Theo vết mùa thu – Kim Đức người bắt bóng chữ

+Đọc Nỗi Nhớ và mùa thu trong thơ Quế Anh

qua lời bình Kim Đức

Mùa thu là mùa của thơ ca, nhạc họa…biết bao thi nhân đã bạc đầu. Mỗi khi nhắc đến mùa thu văn nghệ sĩ và bạn đọc nhớ Tiếng Thu của  Lưu Trọng Lư trong tâm trạng khắc khoải nao lòng. Nhà thơ đã thả những sợi tơ vương vấn trong giai điệu mùa thu với ngôn ngữ xuất thần :

Em nghe không mùa thu!

Dưới trăng mờ thổn thức

Em nghe không rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ

Em nghe không rừng thu!

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô

(Tiếng Thu –Lưu Trọng Lư)

Hình như mọi lời Bình về bài Tiếng Thu đều phải ngưng đọng trước thế giới thực-mộng trong không gian nhiều chiều, tất cả chỉ quán tưởng theo bức tranh mùa thu. Ngôn ngữ phát xuất từ trái tim mùa thu thổn thức qua tâm hồn tác giả hòa quyện cùng bạn đọc, ngữ cảnh tưởng chừng lạc loài mà rạng rạng ánh trăng thu, thầm thì trong tâm thức bạn đọc đã gần thế kỷ.

Trong nỗi niềm tan hợp bạn đọc dễ nhớ ánh trăng trong khúc Chinh Phụ “Trống Tràng thành lung linh ánh nguyệt” tức là ánh trăng lung linh trên mặt trống hay vầng trăng đang là mặt trống. Ánh trăng và tiếng trống thúc giục người chinh phu  ra trận cùng nỗi lòng  của người chinh phụ trong buổi tiễn đưa. Lưu Trọng Lư đã khái quát chắc lọc ý niệm từ Đặng Trần Côn (bản dịch Phan Huy Ích), chuyển hóa tạo ra khung trời mùa thu lúc trầm khi động. Ta nghe âm thanh của lá với tiếng kêu xào xạc, “con nai vàng ngơ ngác … đạp trên lá vàng khô

Trong thế giới động vật Nai là một trong vài loài hiền lành nhất, tôi đã có lần mục kích thấy con nai ngơ ngác theo ánh đèn của thợ săn ở núi rừng Tây Nguyên . Tôi  bước nhè nhè đến gần mà Nai tiếp tục trông theo ánh đèn và gã thợ săn đành bỏ súng, nhìn mắt nai ngơ ngác tội nghiệp và nhớ bài Tiếng Thu …

Từ hình tượng khởi đầu trong thơ Lưu Trọng Lư đã tạo cảm hứng cho các nhà thơ Việt thế kỷ 20 và đến nay đã sáng tác biết bao tác phẩm đề tài tình yêu  trong trẻo, dễ thương với hình tượng Mắt nai, theo dấu chân nai …

Và biết bao nhà thơ từ trước tới sau đã cảm ứng mùa thu trong bức xạ tâm hồn, cho nhiều tác phẩm trong sắc thái rất riêng, lượm lặt đâu đó. Tôi còn nhớ:

Cuối ngày nắng rớt rạng thu

Lung linh ánh ngọc lời ru vội vàng

Sợi hè nán lại chưa tan

Rồi mai ngọn gió đa mang vào mùa

(Sớm Thu- N.N.H)

Cùng với các nhà thơ vội vã vào mùa thu hoạch, các nhà phê bình cũng vội vàng  đọc các tác phẩm của thi nhân để giải mã bí ẩn trong tác phẩm của họ. Nhà bình luận Kim Đức cũng không ngần ngại bình phẩm đề tài viết về mùa thu của nhà thơ Quế Anh :

Thu lại về vàng lá đổ đầy sân

chân vẫn bước mà tim tàn ngọn lửa

đêm vò võ một mình ta ngồi tựa cửa

ngó lên trời ngao ngán bóng Ngưu Lang

( Bốn mùa lạc nẻo – Quế Anh)

Quế Anh “ngao ngán…” như thất vọng chờ chiếc Ô Thước, thế mà Kim Đức đã làm nhịp cầu để nối nhà thơ – bạn đọc. Ta hãy nghe Kim Đức thả lời bình: “ …mùa thu – nỗi nhớ vẫn là chất liệu để hồn thơ Quế Anh bay lên cùng với cảm xúc thật nồng nàn và quyến rũ. Những câu thơ da diết nỗi nhớ mà khi đọc lên tôi vẫn thấy nghẹn ngào ”

