đau khổ của những người bị bỏ lại đàng sau.
      Về VN anh không nhìn những toà nhà cao, những chếc xe hơi bóng lộn chạy ngoài đường, vì hình ảnh đó đã qúa quen thuộc ở đây. Anh chỉ thấy đâu đó vẫn còn những người như gia đình của Bình thời còn chiến tranh. Họ còn đói, rách và cơ cực lắm!
      Họ sống, chẳng hiểu tại sao mình sống trong cõi đời này.
      Nhìn thấy cảnh đó rồi đi ra, mang theo nỗi buồn khôn tả đó.
      Anh đã quên hết những thù hằn, những đả kích của nhiều người vẫn chửi vào mặt anh mỗi khi làm từ thiện, xin tiền giúp cho những đứa trẻ không có cơ may đến trường. Họi nói “Cái thằng chết tiệt này cứ lấy tiền Việt Kiều cho con Việt Cộng”. Tại sao họ không dùng chữ “xin tiền người Việt để giúp người Việt”. Tuy con số đó cũng nhiều, nhưng những người tiếp tay với mình, cùng mình làm việc này nhiều hơn nên anh không thấy cô đơn. Có những người như em, như các bạn trong HX tiếp tay, chúng ta không còn thấy sự phân biệt, rẻ rúng và thờ ơ nữa. Họ đã biết nghĩ và biết phải làm gì rồi. Với anh đó là thật sự là hạnh phúc, là niềm vui khôn tả.
      Chúc em và gia đình vui nhiều trong năm mới .
      NL

      Reply
  11. Quốc Tuyên.

    Cám ơn anh Nguyên Lương đã kể câu chuyện về Scott Bình, một người thật tuyệt vời, những việc làm tương thân tương ái của anh ấy đã cứu giúp bao cuộc đời, bao gia đình. Cảm ơn những tấm lòng vàng của các anh luôn hướng về quê hương, em nghĩ đã làm việc thiện thi ai đâu nghĩ đến mục đích nầy nọ, chẳng qua chỉ một số người ưa đã kích, lắm chuyện, chỉ là những hạt muối bỏ biển thôi, đừng bận tâm anh NL ơi!

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Hi Quốc Tuyên,
      Cho dù ở đâu, làm công việc gì, người có tâm tốt đều làm việc tốt.
      Công việc đó không để vinh danh hay được người đời ca tụng, mà để cho lòng mình nhẹ nhõm như trả lại được cho đời món nợ đã vay. Món nợ nhờ ai mà ta có được cuộc sống bình yên, gia đình hạnh phúc và làm điều mình muốn làm. Ðược có cơ hội làm những điều ấy cũng là nhờ ở cái duyên chứ không chỉ muốn làm là làm được.
      Câu chuyện Ðỗ Bình cho ta cái duyên đó. Bình tật nguyền mà còn làm được, tại sao ta lành lặn mà không làm. Khi viết truyện này mình học được ở Bình tấm gương ấy.
      Chúc Quốc Tuyên và gia đình thật nhiều may mắn trong năm mới.
      NL

      Reply
  12. Quế Anh

    Chào anh Nguyên Lương ,
    Câu chuyện anh viết về một con người rất cảm động , một người Việt hết sức đặc biệt : Bình Scott . Đặc biệt vì anh có một hoàn cảnh gia đình và tuổi thơ gian truân , cơ cực và đau thương…vì anh ta , một nạn nhân chiến tranh Việt Nam nhưng lại được chính người Mỹ cưu mang . Một điều đặc biệt lớn nhất ở đây là Bình được nuôi dưỡng trên đất Mỹ nhưng tâm hồn cốt cách Việt Nam . Nói thật , mới nhìn qua truyện ” Trở về quê cũ ” tôi cảm thấy dài ( vì đã có nhiều truyện ngắn ” lê thê ” ) nên thấy ngán …nhưng đọc đoạn đầu tự nhiên tôi phải cuốn theo . Đọc xong và tự nói nhỏ ” Nguyên Lương mà…” Anh đã rất dũng cảm , bài viết này tôi nghĩ những ai còn có cái nhìn thiển cận và quá cực đoan thì nên nghĩ rằng ” Trở về quê cũ ” đã và đang đi trước thời gian rồi chính họ sẽ hối hận .
    Cảm ơn anh đã cho thưởng ngoạn một câu chuyện bổ ích vô cùng !