Tôi cũng rón rén thả chữ cùng với Kim Đức: Trong đời sống thường đôi lần ta hụt hẫng , tâm hồn lắm lúc đơn côi kiếm tìm trong vô vọng. Nhà thơ Quế Anh đã khắc họa cho bạn đọc nỗi niềm ấy trong những lúc cô đơn, thất tình, tương tư…  Tôi thầm nhắc ừ! Mùa thu lá bay…? để chia sẽ cùng anh. Trong ý nghĩ bạn đọc lại nôn nao hình tượng thơ Ta – Em, ta là nam – em là nữ, vậy là phải chờ Chúc Nữ chứ ?. Thế mà nhà thơ Quế Anh chờ… bóng Ngưu Lang. Tôi tin chắc rằng Quế Anh không vô tình nhấn phím. Có khi trong đời thường anh đã là Nghệ Sĩ, Nghệ Sĩ ưu tú đi công diễn nhiều nơi. Cuộc sống hào hoa khi giao tiếp với nữ giới. Hoặc là do kỹ thật dùng thanh âm đã tạo thành hai thanh bằng (Ngưu Lang) cho ý thơ tan dần vào không gian qua làn sóng của thời gian… để ý thơ thêm dìu dặt .

Tôi không dám mạo phạm, nhè nhẹ  theo dấu chân người bình luận, trở về với lời bình của Kim Đức tiếp, cảm nhận thơ Quế Anh:
“Nỗi nhớ quê hương và sự trống vắng trong tâm hồn mình được tác giả diễn đạt bằng những từ “lặng lẽ/quạnh quẽ/vàng võ” đầy cảm xúc để nói lên nỗi lòng thi sĩ, người thì ở tận trời Tây mà hồn thơ thì đã về với quê nhà. Tôi rất hiểu mỗi người với mỗi phận đời chẳng giống nhau, cuộc mưu sinh khác nhau, nhưng khát vọng được về thăm lại quê hương vẫn luôn đau đáu trong lòng người viễn xứ:

Biết đến bao giờ ta trở lại em ơi
ước chạm thu quê một nụ hôn nhè nhẹ
và được bên em nghe nhịp tim thủ thỉ
ôi tuyệt vời sao … hồn ta ngập vàng thu!

(Đi tìm mùa thu quê)

Chỉ có đoạn thơ ngắn mà Kim Đức đã thể hiện lời bình thật tài tình, nỗi buồn hiu hắt của người không còn là công dân đất Việt. Lời bình phẩm của chị rất là sư phạm, với  ngôn ngữ mực thước của nhà giáo chân chính. Xin được chia sẽ nỗi cô độc cùng Quế Anh, đọc thơ đoạn này chắc trong ba triệu Việt kiều rất nhiều người cũng rưng rưng… Tôi chạnh nhớ chuyện Con Rồng Cháu Tiên, nhớ cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ…

Ngay khi đang ở trong lòng Tổ Quốc cũng có người  đơn côi  lạc lỏng trong thế sự trầm phù:

Giữa quê hương nhớ quê hương

Như con chim khách lạc vườn nhà ai

Tiếng kêu oằn ngọn tre gai

Gọi người mà chắc gì ai nhớ mình

( Chim Khách – Lê Ân )

Bạn đọc hãy tiếp nghe nỗi niềm của Kim Đức khi cảm khái về Mùa Thu: Mùa thu như níu chân người chậm lại, mùa của bao trái tim rộng mở, mùa như neo lại lòng người những buồn vui bất chợt và cảm xúc trong thơ Quế Anh  cũng thế. Tác giả  đã chắt lọc những cảm xúc buồn, vui của mình, đã viết bằng tất cả nỗi nhớ của người con tha hương để kết thành lời tình tự  đem dâng hiến cho người, cho đời bằng những vần thơ khắc khoải với một nỗi buồn man mác:

Anh ở bên này không tìm thấy mùa thu
thèm chút hương quê giữa trời Tây khó quá
ngồi lắng thật sâu để nhớ về xứ sở
ngan ngát quanh mình thoảng hương cúc nhẹ bay

(Đi tìm mùa thu quê)

Từ “thèm” trong câu thơ trên là thể hiện một khát vọng chân thành, thể hiện sự mong muốn tận hưởng những điều tốt đẹp và hạnh phúc mà con người luôn tìm kiếm. Hạnh phúc thật đơn giản là chỉ muốn nhìn thấy quê hương qua hình ảnh mùa thu mà anh cũng đã rất khó khăn để tìm thấy được, mặc dù trên đất khách trời Tây, cũng có sườn đồi, cũng có ong bướm như ở quê nhà, nhưng tác giả vẫn thấy cô đơn, trống trải:

Anh ở bên đây cũng có những sườn đồi
cũng có bướm ong, có thu vàng lặng lẽ
còn có cả anh bước chân buồn quạnh quẽ
đếm lá rơi vàng võ với thu người

(Đi tìm mùa thu quê)

Tôi ra khỏi tự ti tiếp tục theo vết chân của Kim Đức, chắc là không theo vết xe đổ. Mọi ủ dột trong tâm trí như được vén đám mây mù nhờ ánh đèn của người bình luận dẫn đường, để cảm nhận thơ của Quế Anh trong nỗi buồn hiu hắt .