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn anh Quế Anh đã đọc dù câu chuyện được viết gần 25 năm trước và được cho đăng trên HX gần 1 tuần rồi. Giống như anh QA nói, Tết năm 93, khi bài viết này đăng trên Ngày Nay của anh Trọng Kim, Houston một làn sóng chống đối dấy lên từ những người anh HO. Lúc đó, sau thời gian bị tù, họ được ra đi đến đất tự do còn mình thì sau hơn 15 năm ở đất tự do quay trở về nhà. Hai đất nước, nhưng 2 con đường trái chiều vì tuổi tác và kinh nghiệm đời khác nhau, có cái nhìn về quê hương cũng khác nhau. Họ chống mình không phải mình viết sai mà vì mình viết cái họ biết mà không muốn nói ra. Họ không muốn mình gợi lại chuyện Mỹ Lai nơi lính Mỹ giết chết gần 100 người lớn bé và đốt rụi cả một khu làng, vì chiến tranh vô tình là thế. Mình chỉ muốn noí đến 2 mặt của một vấn đề. Còn có những người Mỹ làm những việc không ai biết đó là vá lại những vết thương, tang tóc do lính Mỹ gây ra. Còn với Bình, dù mất đôi chân nhưng chưa mất tình gia đình, quê hương đất nước. Lẽ ra Bình sống hưởng thụ như một anh Mỹ con, sao lại phải dằn vặt, suy tư tìm về nơi mình sinh ra. Cái gì thôi thúc anh, cái gì lôi cuốn anh…âu đó cũng vì tình gia đình, tình người gắn bó. Sau chiến tranh, những người chết đã yên mồ, còn chúng ta sống đây với những chứng tích, với những vết thương. Caí cần làm là không để cho vết thường đó tiếp tục rỉ máu mà phải làm cho nó lành lại. Làm bằng cách nào, làm với ai….Tất cả chúng ta, trong ngoài, còn nợ dân tộc Nam Bắc câu trả lời ấy. Cảm ơn những người bạn như Anh, như Hiếu Thảo…đã đồng cảm, đồng hành trên con đường ta đi rao giảng yêu thương và cùng nhau đi trên con đường dân tộc để trở về quê cũ. Ở đó còn những gì chúng ta đang đi tìm. Nhìn về đó để biết mình còn có một quê hương đang chờ.
      Chúc vui,
      NL

      Reply
  13. Ðồng Thảo

    Anh Lương quý mến,
    Câu chuyện thật đau lòng và cảm động, đọc xong ai mà chẳng bồi hồi vì tính nhân bản và lòng yêu quê hương sâu đậm . Cảm ơn anh đã vận dụng lời văn giản dị, trong sáng mà vẫn không kém phần chau chuốt ý tứ để thuyết phục người đọc.
    Ðây qủa là món quà đầu năm đầy ý nghĩa,vô cùng cảm ơn anh Lương, mong có dịp sẽ đọc chuyện này đến thính gỉa của mình,
    thân mến,
    ÐT

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Chào Ðồng Thảo,
      Mỗi lần nghe những ca khúc ÐT hát và nhhững lần nghe đài phát thanh …mình lặng người nghe tiếng cô bạn từ bên Miền Tây nhỏ nhẹ rót vào tai những âm thanh từ quê hương…không quên được.
      Anh em mình có lòng và tấm lòng ấy thể hiện ra từng câu văn, lời thơ, tiếng hát. Chúng mình như con chim Quốc đậu cành Nam hót mãi những làn điệu nhớ nhung da diết. Ai làm công việc nấy, tất cả là cùng đi bên nhau nối lại tình người. Cho tới hôm nay, sau gần 100 năm thực dân đô hộ, 30 năm Nam Bắc giết nhau và 40 năm im tiếng súng, nhưng đâu đó vẫn còn người Việt không nhận người Việt là đồng bào. Còn nhiều trở ngại, nhiều cản trở để dân tộc ta đến với nhau đoàn kết. Chính vì thế mà chúng ta chưa đủ mạnh. Chúng ta thiếu cái tình dân tộc, nghĩa quê hương…Chúng ta không thể là một khối nếu cứ nuôi mãi những hận thù ấy. Liệu những bài viết của mình, tiếng nói, lời ca của ÐT có làm được việc hàn gắn này không. Hy vọng là thế.
      NL

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.