Trong ngôn ngữ chắc chắn, tôi xin khẳng định rằng thơ Quế Anh về thể loại hầu hết là truyền thống, ngôn ngữ đời thường, phép tu từ khá, dễ đi vào lòng bè bạn. Tôi xin mượn thơ mình không phải để chia sẻ mà thổ lộ  nỗi niềm tức tưởi, trong bài Haiku:

Trăng tròn trăng khuyết

Ánh trăng ngu

Chưa tới mùa thu

(Khuyết – N.N.H)

– Cũng xin được chú thích để người khác không hiểu lầm nhất là nhà bình luận Kim Đức, Ánh trăng ngu là tác giả dùng ngôn ngữ ẩn dụ để nói về mình .

Tôi định kết bài theo chủ đề, mượn lời Hoài Thanh xin nói dứt khoát: “Dù có thiên tài đến gõ cửa không không mở, thế là Hoài Thanh phải tiếp nhà thơ Trần Huyền Trân …Còn tôi phải lắng nghe đoạn rất hay của nhà bình luận Kim Đức khi nói về nhà thơ Quế Anh:

Thơ Quế Anh vừa gần gũi, vừa chân thật, không cầu kỳ, cũng không được chưng cất bằng những ngôn từ  ẩn dụ độc đáo, mà thơ anh  thường buông thả cảm xúc với những ngôn ngữ hết sức bình dị, trong sáng nên trong từng câu thơ thấp thoáng  một chút duyên dáng, một chút  thơ mộng:

Em trở về ta lại đón mùa trăng
thoang thoảng đâu đây mùi hương tóc rối
vòng tay nhớ, lần tìm nhau rất vội
siết thật gần cho ấm lại ngày xa …!

(Em trở về)

Quế Anh đã tìm về quê hương trong nỗi nhớ……cảm xúc trào dâng trong lòng tác giả qua nỗi nhớ trăng quê nhà, nhớ hương tóc rối, nhớ vòng tay một  thuở……Nhưng có lúc tác giả lại thay đổi bất ngờ, cách tân về cách trình bày văn bản và giọng điệu, làm cho giọng thơ  như một lời tâm sự, ẩn chứa nhiều nỗi niềm mà ở đó cảm xúc và tâm hồn của thi nhân cùng hòa chung một nhịp điệu:

“Em ra đồng
chẳng áo tơi
Cơn mưa cuối hạ
tuôn rơi thình lình
Xót xa
tôi đứng lặng nhìn
Ướt em, ướt cả chữ tình trong tôi”

(Thương áo tơi mưa)

Cái tôi nhỏ xíu của mình cũng định tiếp bình thơ của Quốc Anh nhưng không đúng tiêu đề. Hơn nữa lời bình của Kim Đức quá đầy đủ, tưởng như không còn ngôn ngữ để diễn đạt. Và tôi đã theo bóng ảo diệu của Kim Đức cùng lời bình mới là nội dung chính yếu.

Bình luận viên Kim Đức vốn chưa có tên tuổi trong Làng Văn mà đã có những tìm tòi, phát hiện trong mạch thơ của tác giả với ngôn ngữ mạch lạc, không đưa đẩy, không  cường điệu, không  sáo mòn. Phê bình văn học là để giải mã những ẩn khuất trong tâm hồn của tác giả, dẫn dắt bạn đọc. Tuy Kim Đức bình chứ không phê, cũng điểm trúng vào huyệt mạch của tác giả như nhà thơ Quế Anh, ngay cả bạn đọc như tôi cũng bị chị  dẫn dắt. Kim Đức không chơi bóng trên sân cỏ, không phải là thủ môn để bắt banh da mà chị chơi bóng trong vườn văn và đã là thủ môn bắt bóng chữ tương đối chắc, chọn thơ hay, mỗ chữ giỏi. Ngôn ngữ bình phẩm của Kim Đức ẩn chứa bao hoài bão ước mơ

Hy vọng nay mai Kim Đức tiếp có những trang bình luận của tác giả – tác phẩm khác cũng tiếp chắc tay gõ phím… để thỏa mãn nhu cầu của độc giả.

Qui Nhơn 8/12/2015

Nguyễn Nhật Hùng{jcomments on}


Leave a Reply

Your email address will not be published.